KHÔNG DIỆT, KHÔNG SINH

 
“Dòng đời in dấu chân chim, sinh diệt đầy vơi trong mắt tuệ;
Đỉnh tháp ửng hồng nắng quái, sắc không lấp lánh động sương từ.”
 
Sinh và diệt, Sắc và Không là cặp tư tưởng Không tính và Bát-nhã được Long Thọ (Nāgārjuna) công bố cách đây 20 thế kỷ. “Và suốt một vòng cung ba phần tư của toàn bộ Á châu, tính Không luận (Sūnyavāda) đã trở thành một thứ khí giới vô cùng sắc bén được trang bị một nền triết lý chuyên môn phá hoại. Với những kẻ chống đối nó, phá hoại là phá hoại. Nhưng những kẻ tán thưởng nó thì nói phá hoại tức thiết lập.”[1]
Câu đối trên do thầy Tuệ Sỹ viết để khắc vào tháp Ôn Trí Nghiêm (trên khu tháp chùa Long sơn, Nha trang), nhưng lúc ấy vì thiếu duyên nên nó không được thành hình. Mãi đến giờ, trên mười năm hay hơn nữa…., câu đối ấy vẫn “vắng mặt”, do không đủ duyên. Duyên khởi tính Không là nếu cái này có thì cái kia có…
Song, Long Thọ lại minh chứng cái “vòng tròn” vô tận không diệt cũng không sinh trong bài kệ “Bát bất”, mà ngài viết trong tác phẩm Trung luận:[2]
 
不生亦不滅
不常亦不斷
不一亦不異
不來亦不出
能說是因緣  
善滅諸戲論
我稽首禮佛  
諸說中第一.
 
(Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất lai diệc bất xuất,
Năng thuyết thị nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận.
Ngã khể thủ lễ Phật,
Chư thuyết trung đệ nhất.)
 
Việt dịch:
Không sinh cũng không diệt,
Không thường cũng không đoạn,
Không một cũng không khác,
Không đến cũng không đi.
Nói lên nhân duyên ấy,
Khéo trừ các hý luận,
Tôi cúi đầu lễ Phật,
Trong các thuyết,[nhân duyên ấy] cao nhất.
 
Nguyên văn trong Phạn bản:
 
Anirodham anutpādam anucchedam aśāśvataṃ, Anekārtham anānārtham anāgamam anirgamam Yaḥ pratītyasamutpādam prapañcopaśamam śivaṃ, Deśayāmāsa sambuddhas taṃ vande vadatāṃ varaṃ.
 
Bản dịch tiếng Anh của Stcherbatsky:
 
The perfect Budda, The fore most of all teachers I Salute,/ He has proclaimed/ The principle of (universal) relativity./ Tis like Blissful (nirvāṇa),/ Quiescence of plurality,/ There nothing appears,/ Nothing has an end,/ Nor is there anything eternal,/ Nothing is identical (with itself),/ Nor is there anything differentiated./ Nothing moves,/ Neither hither no thither.
 
(Tôi kính lễ Phật chánh đẳng giác, vị tối thượng trong các vị thuyết giáo. Ngài đã tuyên thuyết lý duyên khởi, vốn là sự tĩnh chỉ của hý luận, là sự an lành. [Lý duyên khởi] đó là: sự không tịch diệt cũng như sự không sinh khởi, không gián đoạn cũng không thường hằng, không nhất thể cũng không đa thù, không quy hướng cũng không phân ly).[3]
 
Tác phẩm Trung luận còn gọi là Trung quán luận, hay Chính quán luận (Mūlamadhyamaka-kārikā), 4 quyển, Long Thọ soạn, Thanh Mục (Piṅgala) chú thích, Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva) dịch từ Phạn sang Hán.
Cưu-ma-la-thập đã nhầm lẫn hay cố tình dịch đảo ngược để người đời dễ hiểu theo quan niệm có sinh rồi mới có diệt. Từ đó đã làm cho các nhà chú giải bản Hán cũng hiểu lầm: “Bất sinh” rồi “bất diệt”.
Tại sao ngài Long Thọ để “Anirodham (bất diệt) trước “anutpādam” (bất sinh)? Vì nói “diệt” trước “sinh” sau, thì nó trở thành cái vòng tròn, không có đầu mối. Còn nói “sinh” trước “diệt” sau là đường thẳng, sinh rồi diệt, mất hẳn luôn. “Diệt” trước “sinh” sau là chuỗi lý luận và cũng là nguyên tắc nhận thức, trong lý nhà Phật có diệt mới có sinh, như đời trước có diệt mới sinh đến đời này. Kinh nghiệm này những nhà Du-già hành quán niệm hơi thở dễ dàng thấy được: hơi thở diệt mới thấy hơi thở sinh. “Sinh” trước “diệt” sau là cái kinh nghiệm sống hằng ngày của con người, ai cũng thấy có sinh mới diệt, không ai thấy có diệt mới có sinh… Tám cái “bất” (không) này tạo nên thuyết duyên khởi.
Cái vòng vô tận kia cho con người nhận thức sự tiếp nối không dừng. Tôi cảm nhận trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa bây giờ như hậu duệ của Phật viện Trung phần Hải Đức ngày trước. Ngôn ngữ rõ ràng hơi quá, nó trở thành hý luận (戲論, Pratītyasamutpāda). Hý luận, là khái niệm, từ ý niệm này nhảy qua ý niệm khác, tạo ra cả một thế giới ảo tưởng, gọi là duyên khởi. Thật sự Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang cũng chính là hậu thân của Phật học đường Báo Quốc và Tăng học đường Nha Trang,[4] thành lập vào ngày 8 tháng 1 năm 1957, tức ngày mùng tám tháng chạp năm Bính thân. Qui tụ nhiều danh Tăng, như Hòa thượng Giám viện Thích Trí Thủ, Trưởng lão Thích Phúc Hộ, Thích Thiện Siêu, Thích Trí Nghiêm, Thích Đỗng Minh,… Thầy Phạm Công Thiện, thầy Tuệ Sỹ… Nơi đây đào tạo tu sĩ trẻ chính qui chung cho 17 tỉnh miền Trung. Đã “một thời vang bóng”. Nhưng rồi chân lí thịnh suy, hoàn vũ xoay vần, vận thế đổi thay, trăng đầy lại khuyết, Phật giáo chìm trong triều sóng phế hưng, Học viện rêu xanh, kẻ còn người mất. Tăng sinh tan rã, mỗi người mỗi ngã. Thầy Mạnh Thát, Thầy Tuệ Sỹ, chí không khuất tất, đứng trước tử sinh, đạo pháp tồn vong, chấp nhận bồng bềnh theo vận nước… Ôn Trí Nghiêm về nơi am trúc, tại đất Long sơn, dịch bộ Đại Bát-nhã. Cũng trú xứ ấy, Hòa thượng Đỗng Minh sống đời thầm lặng, miên mật tỳ-ni, phiên tả Luật tạng. Trong mắt thế nhân thì ngậm ngùi:
 
“Lò cừ nung nấu sự đời,
Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương”.
 
Nhưng người giác ngộ thì nhìn biến thiên ấy chỉ là “sinh diệt đầy vơi trong mắt tuệ”. Có diệt mới thấy được cái sinh, có đoạn mới thấy cái thường hằng (anucchedam aśāśvataṃ), hết bĩ đến thái, âm cực dương hồi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập lại năm Tân dậu (1981), cho phép các tỉnh lị mở trường Phật học. Mạng mạch Tăng-già lại tiếp nối, trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa cũng khai khóa đầu tiên vào tháng 9 năm 1990 (Canh ngọ), lúc đó mượn giảng đường chùa Nghĩa Phương học tạm. Năm 1994, chính thức đặt viên đá xây dựng trường tại trú xứ Long Sơn. Thoáng chốc đã hai mươi lăm năm, trải qua 7 khóa đào tạo Tăng ni, lại thêm một khoảng lịch sử dài cho một ngôi trường.
 
Địa thế chùa Long sơn và Hải đức (Nha trang) được mệnh danh là “Long bàn hổ cứ龍蟠虎踞” (rồng cuộn hổ ngồi), và “ngọc bức hàm hoàn 玉蝠含環” (Dơi ngọc ngậm vòng ngọc) – Tuy hai ngôi chùa nhưng nằm chung một dải núi, không nhất thể cũng không đa thù (Anekārtham anānārtham). Học viện Hải đức không chỉ dừng lại một thời, đạo phong ấy cho đến giờ còn ảnh hưởng rất lớn đến Tăng ni trường Phật học Khánh hòa. Hình ảnh của những bậc Long tượng đã khuất hay còn sống, trong quá khứ hay bây giờ vẫn hiện diện vô hành, đủ uy đức tiếp lửa cho hàng hậu bối. Tăng ni hôm nay, ngày mai, tương lai luôn tiếp nhận được sức mạnh từ bi, và trí tuệ của quý ngài. Không quy hướng cũng không phân ly (anāgamam anirgamam).
 
“Năng thuyết thị nhân duyên” (能說是因緣), chữ “nhân duyên” là cách số hai, thuyết là động từ. Vị mà nói thuyết duyên khởi này cũng là trung tính, cách số hai. Cái duyên khởi chính là śivaṃ. Śivaṃ đây là một danh từ cách số hai, La-thập hiểu là trạng từ dịch là “thiện” (善). Śivaṃ như chữ thần Śiva, nghĩa là tự tại, an nhiên. Diệt là danh từ, động từ là vắng lặng, đúng là hý luận diệt, diệt đây không phải là diệt trừ mà diệt là tịch tĩnh, lắng xuống.
La-thập dịch Phật khéo nói cái nhân duyên này, ngài dịch khéo, hoàn toàn sai, cái thuyết Phật nói thuyết duyên khởi, śivaṃ chính là niết-bàn. Niết-bàn đây là gì, chính là sự vắng lặng mọi hý luận.
 
Tôi là cựu học Tăng khóa II (1994-1997), cũng là kẻ hiếu sự, thấy lý Duyên khởi sang nên “bắt quàng làm họ”, ký tải theo tư tưởng hý luận. Nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa, hậu thân Cơ bản Phật học Khánh Hòa, mái trường thân yêu, nơi tôi đã trưởng thành, đắc chí với niềm kiêu hãnh và tự hào, kính ghi đôi dòng lưu niệm.
 
Nha Trang, Pl. 2559, tiết Bạch lộ
 
 

[1] Tuệ Sỹ, Triết học về tánh Không, tr. 10, Nxb Hồng đức – 2013.
[2] Trung luận (中論 ) 1, phẩm Quán nhân duyên, T30, no. 1564, p. 1, b14-15.
[3] Takakusu, Tinh hoa triết học Phật giáo, Tuệ Sỹ dịch, tr. 135, Ban tu thư Phật học – Pl. 2548-2004.
[4]“Hòa thượng Thích Phúc Hộ với Phật học viện Nha Trang” – Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh, đăng trong Đặc san về cội – Tu viện Quảng Hương Già-lam – PL. 2552 (2009).

Nguồn: http://phaptangpgvn.net/vie/sach-phat-hoc/khong-diet-khong-sinh.htm

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận