Những ai biết điều phục

Namo tassa Bhagavato arahato sammā-sambuddhassa!

“Một hiện thể độc nhất, một nhân thể phi thường trác việt xuất hiện ở thế gian vì phúc lợi cho nhiều sinh thể, vì hạnh phúc cho nhiều sinh thể, phát xuất từ lòng từ bi đối với thế gian, vì sự lành thiện, vì sự lợi ích và vì sự hạnh phúc cho chư thiên và cho loài người. Hiện thể độc nhất ấy là ai? Đó là đấng Như Lai, Tathāgata, Ứng Cúng Chánh Đẳng Chánh Giác”. (Anguttara Nikāya, I, 1, 13, trang 22)

Hiện thể, hữu thể, sinh thể, xuất thể, hay tính thể đều là tất cả những gì có mặt và vắng mặt đang di chuyển và di động ở ngoài và ở bên trong tâm ý và tâm thức của chúng ta, cả ý thức, thất thức, bất thức và vô thức.

Hiện thái và hiện thế, tư thái và thái độ của chúng ta đối với những gì có mặt và vắng mặt, những thái, thế và độ ấy quyết định hết tất cả sinh thái, sinh thế và sinh độ của chúng ta hiện nay.

Thái độ và tư cách của chúng ta đối với Đức Phật như thế nào? Hiển nhiên là qui y Tam Bảo và điều vô cùng quan trọng là phát dậy Bồ Đề Tâm, lòng Bồ Đề, quyết tâm thành Phật vì phúc lợi cho chúng sinh, vì hạnh phúc cho chúng sinh, vì lợi ích, vì sự hạnh phúc cho tất cả những ông Trời (chư thiên) và vì sự hạnh phúc cho nhân loại và cho tất cả sinh thể, tức là chúng sinh.

Thái độ và tư cách của chúng ta đối với bất cứ chúng sinh nào đều quyết định và chuyển hướng sinh mệnh, thể mệnh, nghiệp mệnh và tính mệnh mình đến một lộ trình đạo nghiệp nhất định.

Huống chi đối với một bậc Thầy hay đối với tất cả những bậc thầy? Tất cả chúng sinh đều là bậc thầy của mình, tất cả chư thiên đều là những bậc thầy của mình, huống chi là bậc Thầy của tất cả những bậc Thầy, bậc Thầy của tất cà chư thiên và loài người, nhân thiên sư.

Hiện thể duy nhất, độc nhất, xuất hiện ở thế gian là ai?

Đó là Như Lai, Phật, Thế Tôn, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Từ lúc xuất hiện thể, tính thể thị hiện, hiện thể độc nhất, duy nhất, phi thường trác việt, siêu việt bừng vỡ xuất hiện ở thế gian thì hiện thái, hiện cách và hiện thế, thái độ và tư cách thể thái của chúng ta đối với kẻ đi như thế và đến như thế (Như Lai, tathāgata) như thế nào?

Tất cả chúng ta, từ bao giờ cho đến bây giờ, trong tâm ý và tâm thức, ý thức, thất thức, bất thức, hiển thức, lộ thức, tiềm thức, thượng thức, hạ thức, vô thức và ẩn thức, tất cả cái thức ấy đều giống hệt như là vị Bà La Môn đáng kính tên là Drona. Một hôm, bậc Bà La Môn Drona nhìn thấy Đức Phật đang ngồi dưới gốc cây, liền hỏi Đức Phật:

– Thưa Ngài, có phải Ngài là một deva, một ông Trời?

Đức Phật trả lời:

– Không, ta không phải là ông Trời.

Bà La Môn Drona hỏi tiếp:

– Vậy Ngài có phải là một gandharva, một Càn Thát Bà, một Hương Thần, Nhạc Thần, Hương Âm Thần?

Đức Phật kiên nhẫn trả lời:

– Không, không phải thế.

Bà La Môn hỏi tiếp:

– Vậy có phải Ngài là một yaksa, một Dạ Xoa, Năng hám quỷ, Tiệp tật quỷ?

Đức Phật (mỉm cười) trả lời:

– Không, không thế đâu.

Bà La Môn hỏi hỏi nữa:

– Thế thì Ngài có phải là người, loài người?

Đức Phật (mỉm cười, với lòng Đại Bi và Đại Trí Huệ Bát Nhã) trả lời:

– Ta không phải là người, không phải loài người.

Bà La Môn Drona, thức động đậy, hỏi nữa, vì chẳng bao giờ hiểu được và biết được Đức Phật là ai, và Đức Phật mở hé ra đôi chút cho Drona và chúng ta được biết chút ít rằng Đức Phật đã tiêu diệt hết tất cả tập khí, tất cả tham ái, tham dục mà chư thiên, Càn Thát Bà, Dạ Xoa và loài người còn vẫn vướng mắc, vì đã tiêu diệt tất cả phiền não, tất cả tham, sân và si mà Đức Phật mới thị hiện giáng sinh, đản sinh là Đức Phật, Thế Tôn, Như Lai, Chánh Đẳng Chánh Giác.

Nếu chúng ta nhìn ngó Đức Phật là một nhân vật lịch sử thì chúng ta đã giới hạn Đức Phật vào thế giới loài người. Diệu Pháp Liên Hoa Kinh bừng vỡ xuất hiện vào thế giới loài người cũng vì để phá vỡ cái nhìn đui mù của thế gian.

Trong thế giới và thế gian loài người thì Đức Phật đản sinh vào năm 623 trước Tây lịch và nhập Niết Bàn vào năm 543 trước Tây lịch (theo Hòa Thượng Mahathera Nārada) hay năm 563 trước Tây lịch và nhập diệt khoảng 80 năm sau năm 563 (theo học giả Narasu). Có một điều rõ ràng dứt khoát là Hoàng Đế Asoka đã dựng một cột đài vào năm 239 trước Tây lịch và có ghi khắc rằng Đức Phật đã đản sinh nơi đây, tức là vườn Lumbini gần Kapilavastu, hiện tại là Padeira, ở hướng Bắc vùng Gorakpur, biên giới Ấn Độ và Nepal.

Trong tác phẩm Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ, Pháp Sư Trung Hoa Thánh Nghiêm có đề cập vấn đề niên đại của Đức Phật, theo bản Việt dịch của Thầy Thích Tâm Trí, nhà x.b. Phương Đông, Saigon, 2008; trang 47-48:

“Mãi đến thời gian gần đây, dựa vào các tư liệu cũng như ở góc độ khảo cứu mà suy luận những gì có liên quan đến niên đại của Đức Phật thì có đến bảy mươi nhà đưa ra nhiều thuyết khác nhau”. Trong khi các bậc cổ đức ở Trung Quốc lại dựa vào hiện tượng tinh tú cũng như sự chuyển vận của địa cầu được ghi trong cổ sử mà ức đoán rằng Đức Phật đản sinh năm giáp Dần, đời Chu Chiêu Vương thứ hai mươi sáu (trước Tây lịch 1027 năm), và Ngài nhập diệt vào đời Chu Mục Vương thứ năm mươi ba, năm nhâm Thân (trước Tây lịch 949 năm). Về thuyết này, xin đọc “Lịch Đại Tam Bảo Ký” quyển một (Đại Chánh Tạng – 49, trang 23) hoặc trong “Phật Tổ Thông Ký” quyển hai (Đại Chánh Tạng – 49, trang 143).

Có nhiều vị bác học, giáo sư Phật học và học giả Phật học thường hay có thái độ khoa học, gọi là khoa học, dù là cái gọi là “khoa học lịch sử” thường hay bị nô lệ vào những gì gọi là niên đại đích thực của cái gọi là “sử học”, “khoa học lịch sử” và “lịch sử”.

Lịch sử là cái gì? Lịch sử tính và sử tính là gì?

Đây không phải là lúc đề cập vào ngày linh thiêng của nhân loại, ngày Phật Đản.

Nếu chúng ta muốn xem Đức Phật là loài người thì điều này cũng nên suy nghĩ cho đúng đắn. Ngay đến sự tiến bộ vượt bực của tất cả những nền khoa học ở thế kỷ XXI này vẫn không có khoa học gia hay triết gia vĩ đại nào hiểu được con người là cái gì, hà huống biết được Đức Phật là ai.

Chúng ta chỉ biết được đôi chút về Đức Phật mỗi khi chúng ta hết lòng phát dậy Bồ Đề Tâm và tu hành Đạo Bồ Đề Tâm. Ngày Phật Đản chỉ đúng nghĩa ngày Phật Đản là mỗi ngày trong đời chúng ta đều là ngày Phật giáng sinh trong lòng chúng ta từng giây phút này đến giây phút khác. Mỗi đêm và mỗi ngày Đức Phật đều giáng sinh trong lòng chúng ta, mỗi khi lòng chúng ta là lòng Bồ Đề.

Lòng Bồ Đề được thể hiện trong đại thần chú Quán Thế Âm: OM MANI PADME HUM và đại thần chú Phật Mẫu Tāra, ứng hóa thân của Quán Thế Âm Như Lai và Quán Thế Âm Bồ Tát: OM TARÉ TUTTARÉ TURÉ SVĀHĀ và trong đại thần chú Sư Phụ Padmasambhava, Liên Sinh Bồ Tát: OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM.

Mỗi lần chúng ta trì tụng tất cả những chân ngôn, đại thần chú của chư Phật, chư Đại Bồ Tát thì Bồ Đề Tâm xuất hiện ngay lập tức trong lòng chúng ta.

Muốn hiểu xảo mật ngữ nơi tất cả chỗ thọ sanh và đản sinh của chư Phật và chư Đại Bồ Tát (kinh Hoa Nghiêm, quyển 6, trang 262); trước khi giáng sinh, Đức Phật ở Đâu Suất Thiên Cung khuyên chư Thiên Tử phát Bồ Đề Tâm (op.cit., tr. 529), phát tâm vô thượng Bồ Đề; lúc sắp giáng sinh hiện ra mười mật sự (op.cit., tr. 535-542), thị hiện ở thai mẹ cũng có mười mật sự (tr. 542-547, Hán bộ quyển 59), trong Phẩm Ly Thế Gian, XXXVIII chúng ta được học về lòng Bồ Đề trong mười điều đản sinh, giáng sinh:

Đản sinh vì xa lìa dứt hẳn Ngu Si, do Chánh Niệm và Chánh Tri mà đản sinh;
Đản sinh để phóng lưới Đại Quang Minh chiếu trùm toàn thể Đại Thiên thế giới;
Trụ tối hậu hữu, không còn thân sau nữa mà đản sinh;
Đản sinh mà vẫn bất sanh và bất khởi;
Đản sinh, mặc dầu biết tam giới như huyễn mộng;
Đản sinh mà đồng lúc hiện thân ở thập phưong thế giới;
Đản sinh mà thân chứng Nhứt Thiết Chủng Trí;
Đản sinh lúc phóng ra tất cả Quang Minh Phật để giác ngộ tất cả thân chúng sinh;
Đản sinh vào lúc nhập Đại Trí Quán Sát Tam Muội
Đản sinh làm chấn động tất cả cõi Phật và giải thoát tất cả chúng sinh, tiêu diệt tất cả ác đạo, phủ lấp tất cả ma quỉ và vô lượng chư Bồ Tát đều nhóm họp (thị hiện Bồ Đề Tâm Hạnh).

Tại sao vừa giáng sinh đức Phật mỉm cười, lòng tự nguyện thệ mỉm cười vui vẻ? Vì sao lúc vừa giáng sinh, Ngài thị hiện đi bảy bước?

1. Thị hiện đi bảy bước để hiện sáng lên Bồ Tát Lực;

2. Vì xả thí bảy Thánh Tài;

3. Vì làm thỏa nguyện Địa Thần;

4. Vì hiện ra tướng Siêu Tam Giới;

5. Vì hiện ra bước chân tối thắng của Bồ Tát, vượt hẳn bước đi tượng vương, ngưu vương và sư tử vương;

6. Vì hiện tướng Đất Kim Cang (Kim Cang Địa);

7. Vì muốn ban cho chúng sinh sức mạnh dũng mãnh;

8. Vì hiện tu hành Thất Giác Bảo;

9. Vì hiện pháp đã thực hiện chẳng do ai dạy cả;

10. Vì thị hiện tối thắng vô tì ỏ thế gian để điều phục chúng sinh (trang 551-553).

Về cuộc đời của Đức Phật, tôi không muốn đề cập nhiều hôm nay và tôi xin chúng ta nên trì tụng Phật Sở Hành Tán của tổ sư Mã Minh, còn về việc tu hành Bồ Đề Tâm thì xin trì tụng hằng ngày Nhập Bồ Tát Hạnh của tổ sư Tịch Thiên, Shantideva.

Còn muốn thu gọn Phật Pháp thì chúng ta đều quen biết một bài kệ kinh Pháp Cú mà tất cả tông phái của Nguyên Thủy, Đại Thừa và Kim Cang Thừa Mật Tông đều trì tụng tu hành:

Chư ác mạc tác

Chúng thiện phụng hành

Tự tịnh kỳ ý

Thị chư Phật Giáo

Chớ làm các điều ác,

Gắng làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Ấy, lời chư Phật dạy

(Hòa Thượng Thích Trí Đức dịch)

Không làm việc ác !

Kính làm việc lành !

Làm sạch tâm ý !

Đó, chư Phật dạy !

(Hòa Thượng Trí Quang dịch)

Không làm điều ác

Trau dồi việc thiện

Thanh lọc tâm ý

Đó là Giáo Huấn của chư Phật

(Phạm Kim Khánh tiên sinh dịch từ bản dịch chữ Anh của Hòa Thượng Nārada)

Từ bản dịch chữ Tàu cho đến những bản dịch chữ Việt của chư Hòa Thượng tôn đức, tôi thấy bản dịch nào cũng tuyệt vời trong veo như nắng trong veo của vùng California này. Cũng nên thêm vào đây bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh những ngày xưa cũ:

Không làm mọi điều ác

Thành tựu các hạnh lành

Tâm ý giữ trong sạch

Chính lời chư Phật dạy

(Kinh Lời Vàng, kệ 183)

Bản dịch của Hòa Thượng có chỗ khác là “mọi điều ác”, tức là tất cả điều ác, Hòa Thượng đã dịch trọn vẹn từng chữ Pāli, trong sáng, trong veo đầy đủ, vì Hòa Thượng không quên chữ “sabba”, nghĩa là “mọi”, “tất cả” như nguyên tác Pāli:

Sabbapapassa akaranam

Kusalassa upasampada

Sacittapariyodanam

etam buddhāna sāsanam

(Dhammapada, 183)

Muốn hiểu thiện là gì, ác là gì, chúng ta nên trì tụng Kinh Mười Thiện Nghiệp (Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo đã được Hòa Thượng Trí Quang dịch ra chữ Việt, còn muốn hiểu Tâm Ý Giữ Trong Sạch, chúng ta nên trì tụng Thanh Tịnh Đạo Luận của Buddhaghosa do Sư Bà Trí Hải dịch ra chữ Việt).

Trước khi chấm dứt, cũng nên nhắc lại mười thiện nghiệp mà tất cả chúng ta đều học thuộc lòng từ bao giờ cho đến bây giờ:

Từ bỏ vĩnh viễn sự làm sát sinh;

Từ bỏ vĩnh viễn sự làm trộm cướp;

Từ bỏ vĩnh viễn sự làm tà hạnh;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nói dối trá;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nói ly gián;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nói thô ác;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nói thêu dệt

Từ bỏ vĩnh viễn sự nghĩ tham dục;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nghĩ giận dữ;

Từ bỏ vĩnh viễn sự nghĩ tà kiến.

Hòa Thượng Trí Quang đã giảng rộng sâu rõ ràng hơn nữa:

Không làm sát sinh mà làm hộ sinh;

Không làm trộm cướp mà làm thí xả;

Không làm tà hạnh mà làm phạn hạnh;

Không nói dối trá mà nói chân thật;

Không nói ly gián mà nói hòa giải;

Không nói thô ác mà nói ái ngữ;

Không nói thêu dệt mà nói như nghĩa;

Không nghĩ tham dục mà nghĩ ly dục;

Không nghĩ giận dữ mà nghĩ từ bi;

Không nghĩ tà kiến mà nghĩ chánh kiến.

(Kinh Mười Thiện Nghiệp, Hòa Thượng Trí Quang dịch, trang 121-122)

Xin hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh được chứng ngộ Lòng Bồ Đề và tôi xin kính cẩn tạ ơn Thượng Tọa Thích Thông Niệm, Viện chủ Thiền tu viện Viên Thông, đã cho tôi được thời tiết nhân duyên để làm chút ít Phật sự trong mùa Phật Đản năm nay.

Bài giảng nhân ngày Phật Đản tại Thiền Tu Viện Viên Thông,
thành phố Bellflower, California, (âm lịch, mùng 9 tháng 4, năm Kỷ Sửu/ 2009)

P.C.T.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận