Hệ thống trường Bồ Đề trước 1975

Miền Nam trước năm 1975 ngoài hệ thống giáo dục công lập, mà vào giai đoạn đó không đủ trường lớp để đáp ứng nhu cầu giáo dục phổ cập các cấp trung – tiểu hoc miễn phí cho toàn thể con em ở độ tuổi đi học, còn có thêm hệ thống giáo dục tư thục do các vị tu sĩ của các tôn giáo đứng ra thành lập; trong đó số lượng nhiều và nổi bật nhất là các trường tư thục của các linh mục Thiên chúa giáo thành lập bên cạnh các nhà thờ và các trường tư thục Bồ Đề trên toàn quốc xây dựng trong khuôn viên các chùa Tỉnh hội, Chi hội Phật giáo VN.

Do từ thời Pháp thuộc đến thời đệ nhất và đệ nhị công hòa tại miền Nam, đạo Thiên chúa luôn sự được hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà cầm quyền nên cơ sở tôn giáo và trường ốc luôn chiếm được các vị trí trung tâm, đắc địa… ngoài ra do nhu cầu truyền dạy giáo lý cho trẻ em nên các trường lớp dạy trẻ em thường được xây dựng, thành lập sớm hơn các tôn giáo khác và cơ sở vật chất cũng như trang bị dùng cho giảng dạy cũng có phần nào đó tốt hơn, đáp ứng tương đối tốt yêu cầu của phụ huynh và học sinh. Do ưu thế ấy nên thành phần học sinh thu hút được thanh thiếu niên nam nữ thuộc các tầng lớp trên có điều kiện về tài chánh, cũng vì vậy học sinh theo học các trường do đạo Thiên chúa lập ra không chỉ là con em các gia đình theo đạo, không chỉ là những học sinh không thi đậu vào các trường công lập mà còn gồm có con em của các gia đình không theo đạo Thiên chúa, con em của các gia đình tầng lớp trên của xã hội muốn được hưởng một nền giáo dục theo ý muốn của họ khi họ thấy cơ sở trường ốc và các thầy cô giảng dạy ở các trường công lập không đáp ứng được! Những điều đó dẫn đến chất lượng đào tạo học sinh được xem là tốt hơn một số loại hình trường tư thục khác.

Trong khi đó các trường tư thục Bồ Đề thường được thành lập muộn hơn các trường của Thiên chúa giáo, hệ thống trường Bồ Đề lại hướng về tầng lớp học sinh nghèo… Do đó, theo nhận định của chính các vị chức sắc đứng đầu trong hệ thống giáo dục Bồ Đề (như thượng tọa Thích Minh Châu, cố viện trưởng viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn…) thì điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng học sinh tốt nghiệp.

Thiền sư Thích Trí Thủ, người giữ trách vụ ủy viên hoằng pháp của hội Việt Nam Phật Học khi hội này được tái thành lập năm 1948. Năm 1952, sư ông đã đặt viên đá xây dựng cho ngôi trường trung học tư thục Bồ Đề đầu tiên của hội Việt Nam Phật học (Người viết: có tài liệu nói là của hội Tăng già Trung Việt – điều này nếu có điều kiện cần làm rõ vì tại thời điểm năm1951, Phật lịch 2514, tại miền Trung vừa có Hội Phật học Việt Nam Trung Việt, vừa có Sơn môn Tăng già Trung Việt. Nhưng ở phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ quan tâm một điều: trường Bồ Đề đầu tiên ở VN ra đời năm 1952) tại thành nội Huế. Từ đó về sau, các trường tư thục Bồ Đề liên tiếp được các cư sĩ Phật giáo dựng lên ở các tỉnh hội và chi hội khắp miền Trung cho các cấp tiểu học và trung học.

Những trường này đều do các tỉnh hội và chi hội của hội Việt Nam Phật Học quản trị. Tại các trường Bồ Đề, một giờ Phật pháp hàng tuần được thiết lập trong chương trình giáo dục, ở cấp tiểu học cũng như ở cấp trung học, trường Bồ Đề trở nên một môi trường mới cho sự hoằng pháp và giáo dục thiếu nhi trên tinh thần đạo Phật. Tuy có dạy một số giờ giáo lý Phật giáo nhưng chương trình học trong các trường Bồ đề vẫn theo chương trình mà Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH đã đề ra, giống như trong các cơ sở giáo dục công lập và tư thục khác.

Trong số những người đứng ra tổ chức và quản trị các trường tư thục Bồ Đề chúng ta thấy có nhiều huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử, một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên trong phạm vi tổ chức của hội Việt Nam Phật Học. Kể cả có nhiều trường Bồ Đề có Hiệu trưởng, giám học, giám thị.v.v không phải là các vị tu sĩ.

158 trường Trung tiểu học Bồ Đề và Mẫu giáo Kiều Đàm trên toàn miền Nam vào thời điểm trước năm 1970 (theo tài liệu của Giáo dục vụ tức Thế học vụ thuộc Viện Hóa đạo của Hội PGVN trước 75). Một tài liệu khác ghi: đến năm 1971 toàn miền Nam có 137 trường Bồ Đề và Mẫu giáo Kiều Đàm với tổng số học sinh lúc bấy giờ là 58.466 học sinh.

CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC BỒ ĐỀ (BĐ)
TRONG MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975
TT TỈNH TÊN TRƯỜNG CÁC NĂM THÀNH LẬP

01 Quảng Trị
BĐ Quảng Trị, BĐ Triệu Phong,
BĐ Đông Hà, BĐ Hải Lăng 1955 đến 1967
02 Thừa Thiên
BĐ Thành Nội, BĐ Hữu Ngạn,
BĐ Hàm Long, BĐ Tây Lộc,
BĐ Long Quang
1951 – 1960
03 Đà Nẵng
BĐ Đà Nẵng, BĐ Hòa Vang, BĐ
Hòa Phát, BĐ Sơn Chà,
BĐ An Hải, BĐ Hòa Khánh
1964
04 Quảng Nam
BĐ Hội An, BĐ Vĩnh Điện,
BĐ An Hòa 1956 – 1969
05 Quảng Tín BĐ Tam Kỳ, BĐ Thăng Bình 1963- 1969
06 Quảng Ngãi BĐ Quảng Ngãi, BĐ Mộ Đức 1959, 1969
07 Bình Định
BĐ Qui Nhơn, BĐ Bồng Sơn,
BĐ. NguyênThiều, BĐ Phù Mỹ,
BĐ Phú Phong, BĐ An Nhơn,
BĐ Phù Cát 2
1957 – 1964
08 Phú Yên BĐ Tuy Hòa 1957
09 Khánh Hòa
BĐ Nha Trang, BĐ Diên Khánh,
BĐ Vạn Ninh, BĐ Ninh Hòa,
BĐ Dục Mỹ, BĐ Cam Ranh
1951 – 1968
10 Ninh Thuận BĐ Phan Rang 1958
11 Bình Thuận BĐ Phan Thiết 1955
12 Kontum BĐ Kontum 1963
13 Pleiku BĐ Khuông Việt
1959 (Kể từ khi thành lập
các lớp bậc tiểu học, 1964
mở thêm bậc trung học )
14 Daklak BĐ Huệ Năng BMT 1962
15 Tuyên Đức
BĐ Đà Lạt, BĐ Cầu Đất, BĐ
Đơn Dương, BĐ Tùng Nghĩa 1958 – 1968
16 Lâm Đồng BĐ Bảo Lộc 1957
17 Vũng Tàu BĐ Vũng Tàu 1969
18 Long Khánh BĐ Long Khánh 1970
19 Định Tường BĐ Mỹ Tho 1967
20 Gò Công BĐ Gò Công 1965
21 An Giang BĐ Long Xuyên, BĐ Chợ Mới 1964, 1965
22 Kiến Hòa BĐ Kiến Hòa 1964
23 Kiến Phong BĐ Kiến Phong 1967
24 Bạc Liêu BĐ Bạc Liêu 1968
25 Sa Đéc BĐ Sa Đéc 1968
26 Vĩnh Long BĐ Tam Bình 1969
27 Sóc Trăng BĐ Sóc Trăng 1966
28 Ba Xuyên Ba Xuyên 1969
30 Sài Gòn BĐ Chợ Lớn, BĐ Huệ Quang 1961, 1970

Theo tư liệu nghiên cứu từ FB Ly Le
Tự đề do Phatviet.info đặt lại.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận