Đỗ Quốc-Bảo
Như những người học qua một khoá Phạn ngữ sơ cấp đã biết thì phức hợp từ Karmadhāraya dưới dạng thật danh từ + thật danh từ được dùng để xác định chức năng hoặc một sự so sánh. Cách dịch hai loại Karmadh. này có để được thực hiện bởi một cách sắp xếp đồng vị (apposition), tức là dùng dấu phẩy [‚], một là được dùng đơn chiếc, hoặc hai là cùng với những từ ‘như, tức (là), chính là, trong vai, với chức năng…’

Ví dụ: Câu kệ đầu của luận A-tì-đạt-ma Câu-xá. Luận sư Thế Thân kính lễ Phật và công bố tác phẩm. Nguyên văn như sau:
यः सर्वथासर्वहतान्धकारः
संसारपङ्काज्जगदुज्जहार।
तस्मै नमस्कृत्य यथार्थशास्त्रे
शास्त्रं प्रवक्ष्याम्यभिधर्मकोशम् ॥ १॥
yaḥ sarvathāsarvahatāndhakāraḥ
saṃsārapaṅkāj jagad ujjahāra |
tasmai namaskṛtya yathārthaśāstre
śāstraṃ pravakṣyāmy abhidharmakośam ||1||
Con tuỳ thuận cung kính (namaskṛtya) Ngài (tasmai), vị thầy (śāstṛ, ở dat. śāstre đồng cách với tasmai) đúng như ý nghĩa [của một vị thầy] (yathārtha°), người đã hoàn toàn (sarvathā) xua tan mọi bóng tối (andhakāra), cứu vớt (ujjahāra) quần sinh (jagat) ⦗ra khỏi vũng lầy, (tức) luân hồi⦘ (saṃsārapaṅkāt), rồi sau đó sẽ trình bày bài luận A-tì-đạt-ma Câu-xá.
Bài kệ này có âm vận (meter) Indravajrā “có chuỳ kim cương của Indra,” bao gồm 4×11 âm tiết với cấu trúc [ − − ⏑ − − ⏑ ⏑ − ⏑ − − ]. Tuy khá dài, nhưng nó chỉ là một câu duy nhất, được cho thấy qua cặp đại từ tương quan (correlative pronoun) yaḥ… tasmai. Thế nên, khi dịch, chúng ta phải quan tâm đến sự quan hệ chặt chẽ của các thành phần câu ngay khi phải ngắt câu vì cú pháp tiếng Việt không cho phép câu văn quá dài. Một điều quan trọng không kém nữa là cách kí âm tiếng Phạn theo chữ La-tinh và việc tách chữ đúng quy tắc chuyên ngành Ấn-độ học. Độc giả so sánh cách trình bày với hai loại chữ viết bên trên sẽ rõ ngay.
Phức hợp từ dài trong cú [a] là một Bahuvrīhi (có cơ sở là một Karmadh. adj. + subst.). Phức hợp từ ở cú [c] là một Karmadh. (adj. + subst.).
Trong cú [b], chúng ta có một phức hợp từ Karmadh. đứng ở tòng cách, saṃsārapaṅkāt, và phức hợp từ này thường được dịch như cách dịch bên trên, tức là
— ra khỏi vũng lầy, (tức) luân hồi,
Nhưng trong trường hợp này, chúng ta có thể dùng một phương tiện khác để trình bày mối quan hệ giữa hai thật danh từ, đó là
— ⦗ra khỏi vũng lầy ‘luân hồi’⦘.
Ở đây, thật danh từ ‘luân hồi’ đứng trong ngoặc ‘…’ được xem là khái niệm bao quát, và từ [vũng lầy] đi trước được xem là một cách xác định ý nghĩa, cách trình hiện của ‘luân hồi’ một cách rõ ràng hơn trong những điều kiện hoặc hoàn cảnh đặc thù mà thi sĩ cảm nhận được, ở đây là luận sư Thế Thân. Nên lưu ý đến trật tự của hai thành phần phức hợp từ trong tiếng Phạn và sau khi được dịch sang tiếng Việt theo cả hai cách. Cách dịch ⦗… ‘…’⦘ có thể được dùng cho cả hai trường hợp phức hợp từ Karmadh. với subst. + subst. biểu thị so sánh và chức năng. Tuy nhiên, không phải lúc nào ta cũng dịch theo kiểu này được mà phải dịch theo kiểu truyền thống.
Trong tiếng Việt, đôi lúc cách viết [vũng lầy luân hồi] thay vì [vũng lầy ‘luân hồi’] hoặc như trong ví dụ bên dưới, kệ số 4728, [biển tỉnh thức] thay vì [biển ‘tỉnh thức’], cũng có thể được hiểu đúng như một sự so sánh hoặc xác định, nhưng cấu trúc không dùng ⦗… ‘…’⦘ này cũng thường được dùng để chỉ mối quan hệ của các thành phần trong một Tatp. với những cách vị cong (tà cách, casus obliquus, chỉ các cách vị còn lại ngoài chủ cách) và vì vậy, thiếu sự chính xác.
Cách dịch với ⦗… ‘…’⦘ như trên nhìn chung ít thấy. Người dùng nhiều và dùng thích hợp với văn cảnh hơn hết có lẽ là Giáo sư Michael Hahn (1941-2014) tại Đại học Marburg, CHLB Đức, trong những tác phẩm đã được công bố của ông.
MỘT SỐ VÍ DỤ KHÁC
Trích từ Haribhaṭṭa-Jātakamālā, 6. Rūpyāvatī ‘Diệu Sắc.’
दानद्रुमात् कुसुममात्रमिदं प्रसूतमन्यद्भविष्यति फलं विपुलं परत्र ।
एतद्विचार्य बहुधार्थिवसुन्धरायां शीलामलानखिलदाननिधीन्निधत्त ॥
HJM_6.44 ॥
Chỉ một nụ hoa nảy nở từ cây ‘bố thí’ (dānadruma) này sẽ trở thành một quả to lớn khác (anyad… phalaṃ vipulam) nơi kia (paratra). Cân nhắc điều này xong (etad vicārya) thì các ông thường nên đặt vào mảnh đất ‘người bần cùng’ (arthivasundhārā) tất cả những kho báu ‘quà tặng’ (akhiladānanidhi) vô cấu nhìn từ khía cạnh đạo đức (śīla-amala).
न स्युर्गुणपयःसिक्ता यद्यर्थिक्षेत्रभूमयः।
दाता दानफलाकाङ्क्षी दानबीजं क्व रोपयेत्॥ HJM 6.45 ॥
Giả như không phải là những mảnh đất ‘người bần cùng’ (arthikṣetrabhūmi) được tưới bằng nước ‘công đức’ (guṇapayas) thì thí chủ (dātṛ), người mong muốn quả ‘bố thí’ (dānaphalakāṅkṣin), có thể gieo (ropayet) hạt giống ‘bố thí’ (dānabīja) nơi nào đây?
(lưu ý: trong cú c, phức hợp từ dānaphala°, được dịch là quả ‘bố thí’, là một Karmadh., không được dịch như một Tatp. ví như ‘thành quả của/từ sự bố thí. Ở đây nó chỉ có thể là một Karmadh., điều này cho thấy là Bố thí Ba-la-mật được xem là cứu cánh, là thành quả.)
Trích từ Indische Sprüche của Böhtlingk.
मयि बोधाम्बुधौ स्वच्छे तुच्छो ऽयं विश्वबुद्बुदः।
प्रलीन उदितो वेति विकल्पपटलं कुतः॥
4728. Trong ta, biển ‘tỉnh thức’ (budhāmbudhi) trong vắt (svaccha), thì bong bóng nước ‘thế giới’ này (viśvabudbuda) lại là rỗng tuếch vô vị (tuccha): Làm thế nào ta có thể bận tâm với cái màn che ‘vọng tưởng’ (vikalpapaṭala), rằng nó (bong bóng nước) đã biến mất (pralīna) hay đã xuất hiện (udita) được?
Ngoài việc phục hồi và khảo đính nguyên văn Phạn bản, Böhtlingk cũng đã dịch câu này sang Đức ngữ. Ông xử lí các phức hợp từ khác chút ít:
‘In mir, dem klaren Meere der Erkenntnis (budhāmbudhi), ist diese Wasserblase, die Welt (viśvabudbuda), eitel und leer: wie käme ich zu dem Schleier, dem Zweilfel (vikalpapaṭala), ob sie verschwunden oder aufgegangen sei?’
Ông dịch phức hợp từ thứ nhất, budhāmbudhi, như một Tatp. sở hữu cách ‘biển của sự nhận thức,’ phức hợp từ thứ hai và ba như một Karmdh., nhưng theo cách sắp xếp đồng vị bằng dấu phẩy: ‘diese Wasserblase, die Welt (viśvabudbuda)’ và ‘dem Schleier, dem Zweilfel (vikalpapaṭala).’ Hơn nữa, ông hiểu vikalpa là Zweifel ‘nghi hoặc’ thay vì cách dịch tiếng Việt ở đây là ‘vọng tưởng’ (và theo Đức ngữ là ‘falsche Vorstellung’).
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Böhtlingk, Otto von (1815-1904). Indische Sprüche: Sanskrit und deutsch/ hrsg. von Otto Böhtlingk. – Theil 1: a-na. – St. Petersburg: Kaiserliche Akademie der Wissenschaften, 1863. – X, 334 S. http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/boehtlingk1863 (Heidelberg University)
—. Indische Sprüche: Sanskrit und deutsch/ hrsg. von Otto Böhtlingk. – Theil 2: pa-ha. – St. Petersburg: Kaiserliche Akademie der Wissenschaften, 1864. – VI, 371 S. http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/boehtlingk1864
—. Indische Sprüche: Sanskrit und deutsch / hrsg. von Otto Böhtlingk. – Theil 3: erster Nachtrag. – St. Petersburg: Kaiserliche Akademie der Wissenschaften, 1865. – VIII, 410 S.
http://digi.ub.uni-heidelberg.de/diglit/boehtlingk1865
Ejima, Yasunori. 1989. Abhidharmakośabhāṣya of Vasubandhu. Chapter I: Dhātunirdeśa. Tokyo; The Sankibo Press.
Hahn, Michael. 2007. Haribhaṭṭa in Nepal. Ten Legends from His Jātakamālā and the Anonymous Śākyasiṃhajātaka. Ed. by Michael Hahn. Tokyo. The International Institute for Buddhist Studies.
Pradhan, P. (1975) Abhidharmakośabhāṣyam of Vasubandhu. Haldar, A. (ed.) (Tibetan Sanskrit Works Series, 2nd edn) (Patna).
https://archive.org/details/Pradhan1975
Theo trang FB Bảo Tích रत्नाकरः