Thành thật mà nói thì tục lệ mừng tuổi nhau ngày Tết quả thật là khôi hài. Đối với tuổi trẻ thì mừng tuổi có nghĩa là lì xì, cho tiền; còn đối với tuổi già thì đó là một cơ hội để con cháu lạy và chúc tụng. Không có ai để ý đến nghĩa đen của sự mừng tuổi. Nếu mừng được lớn thêm một tuổi thì chỉ là chuyện đã rồi không đáng mừng bằng sự kiện mừng sẽ sống thêm một tuổi trong năm tới, nhất là trong thời buổi chiến tranh không giới tuyến hôm nay. Mừng tuổi thiếu nữ quá ba mươi là một trò đùa kém xã giao, còn mừng tuổi thiếu niên dưới hai mươi là nhắc lại nghĩa vụ công dân với trò quân dịch, đó là một sự mừng thất đức. Quá bốn mươi đàn ông cũng như đàn bà đều không muốn ai nhắc đến tuổi mình vì không ai muốn sắp chết cả. Chúc nhau trăm tuổi chỉ vui đối với đôi trẻ với câu “Bách niên giai lão” chứ còn đối với tuổi già chúc trăm tuổi là trù cho mau chết. Trăm tuổi đồng nghĩa với chết cho nên thêm tuổi không hay ho gì mà chúc.
Mừng số tuổi đã qua không bằng mừng số tuổi sẽ đến cho nên mừng tuổi không đậm đà bằng chúc thọ. Và câu Vạn tuế thuở xưa hay câu muôn năm ngày nay là câu đầu lưỡi của dân Việt dùng để suy tôn các cấp lãnh đạo anh minh hay vĩ đại. Tuy dân chúng cũng có chúc thọ lẫn nhau nhưng mấy ai tin đến hiệu quả của câu chúc và chỉ dùng nó như phép chào xã giao đặc biệt ngày Tết hay ngày kỵ giỗ. Có thể chúc thọ ông bà đã chết để báo hiếu, không sao cả.
Nhưng các cấp lãnh đạo càng thấy mình càng anh minh và càng vĩ đại thì càng tin vào hiệu quả của các câu chúc thọ. Họ tự thấy rằng mình là nhân vật lịch sử không một ai có thể thay thế được. Khi chưa lên ngôi thì họ thấy rằng không ai là cần thiết quá đáng nhưng khi có quyền hành trong tay thì họ lại muốn lưu nhiệm càng nhiều càng quí và nếu được lưu nhiệm vĩnh viễn thì khoái biết mấy. Do đó sự chúc thọ cấp lãnh đạo biến thành khẩu hiệu treo tường, càng nhiều càng hay. Muôn năm hay Vạn tuế được tung ra đại chúng để tha hồ mà hò reo và suy tôn cho thỏa thích. Tính cho kỹ thì từ ngày chữ muôn năm ra đời dân Việt chết yểu ít nhất là bốn triệu. Sơ sơ mới mấy năm gần đây mà ở Bắc Việt theo lời Đại tướng Giáp, thì đã tiêu mất ngót triệu sinh linh. Ở trong Nam con số cũng tương đương và những sinh linh này đã bao lâu âm thầm ca khúc Da vàng Trịnh công Sơn, bên dòng sông dưới chân cầu, trên gò mối. Chính những lý thuyết bất diệt, những tư tưởng độc tôn, những khẩu hiệu một chiều đã tạo ra những nhân vật vĩ đại anh minh và trường sinh bất tử để cho bốn triệu sinh linh trở thành bất đắc kỳ tử vậy.
Những lý thuyết độc tôn ấy không dễ gì mà dẹp bỏ dễ dàng được. Trái lại chúng sống thật dai, chúng sống thật mạnh, chúng sống thật sự nhờ chỗ hợp lý rẻ tiền, dễ hiểu rõ ràng minh bạch, bình dân, đại chúng, có hiệu năng, có mạch lạc, có kiểm chứng. Và giáo dục trong Nam cũng như ngoài Bắc đều hướng vào con đường của những lý thuyết độc tôn như nhau, nhờ sự phổ biến mau lẹ những tư tưởng bình dân, đại chúng và rẻ tiền. Nếu triết học mà quyết tâm làm sống thật những lý thuyết trên nhờ sức mạnh của bình dân đại chúng thì chiến tranh ý thức hệ còn tiếp tục và đại chúng sẽ chết thật và được chôn cất rất bình dân trong những nấm mồ tập thể.
Nền văn hóa giáo dục ở miền Bắc độc tôn chủ nghĩa Mác Lê từ lâu; trong khi nền văn hóa miền Nam lại suy tôn nhiều thứ: Khoa học, tín điều, anh hùng, dân tộc v.v… Nhưng ngày hôm nay văn hóa miền Nam lại bắt đầu chuyển mạnh vào tín điều:
Xin nhắc rằng nền Giáo dục miền Nam từ xưa đến nay không bao giờ bảo vệ công lập mà chỉ lo cho tư thục. Suốt chín năm đệ nhất Cộng Hòa và cho đến bây giờ số trường tư mọc ra như nấm trong khi trường công vẫn như cũ nếu không bị thâu hẹp (như trường hợp Pétrus Ký). Ngân sách từ ba đến bốn phần trăm là một ngân sách khôi hài, nhất là đối với một quốc gia mệnh danh bốn ngàn năm văn hiến. (Ngân sách kém nhất thế giới là Mã lai với 33 %).
Với sự trao quyền Văn hóa giáo dục cho Hội đồng văn hóa gồm nhiều thành phần tư thực sẽ đi đến chỗ tư thục hóa công lập. Nếu lời tuyên bố thâu học phí trường công của ông Tổng trưởng Giáo dục được thực hiện thì những vị hiệu trưởng tư thục sẽ mừng hết lớn (Trong buổi hội thảo Giáo dục 9/11/69 Linh mục Đỗ đình Tiệm hiệu trưởng trường Nguyễn bá Tòng đề nghị phải thâu học phí trường công và dẹp kế hoạch tổ chức các lớp đêm của Bộ quốc gia Giáo dục (xem Hòa Bình số 281 ngày 12/11/69).
Đành rằng một vài tư thục có uy tín đã đóng góp nhiều cho nền Giáo dục Việt Nam, nhưng không lẽ vì vậy mà chính quyền trao toàn trách nhiệm cho tư thục. Tất nhiên vấn đề quyền lợi tư nhân không mấy – khi song hành với công ích thành thử vấn đề cải tổ rất khó khăn và nền giáo dục Việt Nam hiện nay đang xuống dốc về phương diện trình độ kiến thức so sánh với Miên Lào là vì vậy.
Nhưng cái nguy cơ trầm trọng hơn là nếu có một tổ chức tư thục với một nền kinh tài ngoại quốc, một đường lối chính trị ngoại quốc, một đường hướng độc tôn ngoại quốc, và nếu chính phủ nghèo nàn khó lòng mà chống lại thì thật là oan cho toàn dân. Sẽ có sự kiện tư thục nhận chỉ thị cấp trên cho dạy chính trị tại trường học. Đó là một trong những mầm chiến tranh tương lai cho đất nước nếu cái chính trị ấy là sự suy tổn một chiều theo kiểu Cộng sản.
Chỉ có những gì hợp lý rẻ tiền mới rõ ràng và dễ hiểu. Và không có gì dễ hiểu và mạch lạc bằng luận điệu nói một chiều để lôi kéo đại chúng vào chiến tranh. Câu:
Trường sơn nhất đái, Vạn đại dung thân.
Phải đổi lại là:
Trường sinh nhất thuyết, vạn huyệt “chôn” thân, mới hợp với cái đà Văn hóa giáo dục của toàn cõi Việt Nam này.
Tư tưởng của Đại học Vạn hạnh không bao giờ chủ trương như vậy nhưng trái lại chủ trương theo lời của nhà hiền triết đượm sắc thái Thiền tông Martin Heidegger:
Tư tưởng không đưa đến một tri thức như các khoa học.
Tư tưởng không mang đến một sự khôn ngoan hữu ích cho phương thế hành xử trong đời sống.
Tư tưởng không giải quyết bất cứ ẩn ngữ nào của thế giới.
Tư tưởng không mang đến tức khắc những sức mạnh cho hành động.
Và do đó tư tưởng của Đại học Vạn hạnh không hợp lý, không rẻ tiền, không dễ hiểu, không rõ ràng, không minh bạch, không bình dân, không đại chúng, thiếu hiệu năng, thiếu mạch lạc, thiếu kiểm chứng.
Tất nhiên, Tư tưởng Vạn hạnh phải gặp rất nhiều chỉ trích và phê bình rất hợp lý rất rẻ tiền, rất vân vân. Đó là câu chuyện của con cá sau đây:
Xưa có một cái ao tù nước đọng, trong đó có rất nhiều cá. Một thiên tai theo sấm Trạng Trình làm mười phần chết bảy còn ba và sắp chết hai còn một cho nên xã hội cá đâm lo chạy ngược xuôi kêu trời như bọng. Tất cả đều chê trách cá Tơ Tử ngư ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Sống trong nước mà không chịu “sống thật” với nước mà lại lo nói chuyện trên không, dùng danh từ trí thức trưởng giả mặc dầu đói rách mùng tơi, đầu óc nặng mùi phong kiến, không bình dân chút nào.
Tất cả đều chỉ trích Hình thức của Tơ Tử ngư chứ không để ý đến Nội dung của chuyện trời đất của Tơ Tử ngư: Ngư bảo rằng ở trên không có người thả câu và chài lưới sát hại anh em mình đó. Không có gì rõ ràng và và minh bạch bằng miếng mồi ngon và không gì bình dân và đại chúng bằng cái lưới lớn, hỡi bạn cá của ta ơi. Theo rõ ràng minh bạch, bình dân đại chúng mù quáng là chết!
Có ai cắc cớ hỏi Ngư tại sao chống đối sự hợp lý, sự hiệu năng như vậy thì Ngư bảo đó là xuyên tạc vì bình sinh Ngư không chống đối những sự kiện trên xem như phương tiện sinh sống. Nhưng một khi bốn triệu sinh linh chết bất đắc kỳ tử vì ham sống thật là hợp lý và thật là hiệu năng thì Ngư đành ra tiếng than vãn đôi lời đó thôi.
Đành rằng trên phương diện phương tiện thì Ngư sống với hiệu năng nhưng trên phương diện cứu cánh giải thoát thì cho rằng hiệu năng không đưa y đi đến đâu. Ngư thấy rằng mọi sự đều phi lý và riêng cá thể Ngư cũng đầy mâu thuẫn không lối thoát. Thân mình là một mớ tơ tầm trăm mối tháo không ra mà lại còn đòi hợp lý hoá sự vật sao được. Còn nếu diệt hết mọi mâu thuẫn bằng lý trí thì mình lại thành một con cá máy sống theo tiền định cũng chán chết. Mình tự thấy không dễ hiểu thì làm sao mà lại muốn hiểu sự đời.
Xây dựng đời sống cho đại chúng sao được trong khi mình không thể nào xây dựng cho mình hết mâu thuẫn. Những nhân vật tạo thuyết hay ho hết sức, lúc lâm chung có bao giờ bảo con cháu đọc thuyết minh để nghe trước khi chết đâu. Phần đông nếu không đòi đốt hết thì cũng xem bằng rơm rác, họ hướng về thầy thuốc để xin toa, nếu thầy chạy thì hướng về thầy cúng để mong trường sinh thêm được chút nào hay chút ấy. Thuốc trường sinh không giúp con cá thoát chết, cho nên nếu trong lòng còn chút ngư tánh thì phần đông trước khi lâm chung phải nhận thấy rằng mọi sự đều ra ngoài phạm trù của lý trí, và cái “sống thật” không giải quyết cái chuyện “chết thật”.
Xét cho kỹ thì nếu Ngư tu luyện lâu năm được trường sinh bất tử thì Ngư sẽ gặp nhiều điều rắc rối:
- Ngư phải là con cá đẹp nhất, mạnh nhất, thông minh nhất vì nếu không nhất thì sống lâu mà làm gì với cái thân tàn ma dại ngu si gầy yếu?
- Nếu Ngư sống lâu mà được như vậy tất nhiên trẻ mãi không già. Nhưng khi ấy ăn nói làm sao với con cháu nó râu trắng bạc phơ và để nó phải gọi thằng oắt cá con bằng cố nội. Rồi vợ con chết hết mình sống với ai? Không lẽ suốt đời khóc than đưa đám hàng vạn mụ vợ hàng triệu đứa con?
- Muốn trường sinh thì không thể nào sống với tình cảm. Nhưng như vậy thì mình là vô tri, con cá hóa đá thì sống lâu mà làm gì?
- Trường sinh cho mình như vậy chưa đủ cần phải trường sinh cho tất cả mọi loài cá, kể cả gia đình, bà con cô bác. Nhưng nghiệt nỗi họ lại đòi đẹp nhất mạnh nhất, thông minh nhất, tài ba nhất, vì mấy ai mà chịu cục kê suốt đời không chết?
- Nhưng nếu ai cũng nhất hết thì xã hội cá sẽ chỉ có một loài, không đực, không cái, không lại cái. Tất cả cha mẹ và con cái đều bằng nhau không thể nào phân biệt ai là ai. Trường sinh theo kiểu đại chúng và bình dân như vậy cũng là một thứ cá hóa đá văn minh. Cuộc đời lý trí là phân biệt, nếu không phân biệt được thì đâu còn cuộc đời lý trí.
- Một ngày kia trái đất tan, mọi con cá văng ra mỗi con mỗi nơi, bơ vơ, cô độc, trường sinh một mình trong bầu trời đen tối, muốn chết để hóa kiếp cũng không được. Hình ảnh một cái án trường sinh như vậy thật là bi đát hơn cái án tử hình biết bao nhiêu.
Vì thấy trường sinh quá rắc rối cho nên Ngư mới dự định sống một cuộc đời hết sức ngẫu sinh và Ngư chỉ tìm thấy sự ngẫu sinh trong phút giây sáng tác của nghệ sĩ và thiền định của tu sĩ.
Và từ đấy người ta thấy vắng bóng Ngư trong ao tù lý trí.
Đó là sự tích cá gáy hóa rồng vậy.
Cá gáy mà hoá rồng là một chuyện phi lý, hoàn toàn không hợp lý. Tuy nhiên, đó là một câu chuyện rất đại chúng rất bình dân ở Việt Nam không khác gì chuyện người theo rắn của Tây phương. Câu chuyện người theo rắn để phân biệt Thiện Ác cũng là một câu chuyện hợp lý rất đại chúng và rất bình dân.
Bình dân cá hóa rồng khác bình dân người theo rắn ở chỗ nào?
Khác nhau ở chỗ bình dân rồng là bình dân nội tâm, còn bình dân rắn là bình dân hướng ngoại. Bình dân rồng ở chốn vô phân biệt trí còn bình dân rắn là ở thế giới phân biệt của lý trí. Bình dân rồng là bình dân vô nhị còn bình dân rắn là phân hai. Vô nhị thì lo giải thoát tâm linh cho mình trước khi lo cho người khác. Phân hai thì lại ham đấu tranh cải tà quy chánh cho người khác trước khi lo diệt cái xấu của mình. Đại chúng của cá hoá rồng là đại chúng của thế giới Nguyễn Du, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha, Hàn Mặc Tử. Đại chúng của người theo rắn là đại chúng của Nã Phá Luân, Thành Cát Tư Hãn, Quang Trung, Trần Hưng Đạo.
Cả hai đại chúng đều hay cả, cả hai bình dân đều đẹp cả. Nhưng chỉ tốt và đẹp cho những ai thấy hợp tình hợp cảnh với cái đại chúng hay cái bình dân mà mình thích sống. Chỉ khổ một nỗi là bình dân rắn hay ăn hiếp bình dân rồng, còn bình dân rồng thì lại mến bình dân rắn. Rắn nghe nói đến rồng là rắn muốn cắn cho chết vì tự phân biệt mình là nhân vật ngoại hạng. Thành Cát Tư Hãn có thể giết Tô Đông Pha còn Nguyễn Du thì không bao giờ chủ trương giết Quang Trung cả. Bài văn tế Thập loại chúng sinh xuất hiện là vì rồng bao giờ cũng thiết tha yêu rắn. Rồng thương rắn bằng cầm kỳ thi họa. Còn rắn trị rồng bằng đao kiếm kích cung.
Tuy nhiên loại rắn này vẫn chưa phải là loại rắn độc vì nó thành thật với bản ngã của nó. Cái độc chân thành là cái độc tốt vì ai thấy nó cũng chạy tránh nên không mấy khi bị rắn cắn. Đó là những lưỡi câu không mồi. Đao kiếm kích cung bao giờ cũng thành thật không lừa gạt ai — Người ta sợ nó hơn là ghét nó.
Cái loại rắn nguy hại nhất là loại rắn đội lốt rồng.
Chỉ có lốt rồng nghĩa là chỉ có hình thức rồng chứ nội tâm nó là mãng xà. Krishnamurti bắt đầu bộ Commentaries on living bằng ba loại rắn bình dân nhất và đại chúng nhất (trong bài Ba người ích kỷ chân thành). Đó là:
1— Loại tu sĩ (sannayasi) từ khước cuộc đời hiện tại để lo tu luyện cho kiếp sau vì chỉ có tương lai là quan hệ hơn cả.
2— Loại học giả tin tưởng vào tình thương đại chúng, tin tưởng vào những lý thuyết cao siêu để giải quyết trong tương lai những khó khăn hiện tại mà chúng ta phải hy sinh chấp nhận.
3— Loại hành động theo lý tưởng. Loại này là độc nhất và chính trị thường lợi dụng loại này vì nó bình dân và đại chúng nhất. Chúng chủ trương đời đời hy sinh hiện tại để lo cho con người tương lai đời đời không bao giờ đến. Đó là một thứ nhịn đói để mua số kiến thiết không bao giờ có ngày xổ. Chiến tranh Việt Nam với khẩu hiệu trường kỳ và phương thức Thời gian là bạn ta đã đưa vào nghĩa trang những cậu bé dưới mười hai tuổi và chấm dứt thời gian một cách tàn nhẫn. Lo cho tương lai dân tộc theo kiểu này là lo đào huyệt để chôn con. Bông hồng cài áo quan tài cho con là lỗi ở bậc cha mẹ say mê triết thuyết hành động, nó hy sinh hiện tại để xây đắp tương lai cho một thế giới già nua, trường sinh trong lý tưởng, Theo triết học hành động nông nổi để giết con thì bông hồng còn đỏ, cha mẹ còn đó nhưng con đâu còn và lấy áo ai mà cài???
Rắn thích lo thay đổi thế giới ở mặt ngoài cho nên luôn luôn hô hào rằng đời sống tương lai là quan hệ và thời gian ngoại cảnh đã giúp rắn rút kinh nghiệm dĩ vãng để hành động cho tương lai. Rắn sống với thời gian lý trí.
Rồng thì tuy cùng sống với rắn trong thế giới bề mặt nhưng lại không thấy sự thay đổi bề mặt là quan hệ mà lại thấy nó tai hại là đằng khác nhất là khi nội tâm đầy nọc rắn. Rồng chỉ thích ngâm thơ, và vẽ voi. Rồng sống với thời gian nghịch lý. Tư tưởng hành động của rắn hướng vào đường tiến bộ theo sự biến hành với tương lai. Tư tưởng vẽ voi của rồng hướng vào đường giải thoát theo sự chuyển tánh với hiện tại.
Đối với rắn, sống thật là sống hợp lý lo xây đắp cho tương lai với tư tưởng bình dân theo loại một ra đi là không trở về, hay loại phải có danh gì với núi sông. Rắn thích anh hùng đấu tranh giết địch, chém thù.
Đối với rồng, sống thật là sống với hiện tại đầy phi lý với tư tưởng bình dân theo loại thử rờ lên gáy xem xa hay gần, hay loại mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Rồng thích thi nhân say trăng, chén tạc chén thù.
Trường sinh là thế giới của tương lai không bao giờ hết cho nên:
Trường sinh của rắn trị kẻ thù bằng án tử hình còn đối với rồng thì trường sinh không có tác dụng, cho nên không thể nào giải thích được. Nó nằm trong câu thơ ghi trên bia mộ họa sĩ Paul Klee, một họa sĩ chuyên vẽ tranh “con nít” như sau:
Không ai nắm được tôi trên thế giới này vì tôi cùng ở với thế giới người đã chết cũng như tôi cùng sống với thế giới người chưa sinh, hơi gần với sự sáng tạo hơn thường lệ nhưng vẫn còn xa nó quá.
Nhà họa sĩ bình dân nhất thế giới, đại chúng nhất thế giới mà lại có một tấm bia khó hiếu không bình dân không đại chúng chút nào.
Đại chúng không hiểu được đại chúng vì đại chúng rắn không làm sao hiểu đại chúng rồng. Âu cũng vì vậy cho nên trường sinh của rắn khác trường sinh của rồng.
Trường sinh của rắn là:
Nhất tướng công thành, vạn cốt khô.
Còn trường sinh của rồng là khi ẩn khi hiện như sau:
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
NGÔ TRỌNG ANH
(trích Tạp chí Tư Tưởng số 1, năm 1970)
Ảnh minh hoạ: internet