Lịch sử Pháp Tạng Bộ và Luật Tứ Phần

LUẬT TỨ PHẦN
曇無德部四分律
Dharmaguptaka Vinaya

 LỊCH SỬ PHÁP TẠNG BỘ VÀ LUẬT TỨ PHẦN
PHẢ HỆ TRUYỀN THỪA TỪ ẤN-ĐỘ CHO ĐẾN VIỆT NAM

DUYÊN KHỞI

Hiện nay Tăng-già Việt Nam hệ Bắc phương đang hành trì luật Tứ phần của Đàm-vô-đức bộ, hay gọi là Pháp tạng bộ. Còn hệ Nam phương theo luật Pāli, tức Thượng tọa bộ. Chắc có lẽ, Tăng ni hệ Bắc phương một số đông biết đến điều này bắt đầu từ lời tựa “Duyên khởi” của thầy Tuệ Sỹ viết trong dịch phẩm “Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tì-nại-da sự” (Mūlasarvāstivādavinayavastu) đã được ấn hành. Vì Sao? Vì trong Tổ đường các chùa phương Bắc đa phần thờ Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma tại trung ương, và trên Long vị chư tổ đều ghi “Phụng vì Lâm tế…” Đó là lí do khiến mọi người luôn nghĩ Phật giáo Việt Nam được truyền thừa từ đất Trung hoa theo phả hệ tông Thiền. Cứ như vậy mặc nhiên nhận khả trong suốt chiều dài lịch sử, qua nhiều thế hệ.

Nhưng, mấy ai biết được Khương Tăng Hội thọ giới cụ túc năm 220 Tây lịch, tức Việt Nam tổ chức giới đàn trước Trung hoa. Tại Trung Hoa, năm thứ hai, niên hiệu Gia bình (250 Tây lịch), thời Ngụy Thiếu đế, Đàm-ma-ca-la (Dharmakāla)  từ đất Ấn sang, ở tại chùa Bạch mã, Lạc dương, dịch Tăng-kì giới bổn 1 quyển, lấy đó làm khóa bổn, thỉnh 10 vị Phạm tăng, lập pháp yết-ma, sáng lập dùng 10 vị Tăng truyền giới làm tiền lệ. Đó là sự trao truyền giới pháp đầu tiên tại Trung hoa.

Trong tập báo Hương Tích (Phật học luận tập) số 2/2017, chúng tôi có viết một thiên khảo luận “Giới đàn đầu tiên tại Việt Nam”, y cứ trên hai nguồn sử liệu: 1. Lịch sử Phật giáo Việt Nam của thầy Lê Mạnh Thát, 2. Lời tựa “Duyên khởi” của thầy Tuệ Sỹ viết, như muốn dò dẫm vết đạo truyền thừa từ Khương Tăng Hội cho đến nay theo hệ luật nào.

Gần đây, nhân dịp chúng tôi hội kiến cả hai thầy: Tuệ Sỹ và Mạnh Thát, tham vấn ý kiến nhị vị tôn sư. Lúc ấy, thầy Mạnh Thát nói, rất phấn khởi với ý kiến đóng góp của thầy Tuệ Sỹ vô cùng giá trị và quan trọng cho cái nhìn mới về hệ Tăng-già phương Bắc. Nhưng thầy góp ý rằng, trong tiểu sử của Khương Tăng Hội, kể tới chuyện Tôn Hạo đòi xem “giới luật của sa-môn”, Hội không thể không cho Hạo xem, nên đã lấy 135 nguyện của kinh Bản nghiệp viết thành 250 giới của tỳ-kheo. Và trong Lý hoặc luận, Mâu Tử dẫn lời những người chỉ trích Phật giáo: “… nay sa-môn cạo đầu, khoác vải đỏ”, giống ý trong Xá-lợi-phất vấn kinh (dịch giả khuyết danh, thời Đông Tấn), Đàm-ma-quật-đa-ca (Dharmaguptaka/Pháp tạng bộ) khoác ca-sa đỏ và Tát-bà-đa (Sarvāstivādin/Hữu bộ) khoác ca-sa đen. Cho nên, thầy Thát vẫn ngờ vực thời Khương Tăng Hội là truyền thừa của Pháp tạng bộ (Đàm-vô-đức bộ).

Về lịch sử vấn đề này chúng tôi đã có ý viết từ lâu, vì hai lí do:

Thứ nhất, bộ luật Tứ phần (60 quyển) được Hòa thượng Luật sư Thích Đỗng Minh dịch từ Hán sang Việt, khởi sự bắt đầu ngày 14 tháng 8 năm 1990, Phật lịch 2534, đến ngày 4 tháng 2 năm 1992 (năm Nhâm thân), Phật lịch 2536 là hoàn tất. Phật lịch 2538 (1994), Phân viện nghiên cứu Hà Nội in tập 1, nhưng lượt bỏ nhiều, Hòa thượng Luật sư không đồng ý, tự in lại với hình thức photocopy vào năm Phật lịch 2540 (1996), để biếu tặng cho các tự viện trong nước. Năm 2002, Phật lịch 2546, thầy Tuệ Sỹ hiệu chính lại được 30 quyển theo bản Hán, in thành 3 tập bản Việt, tập 1&2 là giới pháp Tỳ-kheo, tập 3 giới pháp Tỳ-kheo-ni. Công trình còn dang dở thì Hòa thượng Luật sư “dự tri thời chí”. Phật lịch 2550 (2006), bản dịch được chỉnh sửa hoàn thiện 60 quyển, ấn hành thành 6 tập và quyển Tổng mục lục, cúng dường trong dịp Đại tường của Hòa thượng. Ba năm sau, Phật lịch 2553, thầy Tuệ Sỹ cùng các học trò đối chiếu bản Hán, hiệu chỉnh lại một lần nữa, in lại thành 1 bộ 4 tập theo bản Việt. Qua năm lần ấn hành như vậy, cả Hòa thượng tôn sư và chúng môn sinh vẫn chưa đủ nhân duyên để hoàn thành được lịch sử bộ phái của hệ luật Tứ phần này. Trong thời gian Ban phiên dịch dự kiến in lại một lần nữa, đó là lí do khích lệ chúng tôi viết phần lịch sử này, như phụ lục bổ túc trong quyển Tổng mục lục.

Thứ hai, như chúng tôi đã nói trên, cộng đồng Tăng lữ dù sống ở bất cứ phương sở nào, đời sống sinh hoạt của Tăng chúng đều giống nhau là nhờ vào pháp Yết-ma và hành trì theo giới luật của đức Thích Tôn chế định. Tuy sau thời Phật phân nhánh nhiều hệ phái, họ kết tập Luật tạng riêng để vận dụng cho thích nghi hoàn cảnh, địa vức, nhưng vẫn y cứ vào các giới điều ghi trong Luật, và bản thể tỳ-kheo phải xây dựng trên nguyên tắc thọ giới, đắc giới…, như luật Pāli của Thượng tọa bộ, Ma-ha Tăng-kỳ của Đại chúng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, Tứ phần của Pháp tạng bộ; Thập tụng của Hữu bộ, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tì-nại-da của Căn bản Hữu bộ cũng không ngoài ý nghĩa mục đích đó.

Nếu chúng ta muốn biết, hệ luật Tứ phần của phái Pháp tạng truyền đến Việt Nam cũng như ảnh hưởng từ khi nào, thì phải lần tìm dấu vết sự kiện lịch sử tổ chức giới đàn. Sau giới đàn của Khương Tăng Hội, là giới đàn nào, tổ chức ở đâu, triều đại nào? Trước khi trả lời cho câu hỏi này chúng ta hãy quay lại khởi nguyên của bộ phái Pháp tạng tại đất Ấn.

CHƯƠNG I
TỔ SƯ TÔNG PHÁI VÀ VỊ THẦY PHÁP TẠNG BỘ

I. KHỞI NGUYÊN CỦA BỘ PHÁI

Truyền thuyết lịch sử Pháp tạng bộ thành lập được Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập quyển 6, Trừng Thiền (Nhật Bản) biên soạn, dẫn lại như sau:[1]

Sau ba trăm năm, từ Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) lưu xuất ra một bộ gọi là Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka), hoặc gọi Pháp mật bộ…; trong kinh gọi Pháp hộ bộ, chú rằng, cũng là tên Luật chủ. Chân Đế nói, Pháp hộ là tên người.[2] Vị La-hán này là đệ tử Mục-liên, thường theo Mục-liên đến cõi trời và nhân gian… Pháp hộ du hành theo thầy, những gì nghe được đều ghi nhớ. Sau khi Mục-liên diệt độ, Pháp hộ kết tập thành năm tạng: 1. Kinh tạng; 2. Luật tạng; 3. Luận tạng; 4. Chú thuật tạng; 5. Bồ-tát bổn nhân, tức Bồ-tát tạng… Bộ này tự cho rằng, ‘Vật-già-la là thầy của tôi’.”

Trừng Thiền y cứ vào tác phẩm Tam luận huyền nghĩa của Cát Tạng làm bản đáy để sớ giải, đồng thời dẫn chứng thêm Bộ chấp dị luận của Chân Đế (Paramārtha) dịch. Trong Bộ chấp dị luận,[3] Dị bộ tông luân luận[4]cũng nói bộ phái Pháp tạng phân nhánh từ Hóa địa bộ. Những thuyết khác như Xá-lợi-phất vấn kinh,[5] nói bộ phái Pháp tạng phân tách từ Thuyết nhất thiết hữu bộ. Sử gia Tây Tạng Tāranātha viết tập sử Phật giáo Ấn-độ[6] lại ghi: Theo ý kiến của người Thượng tọa bộ phân phái: Pháp tạng bộ từ Thượng tọa bộ (Sthavira). Ý kiến của người Đại chúng bộ (Mahāsāṇghika): Pháp tạng bộ từ Thuyết phân biệt bộ (Vibhajavādin). Ý kiến của người Nhất thiết sở quý bộ (Chánh lượng bộ/ Sammatīya): Pháp tạng bộ từ Thuyết nhất thiết hữu bộ. Ý kiến của người Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin): Pháp tạng bộ từ Thuyết nhất thiết hữu bộ.

Lại từ sử truyện Tây Tạng của luận sư Thanh Biện (Bhavya) người Nam Ấn-độ (thế kỷ thứ 6 Tây lịch) soạn tác phẩm Lịch sử phân chia giáo đoàn (Sde-pa tha-dad-par-byed-pa daṅrnam-par-bśad-pa), đưa ra 3 thuyết: thứ nhất, Pháp tạng bộ trực tiếp từ Thượng tọa bộ phân phái. Thuyết thứ 2 và thứ 3 đều chủ trương từ Phân biệt thuyết bộ.[7]

Thời gian hệ phái này thành lập, tất cả sử liệu đều nhất trí là vào thế kỷ thứ 3 sau Phật nhập diệt (khoảng từ 184 – 84 trước Tây lịch).[8] Nguyên nhân phân chia, theo giáo sư André Bareau cho rằng, từ sự bất đồng quan điểm trên vấn đề đức Phật với Tăng-già và công đức cúng dường cho Phật và cho Tăng-già mà phân phái.[9] Nhưng về vị tổ khai sáng tông phái và thầy của vị tổ này tôn xưng như trong Tam luận huyền nghĩa kiểm u tập dẫn là một uẩn khúc, lại còn bị bao phủ bởi lớp sương mù của huyền thoại. Nguyên nhân cũng từ mâu thuẫn giữa hai nền văn hiến: Nam phương Pāli và Hán tạng Bắc truyền.

Nguyên văn trong Bộ chấp dị luận chép: “Trong lần thứ ba trăm năm này, từ Chánh địa bộ (Hóa địa bộ) lại xuất một bộ gọi là Pháp hộ bộ. Bộ này tự nói, Vật-già-la là thầy tôi.[10] Vật-già-la (勿伽羅), theo Ấn Thuận chính là Đại Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) thời Phật.[11] Đại sư dẫn thêm trong Xá-lợi-phất vấn kinh: “Mục-kiền-la Ưu-ba-đề-xá khai sáng bộ phái Đàm-vô-quật-đa-ca.[12] Đại sư lý luận, Ưu-ba-đề-xá (Upatiṣya) là tên của Xá-lợi-phất (Śāriputra), cho nên Mục-kiền-la Ưu-ba-đề-xá chính là Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất – Luận sư A-tì-đạt-ma. Pháp tạng bộ suy tôn hai vị này là tổ sư nguyên do Pháp tạng bộ truyền luận có Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận (Śāriputrābhidharma-śāstra).[13] André Bareau cũng nói giống với Ấn Thuận: vị Đạo sư tinh thần của Pháp tạng bộ là Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana), vị đại đệ tử nhiều pháp thuật của đức Phật, mà chính Dharmagupta là đệ tử thuần thành.[14] Nhưng Sujato lại cho rằng, tên Ưu-ba-đề-xá (Mục-kiền-la Ưu-ba-đề-xá 目揵羅優婆提舍) trong Xá-lợi-phất vấn kinh là diễn tả từ upadeśa (luận nghị), đề cập đến một chuyên luận của Moggallāna; và Moggaliputta Tissa nổi tiếng với việc biên soạn chuyên luận Kathāvatthu. Ông nói nếu gọi chung tên hai vị này, thường là theo họ (family names): Mục-kiền-liên (Moggallāna) và Xá-lợi-phất (Sāriputta), hay là gọi theo tên cá nhân (personal names): Kolita và Upatissa. Chứ không có chuyện, gọi tên vị này theo họ (Mục-kiền-la), vị kia  theo tên cá nhân (Ưu-ba-đề-xá). Ông chứng minh trong luật Pāli, phần Đại phẩm (Mahākhandhako) 42: Addasā kho bhagavā sāriputtamoggallāne dūratova āgacchante, disvāna bhikkhū āmantesi​ —​ ‘ete, bhikkhave, dve sahāyakā āgacchanti, kolito upatisso ca. etaṁ me sāvakayugaṁ bhavissati aggaṁ bhaddayugan’ti. [15] (Khi đức Thế Tôn trông thấy Xá-lợi-phất và Mục-kiền từ xa đi lại, thấy rồi Ngài bảo các tỳ-kheo: Hai vị bạn hữu ở xa kia đang đi lại, đó là Kolita và Upatissa,[16] họ sẽ trở thành một đôi bạn hiền thiện xuất sắc trong hàng đệ tử của Ta). Điều mà Sujato nói không phải không có lý, trong Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ cũng chép như thế.[17] Tuy nhiên, chúng ta không thể vội kết luận ở đây, bởi vì Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tử Đế-tu) là nhân vật trung tâm theo sử liệu phương Nam, đại diện là biên niên sử Tích-lan, nhưng trong tài liệu phương Bắc lại không hề biết đến vị này. Do đó, chúng ta phải trở lại thời kỳ đầu phân phái, hay lịch sử truyền giáo thời vua A-dục.

II. MOGGALIPUTTA TISSA VÀ UPAGUPTA

Frauwallner dẫn chứng sử liệu Tích-lan như Đảo vương thống sử (Dīpaṃvasa, ch. VIII), Đại vương thống sử (Mahāvaṃsa, ch. XII), và Nhất thiết thiện kiến luật chú (Samantapāsādikā, pp. 63, 19-69, 15) ghi: sau Hội nghị kết tập lần thứ 3, dưới sự chủ trì của Moggaliputta Tissa tại thành Pāṭaliputra vào năm 236, sau khi đức Phật nhập diệt (Nirvāṇa), suy cử các vị đại đức truyền giáo ở những quốc gia như sau:

  1. Majjhantika đến Gandhāra và Kaśmīra (Kế-tân),
  2. Mahādeva đến nước Mahisa,
  3. Rakkhita đến Vanavāsa (Vanavāsi),
  4. Yonaka-Dhammarakkhita đến Aparantaka,
  5. Mahādhammarakkhita đến Mahāraṭṭha,
  6. Mahārakkhita đến nước Yonaka (Yonakaloka),
  7. Kassapagottaa, Majjhima, Durabhisara (Dundubhissarra), Sahadeva và Mūlakadeva (Alakadeva) đến Himavanta (Himavantapadesa),
  8. Soṇa (Sonaka) và Uttara đến Suvaṇṇabhūmi (Ṣuvaṇṇabhūmi),
  9. Mahinda, Iṭṭhiya (Iddhiya), Uttiya, Bhaddasāla và Sambala đến Laṅkā (Tambapaṇṇi).

Trong Thiện kiến luật còn nói Moggaliputta Tissa là tổ thứ năm tiếp nối phả hệ truyền thừa luật tông theo truyền thuyết phương Nam.[18] Ông là người thành Hoa thị (Pāṭaliputra). Con trai vua A-dục là Mahinda xuất gia với Moggaliputta Tissa. Khi Tissa (Đế-tu) biết Phật giáo ở thành Hoa thị phát sinh tranh luận, mới đến núi Ahogaṅga (A-hưu-hà) ẩn cư. Sau đó vua A-dục cho thuyền nghinh thỉnh. Tissa đến thành Hoa thị dập tắt tranh luận, cử hành Kết tập lần thứ 3, rồi sai phái đại đức đi các nơi truyền giáo.[19]

Frauwallner cho rằng, thời gian Phật giáo truyền đến Tích-lan muộn nhất là đầu thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Luận chứng trong những tác phẩm đó đã bị thêm thắt và tư liệu lịch sử ở Ấn-độ có thể bị bóp méo, che đậy bằng nhiều truyền thuyết, nhưng sứ mệnh truyền giáo thời vua A-dục xác thực có diễn ra.[20] Trong văn khắc của vua A-dục, đạo luật khắc đá (Rock Edict) thứ 13,[21] nhà vua có đề cập đến giáo đoàn truyền giáo mà ông sai phái. Và Bia ký số 5 (Rock Edict V) còn ghi, những người đại diện cho khu vực hoạt động hoằng hóa là Đại quan chánh pháp (Dhammamahāmattā). Theo chứng cứ đó Frauwallner kết luận: chính vua A-dục là người sai phái các vị sư đi truyền giáo, chứ không phải Moggaliputta Tissa sách hoạch như tài liệu Tích-lan ký tải.[22] Chẳng qua Tích-lan đã chỉnh sửa, bằng cách đem công trạng của những vị sư truyền giáo quy cho tổ sư tông phái mình là Moggaliputta Tissa.[23] Lịch sử truyền giáo này theo Ấn Thuận, xảy ra khoảng năm 271 trước Tây lịch, lúc vua A-dục (Aśoka) đứng trên đỉnh cao của quyền lực, đến năm thứ 9, nhà vua chinh phục Kaliṅga, thâm cảm trước sự tàn khốc của chiến tranh ông mới quy kính Phật pháp, và vận động công cuộc truyền giáo đến các nước lân bang.[24]

Chúng ta quay sang văn bản đại diện cho truyền thuyết phương Bắc, cũng nói đến những vị đại đức cùng thời với vua A-dục, đó là sử liệu của Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) theo ý kiến của Frauwallner;[25] Ấn Thuận thì nói truyền thuyết Kế-tân[26] (Kaśmira). Đầu tiên trong A-dục vương truyện (6, p. 26b7) nói:

“Tôn giả (Ưu-ba) Cúc-đa… bảo Đề-đa-ca: Này ông! Phật đã đem giáo pháp phó chúc cho Ca-diếp. Ca-diếp đem giáo pháp phó chúc cho A-nan. A-nan truyền lại cho Hòa thượng của ta là Thương-na-hòa-tu, Thương-na-hòa-tu truyền pháp lại cho ta. Nay ta giao pháp lại cho ông.”[27]

Trong sử truyện ghi: Thượng tọa Dạ-xá (Yesa)[28] ở chùa Kê-đầu-ma,[29] là người giáo hóa vua A-dục tạo tháp, khuyên vua A-dục nghinh thỉnh đại đức Upagupta (Ưu-ba-cúc-đa). Upagupta ở chùa Na-đa-bà-đa (Naṭabhatikā), núi Ưu-lâu-mạn-đà (Urumaṇḍa), nước Ma-thâu-la (Mathurā), nhận lễ thỉnh của vua A-dục, Upagupta men theo sông Hằng đến thành Hoa thị, vì vua thuyết pháp, hướng dẫn nhà vua tham bái thánh tích.[30]

Frauwallner nghi ngờ về sự liên hệ giữa Upagupta và Śāṇavāsa (Thương-na-hòa-tu), và có  phải Śāṇavāsa là đệ tử của A-nan hay không? Ông nói sử liệu kỳ Kết tập tại Vaiśālī, có một nhân vật lãnh đạo thời đó tên Sambhūto Sāṇavāsī,[31] sống ở núi Ahogaṅga,[32][33] người này với tổ sư ở Mathurā có sự liên hệ với nhau. Nhưng nếu Śāṇavāsa là đệ tử của A-nan tham gia Kết tập Vaiśālī sau đức Phật nhập diệt 100 năm hay 110 năm, thì ít nhất số tuổi của vị này là 100 tuổi, thật khó tin. Trong một số phiên bản Tạng luật bộ phái đã cường điệu các nhà sư trở thành học trò của Ānanda (A-nan), Aniruddha (A-na-luật), hoặc của Upāli (Ưu-ba-li),[34] với mục đích ban cho thẩm quyền lớn nhất với những người cao niên trong Hội đồng kết tập. Lúc đó người triệu tập Hội nghị Vaiśālī là Yasa Kālaṇḍakaputta,[35] cố gắng thuyết phục một số trưởng lão giữ vững luận điểm là Sambhūto Sāṇavāsī, Revato[36] và Sabbakāmī.[37] Ông cho rằng, trong luật Tứ phần, Ngũ phần, và Pāli[38] không kể gì về thời học trò của Sambhūto Sāṇavāsī, và Revato, mà Sabbakāmī lại được chứng thực trong gần như tất cả các phiên bản: luật Thập tụng, Ngũ phần, Pāli.[39] Và kỳ Kết tập đó nói Sabbakāmī là vị tỳ-kheo trưởng lão cao niên nhất trong cộng đồng Tăng. Cho nên ông tin Sabbakāmī là đệ tử của A-nan, trụ thế đến kỳ Kết tập lần thứ hai. Còn Sāṇavāsa (Thương-na-hòa-tu) chắc chắn không phải là đệ tử của Ānanda, nhưng do sử gia của giáo đoàn đã tùy tiện đặt sự liên hệ đến vị này.[40]

Về thuyết phương Nam, danh sách các vị sư truyền luật: Upāli, Dāsaka, Sonaka, Siggava và Moggaliputto Tissa,[41] Frauwallner không đồng tình với phả hệ này. Ông cho rằng Dāsaka, Sonaka được thêm vào, nguồn gốc không rõ ràng.[42] Thiện kiến luật[43] nói, Hội nghị kết tập lần thứ hai, Sonaka (Tu-na-câu) tập chúng, tụng xuất tỳ-ni. Kỳ thật lịch sử Kỳ kết tập 700 vị, không có vị trí Sonaka. Theo Ấn Thuận, đây không phải là truyền thuyết bất đồng, mà do Tích-lan truyền, đề cao tổ sư của tông mình cho phù hợp với sự thật lịch sử thời cổ đại, để cường điệu pháp hệ có tính chính thống vào thời kỳ đầu của Phật giáo. Về vấn đề này, Kế-tân truyền Sāṇavāsa (Thương-na-hòa-tu) đệ tam tổ, đại biểu cho kỳ Kết tập 700 vị. Như Tích-lan truyền, tự nói Sonaka (Tu-na-câu) kết tập tỳ-ni. Cho nên truyền thuyết Kế-tân, Thương-na-hòa-tu truyền cho Ưu-ba-cúc-đa; truyền thuyết Tích-lan, Tu-na-câu truyền lại cho đến Mục-kiền-liên Tử Đế-tu, tức đến thời vua A-dục.[44]

Cuối cùng, Frauwallner đánh giá danh sách phổ hệ tổ sư của giáo đoàn Tích-lan và các vị tổ sư truyền thừa trong Thuyết nhất thiết hữu bộ (Sarvāstivādin) không có giá trị lịch sử. Nhưng theo chúng tôi, câu chuyện giữa Moggaliputta Tissa và Upagupta thời vua A-dục ít nhiều gì cũng phải có thật. Ấn Thuận, Ryūshō Hikata, Taiken Kimura đều cho rằng Moggaliputta Tissa và Upagupta chỉ là một người, chẳng qua truyền thuyết Nam-Bắc có khác nhau.[45]

Những điểm giống của hai truyền thuyết:

  1. Núi Ahogaṅga (A-hưu-hà sơn 阿烋河山) mà Moggaliputta Tissa ẩn cư, với núi Urumaṇḍa (Ưu-lâu-mạn-đà 優樓漫陀), nước Mathurā (Ma-thâu-la 摩偷羅)[46] chỗ Upagupta ở đều là trú xứ của Sāṇavāsa (Thương-na-hòa-tu). Trong Tây vực ký, Huyền Trang có chép lại rằng: “Nước Mạt-thố-la (秣菟羅, Mathurā) từ đô thành đi về hướng đông năm sáu dặm, đến một ngôi sơn tự cất trên sườn núi, lấy hẻm núi làm cổng chính, do tôn giả Ưu-ba-cúc-đa (鄔波毱多, Đường dịch là Cận Hộ 近護) kiến tạo.”[47] Dược sự gọi là núi Ô-lô-môn-đồ,[48] Tạp sự nói Mâu-luận-đồ.[49] Tất cả đều cùng tên với dải núi Ahogaṅga, cho nên Upagupta và Tissa đồng một vị đại đức ở Mathurā.
  2. Upagupta nhận sự lễ thỉnh của vua A-dục, men theo sông Hằng đến thành Hoa thị, vì vua thuyết pháp, hướng dẫn nhà vua tham bái thánh tích. Chuyện này tuy truyền thuyết Tích-lan không nói nhưng văn khắc trụ đá ở Lumbinī có ghi: “Thiện kiến vương lên ngôi 20 năm, bởi vì nơi đây đức Phật Thích-ca mâu-ni đản sinh nên ta đích thân đến lễ bái. Vua ban lệnh khắc đá.” Vậy vua A-dục có tham bái thánh tích là sự thật. Truyền thuyết Tích-lan cũng nói: Moggaliputta Tissa, nhân vua A-dục lễ thỉnh, men sông Hằng đến thành Hoa thị, nhận sự lễ kính của nhà vua. Ông đứng ra dập tắt tranh luận tại thành Hoa thị, vận động công cuộc truyền giáo vĩ đại.[50]

Về điểm khác nhau:

  1. Thuyết Kế-tân nói, Thượng tọa Da-xá (Dạ-xá) ở chùa Kê viên (Kê-đầu-ma), giáo hóa vua A-dục và khuyên nhà vua cung thỉnh Upagupta. Truyền thuyết Tích-lan không có chuyện này, nhưng Ấn Thuận cho rằng, vị Thượng tọa Da-xá này không hẳn là Yasa Kākaṇḍakaputta trong Hội đồng kết tập 700 vị, có thể trong chúng đệ tử Phật có nhiều vị Da-xá. Trong Lịch sử Phật giáo Ấn-độ (6. 4) của Tāranātha[51] cũng nói: Da-xá-đà-bà-xà (Yesadhvaja) chủ chùa Kê viên phương đông, mời vua A-dục đến thành Hoa thị, vì đức vua thuyết pháp sám hối. Do đó, chuyện Da-xá khuyên vua A-dục thỉnh Upagupta và Upagupta cùng thời với vua A-dục là có thể tin.[52]
  2. Thuyết Tích-lan: Moggaliputta Tissa biết Tăng chúng tranh luận cho nên quay về Mathurā. Thiện kiến luật ghi “7 năm không được thuyết giới[53] thì việc tranh luận khởi 11 năm. Ấn Thuận nói điều này không hợp lý. Nếu một thủ đô Phật giáo mà suốt 7 năm không thuyết giới thì làm sao lãnh đạo các phương. Như Tissa độ Mahinda xuất gia, nhận sự tôn kính của vương gia, thì chắc chắn không thể quay lại Mathurā. Do đó Ấn Thuận kết luận, Moggaliputta Tissa được thỉnh xuống phía đông thuyết pháp cùng với truyền thuyết Upagupta hoàn toàn nhất trí, thì rõ ràng chuyện xưa từ bản truyện gốc của Upagupta tái bản lại.[54]

Một số nhà Phật học cận đại còn suy đoán, Moggaliputta Tissa và Upagupta chỉ là một người, vì Moggaliputta Tissa là tên của Mục-kiền-liên và họ Đế-tu (Tissa) của ngài Xá-lợi-phất ghép chung lại; có lẽ Upagupta là người đủ đức hạnh cả hai vị đại đệ tử của đức Phật, cho nên người đời sau gọi Upagupta là Moggaliputta Tissa để tỏ lòng tôn kính. Chuyện Moggaliputta Tissa và truyền thuyết Upagupta hoàn toàn chỉ là một.[55] Vì thế mà không phải ngẫu nhiên hai nước theo Phật giáo phương Nam hiện nay là Myanmar và truyền thống dân gian người Thái tôn kính Upagupta là vị A-la-hán bất tử.[56] Phật giáo Myanmar gọi Upagupta là Shin Upagutta, còn tin tưởng ngài chính là Moggaliputta Tissa.[57]

Những chứng cứ so sánh trên chỉ tạm cho chúng ta có cái nhìn chung về một nhân vật, một vị thầy của vua A-dục, nhưng mục đích vẫn là tìm hiểu người thầy của tổ khai sáng tông phái này. Chúng ta trở lại vị tổ sáng lập trường phái Pháp tạng bộ.

III. TỔ KHAI SÁNG PHÁP TẠNG BỘ VÀ NGƯỜI THẦY CỦA HỌ

Tất cả các nhà nghiên cứu Phật học đều công nhận đại đức Yonakadhammarakkhita truyền giáo ở Aparantaka chính là người sáng lập bộ phái Pháp tạng.[58] Frauwallner còn suy đoán Mahādhammarakkhita hoằng hóa ở Mahāraṭṭha có cùng tên Dhammarakkhita chính là tên bộ phái Pháp tạng (Dharmaguptaka). Ông còn nói có khả năng đoàn truyền giáo của Dhammarakkhita hợp nhất với giáo đoàn của đại đức Mahārakkhita truyền đến nước Yonaka (Yonaloka)[59] thành một bộ phái.[60] Trong 9 giáo đoàn truyền giáo, có 4 vị có tên “Rakkhita”: đại đức Rakkhita, Yonaka-Dhammarakkhita, Mahādhammarakkhita, Mahārakkhita. Thiện kiến luật[61] dịch âm: Lặc-khí-đa 勒棄多 (Rakkhita), Đàm-vô-đức 曇無德 (Yonaka-Dhammarakkhita), Ma-ha Đàm-vô-đức 摩訶曇無德 (Mahādhammarakkhita) và Ma-ha Lặc-khí-đa 摩訶勒棄多 (Mahārakkhita). Ấn Thuận phân tích tên của những vị này và nơi hoằng pháp của họ có sự liên hệ đến Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên như sau:

Yonaka-Dhammarakkhita và Mahādhammarakkhita hoằng pháp đến phía Tây là Aparantaka, Mahāraṭṭha; Mahārakkhita truyền đến Yonaka là Tây bắc; Rakkhita bố giáo ở Vanavāsa là Tây nam, mà Ujjayainī (Ưu-thiền-ni 優禪尼) là trung tâm Phật giáo Tây nam, điểm phương Tây là con đường giao thông trọng yếu giữa Nam-Bắc. Đồng thời gần bờ biển phía Tây với người Yonaka phương Tây thường xuyên giao lưu văn hóa, kinh tế qua lại. Bằng chứng câu chuyện về ngạ quỷ ở bờ biển phía Tây này có ý nghĩa rất đặc biệt, theo thuyết Đại chúng bộ[62] kể về Pūrṇa (Phú-lâu-na 富樓那), hoặc thuyết Thượng tọa bộ nói đến Śroṇa-koṭikarṇa (Ức Nhĩ 億耳) xuất gia với Mahākātyāyana (Đại Ca-chiên-diên), thấy nhiều ngạ quỷ tại bờ biền này.[63] Và Tăng hộ (僧護 – Saṃgharakṣita) đệ tử Xá-lợi-phất (Śāriputra) đi qua biển gặp thế giới ngạ quỷ, những ngạ quỷ này đều là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni… phạm giới bị nghiệp báo.[64] Thuyết ngạ quỷ và quy chế của Tăng có quan hệ với nhau, có ý nghĩa thủ hộ giới luật, răn dạy người xuất gia. Tăng Hộ tên Phạn là Saṅgharakṣita (dịch âm Tăng-già-lặc-khí-đa 僧伽勒棄多). Trong Tương ưng bộ, Tạp A-hàm kinh (Tụng iv. Đệ tử sở thuyết), nói đến Đại Mục-kiền-liên thấy nhiều ngạ quỷ, nhân duyên tỳ-kheo Lặc-xoa-na (勒叉那, Skt. Lakṣana, P. Lakkhaṇa) hỏi mới có việc truyền thuật.[65] Ấn Thuận cho rằng, Lakkhaṇa (Lặc-xoa-na) và Rakkhita (Lặc-khí-đa) tuy ngữ âm có khác chút ít nhưng vẫn dịch “hộ 護”, chắc chắn là giống nhau.[66] Trong Thiện kiến luật dịch âm Đàm-vô-đức chính là Dharmaguptaka (Đạt-ma-cúc-đa 達磨毱多), nghĩa là “Pháp tạng” hoặc “Pháp hộ”, Cúc-đa (Gupta)[67] cũng có nghĩa là “hộ”. Khu vực duyên hải phương tây truyền thuyết ngạ quỷ có liên hệ với Rakkhita. Cũng như ở Trung Quốc có truyền thuyết Mục-liên cứu mẹ là cứu độ ngạ quỷ, hay Nam truyền có chuyện Xá-lợi-phất cứu độ mẫu thân.[68] Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là “đệ tử song hiền” của Phật, cũng là căn nguyên của A-tì-đạt-ma. Vùng duyên hải có quan hệ với truyền thuyết ngạ quỷ liên hệ đến quy chế của Tăng thì Pháp tạng bộ có sự liên hệ đến hai vị Thánh giả này. Do đó Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) mới xưng “Mục-kiền-liên là Đại sư của tôi”, và trong Xá-lợi-phất vấn kinh chép “Mục-kiền-la Ưu-ba-đề-xá, khai sáng bộ phái Đàm-vô-quật-đa-ca”.[69]

Như trước chúng tôi đã dẫn quan điểm của Sujato, sư tiếp tục cho rằng câu văn trong Xá-lợi-phất vấn kinh (Śāriputraparipṛcchā) nhiều khả năng là cách đọc của Moggaliputta Tissa chứ không phải Moggallāna-Upatissa, và trong Thức thân túc luận[70] chắc chắn không đề cập đến Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên), rất có thể nói đến Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tử Đế-tu), mặc dầu nội dung là tên Mục-kiền-liên (Moggallāna).[71] Trong tác phẩm “Bộ phái Phật giáo Tiểu thừa”, André Bareau và La Vallée Poussin[72] có nói, Thức thân túc luận của Hữu bộ chỉ trích gay gắt đối thủ là những người theo Phân biệt luận (Vibhajyavādin) đại diện là Moggaliputta Tissa, chủ tọa Đại hội Pāṭaliputra. Có thể ý của Sujato, Pháp tạng bộ thuộc hệ Phân biệt luận, tất nhiên tôn kính Moggaliputta Tissa, chứ không thể Mahāmoggallāna (Mahāmaudgalyāyana).

Sử liệu Tích-lan ký tải cho ta thấy thời vua A-dục vốn đã hình thành ba hệ phái rõ rệt, là Đại chúng bộ, Phân biệt thuyết, và Thuyết nhất thiết hữu bộ, qua chứng cứ Mahinda con vua A-dục nhận Moggaliputta Tissa (Mục-kiền-liên Tử Đế-tu) làm Hòa thượng; nhận Đại Thiên (Mahādeva) làm A-xà-lê, xuất gia thọ 10 giới; nhận Majjhantika (Madhyāntika, Mạt-xiển-đề) làm A-xà-lê thọ giới cụ túc.[73] Moggaliputta Tissa thuộc Phân biệt thuyết bộ, Mahādeva là Đại chúng bộ, Majjhantika theo Thuyết nhất thiết hữu bộ. Về sau có sự tranh luận vì năm việc của Đại Thiên, Tissa hệ Phân biệt thuyết hợp tác với Đại Thiên, do đó mới bị Hữu bộ gọi với cái tên Phân biệt luận giả, tức phân biệt tất cả không chuẩn.[74]

IV. ĐIỂM KẾT LUẬN CHUNG

Qua hai nguồn sử liệu Nam-Bắc mà các nhà Phật học đã chứng minh, chúng ta sẽ đứng trên lập trường cách khách quan để tiến tới một kết luận tương đối thỏa mãn như sau:

Theo hướng đóng góp của Ấn Thuận: Pháp tạng bộ suy tôn Mục-kiền-liên và Xá-lợi-phất là tổ sư nguyên do bộ phái này có tập luận Xá-lợi-phất A-tì-đàm (Śāriputrābhidharma-śāstra). Mizuno Kōgen[75] và André Bareau cũng tuyên bố luận thư này thuộc Pháp tạng bộ, vì nội dung phân chia trong Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận giống luật Tứ phần quyển 54 (T. 23, p. 968b) tường thuật lời Kết tập tại Vương xá thành: “Hữu nạn, Vô nạn, Hệ, Tương ưng, Tác xứ, tập hợp thành A-tỳ-đàm tạng.” Tuy có một số nhà nghiền cứu Phật học nhận định theo hướng khác như Shiio Benkyō nói của Độc tử bộ (Vātsī-putrīyāḥ) hoằng truyền; Kimura Taiken nói của Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika); Watanabe Baiyū cho rằng thuộc Hữu bộ phân xuất từ hệ Thượng tọa bộ.[76] Hoặc truyền thuyết từ Huyền Trang thì nói rằng Xá-lợi-phất A-tì-đàm thuộc hệ Chánh lượng bộ.[77] Nhưng Mizuno Kōgen tái khẳng định bản luận Xá-lợi-phất A-tì-đàm nói Sắc giới có 22 cõi trời thì chủ trương này duy nhất chỉ có Pháp tạng bộ. Các bộ phái khác không giống vậy. Ví dụ như Câu-xá luận của Thuyết nhất thiết hữu bộ nói có 18 cõi trời trong Sắc giới. Hữu bộ ở Ca-thấp-di-la chủ trương 16 cõi. Hữu bộ hệ Phạn văn (Thiên thí dụ) đề xuất 17 cõi trời (pp. 68, 568). Phân biệt luận (Vibhaṅga, p. 424 f.) trong Phật giáo Pāli nêu 16 cõi. Ngoài ra ông còn dẫn chứng: Học thuyết Pháp tạng bộ có liên hệ đến kinh điển sơ kỳ Đại thừa như kinh Hoa nghiêm, Bát-nhã… về thuyết 12 phần giáo… Và kinh điển sơ kỳ Đại thừa cũng sử dụng thuyết 22 cõi trời trong Sắc giới của Pháp tạng bộ. Kinh Hoa nghiêm 60 quyển (六十卷華嚴經), quyển 12 (T9n278, 477b) nói Sắc giới có 22 cõi thiên. Bản kinh Bát-nhã sớm nhất là Đạo hành bát-nhã kinh quyển 2 (T8, 435a) nói 21 cõi trời, thiếu Vô tưởng thiên. La-thập dịch Tiểu phẩm bát-nhã kinh quyển 2, quyển 9 (T8, 544c, 576c) nêu 20 cõi trời, hai bản dịch có sai khác chút ít.[78]

Nếu Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận của Pháp tạng bộ thì sự liên hệ đến Mục-kiền-liên càng mật thiết. Truyền thuyết còn nói hai vị Thánh giả này có soạn tập hai bộ luận, là Tập dị môn túc luận (Saṃgītiparyāyapāda) do Xá-lợi-phất (Śāriputra)[79] soạn và Pháp uẩn túc luận (Dharmaskandhapāda) của Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) soạn.[80] Tập dị môn được cho là Xá-lợi-phất vâng theo chỉ giáo của Thế Tôn, kết tập các thể tài giáo nghĩa mà Phật đã thuyết thành một vựng tập và Pháp uẩn là tập hợp những giải thích các giáo nghĩa cơ bản được quy chiếu cho Mục-kiền-liên. Trong kinh Trung A-hàm,[81] đức Phật nói: đối với các tỳ-kheo mới nhập đạo, Xá-lợi-phất là sanh mẫu và Mục-kiền-liên là dưỡng mẫu.[82] Điều đặc biệt nữa, các nhà nghiên cứu đều nhận xét Tập dị môn, Pháp uẩn, Xá-lợi-phất A-tì-đàm cùng với luận thư Pāli như Vibhaṅga (Phân biệt luận), Dhātukathā (Giới luận), và bộ phận cổ của Dhammasaṅgaṇī (Pháp tập luận) là hình thức nguyên thủy chung của các luận thư Abhidharma.[83]

Cho đến nay luận thư Abhidharma được bảo tồn đầy đủ chỉ có 7 luận thư của Hữu bộ (Sarvāstivāda) và Nam phương Thượng tọa bộ (Theravāda). Trong 7 luận thư của Hữu bộ, ba tác phẩm đầu Tập dị môn, Pháp uẩn Thi thiết túc luận (Prajñapti-śāstra),[84] bộ phái này cho rằng do các đại đệ tử Phật soạn tập thời Phật tại thế. Ba luận thư tiếp là Phẩm loại túc luận (Prakaraṇapāda),[85] Giới thân túc luận (Dhātukāyapāda),[86] Thức thân túc luận (Vijñānakāyapāda)[87] được soạn về sau. Bộ luận cuối cùng là Phát trí luận (Jñāna-prasthāna), do tôn giả Ca-đa-diễn-ni Tử (Kātyāyanīputra) viết sau Phật nhập diệt 300 năm.[88]

Luận thư của Thượng tọa bộ: (1). Dhammasaṅganī (Pháp tập luận); (2). Vibhaṅga (Phân biệt luận); (3). Dhātukathā (Giới luận); (4). Puggalapaññatti (Nhân thi thiết luận); (5). Kathāvatthu (Luận sự); (6). Yamaka (Song luận); (7). Paṭṭhāna (Phát thú luận). Cách sắp xếp thứ tự này theo Tạng luận của Pāli. Ấn Thuận xếp Kathāvatthu ở vị trí thứ 7, bởi vì Kathāvatthu do Moggaliputta Tissa soạn vào thời vua A-dục (khoảng 240 trước Tl.); 6 luận thư còn lại theo truyền thuyết là của Phật thuyết.[89] Khi làm công việc đối chiếu so sánh Abhidharma cả hai hệ phái, không thấy bất cứ nhà nghiên cứu Phật học nào nói Kathāvatthu giống với luận thư Hữu bộ. Đặc biệt Lữ Trừng lại nói: 6 luận thư của Thượng tọa bộ ngoại trừ Luận sự (Kathāvatthu), tất cả về cơ bản đều giống với Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận.[90] Sujato cũng dẫn lại ý kiến của Frauwallner nói rằng: Vibhaṅga có liên quan đến Pháp uẩn của Hữu bộ, hay Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận của Pháp tạng bộ. Trong tác phẩm “Bộ phái và giáo nghĩa bộ phái”, ông giải thích giáo thuyết của phái Phân biệt luận không có mâu thuẫn với Thuyết nhất thiết hữu bộ như những nhà Phật khác đã nói.[91] Nhưng chính Sujato chứng minh sự liên hệ giữa Pháp tạng bộ với Moggaliputta Tissa trước sau bất nhất. Ở trước chúng tôi đã dẫn, ông nói bộ phái này tôn Moggaliputta Tissa làm thầy vì liên hệ đến tác phẩm Kathāvatthu, sau lại công nhận Pháp tạng bộ có luận thư Xá-lợi-phất A-tì-đàm. Nếu luận thư Xá-lợi-phất A-tì-đàm của Pháp tạng bộ thì rõ ràng họ tôn kính Mahāmaudgalyāyana (Đại Mục-kiền-liên) làm thầy như Ấn Thuận chứng minh.

Còn như theo ý kiến của Sujato, phái này phân nhánh từ Phân biệt luận cho nên phải tôn kính vị sư trưởng của hệ phái là Moggaliputta Tissa thì cho phép chúng ta đưa ra một giả thiết dè dặt, bộ phái này muốn nhận cả hai vị Tôn sư mà cố tình “chơi chữ”, như Frauwallner nhận xét: “Ngay cả mối liên hệ giữa tên nhà truyền giáo Dhammarakkhita (Đàm-ma-lặc-khí-đa), xuất hiện 2 lần trong văn bản truyền giáo (số 4 và 5), mà tên này cùng tên Pháp tạng bộ (Dharmaguptaka) là có khả năng, vì người Ấn thích ‘chơi chữ’ bằng cách hoán đổi những từ đồng nghĩa, ngay cả với tên riêng.”[92] Do đó mà Ấn Thuận và Sujato phân tích cách gì cũng có thể chứng minh: Moggaliputta Tissa và Mahāmaudgalyāyana, hoặc Mahāmaudgalyāyana và Śāriputra. Cách “chơi chữ” mà Frauwallner nói có thể là sự thật nếu chúng ta xem lại tên vị tổ khai sáng tông Phái tên Dharmagupta (Dharmaguptaka). Giáo sư Bareau nói, danh xưng Dharmaguptaka có nghĩa là “Người bảo vệ hay giữ gìn Pháp (Dharma)”. Danh xưng này cũng là tên của nhiều nhân vật ít nhiều nổi danh trong lịch sử Phật giáo, nhất là hai vị dịch giả, một của đầu thế kỷ thứ 5 Tây lịch và một là cuối thế kỷ thứ 6, đầu thế kỷ thứ 7,[93] và cũng là tên của một đạo sư Tích-lan (Ceylonese master) mà Pháp Hiển đã gặp ở Tích-lan (Ceylon) đầu thế kỷ thứ 5.[94] Và ông nói tên của người lập phái là một Dharmagupta khác.[95] Hai vị dịch giả mà giáo sư đề cập ở thế kỷ thứ 5 và 6, có thể là một trong hai vị Dharmayaśas (曇摩耶舍/Đàm-ma-da-xá) và Dharmagupta (曇摩掘多/Đàm-ma-quật-đa) dịch bộ luận Xá-lợi-phất A-tì-đàm 舍利弗阿毗曇論 (Śāriputrābhidharma-śāstra) từ Phạn sang Hán vào năm 415 đời Diêu Tần. Vị thứ ba mà Pháp Hiển gặp ở Tích-lan, là sa-môn Dharmagupta sống ở tu viện Abhayagiri (Abhayagiri Vihāra/tinh xá Vô úy sơn), tại Anuradhapura, Sri Lanka.[96] Những vị này có thể tên “pháp danh” với ý nghĩa giữ Pháp, hoằng Pháp, chứ không hẳn là tên thật. Hoặc tên tuổi có sự gắn kết đến tông phái. Như ở phần trước Ấn Thuận có chứng minh bốn vị truyền giáo: Rakkhita dịch là Hộ (護), Mahārakkhita dịch là Đại hộ (大護), Dhammarakkhita dịch là Pháp hộ (法護), Mahādhammarakkhita dịch Đại pháp hộ (大法護), đều có sự liên hệ với nhau.[97] Giả thuyết này khiến chúng ta suy nghĩ có liên hệ đến tên Upagupta, dịch là Cận Hộ (近護), vị thầy của vua A-dục theo truyền thuyết phương Bắc.

Và kết luận cuối cùng, theo giáo sư Bareau nói: “Trong một số dấu hiệu cho thấy người Pháp tạng bộ có tôn trọng đặc biệt đối với ngài Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana), điều này đi đôi với việc đưa một tạng Mật chú (Dhāraṇīpiṭaka) vào giáo điển của họ, ít ra trong một thời kỳ nào đó.[98] Về tạng chú thuật huyền bí của bộ phái Pháp tạng chúng tôi đã đăng trong Phật học luận tập 4/2018. Còn sử liệu nói người của bộ phái này biết chú thuật thì Xuất tam tạng ký tập quyển 14, Tăng Hựu đời Lương kể về Phật-đà-da-xá (Buddhayaśas), người dịch luật Tứ phần và kinh Trường A-hàm có những hành trạng kỳ lạ như sau:

Tam tạng pháp sư Phật-đà-da-xá, nước Tần (Trung Quốc) dịch là Giác danh… Da-xá nguyên thuộc chủng tánh Bà-la-môn… Năm 13 tuổi xuất gia… Cho đến 27 tuổi mới thọ cụ túc… Về sau sư đến nước Sa-lặc… ở đây hơn 10 năm, rồi lại đi về phía đông. Ở Quy Tư bấy giờ giáo pháp rất thịnh hành. Cùng lúc ấy, La-thập dừng ở Cô Tàng, khiến người đến yêu cầu sang chỗ mình. Da-xá gói ghém lương thực muốn đi, nhưng người trong nước lưu lại. Sư lại ở đó thêm vài năm nữa. Về sau, sư nói với đệ tử: ‘Ta nay muốn tìm gặp La-thập. Các ngươi hãy kín đáo thu xếp hành trang. Nửa đêm chúng ta rời. Chớ để cho ai hay.’ Đệ tử can: ‘Giả như cho sáng mai mà đi chưa bao xa, lại bị đuổi theo bắt quay về, thì sự việc sẽ thế nào?’ Da-xá bèn lấy một bát nước trong, bỏ thuốc vào, đọc chú chừng mười lời, rồi đưa cho đệ tử, bảo hãy rửa chân. Ngay đêm đó thầy trò xuất phát. Cho đến sáng thì đã đi vài trăm dặm. Sư hỏi đệ tử: ‘Có cảm giác gì?’ Đáp: ‘Chỉ nghe tiếng gió vù vù trong lỗ tai. Còn mắt thì đổ lệ.’ Da-xá lại đọc thần chú vào một bát nước rồi bảo rửa chân. Nhân đó, họ dừng chân nghỉ ngơi. Cho đến sáng, họ đã bỏ xa những người đuổi theo đến vài trăm dặm.”[99]

Bhikkhu Cittacakkhu

________________

[1] 三論玄義檢幽集 6, 日本澄禪, T70n2300, p.465b10. Cf. Tam luận huyền nghĩa/三論玄義 1, Cát Tạng soạn thời Tùy, T45n1852, p.9c20.
[2] Bộ chấp dị luận/部執異論 1 quyển, Thế Hữu (Vasumitrā) soạn, Chân Đế dịch, T49n2033, p.20b16.
[3] 部執異論, p20, b16.
[4] 異部宗輪論, 1 quyển, Thế Hữu soạn, Huyền Trang dịch, T49n2031, p.15b16.
[5] 舍利弗問經, p.900c3.
[6] 印度佛教史 42, B11, No. 76, Tāranātha trước tác, Vương Nghi Noãn dịch.
[7] 佛光大辭典/Phật quang đại từ điển, 佛光出版社印行, p. 3430.
[8] 佛光大辭典, p. 3430.
[9] André Bareau, ibid., p. 194.
[10] Bộ chấp dị luận 1, p. 20b15.
[11] 印順/Ấn Thuận – 原始佛教聖典之集成 (1988), p. 36-37, Cf. 印順, 初期大乘佛教之起源與開展, 中華民國 92 (2003), p. 406.
[12] Xá-lợi-phất vấn kinh 舍利弗問經, 1 quyển, mất tên người dịch, phụ lục thời Đông Tấn, T24n1465, p.900c3: “Mục-kiền-la Ưu-ba-đề-xá, khởi Đàm-vô-quật-đa-ca bộ 目揵羅優婆提舍,起曇無屈多迦部”
[13] 印順, op. cit., p. 406.
[14] André Bareau, Les Sectes Bouddhiques du Petit Véhicule, XXVI – The Dharmaguptakas, 1955 – Anh dịch:  The Buddhist Sects of the Lesser Vehicle, bởi Gelongma Migme Chodron (2005), p. 194. Demiéville: Origine des sectes bouddhiques, p. 23, 61 and 62.
[15] Bhikkhu Sujato, Sects & SectarianismThe origins of Buddhist schools, Santipada, 2012, p. 126.
[16] Luật Nam truyền bản Hán (3), Tụng phẩm thứ 4, tr. 58, dịch âm Câu-luật-đà 拘律陀 (Kolita) và Ưu-ba-đề-xá 優婆提舍 (Upatissa). Xuất gia sự (出家事 – Pravrajyāvastu) 1, T23n1444, p.1023b22: Tên Ô-ba-để-sa 鄔波底沙 là đặt theo tộc cha; (p. 1023c5 – 1024a4): Vợ vị đại thần Hình Ảnh (形影, mudgala), sinh hạ một người con đặt tên Thiên Bão天抱 (trời bồng), cũng gọi là Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana), Câu-lý-đa 俱哩多(Kolita).
[17] Xuất gia sự 2, p.1027c25: “Bấy giờ, Ô-ba-để-sa và Câu-lý-đa cùng hai trăm năm mươi đệ tử ra khỏi thành Vương xá…”
[18] Thiện kiến luật tì-bà-sa (善見律毘婆沙) 2, T24n1462, p. 684b17: “Pháp sư hỏi, Đại chúng ba lần Kết tập, ai làm luật sư? Trong cõi Diêm-phù-lợi (Jambusirivhaya), tôi xin thứ tự nêu tên các vị ấy: thứ nhất Ưu-ba-li (Upāli), thứ hai Đà-tả-câu (Dāsaka), thứ ba Tu-na-câu (Sonaka); thứ tư Tất-già-bà (Siggava), thứ năm Mục-kiền-liên Tử Đế-tu (Moggaliputta Tissa).”
[19] 印順, ibid., p. 405; Cf. Thiện kiến luật tì-bà-sa 2, 24n1462.
[20] Dīpavaṃsa, XI, v. 14 seqq.; Samantapāsādikā, p. 74, 7 seqq.; Mahāvaṃsa, xi, v. 7 seqq.
[21]Yatta pi dutā devānaṃpiyassā no yaṃti” (Ngay cả nơi mà những nhà truyền giáo chưa đến).
[22] Dīpavaṃsa, VIII, v. 1 seqq.; Samantapāsādikā, p. 63, 20-25; Mahāvaṃsa, XII, v.1 seqq.
[23] E. Frauwallner, The earliest Vinaya and the beginnings of Buddhist literature, Volume viii, Roma, Is. M.E.O, 1956, p. 13-14; 17-18.
[24] 印順, 初期大乘佛教之起源與開展, p. 404.
[25] E. Frauwallner, ibid., p. 165.
[26] 印順, ibid., p. 405.
[27] A-dục vương truyện 阿育王傳  7 quyển, An Pháp Khâm dịch đời Tây Tấn, T50n2042.
[28] A-dục vương truyện 1, p. 102a29: Dạ-xá 夜舍. A-dục vương kinh 阿育王經 (Aśokarājasūtra, 10 quyển, Tăng-già-sa-la [Saṅghapāla] dịch đời Lương) 2, T50n2043, p. 135c01: dịch Da-xá 耶舍.
[29] Chùa Kê-đầu-ma 雞頭摩寺, Skt. kurkuṭa, cũng gọi chùa Kê viên.
[30] A-dục vương kinh 2, p. 135b12.
[31] Luật Ngũ phần (30, T22n1421, p. 193a20) và Tứ phần (T22n1428, p. 970b5) dịch âm Tam-phù-đà 三浮陀. Luật Thập tụng 60 (T23n1435, p. 451a5), dịch âm: Tam-bồ-già 三菩伽. – ND.
[32] Luật Tứ phần (Dh.): p. 970b4; luật Ngũ phần (M.): p. 193a20; luật Pāli (P.): XII, 1, 8; trong luật Thập tụng (S.): p. 451a6, nói ngài cư trú ở Mathurā (Ma-thâu-la 摩偷羅).
[33] Luật Ngũ phần 30, T22n1421, p.193a20: núi A-hô阿哹山. Tứ phần 54, T22n1428, p.970b4: núi A-vu hằng hà 阿吁恒河山. Pāli: Ahogaṅgā, tên một ngọn núi ở Bắc Ấn, nằm bên thượng lưu sông Hằng (uddhaṃ Gaṅgāya).
[34] Thiện kiến luật 2 (T24n1462, p. 684b17): ghi Đà-tả-câu 馱寫拘 (P. Dāsaka), và luật Tăng-kỳ 33 (T22n1425, p. 493b24) ghi Đà-sa-bà-la 陀娑婆羅 (Skt. Daśabala) là đệ tử của Ưu-ba-li (Upāli).
[35] Ngũ phần 30 (p. 192b9): Trưởng lão Da-xá Ca-lan-đà Tử 長老耶舍迦蘭陀子. Tứ phần 54 (p. 968c24): Da-xá Ca-na(già) Tử 耶舍迦那(伽)子. Tăng-kỳ 33 (p. 493b6): Trì luật Da-xá 持律耶舍. Thập tụng 60 (T23n1435, p. 450b10): Trưởng lão Da-xá-đà Ca-lan-đề Tử 長老耶舍陀迦蘭提子. Pāli: Yasa Kākaṇḍakaputta, đệ tử của A-nan.
[36] Ngũ phần, Tứ phần: Ly-bà-đa 離婆多. Thập tụng: Lê-bà-đa 梨婆多. Pāli: Revata, vị trưởng lão này sống ở Soreyya, “thông bác, tinh thông A-hàm, Luật, Mattikā…”, Vin.ii. 299. Trùng tên với Revata, vị trưởng lão em út của ngài Xá-lợi-phất.
[37] Ngũ phần, Tứ phần: Nhất thiết khứ 一切去. Thập tụng 60: Tát-bà-già-la 薩婆伽羅. Pāli: Sabbakāmin.
[38] Tứ phần, p. 970b4-6 và p. 969c2-4; Ngũ phần 193a20 và 22…; Pāli: XII, 1, 8 & 9; luật Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ và luật Tăng-kỳ không nói gì đến vấn đề này.
[39] Luật Thập tụng, p. 452c12-14; Ngũ phần, 193b25-27; Pāli: XII, 2, 4.
[40] Cf. E. Frauwallner, ibid., p. 169.
[41] Xem cht. 16 trước.
[42] E. Frauwallner, ibid., p. 170.
[43] Thiện kiến luật 2, p. 684b12.
[44] 印順, 佛教史地考論, 民國 81, p. 130.
[45] 印順, op. cit., p. 406; 木村泰賢, 干潟龍祥 – 結集史分派考 (日本國譯大藏經, 論部一三卷, 異部宗輪論附錄 二二).
[46] Mathurā: nay là quận Mathurā thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn-độ.
[47] 大唐西域記 4, T51n2087, p.890a28.
[48] 根本說一切有部毘奈耶藥事 9, T24n1448, p. 41c21: 烏盧門荼山.
[49] 根本說一切有部毘奈耶雜事 40, T24n1451, p. 410b4: 牟論荼山.
[50] 印順, 佛教史地考論, 民國 81, p. 136-137.
[51] Tāranātha (1575-1634), ông là Lạt-ma thuộc trường phái Jonang Phật giáo Tây Tạng, cũng là một nhà văn, một học giả, bậc dịch giả vĩ đại Tây Tạng.
[52] Ibid., p. 135.
[53] Thiện kiến luật 2, p. 682b11: 乃至七年不得說戒.
[54] 印順, ibid., p. 138.
[55] Phật quang đại từ điển (佛光大辭典), 佛光出版社印行, p. 7033.
[56] Nguồn: Oxfordreference.com.
[57] Nguồn: en.wikipedia.org.
[58] 印順, 初期大乘佛教之起源與開展, p. 414; E. Frauwallner, ibid., p. 22; Bhikkhu Sujato, ibid., p. 125.
[59] Thiện kiến luật 2, p. 685a1: gọi là quốc gia Du-na thế giới 臾那世界國.
[60] Cf. E. Frauwallner, ibid., p. 22;
[61] Thiện kiến luật 2, p. 684c20.
[62] Luật Tăng-kỳ 23, 415b29.
[63] Bì cách sự (皮革事) 1, T23n1447, p. 1050a – 1051a. Thập tụng 25, p. 179a – 180b.
[64] Nhân duyên Tăng Hộ kinh (因緣僧護經) 1, T17n749, p. 565c – 572b; Xuất gia sự (出家事) 4, T23n1444, p. 1037a23 (Trong bản Hán thiếu cuộc đời Tăng Hộ. Bản Tây Tạng: 168-200 | ’dul ba ka 84b1-ka100a1|. Những vấn đề trong bản Hán thiếu, theo bài kệ tóm tắt của bản Tạng dịch: | sdom la| bya rog skrod dang sun phyung dang|| rku thabs gnas dang ma ning dang|| dud ’gro dang mu stegs can|| ma bsad pa dang pha bsad pa’o|| 1. Khu ô sa-di; 2. Nhiễm ô bí-sô-ni; 3. Tặc trú; 4. Hoàng môn; 5. Súc sanh; 6. Ngoại đạo; giết mẹ và giết cha. Theo đây trong bản Hán mất các điểm 1-5. Đoạn 6, mất một phần sự tích Tăng Hộ [tham chiếu bản Việt, Tuệ Sỹ dịch, 2016, tr. 217]).
[65] Tương ưng bộ, 8. Tương ưng Lakkhaṇa (Lakkhaṇasaṃyuttaṃ) [Nam truyền 13, Lặc-xoa-na tương ưng (勒叉那相應), p. 377 – 387]; Tạp A-hàm 19, T2n99, p. 135a – 139a; Xuất gia sự  4, p. 1037b01.
[66] Phiên Phạn ngữ (翻梵語) 2, T54n2130, p. 995b24: Lặc-xoa-na dịch là hộ 勒叉那譯曰護也.
[67] Sanskrit Dictionary, Monier-Williams: “gupta” – protected, guarded, preserved.
[68] Kh. Petavatthu, 2. Ubbarivaggo: Sāriputtattheramātupetivatthu.
[69] Cf. 初期大乘佛教之起源與開展, p. 414 – 415.
[70] A-tì-đạt-ma thức thân túc luận (Abhidharma-vijñānakāyapāda – 阿毘達磨識身足論), 16 quyển, Đề-bà-thiết-ma (Devaśarman) trước tác, Đường Huyền Trang dịch (T26n1539). Nội dung gồm 6 phẩm: 1. Mục-kiền-liên uẩn (目乾連蘊); 2. Bổ-đặc-già-la uẩn (補特伽羅蘊); 3. Nhân duyên uẩn (因緣蘊); 4. Sở duyên duyên uẩn (所緣緣蘊); 5. Tạp uẩn (雜蘊); Thành tựu uẩn (成就蘊).
[71] Cf. Bikkhu Sujato, ibid., p. 127.
[72] Cf. André Bareau, ibid., p. 211.
[73] 島史 (Đảo sử), p. 52 (Nam truyền 65); 大史 (Đại sử), p. 182 (Nam truyền 65); Nhất thiết thiện kiến luật chú tự (一切善見律注序), p. 51 (Nam truyền 70); Thiện kiến luật 2, p. 682a5.
[74] Cf. 印順, 佛教史地考論, p. 146.
[75] 水野弘元 佛教文獻硏究 (1), 許洋主譯, Printed in Taiwan, p. 52.
[76] 水野弘元, ibid., p. 52.
[77] Khuy Cơ, Du-già sư địa luận lược toản (瑜伽師地論略纂 – 窺基撰) 3, T43n1829, p. 38b20; Thích Tuần Luân, Du-già luận ký (瑜伽論記 – 釋遁倫集撰) T42n1828, p. 348a12: 其梵網六十二見經及舍利弗阿毘曇是正量部義 (Cf. Pháp uẩn túc luận, Việt dịch: Tuệ Sỹ, Nguyên An, 2018, tr. 41).
[78] 水野弘元, ibid., p. 53-54.
[79] 集異門足論 20 quyển, Đường – Huyền Trang dịch (T26n1536).
[80] 法蘊足論 12 quyển, Đường – Huyền Trang dịch (T26n1537).
[81] Trung 7, kinh 31, Phân biệt Thánh đế, tr. 467b13.
[82] Cf. Pháp uẩn, bản Việt, tr. 16-17.
[83] Ibid., tr. 42-43.
[84] 施設足論 7 quyển, tôn giả Đại Ca-chiên-diên (Mahākātyāyana) soạn, Pháp Hộ… dịch đời Tống (T26n1538).
[85] 品類足論 18 quyển, tôn giả Thế Hữu (Vasumitra) soạn, Huyền Trang dịch đời Đường (T26n1542).
[86] 界身足論 3 quyển, tôn giả Thế Hữu soạn, Huyền Trang dịch đời Đường (T26n1540).
[87] 識身足論 16 quyển, Đề-bà-thiết-ma (Devaśarman) soạn, Huyền Trang dịch đời Đường (T26n1539).
[88] Cf. Pháp uẩn, bản Việt, tr. 33; 佛光大辭典, 佛光出版社印行, p. 80-84.
[89] 印順,說一切有部為主的論書與論師之研究,中華民國 81, p. 19-20.
[90] 吕澂 – 印度佛学源流略讲, 上海人民出版社出版 (1982), p. 69.
[91] Bikkhu Sujato, ibid., p. 113.
[92] E. Frauwallner, ibid., p. 22.
[93] Bagchi: Le Canon bouddhique en Chine, p. 174-175 and 464-467.
[94] J. Legge: A record of Buddhist kingdoms, p. 107.
[95] André Bareau, ibid., p. 194.
[96] Cf. J. Legge: A record of Buddhist kingdoms/Phật quốc ký, Oxford Clarendon Press, 1886, Chapter xxxviii, p. 107, & en.wikipedia.org; Cao tăng Pháp Hiển truyện/高僧法顯傳, T51, no. 2085, p. 865, b8.
[97] 印順,初期大乘佛教之起源與開展, p. 414.
[98] Ibid., p. 194.
[99] 出三藏記集 14, T55n2145, p. 102a14; Cf. Trường A-hàm, Tổng mục lục, Tuệ Sỹ soạn, 2008, tr. 6.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận