HT. Thích Tuệ Sỹ thuyết trình đề tài “Lịch sử hình thành Đại Tạng Kinh Việt Nam” tại Đại hội HĐHP

Phần I: Vấn đề Phiên dịch

1. Khẳng định tính “chính danh”

Trong tư cách, Cố vấn chỉ đạo Hội Đồng Hoằng Pháp, Hòa thượng nói trước hết về vấn đề chính danh và kế thừa của Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời.

Vấn đề phiên dịch tam tạng gồm dự án, chương trình phiên dịch và lịch sử phiên dịch Tam tạng Hán hệ kể từ thời kỳ đầu tiên với Ngài An Thế Cao qua Ngài Khương Tăng Hội v.v… (tham khảo Tài liệu Đại hội Hội Đồng Hoằng Pháp, bài: “Một số vấn đề ngữ pháp trong vấn đề phiên dịch Phạn Hán” đã gởi cho người tham dự).

Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng đã được thành lập vào tháng 10 năm 1973 qua quyết định của Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương GHPGVNTN, đầu tiên có 10 vị Trưởng lão trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương. Sau đó bổ sung thêm 8 vị. Như vậy, toàn thể Hội đồng Phiên dịch gồm 18 vị: Hòa thượng (HT) Trí Quang, HT Nhật Liên, HT Quảng Độ, HT Trí Tịnh, HT Minh Châu, HT Trung Quán, HT Trí Nghiêm, HT Thiện Siêu, HT Huyền Vi, HT Đức Nhuận, HT Thiền Tâm, HT Huệ Hưng, HT Trí Thành, HT Thuyền Ấn. HT Đức Tâm. HT Thanh Từ, HT Bửu Huệ, HT Tuệ Sỹ. Cho đến nay, quý Ngài đều lần lượt viên tịch hết cả, chỉ còn lại hai vị: Hòa thượng Trưởng lão Thanh Từ (đang ở trong tình trạng vô ngôn) và Hòa thượng Tuệ Sỹ.

HT Thích Tuệ Sỹ, Cố vấn Chỉ đạo HĐHP thuyết trình (Ảnh chụp màn hình).

Với nhiệm vụ kế thừa, bây giờ chúng ta không phải lập ra một Hội đồng Phiên dịch mới mà chính là kế thừa tiếp tục sự nghiệp những gì Quý Ngài đi trước đặt ra.

Trong suốt 10 năm từ 1963 đến 1973 các cơ sở giáo dục của Giáo hội đã hoàn thiện từ Tiểu học đến Cao đẳng và Đại học. Chương trình đào tạo cho Tăng Ni và Cư sĩ rất thiết thực để có thể đóng góp vào công việc xây dựng đất nước. Sau 1963, Phật Giáo mới làm sống lại vai trò của mình trong lịch sử dân tộc, đóng góp vào sự duy trì và phát triển truyền thống tinh hoa của dân tộc. Nhưng đến sau 1975, mọi sự lại thay đổi và gần 50 năm nay chúng ta chưa làm được gì như các vị đi trước đã làm.

Đại học Vạn Hạnh đóng vai trò lãnh đạo về tư tưởng, văn hóa, giáo dục và nâng tầm vị thế đối với Đông Nam Á và thế giới, với các tên tuổi – là những nhà tư tưởng, nhà văn, nhà báo… – đi vào lịch sử văn hóa văn học Việt Nam.

Sự kế thừa trước hết là tái thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng và tạm gọi là Hội Đồng Lâm Thời. Gọi là “Lâm thời” vì xét ra chưa có ai đầy đủ công hạnh tu trì cũng như văn huệ và tư huệ khả dĩ sánh ngang với chư Tôn túc Trưởng lão, do đó chỉ có thể thành lập Hội đồng Lâm thời để kế thừa. Cho đến khi nào trình độ tu học được nâng cao, đủ để xác định tín tâm trong hàng bốn chúng đệ tử, và đủ cơ sở cũng như uy tín thì bấy giờ sẽ lập chính thức một Hội đồng Phiên dịch Tam tạng để hoàn tất, duy trì và phát huy những điều mà Thầy Tổ đã định hướng.

2. Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, cơ cấu tạm thời sẽ là:

Cố vấn: Giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát

Chủ tịch: Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

Chánh Thư ký: Hòa thượng Thích Như Điển

Phó Thư ký quốc nội: Hòa thượng Thích Thái Hòa

Phó Thư ký hải ngoại: Hòa thượng Thích Nguyên Siêu

Những thành viên khác sẽ lần lượt được thỉnh mời sau. Chúng ta biết rằng, nguyên tắc để tham dự Hội đồng Phiên dịch thì Hòa thượng Trí Tịnh, Trưởng ban Phiên dịch đã nêu rất rõ. Khi đề nghị một vị vào HĐPD thì Hòa thượng đã hỏi rõ là:

– Những vị tham gia phải có tác phẩm, và tác phẩm ấy phải có giá trị.

– Phải có uy tín trong vấn đề nghiên cứu.

Bởi chính đây là nền tảng để phát huy Phật giáo Việt Nam. Vì đây là căn bản tư tưởng phát huy PGVN, và không phải chỉ với PGVN mà Phật giáo đã gắn liền với dân tộc từ thế kỷ đầu tới nay qua biết bao nhiêu công trình văn hóa tư tưởng. Bởi vậy bộ Tam tạng Thánh giáo sẽ là căn bản tư tưởng của hệ tư tưởng PG dựa trên đó để chúng ta đóng góp cho dân tộc Việt Nam.

HT Thích Tuệ Sỹ, Cố vấn Chỉ đạo HĐHP thuyết trình (Ảnh chụp màn hình).

3. Về vấn đề phiên dịch

Theo như Đại hội vào năm 1973 chỉ rõ, bộ Đại Tạng đang dùng trên thế giới chính là Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh – Taisho của Nhật Bản biên soạn lại theo quan điểm lịch sử chứ không theo hệ tư tưởng như Thanh Văn tạng, Bồ Tát tạng, Mật Tạng và Tạp Tạng.

  • Về Kinh: bao gồm các bộ A Hàm là các Kinh điển thuộc sơ kỳ Phật Giáo, các kinh điển phát triển Đại Thừa sau này.
  • Về Luật: cơ bản có 5 bộ, là văn hệ đầy đủ nhất trong các văn hệ hiện tại.
  • Về Luận: hệ thống A Tỳ Đàm gồm các bộ luận sơ kỳ, trung kỳ, các giai đoạn phát triển. Các bộ phái chủ yếu như Trung luận, Du già hành, v.v…

Ngoài ra còn các tác phẩm trực tiếp truyền từ Ấn Độ, Tây Vực. Kế đến là các bộ sớ thích và chú giải của người Trung Quốc.

Trong 100 quyển thì 55 quyển đầu thường được xem là của người Trung Quốc nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải như thế. Bởi vì các vị đóng góp như Ngài An Thế Cao người An tức, Ngài Khương Tăng Hội người Việt, một số Phạn tăng, một số Hán Tăng nổi tiếng tham dự phiên dịch như Huyền Trang, Nghĩa Tịnh; nhưng đa số là Phạn Tăng. Nên phải xem đây là công trình của nhiều dân tộc chứ không phải chỉ của người Trung Quốc. Ngoài ra, số còn lại là những tác phẩm sớ giải của người Nhật gồm những phần Tục kinh sớ, Tục Luật sớ, Tục luận sớ.

4. Lý do Nhật Bản in bộ Đại tạng:

Minh Trị Thiên Hoàng năm thứ nhất (1868) nhằm tôn vinh chủ nghĩa dân tộc, vị trí cao của Thiên Hoàng: Tế Chính nhất trí, vừa là Giáo chủ tôn giáo (Thần đạo) vừa là Hoàng đế thống trị đất nước, nêu bật chủ nghĩa tôn Hòang ái quốc, một thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan lấy Thần đạo làm chủ yếu. Trong lúc cao trào hủy Phật diệt Thích lên đến cực điểm trong bốn năm, Phật giáo chịu thảm họa chưa từng có. Đến năm thứ năm Minh Trị thấy sai lầm nên thay đổi chính sách, mở ra Đại giáo viện mời các sư tăng vào làm việc. Vậy ngay từ lúc ấy Nhật Bản đã tỉnh thức cử người du học. Đầu tiên là Nam Điều Văn Hùng (Nanjō Bunyū (1849-1927) được cử sang Oxford Anh quốc, học triết học Ấn độ, và Sanskrit trực tiếp với Max Müller, nhà Phạn ngữ học xếp vào bậc nhất thế giới lúc bấy giờ. Mười ba năm sau ông trở về nước, đảm nhiệm chức Giáo thọ trưởng tại Đại học Ōtani. Chỉ trong vòng 50 năm sau ngày bị đàn áp khốc liệt, Phật giáo Nhật Bản đã được hồi sinh, không những chỉ ảnh hưởng lớn trong nước, mà còn cả trong thế giới phương Tây. Cho đến Đại Chánh năm 11 (1922), Bác sĩ Cao Nam Thuận Thứ cùng với Độ Biên Hải Húc tiến hành vận động Tân tu Đại tạng kinh, và Tiểu Dã Huyền Diệu đến năm 1924, lập hội Ấn hành Đại tạng (Đại Chánh Đại tạng kinh san hành hội). Người Nhật ấn hành và xử lý văn bản, đối chiếu với các bản Đại tạng khác. Trong vòng 10 năm mới công bố, với sự cật lực của các học giả đầy đủ các ngôn ngữ Sanskrit, Pali, Tây Tạng và Hán.

Với một lực lượng học giả cả trăm vị có trình độ Tiến sĩ thật sự về các ngôn ngữ như tiếng Phạn, tiếng Tây Tạng; còn tiếng Hán thì người Nhật đa số họ rất giỏi, mà họ cũng cần phải 10 năm trời mới làm nổi. Còn chúng ta bây giờ nhận thấy khó có nhân sự có đủ tiêu chuẩn ngôn ngữ có thể so sánh được, nếu theo con đường ấy thì phải cần 50 năm hay cả trăm năm chưa chắc đã được. Cho nên chúng ta phải đổi cách dịch.

Bây giờ ta nới về một việc đơn giản: Vì sao người Nhật làm bộ Đại Tạng này?

Tất nhiên những người Trung Quốc không đả động gì đến, nhưng những học giả Tây phương nhìn vào và đánh giá ngay là:

–  Thứ nhất: Sau 50 năm phát triển, người Nhật mới nhận thấy rằng chính PG là một hệ tư tưởng chủ yếu của Chủ nghĩa Dân tộc.

–  Thứ hai: Người Nhật muốn chứng tỏ với thế giới rằng họ là một cường quốc, một cường quốc có nền văn hóa lâu đời, chủ đạo là Phật Giáo.

–  Thứ ba: Để đoàn kết dân tộc.

Kinh nghiệm từ sự phục hưng của Phật giáo Nhật Bản mà uy tín và ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn lan rộng đến thế giới phương Tây trong thời kỳ mà phương Tây tự hào văn minh của họ xen các nền văn minh văn hóa phương Đông là lạc hậu, chúng ta, Phật giáo Việt Nam, tự hào đi trước Nhật Bản gần năm thế kỷ, nhưng đến nay Phật giáo Việt chưa có vị trí gì đáng kể trong các giới học thuật trí thức Việt Nam, nói chi đến uy tín trong giới trí thức phương Tây. Khiếm khuyết quan trọng nhất, đó là chưa có một bản dịch Đại tạng kinh tiêu biểu. Do đó, một Hội đồng Phiên dịch cần cấp thiết thành lập và khởi sự hoạt động, một cơ sở giáo dục đào tạo kế thừa cần được thiết lập và tích cực hỗ trợ lâu dài.

Trên đây chúng tôi đã tóm tắt ý hướng và mục đích thành Lập Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời sẽ được thảo luận và yêu cầu góp ý trong Đại hội Hoằng Pháp hôm nay.

Tiếp theo sau đây, chúng tôi xin đề xuất chương trình phiên dịch, gồm 2 phần.

Phần đầu chúng tôi nói về nội dung phiên dịch Hán tạng; tiếp theo GS Lê Mạnh Thát sẽ nói rõ về Đại tạng kinh Việt Nam bao gồm cả ba hệ văn hiến Phật giáo hiện đại: văn hệ Pāḷi, văn hệ Hán và văn hệ Tạng ngữ.

Chương trình phiên dịch Hán tạng của Hội đồng Phiên dịch Tam tạng đề xuất năm 1973 là căn cứ trên Đại tạng Tân tu Đại tạng kinh, dịch trọn vẹn, với các kinh đơn dịch và biệt dịch thì cần xét đến giá trị văn học và giáo nghĩa. Nhưng với trình độ hiện tại chúng ta khó có thể thực hiện được, phải cần nhiều thập kỷ mới hoàn thành phần nào.

Chúng ta sẽ đi từng bước từ đầu, tức đi theo truyền thống: Thanh Văn Tạng, Bồ Tát Tạng, Mật Tạng. Nói Thanh Văn Tạng nhưng thật ra đây là nền tảng giáo lý của sơ kỳ Phật giáo mà tất cả các bộ phái đề phải dựa theo.

  • Về Kinh tạng, gồm 4 bộ A Hàm tương đương với 4 bộ Nikaya, và bộ Bản duyên tương đương với một số trong Khuddaka Nikāya (Tiểu bộ kinh).
  • Về Luật: hiện tại có 3 hệ được hành trì đó là Tích Lan theo hệ luật Pali theo hệ Theravada; Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc theo hệ Luật Dharmaguptaka (Pháp Tạng Bộ); Tây Tạng theo hệ Mūlasarvāstivāda (Căn bản Thuyết nhất thiết hữu bộ).
  • Về Luận: tạng Luận hiện tồn khá đầy đủ trong Hán hệ là bảy bộ A-tì-đàm thuộc Luận tạng của Nhất Thiết Hữu. Về con số, tương đương với bảy bộ Ahidhamma Pāḷi, nhưng do dị biệt tư tưởng nên nội dung không đồng nhất. Trong Lục túc luận của Hữu bộ, hiện đã dịch xong Tập dịch môn luận là hai bộ Luận thuộc sơ kỳ của Hữu bộ và cũng chính là căn bản giáo nghĩa của Hữu bộ diễn giải các kinh căn bản trong A-hàm tương đương với các Kinh trong Nikāya-Pāli. Một luận thư hệ thống hóa toàn bộ giáo nghĩa A-tì-đàm là A-tì-đạt-ma Câu-xá luận (Abhidharmakośabhāṣya). Lục túc và Phát trí đang tiến hành phiên dịch. Ngoài ra, một số luận thư thuộc các bộ phái khác như Thành thật luận được xem thuộc Kinh lượng bộ, Tam-di-để bộ, luận thư thuộc Chánh lượng bộ, Xá-lợi-phất A-tì-đàm. Những luận thư cũng sẽ được phiên dịch để hoàn tất Luận tạng tạm gọi là Thanh văn tạng.

Hy vọng trước Phật Đản sang năm (PL.2566, DL.2022), bộ Thanh văn tạng tiên khởi này sẽ được khởi sự ấn hành.

Phần II: Vấn đề đào tạo

Vấn đề phiên dịch ngày nay không thể không biết tiếng Phạn, nếu không biết tiếng Phạn chắc chắn không thể dịch đúng được. Tiêu chuẩn hàn lâm khi dịch tiếng Việt thì cần phải có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, nghiêm túc. Ngoài ra cần phải có tiếng Tạng và chữ Hán chuyên môn. Trong vòng 2 tháng vừa qua Hội Đồng Hoằng Pháp đã tổ chức được lớp Tiếng Phạn do Tiến sĩ Đỗ Quốc Bảo tại Đức, người đã tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ về tiếng Phạn theo tiêu chuẩn Phạn văn quốc tế.

Cần thiết sẽ thành lập Phật học viện đào tạo Tăng Ni từ cấp Cử nhân, Thạc sĩ với đường lối rõ rệt, vừa đáp ứng học thuật, nghiên cứu, dịch thuật và hoằng pháp. Vấn đề này Hòa thượng Như Điển đã phát tâm và sẽ bàn với Chư vị Hòa thượng khắp nơi trong tương lai để thành lập Phật học viện. Trụ sở đã đầy đủ tại chùa Viên Giác, giờ chỉ cần giáo thọ. Chúng ta sẽ bàn thảo sau để làm sao mang đủ tầm quốc tế để nói chuyện với thế giới.

Phần III: Vấn đề ấn hành

Đây là vấn đề kỹ thuật. Chúng ta sẽ định hình, khuôn khổ, kích cỡ. Bộ Đại Tạng này sẽ không lớn quá, không nhỏ quá, không cồng kềnh và phải đảm bảo tính trang nghiêm, dễ đọc, phục vụ cả nhu cầu nghiên cứu và trì tụng. Cần phải tham khảo ý kiến Quý Hòa thượng, và tất cả số đông.

Phần IV: Vấn đề tồn đọng

Vấn đề tồn đọng cần thành lập trong tương lai đó là Hội đồng duyệt văn. Cung thỉnh Giáo sư Lê Mạnh Thát làm cố vấn. Tuyển chọn nhân sự chuyên môn về Phạn, Tạng, Hán, để chuyết văn cũng như vấn đề hành văn.

Trên đây là những điều cơ bản. Chúng ta nói được thì phải làm được và sẽ công bố trong sang năm. Đây không đơn thuần là vấn đề Tôn giáo mà còn là vấn đề văn hóa dân tộc. Chúng tôi xin tri ân, Chư tôn Trưởng lão Hòa thượng, quý Thượng toạ Tăng Ni và quý quan khách đã lắng nghe. Những gì thiếu sót mong quý vị lượng tình và sửa sai dùm.

Trích: Biên bản Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ I Ngày 27 tháng 11 năm 2021 (xem trọn bên dưới)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận