NHÂN HIỆN TƯỢNG MINH TUỆ ĐIỂM QUA NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ PHẬT GIÁO

Mùa Phật Đản và An Cư Kiết Hạ năm nay (PL 2568 – TL 2024) sự xuất hiện độc đáo của Tu sĩ Minh Tuệ đã gây nên một hiện tượng sôi nổi của quần chúng “quan tâm” đến Phật giáo, tạo nên những phản ứng nóng bỏng với số lượng vỡ bờ!

Trong cảnh tranh tối tranh sáng, vàng thau lẫn lộn, nhìn rõ mặt nhau thật khó. Chưa bao giờ có trước đây, những trang mạng tiếng Việt cùng tập trung vào một đề tài cuốn hút về tu sĩ và sinh hoạt của một tôn giáo nhanh và rộng đến như thế.

Hiện tượng Tu sĩ Minh Tuệ tuyệt nhiên không phải là một sự tình cờ hay lạm động theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực tuyệt đối như những cách nhìn mang đầy tính thị phi của những thuyết âm mưu (conspiracy theories) để chê bai, tấn công, minh oan, chối từ trách nhiệm. Còn vọng tâm đi xa hơn nữa là sự chế tác những tin vịt giật gân như “Tu sĩ Minh Tuệ là một người do phe nầy hay phe nọ dựng lên” với mục đích xa vời nào khác… để thu hút người vào trang mạng của mình (câu view, câu like…) nhằm thu lợi từ các cơ quan chủ quản.

Quan điểm về trường hợp Tu sĩ Minh Tuệ, cùng tác giả là người đang viết những dòng nầy đã có dịp trình bày qua hai bài viết:

1. Tu sĩ Minh Tuệ… giọt nước tràn ly.

2. Tu sĩ Minh Tuệ hoàn thành công hạnh

Mục đích của bài viết nầy chỉ mong được chia sẻ và góp ý với đại chúng sự hiểu lầm và suy diễn quá dễ dãi về tinh thần, nội dung và giới luật đạo Phật một cách phiến diện diễn tiến qua một số sản phẩm bài viết, bài đọc, bài nói… đang được lưu hành rộng rãi. Để hỗ trợ quần chúng thành tâm và thiện ý có một cái nhìn gần gũi và xác thực hơn về Đạo Phật; cũng như góp ý với những nhân vật tôn giáo khác (như một số tu sĩ các tôn giáo bạn) nên gia công tìm hiểu về Phật giáo cẩn trọng và nghiêm túc hơn trước khi có những bài viết, bài nói vội vàng và một chiều để bình phẩm và bày tỏ thái độ về những vấn đề nhạy cảm tôn giáo trong thời điểm hiện tại.

ĐẠO PHẬT Ở ĐÂU GIỮA DÒNG TÂM LINH TÔN GIÁO TOÀN CẦU

Thế giới có khoảng 10.000 tôn giáo xuất hiện từ thời Thượng Cổ, nhưng 85% dân số thế giớp tập trung vào 5 tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism), Thiên Chúa giáo (Christianity), Do Thái giáo (Judaism), và Hồi giáo (Islam). Trong số đó, Phật giáo là tôn giáo duy nhất xuất hiện với nhân loại cùng lúc 3 vai trò thiết yếu của nếp sống tâm linh, đạo lý và xã hội:

– Siêu tôn giáo: Phật giáo nhập thế với căn cơ bản thể luận (ontology) Tánh Không và Duyên Khởi. Đó là sự phủ nhận một đấng Toàn Năng hay Thượng Đế mà uyên nguyên khởi đầu là hư vô hay bất định. “Thần linh” trong đạo Phật là sự hợp duyên từ Không do công năng duyên khởi mà thành nên có cả ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) mười phương Phật với hằng hà sa số chư Phật và thánh chúng. Do đó, cách nhìn “đạo Phật vô thần” là do phát xuất từ thói quen qua nếp nghĩ bám chấp vào một đấng siêu hình chủ tể muôn loài không chứng minh được bởi sự thiêng liêng huyền nhiệm có hay không đều nằm ngoài tầm tri kiến của con người. Riêng Tánh Không, một khởi thủy uyên nguyên và hiện tiền, vừa xa thẳm trừu tượng vừa thực tại trong từng hạt bụi không khí của hơi thở vào ra, là chỗ dựa vững vàng và khoa học nhất của tri thức luận Phật giáo.

– Triết lý: Phát xuất từ vũ trụ quan và nhân sinh quan, tri thức con người hình thành những nếp nghĩ, cách nhìn, lối suy luận riêng gọi là triết lý. Triết lý Phật giáo đặt căn bản trên Tam pháp Ấn: Khổ, vô thường, duyên khởi (hay vô ngã). Tuy gọi là “triết lý” cho hợp vị với nhu cầu tri thức quá nhiêu khê và phức tạp của con người, nhưng triết lý Phật giáo là một Dòng Tâm có sẵn trong mọi người. Một vị đại học giả ôm đồm trên giá sách với Tam tạng Kinh điển hay một nông dân mù chữ chỉ biết niệm “A Di Đà Phật” và biết sống theo đạo lý “ở hiền gặp lành” đều bình đẳng trước Đạo Phật như Tu sĩ Minh Tuệ được đại chúng hiểu và thương kính như Ca Diếp ngày xưa bởi do Tâm chứ không phải bằng Lý.

– Giáo dục: Phật giáo là một hệ thống giáo dục hướng đến mục đích giúp muôn loài hữu tình diệt khổ để tiến tới xây dựng một nếp sống an vui và hạnh phúc ngay trong kiếp sống nầy; cùng với sự luân lưu năng lượng Luân Hồi cho bao kiếp đời sau. Phương tiện giáo dục trong Phật Giáo với những phương tiện thiện xảo như thiền định, quán niệm, thuyết pháp, tụng kinh… tùy căn cơ của mỗi người và hoàn cảnh riêng biệt để cùng tạo ra cùng lúc nếp sống lành mạnh và năng lượng tương tác của con người và vũ trụ thiêng liêng. Do đó đức Phật Thích Ca là một vị Thầy, một bậc chân sư (Bổn sư Thích Ca) chứ không phải là một vị tối linh thần ban phước hay giáng họa.

Bởi vậy, Trí Tuệ Bát Nhã là căn cơ của thế giới tri thức Phật Giáo mà nếu chỉ nhìn qua cái hiểu đời thường thì chỉ mới thấy được giọt nước long lanh trên đại dương mênh mông vô tận tan loãng chân không: Bát Nhã 24 tập, 600 cuốn thu gọn thành 200 chữ, rút lại thành 10 chữ (Ma ha Bát Nhã Ba la Mật đa Tâm kinh) và quy hướng thành Không. Trí Tuệ Bát Nhã hiểu được trực tiếp bằng Tâm Không. Tu sĩ Minh Tuệ tự nhận: “Con là người tập tu, tập học giảm tham, giảm sân, giảm si. Con không tự nhận con là gì cả mà chỉ tu cho con để biết sống tốt hơn thôi…Con không biết nói pháp hay giảng đạo gì cả mà chỉ biết ‘làm theo lời Phật dạy’. ” (Lược trích video ngày 18-6-2024). Một điệu sống tịnh hạnh, biết đủ, vô cầu như thế là tự trang bị tinh thần “quán tự tại” đi sâu vào Bát Nhã mới mong đạt “ngủ uẩn đều không” để dứt điểm chặt đứt mọi sự khổ ở đời… “độ nhất thiết khổ ách”! Tu sĩ Minh Tuệ là một hành giả đang đi theo lời Phật và hồn nhiên như cây cỏ ứng dụng phương tiện thiện xảo trong 84.000 pháp môn (hay vô lượng pháp môn tu) để — rất vô tư — ứng hiện Bát Nhã cho chính mình ngay trong từng sát na đương niệm hiện tiền. Tu sĩ Minh Tuệ cố gắng tu theo hạnh Đầu Đà mà chỉ có ngài Ca Diếp là đệ tử duy nhất trong số 1250 đệ tử đồng tu thời Phật còn tại thế. Trong bài viết Tu sĩ Minh Tuệ hoàn thành công hạnh… người viết có tô đậm điều nầy và mong đại chúng phát tâm từ bi “cúng dường Thanh Tịnh” cho một đối tượng mang biểu tượng chân tu. Mọi phản ứng và thái độ ứng xử tích cực nhất đối với Tu sĩ Minh Tuệ trong lúc này là tạo một môi trường thanh tịnh để người chân tu có điều kiện tu hành rỗng lặng, không bị quấy rầy nội tâm cũng như ngoại cảnh. Mong thay!

Những khuynh hướng ngộ nhận Phật Giáo phổ thông nhất:

NGỘ NHẬN VỀ PHƯƠNG TIỆN: CÁI ĂN

Đạo Phật là một tôn giáo nhập thế. Nếu không có Khổ thì đức Phật không có lí do giáng trần độ thế. Biển khổ mênh mông nên cứu khổ cũng có vô số phương tiện ứng dụng tùy nghi. Nhưng phương tiện tối thắng vẫn là thiểu dục tri túc, tức là biết đủ để xa lìa ham muốn. Bậc tu hành xưa nay vẫn an nhiên và hạnh phúc tự nhận mình là Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni (nữ).

Tỳ kheo: Gốc tiếng Phạn (Bali: bhikkhu, Phạn: Bhiksu), có nghĩa là Khất sĩ, người đi xin. Trên thì xin pháp của chư Phật, để nuôi dưỡng pháp thân; dưới thì xin cơm của đàn na tín thí, nuôi dưỡng thân mạng của mình để duy trì mạch sống mà tu hành; đồng thời giúp diệt trừ tâm tham danh, tham lợi của mình. Mỗi ngày xin được gì thì ăn thứ đó tuyệt đối không phân biệt ngon hay dở, mặn hay chay trong miếng ăn hoặc thí chủ giàu nghèo. Thức ăn xin được chỉ dùng một bữa trong ngày, không được để qua đêm. Tỳ kheo giúp thí chủ trồng phước đức.

Tầng lớp người chỉ xin cơm mà chẳng xin pháp hay độ phước cho ai, xin càng nhiều để tích trữ càng tốt là ăn mày, hành khất, khất cái.

Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni là những tu sĩ theo dòng Phật giáo Nguyên Thủy (Tiểu thừa hay Nam truyền). Thời Phật giáo phát triển (Đại thừa hay Bắc truyền) thì mỗi chùa đều có bếp hay cách nấu thức ăn riêng. Thực phẩm do tu sĩ tự túc trồng lấy hay từ sự cúng dường của Phật tử tại gia và đại chúng.

Nói tóm lại, trong giới hạn của bài viết này, phần “ngộ nhận về cái ăn” người viết chỉ muốn trình bày một ý nhỏ về cái ăn theo tín lý, tín điều đạo Phật là các hình thức khất thực, tự túc, ăn chay, ăn mặn đều là phương tiện tùy nghi, không chấp nhặt vào hình thức cố định nào mới đúng là Phật giáo chính thống.

NGỘ NHẬN VỀ ĐƯỜNG TU: KHỔ HẠNH

Kể từ thời xuất hiện kinh Vệ Đà (Veda) và Áo Nghĩa Thư (Upanishad), gần cả nghìn năm trước khi Đức Phật Thích Ca ra đời, Ấn độ đã có những ông Đạo tu khổ hạnh trên núi Tuyết Sơn.

Khổ hạnh (asceticism) là con đường tự luyện thân tâm bằng những hình thức tự chịu đựng sự đày đọa thể xác hay trấn áp tinh thần nhằm mục đích loại bỏ sự an vui, hưởng thụ của đời sống mà những kẻ tu khổ hạnh tin là để giúp gột sạch tội lỗi nơi con người. Những nhà tu khổ hạnh tin rằng con người tội lỗi là do đời sống hưởng thụ về thể chất lẫn tinh thần gây nên. Do đó họ phải làm ngược lại mới mong rủ sạch tội lỗi trần gian. Khổ hạnh xuất hiện dưới hai hình thức: Khổ hạnh thể xác và khổ hạnh tinh thần. Bằng những cách như thế tự đầy đọa tinh thần và thể xác nhiều khi rất khủng khiếp mà ngày nay sử sách còn để lại là một thể thức có từ thời tôn giáo cổ sơ.

Trong quá trình tu chứng của Đức Phật Thích ca, ngài cũng đã trải qua một thời kỳ tu khổ hạnh với nhiều nhóm đạo sĩ khác nhau, họ chủ trương chỉ có con đường tu khổ hạnh mới đạt đạo, hết khổ. Sa môn Tất Đạt Đa đã tìm vào động đá để bắt đầu cuộc tu tập của mình. Ban đầu là sự tiết chế ăn uống cho đến khi mỗi ngày, phần ăn chỉ có nhúm hột mè và vài ngụm nước, tự khống chế mọi cử động, tự cắt đứt mọi suy nghĩ cho đến khi thân thể khô héo, da bọc xương, cận kề bên cái chết.

Sau 6 năm tu khổ hạnh, Sa môn Tất Đạt Đa nhận ra đó không phải là con đường đúng hướng dẫn đến giác ngộ mà chỉ là tự diệt oan uổng. Con đường dục lạc và khổ hạnh đều là cực đoan nên chẳng đưa hành giả tới đâu; chỉ có lối Trung Đạo mới mong tìm ra đường giác ngộ, giải thoát. Bởi vậy, Ngài tới bờ sông Ni Liên Thuyền (Nairangana) gần thành phố linh thiêng Ca Da (Gaya), nhận một bát sữa cúng dường khởi đầu cho một lối tu hành an tịnh, không thái quá mà cũng chẳng bất cập để đi sâu vào tuệ giác thiền tịnh cho tới ngày đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề.

Gần đây, với sự xuất hiện của Tu sĩ Minh Tuệ “Bộ hành khất sĩ khổ hạnh”, dư luận tập trung nói đến hạnh Đầu Đà và ngộ nhận đó là hạnh tu duy nhất, điển hình và cao khiết nhất của đạo Phật. Thật ra, trong thánh chúng đệ tử 1250 vị, chỉ có duy nhất ngài Ca Diếp là tự phát nguyện tu theo hạnh Đầu Đà. Đây là một lối tu khổ hạnh với 13 điều quy ước xả bỏ hết thảy nhu cầu và phương tiện sống đời bình thường như đã được trình bày ở phần trên. Với trải nghiệm thực tế lối tu khổ hạnh mà chính Đức Phật đã tu hành trong vòng 6 năm, Đức Phật đã khuyên Ca Diếp chuyển đổi lối tu du phương khổ hạnh qua tịnh tu khất sĩ như chính Đức Phật và các Tu sĩ khác, nhưng Ca Diếp luôn bạch Phật là căn tính của mình chỉ hợp với cách tu Hạnh Đầu Đà và một mình theo lối tu trì đã chọn cho đến ngày chứng đạo. Phật giáo sử liệu đã chứng minh rằng, tu Khổ Hạnh là một trong nhiều cách tu của đạo Phật, không nhất thiết phải theo nếu căn cơ của mình không hạp.

Nếu ở những khung cảnh Phật giáo như Ấn Độ, tỉnh Bihar, nơi có Tứ động tâm Phật tích hay Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt, Lào… hình ảnh những đoàn du tăng khổ hạnh tay ôm bình bát, lưng và vai mang túi đựng áo, đi dưới mưa nắng với đầu trần, chân đất từ vài ba vị hay vài ba chục vị đi chậm rãi hay vội vàng thành từng nhóm, từng đoàn khất thực hoặc cắm lều ngủ trên vùng đất hoang, làng mạc hay sơn cốc qua đêm có thể tìm thấy nhiều nơi. Nhưng trong khung cảnh Phật giáo Việt Nam ngày nay với Phật giáo Bắc truyền phổ biến, hình ảnh tu hành gần với khổ hạnh càng ngày càng vắng bóng.

NGỘ NHẬN VỀ HÌNH TƯỚNG: CHÙA TO TƯỢNG LỚN

Đại chúng đã nắm bắt tức thời những địa điểm tạm dừng chân hay an trú qua đêm của Tu sĩ Minh Tuệ như hốc núi, bụi cây, vườn hoang, nghĩa địa… để tạo ra sự phản cảm với khung cảnh chùa viện Phật Giáo to lớn, đẹp đẽ ở nhiều nơi.

Nếu lên online để tìm khoảng 50 ngôi chùa Phật giáo đẹp đẽ và tráng lệ nhất của thế giới thì sẽ thấy không có một ngôi chùa Phật giáo nào của Việt Nam có tên trong danh sách cả. Dữ kiện nầy, nói lên một thực trạng đáng buồn rằng, lấy khái niệm “chùa to tượng lớn” để mô tả khía cạnh bị tha hóa bởi vật chất cho giới tu sĩ Phật giáo Việt Nam thì rất thiếu công bằng. Nếu có chăng hiện tượng “thiền môn bất tịnh” khi nói về điệu sống của giới Tăng Ni Việt Nam thì cần nhận rõ rằng, nguyên nhân sự bất tịnh của nếp sinh hoạt chùa viện Việt Nam hiện nay là do 2 nguyên nhân chính:

1. Một số “sư thầy” gây rối Phật môn bởi suy đồi pháp tánh, tuy không nhiều về mặt số lượng nhưng thường ở vị trí nắm quyền lực cứng và mềm trong tay, trực tiếp hay gián tiếp điều khiển sinh hoạt nhà chùa đã khiến cửa thiền thành bất tịnh. Trong lúc đó, đại đa số Tăng Ni truyền thống thì ngược lại, luôn lấy tinh thần “tăng già hoà hợp, tứ chúng đồng tu” chỉ muốn yên thân ẩn nhẩn tu hành vì úy ngại lên tiếng. Bởi thiếu sự đấu tranh xây dựng nội bộ nên phần lớn cơ sở chùa viện thành đơn vị gia đình như mái chùa truyền thống là nơi “che chở hồn dân tộc” chứ chẳng bao giờ là chốn nghị trường, đại hội cờ quạt thuyết pháp, diễn văn. Nếu có chăng hướng bất tịnh thường là do một thiểu số chuyên quyền gây nên và làm những điều khuất tất giữa Đạo và Đời, “bần tăng và thí chủ”.

2. Cảnh “Sư tử trùng thực sư tử nhục” – Chỉ có vi trùng của sư tử mới ăn được thịt của sư tử mà thôi. Tình trạng vong thân, tha hóa từ bên trong được hiểu ngầm như “pháp nạn tự thân” của chùa viện Việt Nam đã khiến quần chúng có những lối nhìn chưa thấu đáo về Đạo Phật nên phải bám trụ vào một dẫn chứng điển hình chân tu trong Phật giáo qua pháp thân bộ hành khổ hạnh của Tu sĩ Minh Tuệ.

3. Nói đến quan hệ “chùa to tượng lớn” và thanh tịnh cửa thiền, tưởng cũng nên giở lại giáo sử Phật giáo, phần nói về Trưởng giả Cấp Cô Độc mua Kỳ Viên của Thái tử Kỳ Đà với giá vàng ròng trải kín trên mặt đất. Chốn Kỳ viên Tịnh xá cao quý vàng son do thí chủ nhiệt thành cúng dường huy hoàng là thế nhưng Đức Phật cùng thánh chúng vẫn ngày ngày ôm bình bát, bước chân trần khất thực. Hình ảnh Đức Phật được kể lại trong sách sử quá từ bi, thanh thoát và giản dị: “Sau khi thọ dụng hết thức ăn khất thực được, Ngài tự rửa sạch bình bát, để lên giá, rồi rửa sạch chân tay, bước vào thiền đường, trải tọa cụ, sửa thẳng áo choàng, ngồi kiết già và nói pháp.” Hình ảnh kỳ vĩ nhất của Đức Phật là cung cách sống hòa hợp và đơn giản như mọi người mặc dầu đang ở thế Thiên Nhân Sư và được cung thỉnh an toạ chốn Kỳ Viên Tịnh xá đất trải vàng ròng. Càng về sau, hàng vương tôn, lãnh chúa, phú gia càng cúng dường phương tiện, Phật và thánh chúng thọ dụng nhưng không bao giờ dính mắc vào phương tiện; tâm thanh tịnh, pháp tương đồng nên gần nửa thế kỷ du hóa, Đức Phật và chúng đệ tử vẫn an nhiên giữ nếp thanh quy, sống đời tịnh hạnh.

NGỘ NHẬN VỀ HIỆN TÌNH PHẬT GIÁO

Càng bội phục và ngợi ca nếp thanh tu của Tu sĩ Minh Tuệ, tâm lý bất phục đối với cảnh chùa viện rộn ràng lễ hội càng tăng nên tâm lý và thái độ kính pháp, trọng tăng càng theo đó mà giảm sút; đưa đến sự ngộ nhận rằng, Phật giáo đang suy vong tới thời kỳ “loạn pháp”. Thật ra, số “tăng nhơn” không còn xứng đáng đảnh lễ trước Phật Đài và đáng tẩn xuất ra khỏi chốn thiền môn cộng với số phàm tăng “tà môn loạn khẩu” là con số chỉ cần đếm trên hai bàn tay cũng đủ. Mảng nhân sự tiêu cực không đáng kể nếu đem so với số liệu tương đối là 54.000 tu sĩ trên tổng số chùa viện 19.000 đơn vị. Thế hệ tăng ni kế thừa trong cả nước hiện đang có tới 42.000 học tăng, học ni thuộc thế hệ trẻ đang theo học tại 4 học viện Phật Giáo được đào tạo từ Sơ đẳng tới cấp Thạc sĩ. Theo dõi những chương trình tu học ngắn hạn và dài hạn được tổ chức tại nhiều chùa viện trong cả nước sẽ thấy được từ hàng chục ngàn đến hàng chục vạn người Phật tử đủ mọi lứa tuổi, trình độ và hoàn cảnh xuất thân thành tâm tham dự. Cần khách quan và công bằng để nhận định rằng, trong ba ngôi Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) thì chỉ có Tăng Bảo đang là đối tượng bị quần chúng quan chiêm với sự hoài nghi và băn khoăn giữa thánh và phàm, chánh và tà, chân và giả…

Với hình ảnh khất sĩ thuần túy, ngôn ngữ khiêm hạ và hành trạng tròn đầy công hạnh của Tu sĩ Minh Tuệ càng đánh động được tâm thức kính ngưỡng chân tăng, thì lại càng kích động thái độ phê phán nghiêm khắc của đại chúng đối với một số tăng ni bại hoại nghiệp tu chứ không thể nhìn qua lăng kính phê phán hay coi thường Phật giáo nói chung được. Bởi thông tin giới hạn, thời gian quan sát cấp bách và dụng công chưa đủ để tìm hiểu Đạo Phật nên mọi sự phê phán Phật giáo do ngộ nhận nhất thời cần được thận trọng đón nhận để chân thành góp ý hơn là đôi co phản biện chẳng về đâu!

Trước sự thách thức của những giá trị và tác động mới như thời cuộc, chính trị, kinh tế, xã hội… đạo Phật cũng như bất cứ cơ sở tâm linh và nhân sinh nào khác, cần phải có một sự chuyển biến tiệm tiến hay cấp thời cho phù hợp với tiến độ khoa học kỹ thuật, truyền thông đại chúng và nhu cầu tinh thần, tâm linh, tôn giáo trong thời đại mới. Đứng lại là thụt lùi, lạc hậu. Không thay đổi để tịnh hóa hợp lý, hợp tình và hợp thời là chấp nhận buông tay bại cuộc!

Cám ơn Tu sĩ Minh Tuệ và hiện tượng Minh Tuệ đã tình cờ hay có chủ trương nhập cuộc làm dấy lên một phong trào quần chúng và một cuộc dấn thân tìm hiểu đạo Phật. Phản ứng và phản ánh phong trào quần chúng nhất thời bao giờ cũng có ưu điểm và mặt hạn chế của nó: Ưu điểm là hình tượng hóa và khắc họa được những nét tích cực nhất về mặt thiểu dục tri túc, gây dựng bản tâm trong sáng của một tu sĩ Phật giáo. Nhưng mặt hạn chế là sự đồng hóa dễ dãi Đạo Phật với hiện tượng rực rỡ nhất thời. Chính mặt hạn chế đã tạo ra những ngộ nhận về Phật giáo như đã điểm xuyết ở phần trên.

Nếu được nói lên sự suy nghĩ của một Phật tử cao tuổi, đến với đạo Phật từ thời Oanh Vũ GĐPT, tôi có thể phát biểu bằng tín tâm và trách nhiệm tinh thần rằng, đạo Phật ngày nay đang cần những tấm gương Minh Tuệ như một dẫn chứng cụ thể để thực hiện hạnh thanh tu của từng thành viên và cá nhân thích hợp. Nhưng về đại thể, cần quan tâm đồng thời với nỗ lực phát triển và hiện đại hóa Phật giáo toàn diện.

Thay đổi, chấn chỉnh, chấn hưng, hiện đại hóa hay bất cứ một hình thái nào khác tương tự đối với Phật giáo Việt Nam lúc nầy đều là cần thiết để giữ mạng mạch Phật giáo không bị hàng tục tăng ngang tầm với “giặc thầy chùa” làm loạn cửa thiền.

Phật dạy trong kinh: Vạn pháp do tâm tạo. Mong giữ tâm bớt tham luyến, thân ít bệnh khổ, ý đừng điên đảo… là tự độ, thấu đạt cảnh giới Niết Bàn tự tại.

Sacramento, ngày khởi đầu mùa Hè tại Cali 21-6-2024
Trần Kiêm Đoàn

Bài viết thể hiện quan điểm (và từ nguồn Facebook) của tác giả.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận