Câu chuyện, góc nhìn, bài học nhân sinh qua quyển sách
“…Tôi không định viết một thiên tự truyện thực thụ. Tôi chỉ muốn kể lại những thử thách của tôi về chân lý… Nếu những cuộc thử thách ấy đã mệnh danh là thuộc phạm vi tu tâm thì không thể có chỗ cho sự tự hào; chúng chỉ có thể làm tăng sự khiêm cung. Càng hồi tưởng, càng nhìn về quá khứ bao nhiêu, tôi càng thấy rõ những giới hạn của mình bấy nhiêu.”
Quả thật như vậy, Tự truyện Gandhi không chỉ đơn thuần là một đoạn tự sự về một phần đời của mình; mà ở đó, trong từng chương, từng mục, từng vấn đề, câu chuyện được nêu ra đều là những thách thức mà tác giả phải vượt qua trên hành trình tự thực chứng để đối mặt với Thượng đế và chạm đến Chân lý.
Đọc sách, chúng ta như được nhìn lại một hành trình dài với những khởi sự của việc không nghe lời thầy giáo nhìn bảng viết của bạn trong lúc có thanh tra, rồi đến việc tảo hôn, đam mê sắc dục,… cho đến hành trình xuất dương để đến với một thế giới văn minh, học tập và tìm về với chính cái tình yêu cao thượng mà tác giả gọi đó là Chân lý.
Cuộc đời Gandhi (hay vẫn được gọi là Thánh Gandhi) là hành trình tự ngộ và khai ngộ. Đi từ tự thực chứng với những thử nghiệm, nghi vấn, đặt ngược vấn đề cho đến lan tỏa những giá trị đến từng nhóm cộng đồng cho đến rộng hơn là cả nhân loại.
Nhưng suốt chặng dài dõi theo câu chuyện với hơn 500 (năm trăm) trang sách, ở con người ấy vẫn luôn lặp đi lặp lại về sự không dám khẳng định tính tuyệt đối hay tính chân lý của những điều được đúc kết lại, đó là một sự khiêm cung của một bậc “Đại nhân”.
Rất nhiều câu chuyện, góc nhìn, bài học nhân sinh và cả những tư tưởng lớn được đúc kết và chiêm nghiệm trong cuốn tự truyện, nhưng có lẽ: tình yêu chân lý, nếp sống phạm hạnh giữa đời thường, thực hiện những điều mình tin tưởng và rao giảng cũng như tinh thần tôn trọng sự khác biệt và bao dung với người khác mình,… là những tư tưởng, giá trị mang tính nền tảng và lan tỏa.
Chúng ta có thể tìm thấy một vị Thánh với một tình yêu chân lý, một nếp sống phạm hạnh và yêu thương, một tinh thần bao dung và rộng mở với những gì khi nhắc về Thánh Gandhi. Nhưng không chỉ có vậy, Gandhi còn là một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng và anh hùng dân tộc đã đưa Ấn Độ thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh bằng con đường Bất bạo động, con đường mà ông cho là đi về chân lý và tình yêu thương.
“Người ta không thể sống được một lúc nào mà không phạm đến sự bạo động một cách hữu thức hoặc vô thức. Ngay cái sự kiện sống của con người – ăn, uống, di chuyển – nhất thiết phải bao hàm một sự bạo động nào đó, một sự phá huỷ đời sống, dù là đời sống nhỏ bé đến đâu. Một người theo đuổi Bất bạo động vì thế chỉ trung thành với niềm tin của anh ta khi mà mọi hành vi của anh ta đều tuôn phát từ lòng thương cảm, khi anh ta cố hết sức để tránh làm hại những sinh vật nhỏ nhít nhất, cố cứu nó, và nỗ lực không ngừng để thoát khỏi cái thòng lọng chết người của bạo động…”.
Tự truyện Gandhi là một cuốn sách hay, được viết bằng lời tự sự mộc mạc, giản dị và đầy tính khiêm cung đã đánh động đến phần sâu bên trong của người đọc và có một sự thôi thúc của năng lượng tích cực trong suy nghĩ, hành động. Giống như Đại thi hào Tagore đã nhận định: “Nghe tiếng gọi của Gandhi, Ấn Độ xông ngay tới một cảnh vinh quang cao quý mới, như hồi xưa, rất xa xăm, khi Phật tổ tuyên bố đạo từ bi, thương yêu cả mọi sinh vật”.
Độc giả, nguồn: https://www.ireviewsach.com/review-book/tu-truyen-gandhi-131211/274625#