Thứ tự tu tập

Nhật Hạnh dịch từ Tạng ngữ

THỨ TỰ TU TẬP (Phần trung)

Quỹ phạm sư Acharya Kamalashila – Liên Hoa Giới soạn tác.

Kính lễ Đồng Tử Mạn Thù Sư Lợi

Tôi xin lượt giải thứ tự tu tập cho chư vị tu theo kinh điển đại thừa, cho người Trí mong cầu nhanh chóng chứng đắc Nhứt Thiết Trí (1) nên nổ lực hội đủ những nhân và duyên.

(1) Nhứt Thiết Trí : Trí chứng biết tất cả, Phật Trí,Toàn Giác.

1. Tâm là gì.

Nhứt Thiết Trí không thể sanh từ Vô nhân (2). Cũng không hợp lý cho rằng : tất cả có thể sanh Nhất Thiết Trí ở mọi thời. Sanh mà không lệ thuộc thì không gì ngăn chướng; tại sao tất cả không sanh Nhất Thiết Trí. Do vì trong số đông ấy chỉ xuất sanh một vài, nên biết tất cả pháp đều lệ thuộc nhân. Chính Nhất Thiết Trí cũng thành tựu một vài trong số đông, chẳng phải ở mọi thời, không phải ở mọi nơi, cũng chẳng phải tất cả. Vì thế xác quyết rằng (Nhất Thiết Trí ) lệ thuộc vào nhân và duyên.

(2) Vô nhân : không nguyên nhân, điều kiện.

2. Luyện tâm.

Nhân duyên ấy không những không sai trái mà còn không phải không hội đủ. Nếu cố công hành trì nguyên nhân sai lầm cho dù trãi qua thời gian rất lâu cũng không đạt được kết quả mong muốn, ví như vắt sừng (3) mong lấy sữa. Toàn bộ nguyên nhân không hội đủ thì không thành quả, như thiếu một trong những nhân hạt giống (4), v.v… thì không sanh ra mầm non, v.v… Cho nên có muốn thành quả cần phải hội đủ nhân duyên thích hợp không sai lầm, không thiếu sót.

(3) sừng của súc vật như cừu hoặc trâu

(4) ánh sáng, nước……

Những gì là nhân duyên của quả Nhứt Thiết Trí? – Xin thưa, Tôi (Ngài Liên Hoa Giới) như kẻ mù lòa không thể chỉ bày, chỉ xin thuật lại như lời Phật dạy cho các đệ tử sau khi Đức Thế Tôn chứng đắc viên mãn Phật quả.

Đức Thế Tôn (5) dạy: “Này Bí Mật Chủ, Nhứt Thiết Trí sanh từ gốc lòng Bi, sanh ra từ nhân của Tâm bồ đề, viên mãn nhờ phương tiện”

(5) Phạn ngữ : Bhagavan. Hán ngữ phiên âm : Bạc Già Phạm, còn gọi là Thế Tôn, tôn xưng Đức Phật Thích Ca. Nghĩa xuất hữu hoại; Xuất : vượt xuất 2 biên niết bàn và sanh tử; Hữu : có 6 công đức hoặc có trí thông suốt các pháp tục đế và chân đế; Hoại : hoại diệt 4 ma ( phiền não ma, ấm ma, thiên ma và tử ma).

Vì vậy, mong muốn chứng đắc Nhứt Thiết Trí nên học ba pháp: lòng bi, Tâm bồ đề và phương tiện.

3. Tâm đại bi.

Từ mãnh lực của lòng bi mẫn, chư Bồ tát quyết phát thệ nguyện trực tiếp dắt dẫn hết thảy chúng sanh, bằng cách đoạn trừ ngã kiến, kính cẩn hành trì khó nhọc, để tích lũy tư lương trí tuệ với phước đức trãi qua thời gian lâu dài, chưa từng gián đoạn để mong hoàn mãn tư lương phước trí.

Các tư lương phước trí viên mãn thì Nhứt Thiết Trí tợ như nắm chắc trong tay. Cội gốc của Nhứt Thiết Trí là lòng bi, trước tiên nên tu tập lòng bi.

Chánh pháp Tập kinh dạy rằng :” Đức Thế Tôn dạy Chư Bồ Tát không nên hành trì quá nhiều pháp, Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát nên khéo hành trì một pháp chứng ngộ pháp này thì tất cả pháp Phật đều ở trong lòng tay ông. Một pháp đó là gì? – Đó chính là lòng đại bi.”

Chính vì hành trì Tâm đại bi, Chư Phật Thế Tôn không những chứng đắc tự lợi viên mãn mà còn thị hiện trụ ở thế gian cho đến khi mọi loại hữu tình đạt cứu cánh (6). Các ngài không nhập vào Thành Niết bàn cực tịnh như hàng Thanh văn, quán nhìn chúng sanh, thành Niết bàn (7) tịch tĩnh như nhà sắt bốc cháy, các ngài tránh xa từ bỏ. Chính Tâm Đại bi là nhân của vô trụ xứ niết bàn (8) của Chư Thế Tôn.

(6) Cho đến khi tất cả chúng sanh được quả vị Phật.

(7) Niết bàn tịch tỉnh là niết bàn của hàng Thanh văn chứng đạt bằng cách diệt tận phiền não chướng ở trong niết bàn an hưởng tịch tỉnh cho riêng mình không quan tâm lợi tha và trong niết bàn này không đủ khả năng lợi ích muôn loài.

(8) Vô Trụ Xứ niết bàn là niết bàn vô trụ của Chư Phật chứng đạt bằng cách diệt tận sở tri chướng, phát tâm bồ đề hành trì không tánh. Mặc dù ở trong vô trụ xứ niết bàn Chư Phật luôn phổ độ chúng sanh, khả năng vô công dụng hạnh này chỉ đấng Toàn giác mới chứng đắc.

4. Phát triển đại xả, gốc rễ của đại từ

Nên hành trì theo thứ tự, trước hết nên tu tập lòng bi mẫn bằng cách ban sơ luyện tập tâm bình đẳng (9). Luyện tập tâm bình đẳng để đoạn trừ lòng sân hận và lòng ái luyến đối với tất cả chúng sanh, nên suy nghĩ : tất cả chúng sanh đều mong cầu hạnh phúc, không muốn gặp đau khổ, từ vô thủy trong cõi luân hồi chưa có một chúng sanh nào chưa từng làm thân bằng quyến thuộc của ta hằng trăm lần, tại sao ta lại biệt đãi đối với họ, một số chúng sanh ta thương yêu, một số chúng sanh ta ghét bỏ, thù hận. Vậy ta nên đối đãi bình đẳng với tất cả chúng sanh. Rồi bắt đầu chuyển hướng tâm bình đẳng đến kẻ dưng người lạ, thân quyến và kẻ thù.

(9) Tâm xả : tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh không tham luyến cũng không hận thù.

Sau khi hành trì thành tựu tâm bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh nên tiếp tục tu tập tâm từ, làm cho nước lòng từ bi thấm ướt đất dòng tâm, giúp cho hạt giống bi gieo trồng dễ nảy mầm phát triển. Luyện tập tâm từ tiếp theo hành trì tâm bi.

5. Nhận diện khổ đau.

Tâm bi là tâm tín mong muốn loại bỏ khổ đau cho tất cả chúng sanh đau khổ. Quán sát tất cả chúng sanh trong 3 cõi (10) bị 1 trong 3 loại (11) khổ bức bách thống khổ. Quán tưởng khổ đau của tất cả chúng sanh như Phật dạy: những chúng sanh ở trong địa ngục bị đớn đau nóng bỏng, v.v… lâu dài, chưa từng ngưng dứt, hụp chìm trong nước thống khổ muôn vàn. Tương tự, các loài ngạ quỹ tâm khổ bị khát đói, cực kỳ khó kham nhẫn, thân hình khô gầy chịu nhiều đớn đau. Còn các loài súc sanh bị ăn nuốt lẫn nhau, hậm hực, giết chóc, hãm hại, v.v… cảm nghiệm nhiều nỗi khổ thống thiết. Đối với loài người, vì sự sống còn mà lừa dối, hãm hại, điều mong cầu chẳng được (12), luôn gặp điều bất như ý (13) nghèo cùng khốn khổ, v.v… cảm nghiệm vô lượng thống khổ, lại thêm tập phiền não nhiễm ô tham dục, v.v… trói buộc tâm thức, những ác kiến đó não loạn chúng sanh, tất cả điều ấy cũng là nguyên nhân khổ đau cho chúng sanh như nỗi khổ khiếp đảm bên bờ vực thẳm.

Chư Thiên chịu khổ do biến hoại khổ, Chư Thiên cõi dục lo sợ bất an vì biết khi thân hoại mạng chung sẽ đọa xuống cõi ác. Làm sao an ổn?

Biến hành khổ là mang tính lệ thuộc vào nguyên nhân phiền não (15) và nghiệp (16), tự động hoại diệt trong từng sát na, bao trùm chi phối khắp mọi chúng sanh.

                        (10) Tam giới : dục giới, sắc giới, vô sắc giới.

                        (11) Ba khổ : khổ khổ, hoại khổ, biến hành khổ.

                        (12) Cầu bất đắc khổ

                        (13) Oán tắng hoại khổ.

                        (14) Hành động tạo tác.

(15) Phiền não là trạng thái tâm bất an, bị náo động như tâm tham dục, tâm thù hận , ganh ghét…..

Do thấy tất cả chúng sanh đang thiêu đốt trong ngọn lửa khổ, suy nghĩ rằng mọi loài chúng sanh cũng giống như ta không muốn bị khổ đau. Than ôi! Bằng mọi cách tôi sẽ giải trừ khổ đau của chúng sanh khả ái đang bị bức bách như chính thân tôi đang bị thống khổ. Thiền quán tâm bi muốn đoạn khổ đau cho tất cả chúng sanh duy trì suy nghĩ tâm bi mẫn này trong mọi hành xử, mọi thời nên quán tưởng đến tất cả chúng sanh.

6. Tu tập lòng bi.

Trước tiên hướng tâm bi đến thân quyến, họ đang chịu nhiều khổ não; tiếp đến trãi lòng bi đồng đảng đến mọi loài chúng sanh, không có thiên vị đối với tất cả chúng sanh. Suy nghĩ toàn thể chúng sanh đều là thân quyến của ta. Sau đó hướng tâm bi đến kẻ lạ cho đến khi nào cảm thấy lòng bi trãi đều tâm hướng đến như họ là người thân của mình. Lúc đó quán tưởng đến tất cả chúng sanh ở mười phương. Cho đến khi lòng bi tự động phát sanh. Như tấm lòng của người mẹ có đứa con nhỏ yêu quý đang bị khổ đau thống thiết muốn cứu vớt khổ đau của đứa con mình, phát khởi tâm bình đẳng như vậy đối với tất cả chúng sanh thì ngay lúc ấy thành tựu tâm bi. Khi quán tâm bi được như thế cũng gọi là tâm đại bi.

7. Tu tập lòng từ.

Tu tập lòng từ, trước tiên quán lòng từ hướng đến người thân mong muốn họ gặp được hạnh phúc, tiếp đến người dưng kẻ lạ và đến kẻ thù.

Quán tu lòng bi theo thứ tự trên dần dần đến khi lòng bi phát khởi muốn trực tiếp cứu vớt tất cả chúng sanh một cách tự động là thành tựu gốc tâm bi, rồi kế đến tu tập tâm bồ đề.

8. Tu tập tâm Bồ đề.

Tâm bồ đề có hai loại : thế tục (16) tâm Bồ đề và thắng nghĩa (17) tâm Bồ đề.

(16) tâm bồ đề tương đối

            (17) tâm bồ đề tuyệt đối, không tánh,…

Thế tục tâm Bồ đề là do tâm bi phát thệ nguyện cứu vớt tất cả chúng sanh bằng cách ban đầu phát tâm muốn đạt được thành chánh đẳng chánh giác Phật vị để làm lợi lạc cho chúng sanh.

Nên phát tâm Bồ đề như chương Giới luật dạy nghi thức thọ nhận giới Bồ tát từ một vị giữ giới Bồ tát và thông hiểu Bồ tát giới. Sau khi phát Thế tục tâm Bồ đề nên nổ lực phát tâm Bồ đề thắng nghĩa.

Thắng nghĩa tâm Bồ đề làm tâm xuất thế gian, xa lìa mọi hý luận, cực kỳ quang minh, đối tượng của thắng nghĩa, vô nhiễm, bất động như ngọn đèn không gặp gió bất động. Du già hành giả luôn tôn trọng hành trì thắng nghĩa tâm Bồ đề dài lâu thì phải tu tập tịch chỉ cùng thắng quán.

Kinh Giải Thân Mật dạy: “Từ Thị Di Lặc, ông nên biết tất cả thiện pháp của hàng Thanh văn, của Chư Bồ Tát, của Chư Như Lai thuộc thế gian hoặc xuất thế gian đều là thành quả của tâm tịch chỉ và thắng quán.” Tất cả thiền định đều bao gồm trong hai loại thiền (thiền tịch chỉ và thắng quán). Cho nên tất cả Du già hành giả cần phải hành trì tịch chỉ và thắng quán ở mọi thời.

Kinh Giải Thân Mật dạy: “Đức Thế Tôn dạy rằng : Ta dạy nhiều loại thiền định cho hàng Thanh văn, cho Chư Bồ Tát và cho Chư Như Lai. Nên biết tất cả thiền định đó đều bao gồm trong thiền tịch chỉ và thắng quán”.

Hành trì duy một thiền tịch chỉ thì Chư Du già hành giả không thể đoạn diệt chướng ngại (18) mà chỉ tạm thời áp chế phiền não. Do không có ánh sáng trí tuệ không thể đoạn diệt triệt để phiền não ngủ ngầm (19).

Kinh Giải Thân Mật dạy: “Thiền định (20) chế ngự các tướng trạng phiền não, Trí tuệ có khả năng triệt tiêu phiền não ngủ ngầm.”

Kinh Tam ma địa vương (21) dạy :

Hành trì thiền định

Chưa diệt thường tưởng

Do đó não phiền

Não loạn quấy nhiễu.

Như ông Thắng Hạnh (22).

Quán hành thiền định

Tư duy khảo tra

Về pháp vô ngã

Ấy chính nguyên nhân

Chứng quả Niết bàn

Những nguyên nhân khác

Không đạt tịch tĩnh.

(18) Phiền não chướng và sở tri chướng

(19) Phiền não tùy miên, tập khí phiền não, phiền não sở tri chướng

(20) Thiền chỉ, thiền định

(21) Chánh định vương kinh

(22) U-drak, một hành giả ngoại đạo chuyên tu thiền định thâm sâu, ông nhập định liên tục qua thời gian dài đến nỗi tóc, râu, móng tay mọc dài, tóc phủ khắp mặt đất, một ngày nọ xuất định thấy tóc của mình bị chuột làm tổ cắn dứt, ông liền nổi sân, vì thế thiền không đúng pháp không thể đoạn diệt phiền não sẽ bị chấp ngã, chấp thật não loạn tâm mình.

Bồ Tát Tạng dạy: “Chưa nghe sai biệt pháp (23) của Bồ Tát Tạng, chưa nghe Thánh pháp tập, cố chấp thỏa mãn với thiền định, vị ấy sẽ rơi vào kiêu mạn. Do đó không thoát khỏi tăng thượng mạn, không thoát khỏi sanh, già, bệnh, chết, ưu sầu, bi não, đau khổ, ý bấn loạn, vĩnh viễn cũng không thoát khỏi luân hồi trong 6 loài(24), cũng không thoát khỏi khổ uẩn. Do chủ ý này, Đức Như Lai dạy: hãy lắng nghe lời dạy chơn chánh của tha nhân (Phật, Tôn sư) sẽ giải thoát khỏi già, chết”. Do vậy muốn đoạn trừ mọi chướng ngại làm cho trí thuần tịnh sanh khởi nên an trụ trong thiền chỉ tu tập Tuệ.

(23) không tánh, trong đó có 16 pháp thuộc không tánh v.v…

(24) chúng sanh trong địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, loài người, A tu la và chư thiên.

9. Trí tuệ.       

Kinh Bảo Tích dạy: “An trụ trong giới đạt được định, do đắc định tu tập tuệ, do tu tuệ đắc trí thanh tịnh, nhờ trí thanh tịnh giới viên mãn”

Kinh Đại Thừa Tín tu dạy: “Thiện nam tử, nếu không trụ nơi (25) tuệ, làm thế nào sanh khởi tín tâm Đại thừa đối với Đại thừa Bồ Tát (26). Thiện nam tử, cũng từ sai biệt pháp này phát khởi tín tâm Đại thừa đối với Đại thừa Bồ tát. Nên biết tất cả  (27) có được nhờ tâm không tán loạn, tư duy về chánh pháp và nghĩa lý.”

(25) nguyên bản, không an trụ gần

            (26) không có tuệ thông đạt không tánh thì không có niềm tin vào pháp đại thừa

            (27) tín tâm đại thừa, sai biệt pháp tức không tánh…

Nếu chỉ hành trì tuệ quán mà lìa tịch chỉ thì tâm của hành giả sẽ tán loạn theo các đối cảnh như ngọn đèn bơ (29) trước gió không thể đứng yên, ánh sáng tuệ không chiếu tỏ. Vì thế cần song tu cả tịch chỉ và thắng quán.

(29) Marme : đèn bơ, ở Tây tạng thắp đèn bằng bơ, chúng ta có thể hiểu đèn thắp bằng dầu

Kinh Đại Bát niết bàn dạy: “Chúng Thanh văn không thấy Như Lai chủng tánh (28) là do định lực mạnh mà tuệ yếu kém, chúng Bồ tát thấy được Như lai chủng tánh nhưng không rõ ràng là do tuệ mạnh mà định lực yếu kém, Như lai thấy tất cả là do có sự thăng bằng giữa tâm tịch chỉ và tâm thắng quán”.

(28) Phật tánh, khả năng thành Phật nơi mỗi chúng sanh.

Nhờ năng lực tâm tịch chỉ, tâm không giao động trước gió vọng tưởng phân biệt như ngọn đèn không bị gió làm dao động. Tâm thắng quán có khả năng diệt triệt nhiễm ô ác kiến (30), không bị người khác chi phối (31)

(30) thấy biết sai lệch

            (31) bị ảnh hưởng hiểu biết lầm lạc cuả kẻ khác

Kinh Nguyệt Đăng dạy: “Thiền chỉ lực khiến tâm bất động, thiền quán làm tâm vững như núi”. Cho nên hành giả nên an trụ cả hai chỉ quán.

10. Điều kiện tiên quyết để tu chỉ quán.

Trước tiên hành giả cần hội đủ điều kiện của việc hành thiền chỉ và thiền quán thì sẽ dễ dàng thành công. Điều kiện đó là :

Ở nơi thích hợp (32)

Ít ham muốn

Biết vừa đủ

Từ bỏ nhiều việc

Giữ giới thanh tịnh

Đoạn trừ vọng tưởng, phân biệt như tham, v.v…

Phải biết ở nơi thích hợp có 5 yếu tố là :

–          Nơi dễ tìm thực phẩm, y phục,

–          Nơi không có kẻ thù, người ác,

–          Nơi chốn yên ổn, không tai ương tật bệnh,

–          Có bạn đồng lành, đồng phạm hạnh (33) và cùng quan kiến,

–          Ban ngày ít người lai vãng, ban đêm ít tiếng động.

Ít ham muốn nghĩa là không tham lam có nhiều y phục, pháp y tốt đẹp.

Biết vừa đủ nghĩa là thường biết vừa đủ y phục, v.v…đồ vật thô sơ có được.

Từ bỏ nhiều việc nghĩa là từ bỏ làm việc ác, việc mua bán, v.v…bỏ việc thảo luận chuyện phải trái của vị xuất gia (34) hoặc tại gia (35), bỏ nghề thuốc, xem tinh tú, bói toán, v.v…

Giữ giới thanh tịnh nghĩa là không trái phạm tánh tội, giá chế tội, các học xứ, hai luật nghi. Do phóng dật, lỡ hủy phạm liền như pháp sám hối. Phá phạm giới luật của hàng Thanh văn (36) thì không thể phục hồi. Nên sám hối, tâm hứa sau này không tái phạm bằng cách quán sát tâm tạo tác, hành động của tâm, việc mà tâm làm, bản thể của chúng không có thực thể nội tại, hoặc quán tu tất cả các pháp vô tự tánh. Nhờ quán tu các pháp vô tự tánh giới được thanh tịnh. Cần thấu hiểu điều này được giải thích rõ trong kinh A Xà Thế đoạn hối (37), tinh tấn sám hối để được thanh tịnh.

Khởi niệm suy xét về những nguy hại của sự tham muốn, v.v… trong đời này, đời sau để diệt trừ vọng tưởng phân biệt. Các pháp hữu vi của kẻ luân hồi dù tốt đẹp hay xấu ác đều bị hoại diệt, không bền vững. Xác quyết rằng chính tôi chẳng bao lâu nữa cũng phải phân ly. Tại sao tôi còn quá tham đắm chúng, quán sát suy tư đoạn diệt mọi vọng tưởng phân biệt.

(32) môi trường thuận tiện

(33) bạn đồng tu có giới hạnh thanh tịnh, giữ giới.

(34) tu sĩ

(35) cư sĩ, người thế tục, người đời

(36) biệt giải thoát giới

(37) A Xà Thế tên gọi khác là Vị Sanh Oán

Những điều kiện của thắng quán chính là :

Nương tựa bậc hiền trí

Tìm cầu quảng học đa văn (38)

Như lý tác ý (39)

Bậc hiền trí như thế nào nên y chỉ tức là Vị thầy đa văn (40), lời dạy minh bạch (41), đầy lòng bi mẫn, giàu sức nhẫn nại, chịu cực nhọc.

Tìm cầu quảng học đa văn nghĩa là cung kính ham học về liễu nghĩa (42) kinh và bất liễu (43) nghĩa kinh mà Đức Thế Tôn dạy trong 12 bộ kinh.

(38) học rộng nghe nhiều

(39) tư duy khởi niệm phù hợp chơn lý

(40) uyên bác, nghe nhiều

(41) lời dạy trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu

(42) liễu nghĩa : theo Trung quán ứng thánh phái định nghĩa rằng kinh điển dạy về tánh không là liễu nghĩa ; theo Trung quán Tự Tục phái định nghĩa kinh điển dạy về tánh không và y cứ trên ngôn từ có thể chấp nhận là liễu nghĩa.

(43) bất liễu nghĩa : kinh dạy về tục đế hoặc y cứ trên ngôn từ không thể chấp thuận.

Kinh Giải Thâm Mật dạy: “Không lắng nghe giáo huấn của bậc thánh là chướng ngại việc tu tập thắng quán” và lại dạy: “Thắng quán sanh khởi từ nhân của chánh kiến, từ văn (44) và tư (45) mà sanh.”

(44) lắng nghe

            (45) tư duy

Kinh Vô Ái Tử thỉnh vấn dạy: “Nhờ văn phát sanh tuệ, có tuệ triệt tiêu phiền não.”

Như tác ý nghĩa là xác quyết rành mạch kinh tạng liễu nghĩa và bất liễu nghĩa, không còn nghi ngờ thì vị Bồ tát chuyên nhứt hành trì. Nếu không xác quyết, hoài nghi lưỡng lự giữa nhiều ngã rẽ không biết hướng để đi.

Mọi thời, hành giả không nên ăn thịt, cá, v.v… và những thực phẩm không thích hợp, nên dùng đủ lượng thức ăn (46).

(46) tiết độ ăn uống nghĩa là không ăn nhiều dễ bị buồn ngủ và dã dượi, ăn ít sẽ bị đói, ăn lượng vừa đủ

Bồ tát phải hội đủ mọi điều kiện của tịch chỉ và thắng quán để đi vào hành trì.

Trước giờ hành thiền, Du già hành giả nên giải quyết mọi nhu yếu như đi đại-tiểu tiện, không bị (47) gai nhọn âm thanh quấy nhiễu, khởi ý lạc quan phát nguyện Ta sẽ đưa tất cả hữu tình vào Bồ đề tạng (48) giác ngộ. Tâm niệm tưởng cứu độ tất cả chúng sanh là hành Tâm đại bi, hướng tâm về Chư Phật, Bồ tát ở mười phương, năm vóc kính lễ ở trước (hoặc không ở trước) hình tượng Phật, Bồ tát, v.v… cúng dường, tán thán, sám hối tội chướng, tùy hỷ phước đức của mọi hữu tình, ngồi trên bồ đoàn êm, thoải mái, tư thế như Đức Đại Nhựt Như Lai (49) ngồi kiết già (50) hoặc bán già (51), mắt không mở quá to cũng không nhắm kín, mắt nhìn xuôi theo chóp mũi, thân không quá khòm cũng không quá ưỡng, ngồi ngay thẳng, hai vai cân bằng, đầu không ngước lên hoặc cúi xuống, không nghiêng qua một bên, tư thế đầu, mũi với rốn đặt thẳng một hàng, môi và răng để tự nhiên, chóp lưỡi đặt chạm hàm răng trên, hơi thở ra vào không phát tiếng động, không thở thô mạnh, không thở loạn xạ, cũng không cần nhận biết hơi thở ra vào, thở tự nhiên và đều đặn.

(47) tiếng động ví như cây gai nhọn quấy nhiễu thiền định.

(48) giác ngộ

(49) Tỳ lô giá na, Minh chiếu Phật

(50) chân trái đặt vào vế chân phải và chân phải đặt vào vế chân trái

(51) chân trái đặt vào vế chân phải hoặc ngược lại

11. Hành trì thiền chỉ.

Đầu tiên nên thực hành thiền tịch chỉ. Ngưng bặt phóng tâm ra ngoại cảnh , chuyên chú vào một đối tượng duy nhất một cách tự động liên tục với tâm hoan hỷ và khinh an gọi là tịch chỉ.

Ngay nơi tâm tịch chỉ vào đề mục quán sát tư duy không tánh (52) gọi là tâm thắng quán.

Kinh Bảo Vân dạy: “Thiền tịch chỉ là chuyên chú nhứt tâm, thiền quán là chánh quán sát.”

Kinh Giải Thân Mật dạy: “Ngài Di Lặc bạch Đức thế tôn, làm thế nào suy cầu thiền chỉ và tinh thông về thắng quán? Này Từ Thị Di Lặc, Ta giảng dạy chánh pháp: khế kinh, ứng tụng, ký biệt, phúng tụng, tự thuyết, nhân duyên, thí dụ, bổn sanh, bổn sự, phương quảng, hy pháp, luận nghị, những giáo pháp đó là vì Chư Bồ tát mà nói nên Chư Bồ tát phải hết lòng lắng nghe, khéo hộ trì, đọc tụng, ý nên quán sát cẩn trọng. Sau khi thấy biết thông suốt rồi nên độc cư (53) nơi vắng tịch khéo chuyên chú nhứt tâm tư duy các pháp, duy trì niệm liên tục, tâm thật sự an trú. Luyện tập nhiều lần cho đến lúc thân được khinh an và tâm được khinh an gọi là đạt tâm tịch chỉ.

(52)  không tánh đồng nghĩa với chơn như, tánh như, pháp giới, pháp tánh, thắng nghĩa, tánh như thị, bồ đề tâm thắng nghĩa, tuyệt đối tánh, chơn tánh, vô tự tánh, như sở hữu tánh, v.v…

(53) ở một mình nơi vắng tịch, độc cư có 2 thân độc cư và tâm độc cư, thân độc cư là ở nơi vắng tịch một mình tu tập, tâm độc cư là tâm an trụ trong tĩnh tịch suy tư nghĩa lý dứt mọi vọng tưởng ngoại duyên, tâm độc cư rất quan trọng.

Bồ tát suy cầu tâm tịch chỉ thân tâm được khinh an, tiếp tục an trú đoạn diệt tâm tán loạn bằng phương pháp quán sát truy tìm ảnh tượng đề mục định, phân tích nghĩa lý của đối tượng sở tri, đối tượng của thiền định, phân tích triệt để, tư duy rốt ráo, truy tìm cùng tột, nhẫn nhục, dục, phân tách, kiến, tư, gọi là thắng quán. Khi được như vậy vị Bồ tát thành tựu thắng quán trên.

Du già hành giả mong muốn thành tựu tâm tịch chỉ điều kiện tiên quyết phải chuyên tâm vào tạng kinh như khế kinh v.v… tất cả thiện thuyết đều chỉ bày không tánh, dẫn nhập vào không tánh và sẽ dẫn nhập vào không tánh. Vì không tánh bao trùm vạn pháp nên hãy chuyên tâm thâm nhập không tánh. Hành giả cũng cần phải chuyên chú tâm quán sát tất cả pháp chung một tính trạng, vạn pháp bao hàm trong uẩn, v.v… nên chuyên chú nhứt tâm vào một đề mục như sắc thân Phật (54).

(54) nên lấy sắc thân Phật, ảnh tượng đức Phật làm đề mục tập trung tu tập tịch chỉ.

Kinh Tam ma địa vương (55) dạy :

“Sắc thân như hoàng kim

Thế gian Tôn hổ chủ

Tướng hảo chói sáng ngời

Chú tâm ảnh tượng này

Bồ tát nhập chánh định.”

(55) Chánh định vương kinh

Chuyên chú nhứt tâm vào đề mục mình chọn rồi dán chặt tâm trên đề mục, duy trì liên tục nơi đề mục để tư duy quán sát. Theo dõi tâm có khéo nắm giữ đề mục hoặc bị hôn trầm thụy miên (56) hoặc trạo cử (57) tán loạn sang ngoại cảnh.

(56) tâm nặng nề, chìm xuống, trầm tịch, dã dượi, lờ mờ như đám mây mù bao phủ tâm hoặc rơi vào buồn ngủ.

(57) tâm xao xuyến náo động, loạn tưởng, phân tán duyên ra ngoại cảnh.

Nếu thấy tâm trở nên hôn trầm do buồn ngủ dã dượi, mù mờ hoặc nghi thấy sắp bị hôn trầm lập tức tác ý đối trị bằng cách nghĩ tưởng ánh sáng hoặc đối tượng hoan hỉ thù thắng như sắc thân đức Phật, v.v… để đánh tan hôn trầm rồi dán tâm trên đề mục, nhìn (58) thấy đề mục rõ ràng.

(58) nhìn thấy đề mục không dùng mắt để nhìn, dùng ý thức quán nhìn đề mục trong tâm thức

Khi nào tâm mù mờ hoặc như ở trong bóng tối hoặc như mắt nhắm lại không thấy rõ đề mục phải biết lúc ấy tâm bị hôn trầm.

Khi nào tâm suy nghĩ sự hấp dẫn ngoại cảnh, hình sắc, v.v… nhớ tưởng điều khác, luyến ái chuyện vui ngày trước là tâm trạo cử. Hoặc nghi thấy tâm sắp bị trạo cử liền khởi ý niệm rằng những vật chất hữu vi đều là vô thường, khổ lụy, v.v… để diệt trừ tán loạn. Sau khi chế phục tâm tán loạn tiếp đến dùng dây thừng chánh niệm tỉnh giác buộc ý voi điên vào cây đề mục. Cho đến khi nào tâm còn muốn tập trung không bị hôn trầm và trạo cử khống chế nữa, chuyên chú nhứt tâm vào đề mục ngay khi ấy để tâm quân bình thư thái, duy trì trạng thái tâm này cho đến khi tâm thân được khinh an, tâm chuyên chú vào đề mục tự tại như ý muốn là biết khi ấy đạt được tâm tịch chỉ.

12. Thành tựu thắng quán.

Thành tựu tâm tịch chỉ xong, nên tác ý hành trì tâm thắng quán. Tất cả thiện thuyết của Đức Thế tôn dù trực tiếp, dán tiếp nhằm mục đích làm sáng tỏ không tánh, hiện chứng không tánh. Liễu thông không tánh cắt đứt mọi lưới tà kiến như ánh sáng xuất hiện xóa tan bóng tối.

Hành trì tâm tịch chỉ mà thiếu trí thanh tịnh thì không thể xóa tan bóng tối chướng ngại. Trừ khi dùng tuệ hành trì không tánh một cách nghiêm túc mới phát sanh trí thanh tịnh. Duy chỉ có tuệ mới có khả năng liễu thông không tánh. Cũng chỉ có tuệ triệt tiêu chướng ngại. Cho nên tôi trụ tâm tịch chỉ quyết dùng tuệ suy cầu không tánh, không nên nghĩ rằng chỉ cần tu tập tâm tịch chỉ là đủ. Như thế nào gọi là chơn như: xét trên phương diện tuyệt đối tất cả vạn pháp như ngã của pháp(59) và ngã của nhân (60) là không tánh. Dùng tuệ Ba la mật (61) liễu thông không tánh, mà không là pháp khác (khác Ba la mật).

(59) Bổ đặc già la? Chúng sanh hữu tình, loài có tinh thức

(60) ngã có khi được hiểu là tôi, ta, hữu tình nhưng pháp ngã nghĩa tổng quát mỗi pháp đều có ngã tức có đặc tánh bản chất trong mỗi pháp

(61) ngoài tuệ Ba la mật không có tâm pháp nào có thể liễu thông không tánh

Kinh Giải thâm Mật dạy: “Quán tự tại bạch Đức thế tôn, Bồ tát nên hành trì Ba la mật nào để chứng thông các pháp vô tự tánh? Này Quán tự tại Bồ tát nên hành trì tuệ Ba la mật”.

Vì vậy, an trú trong tâm tịch chỉ mà tu tập tuệ. Du già hành giả tư duy quán sát rằng không tìm thất cái ngã độc lập ngoài uẩn, giới, xứ; cái ngã không cùng một bản thể với uẩn, v.v… (không phải một). Vì uẩn, v.v… thì biến chuyển vô thường nhiều thể tánh; cái ngã thì thường hằng bất biến, thực thể độc nhất (63). Cho nên nói cái thật ngã khác với uẩn, giới, xứ thì không hợp lý, hoặc nói cái ngã cùng một bản thể với uẩn, v.v… cũng không hợp lý. Nếu cái ngã cùng một thực thể duy nhất với uẩn, v.v… thì cái ngã không khác với uẩn, v.v…. Do quán sát như trên ngã và ngã sở (64) trong thế gian chỉ là điên đảo sai lạc.

(63) quan điểm của ngoại đạo ngã thì thường hằng, thực thể độc nhất, tự tại.

(64) ngã sở : những tính chất phụ thuộc của ngã, ví dụ : cái của tôi; của tôi, ngã sở như thân tôi, mắt tôi…

Hãy tu tập về pháp vô ngã. Thế nào gọi là pháp bao gồm trong 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới. Trên phương diện tuyệt đối thì uẩn, xứ, giới không ngoài tướng trạng của tâm (66), các pháp chỉ là tập hợp nhiều lân hư trần (67) vi tế. Bản chất mỗi lân hư trần lại có nhiều phương phần (68) riêng lẽ hợp thành. Suy tìm tận cùng không thể nắm bắt hoặc chỉ ra được bản thể thật sự. Suy luận phân tích thời gian vô thỉ cho đến sắc pháp, v.v… phi thật. Các đối tượng sắc pháp, v.v … hiển hiện như giấc mộng ảo, nhưng kẻ phàm ngu chấp trước thấy thật có sắc pháp, v.v…ngoài tâm.

(66) 5 uẩn : sắc, thọ, tưởng, hành, thức

      12 xứ : 6 căn, 6 trần

      18 giới : 6 căn (giác quan) : nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý

                 6 trần (đối cảnh) : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp

                6 thức : nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức

(67) vi lượng tử, bụi trần, lân trần vi tế mắt không thể nhìn thấy

(68) 1 vi lượng tử có nhiều phương và nhiều phần, vi lượng tử ở mặt trước, mặt sau

Trên phương diện tuyệt đối quán sát sắc pháp, v.v…không ngoài tướng trạng của tâm, tâm suy biết “tam giới duy tâm”. Khảo sát tất cả pháp chỉ là tâm, từ liễu ngộ quán sát truy tìm bản thể tâm thức là quán sát truy tìm bản thể vạn pháp, gọi là tư trạch bản thề của tâm. Tư duy truy tìm tâm trên phương diện tuyệt đối cũng không thật có bản thể tâm. Bản thể tâm hư giả thì đối tượng như sắc, v.v… mà tâm nhận thức muôn hình vạn trạng ấy làm sao thật? (69)

Vì thế sắc pháp, v.v… hư giả, tâm cũng hư giả vì sắc pháp cũng không khác tâm. Sắc pháp, v.v… muôn hình vạn trạng chẳng phải thực thể duy nhất, chẳng phải nhiều (70) thực thể. Tâm cũng không khác sắc nên chẳng phải một tự tánh, chẳng phải nhiều tánh. Kết luận bản thể tâm tánh như huyễn hóa, quán sát tương tự tâm chơn như,  tất cả pháp cũng chỉ là bản thể như huyễn.

(69) tâm hư giả thì các pháp mà tâm nhận biết cũng hư giả

(70) phi nhứt, phi dị (nhiều) khác

Dùng tuệ quán sát phân tích truy tìm bản thể thực tánh của tâm trên phương diện tuyệt đối không thể tìm được tâm không ở bên trong, không ở bên ngoài, cũng không cả hai (trong, ngoài). Không tìm thấy tâm ở quá khứ, tâm ở vị lai, ngay trong hiện tại. Lúc tâm sanh tâm chẳng từ đâu đến, khi tâm diệt không đi về đâu, tâm không thể nắm giữ, cũng không chắc thật (71), phi sắc (72). Vì tâm không là hữu sắc nên không thể nắm giữ, không chắc thật, vậy tâm tánh là gì?

Kinh Bảo Tích dạy: “Này Ca diếp, suy tìm khắp cùng chẳng tìm thấy tâm, cái gì không tìm thấy thì cái ấy không thể nhận biết; cái gì không nhận biết cái ấy phi quá khứ, phi vị lai, và cũng phi cả hiện tại”. Điều này được giảng dạy nhiều trong kinh. Kiếm tìm quán xét không thấy tâm có mặt ở đoạn đầu, không có ở đoạn cuối, không ở khoảng giữa. Lãnh hội tâm không có chung cuộc, không khởi thủy. Cũng vậy tất cả các pháp không có khởi thủy không có chung cuộc. Liễu thông tâm không có bắt đầu cũng chẳng có kết thúc, bản thể tâm chẳng có, ngay cả tâm liễu thông ấy cũng rỗng không.

Do thông đạt bản thể lập thành hành tướng tâm thức, bản thể của sắc pháp, v.v… đều không tìm thấy. Với tuệ truy tìm bản thể tất cả các pháp, không khởi phân biệt sắc pháp thường hoặc vô thường, không hay chẳng phải không, hữu lậu hoặc vô lậu, sanh hay chưa sanh, có hay không; không tư trạch sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nếu hữu pháp không thành lập (73) thì những thuộc tính của pháp ấy cũng không thể lập. Lấy gì phân biệt chúng?

(73) bất thành, không tồn tại, không có

Hành giả với tuệ quán sát tư duy các pháp và bản thể các pháp trên phương diện tuyệt đối, xác quyết từ bỏ chấp thủ, ngay trong lúc nhập vào Định Vô Phân Biệt (74) để chứng đạt các pháp vô tự tánh.

(74) vô niệm ; không còn vọng niệm chấp thật

Nếu không dùng tuệ quán chiếu truy tìm chân tướng bản thể của từng pháp mà chỉ ngưng bặt mọi ý niệm, pháp hành này không những không thể tiêu diệt vọng tưởng mà còn không thể chứng đắc vô tự tánh, do thiếu ánh sáng của tuệ.

Đức thế tôn dạy rằng: do khéo tầm tứ quán chiếu chứng đạt Như Sở Hữu Tánh (không tánh) (75), như lý tựa như cọ cây lấy lửa rồi dùng lửa tuệ thiêu cháy cây phân biệt.”

(75) tên khác của như sở hữu tánh, chơn đế

Kinh Bảo Vân dạy: “Khéo biết nguy hại lầm lạc phải quán tu không tánh để xa lìa tất cả hý luận (76), điều mà hành giả nên hành trì”

(76) vọng tưởng chấp thật

Chuyên tu tập không tánh dù ở mọi nơi. Tâm hiện lạc trú, tìm khắp bản thể tâm ấy để thấu hiểu rổng không. Suy tìm khắp cái tâm rổng không đó bản thể cũng không thật. Ngay lúc đó nhập vào “Vô tướng định”. Ngay lúc đó xả tầm tứ nhập vào định “Vô tướng định” . Nếu chỉ ngưng bặt mọi tác ý (ý niệm) (77) không dùng tuệ quán bản thể các pháp thì không thể nào nhập vào Vô Tần Vô Tứ (Vô niệm). Điều này rất rõ ràng.

(77) cần tuệ quán sát bản thể không thật tự tánh các pháp hoặc đề mục thiền rồi mới trụ vào “ vô tướng “ chứ không ngưng bặt mọi ý niệm mà gọi tu tập “vô tướng”

Vì vậy dùng tuệ quán sát Như Sở Hữu Tánh như bản thể các pháp như chúng là. Không thiền quán về sắc, v.v… (78) cũng không định tâm vào thế gian, xuất thế gian. Vì không duyên vào sắc, v.v…gọi là Định Vô Trụ

(78) thiền định

Dùng tuệ quán sát bản thể tất cả pháp thiền định, thiền định về Vô sở duyên gọi là Định thắng tuệ. Như Kinh Hư không tạng và Kinh Bảo kế, v.v… đều dạy như trên.

Nếu chỉ nhập vào tánh vô ngã về pháp và nhơn, không quán xét, ly tầm tứ, lìa nói năng, chuyên nhứt tác ý, thâm nhập tự nhiên, hiện tiền vô hành. An trú tu tập chơn thật nghĩa một cách rõ ràng, liên tục không tán loạn. Khi nào tâm bị tham dục, v.v… làm tán loạn, phóng tâm ra ngoại cảnh phải lập tức ghi nhận tình trạng bị tán loạn, nhanh chóng quán bất tịnh, v.v… đình chỉ tâm tán loạn rồi đem tâm về chuyên chú vào chơn như. Khi thấy tâm buồn chán khởi lên thì nên quán tu công đức (79) thiền định, khiến tâm phấn khởi, đoạn trừ tâm buồn chán hoàn toàn bằng cách suy nghĩ sự nguy hại của tâm tán loạn.

Khi tâm bị hôn trầm, mờ mịt khống chế, tâm không minh mẫn, nặng nề hoặc nghi thấy hôn trầm cũng như trước khởi ý nghĩ về sự việc vui đẹp, tối thượng mau chóng dẹp tan hôn trầm rồi dán chặt tâm vào đề mục không tánh. Khi nào thấy tâm xáo động, nghĩ nhớ chuyện vui cười ngày trước hoặc nghi thấy trạo cử hãy tương tự như trên liền khởi nhớ nghĩ các pháp hữu vi (80) thì biến hoại vô thường, v.v… tác ý dẹp tan tâm tán loạn, nổ lực nhập vào tâm vô hành nơi chơn như đến khi nào tâm không còn hôn trầm và trạo cử, trụ trong quân bình, tự nhiên nhập vào chơn như nghĩa. Hãy để tâm thư thái bình đẳng trụ (tâm xả).

(79) lợi ích, thiện đức

(80) được tạo tác, được làm ra

Nếu nổ lực dụng công khi tâm trụ quân bình thì sẽ làm tâm tán loạn. Nếu không nổ lực dụng công lúc tâm bị hôn trầm thụy miên thì tâm khi ấy quá hôn trầm, vắng mặt thắng quán, tâm như kẻ mù lòa. Vì lý do đó nếu tâm bị hôn trầm cần nổ lực đối trị, tâm được quân bình không nên nổ lực dụng công.

13. Phương tiện và trí tuệ song vận.

Trong lúc hành thiền thắng quán dụng tuệ cực mạnh mà tâm tịch chỉ yếu thì tâm sẽ bị dao động như ngọn đèn đặt trước gió, không thấy chơn thật tánh rõ ràng, ngay lúc đó nên hành trì tâm tịch chỉ; tương tự như trước quán tuệ khi tâm tịch chỉ mạnh. Khi cả hai quân bình thân tâm không bị gượng ép nên an trụ vô hành cho đến khi thân tâm mệt mõi (81) nên khởi ý tư duy toàn khắp thế gian như huyễn thuật, như ảo ảnh, như cảnh mộng, như bóng trăng dưới nước, như quang ảnh và những chúng sanh này bị các phiền não thiêu đốt trong cõi luân hồi do không thấu hiểu pháp thậm thâm (82) này. Bằng mọi cách tôi làm cho họ thấu hiểu pháp thậm thâm này, phát tâm Bồ đề và tâm đại bi. Sau đó nghỉ ngơi, trở lại nhập vào chư pháp Vô tướng định. Nếu tâm quá buồn nãn lại nên giải lao. Đây là chỉ quán song tu, nên duyên tâm nơi ảnh tượng phân biệt hoặc vô phân biệt. Hành giả quán tu không tánh theo trình tự 1 tiếng đồng hồ hoặc 1 tiếng rưỡi (83), hoặc 3 tiếng đồng hồ, hoặc tùy ý muốn. Đây là nghĩa phân biệt định (84) như Kinh Lăng già.

(81) phương hại

(82) không tánh

(83) nữa thời, mỗi thời 3 tiếng đồng hồ

(84) tư duy tu tập sắc như bọt bong bóng, thọ như bong bóng nước, tưởng như (dương diệm) ảo ảnh, hành như cây chuối và thức như huyển hóa.

Nếu muốn xả thiền, ngay khi chưa xả thế ngồi kiết già, suy nghĩ rằng: trên phương diện tuyệt đối các pháp là vô tự tánh nhưng trên phương diện tương đối các hành tướng vẫn tồn tại. Nếu không như vậy thì sự liên hệ quả và hành nghiệp, v.v…hành tướng vạn pháp làm sao hiện hữu?

Đức Thế tôn dạy :

“ Phương diện tục đế cá pháp sanh

Thắng nghĩa thì vốn vô tự tánh”

Suy nghĩ : chúng sanh tâm hồn ấu trĩ (85) đối với các pháp vô tự tánh, họ sanh tâm điên đảo, tăng ích (86) cho rằng có thực thể tự tánh nên cứ mãi lang thang trôi lăn luân hồi. Bằng mọi cách tôi phải tích lũy tư lương phước trí, chứng đạt quả vị Phật viên mãn vô thượng Nhứt Thiết Chủng Trí để khiến cho họ lãnh hội không tánh. Nghĩ thế rồi từ từ xả thế ngồi kiết già, đảnh lễ mười phương chư Phật, Bồ tát, cúng dường, tán thán, phát đại nguyện như trong Phổ Hiền Hạnh, v.v… Nên tinh tấn thành tựu tư lương phước trí như bố thí, v.v… tinh túy hoàn mãn tâm đại bi và không tánh. Có như vậy mới thành tựu định không tánh với Nhứt – thiết – thắng – không – tánh (87).

(85) ấu trĩ, kẻ phàm phu ví như trẻ con, ngu si

           (86) tăng ích : tăng thêm vào, lấy không cho là có, các pháp vô tự tánh cho là có tự tánh

           (87) tất cả pháp tự tánh không

Kinh Bảo kế dạy: “Mặc áo giáp tâm từ, an trú nơi tâm đại bi, thiền định hiện chứng Nhứt – thiết – thắng – không – tánh – thượng. Không – tánh – nhứt – thiết – thắng – nghĩa là không từ bỏ bố thí, không xa lìa trì giới, không xa rời nhẫn nhục, không viễn ly tinh tấn, không xả ly thiền định, không lìa tuệ, không viễn ly phương tiện mà nên hành trì phương tiện, v.v…”. Được dạy nhiều trong các kinh.

Bồ tát nên hành trì thiện pháp như bố thí, v.v…, phương tiện để thuần thục (88) hết thảy chúng sanh, thành tựu quốc độ, thân tướng và nhiều đồ chúng. Bằng không, lấy gì để thành lập quả vị đã dạy như thành tựu quốc độ chư Phật, v.v…? Như vậy, đầy đủ Trí biến tri (89) Nhứt thiết chủng thù thắng nhờ phương tiện viên mãn. Phương tiện viên mãn do bố thí, v.v…

(88) thành tựu, hóa độ chúng sanh

(89) Trí biến tri : Nhứt thiết chủng trí, Phật trí

Đức thế tôn dạy : “Nhứt thiết chủng trí hoàn mãn nhờ hành trì phương tiện” vì lý do này Bồ tát phải tu hành phương tiện như bố thí, v.v… không chỉ hành trì duy một không tánh.”

Kinh Phương quảng nhiếp chư pháp dạy : “Này Di Lặc vì thành tựu viên mãn bồ đề chư Bồ tát chơn chánh hành trì (90) Lục ba la mật, nhưng có kẻ ngu si nói như thế này : Bồ tát chỉ cần học tập mỗi một tuệ Ba la mật, đâu cần học tập những Ba la mật còn lại, sanh tâm xem thường những Ba la mật khác.”

(90) Sáu Ba la mật : bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tính tấn ba la mật, thiền định ba la mật và tuệ ba la mật.

Từ thị, ý ông nghĩ sao : lúc vua của xứ Kashika bố thí máu thịt mình cho chim ưng để cứu chim bồ câu, việc làm ấy có phải thiếu tuệ chăng?

Di Lặc thưa : dạ không, thưa thế tôn.

Đức thế tôn hỏi : này Di Lặc, ta tích lũy thiện căn, hành trì sáu Ba la mật,  những thiện căn đó có sai lầm chăng?

Từ thị : dạ không, thưa thế tôn.

Đức thế tôn dạy : Di Lặc thưa : ông cũng đã từng chơn tánh tu hành bố thí ba la mật trong 60 kiếp, trì giới ba la mật trong 60 kiếp, nhẫn nhục ba la mật trong 60 kiếp, tinh tấn ba la mật trong 60 kiếp, thiền định ba la mật trong 60 kiếp và chơn chánh tu hành tuệ ba la mật trong 60 kiếp. Kẻ ngu si nói rằng phương pháp duy nhất chứng giác ngộ là hành trì không tánh, pháp hành đó hoàn toàn không đúng.”

Bồ tát có tuệ mà thiếu phương tiện thì giống như hàng Thanh văn không có khả năng thừa hành (91) công hạnh của Phật, thọ trì phương tiện mới đủ khả năng.

Kinh Bảo Tích dạy : “Này Ca Diếp, Đức vua được quần thần hổ trợ hoàn thành mọi quốc sự, cũng vậy Bồ tát kết hợp tuệ với phương tiện thiện xảo thì có đủ khả năng thừa hành công hạnh của Phật.”

Tri kiến của Chư Bồ tát đạo khác với ngoại đạo, khác với Thanh văn đạo. Tri kiến của ngoại đạo là tà kiến (92) về ngã, v.v… con đường của họ hoàn toàn thiếu tuệ do vậy không thể đạt giải thoát.

Thanh văn đạo thiếu tâm đại bi, thiếu phương tiện, do vì nổ lực chứng đắc niết bàn cho riêng mình. Chư Bồ tát đạo mong muốn có được tuệ tinh tấn chứng đắc vô trụ xứ niết bàn. Chư Bồ tát đạo mong cầu phương tiện và trí tuệ để đắc Vô trụ sứ Niết bàn. Nhờ nương tuệ lực không xa đọa trong luân hồi, nương phương tiện lực không trụ vào niết bàn (93).

Kinh Gaya sơn đảnh (94) dạy :” Chư Bồ tát đạo gồm có hai, hai ấy chính là phương tiện và trí tuệ”

Kinh Cát tường đệ nhất thắng cũng dạy :” Tuệ ba la mật là mẹ, phương tiện thiện xảo là cha”.

Kinh Duy ma cật sở thuyết cũng dạy: “Điều gì trói buộc Chư Bồ tát và điều gì giải thoát Chư Bồ tát? Ở trong luân hồi hóa độ chúng sanh mà thiếu phương tiện là điều trói buộc Chư Bồ tát. Ở trong luân hồi, dùng phương tiện cứu độ chúng sanh là điều giải thoát Chư Bồ tát; hóa độ chúng sanh ở trong cõi luân hồi mà không có tuệ là điều trói buộc Chư Bồ tát, với tuệ mà cứu độ chúng sanh ở trong luân hồi là điều giải thoát Chư Bồ tát. Tuệ mà không hành phương tiện tức bị trói buộc, phương tiện mà không hành trì tuệ tức bị trói buộc đã được dạy nhiều trong kinh khác.

Nếu vị Bồ tát chỉ chuyên tu tuệ sẽ bị trói buộc như hàng Thanh văn mong cầu niết bàn, không được giải thoát, không thể trụ vô trụ xứ niết bàn. Do vậy, phương tiện mà không có tuệ là điều trói buộc Chư Bồ tát. Như dùng lửa dẹp tan nỗi kinh hoàng gió lạnh, Chư Bồ tát dùng tuệ để ngăn gió tà kiến. Nên tu tập không tánh kết hợp phương tiện, chứ đừng như hàng Thanh văn.

Kinh Thập địa (96) dạy: “Này thiện nam tử, ví như có người chuyên hành hạnh thờ lửa, tôn thờ lửa, cho lửa là vô thượng sư. Nghĩ rằng : tôi tôn thờ lửa, lửa là vô thượng sư, họa vẽ lửa nhưng không nghĩ dùng hai tay nắm giữ lửa. Vì sao vậy? Nếu làm như vậy thân ta sẽ bị đau đớn, tâm ý bất an. Bồ tát cũng lại như vậy, tuy có nghĩ về niết bàn nhưng không hiện chứng niết bàn. Tại vì sao? Nếu hiện chứng niết bàn thì tôi sẽ thối thất Bồ đề.”

Nếu tu hành mỗi một phương tiện thì Bồ tát không thể vượt qua địa vị phàm phu, sẽ bị trói buộc, nên phải hành trì tuệ chung với phương tiện như dùng chú thuật hóa giải mọi độc tính (97). Chư Bồ tát dùng tuệ lực chuyển hóa phiền não thành chất cam lồ. Thực hành bất kỳ hạnh Ba la mật nào như bố thí, v.v… sẽ được quả lành sanh vào cõi cao, điều này rất hiển nhiên, đâu cần phải nói thêm.

(96) chos chu pai mdo – kinh Thập pháp, thập thiện???

(97) dùng chú thuật để chuyển thuốc độc thành thuốc trị bệnh mà không còn tác dụng độc gây tử vong.

Kinh Bảo Tích dạy: “Như thế này Ca diếp, ví như dùng chú thuật hóa giải mọi độc tính thành thuốc rồi thì không thể gây tử vong; cũng vậy, Chư Bồ tát dùng tuệ chuyển hóa phiền não không bị rơi đọa sai lạc điên đảo”. Vì lý do đó, nhờ phương tiện lực Bồ tát không bỏ mặc (chúng sanh) luân hồi, vì phương tiện lực Bồ tát không an trụ niết bàn. Chính tuệ lực triệt tiêu đối cảnh sở duyên (chấp thật) nên không sa đọa trong luân hồi. Chính vì tuệ lực Bồ tát thành Phật, cũng đắc Vô trụ xứ niết bàn.

Kinh Hư không tạng dạy: “liễu tri tuệ thì triệt tiêu để tất cả phiền não, liễu tri phương tiện thì tuyệt đối không bỏ mặc hết thảy chúng sanh”

Kinh Giải thâm mật dạy: “Ta không nói vô thượng chánh đẳng viên mãn bồ đề là không quan tâm đến lợi ích chúng sanh, không hướng đến nhiếp – hiện – tiền – chư – pháp – hành (98) (tu tuệ không tánh của các pháp vô tự tánh)”. Cho nên muốn thành Phật phải hành trì cả hai phương tiện cộng với tuệ.

Ngay khi quán tu xuất thế gian tuệ (99) hoặc an trụ đẳng trì (100) thì không thể cùng tu tập phương tiện như bố thí, v.v…vậy nên hành trì phương tiện trước khi vào xuất thế gian tuệ hoặc sau khi xuất định, hậu – đắc – trí cùng lúc tu tập cả phương tiện và tuệ (101) cũng gọi Chư Bồ tát. Hành trì đạo lộ song vận phương tiện với tuệ. Khởi tâm đại bi quán chiếu khắp mọi chúng sanh cùng hành với xuất thế gian đạo (102) và khi xả thiền quán tu phương tiện như như nhà ảo thuật, bố thí, v.v….

(99) tuệ quán tánh không, hiện chứng không tánh tuệ

(100) chánh định, đẳng dẫn, trong định quán không tách tức tu huệ

(101) trong chánh định quán tu không tánh chỉ tu tuệ mà không thể tu phương tiện. Có kết hợp tu phương tiện và tuệ sau khi xả

Phẩm Vô tận ý (103) Bồ tát dạy: “Phương tiện của Bồ tát là gì? làm thế nào để hiện chứng tuệ? Phương tiện nghĩa là thiền định chú tâm, quán sát đối tượng của lòng bi là chúng sanh. Hiện chứng tuệ là tâm nhập chánh định (đảng trì, tịch tĩnh và tối cấp tịch tĩnh.” Điều này đã dạy rộng rãi.

Phẩm hàng phục quỷ (104) dạy: “Hơn nữa, Bồ tát thực hành không những tinh tấn tu tuệ mà còn tu phương tiện, tích tập tất cả thiện pháp. Tuệ quán về vô ngã, vô chúng sanh, vô mạng căn, vô dưỡng dục, vô nhơn; tu phương tiện để có khả năng thuần thục hết thảy chúng sanh.”

(102) xuất thế gian đạo có 2: 1.trong chánh địng đẳng trì hiện chứng không tánh; 2. hậu đắc trí quán tu khái niệm không tánh ở đây mang khái niệm không tánh chỉ tợ như không tánh hiển lộ.

(103) phẩm vô tận tuệ Bồ tát

(104) phẩm hàng phục ma lực

Kinh Chánh nhiếp Nhứt thiết pháp dạy :

Ví như nhà huyễn thuật

Nổ lực lìa huyễn hóa

Vì biết trước điều này

Không tham luyến ảo hóa.

Ba cõi như hóa huyễn

Đạt Bồ đề viên mãn

Vì chúng sanh mặc giáp

Biết trước hướng đi đến

Lại dạy: “Chư bồ tát hành trì thành tựu phương tiện và tuệ, tuy ở trong luân hồi hành đạo mà tâm ý thì trụ nơi niết bàn”.

Hành trì phương tiện như bố thí, v.v… với tinh túy tâm đại bi và tánh không để hồi hướng về vô thượng chánh đẳng chánh giác. Tương tự như trên phát tâm bồ đề thắng nghĩa. Thường tinh tấn quán tu thắng quán và tịch chỉ ở mọi thời.

Kinh Thanh tịnh sở hành cảnh dạy :” Tâm thường niệm tưởng công hạnh của Chư Bồ tát làm lợi lạc cho chúng sanh và noi theo thực hành phương tiện thiện xảo ở mọi thời”

Huân tu lòng bi, phương tiện, tâm Bồ đề ngay trong đời này có nhiều điều thù thắng, trong giấc mộng thường thấy Chư Phật, Bồ tát và mộng thấy nhiều điềm lành, được Chư thiên hoan hỷ hộ trì. Trong từng sát na tích lũy tư lương phước trí, phiền não chướng, những điều chẳng lành được tiêu sạch. Lúc nào cũng được an lành, tâm ý an lạc, được nhiều người thương mến, thân không bệnh khổ, tâm được nhiều khả năng thù thắng, đắc các thiện đức đặc biệt như thần thông, tiên tri, v.v…. Vận dụng thần thông lực du hành đến vô biên cõi giới cúng dường Chư Phật Thế tôn và nghe Phật thuyết pháp. Khi lâm chung quyết chắc thấy được chư Phật, Bồ tát trong nhiều kiếp về sau. Được sanh nơi có chư Phật, Bồ tát, sanh vào gia đình tôn quý trong nhiều kiếp sau. Không phải khổ nhọc, hoàn mãn tư lương phước trí, thọ dụng giàu sang, chúng hầu cận đông đảo, thông minh lanh lợi, thuần thục nhiều hữu tình, có khả năng nhớ lại nhiều kiếp. Nên biết vô lượng ích lợi như các kinh dạy.

Nếu thường cung kính hành trì tâm bi, phương tiện, tâm bồ đề qua thời gian dài lâu thì dòng tâm thức dần dần thanh tịnh nhu nhuyến như cọ sát cây lấy lửa.

Quán tu chơn thật nghĩa đạt đến tối cứu cánh trí xuất thế gian, triệt tiêu chiếc lưới vọng tưởng phân biệt, thông đạt pháp giới vô hý luận, cực kỳ sáng tỏ, vô cấu bất động như ngọn đèn không gặp gió thành tựu như như bất động.

Hiện chứng chơn như, bản thể vô ngã của các pháp chứng Đắc Kiến đạo (105) nằm trong bản thể Bồ đề tâm thắng nghĩa. Rồi chuyên nhập vào đối tượng vạn pháp vô biên xuất sanh ra Như lai chủng tánh, Bồ tát an trụ nơi vô lỗi lầm, vượt qua địa vị phàm phu ở thế gian, chư Bồ tát chứng đạt pháp giới và pháp tánh, đắc Sơ địa Bồ tát (106). Lợi ích này giải thích trong kinh Thập địa Bồ tát v.v…

(105) 1 trong 5 đạo lộ của hàng Bồ tát.. 1.tư lương đạo, 2.gia hành đạo, 3.kiến đạo, 4.tu đạo, 5.vô học đạo

(106) 1 trong 10 địa Bồ tát, sơ địa còn gọi hoan hỷ địa, từ địa thứ nhứt đến địa thứ 10 gọi là xuất thế gian đạo, chứng đắc kiến đạo đồng thời nhập vào sơ địa Bồ tát.

Tiếp đến quán tu đề mục chơn như tánh. Kinh Lăng già dạy: “ở đây chư Bồ tát nhập vào tâm vô phân biệt hư vọng, vô hý luận.”

Tín giải hành địa tức là do sức tín giải kiến lập hành tướng, phi tạo tác, an trú hiện tiền trí phát sanh. Tiếp theo tu đạo có 2 : xuất thế gian tu đạo (107)hậu đắc trí tu đạo (108). Theo trình tự hành trì tuệ và phương tiện đoạn trừ sở chướng tu đoạn (sở tri chướng (109) giai đoạn tu đạo cần phải đoạn trừ). Ở tu đạo đoạn trừ sở tri chướng vi tế và cực kỳ vi tế đã tạo từ lâu. Tâm hoàn toàn thanh tịnh và đắc được những thiện đức thù thắng ở những địa vị trên, nhờ đối trị thanh tịnh các địa ở dưới để trụ vào Như lai trí, biển Nhứt thiết chủng trí, đạt được mục đích. Theo thứ tự tu tập như trên, dòng tâm thức sẽ thanh tịnh thuần khiết. Kinh lăng già, Kinh Giải thâm mật đều dạy: “dần theo thứ tự đi lên những địa vị ở trên, đoạn trừ tạp nhiễm, tâm được thuần khiết như vàng, chứng đắc chánh đẳng giác Bồ đề, Phật vị.”

(107) chánh định đẳng dẫn tu đạo và vô gián tu đạo

(108) ra khỏi chánh định tu đạo, sau vô gián tu đạo

Nhập vào biển Nhứt thiết chủng trí giống như Bảo châu như ý có nhiều thiện đức, đầy đủ công đức tụ, để trưởng dưỡng mọi hữu tình, thực hiện thệ nguyện xưa. Tâm đại bi tự động phát khởi, đầy đủ vô lượng phương tiện. Vận dụng tự nhiên hóa hiện vô lượng hóa thân làm lợi ích vô biên chúng sanh. Công đức viên mãn, thành tựu tối thượng cứu cánh, tận trừ tập khí ô nhiễm, chứng tri tận cùng cõi giới chúng sanh. Tôi nên tinh tấn thành tựu mọi thiện đức, phát khởi tín tâm đối với Phật, Thế tôn – nguồn mạch mọi thiện đức.

Đức Thế tôn tuyên thuyết: “Nhứt thiết chủng trí sanh từ gốc tâm bi, sanh từ nhân của tâm bồ đề, viên mãn nhờ phương tiện.”

Bậc hiền trí tránh xa

Những ô nhiễm: ganh tỵ, v.v…

Khao khát các thiện đức

Nhiều như nước ở biển

Phân biệt các hành tướng

Bảo trì các thiện thuyết

Ví như con thiên nga

Khéo chiết sữa trong nước

Như vậy chư hiền trí

Tâm tránh xa loạn tưởng

Tiếp nhận mọi thiện thuyết

Ngay cả đứa trẻ thơ

Thuyết giảng trung đạo này

Có được bao phước đức

Hồi hướng mọi hữu tình

Mau chứng ngộ trung đạo.

Nhật Hạnh dịch từ Tạng ngữ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận