Đầu năm 1958, tôi được đổi từ Huế về Nha Trang. Công việc tại Ty Kiến Thiết Nha Trang không nhiều nên tôi thường được rảnh rỗi lo việc văn chương.
Một hôm nhân ngày nghĩ tôi lên chùa Hải đức. Một mình thơ thẩn nơi sân chùa tôi bỗng thấy một vị sư đang đứng lần chuỗi dưới gốc cây bồ đề, nắng đã phai, mây trời ửng hồng năm sắc. Vị sư yên lặng đi lần lên đầu núi, màu áo vàng theo bước chân tràn khắp đó đây. Tôi ngẫu hứng được một luật:
Lần chuỗi
Chuông ngân chùa sẫm nắng
Hương nguyện áo tràng bay
Trăm tám vì sao mọc
Xoan tròn đôi cánh tay
Mười phương cây lặng gió
Năm sắc hồ trôi mây
Lần bước lên đầu núi
Ánh vàng tràn đó đây.
Sau biết được vị sư lần chuỗi đó là thượng tọa Thích Trí Thủ, giám viện Phật học viện Hải Đức, tôi bèn chép bài tặng Thượng tọa, từ ấy chúng tôi trở nên quen thân.
Thượng tọa tuổi Kỷ Dậu, tôi cũng tuổi Kỷ Dậu, Thượng tọa lại thích thơ Đường luật, tôi lại mộ đạo Phật. Cho nên những lúc gặp gỡ thường hay quên thì giờ trôi qua nhanh, lắm lúc cũng quên lửng rằng Đạo cũng như thơ không đứng hẳn ra ngoài vòng thế sự.
Lúc bấy giờ Phật học viện được phép mở cho giới Sa-di, Sa-di-ni Khánh Hòa một lớp học để đi thi tú tài. Thượng tọa mời tôi giúp về môn quốc văn. Lúc ấy tôi còn là một công chức, nên chỉ rãnh được ngày chủ nhật – mỗi tuần bốn giờ – lương rất hậu, gấp đôi lương dạy một số tượng trương. Tôi dạy từ niên khóa 1960-1961 cho đến đầu năm 1963.
Trong khoảng thời gian ấy, những lúc rảnh của tôi dành cho việc dạy học, nên thỉnh thoảng tôi mới gặp Thượng tọa trong 5, 10 phút có việc cần.
Đến năm 1963, Pháp nạn xảy đến, Thượng tọa về Huế bị chính phủ Ngô Đình Diệm bắt, lành dữ như thế nào, người Nha Trang không mấy người biết tin. Tháng 9 năm ấy, nhớ cảnh, nhớ người, tôi theo trăng lên đồi trại thủy.
Chùa vắng lặng, sương không dày mà lạnh thấm sương! Không bóng người, không bóng đèn, nhưng dường có tiếng chuông ngân làm lắng động ánh trăng thành sáng. Tôi rùng mình trở về, lòng bồi hồi bát ngát, tôi ghi vội mấy vần:
Trăng lên đồi trại thủy
Chuông khuya ngời âm ba
Bồi hồi mấy khóa viện
Sân bồ-đề sương sa.
Sau ngày chính phủ Ngô Đình Diệm sụp đổ, Thượng tọa mới trở về Nha Trang. Đọc mấy câu thơ của tôi, Thượng tọa rưng rưng nước mắt.
Khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện bị khủng khoảng tinh thần, ở Mỹ Tho ra Nha Trang an dưỡng. Lên chơi chùa Hải Đức, Thiện ước được sống trong cảnh u tịch trong ít lâu để lấy lại sức khỏe. Tôi liền đến xin Thượng tọa, và tỏ thật rằng Thiện là một thiên tài và người Cơ Đốc Giáo, mọi người trong chùa tỏ ý không bằng lòng. Thượng tọa cười:
– Không hề gì, có bác Quách bảo đảm.
Nhưng để “đề phòng”, Thượng tọa cho dọn một căn phòng dưới xưởng làm hương để Thiện ở, trưa chiều lên chùa ăn cơm.
Được nơi ăn chốn ở vừa ý, Thiện bảo tôi:
– Đền ơn ông, tôi xin hẹn trong sáu tháng sẽ đọc và hiểu được kinh chữ Hán.
Tôi không dám tin, nhưng cũng không dám ngờ.
Ở Trại Thủy, cả ngày Thiện nằm đọc sách. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Thiện và Thượng tọa Trí Thủ. Một hôm Thượng tọa bảo tôi:
– Anh chàng có đạo tâm.
Tôi cười thầm trong bụng:
– Đạo Thiên Chúa hay đạo Phật.
Ba tháng sau, tôi lên Hải Đức không thấy Thiện nơi xưởng Hương. Hỏi người làm hương trong xưởng cho biết rằng Thượng tọa Trí Thủ đem lên ở nơi cốc của Thượng tọa hơn một tháng rồi.
Tôi bèn leo dốc lên cốc: một nhà sư trẻ đang ngồi xếp bằng ngay ngắn, mắt lim dim trên chiếc ghế dài nơi cốc. Nhìn kỷ thì là Phạm Công Thiện! Rõ là một nhà sư 100 phần trăm. Thiện ngồi yên, tôi lẳng lặng đi vào cốc. Thượng tọa Trí Thủ mừng rỡ, muốn gọi Thiện. Tôi “xin đừng”. Sau mấy câu hầu ôn như thường lệ: Thượng tọa nói:
– Thiện quy y với tôi rồi, tôi đặt cho pháp danh là Nguyên Tánh.
Tôi không tỏ ý tán thành cũng không tỏ ý phản đối. Đối với Thiện quy y cũng thế không quy y vẫn thế.
Mấy tháng sau – tháng 9 năm 1964. Tôi lên Hải Đức một lần nữa. Cốc đóng – người trong chùa cho biết Thượng tọa cùng Thiện vào Sài Gòn, còn lâu mới về. Tôi cảm thấy bùi ngùi như nhớ nhung, như thương tiếc. Tôi ngẫu chiếm một tuyệt:
Lịu địu
Áo giũ ngày sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiên thềm nắng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
Sau nghe tin Thiện dạy học ở Đại học Vạn Hạnh, rồi đi Mỹ, đi Pháp. Còn Thượng tọa Thích Trí Thủ thì trụ trì chùa Già-lam, rồi được phong Hòa Thượng, thỉnh thoảng mới về Nha Trang thăm chùa cũ và nghỉ ngơi. Thiện thì từ ngày từ giã Nha Trang, tôi không còn gặp lại. Còn Hòa Thượng Trí Thủ thì tôi có gặp lại một lần ở Nha Trang năm 1973.
Năm 1973, tôi bị bệnh Thanh quang nhãn (glaucome) mù hết một mắt. Hay tin, Hòa thượng cùng Đại đức Trừng San đến nhà thăm. Nhân nói về mắt, tôi khoe mắt tôi tỏ ghê lắm, người đi cách hàng trăm thước, nhìn qua là nhận được ngay, hình dung nhan sắc, chữ nhỏ mấy đọc cũng khỏi cần gương. Nói đến mắt nói leo đến tai, nói đến bốn cái thú đặc biệt của tôi, trong đó có thú của tai:
Nhiều tiền in sách đẹp
Gặp bạn sẵn thơ hay
Gối tỉnh hồ chuông sớm
Võng đưa giấc ngủ ngày.
Lâu ngày gặp gỡ, nói chuyện sa đà, chuyện này kéo chuyện khác, chủ vui khách cũng vui.
Nhân nói chuyện “nghe chuông buổi sớm” tôi nói:
– Quả chuông trên đồi Trại Thủy tiếng đã dài lại ấm. Đêm nào, bốn giờ rưỡi sáng, tôi vừa thức dậy là được nghe tiếng chuông đầu tiên. Âm ba vừa lặng vào tâm hồn thì tai tôi lại đón tiếng ngân khác… cứ thế cho đến sáng… lòng tôi lâng lâng… nhưng cách đây chừng một tháng, một hôm tôi nghe tiếng chuông hơi rè… Kế đó một chiếc xe đò đến đậu ở trước nhà bên cạnh, cứ bốn giờ sáng rồ mấy để lên đường, nên thú nghe chuông bị mất.
Nghe nói tiếng chuông rè, Hòa thượng Trí Thủ cười:
– Đó là do chú điệu còn ngái ngủ, dộng trật dùi chuông ra ngoài thành:
Đại đức Trừng San bạch:
– Bạch Hòa thượng không phải thế. Dây da đeo chuông đã cũ quá, con sợ rủi đứt nên đã thấy dây xích thay vào nên tiếng chuông nghe không được thanh như trước.
Một tuần sau, Đại đức Trừng San xuống cho biết:
– Tôi xem kỹ thì ra quả chuông bị nứt một đường ở trên đỉnh, mà lâu nay không ai để ý, tai Bác tính quá!
Cách đó ít lâu, một quả chuông mới thay quả chuông bị nứt. Nhưng tôi không còn phân biệt được độ dài ngắn ấm lạnh của tiếng chuông, bệnh con mắt có ảnh hưởng đến tai không ít.
Từ ngày Thượng tọa Trí Thủ vào Sài Gòn (1964), tôi gặp lại Thượng tọa lần đó (1973) là lần đầu. Sau khi Thượng tọa lên chức Hòa thượng. Ngài có về Nha Trang nhiều lần. Tôi có tìm đến thăm mấy lần, song Ngài quá bận rộn, phần thì khách, phần thì công việc chùa, không mấy khi nhàn rỗi để ngồi nói chuyện phiếm, nên tôi đến chùa rồi trở lui chứ không vào cốc.
Mùa xuân năm 1974, nhân vào Sài Gòn khám lại con mắt, tôi nhờ ông Cao Hữu Đính dẫn tôi đến chùa Già-lam thăm Hòa thượng. Hòa thượng tiếp tôi rất niềm nở. Song tôi chỉ hầu chuyện cùng Hòa thượng trong 15 phút rồi xin cáo từ.
“Tha hương ngộ cố tri”, mà sao không kéo cho thật dài những phút gần gũi?
Xin thú thật:
Tôi vốn ở trong nơi huyên náo. Trước nhà có chợ ồn bắt đầu từ bốn giờ sáng đến 4, 5 giờ chiều. Hai bên nhà lại có hai lớp dạy nhạc, trống kèn đánh thổi cả ngày, có khi đến nửa đêm. Tôi phải tập trung tư tưởng trong việc viết lách để giữ lòng được thanh tịnh. Nhiều lúc tôi tìm đến những nơi thanh tịnh, để tìm thanh tịnh trong thanh tịnh. Chùa là nơi thanh tịnh, nhưng Chùa Hải Đức, mỗi khi Hòa thượng Trí Thủ ở Sài Gòn về thì tôi nhận thấy quá huyên náo. Huyên náo trong huyên náo, tôi nhận thấy dễ chịu hơn huyên náo trong thanh tịnh. Đi thăm người quen thân là đi tìm thanh tịnh, tìm yên vui, tìm “dễ chịu” cho lòng. Lên chùa Hải Đức lúc Hòa thượng về, tôi bị “huyên náo trong thanh tịnh” đẩy tui trở lui. Vào chùa Già-lam… cũng vậy…
Hòa thượng Trí Thủ ở Già-lam vẫn là vị giám viện Hải Đức ngày xưa: vẫn gương mặt phúc hậu, vẫn thái độ ôn tồn. Đối với tôi vẫn quý mến, thân mật, song tôi cảm thấy khó chịu ngay sau khi phân ngôi chủ khách ngồi. Chùa rộng, cảnh đẹp và sang trọng, phòng tiếp tân được bầy trí thanh nhã. Già-lam về hình thức bên ngoài hơn hẳn Hải Đức thập bội. Già-lam quý phái, Hải Đức bình dân. Song vào Hải Đức lòng tôi khoan khoái, vào Già-lam lòng tôi lại cảm thấy ngại ngùng: không khí nghiêm trang đến lạnh lẽo; ngôi chủ khách, thứ trên dưới sắp xếp quá phân minh, kẻ hầu người hạ quá lễ phép, đi không dám đi mạnh, nói không dám nói to, và mở miệng ra là “bạch Hòa thượng”… ngồi chăm chú nghe Hòa thượng nói chuyện mà óc tôi nghĩ đến những buổi ngôi nói chuyện cùng Hòa thượng còn làm giám viện ở Nha Trang. Cười to, nói lớn, ngồi đứng tự do… Tôi nhớ một hôm chúa nhật, mặt trời vừa mọc, tôi vừa lên đến sân chùa, Hòa thượng đứng bên khóm tường vi, thấy tôi liền lấy tay ngoắc. Tôi đến cùng Hòa thượng lặng lẽ đứng thưởng hoa. Hoa đầy cành, lớp còn búp, lớp còn hàm tiếu, phần nhiều đã mãn khai, cánh thắm ươn ước hơi sương, mùi hương ngọt dìu dịu lòng tôi lâng lâng…
Hồi lâu Hòa thượng hái hai đóa hoa bán khai (giữa hàm tiếu và mãn khai) rồi mời tôi lên cốc. Cảnh yên tịnh nhưng mát mẻ vì cao sạch, và ấm áp vì tình người thấm đượm và mặt trời đã lên cao…
Hòa thượng tự tay chế trà với hoa tường vi, và cùng tôi ngồi đối diện, vừa thưởng trà, vừa nói chuyện văn chương. Văn chương trong trà, trà trong đạo, Đạo trong hoa, hoa và trà trong Đạo, trong văn chương… Một chú tiểu Sa-di ngồi trên chiếc đôn nơi góc phòng, thiu thiu ngủ…
Lại một hôm nữa, vào nửa buổi chiều, tôi đến chùa Hải Đức. Hòa thượng Giám viện nằm trên võng cột dưới giàn hoa bạch chỉ cạnh hiên phía đông chùa. Ông Trần Đình Lạc, một người bạn đồng sự với tôi và là đệ tử thân tín của Hòa thượng, ngồi bên võng, trên mé thềm hiên chùa. Thấy tôi Hòa thượng ngồi dậy bảo ông Lạc đi bưng ghế. Tôi không ngồi ghế mà ngồi ngay nơi chỗ ông Lạc đã ngồi. Hòa thượng vui vẻ nằm lại xuống võng, cùng tôi nói chuyện. Nhân thấy ông Lạc cầm quyển kinh Duy-ma-cật, tôi nhớ đến bài từ Tô Đông Pha tặng Triệu Vân:
Bạch phát thương nhan
Chánh thị Duy-ma cảnh giới
Không phương trượng tán hoa hà ngại
Chu thần trợ điểm
Cánh kế hoàng sinh thái.
(白髮蒼顏 正是維摩境界。
空方丈 散花何礙?
朱唇箸點 更髻鬟生彩)
Tôi cao hứng ngâm khẻ. Ông lại yêu cầu tôi giải nghĩa. Tôi giảng:
– Tóc bạc da mồi, chánh là cảnh giới của Duy-ma-cật. Nơi phương trượng trống không, nàng Thiên nữ tán hoa, ngại gì mà không điểm giúp một nụ cười thơm thắm, để cho mái tóc già này xanh xanh tươi trở lại. Một khay trà bưng ra. Mùi hoa sói thơm ngát làm cho hương vị thêm nồng.
Biết rằng Hòa thượng Giám viện là một nhà sư giữ giới rất nghiêm, nhưng tâm hồn luôn phóng khoáng, nên tôi không ngần ngại, đem câu chuyện tình giữa Tô Đông Pha và Triệu Vân kể cho ông Lạc nghe, rồi nói:
Ông Tô sánh Triệu Vân với Thiên nữ tán hoa của Duy-ma-cật.
Hòa thượng Giám viện liền kể sự tích Duy-ma-cật cho ông Lạc và tôi nghe… Câu chuyện nối tiếp từ Duy-ma-cật – Đông Pha đến Đông Pha – Phật Ân… khách đến, Đại đức Trừng San ân cần mời vào nhà tiếp tân. Nhờ vậy mà câu chuyện phong lưu dưới giàn không bị gián đoạn…
Trí giác tôi đương cậm cụi quay lại cuốn phim “Chùa Hải Đức” thì tai vụt nghe “bạch Hòa thượng”. Phim đức. Tôi giựt mình nhìn quanh: Bên cạnh Hòa thượng Thích Trí Thủ, một Sa-di đang đứng khép nép và ngoài sân có bốn, năm vị khách đàn ông có đàn bà có, đương đứng chờ. Tôi vội vàng đứng dậy. Hòa thượng cũng đứng dậy đưa tôi ra cửa…
Từ ấy cho đến ngày Hòa thượng viên tịch, trên mười năm trời (1974-1985) tôi không gặp lại Hòa thượng lần nào nữa.
Không gặp nhưng tôi vẫn luôn luôn nhớ Hòa thượng và tin tức về Hòa thượng, và vẫn được nghe người ta bàn tán về Hòa thượng.
Khi làm Giám đốc Phật Học Viện Nha Trang, Hòa thượng Thích Trí Thủ là con hạc trắng ung dung trong cõi khói nước ráng mây. Từ ngày địa vị được lên cao, nhất là từ khi đã lên cao đến tuyệt đỉnh, thì Hòa thượng trở thành con hạc vàng đứng trên lưng rùa trước bàn Phật, dưới ánh đèn nê ông rực rỡ và trong mùi trầm hóa học ngạt ngào…
Nhưng đời là một hí trường…
Đề nơi nhà hát, cụ Đào Tấn có câu:
– Sự đô như hí, hà tu giã sứ tiểu phi chân. (mọi sự đều là trò đùa, sao lại cười rằng không thực trong nơi giả tạm này).
Người xưa lại có câu:
– Trên đời này tất cả đều trôi qua, chỉ có Tình mãi ở lại.
Tình Hòa thượng Trí Thủ đối với tôi, vẫn tồn tại trong lòng tôi. Thỉnh thoảng hình ảnh Hòa thượng hiện rõ trong tâm trí tôi với mùi hương Tường Vi, hoa Sói.
Và hôm nay, 18-9 năm Bính Dần, tức 21-10-1986, 4, 5 giờ sáng tôi nằm nghe chuông chùa Hải Đức như thường lệ, tự nhiên nhớ Hòa thượng da diết.
Người già hạt lệ như sương
Mình già hạt lệ lại thường như mưa…
Để giải tỏa lòng buồn, tôi lặng lẻ ngồi viết chương ký ức này. Nhớ gì viết nấy, nhớ đâu viết đấy. Cặm cụi viết từ lúc mặt trời mọc đến mặt trời lặn, viết với tấm lòng kính cẩn chân thành.