THƯ KHÁNH CHÚC NGÀY HỘI VỀ NGUỒN

GIÁO HI PHT GIÁO VIT NAM THNG NHT
VIN TĂNG THNG
______________

VĂN PHÒNG CHÁNH THƯ KÝ

THƯ KHÁNH CHÚC NGÀY HỘI VỀ NGUỒN

Kính lễ Thập phương hiện tiền Đại Đức Tăng-già,
Kính lễ Chư Tôn Trưởng Lão,
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già,

Nhân dịp Ngày Hội Về Nguồn, thay mặt Chư Tôn Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Quốc nội, tôi kính cẩn gởi đến Chư Tôn Trưởng Lão đang hành đạo, hóa đạo tại Hải ngoại, cùng bốn chúng đệ tử, thành ý khánh chúc Ngày Hội Về Nguồn sung mãn nguồn Pháp lạc vô biên từ ân đức gia trì hộ niệm của Thập phương Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát. Ước mong từ Về Nguồn, trong ý nghĩa sâu xa của nó, chuyển tải nguồn suối trong mát phát xuất từ thể tánh thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già, để bốn chúng đệ tử thấm nhuần hương vị Chánh pháp, tăng trưởng tín tâm bất hoại đối với Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới. Trong một thế giới luôn biến động bởi những xung đột quyền lực thống trị và mâu thuẫn giáo nghĩa giữa các tôn giáo rất dễ dàng làm dao động tín tâm của chúng đệ tử Phật, dẫn đến tâm tư hoài nghi, do dự, phân vân giữa Chánh giáo và Tà giáo, không thể phân biệt đâu là giá trị được tán dương bởi Hiền thánh Giác ngộ và đâu là giá trị thế tục được thiết lập bởi tri thức cuồng vọng của thế gian, quyến rũ bằng hư danh và lợi dưỡng.

Trong bối cảnh đảo điên giá trị ấy, Ngày Hội Về Nguồn của Chư Tôn Trưởng Lão cùng bốn chúng đệ tử đang hóa đạo và hành đạo tại Hải ngoại đã và đang ghi đậm trong tâm tư dấu ấn bi kịch lịch sử của Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại. Những người con Phật đã cùng chung cộng nghiệp với dân tộc này, trong đất nước này, đã cùng chung những giai đoạn thăng trầm vinh nhục trong lịch sử, đã cùng hy sinh xương máu để bảo vệ giá trị nhân văn truyền thống dân tộc. Thế nhưng, sau cuộc chiến tàn khốc huynh đệ tương tàn, khi hòa bình vãn hồi trong hy vọng anh em cùng chung huyết thống một lần nữa cùng hòa hiệp để gầy dựng lại những gì đã gãy đổ, xoa dịu vết thương dân tộc gây ra bởi chiến tranh. Bình minh vừa ló dạng, mà dân tộc chưa từng thấy được bóng mặt trời, thì một lớp người vì lẽ sống, lẽ sống cho ấm no và đồng thời cũng là lẽ sống cho những giá trị tinh thần, đã từ giã quê hương để đi tìm quê hương mới, tưởng chừng có thể thỏa mãn ước vọng chưa định hình về giá trị nhân phẩm, về lý tưởng tự do, nhân bản. Một cộng đồng cùng chung huyết thống tổ tiên mà trong chiến tranh đã bị kích động bởi hận thù giai cấp, mâu thuẫn ý thức hệ; cho đến lúc hòa bình, tình trạng phân hóa dân tộc càng trở nên trầm trọng. Hai bờ Thái Bình Dương rì rào sóng vỗ vẫn đang âm vang mối hận của những oan hồn chưa thể giải thoát khỏi oan khiên lịch sử.

Cùng chung oan khiên lịch sử dân tộc ấy, chúng đệ tử Phật, hàng xuất gia cũng như tại gia, một thời đã cảm thấy khó hành đạo một cách trong sáng trong giáo nghĩa của Đức Thích Tôn mà không bị lạc hướng, đành phải bỏ lại đằng sau các huynh đệ đồng phạm hạnh tự lưu đày trong chính quê hương của mình. Giá trị mới được định hướng bởi ý thức hệ mới, hình thành phẩm giá đạo đức mới với sự rao giảng một trật tự xã hội ưu việt nhất trong lịch sử tiến hóa của xã hội loài người, để được đại khối quần chúng tuyệt đối tin tưởng. Định hướng phát triển của Phật giáo Việt Nam đã được công bố, và là định hướng lịch sử duy nhất: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Tiếp theo đó, từ định hướng cơ sở, hiện tượng trăm hoa đua nở của quá nhiều giáo phái Phật giáo, với nhiều đạo sư, thiền sư xuất hiện, tự chứng tỏ là chân truyền giáo lý từ chính Đức Phật. Đại diện duy nhất, tiếng nói duy nhất của Phật giáo Việt Nam hiện tại là Phật giáo theo định hướng chủ nghĩa xã hội, được lãnh đạo bởi Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thông qua các hàng giáo phẩm để tập hợp quần chúng trong sứ mệnh cao cả của Phật giáo Việt Nam.

Phật giáo, từ những lời dạy của Đức Thích Tôn được truyền thừa trên 25 thế kỷ chưa từng xung đột với bất cứ ý thức hệ nào, tín ngưỡng tôn giáo nào. Đức Thích Tôn đã từng tuyên bố: Như Lai không tranh chấp với thế gian, chỉ có thế gian tranh chấp với Như Lai. Những gì kẻ trí trong thế gian nói đó là chân lý, Như Lai cũng nói đó là chân lý. Nhưng cứu cánh giáo nghĩa của Như Lai còn vượt xa hơn thế: cứu cánh giải thoát và giác ngộ. Tuy vậy, khi mà giáo lý thanh tịnh không nhiễm ô bị lu mờ bởi những giá trị thế tục, như vàng giả lưu hành phổ biến thì vàng thật biến mất khỏi thị trường. Cũng vậy, khi mà Tợ pháp hiện hành, Chánh pháp ẩn tàng trong thâm sơn cùng cốc. Phật giáo Việt Nam hiện tại với sự phát triển chóng mặt của nó về các kiến trúc đồ sộ song song với sự phát sanh khá nhiều giáo phái; đó là sự phát triển của căn bệnh béo phì.

Trong đà phát triển như được chứng kiến, Phật giáo Việt Nam đang trong quá trình biến chất trầm trọng. Những người tự nhận sứ mạng hoằng dương Chánh pháp, duy trì mạng mạch truyền thừa của Lịch đại Tổ sư, nếu không duy trì nổi Giáo nghĩa chân truyền từ Đức Phật, được lưu truyền, phiên dịch, giảng giải qua suốt 25 thế kỷ, lan dần từ Đông sang Tây; nếu không ý thức được giá trị cứu cánh mà Đức Thích Tôn đã tuyên thuyết trong suốt 45 năm, không phân biệt những điều hư ngụy và chánh giáo, tự mình diễn giải theo ý riêng, theo trí tuệ kém cỏi, hạ liệt, Phật giáo sẽ chỉ tồn tại như một thứ mỹ phẩm trang điểm cho các tổ chức thế tục, bảo vệ tham vọng quyền lực và quyền lợi thế tục mà thôi.

Mạng mạch Chánh pháp được truyền thừa và quảng bá, như đã được ký thác bởi Đức Thích Tôn, và như đã chứng minh trong lịch sử, thủy chung sở y trên sự tồn tại của Tăng-già. Nhưng nếu mỗi thành viên trong Tăng-già sinh hoạt không tuân một điều luật, một học xứ nào như được quy định trong Giới kinh Ba-la-đề-mộc-xoa, thì sự hòa hợp Tăng-già chỉ là một tổ chức ô hợp, như đàn quạ khi thấy đâu đó có mồi ngon cùng tụ tập lại, kêu la inh ỏi. Thánh điển Tam tạng được lưu truyền, được phiên dịch giảng giải trong nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau, là sở y cho Tăng-già làm chỉ nam cho sự hưng thịnh. Từ những giáo nghĩa do Đức Thích Tôn công bố và diễn giải được tập thành Kinh tạng, từ những quy định pháp tắc ứng xử của chúng đệ tử giữa các cộng đồng thế tục được kết tập thành Luật tạng, những giải thích Kinh và Luật trải qua nhiều thế kỷ phát triển trong nhiều quốc độ khác nhau với những truyền thống văn minh dị biệt; đấy là những điều cần làm của bốn chúng đệ tử học đạo, hành đạo và hóa đạo trên nguyên tắc khế lý và khế cơ, vì cứu cánh an lạc của chính mình và của nhiều người.

Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,

Nhân Ngày Hội Về Nguồn, trong niềm hỷ lạc từ nguồn suối quy nguyên, và cũng trong tưởng niệm những vong hồn oan khuất dưới lớp sóng Thái Bình Dương, chúng đệ tử Phật cũng từ nhân duyên này mà suy tư về sự hưng suy, chánh tín và tà tín của Phật giáo Việt Nam trong vận nước thăng trầm, cùng hòa hợp thành nhất thể thanh tịnh, trong bản thể thanh tịnh hòa hợp của Tăng-già. Trên cơ sở đó để định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam không bị lệch hướng, không bị biến chất để trở thành công cụ của bất cứ thế lực chính trị nào. Phật giáo Việt Nam chỉ có thể tồn tại theo một định hướng duy nhất: cứu cánh giải thoát và giác ngộ.

Thành kính đảnh lễ Chư Tôn Trưởng Lão, và khánh chúc bốn chúng đệ tử trong Ngày Hội Về Nguồn tự thân cảm thọ hương vị giải thoát của Chánh pháp trong sát-na hiện tại cho đến mãi về sau, để trưởng dưỡng thân tâm, kiên cố Bồ-đề tâm, cho đến tận cùng biên tế vị lai cứu cánh giải thoát và giác ngộ.

Nam-mô Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát

Phật Ân tự, mùa An cư,
ngày 01 tháng Bảy, Phật lịch 2567 (16/8/2023)
Thừa ủy nhiệm Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương
Chánh Thư Ký,
kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ

Quang cảnh Khai mạc Đại lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư (Ngày Về Nguồn kỳ 13), Tưởng Niệm Tôn Sư 10 Năm Viên Tịch và Đại Giới Đàn Minh Tâm tại Chùa Khánh Anh, Evry, Pháp Quốc (Ảnh: Minh Trí)

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận