Trước 1975, việc giới thiệu, phê bình hay nghiên cứu về một tác gia là việc thường xuyên trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam. Thuở ấy chúng tôi tuổi học trò đã không xa lạ gì những Huy Cận, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, những Tô Hoài, Nhất Linh, Nguyễn Tuân…, thuộc nằm lòng những bài thơ, áng văn bất hủ gắn liền với tên tuổi mỗi tác giả. Trong “Đi vào cõi thơ”, Bùi Giáng đã từng không tiếc lời ca ngợi Tuệ Sỹ như một thiên tài thi ca, dù lúc đó ông được biết chủ yếu là nhà tư tưởng Phật học, một giáo sư tu sĩ trẻ, với chỉ dăm ba bài thơ lần đầu xuất hiện trên văn đàn. Tiếc thay từ sau 1975, ngoại trừ trong sinh hoạt văn hóa hải ngoại, độc giả trong nước không có điều kiện tiếp cận các tác phẩm của ông, mãi cho đến những năm 2000, và càng hiếm ai nhắc đến thơ ông như một tác gia tiêu biểu cần tìm hiểu, nghiên cứu. Gần nửa thế kỷ trôi qua khung trời văn học Việt Nam, một bất ngờ thú vị khi xuất hiện một biên khảo về “Lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ…”. Bất ngờ vì đó là công trình của một bạn trẻ tuổi 20, và thú vị là bạn đó lại sống ở một tỉnh nhỏ miền Bắc. Một biên khảo công phu, chỉnh chu, có phương pháp, thể hiện sự đam mê mãnh liệt về văn chương, lịch sử văn học và đặc biệt là thi ca nước nhà. Đây chính là nguồn hy vọng bất tận nơi tuổi trẻ, có thể bất chấp những cách biệt không – thời gian, đi tìm lại những giá trị văn học một thời để xác định và làm phong phú thêm nền văn học Việt Nam, không chỉ riêng với trường hợp tác giả Tuệ Sỹ, mà với tất cả những tên tuổi đã làm nên giá trị văn học nghệ thuật của đất nước. Tự hào lắm Việt Nam! Phật Việt trân trọng trích giới thiệu tiểu luận của em.
– Hạnh Viên
Tiểu luận:
LỊCH SỬ VÀ TÌNH HÌNH TIẾP NHẬN THƠ TUỆ SỸ: “LÊNH ĐÊNH THEO VẬN NƯỚC THĂNG TRẦM”[1]
Người thực hiện: Tâm Thuần
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
1. Lý do chọn đề tài
Lý do đầu tiên để người viết lựa chọn đề tài là ở sức gợi mở của hoạt động tiếp nhận thơ văn Tuệ Sỹ.
Tuệ Sỹ là một nhân vật vô cùng đặc biệt trong lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt Nam, thiên hạ dành cho ông vô khối danh xưng như thiền sư, đạo sư, thiên tài, thi sĩ, giảng sư, dịch giả, luận giả,… với danh xưng nào cũng diễn tả đúng về con người Tuệ Sỹ. Tuy nhiên, có thể thấy được ở nơi Tuệ Sỹ nổi bật lên hai tư cách là thiền sư và thi sĩ. Trước hết, Tuệ Sỹ là một vị tu sĩ Phật giáo, là một thiền sư rất mực lỗi lạc, uyên bác và phạm hạnh tuyệt đối, như học giả Đào Duy Anh từng nhận xét Tuệ Sỹ là “viên ngọc quý” của Phật giáo Việt Nam (từ đây, người viết xin được dùng từ Thầy khi nói về Tuệ Sỹ với tất cả niềm kính trọng của bản thân). Nhưng ít ai có thể ngờ, cũng như Bùi Giáng đã không thể ngờ rằng “không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u… một nguồn thơ Việt phi phàm… một thiên tài…”[2], với những nhận định này của Bùi Giáng (một tài năng kì tuyệt của thi ca Việt) ta có thể phần nào mường tượng được rằng tư cách thi sĩ của Tuệ Sỹ cũng tài hoa và lỗi lạc không kém tư cách một vị thiền sư Phật giáo.
Tuy nhiên, để tiếp nhận thơ của Tuệ Sỹ không phải là một việc dễ dàng. Sự khó khăn ở đây, không chỉ nằm ở việc ta có thể tiếp nhận để hiểu và cảm nhận được nội dung thơ ca của Thầy, mà là ở bản thân hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ. Liên tiếp những câu hỏi được đặt ra khi nhìn vào tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ và thơ Tuệ Sỹ: Tại sao một tác giả và một nguồn thơ trác tuyệt như vậy lại được biết đến quá ít, nhất là đối với độc giả Việt Nam trong nước, thậm chí đối với đa phần những người trong giới sáng tác văn chương, phê bình văn chương và giảng dạy văn chương ở Việt Nam thì Tuệ Sỹ và thơ Tuệ Sỹ cũng còn quá xa lạ? Tại sao một phần lớn độc giả của thơ Tuệ Sỹ là bộ phận độc giả ở hải ngoại, những người con thuộc về miền Nam Việt Nam trước 1975? Vì sao trái ngược với sự quá đỗi mong manh của tình hình tiếp nhận trong nước, thì ở hải ngoại lại là cả một niềm nồng hậu vô biên khi tiếp nhận thơ ca Thầy? Ta có thể đọc ra được điều gì từ lịch sử và tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ nói chung và nguồn thơ Tuệ Sỹ nói riêng?
Khi tiếp tục nhìn sâu vào tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ, người viết đã thấy được từ đó rất nhiều vấn đề, đằng sau tình hình tiếp nhận này là những vấn đề liên quan bi thiết đến lịch sử và quá khứ, đến đau thương và hận thù, đến khát vọng và hòa giải, đến hiện tại và tương lai của dân tộc Việt Nam. Có thể khẳng định rằng lịch sử tiếp nhận Tuệ Sỹ nói chung và thơ Tuệ Sỹ nói riêng gắn liền với một giai đoạn bi thương và thăng trầm bậc nhất của lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc Việt Nam, lịch sử ấy vẫn đang tiếp diễn, nó là quá khứ, là hiện tại và tương lai của dân tộc.
“Thơ Tuệ Sỹ sẽ đi về đâu trong lòng dân tộc?”, nếu thực tại và tương lai trả lời được cho ta câu hỏi đó một cách thỏa đáng, thì ta cũng sẽ thấy được đáp án của câu hỏi “Tương lai dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?”.
Lý do thứ hai khiến người viết lựa chọn nghiên cứu về lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ là bởi chính bản thân hoạt động tiếp nhận đã nói lên ý nghĩa và sức sống của các tác phẩm văn học Tuệ Sỹ.
Theo Mĩ học tiếp nhận thì ý nghĩa của tác phẩm văn học nằm ở sự tiếp nhận của độc giả. Giá trị và ý nghĩa của tác phẩm văn học là giá trị và ý nghĩa đối với người đọc. Người đọc và sự tiếp nhận của họ giúp bảo tồn và đưa những tác phẩm văn học đi xa trên trục thời gian lịch sử và đi rộng vào không gian thời đại. Thơ văn của Thầy Tuệ Sỹ quả thật trác tuyệt, nhưng nếu không có những độc giả với hết cả tấm lòng nhiệt thành với thơ ca Thầy, thì có lẽ số mệnh của những tác phẩm ấy đã dừng lại từ lâu. Để giữ gìn sự sống và tiếp thêm độ dài số mệnh cho thơ ca Thầy thì những độc giả thơ Tuệ Sỹ đã luôn phải tràn đầy trí tuệ, từ bi và dũng mãnh. Nói như vậy tưởng chừng quá chưng, nhưng có nhìn vào độc giả và hoạt động tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ của họ mới thấy rằng, điều nhận xét trên kia cũng chẳng hề phóng đại. Vậy điều gì là suối nguồn nuôi dưỡng hiểu biết, bi nguyện và hùng lực đó của độc giả thơ Tuệ Sỹ nếu đó không phải là giá trị và ý nghĩa mà họ thâu nhận được từ thơ ca của Thầy.
Chính những vấn đề nêu trên khi nhìn vào tình hình tiếp nhận Tuệ Sỹ nói chung và thơ Tuệ Sỹ nói riêng là những lý do mà người viết lựa chọn đề tài Lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ: “Lênh đênh theo vận nước thăng trầm”. Người viết lựa chọn cụm từ “Lênh đênh theo vận nước thăng trầm” như một lời minh họa cho lịch sử tiếp nhận nguồn thơ Tuệ Sỹ khi bắt gặp lời ấy của Thầy trong bức thư gửi tăng sinh Thừa Thiên – Huế năm 2003, tuy ở đây Thầy đang nói về số phận riêng của mình, nhưng người viết nhận thấy, đó cũng là một nhận xét không thể chính xác hơn cho số phận nguồn thơ Tuệ Sỹ trong lòng dân tộc Việt.
2. Phạm vi nghiên cứu
Đến thời điểm hiện tại chưa có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về thơ văn Tuệ Sỹ, mà chỉ có tuyển tập những bài viết về thơ Thầy của các tác giả do những người học trò của Thầy tiến hành sưu tuyển. Tuy nhiên, nhìn vào tuyển tập những bài viết đó cũng tạm đủ cho chúng ta đọc được từ đó đôi điều thiết yếu đối với vấn đề lịch sử và tình hình tiếp nhận thơ Tuệ Sỹ.
Bài tiểu luận sử dụng những bài viết về thơ Tuệ Sỹ trong các tuyển tập làm đối tượng nghiên cứu bao gồm các tuyển tập:
- Tuệ Sỹ – Viên ngọc quý, Nxb Liên Phật Hội – United Buddhist Publisher (California, Hoa Kỳ), 2020.
- Tuệ Sỹ những phương trời viễn mộng tập I, II, III, IV.
- Tuệ Sỹ đạo sư, thơ và phương trời mộng (Tập I, II, III) Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang, 2013.
- Tuệ Sỹ văn tuyển (tập I, II, III), Nxb Hồng Đức, 2017.
[1] Tuệ Sỹ: Thư gửi các tăng sinh Thừa Thiên Huế
[2] Bùi Giáng: Đi vào cõi thơ
_______
Xem phần tiếp theo: B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ