Đỗ Hồng Ngọc: Thi Sĩ và Hơi Thở Pranasati

Cho nên, đối nghịch với cái ngây thơ trong sáng tĩnh lặng thảnh thơi ấy, con người tự đọa mình vào những “hì hục từng bước từng cấp, tu đến “xì khói” với bao mong cầu ước nguyện…, “Ngã” cứ ngày càng to đùng ra, nào chùa to Phật lớn, nào lên chức lên lon, huênh hoang màu mè diêm dúa, rồi hù dọa chúng sanh để vinh thân phì gia… thì không còn hành trì Chánh pháp nữa”, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc viết.

Ngân Hà

Có lần lên thăm Thầy Thích Phước An trên Đồi Trại Thủy ở Nha Trang, Thầy nói: “Thi ca là một con đường khác để mình có thể đi vào trong chiều sâu của Phật Pháp”. Một vị cao tăng nói như vậy thì hiểu theo trải nghiệm của mỗi người chứ không nhất thiết là phải tranh luận thêm, và tôi vẫn tập tành trên con đường này để được trở về bên trong mình. Cho đến khi lớn lên, bỗng một ngày gặp thêm một vị đã tìm vào Phật Pháp bằng cả hai con đường: Y Khoa và Thi ca: bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc.

Tác giả Đỗ Hồng Ngọc

1. Cái thật tướng mới đẹp làm sao

Trong số 7 cuốn thi ca và hơn 60 đầu sách về 3 lĩnh vực Y, Văn và Phật của tác giả Đỗ Hồng Ngọc, tôi đọc được khoảng… một phần ba các tác phẩm này thôi, còn thì đọc thêm trên trang nhà dohongngoc của ông nữa cũng lai rai thì không tính. Nhưng hễ có đầu sách mới ra là tôi chờ đợi, tò mò, mong được khám phá “Như Lai Tạng” của ông, các “Pháp” của ông biện biệt trong thi ca hay từng trang ông viết về sức khỏe thân tâm. Đọc ông viết về Phật Pháp dưới góc nhìn của một bác sĩ thì thấy được cái “điên đảo mộng tưởng”. Đọc ông viết về Phật Pháp dưới góc nhìn của một thi sĩ thì “còn nhớ trên đầu một chữ Như”. Đọc ông viết về Phật Pháp mà dưới góc nhìn của con người với tổng hòa các mối quan hệ xã hội thì “Hóa ra chỉ có một sự chân thành từ một tấm lòng mới đến được với tấm lòng”. Cuối cùng đi từ biện biệt để đạt đến một sự thinh lặng như không, chẳng còn lời giải thích nào nữa, là Thiền.

Ông cũng viết về Thiền và hành Thiền, và ông nắm nguyên tắc Thiền Anapanasati với câu chú tự trong ông miên mật “Thả lỏng toàn thân, thả lỏng chưa?”. Sau đó là bài vè mà ông sáng tác có tên Pranasati đúc kết các kỹ thuật Thiền:

Thả lỏng toàn thân/ Như treo móc áo/ Ngồi xếp bằng tròn/ Vai ngang lưng sổ

Dõi theo hơi thở/ Như mượn từ xa/ Khi vào khi ra/ Khi sâu khi cạn

Chú tâm quãng lặng/ Pranasati/ Hơi thở xẹp xì/ Thân tâm an tịnh

Không còn ý tưởng/ Chẳng có thời gian/ Hạt bụi lang thang/ Dính vào hơi thở

Duyên sinh vô ngã/ Ngũ uẩn giai không/ Từ đó thong dong/ Thõng tay vào chợ

Định nghĩa về sức khỏe của ông cũng là một sự đúc kết từ chính cuộc đời mình mà ông đã tự bạch trong bài viết “Tôi bây giờ” năm 2023: “Khỏe là một trạng thái hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội”. Nghe có vẻ rất… dễ hiểu đấy, nhưng mà sống chất lượng như thế thì phải luyện rèn chứ không thể chỉ nói suông và nghe suông. Trải nghiệm là lối đi của người trí đến với huệ, của tia chớp đạt ngộ khi nhận ra “cái thật tướng ấy mới đẹp sao” thì mới thấy “Tất cả mọi sự ở đời như giấc mộng, như huyễn, như bèo bọt, như ảo ảnh, như sương mai, như điện chớp…” nhận ra để không còn bám chấp hay ảo vọng thì mới thật có đời sống “Well-being”.

Người học Thiền ngày càng nhiều, đi hành Thiền ngày càng đông, nhưng để chuyển hóa thành thi ca với cái tên gọi riêng từ tiếng lòng mình đặt ra thì có lẽ tôi mới có biết được mỗi một mình ông.

2. “Ở đó, ta có quãng lặng”

Nhà thơ William Blake đã có 4 câu thơ được truyền tụng đến ngày nay: “Thấy thế giới trong một hạt cát nhỏ/ Và thiên đường trong mỗi đóa hoa tươi/ Giữ Vô hạn trong bàn tay hé mở/ Và Thiên thu trong khoảnh khắc cuộc đời”, nhưng ít ai đọc được điều này từ Blake: “Trong vũ trụ, có những thứ đã được biết đến, và những thứ chưa được biết đến, và ở giữa, có những cánh cửa”.

Có lẽ thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc cũng đã tìm ra con đường của mình để đi vào những cánh cửa ở giữa đó: “Và tôi, nhờ cái vốn y học, đã tìm trong Cơ thể học, Sinh lý học, Thần kinh học, Tâm lý học… từ đó mà thấy con đường rất khoa học Phật đã dạy cho Thiền Định: Anapanasati, Quán niệm hơi thở… Từ đó tôi nghiền ngẫm thực hành và đặt một từ cho riêng mình: Pranasati: đặt Niệm vào khoảng trống ở giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Khi vào Định thì không còn “nhớ nghĩ” gì đến hơi thở nữa… Đó có thể coi là một bardo, trung gian giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Ở đó, ta có quãng lặng, không thở, ngưng thở, một “quãng chết ngắn”. Đó là cách “tập chết” hiệu quả mỗi ngày mà có lẽ các hành giả Mật thừa trải nghiệm quá trình sự chết, học tập sự chết… Pranasati cũng được người xưa coi là “Nguồn sống” ấy là cõi không thở, cõi trước khi thở… Đây cũng chính là giai đoạn người ta sống trong bào thai mẹ, hay trở về bào thai Như Lai, Như Lai tạng”.

Cái “quãng lặng” ấy thật vi diệu và sâu thẳm tận cùng. Trong âm nhạc, quãng lặng để cảm xúc được giữ lại ngưng đọng rồi vọt trào. Trong hội họa, quãng lặng là những tiếng thở cuối cùng đọng lại khi ta rời khỏi tác phẩm. Trong thi ca, khoảng lặng chính là “đêm tối với khoảng trống trần gian” của Rilke. Trong quãng lặng của Đỗ Hồng Ngọc, ta chẳng thấy gì nữa khi đã thực sự bước qua bờ bên kia nhờ “Nguồn sống” Pranasati.

Trong kinh Luận Vãng Sanh mà tôi từng đọc trong những ngày đầu sau người thân lìa đời, bài kinh dài với nhiều từ ngữ liệt kê, tôi nhận ra mình đã vô cùng kinh ngạc khi đọc câu: “Cái không” không thể nào hủy diệt “cái không”. Chính lời này đã giúp cho tôi và người đã ra đi được an lành đến cõi sáng.

Đó phải chăng chính là khởi sự cho sự chết bắt đầu bằng sự sống quy hồi vĩnh cửu?

Chỉ trong khoảng vài trăm chữ ngắn ngủi, nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã mô tả rõ ràng về cái chết và sự tái sanh liền kề trong chứng nghiệm của riêng ông. Nếu một y sĩ mà không đi vào các Pháp bằng con đường của thi ca, thì ông sẽ chứng nghiệm thế nào? Đó là câu hỏi mà tôi dành lại cho sự chứng nghiệm của các bạn đọc, bởi vì tôi, sau khi đọc những dòng trên thì đã tự trả lời cho riêng mình rồi.

3. Hạt bụi và cánh bướm

Mở đầu tác phẩm “Triết học về Tánh không”, thầy Tuệ Sỹ ghi vài dòng lời của triết gia Martin Heidegger mà tôi tạm dịch là: “Vào một ngày hè, con bướm đậu trên bông hoa và khép cánh, đung đưa theo gió đồng cỏ nội” (Aus der Erfahrung des Denkens – Kinh nghiệm Tư tưởng)

Tác phẩm này Ôn Tuệ Sỹ viết ở tuổi hai mươi lăm với câu kết “Nếu ta coi nó như là ngón tay chỉ mặt trăng, vậy thì mặt trăng đang lơ lửng nơi phương nào?…”

Tôi đọc một câu mang tư tưởng triết lý mà nghe ra trong đó có thi ca, âm nhạc và cả hội họa. Hình ảnh cánh bướm, sự tĩnh tại khi đong đưa đôi cánh theo hơi thở đồng nội thanh tân. Tôi càng cảm khái hơn khi đọc những dòng tác giả Đỗ Hồng Ngọc trong bài “Con đường trung đạo”, ông ghi lại hình ảnh Đức Phật lúc mới khoảng 10 tuổi, theo vua cha làm lễ Hạ Điền đầu năm, “ngồi dưới bóng cây giữa cánh đồng mát mẻ, không bị “dính mắc” gì với buổi lễ Hạ điền dưới kia, lúc đó Ngài chẳng biết gì về tham thiền, nhập định hay tứ thiền bát thiền gì cả vì hãy còn rất nhỏ, chỉ biết hồn nhiên, trong sáng, vậy là đã ly dục, ly tầm ly tứ, vào sự sảng khoái lâng lâng gọi là hỷ lạc và đã thực sự thanh tịnh… Nếu sống hồn nhiên như một em bé thảnh thơi, thanh tịnh thì đã vào Tam muội Phổ Hiền rồi vậy!”.

Cho nên, đối nghịch với cái ngây thơ trong sáng tĩnh lặng thảnh thơi ấy, con người tự đọa mình vào những “hì hục từng bước từng cấp, tu đến “xì khói” với bao mong cầu ước nguyện…, “Ngã” cứ ngày càng to đùng ra, nào chùa to Phật lớn, nào lên chức lên lon, huênh hoang màu mè diêm dúa, rồi hù dọa chúng sanh để vinh thân phì gia… thì không còn hành trì Chánh pháp nữa”, bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc viết.

Bác sỹ Đỗ Hồng Ngọc và Ôn Tuệ Sỹ.

Bài viết cuối cùng trong tập bản thảo Một Ngày Kia Đến Bờ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc đặt tựa “Tôi bây giờ”, còn tôi thì mạo muội thêm vào vế sau “chính là Như Lai – Nó đến vậy đó” như nguyên nghĩa của “như lai”. Và tôi thấy ông đang có đời sống trẻ thơ “Từ tuổi 60 đến giờ bệnh lai rai. Tôi kệ. Tôi không thích mấy thứ xét nghiệm nọ kia. Và rất hạn chế dùng thuốc. Nhất là không ưa mấy thứ quảng cáo bổ dưỡng này nọ, theo tôi, không bằng ăn cơm với cá kho, với khô nướng, rau luộc, khoai lang, bắp và chè các thứ…”. Mà lại càng đúng bởi đã sống sau một lục thập hoa giáp, thì từ sáu mươi trở đi là trở về lại làm đứa trẻ hát ca lang bạt kỳ hồ cho đến một ngày kia đến bờ… gaté gaté paragaté parasamgaté bodhi svaha” thôi chứ còn tham sân si với hỉ nộ ái ố làm chi. Đã biết sống hạnh phúc “well-being” thì sẽ rời đi trong niềm vui “well-dying”.

Bản thảo Một Ngày Kia Đến Bờ ông mới viết xong tháng 6.2023.

Như cánh bướm mùa hè yên lặng đong đưa trong gió đồng nội thổi tới của Heidegger, như W. Blake “thấy thế giới trong một hạt cát nhỏ và Thiên đường trong mỗi đóa hoa tươi”, thì thi sĩ Đỗ Hồng Ngọc đã trở mình với “Hoàng hôn sóng vỗ bên trời biếc/ Sóng vỗ trong hồn ta ngẩn ngơ…” (trích Thơ Đỗ Nghê).

Cánh bướm, hạt bụi, hoàng hôn, sóng vỗ… trong cõi vô cùng vô tận của vũ trụ càn khôn này, có phải chăng cũng chính là ưu tư về Tánh Không Luận của Tuệ Sỹ đã tự đặt câu hỏi và trả lời ở tuổi hai mươi lăm: “Trong tư tưởng, mọi sự trở thành cô liêu và lững thững”.

Còn tôi thì xin tặng bài “vè” này cho tác giả Đỗ Hồng Ngọc:

Tôi không chỉ mang tâm hồn thi sĩ
Thì giờ đây mọi sự đã rõ rồi
Tôi là tôi, Tôi Bây Giờ là tôi
Tôi là Nó cùng đến như vậy đó

(Tịnh Thủy)

Tác giả bài viết.

Bài của Ngân Hà

Ghi chú: Tất cả những câu đóng trong ngoặc kép nếu không có mở ngoặc phía sau ghi tên tác giả hoặc đã chú tên tác giả từ phía trước, thì đều trích từ tập “Một ngày kia đến bờ” của tác giả Đỗ Hồng Ngọc cùng với một vài đoạn thơ bút hiệu Đỗ Nghê.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận