Chương 2: Lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ nhìn từ trục thời gian lịch sử

Trong phần này, bài tiểu luận sẽ tìm hiểu lịch sử tiếp nhận thơ văn Thầy trên trục thời gian lịch sử gắn liền với những mốc chặng quan trọng trong tiểu sử cuộc đời Thầy:

  • Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trước năm 1975.
  • Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ sau năm 1975:
    • Trước thời gian Thầy Tuệ Sỹ bị cầm tù.
    • Trong và sau khoảng thời gian Thầy Tuệ Sỹ bị cầm tù và bị tuyên án tử hình, nhất là trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI.

2.1. Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trước năm 1975.

2.1.1. Bối cảnh lịch sử thời đại trước năm 1975.

Bối cảnh Việt Nam nửa cuối của thế kỉ XX là nửa thế kỉ mà dân tộc phải chìm đắm trong đau thương của cuộc chiến ý thức hệ, một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Trong bối cảnh chung là cuộc chiến phân rã dân tộc, thì ở miền Nam Việt Nam lúc đó cũng có những hoàn cảnh rất riêng, mà một trong những niên biểu đáng chú ý nhất là năm 1963, năm diễn ra cuộc đấu tranh của Phật giáo nhằm kháng lại chính sách độc tài và đàn áp đạo Phật của chính quyền Ngô Đình Diệm với đỉnh cao là hình ảnh của Bồ tát Thích Quảng Đức đã vị pháp thiêu thân cho tương lai của Đạo pháp và Dân tộc.

Năm 1963 cũng là một cột mốc phân chia thời kì trong đời sống văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam trước năm 1975, nhà văn Viên Linh đã viết về giai đoạn đó như sau: “Đã từ lâu và vài ba lần mỗi khi nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, lúc phân chia các thời kỳ, niên biểu 1963 và những năm tiếp theo cho thấy sự chuyển hướng ngoạn mục cho tinh thần và sự sáng tạo bật lên lan tràn cho ít ra là một thế hệ thanh niên mà sự vận động của thời thế đã mang lại… Tinh thần Đông phương, sự hòa hài của nhân quần, Thiền tính và thiên nhiên xanh mát một sớm một chiều đã từ các mái chùa lan tỏa vào tuổi trẻ thành phố, các phường khóm, những con đường quê, tiếng chuông thu không, lời kinh niệm Phật, và trở thành thơ, thành nhạc, thành văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam trong ít nhất là 10 năm sau đó… nơi mái trường Vạn Hạnh lại thấy thầy xưa, vẻ cũ thân thuộc: những Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Thạch Trung Giả, Ngô Trọng Anh, Tam Ích một phía, phía khác những người trẻ tuổi tràn đầy sức sáng tạo trên tờ tạp chí Tư Tưởng với các nhà xuất bản An Tiêm, Lá Bối, Ca Dao, Hoàng Hạc và Ban Tu Thư Vạn Hạnh và cả trăm cả ngàn cuốn sách viết và dịch với Tuệ Sỹ, Phùng Khánh Trí Hải, Phùng Thăng, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp, Phước An, Lê Tôn Nghiêm, Chơn Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Trúc Thiên, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư,…” (Viên Linh, Tuổi trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020, tr. 253).

Và Thầy Tuệ Sỹ là một trong những tên tuổi trẻ có uy tín nhất trong những danh tính nổi bật của văn học miền Nam giai đoạn 1963-1975.

2.1.2. Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trước 1975 ở miền Nam Việt Nam.

Về phạm vi tiếp nhận ở giai đoạn này, do bối cảnh lịch sử đất nước bị chia cắt nên thơ văn Tuệ Sỹ chỉ được tiếp nhận ở miền Nam Việt Nam, nhất là ở các khu vực đô thị như Sài Gòn là nơi có trình độ văn hóa phát triển.

Về lĩnh vực tiếp nhận, ở giai đoạn này Tuệ Sỹ được tiếp nhận đồng thời và khá đồng đều trên cả ba lĩnh vực là Phật học, Triết học và Văn học.

Về tình hình tiếp nhận, ở giai đoạn này sự tiếp nhận về Phật học và Triết học của Tuệ Sỹ nổi bật hơn là Văn học, ấy là bởi vai trò quan trọng và trí tuệ uyên thâm quảng bác của Thầy trong lĩnh vực Phật học và Triết học đã quá nổi tiếng với tư cách là Giáo sư thực thụ, Phân khoa trưởng Phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh, chủ bút tạp chí Tư Tưởng – cơ quan ngôn luận của Viện Đại học Vạn Hạnh (một tạp chí Phật học – Triết học uy tín và chất lượng hàng đầu ở miền Nam lúc bấy giờ). Nhà văn Viên Linh có thuật lại về tầm uy tín và nổi bật của Tuệ Sỹ trên lĩnh vực Phật học và Triết học ở Viện Đại học Vạn Hạnh: “Trong các nhà tu hành trẻ tuổi hồi thập niên ’70, khuôn mặt của Tuệ Sỹ, vóc dáng của một hiền giả, nhìn vào, nói tới, là nhìn vào, nói tới một tinh thần, một phong cách sáng lạn. Hồi ấy, ảnh hưởng truyện kiếm hiệp Kim Dung còn mạnh, Võ Lâm Ngũ Bá từ Anh Hùng Xạ Điêu thấy xuất hiện ngoài đời… Năm vị anh hùng trấn võ lâm, đem vào gia phả Vạn Hạnh, có Trung Thần Thông Vương Trùng Dương Thượng Tọa Minh Châu, Viện trưởng; Bắc Cái Hồng Thất Công Bùi Giáng; Nam Đế Ngô Trọng Anh; Tây độc Phạm Công Thiện, và Đông tà Tuệ Sỹ” (Viên Linh, “Tuệ Sỹ, Tù Đày và Quê Nhà”, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020, tr. 266).

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà trên lĩnh vực văn học tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ lại ảm đạm, từ khoảng năm 1973-1974 Tuệ Sỹ đã là một tên tuổi cực kì uy tín trong đời sống văn học của miền Nam. Chủ yếu thơ văn Tuệ Sỹ được khởi đăng trên báo Tư Tưởng của Viện Đại học Vạn Hạnh do chính Thầy chủ biên, hai tạp chí Khởi Hành và Thời Tập, sau đó có đăng trên tờ Vấn Đề của Vũ Khắc Khoan. Độc giả tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ giai đoạn này chủ yếu là tầng lớp độc giả tinh anh. Thơ văn Tuệ Sỹ được đăng và được đọc nhiều tuy nhiên chưa có nhiều bài phê bình hay nghiên cứu về thơ văn Tuệ Sỹ ở giai đoạn này, điều này được nhà văn Viên Linh, một biên tập của hai tạp chí Khởi Hành và Thời Tập (hai tạp chí đăng thơ văn Tuệ Sỹ nhiều nhất) viết lại như sau: “Tuệ Sỹ không được các nhà phê bình Văn Học Miền Nam nói đến đầy đủ, chỉ bởi chúng ta, Miền Nam, chưa đào tạo được bao nhiêu nhà phê bình văn học… Nói đến Tuệ Sỹ trước 1975 cũng chỉ có vài người, trong có Bùi Giáng, Nguyễn Hữu Hiệu và chúng tôi…” (Viên Linh, “Tuệ Sỹ, Giữa Mùa Thay Đổi”, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020, tr. 264).

Có thể thấy, ở giai đoạn trước năm 1975, thơ văn Tuệ Sỹ đã có một vị trí uy tín và nổi bật nhất định trong đời sống văn học miền Nam Việt Nam. Tuy chưa thực sự rộng rãi và phát triển như ở các giai đoạn sau trong lĩnh vực phê bình văn học nhưng thơ văn Tuệ Sỹ giai đoạn này đã có những cộng đồng người đọc rất chất lượng, ít nhất là trong giới độc giả tinh anh của miền Nam và đó chính là một trong những nền tảng cho sự phát triển của tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ sau này.

2.2. Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ sau năm 1975.

2.2.1. Bối cảnh lịch sử thời đại sau năm 1975.

Năm 1975 cuộc chiến tranh ý thức hệ kết thúc, Việt Nam được thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng người Việt vẫn chưa thể bao dung nhau về mặt ý thức hệ. Chiến tranh là một thảm kịch, nhưng không thể ngờ rằng, sau chiến tranh Việt Nam lại lâm vào một thảm kịch nhân sinh khác đau đớn không kém. Với những chính sách của bên thắng cuộc đối với kẻ bại trận mà Việt Nam lúc ấy đã phải hứng chịu những cảnh đau thương như nạn Thuyền nhân, những Trại học tập cải tạo mà nó đã chôn vùi biết bao tinh anh của dân tộc,… những nghi kị và hận thù vẫn tiếp diễn khiến dân tộc “vẫn chưa tròn một quê nhà bao dung” (Hoài Khanh).

Cùng chung với thảm kịch nhân sinh của dân tộc, đây cũng là giai đoạn mà Thầy Tuệ Sỹ đã thực sự phải chịu đựng những “đọa đày” của số phận cho một chí nguyện cứu lấy nhân sinh, cứu lấy dân tộc khỏi áp bức và bất công của bạo quyền.

Sau năm 1975 Thầy về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào TP. Hồ Chí Minh sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam. Đầu năm 1978 Thầy bị đưa đi học tập cải tạo 3 năm, đến năm 1981 thì được trả tự do. Ngày 1 tháng 4 năm 1984 Tuệ Sỹ bị bắt cùng với Thầy Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Lúc bị bắt năm 1984 Thầy và Hòa thượng Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam. Tháng 9 năm 1988 Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng 11 năm 1988 sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Trước quyết đinh đó cuộc vận động giảm án cả ở trong nước và quốc tế vẫn không giảm bớt, cuối cùng chính quyền cũng phải trả tự do cho Thầy vào ngày 1 tháng 9 năm 1998 từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam.

2.2.2. Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ sau năm 1975.

Về phạm vi tiếp nhận, sau năm 1975, các tác phẩm văn học của Thầy Tuệ Sỹ được tiếp nhận rộng rãi ở cả khu vực hải ngoại và trong nước, tuy nhiên, khu vực hải ngoại có tình hình tiếp nhận phát triển và rộng rãi hơn.

Về lĩnh vực tiếp nhận, sau năm 1975, Tuệ Sỹ vẫn được tiếp nhận trên ba lĩnh vực là Phật học, Triết học và Văn học.

Về tình hình tiếp nhận sau năm 1975, Tuệ Sỹ được chú trọng và tiếp nhận chủ yếu trên hai lĩnh vực Văn học và Phật học. Dưới đây bài tiểu luận sẽ đi cụ thể vào giai đoạn sau năm 1975 của tình hình tiếp nhận Văn học Tuệ Sỹ.

* Thời gian trước khi Thầy Tuệ Sỹ chính thức bị cầm tù (1975 – 1978 & 1984 – 1984)

Có một khoảng thời gian 3 năm (1975-1978) trước khi Thầy Tuệ Sỹ bị đưa đi học tập cải tạo (1978) và 3 năm sau (1981-1984) khi Thầy được trả tự do khỏi trại học tập cải tạo (1981), tổng cộng là 6 năm Thầy không bị cầm tù. Khoảng thời gian này ở trong nước tình hình sáng tác và tiếp nhận văn học nói chung cũng như tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ nói riêng thực sự lâm vào cảnh trạng khủng hoảng, không có tác phẩm nào của Thầy được xuất bản, không hề có bài viết nào về thơ văn Tuệ Sỹ, các cộng đồng độc giả của thơ Tuệ Sỹ hoặc là đang lênh đênh trên biển để vượt biên, hoặc bị bắt vào các trại học tập cải tạo,… tất cả lúc này đang khổ đau vật lộn sinh tồn trong một thảm trạng đầy nghi kị, hận thù và chia rẽ của dân tộc sau chiến tranh.

* Trong và sau khoảng thời gian Thầy Tuệ Sỹ bị cầm tù và bị tuyên án tử hình, nhất là trong hai thập niên đầu thế kỉ XXI (1984-1998 & 1999-nay).

Trước khi Thầy Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình (1984 – 1988).

Vào ngày 1 tháng 4, 1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị chính quyền bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát và 19 Tăng ni, sỹ quan cũ của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và bị kết án âm mưu võ trang lật đổ chính quyền. Đây thực sự là một sự kiện gây chấn động lương tâm lúc bấy giờ, không chỉ trong giới tăng lữ Phật giáo và người dân miền Nam mà đặc biệt đối với những người con của miền Nam vượt biên qua đường biển thành công hiện đang ở hải ngoại. Trước việc Thầy Tuệ Sỹ và hàng loạt các bậc cao tăng, thạc đức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị cầm tù, nhiều người bị hành hạ và phải bỏ mạng nơi lao ngục như Hòa Thượng Thích Thiện Minh, thì cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã liên tiếp vận động dư luận quốc tế can thiệp để buộc chính quyền phải trả tự do cho những người bị bắt.

Trong khoảng 4 năm trước khi Thầy bị tuyên án tử hình (1984-1988), tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ vẫn chưa có thật nhiều khởi sắc, do lúc này, đang ở giai đoạn đầu của cuộc vận động trả tự do cho Thầy và những người bị khác. Lúc này vẫn chưa có tác phẩm nào của Thầy được xuất bản lại, chưa có nhiều bài viết về thơ văn Thầy mà chủ yếu là các tin tức về sực việc Thầy cùng một số Tăng Ni và những người của chế độ cũ đã bị bắt và cầm tù.

Sau khi Thầy Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình (1988).

Ngày 30/09/1988, bậc chân tu Tuệ Sỹ bị tuyên án tử hình, cùng học giả Trí Siêu Lê Mạnh Thát, các cựu sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Phan Văn Trí, Tôn Thất Kỳ, và 17 vị khác thuộc Mặt Trận Nhân Quyền Việt Nam và Lực Lượng Việt Nam Tự Do. Đây thực sự là một chấn động rất mạnh đối với lương tâm con người. Đây cũng chính là cột mốc đánh dấu một đời sống vô cùng mãnh liệt của hoạt động tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ. Chưa bao giờ thơ văn Thầy lại được đọc và tiếp nhận nhiều và rộng rãi như sau khi bản án tử hình đối với Thầy cùng Thầy Trí Siêu được ban bố. Bản án tử hình đó tưởng chừng có thể chấm dứt sự sống của một con người, chấm dứt những ảnh hưởng tinh thần của con người ấy đối với người dân Việt Nam thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa ở trong nước cũng như hải ngoại, tưởng chừng bản án đó như một lời ranh đe đanh thép cho những kẻ khác. Nhưng không, ngược lại đó như một tiếng chuông thức tỉnh mạnh mẽ lương tâm và hành động của con người.

Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở hải ngoại sau khi Thầy bị tuyên án tử hình (1988-1998 & 1999 – nay)

Từ bản án tử hình năm 1988, tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ phát triển cực kì mạnh mẽ, khởi đầu ở hải ngoại. Chưa bao giờ thơ văn Tuệ Sỹ được đọc nhiều như giai đoạn này. Ngay khi bản án tử hình được tuyên vào ngày 30/09/1988 thì sư cô Tuệ Hạnh đã lập tức sưu tập các bài thơ của Thầy làm trong khoảng thời bị bắt giữ 1979-1981 và 1984-1988 thành tập Ngục Trung Mị Ngữ do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản vào ngày 02/11/1988. Lúc này, đối với độc giả đã biết và tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trước đó họ lục tìm và đọc lại những tác phẩm Thầy một cách ráo riết, bởi nếu bản án tử hình đó được thực thi thì đó là một mất mát lớn đối với Đạo pháp và Dân tộc. Việc tìm đọc và sưu tuyển những sáng tác của Tuệ Sỹ trở nên cấp thiết, trước khi nó chịu chung số phận bị tiêu hủy với đa số những sản phẩm văn học, văn hóa của miền Nam lúc bấy giờ. Còn đối với những người chưa từng biết và tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ trước đó, họ cũng bắt đầu tìm hiểu xem ông thầy tu này là ai và đã làm những gì, đã sáng tác những gì, “nguy hiểm” đến mức nào mà chính quyền Hà Nội phải tuyên án tử hình. Và sau khi tiếp xúc và đọc những sáng tác của Thầy, nhất là những sáng tác thơ văn thì không khỏi quá đỗi ngạc nhiên trước một trí tuệ quảng đại, một đại bi tâm rộng lớn, một khí phách dũng mãnh đến tuyệt độ của một con người.

Chính bởi những lẽ đó, mà giai đoạn 1988 – 1998 ở hải ngoại, tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ phát triển mạnh mẽ. Các tạp chí của người Việt ở hải ngoại đã bắt đầu cho đăng lại những sáng tác của Tuệ Sỹ như Tạp Chí Văn Học số đặc biệt với nhan đề “Tuệ Sỹ & Lê Mạnh Thát” (12/1988), liên tiếp các sáng tác của Thầy được dịch sang tiếng nước ngoài để đem đi đọc ở các buổi vận động dư luận quốc tế can thiệp buộc chính quyền trong nước phải hủy bỏ bản án tử hình đối với Tuệ Sỹ và những người khác, nhà văn Viên Linh có thuật lại một số sự kiện đó như sau: “Tôi nhờ giáo sư Đỗ Đình Tuân dịch cho một bài thơ của bạn tôi qua tiếng Anh, Mười Năm Cuộc Lữ, thực hiện ngay một bản tin bằng tiếng Anh, và mang lên đọc trong một Đại hội của Văn Bút Hoa Kỳ ở Los Angeles. Tôi đọc nguyên văn bản của Tuệ Sỹ, và anh Trịnh Y Thư sau đó đọc bản dịch Anh ngữ. Văn Bút Quốc tế qua tài liệu do bà Jeanne Leedom-Ackerman, lúc ấy là Chủ tịch Văn Bút Hoa Kỳ ở Miền Tây chuyển lên giùm, đã can thiệp tích cực vào vụ Chùa Già Lam. Cũng vụ này, Tạp Chí Văn Học làm một số đặc biệt vào ba tháng sau, và tôi đã dành lấy việc trình bày cái bìa, và làm ba đoạn thơ cảm khái, với nhan đề Trí, Tuệ…” (Viên Linh, “Tuệ Sỹ, Tù Đày Và Quê Nhà”, Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020, tr. 267).

Đồng thời, những bài viết về con người và thơ văn Tuệ Sỹ cũng được sáng tác nhiều, một phần là bởi cảm khái với những gì mà Thầy cùng với đồng bào đang phải chịu đựng ở trong nước, họ tìm hiểu con người và tìm đọc thơ văn Thầy rồi không đừng được mà phải viết xuống đôi dòng cảm nhận; một phần nguyên do nữa là họ cũng muốn đưa đến cho cộng đồng quốc tế những chân dung đầy đủ nhất về Tuệ Sỹ, thay Thầy và đồng bào nói lên tiếng nói ở hải ngoại nhằm vận động dư luận thế giới can thiệp buộc chính quyền Hà Nội phải hủy bỏ án tử hình với Tuệ Sỹ và những người khác. Nhờ sự tranh đấu tích cực của các Cơ quan Nhân quyền Quốc tế, trong có Hội Ân Xá Quốc Tế và Văn Bút Thế Giới, cũng như Ủy ban Tranh đấu cho Quyền Làm Người Việt Nam v.v… kết quả là chính quyền đã phải giảm án xuống còn chung thân khổ sai, đem giam Tuệ Sỹ tại trại A.20 tại Phú Yên. Tháng 10/1994, cùng 200 tù nhân, ông tham gia biểu tình đòi gặp phái đoàn Liên Hiệp Quốc và thực hiện các quyền khác, nên bị đày ra Bắc. Năm 1998, Hà Nội thả Thầy Tuệ Sỹ, cùng với một số người khác. Trước đó, Thầy đã tuyệt thực trong tù. Trước khi thả, chính quyền muốn Tuệ Sỹ ký vào lá đơn Xin Khoan Hồng, Tuệ Sỹ trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Họ nói không viết đơn thì không thả. Tuệ Sỹ không viết, và tuyệt thực. Cuối cùng chính quyền cũng phải trả tự do cho Thầy sau 10 ngày tuyệt thực. Hôm đó là ngày 01/09/1998.

Do việc tập trung vận động dư luận quốc tế can thiệp đối với bản án tử hình của Thầy nên trong giai đoạn này (1988-1998) ở hải ngoại các tuyển tập sưu tập bài viết về con người và thơ văn Thầy Tuệ Sỹ chưa xuất bản chính thức, mà chỉ sau khi Thầy được trả tự do vào tháng 09/1998 – nay thì tình hình xuất bản, tái bản các tuyển tập những sáng tác của Tuệ Sỹ và những sáng tác viết về Thầy ở hải ngoại mới thực sự phát triển một cách cực kì mạnh mẽ và rộng rãi. Những sáng tác của Thầy được liên tục xuất bản, tái bản ở hải ngoại như:

1. Giấc mơ Trường Sơn:

+ In lần thứ 2: Nxb An Tiêm (San Jose, California), 2002.

+ In lần thứ 3: NXB An Tiêm (Sydney, Úc), 2003.

+ In lần thứ 4: Nxb C. MindfulnessLLC and Bodhi Media, 2020.

2. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng:

+ In lần thứ 2 có bổ sung: Nxb An Tiêm (Paris), 2001.

+ Tái bản lần 6 có hiệu chỉnh (ấn hành tại Hoa Kỳ): Hương Tích Phật Việt, 2019.

3. Thiên lý độc hành, Nxb Văn Học Press liên kết Culture Art Education Exchange Resoure, 12/2020.

4. Tuệ Sỹ Văn Tuyển (Tập I, II, III), In lần thứ 2: Hương Tích, 04/2015 (xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ).

Những tuyển tập các bài viết về con người và thơ văn Tuệ Sỹ được xuất bản và tái bản ở hải ngoại trong giai đoạn này (1998-nay) bao gồm:

1. Tuệ Sỹ – Đạo Sư, Thơ, và Phương Trời Mộng (tập I, II, III), Thích Nguyên Siêu:

+ In lần thứ 1: Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2002 (Hoa Kỳ).

+ In lần thứ 2: Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2006 (Hoa Kỳ).

+ In lần thứ 3: Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2013 (Hoa Kỳ).

+ In lần thứ 4: Nxb Trung Đạo liên kết Hương Tích, 2020.

2. Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng (tập I, II, III, IV), Nguyễn Hiền – Đức sưu tập:

+ Phát hành trực tuyến: Thư Viện Hoa Sen, 2016

3. Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nguyễn Hiền – Đức sưu tập, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher, 06/2020.

4. “Tuệ Sỹ – Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” – The Most Venerable Thich Tue Sy An Essence of Vietnamese Buddhism A Master of the Fourfold Sangha, Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

+ Nxb Lotus Media – C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher, 2019.

Tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở trong nước sau khi Thầy bị tuyên án tử hình (1988-1998 & 1999 – nay)

Giai đoạn 1988-1998, tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở trong nước không phát triển mạnh mẽ như ở hải ngoại. Việc không hề có một tác phẩm của Tuệ Sỹ hay bài viết nào về con người và thơ văn Tuệ Sỹ được xuất bản ở trong nước giai đoạn này là một điều đương nhiên với thân phận một kẻ tử tù với âm mưu lật đổ chính quyền mà Thầy đang phải gánh chịu. Bên cạnh đó, những bộ phận độc giả của thơ văn Tuệ Sỹ cũng không nhiều bởi đa phần đã vượt biên hoặc cũng đang gặp nạn, việc tiếp xúc và đọc được tác phẩm của Thầy giai đoạn này là một việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là hoàn toàn không hề có độc giả nào đọc thơ Tuệ Sỹ. Nếu trong thời gian bị cầm tù này Thầy vẫn tiếp tục có những sáng tác trong bối cảnh lao đày, thì đối với việc tiếp nhận cũng sẽ có những độc giả tiếp tục đọc thơ Tuệ Sỹ (gồm cả những người ở trong tù và bên ngoài), và đương nhiên là đọc một cách lén lút, không hợp pháp, không chính thức. Bởi vậy, nếu có bài viết nào về con người và thơ văn Tuệ Sỹ được sáng tác thì cũng không thể công khai, càng không thể đem đi đăng báo hay tiến hành sưu tuyển.

Đến giai đoạn sau khi Thầy được trả tự do từ năm 1998-nay, tình hình tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ ở trong nước đã có những khởi sắc, tuy nhiên phải đến những năm 2007 – nay, mới có những thay đổi thực sự đáng kể. Các tác phẩm văn học của Thầy liên tiếp được xuất bản và tái bản ở trong nước như:

1. Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng:

+ Tái bản lần 3: Nxb Văn Hóa Sài Gòn, 2007.

+ Tái bản lần 4: Nxb Hồng Đức, 2013.

+ Tái bản lần 5 có hiệu chỉnh: Hương Tích Phật Việt, 2014.

2. Refrains pour Piano – Những điệp khúc Cho Dương Cầm, Nxb Phương Đông, 2009.

3. Hoàng Cầm Tình Khúc (Tuệ Sỹ & Dominique de Miscault), Nxb Hồng Đức, 2016

4. Tuệ Sỹ Văn Tuyển (Tập I, II, III)

+ In lần thứ 1: Hương Tích ấn hành, 2014.

+ In lần thứ 3: Nxb Phương Đông, 08/2015.

+ In lần thứ 4 có bổ sung: Nxb Hồng Đức, 2016.

+ In lần thứ 5: Nxb Phương Đông, tái bản, 2017

+ In lần thứ 6: Nxb Hồng Đức, 2019.

 So với giai đoạn trước, từ năm 2007 – nay, tình hình xuất bản và tái bản các tác phẩm của Tuệ Sỹ đã có những thay đổi tích cực hơn rất nhiều, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi những rào cản nhất định, ví dụ như hai tập thơ Ngục Trung Mị NgữGiấc Mơ Trường Sơn (hai tập thơ bao gồm nhiều bài được Thầy sáng tác trong thời gian ở tù) vẫn chưa được xuất bản trong nước, bên cạnh đó cũng chưa có một tuyển tập các bài viết về con người và thơ văn Tuệ Sỹ được ra đời ở Việt Nam. Như vậy, ta có thể thấy rằng việc tiếp nhận Tuệ Sỹ ở Việt Nam hiện nay đã có những độ mở nhất định, tuy nhiên sự tiếp nhận đó vẫn còn quá đỗi mong manh so với tài năng và vị trí trong đời sống văn học mà Tuệ Sỹ đáng được có. Bên cạnh đó, tuy việc tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ đã có những chuyển biến tích cực, nhưng đối với việc tiếp nhận những công trình viết về Tuệ Sỹ thì vẫn còn rất e dè.

Lý do nào cho sự e dè đó? Nguyên do thứ nhất, cũng có lẽ quan trọng nhất là bởi chính quyền trong nước vẫn chưa thể chấp nhận và cho phép xuất bản những bài viết có nội dung không có lợi cho mình. Thứ hai, là những sáng tác viết về thơ văn Tuệ Sỹ đều là của cộng đồng tại hải ngoại, tức họ là những con người thuộc về miền Nam Việt trước năm 1975, do biến cố lịch sử đã phải vượt biên bằng nhiều cách và sống cảnh lưu vong tại nước ngoài, hoặc là những thế hệ sau của thế hệ vượt biên đó. Từ những thảm cảnh của bản thân hoặc của thế hệ cha ông và việc chứng kiến bao bất công tàn khốc mà người ở lại đã phải gánh chịu, cộng đồng độc giả lưu vong đó luôn viết về quê hương và những gì thuộc về quê hương một cách rất trung thực bằng cả tấm lòng và khát vọng hòa giải, gắn kết dân tộc, cái gì là bạo tàn thì là bạo tàn, đã sai lầm thì phải nói sai lầm, chứ chẳng thể nói khác đi được. Bởi vậy nên, đối với chính quyền trong nước việc tiếp nhận, chấp nhận và xuất bản những sáng tác về Tuệ Sỹ của các cộng đồng độc giả hải ngoại như vậy ở Việt Nam vẫn còn quá khó khăn.

Mặc dù những công trình về Thầy Tuệ Sỹ không được xuất bản chính thức ở Việt Nam, nhưng không có nghĩa là nó không được tiếp nhận ở trong nước. Trong thời đại công nghệ thông tin và mạng lưới toàn cầu rất phát triển thì việc tiếp cận những công trình viết về Thầy Tuệ Sỹ trên nền tảng số hóa không phải là một điều quá khó. Chính vậy nên, các công trình đó vẫn có một đời sống ở Việt Nam với những cộng đồng độc giả nhất định.

Tiểu kết

Nhìn vào lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ, chúng ta có thể thấy một điều là lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ gắn liền với những thăng trầm trong vận mệnh điêu linh của đất nước một thuở. Số phận của Tuệ Sỹ và tác phẩm của Thầy không chỉ là số phận Riêng của một cá thể mà là sử mệnh Chung của cả dân tộc, là tính mệnh Chung của quê hương Việt Nam, sư cô Thích Nữ Huệ Trân đã viết như vậy: “Vì Thầy Tuệ Sỹ không chỉ là một ông thầy tu, pháp danh Tuệ Sỹ. Trải qua khúc quanh cực kỳ nghiệt ngã của lịch sử, thầy Tuệ Sỹ đã đồng nghĩa với Lịch Sử, đồng nghĩa với Quê Hương, đồng nghĩa với Dân Tộc…” (Thích Nữ Huệ Trân, Bước Nhảy Của Chim Hồng, Tuệ Sỹ Đạo Sư – Thơ Và Phương Trời Mộng, Tập III, Nxb C. Mindfulness LLC and Bodhi Media Publisher, tr. 193). Và lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ một thời đã “Lênh đênh theo vận được thăng trầm”, nay cũng chính là dòng sử mệnh của dân tộc vẫn đang tiếp tục tuôn chảy.

_______
Phần trước: Chương 1: Lịch sử tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ nhìn từ trục thời gian lịch sử
Phần tiếp theo: Chương 3: Tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ nhìn từ góc độ độc giả.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận