Đọc “Câu Chuyện Dòng Sông” của Hermann Hesse

“Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”. Có lẽ, chính vì câu nói trên đã khiến tôi tìm mua bằng được cuốn sách “Câu Chuyện Dòng Sông” của tác giả Hermann Hesse.

Lắng lòng, đắm chìm vào những dòng chữ suốt cả cuốn sách, cho đến lúc gấp lại những trang cuối cùng, tôi vẫn đang hồi tưởng những cung bậc cảm xúc của nhân vật Tất – đạt, Thiện Hữu. Một người mà dù là tu sĩ hay tại gia tôi nghĩ chúng ta đều nên có trên tay tác phẩm này. Đây là một tác phẩm văn học nghệ thuật như Ni sư Trí Hải từng nhận định: “Những ai phê phán sách này là phỉ báng đạo Phật hay đề cao đạo Phật đều không nhằm chỗ.” Quả đúng vậy, đọc tác phẩm chúng ta tự thấy ra có một phần nào bản thân đang hiện hữu trong chính hai nhân vật Thiện Hữu và Tất-đạt.

Ngay từ ban đầu những bước chân của một vị Sa môn đầy tự tin, cao ngạo từ khước cả lời dạy của Đức Thế Tôn – để rồi sau này Tất-đạt trượt dài theo dòng chảy của thế tục, của dục lạc thế gian, đắm chìm trong vị ngọt sắc dục, đam mê thể xác với thiếu nữ Kiều Lan hay của danh lợi với đại phú Vạn Mỹ. Và cuối cùng phải thốt lên trong thân xác kiệt quệ, đầy đau khổ : Vật chất , tiền bạc, dục ái đã bỏ Ta hay Ta đã bỏ chúng mà ra đi?!

Sau những đắm nhiễm với dòng đời điểm về cuối cùng của con người ấy lại là nằm vất vưởng bên cạnh dòng sông, để lắng nghe dòng sông nói và cũng để lắng nghe chính mình… Con người ấy phải chăng có thấp thoáng hình bóng chúng ta trong đó?! Khi ta khước từ những lời dạy của Bậc Thánh Trí mà lao theo cái chúng ta mặc định “ta đúng” mà chưa một lần “định thần” lại lắng thật – sâu, nghe thật – lâu. Chúng ta lao theo mục đích muốn đạt đến mà vô tình bỏ quên đi những cảnh sắc đẹp đẽ trên con đường ta đang đi, để rồi chưa đến đích mà thân xác ta đã héo tàn, tâm hồn đã ta hoen ố.

Tác phẩm là một câu chuyện dài của nhân vật Tất – đạt sau khoảng thời gian kiếm tìm giá trị của cuộc sống. Sau cùng mới ngộ ra thương yêu vạn vật là điều quan trọng nhất trên đời. Còn Thiện Hữu dù tu tập bên cạnh Đức Thế Tôn cho đến lúc Ngài nhập diệt vẫn chưa thấy được bình an nơi đâu?!

… Gấp lại trang sách cuối, hình ảnh Thiện Hữu hôn lên trán Tất-đạt một tình thương không còn “là tôi, là của tôi”… Điều làm tôi cảm niệm có lẽ chính là hai chữ “Tình Thương”. Dẫu có sa ngã, dẫu có lỗi lầm ta hãy cứ thương đi, hãy thương yêu với một trái tim không dính mắc, một tâm hồn không ràng buộc bởi cảm xúc của thế gian.

Tất-đạt lúc thì hóa thân làm một vị Tu sĩ, lúc lại làm một người tại gia bình thường đi tìm cái gọi là hạnh phúc, là bình an. Chúng ta có đang như vậy không? Và bình an ở đâu? nơi đâu mà ta luôn mong muốn có được, luôn kiếm tìm hoài mà chẳng thấy?!

Ngày 02/10/2022
Trung Hiền
(Bài và ảnh được tác giả bài viết cung cấp cho Phật Việt)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận