Tuổi trẻ lên đường

LGT: Bài này được viết từ những năm đầu thập niên 1980, khi tác giả vừa ra tù lần thứ nhứt. Thời may, Ni sư Trí Hải lúc ấy mời ngài viết bài cho tờ tập san Phật học để Tăng Ni có tài liệu tu học, hàng Phật tử có kiến thức cơ bản về đạo Phật. Gọi ‘tập san’ là do thói quen mà gọi; đó chỉ là tập tài liệu gồm dăm bài viết, được quay ronéo, mỗi kỳ chừng vài mươi bản, được đóng tập, có trang bìa đàng hoàng, và được đặt tên ‘Pháp Luân’. Lúc ấy độc giả gọi nó là ‘báo chui’ vì không có phép xuất bản. Bởi người làm chủ trương không bán mà chỉ lưu hành trong nội bộ tăng ni Phật tử. Báo ra được vài số, được đón nhận tích cực khiến những người cộng tác phấn chấn hớn hở, nhưng người Quản lý thì không vui; họ nói, lưu hành nội bộ, mà cái ‘nội bộ’ này ‘hơi bị to’! Kể ra cũng đúng. Xét cho cùng trên thế giới có lẽ trừ vài nước Phi châu xa xôi, ở đâu mà không có Phật giáo để gọi là ‘nội bộ’?! Thế là công an cử người đến gặp Ni sư Trí Hải, không cho ra báo. Tờ báo chết yểu, bài báo nửa chừng phải chết theo; người viết báo tắt tịt cảm hứng, người đọc báo thì tiếc: Thiện Tài đồng tử mới lên đường ra tới cửa ngõ Thái bình dương, coi như đã bị cắt passport, cấm xuất ngoại!

Từ ấy… đã hơn 30 năm trôi qua, nhiều việc đã đổi thay. Ni sư nay không còn nữa. Nhưng những người làm báo thì còn, để cho một Thiện Tài lại có thể tiếp tục lên đường du học…

(HV)

Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải

Xuân đã qua mà cành mai vẫn còn nở rộ. Gió lay núi lớn mà gió vẫn lặng. Nước dồn sóng cả mà nước không trôi. Bản chất đến và đi, đi và đứng, mất và còn của vạn vật là thế.

I. CHUẨN BỊ HÀNH TRANG

MỘT VẬN HỘI MỚI CỦA ĐẠO PHẬT

Tinh xá Kỳ Viên là nơi thường lai vãng của các tỳ kheo từ các phương xa đến thăm viếng đức Đạo sư để nghe Ngài nói về những sự thật của đời người, đến bản chất tồn tại của vạn hữu. Một số đông các tục gia đệ tử cũng thường đến để nghe pháp, để giúp đỡ các tỳ kheo những phương tiện cần thiết cho đời sống tu tập của họ. Không ngày nào vắng khách; và số khách đến, với xe ngựa, với những đoàn tùy tùng tấp nập, thật không phải là ít. Nhưng tất cả mọi người dù là tăng hay tục, đều đến trong im lặng và đi trong im lặng. Tinh xá lúc nào cũng giữ vẻ cô tịch của một cõi đời, ở ngoài tất cả mọi cõi đời, của những sự sống đang cố vươn mình lên trên những định luật khắt khe chi phối sự sống.

Và một hôm, không biết từ đâu đến vô số khách lạ chưa bao giờ thấy. Họ đến từ phương Đông, từ phương Tây, từ mọi phương, từ những thế giới thật xa xăm diệu vợi. Họ khoác những chiếc áo sặc sỡ đủ mọi màu sắc, ngự trên những cỗ xe lộng lẫy, với những tàn lọng làm bằng các thứ tơ lụa của thiên thần. Con số những người khách lạ này không chỉ hàng trăm hay hàng nghìn. Thật là vô số kể. Hàng trăm triệu, hàng trăm tỷ. Hơn thế nữa, nhiều không thể đếm. Nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi một con số gần với cụ thể. Dù vậy, dù với số vô tận ấy, dù với những hiện tượng kỳ diệu chưa từng thấy ấy, tất cả đều không gây sự ngạc nhiên đáng chú ý nào đối với các tỳ kheo đang ngụ ở Kỳ viên. Họ vẫn im lặng như mọi ngày. Vẫn thực hiện những bổn phận như mọi ngày. Thậm chí, họ như không biết có sự hiện diện của vô số khách lạ này; không biết đến những gì đang xảy ra và đang làm thay đổi khung cảnh u tịch của tinh xá này. Nhưng, những người khách lạ kia đến đây để làm gì nhỉ? Vâng, họ đến theo dấu hiệu triệu của Phật. Dấu hiệu ấy là tâm đại bi tràn đầy khắp cả hư không vô tận. Đức Phật đã rải tâm đại bi ấy bằng thiền định, được mệnh danh là thiền định của con sư tử vươn mình. Họ nhận được dấu hiệu triệu ấy từ hư không, qua những làn ánh sáng chói ngời đức tính đại bi và đại trí. Họ đến để tham dự một hội nghị thảo luận về chương trình hóa đạo và hành đạo do hai vị Bồ tát Thượng thủ chủ trì: Bồ tát Phổ Hiền, Viện trưởng viện Hành đạo, và Bồ tát Văn Thù, Viện trưởng Viện Hóa đạo.

Trước hết, ngài Viện Trưởng Viện Hành Đạo, Bồ tát Phổ Hiền, giới thiệu một chương trình hành đạo thật vô cùng vĩ đại. Phạm vi hành đạo bao gồm từ một thế giới nhỏ xíu bằng hạt cát, thậm chí nhỏ hơn nữa: bằng một nguyên tử, cho đến những thế giới bao la trải rộng từ vô cực này đến vô cực khác. Thời gian hành đạo có thể chỉ trong vòng khoảnh khắc một sát na, và có thể lâu dài đến vô lượng vô số đại kiếp. Người hành đạo có thể hành đạo dưới mọi hình thức; hoặc bằng những đoàn thể mà con số đoàn viên nhiều như những đám mây lớn che kín cả vũ trụ, hoặc độc nhất chỉ một mình; có thể là một thầy tu, có thể là thương gia, có thể là một ẩn sĩ khổ hạnh, hay một y sĩ, một nghệ sĩ, một chính khách, v.v…

Sau cương lĩnh thống nhất của cả hai Viện được thông qua, Bồ tát Văn Thù rời khỏi Thiên Trụ lâu các, nơi diễn ra đại hội nghị, cùng với vô số Bồ tát đồng hành, đi về phương Nam để thực hiện chương trình tuyên giáo của Viện Hóa Đạo.

Dù sao, kết quả của đại hội cũng đã gây được sự chú ý của một vị tỳ kheo lão thành của tinh xá Kỳ Viên; tôn giả Xá Lợi Phất nhận thấy nghi biểu trác việt siêu quần của Bồ tát Văn Thù, Tôn giả Xá lợi Phất xin phép Phật được theo dõi cuộc vận động tôn giáo của Viện Hóa Đạo. Tôn giả dẫn theo sáu ngàn tỳ kheo. Họ dừng lại giữa đường. Tôn giả Xá Lợi Phất ca ngợi với sáu ngàn vị tỳ kheo trẻ tuổi này về cốt cách của một con người siêu việt với một tâm hồn siêu việt như Bồ tát Văn Thù. Các tỳ kheo trẻ tuổi yêu cầu được hướng dẫn đến diện kiến con người siêu việt đó. Theo lời yêu cầu này, tôn giả Xá lợi Phất giới thiệu họ với Bồ tát Văn Thù. Như tư thái của một con voi chúa khi quay đầu nhìn lại, Bồ tát quay nhìn các vị tỳ kheo trẻ ấy, khuyến khích họ, giới thiệu với họ mười điều tâm niệm cao cả để có thể trở thành một nhân cách tuyệt vời. Đó là mười tâm nguyện không bao giờ biết mệt mỏi:

1.- Tâm nguyện mong cầu được tham kiến, được gần gủi và phục vụ hết thảy tất cả chư Phật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

2.- Tâm nguyện tích tập hết thảy tất cả những thiện căn mà không bao giờ biết mệt mỏi.

3.- Tâm nguyện mong cầu học hết tất cả Phật pháp mà không bao giờ biết mệt mỏi.

4.- Tâm nguyện thực hành tất cả các ba la mật mà không bao giờ biết mệt mỏi.

5.- Tâm nguyện thành tựu tất cả tam muội của Bồ tát mà không bao giờ biết mệt mỏi.

6.- Tâm nguyện lần lượt thâm nhập hết tất cả tam thế mà không bao giờ biết mệt mỏi.

7.- Tâm nguyện làm trang nghiêm thanh tịnh thế giới Phật trong cả mười phương mà không bao giờ biết mệt mỏi.

8.- Tâm nguyện giáo hóa và điều phục hết thảy chúng sinh mà không bao giờ biết mệt mỏi.

9.- Tâm nguyện thành tựu Bồ tát hạnh trong hết tất cả cõi Phật qua suốt vô số chu kỳ thời gian vô tận mà không bao giờ biết mệt mỏi.

10.-Tâm nguyện thực hiện tất cả vô số ba la mật nhiều bằng vô số hạt bụi trong vô số thế giới Phật, thành tựu tất cả mười uy lực của Như Lai với mục đích là để thành thục tất cả chúng sanh, mà không bao giờ biết mệt mỏi.

Sau khi khích lệ sáu ngàn tỳ kheo trẻ này nêu cao chí nguyện Phật đà, Bồ tát Văn Thù tiếp tục đi về phương Nam.

MỘT NHÂN CÁCH LÝ TƯỞNG CỦA THANH NIÊN PHẬT TỬ

Bồ tát Văn Thù và đoàn tuyên giáo của ngài dừng lại phía Đông Phước thành, ngụ trong rừng cây Sa-la có tên là Trang nghiêm tràng. Ở đó có một ngôi tháp cổ to lớn, là nơi mà trước kia đức Thế Tôn đã từng ở đó tu Bồ tát hạnh, cho nên được nổi tiếng khắp cả mọi thế giới Phật. Tại đây, Bồ tát Văn Thù cũng thuyết giáo cho vô số cư sĩ nam, cư sĩ nữ, vô số thanh niên và thiếu nữ. Trong số những thanh niên đến nghe thuyết giáo này, Ngài chú ý đến một thanh niên có một tư cách đặc biệt, đó là Thiện Tài đồng tử. Thiện Tài, nghĩa là một nhân cách có một đức tính nội tại phong phú, được ghi nhận ngay từ khi mới thụ thai qua những dấu hiệu mà người ta có thể biết được. Đó là những giá trị có thể hình dung một cách cụ thể bằng bảy loại mỏ quý: mỏ vàng, mỏ bạc, mỏ lưu ly, mỏ pha lê, mỏ trân châu, mỏ mã não, mỏ xa cừ, và những cá tính nội tại của vị đồng tử vừa thọ thai này đã chói sáng chung quanh như sự ngời sáng của bảy loại mỏ ấy.

Nhận thấy nơi người thanh niên này những cá tính ngời sáng, Bồ tát Văn Thù giới thiệu tính cách bao la hoằng vĩ của Phật pháp, sự thành tựu cao cả của Phật thừa, chí nguyện bao la không cùng tận của Bồ tát đạo, gợi lên nơi mọi người tâm nguyện tự giác vô thượng, chí nguyện vị tha vĩ đại. Sau đó Bồ tát bỏ đi.

Thiện Tài nhìn theo, và do sự thúc đẩy mãnh liệt của lý tưởng Phật thừa và chí hướng Bồ tát đạo vừa được khơi dậy, vội vã theo gót Văn Thù, mong mỏi được chỉ dạy con đường học hỏi và thực hành Bồ tát hạnh.

Như tư thái một con voi chúa nhìn lui, Bồ tát Văn Thù quay lại nhìn Thiện Tài, ca ngợi lý tưởng cao cả và chí nguyện vĩ đại của người thanh niên này, rồi Bồ tát chỉ giáo vắn tắt: “Gần gũi và phụng sự các thiện trí thức, đó là nhân duyên tối sơ để thành tựu trọn vẹn nhất thiết trí. Do đó, đừng bao giờ mệt mỏi với điều này.”

Như vậy, một nền tảng sinh hoạt của thanh niên đã được nêu lên một cách cụ thể: một tình bạn chân thành với một trái tim rực cháy. Học đạo và Hành đạo bằng trái tim nhiệt thành, bằng tình bạn thiêng liêng cao quý. Đi khắp mọi nơi, đến với mọi người, hướng tới sự nghiệp cao cả của Phật thừa, từ đây về sau, trong cuộc lữ hành đơn độc, một mình một bóng như cánh nhạn giữa bầu trời bao la vô tận, Thiện Tài không bao giờ cảm thấy cô độc, không bao giờ biết mệt mỏi, trong bất cứ nghịch cảnh nào với muôn vàn gian khổ nào vẫn tìm thấy hương vị mặn nồng của tình bạn chân thành để có thể giữ vững ý chí ngoan cường tiến thẳng tới. Bồ tát Văn Thù còn dạy thêm: “Muốn thành tựu Nhất thiết trí, cần phải quyết định tìm đến với chân thiện tri thức, với những người bạn hiền. Không bao giờ biết mệt mỏi trong việc tìm bạn, không bao giờ cảm thấy đủ trong việc tìm bạn, không bao giờ xao lãng những điều khuyên bảo tốt đẹp của bạn hiền, và không bao giờ cố ý tìm tòi những khuyết điểm của bạn hiền.” Và rồi Ngài chỉ đường cho Thiện Tài đi về phương Nam để học hỏi những điều cần học hỏi với các chân thiện tri thức ở đó.

Vâng lời chỉ dạy, Thiện Tài từ giã ân sư lên đường, với tình cảm quyến luyến như không muốn rời khỏi vị thầy khả kính của mình, với nước mắt lưng tròng, và với ước ao gặp gỡ kỳ ngộ với người bạn đáng yêu chưa hề quen biết đang chờ đợi mình một nơi nào đó trong một thế giới xa lạ nào đó.

PHẦN THI TỤNG

Và rồi, cuối cùng Thiện Tài đã cất bước xuống núi, đi về phương Nam. Và bấy giờ, chúng ta sẽ theo dõi cuộc hành trình này qua những bài thơ Đường luật của Phật Quốc Duy Bạch thiền sư, người đời Tống. Về tiểu sử, về lai lịch các bức minh họa và các bài thơ kèm theo, chúng ta sẽ chờ một dịp khác, nếu thuận tiện. Vì đấy là công việc khảo cứu; nó không hấp dẫn chúng ta cho lắm. Về các bài thơ này, chúng ta cũng chỉ mới cố gắng dịch theo văn xuôi mà thôi. Để chờ một dịp thuận tiện nào đó, khi mà nguồn thi hứng bất thần hiện đến. Nhưng chúng ta hy vọng rằng nguyên văn chữ Hán cũng phải là khó thưởng thức đối với đa số độc giả. Tuy nhiên, một số điểm cần được chú thích để có thể lãnh hội rõ ràng nội dung của mỗi bài thơ, và do đó, để có thể thưởng thức trọn vẹn ý vị của nó.

BÀI THƠ THỨ NHẤT

Xuất lâm hoàn hựu nhập lâm trung,

Tiện thị sa-la Phật miếu đông;

Sư tử hống thời phương thảo lục,

Tượng vương hồi xứ lạc hoa hồng.

Lục thiên khất sĩ thập tâm mãn,

Ngũ chúng cao nhân nhất tín thông;

Trân trọng ngô sư hướng nam khứ,

Bách thành yên thủy diệu vô cùng.

Dịch nghĩa:

Ra khỏi rừng, rồi quay vào rừng trở lại,

Đấy là phía đông của miếu Phật, rừng sa-la

Khi sư tử cất tiếng rống, cỏ non đâm chồi xanh biếc;

Trên lối về của voi chúa, những cánh hoa rụng trổ lại màu hồng,

Sáu nghìn khất sĩ đầy đủ cả mười tâm niệm;

Năm nhóm cao nhân đã thông suốt một niềm tin.

Ân cần từ giã Thầy, đi về phương Nam,

(trước mắt) hằng trăm thành thị trong bóng mờ khói nước diệu vợi vô cùng.

Bình giải:

Nội dung mô tả sự việc mà chúng ta đã thuật ở trên. Theo quan điểm chú giải của các nhà Hoa nghiêm tông Trung Hoa, cuộc hành trình của Thiện Tài diễn qua 53 bối cảnh. Mỗi bối cảnh là một giai đoạn trong quá trình tu chứng của Bồ tát gồm: Thập tín, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, đẳng giác và diệu giác. Giai đoạn sơ khởi, Thiện Tài gặp Văn Thù, được nghe thuyết pháp và vượt qua địa vị thập tín. Trong bài thơ nói: nhất tín thông, là để ghi nhận điểm này. Tín ở đây có nghĩa là tin tưởng khả năng nhất định sẽ thành Phật của mình. Hai câu 3 và 4, nói đến tác dụng của đại trí và đại bi trong quá trình học đạo, hành đạo và hóa đạo. Chủ ý là ca ngợi sự thuyết giáo của Văn Thù. Do sự thuyết giáo này, sáu nghìn tỳ kheo phát khởi tâm nguyện bồ đề. Trước đó, họ hướng đến sự giải thoát của bản thân với sự diệt trừ các ô nhiễm tâm. Tâm hồn họ bấy giờ như đống tro tàn nguội lạnh, nhìn đời bằng con mắt dửng dưng, không hàm chứa một tâm nguyện thiết tha nào đối với Phật thừa cao cả. Lý tưởng cuối cùng của họ là sau cuộc đời này không còn tái sanh vào một cuộc đời nào nữa, tự hưởng thọ riêng mình pháp lạc tối thượng của Niết bàn. Tâm hồn họ như những cánh hoa đã rụng, đã héo úa. Nhưng, trên lối về của con voi chúa, nghĩa là qua lối nhìn “tượng vương hồi thị”, như cái nhìn lui của voi chúa, của Bồ tát Văn Thù, họ được khơi dậy niềm tin đối với Phật thừa. Tâm hồn như cánh hoa rụng của họ bỗng chốc trổ lại màu hồng rực rỡ. Và thêm nữa, khi tiếng nói của đại trí cất cao như tiếng rống của sư tử, thì hạt giống giác ngộ có sẵn trong mỗi người bấy giờ bị chấn động và nứt chồi, như tiếng sấm đầu xuân cho cây cỏ trổi màu xanh biếc. Hai câu cuối, mô tả tình sư đệ quyến luyến của Thiện Tài trước khi từ giã Bồ tát văn Thù, và Thiện Tài nhìn vào bước đường phiêu lưu trước mắt thấy như là một thế giới bao la với vô số thị thành thấp thoáng sau màn khói nước mông lung, xa xôi và vô tận. Sau khi ân cần bái biệt sư phụ, Thiện Tài lên đường du học; một mình một bóng như cánh nhạn đơn độc giữa bầu trời vô tận. Nhìn ra xa, chỉ thấy một màu khói mây và sóng nước bao la, mà những bước đường học hỏi cũng bao la như vậy. Chí nguyện càng cao, tâm nguyện càng lớn, thì sở học cũng cao và lớn như vậy.

II. ĐI TÌM ẨN SỸ

Vâng theo những dặn dò của sư phụ, Thiện Tài theo hướng Nam đảo Deccan, lần hồi đi đến nước Thắng lạc (Ràmàvarànta). Tại nước này, có một ngọn núi tên là Diệu phong (Sugrìva), đó là nơi tu dưỡng của tỳ kheo Đức Vân (Meghasrì). Núi thì cao, mà rừng thì sâu, bóng người thiện hữu ấy biết tìm nơi đâu? Nhưng với ước vọng nồng nhiệt, mong gặp được bạn hiền như người khát mong tìm thấy nước. Thiện Tài leo khắp mọi đồi núi của dãy Diệu phong. Suốt một ngày, vẫn không tìm ra tông tích. Rồi ngày hai, cũng chỉ thấy mây trời phảng phất, lá rừng và suối nước rì rào, nhưng bóng người thiện hữu vẫn mù tăm. Rồi ngày ba, ngày bốn v.v…

Bóng người thấp thoáng rừng sâu

Mây ngàn phủ lối biết đâu mà tìm?.

Cho đến ngày thứ bảy, duyên hội ngộ cũng là duyên tình cờ ngẫu nhĩ, Thiện Tài trông thấy Đức Vân đang thong dong tản bộ trên một ngọn núi bên kia, vội vàng tìm sang ra mắt, nói lên tâm nguyện chí thành của mình và xin được thiện tri thức chỉ giáo.

Cùng với Đức Vân trên ngọn núi Diệu phong này, Thiện Tài dưới sự hướng dẫn chí tình cuối cùng đã học hết tất cả sở đắc của người Thầy và cũng là bạn cao quý này. Ở nơi Đức Vân, trước hết Thiện Tài học hỏi được sự củng cố niềm tin kiên quyết. Với niềm tin đó, Thiện Tài lại học được pháp môn làm thế nào có thể ghi nhớ tất cả Chánh pháp của hết thảy các đức Phật. Sau khi công phu này đã được thành tựu. Đức Vân lại hướng dẫn Thiện Tài phát triển con mắt chánh tín. Bằng con mắt chánh tín thanh tịnh này, Thiện Tài lần lượt chứng kiến những sinh hoạt hi hữu của vô số Phật trong khắp tất cả mười phương thế giới, thấy những sắc tướng kỳ diệu của các Ngài, thấy những chúng hội đạo tràng trang nghiêm của các Ngài. Pháp môn thành tựu cuối cùng với thiện tri thức này là pháp môn Phổ kiến, nghĩa là có khả năng thấy suốt và ghi nhớ trọn vẹn hết thảy nguồn sáng trí tuệ vô biên của cõi Phật. Thế nhưng, con đường học hỏi Phật pháp không phải đến đây là thỏa mãn. Đức Vân cho biết, giới hạn sở học của mình chỉ có như thế, và khuyến khích Thiện Tài nên nỗ lực tìm kiếm các thiện tri thức khác để học hỏi thêm nhiều hơn nữa, rồi giới thiệu Thiện Tài đến nước Hải môn mà học tập với tỳ kheo Hải vân.

THI TÁN

Đức Vân trường tại Diệu cao phong,

Hành nhiễu phong đầu bất định tung;

Thất nhật ký vân tầm bất kiến,

Nhất triêu hà cố khước tương phùng.

Phát tâm trụ xứ sư duyên hợp,

Phổ kiến môn trung Phật cảnh dung;

Hồi thủ tịch dương pha hạ vọng,

Bạch vân thanh chướng vạn thiên trùng.

Dịch nghĩa:

Đức Vân sống mãi trên đỉnh Diệu phong,

Tán bộ đầu non, hành tung bất định;

Qua suốt bảy ngày đã tìm chẳng thấy,

Vì sao một sớm lại tương phùng?

Duyên sư đệ gặp nhau nơi Phát tâm trụ,

Trong pháp môn Phổ kiến, cõi Phật xuất hiện trùng trùng;

Quay đầu nhìn xuống sườn non trong bóng chiều,

Mây trắng núi xanh muôn vạn lớp.

Bình giải:

Sau khi đã được Bồ tát Văn Thù khai đạo, Thiện Tài vượt lên địa vị Thập tín của một Bồ tát sơ cơ. Ở địa vị này, niềm tin đối với Phật thừa đã được xác lập, tin tưởng nhất định vào sự giác ngộ cuối cùng của mình và biết rằng sự nghiệp duy nhất của đời mình là hướng đến sự giác ngộ đó. Khi niềm tin đã có thì cần phải tu tập để được củng cố. Do đó, tiến thêm bước nữa, với mười giai đoạn trong quá trình tu chứng tiếp theo là địa vị Thập trụ. Đầu tiên là Phát tâm trụ, nghĩa là an trụ vững vàng trong chí nguyện Phật thừa. Mặc dù đây chưa phải là đạt đến địa vị một Thánh giả, nhưng cũng là vị trí cao cả vượt lên trên thế gian. Vì vậy để học hỏi Phát tâm trụ, Thiện Tài được giới thiệu lên đỉnh núi. Đức Vân là biểu tượng của đám mây lành che mát thế gian. Đỉnh núi càng cao thì tầm nhìn càng rộng, nhờ đó mà Thiện Tài học được Pháp môn Phổ kiến. Sự kiện phải tìm kiếm bảy ngày mới gặp Đức Vân, được giải thích là trước khi bước vào Phát tâm trụ cần phải trải qua bảy phương tiện, hoặc phải học tập bảy giác chi. Cách học của Thiện Tài là không học bằng từ chương mà bằng vào sinh hoạt thực tiễn, như Tổ Huệ Năng học đạo Thiền bằng các công phu gánh nước, đốn cũi, giã gạo. Do đó, mỗi biến cố trên bước đường hành hương là một vấn đề cần phải học hỏi, và mỗi thành tựu đều là thành tựu của Phật pháp, bởi vì, hết thảy pháp thế gian đều là Phật pháp. Ở đây, cũng nên sơ lược về cách bố cục chung của các bài thơ của Phật Quốc. Trong cách tu chứng của Bồ tát có hai trường hợp quan trọng, đó là nhập vị tức giai đoạn tu tập để chứng ngộ và xuất vị là giai đoạn cần phải vượt qua sở chứng hiện tại để tiến lên địa vị cao hơn. Mỗi bài thơ đều mở đầu và kết thúc tương xứng với hai giai đoạn hệ trọng này. Phần giữa của bài thơ mô tả sở chứng của từng vị một. Bài thơ trên đây diễn ra theo sáu bố cục như vừa nói. Phần kết của nó nói đến sự xuất vị của Thiện Tài, đượm màu sắc thi ca. Khi Thiện Tài từ giã Đức Vân để tìm một thiện tri khác như đã được giới thiệu, bấy giờ nắng chiều đang ngã dài lên sườn non, và từ trên đỉnh núi Thiện Tài có thể thấy con đường trước mắt chập chùng muôn vạn lớp núi xanh mây trắng. Viễn tượng một thế giới bao la đã được chứng kiến nhưng chưa được sống thực trong đó. Đoạn đường tới của Thiện Tài sẽ là sống thực trong đó, sống với cái Một mà đồng thời là sống với Tất cả cái bao la hoằng vĩ. Cái được nhìn thấy, và cái được sống thực, không phải là hai thế giới riêng biệt, chia cách nhau giữa những ý niệm trừu tượng hay ấn tượng mơ hồ với thực tại cụ thể luôn sung mãn. Cho nên, cuộc hành trình của Thiện Tài cũng được gọi là cuộc hành trình chứng nhập Pháp giới, nghĩa là đi vào thế giới của sự sự vô ngại: Sống vĩnh cửu trong từng sát-na, và nhìn thấy vô biên trong từng hạt cát.

III. ĐẠI DƯƠNG CHÀO ĐÓN

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan..

Hết núi cao rồi lại đến biển rộng mù khơi, con đường xuất thế cũng là con đường nhập thế. Cái học Bồ tát đạo là học từ những âm thanh u tịch của núi rừng cho đến những gào thét của muôn trùng sóng biển.Thiện Tài sau khi từ giả Đức Vân, tìm đường về phía Nam đi ra cửa biển. Vừa đi vừa suy nghĩ những gì đã học được từ Thiện tri thức ấy, vừa chiêm nghiệm trong ánh sáng bao la của trí tuệ về những con đường đưa đến giải thoát và giác ngộ của Bồ tát, suy niệm về thế giới và sự nghiệp của chư Phật, về phương tiện vô biên của các Ngài. Lần hồi ngày tháng, đến một quốc độ nằm ngay trên cửa biển, được gọi là nước Hải môn (Sàgaramukha), và tìm đến tham bái với tỳ kheo Hải Vân (Sàgaramegha). Hải Vân tiếp đón Thiện Tài với niềm cao hứng về tâm nguyện chí thành mà Thiện Tài khẩn thiết bày tỏ và yêu cầu về mục đích tối thượng của mình. Hạt giống Bồ đề đã gieo xuống đất lành rồi, còn chờ ngày vươn cao khỏi mặt đất để làm bóng mát cho thế gian. Do vậy, cần phải nổ lực tinh tấn không ngừng để tài bồi cho hạt giống Bồ đề đó. Trước khi truyền thụ cho Thiện Tài tất cả sở đắc của mình, Hải Vân hướng dẫn Thiện Tài bồi dưỡng thêm tâm nguyện Bồ đề cho được vững chắc. Gốc rễ thiện phải được gieo trồng một cách rộng rãi, không phải chỉ thiện cho bản thân, mà thiện cho tất cả mọi loài chúng sinh. Ánh sáng trí tuệ phát sinh từ các tam muội phải được phát triển rộng lớn bao la như đại dương. Nuôi lớn pháp bạch tịnh không bao giờ biết mệt mỏi. Phụng sự thiện tri thức cũng không bao giờ biết mệt mỏi. Không hề biết tiếc rẻ thân mệnh mình. Tâm địa phải bao la bình đẳng như mặt đất, nâng đỡ hết thảy mọi sinh vật. Luôn luôn tìm thấy vui thú trong sự chiêm nghiệm về những cảnh giới của Như Lai. Chẳng mấy chốc, Thiện Tài đã học xong tất cả những giáo huấn ấy. Bài học nhập môn để củng cố Bồ đề tâm này sau khi đã được thành tựu, Thiện Tài lại được hướng dẫn để phát triển tâm nguyện Bồ đề đó rộng lớn thêm nữa. Các tâm nguyện phải được phát triển ở đây là: Tâm đại bi, cứu khốn phò nguy cho hết thảy chúng sinh; Tâm đại từ, bảo vệ sự an lành cho hết thảy; Tâm an lạc, luôn luôn đem đến niềm vui cho tất cả; Tâm nhiêu ích, hướng dẫn tất cả tránh xa con đường dữ để được lợi ích; Tâm ai mẫn, bảo vệ cho những ai đang sợ hãi; Tâm vô ngại, xả ly tất cả; Tâm quảng đại, rải tâm nguyện đến khắp cả pháp giới; Tâm vô biên, tâm lượng bao la như hư không vô biên; Tâm khoan bác, chiêm nghiệm hết thảy các Như Lai; Tâm thanh tịnh, trí tuệ tương ứng với bản tánh thanh tịnh của các pháp; Tâm trí tuệ, thâm nhập toàn diện vào trong tất cả biển trí.

Sau khi nhận xét Thiện Tài đã phát triển đầy đủ tâm nguyện như thế để có thể tiếp thu sở chứng của mình, Hải Vân lần lượt chỉ điểm cho Thiện tài qua kinh nghiệm tu tập bản thân. Sau mười hai năm Thiện tài ngồi nhìn mặt biển chiêm nghiệm tính chất bao la và sâu thẳm của nó, với những đặc tính riêng biệt của nó. Khám phá và chứng nghiệm một đặc tính cá biệt của nó. Đồng thời cũng là chứng nghiệm được một đặc tính của tâm và của tất cả những gì đang tồn tại, bởi vì, một là tất cả và tất cả là một. Tính chất của biển được chiêm nghiệm theo thứ tự như sau: mặt biển bao la không cùng tận, lòng biển sâu thẳm không thể dò; độ sâu của lòng biển diễn ra từ từ cho đến mức sâu không thể dò; lòng biển chứa đựng vô số kỳ trân bảo vật; lượng nước của biển nhiều không thể hết; màu sắc của nước muôn vạn, bất đồng không thể mô tả; biển cả là nơi trú ngụ của vô số chủng loại chúng sinh, biển cả có vô số chúng sinh với thân thể cực kỳ to lớn; biển tiếp thu bất tận mọi nguồn nước mà lượng biển không hề tăng hay giảm. Như thế, tinh thể của biển cũng là tinh thể của hết thảy Phật pháp. Qua mười hai năm chiêm nghiệm, một sớm nọ đột nhiên từ lòng biển dâng lên qua muôn vạn lớp sóng gào một đóa sen vĩ đại, mà tất cả bộ phận của nó đều là sự kết tinh của mọi thứ ngọc ngà vô giá. Các loại thiên long, tám bộ quỉ thần mang đến mọi thứ trân kỳ để chiêm bái đóa sen ấy. Nó xuất hiện từ sự huyển hóa, từ bản chất mộng ảo của các pháp, từ nguyện thanh tịnh, cũng giống như sự xuất hiện của hết thảy chư Phật trong thế gian. Trải qua vô số trăm nghìn kiếp chiêm quan và ca ngợi mà vẫn không cùng tận những điều kỳ diệu và những lẽ mầu nhiệm chứa đựng nơi đóa sen này. Rồi bấy giờ, trên đài sen, xuất hiện một đức Như Lai ngồi kiết già, cao lớn cho đến tận chóp đỉnh của thế giới hữu tình, với muôn ngàn sắc tướng và đức tính bất khả tư nghì. Ngài đưa cánh tay mặt ra, sờ lên đỉnh đầu của Hải Vân tỳ kheo, nói về pháp môn Phổ nhãn (samantanetra-dharmaparyàya) trong đó chỉ cho thấy cảnh giới của hết thảy Như Lai, mở rộng con đường hành động của hết thảy Bồ tát, nêu rõ diệu pháp của hết thảy chư Phật. Văn từ chương cú được dùng để nói lên pháp môn này, giả sử lấy núi Tu di làm ngọn bút và biển cả làm mực, viết cho đến bút cùn mực cạn, vẫn chưa chép hết một điều trong một môn của chỉ một phẩm. Ròng rã qua một ngàn hai trăm năm, Hải Vân thọ trì pháp môn này mỗi ngày bằng vào khả năng ghi nhớ tuyệt vời thâu nhận vô số phẩm; rồi đi sâu vào, phân tích, lãnh hội, khai triển, và nhuần nhuyễn đến mức có thể nói lại cho người khác hiểu. Khi Thiện Tài thành tựu xong pháp môn Phổ nhãn này, Hải Vân cho biết, những điều đã học và đã chứng đó thật sự chưa đi vào đại dương Bồ tát hạnh, chưa đi vào biển cả đại nguyện, và giới thiệu Thiện Tài đến một Thiện tri thức khác để học thêm.

THƠ VỊNH

Nhất nhập đa môn hựu đáo môn,

Phân minh phổ nhãn chiếu càn khôn;

Thập niên quán hải thâm thâm thú,

Thiên tải văn kinh phẩm phẩm tồn.

Bạch lãng dũng hoa thành dị thụy,

Hồng liên hiện Phật độc xưng tôn;

Tu di tụ bút hưu vân tả,

Vạn khoảnh thương ba dục đoạn hồn.

Dịch nghĩa:

Vừa mới một phen đi vào bao nhiêu cánh cửa đó, nay lại đến một cánh cửa khác;

Ở đấy, con mắt toàn triệt soi sáng rõ ràng cả vũ trụ;

Qua mười năm hơn chiêm quán biển, với biển sâu hun hút,

Rồi qua hơn nghìn năm nghe kinh, mà từng phẩm vẫn được ghi nhớ rành rẽ.

Sóng bạc trào dâng cánh hoa, báo hiệu điềm kỳ lạ,

Trên đóa sen hồng xuất hiện Phật, được ca ngợi là đấng Chí tôn độc nhất;

Dù lấy ngọn Tu di làm bút cũng không thể mô tả hết,

Hàng vạn lớp sóng biếc gào thét kinh hồn.

Bình giải:

Theo các giải thích, ở đây giai đoạn tham bái thứ ba, chứng Trị địa trụ, thứ hai trong thập trụ. Sau khi đã an trụ trong sự phát tâm đối với Phật thừa, bấy giờ cần phải đào trị tâm ấy cho thuần thục để đưa đến tự lợi và lợi tha. Ở Trị địa trụ, Bồ tát phát mười tâm, học mười pháp. Mười tâm: tâm lợi ích, tâm đại bi, tâm an lạc, tâm an trụ, tâm lân mẫn, tâm nhiếp thọ, tâm thủ hộ.

Câu 1 của bài thơ, giới thiệu sự chuẩn bị, từ phát tâm trụ chuyển sang trị địa trụ. Câu 2, giới thiệu pháp môn Phổ nhãn mà Thiện tài sẽ học và sẽ chứng trong địa vị trị địa trụ. Câu Kết, mô tả uy lực của pháp môn Phổ nhãn và cũng là giới thiệu sự xuất vị: Thiện Tài từ giả Hải Vân trong tiếng sóng gào thét kinh hồn. Với pháp môn Phổ nhãn thành tựu do chiêm nghiệm, nghĩa là chỉ do thấy và nghe, cho nên muôn vạn lớp sóng bạc gào thét như thách thức những bước thâm nhập của Thiện Tài.

Một sớm gió mai ngát nụ hồng,

Còn chăng cánh nhạn quá trường không..

IV. TRÊN CỬA KHẨU LANKA

BỐI CẢNH

Trời đã quá chiều, mà con đường thiên lý thì kéo dài suốt cả chân trời vô tận. Cát bụi dồn chân lữ khách. Hoa rừng và mạch suối rì rào khúc hát. Người cảm thấy mình đang đi giữa quê hương thân thuộc tự ngàn đời. Nhưng người cũng biết rằng, quê hương nào không là quán trọ, và quán trọ nào không là quê hương, nên người từ biệt ra đi mà vẫn như là đã trở về, và người đang trở về vẫn như là đã ra đi. Chính thế, Bồ tát khi đã phát khởi bồ đề tâm, cất bước ra đi hướng về những phương trời cao rộng, dấn thân vào lộ trình vô tận của luân hồi, khổ đau của vô lượng chúng sinh dồn dập bước chân, như cát bụi đường dài, không hề ghi đậm dấu vết nhọc nhằn trên gương mặt ngời sáng với đức tính đại từ bi, đại dũng mãnh. Bởi vì, người không chỉ biết đi mà còn biết dừng lại. Kia như tướng cướp hung hãn Angulimàla, trong khi dốc hết khả năng phi hành đuổi theo Đức Phật, đuổi hoài vẫn không kịp những bước chân khoan thai của Ngài, chợt thấy ra rằng Như Lai đã dừng lại tự bao giờ, thì lưỡi gươm đầy máu trên tay đã trở thành lưỡi gươm trí tuệ. Thiên Tài đồng tử sau khi nghe ra những lời kêu gọi hào hùng của đại dương, lôi cuốn bước chân đi vào biển cả bao la của Phật pháp, liền được Hải Vân chỉ điểm đi về hướng cửa khẩu Lăng-già để học hỏi nơi tỳ kheo Thiện Trụ đường lối ra khơi. Vị thiện tri thức này đã thành tựu pháp môn vô ngại giải. Với pháp môn ấy, Ngài có thể đi suốt cả mười phương thế giới chỉ trong móng khởi một tâm niệm, không hề bị trở ngại, dù là hư không bao la, dù lửa dữ, dù nước lớn, dù vách đá kiên cố. Không những thế, tâm niệm của Ngài còn có thể đi suốt từ cái thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Sở dĩ, vì Ngài biết rõ sự dừng lại. Xuân đã qua mà cành mai vẫn còn nở rộ. Gió lay núi lớn mà gió vẫn lặng. Nước dồn sóng cả mà nước không trôi. Bản chất đến và đi, đi và đứng, mất và còn của vạn vật là thế. Rồi Thiện Tài theo lời chỉ dẫn của thiện tri thức Hải Vân, đi về Lăng-già đạo, cửa khẩu dẫn ra Thái bình dương hoằng vĩ. Thời Thượng cổ, từ lục địa Ấn độ nhìn ra, các chủng tộc ở đó không chỉ nhìn Thái bình dương như là nơi chốn dẫy đầy bất trắc, với hắc phong, với ác quỷ, với các đảo dữ của các loại ăn thịt người. Thái bình dương còn là kho tàng vô tận của các loại bảo châu vô giá. Thái bình dương là biển Tạng thức, bị xao động bởi gió nghiệp, tạo ra muôn vàn cảnh khổ của chúng sinh. Thái bình dương cũng là Như Lai tạng, từ đó sản sinh vô biên tánh đức của Như Lai. Những người mạo hiểm muốn tìm Như ý bảo châu để thỏa mãn những khát dục không đáy đều tìm vào đấy. Những người đi tìm vô lượng nghĩa của Phật ngữ tâm, của Thánh trí tự chứng, cũng cần vào đấy. Thế Tôn đã một lần từ đáy sâu Thái bình dương, vượt lên muôn ngàn lớp sóng của Tạng thức hải này, để công bố mật nghĩa của Thánh trí tự chứng, trên đảo Lăng-già.

Khi Thiện Tài vừa đến cửa khẩu Lăng-già đạo, thì tại đây đang có một thịnh hội. Thiện Tài không quan tâm đến sự kiện rằng thịnh hội này là một dịp hy hữu mà mình được gặp tình cờ, hay luôn luôn ở đây giờ khắc nào cũng là thịnh hội. Khách vừa đến cũng là người đã trở về, đã thường trụ nơi đó. Từ xa, Thiện Tài trông thấy vây quanh Thiện Trụ có vô số đủ loại chúng sanh, đủ các chủng tộc, các sắc dân của loài người, đủ các loại quỷ, quỷ hiền, quỷ dữ, quỷ của âm nhạc, quỷ của bạo lực, quỷ ăn thịt người, cho chí đủ loại Thiên thần, Thiên chúa. Trên không, đầy khắp mặt đất, nơi nơi có vô số xe cộ, lâu đài, tàn lọng, đủ mọi hình thái, mọi màu sắc; mây trời vần vũ, sấm chớp xẹt giăng, như khói như bụi, long lanh, ngời sáng. Thiện Trụ vẫn đứng yên một chỗ, mà đôi tay vẫn vươn bắt mặt trời, mặt trăng. Vẫn ở đó, mà từng sát-na, vẫn chu du suốt cùng mười phương cõi Phật, nghe, hiểu và ghi nhớ trọn vẹn vô lượng Phật pháp. Thiện Tài đồng tử, với lòng tràn đầy hỷ lạc, đến gia nhập đại hội, và được Thiện Trụ hướng dẫn tu tập và thành tựu pháp môn vô ngại giải thoát.

THƠ TÁN

Thiều thiều nhất đáo hải Lăng-già,

Diêu vọng môn trung sự khả giai;

Niệm niệm biến du chư Phật sát,

Phân phân diễm duệ lạc thiên hoa.

Thủ ma nhật nguyệt tam luân ngoại,

Thân xuất yên vân tứ diện già;

Nhược giả cánh cầu Sanh quý lạc,

Vũ môn hồng lãng khiêu kim oa.

Dịch nghĩa:

Quanh co một phen đến cửa khẩu Lăng-già,

Từ xa trông thấy trong cửa nhiều sự lạ lùng;

(Thiện Trụ) trong từng sát na du hành khắp các cõi Phật,

Giăng giăng lộng lẫy, hoa trời rơi xuống.

Tay sờ mặt trời, mặt trăng ngoài ba vòng quỹ đạo,

Mình tỏa khói mây che kín bốn phía;

Nếu lại muốn tiến lên Sanh quý trụ,

Con nhái vàng vượt qua sóng cả nơi võ môn.

Tạm dịch thơ:

Quanh co chợt đến cuộc vui này,

Nhác thấy Lăng-già lớp lớp mây;

Phút phút dạo cùng muôn cõi Phật.

Giăng giăng tầm tã vạn hoa trời;

Tay nâng nhật nguyệt ngoài không giới,

Thân tỏa mù mây kín dặm dài;

Một bước hẹn lên Sanh quý trụ,

Nhái vàng sóng cả vượt trùng khơi.

Bình giải:

Câu 1-2: Thiện Tài đến Lăng-già đạo, nhìn thấy Thiên, Long, Quỷ, Thần đang tập hội cúng dường, ca ngợi Thiện Trụ.

Câu 3-6: Thiện Trụ chỉ điểm Thiện Tài về sự thành tựu của pháp môn Vô ngại giải thoát.

Câu 7-8: Thiện Tài lại sửa soạn ra đi, sẽ tiến lên Sanh quý trụ.

Theo các Sớ giải, với Thiện Trụ, học pháp môn Vô ngại giải thoát, thành tựu khả năng cúng dường phổ biến chư Phật, và chứng Tu hành trụ, thứ ba trong Thập trụ của Bồ tát đang ở địa vị phàm phu.

V. VÀO TRƯỜNG NGỮ HỌC

Nhược dã cánh cầu sanh quý trụ,

Võ môn hồng lõng dược kim sa.

Một bước hẹn ngày sanh quý trụ,

Nhái vàng sóng cả vượt trùng khơi.

Con nhái vàng tập nhảy nhót qua muôn lớp sóng cả chuẩn bị vượt Võ môn để hóa thành rồng. Cũng thế, Thiện Tài đã học được pháp môn dừng lại nơi Thiện Trụ tỳ kheo, chuẩn bị những bước nhảy cao vời để sanh vào dòng họ Như Lai. Hiểu rõ phải dừng lại như thế nào, là hiểu rõ tự tánh của Đại thừa Bồ tát giới. Thuở trước, có một thiện nam tử, sau khi được nghe Phật pháp, phát tâm xin được xuất gia làm tỳ kheo. Các Đại đức trưởng lão giảng cho thiện nam tử ấy các điều khoản của giới luật tỳ kheo: đây là một giới; đây là hai giới; đây là mười giới; cho chí, trăm giới, hai trăm giới, v.v… Sau khi nghe xong, thiện nam tử cảm thấy rối bời trước các điều khoản giới luật ly kỳ như vậy, không thể hiểu trọn, và không thể nhớ hết. Làm Tỳ kheo mà không rõ hết giới Tỳ kheo, thì hy vọng thành tựu được sở đắc gì. Thất vọng và buồn nãn, thiện nam tử tỏ ý xin hoàn tục. Nhưng may thay, Đức Phật đã đến, Ngài chỉ cho vị tân tỳ kheo đang thất vọng này rằng không cần phải học đến hằng trăm điều khoản giới luật. Chỉ cần giữ ba điều: thân không hành bất thiện, miệng không nói lời bất thiện và ý không nghĩ điều bất thiện. Đơn giản chỉ giữ ba điều ấy. Vị tân tỳ kheo phấn khởi, hăng hái thọ trì ba giới chẳng bao lâu chứng đắc đạo quả Niết bàn. Bồ đề tâm giới cũng vậy. Hành Bồ tát đạo, đi trên con đường của Bồ tát để đến Phật địa, là hành từ chỗ thiện trụ (supratisthita), đứng hẳn lại, đến vô trụ (apratisthita), không đứng hẳn lại. Đứng lại (pratisthita), cũng chính là đứng lên, là phát xuất, phát khởi, hay phát thú. Trưởng lão Tu bồ đề đã có lần hỏi Phật: Làm thế nào để đứng lên (samprasthita)? Câu hỏi ấy cũng hàm ngụ là làm thế nào để dừng lại, và cũng có nghĩa là để tiến tới thực hành lục độ, tiến lên Phật thừa. Phật trả lời: Bồ tát không đứng lên (apratisthita) khi thực hành lục độ, nghĩa là không dừng lại, không tiến tới, v.v…

Tiến tới và dừng lại, hay không tiến tới và không dừng lại: đây là tự tánh sâu xa của Đại thừa Bồ tát giới. Sau khi đã thành tựu sở đắc như vậy trong Đại thừa Bồ tát giới, Thiện Tài được Thiện Trụ giới thiệu sang học với Di Già (Megha). Di Già là một nhà ngôn ngữ học (dramida) ở một thị trấn về phía Nam có tên là Kim cang thành (Vajra-pura). Trường ngữ học của Di Già ở giữa chợ, ngay ngã tư đường phố. Chỗ đấy quả thật thích hợp cho một trường ngữ học. Bồ tát ở ngay giữa ngã tư phố thị ồn ào của sanh tử để giáo hóa chúng sanh. Bồ tát sơ phát tâm, cũng như một hài đồng vừa lớn, đang tập sự vào đời, không chỉ học để biết đi và biết đứng, mà còn phải học ăn học nói. Biết tiếng nói của người khác, hiểu rõ sâu xa từng ý nghĩa trong các lời nói của người khác, để có thể biết rõ tâm tình và xu hướng, cứ như thế mới trở thành những người bạn tương giao, những thiện tri thức cho nhau. Bồ tát nói pháp không duy chỉ một mình mình nói, mà cần phải nghe người nói. Mỗi người và mỗi loại chúng sanh đều có tiếng nói riêng biệt, tiếng nói từ chỗ sâu thẳm của tâm tình. Khi Thiện Tài đến đó, thì Di Già đang có một khóa giảng cho mười ngàn học viên. Giảng khóa này có tên là “luân tự trang nghiêm” (cakràksara-parivartavyùha), nghĩa là sự bố trí một cách trật tự theo sự luân chuyển của các tự mẫu như vòng bánh xe. Mỗi tự mẫu, như a, i, u, cho đến, y, r, l, v, h, đều mang trong nó những ẩn nghĩa vi diệu, chứa đựng những tâm tình cô đọng nhất và khát vọng nồng nàn nhất của người nói. Với chủng loại này thì sự đau khổ được phát hiện thành tiếng A, với chủng loại kia thì thành tiếng Ô; và với chủng loại khác nữa, khi tiếng AI, hay ÁI, hay ÔI được phát ra, người ta biết đó là tiếng kêu thống khổ. Đại khái là như thế. Rồi nữa, tự mẫu này nối theo tự mẫu kia, khi chúng được phát lên, người ta biết đó là tiếng nói của tình yêu, hay của thù hận, hay của nhọc nhằn và tuyệt vọng; cho chí, tiếng nói từ tịnh lạc của Niết bàn, của pháp tánh tịch diệt. Và lại nữa, tiếng suối rì rào trong rừng núi hoang sơ, tiếng ve sầu rĩ rã đêm hè, tiếng cuốc kêu lạnh lùng giữa đêm đông băng tuyết. Như vậy thì cả đến thiên nhiên vẫn nghìn đời bất tuyệt phát lên những tiếng nói nhiệm mầu. Thiện Tài bước đến dưới tòa sư tử, cúi đầu lễ sát chân Di Già, cầu xin chỉ giáo con đường đi đến Phật thừa. Di Già vô cùng cảm hứng, khi biết rằng Thiện Tài đã phát tâm bồ đề, liền rời tòa sư tử, bước xuống vội vàng lạy Thiện Tài, rải lên các thứ bông hoa bằng vàng, bạc, các thứ bột thơm vi diệu, phủ lên mình Thiện Tài những lớp thiên y vô giá, và ca ngợi sự phát tâm của Thiện Tài. Sự ca ngợi này tỏa ra thành các tia sáng rọi suốt Đại thiên thế giới. Vô số chúng sinh theo đó tập hợp về, được nghe giảng giải pháp môn “luân từ chuyển trang nghiêm” và đạt đến trình độ không thối chuyển nơi Vô thượng Bồ đề. Sau đó, Di Già chỉ dạy Thiện Tài về ánh sáng của Biện tài đà la ni (sarasvatì-dharanyàloka), vốn là chân tánh vi mật của ngôn ngữ. Với sự thâm nhập của ánh sáng Đà la ni biện tài lưu loát ấy, Thiện Tài có thể nghe và hiểu rõ mật ngôn (mantra) từ tiếng nói của các loài thần linh, các loài rồng, rắn, các loài thần điểu, như ca-lâu-đà (garuda), khẩn-na-la (kinnàra), cho đến, mật ngôn của mọi chủng tộc loài người, mật ngôn của mọi loài súc sanh, mọi loài địa ngục v.v… trong mỗi một, hai, ba, cho đến trăm nghìn thế giới. Từ vô lượng mật ngôn ấy, Bồ tát có thể đi vào sâu trong vô lượng đại dương tư tưởng của vô lượng chúng sinh. Để đạt đến sự thâm nhập này của Bồ tát, Di Già giới thiệu Thiện Tài đi sang phương Nam cầu học với Giải Thoát Trưởng giả (Mukta) tại nước Trụ Lâm (Vanavasì).

THI TÁN

Đàn mạt kim hoa hương bảo trân,

Tân phân tán hậu hiện oai thần;

Đằng đằng quang chiếu tam thiên giới,

Lạc lạc ngôn phân vạn tự luân.

Uất mật lâm man xử hổ báo,

Thâm trầm uyên trạch tụ long lân;

Diệu âm xướng xuất đà la ngữ,

Biện tận Hồ nhân dữ Hán nhân.

Dịch nghĩa:

Bột trầm chiên đàn, hoa vàng y, châu ngọc thơm ngát,

Sau khi đã rải rắc tầm tả (những thứ này), rồi lại hiện thần uy;

Từng tia sáng chói ngời ba nghìn cõi,

Từng tiếng rành rọt bánh xe quay hàng vạn tự mẫu.

Cọp beo ở nơi rừng hoang rậm rạp,

Rồng lân tụ tập nơi đầm sâu thăm thẳm;

Bằng âm thanh vi diệu xướng lên ngôn ngữ đà la ni,

Phân biệt rõ ai là người Hồ, ai là người Hán.

Tạm dịch thơ:

Bột trầm, châu ngọc, rộn hoa vàng,

Đã rải tung bay, hiện phép thần;

Chói chói sáng soi nghìn thế giới,

Rành rành tiếng chuyển vạn kim luân.

Um tùm rừng dại đầy beo cọp,

Thăm thẳm đầm sâu tụ rắn rồng;

Mật ngữ đà la lời ảo diệu,

Đây Hồ, kia Hán, hiện toàn chân.

Bình giải:

Câu 1, 2: Di Già tán dương Thiện Tài đã phát Bồ đề tâm.

Câu 3, 4: Di Già chuyển tự luân.

Câu 5, 6: Chúng hội nghe pháp của Di Già.

Câu 7, 8: Công năng của diệu âm đà la ni quang minh, hay ánh sáng của đà la ni về biện tài lưu loát.

Ở đây, với nhà ngữ học Di Già (Meghadramida), Thiện Tài học được pháp môn Biện tài đà la ni quang minh (sarasvatyà dhàranvàkaka), thành tựu trí tuệ thấu hiểu tất cả mọi mật ngôn hay chân ngôn (saryesam amntràhàm jnànam), chứng Sanh quý trụ. Hình ảnh ở hai vế trạng (câu 5, 6) do cảm hứng riêng biệt của nhà thơ, không có trong kinh văn. Hình ảnh man dại của rừng rậm và đầm sâu gợi lên ấn tượng bí mật, u uẩn của ngôn ngữ. Từ đó, dẫn tới hai câu cuối, luận và kết, cá tính của mỗi người hiện rõ nơi từng âm thanh được phát hiện.

T.S.

Nguồn: http://huongtichphatviet.com/TUOI-TRE-LEN-DUONG_cmslsll_tieu-luan.html

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận