- Tập 1 - PHẬT HỌC
-
Tập 2 - TRIẾT HỌC
- GIÁ TRỊ ĐỐI CHIẾU TRONG NHỮNG TƯƠNG QUAN VĂN HÓA
- TƯ TƯỞNG LÀ GÌ?
- NGUỒN GỐC CỦA MỘT THẾ GIỚI QUAN VÔ TẬN
- SỰ HỦY DIỆT CỦA MỘT TRÀO LƯU TƯ TƯỞNG
- MƯỜI HUYỀN MÔN
- Nhân đọc TRIẾT HỌC THẾ THÂN bản dịch Việt
- TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐỐI DIỆN VỚI HƯ VÔ
- DUY TUỆ THỊ NGHIỆP
- Nhân đọc TÌM HIỂU NHẬN THỨC & TÁNH KHÔNG của GS. Hồng Dương
- Ý HƯỚNG TRIẾT LÝ CỦA TRUNG QUÁN
- TRUY TÌM TỰ NGÃ
- TỪ BIỆN CHỨNG HIỆN SINH ĐẾN BIỆN CHỨNG TRUNG QUÁN
- NỀN TẢNG KINH TẾ HỌC THEO CÁCH NHÌN PHẬT GIÁO
-
Tập 3 - VĂN HỌC
- Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo
- Chiến tranh, tình yêu... và truyện ngắn Võ Hồng
- Thanh Sắc Thi Ca
- Thi ca và Tư tưởng
- Sơn núi
- Đề tựa thi tập Lá Cỏ
- Nước non cách mấy buồng thêu
- Về những minh họa từ THIỀN UYỂN TẬP ANH
- Đề tựa tập thơ Lục bát của Hoài Khanh
- Đi
- Lục bát Viên Linh
- Đến với thơ Hoàng Cầm từ ngôn ngữ Pháp
- Giữa thời đại và nhân sinh
- Cổ thụ trong rừng thiền
- Một tấm lòng của Kinh Kha
- Gốc Tùng
- Sư Thiện Chiếu
- Piano Sonata 14
- Đạo Phật và thanh niên
- Thơ và Câu đối
- Hậu từ người sưu tuyển
Hạnh Viên sưu tập
Hậu Từ của người sưu tuyển
Chuỗi thơ khép lại tập sách, lại mở ra một phương trời cô tịch. Hình ảnh trong thơ đọng thành những vì sao xa lấp lánh trong đêm dài.
Tập 3 này đến tay độc giả đã góp thành bộ ba tập Tuệ Sỹ Văn tuyển, tạm chia theo ba chủ đề: Phật học, Triết học và Văn học, là bước đầu sưu tập những bài viết rải rác của tác giả còn lại sau quảng đường 50 năm xuôi ngược. Ba tập sách mỏng hẳn không thể tập thành đầy đủ các bài viết của tác giả trong gần nửa thế kỷ, với bao biến động của xã hội cũng như bản thân người viết không ngừng lưu chuyển; chúng tôi hy vọng trong tương lai, các bạn hữu có thể tình cờ tìm thấy, giúp chúng tôi sưu tập lại các bài viết mà vì nhiều hoàn cảnh đã thất lạc hay còn nằm đâu đó trong các ngăn tủ bị bỏ quên. Ở đây trong các tập sách này, chúng tôi chỉ đơn giản sưu tập và sắp xếp lại theo thời gian, còn lại tất cả đều được giữ nguyên, dù qua đó độc giả có thể thoáng thấy dấu vết ngang tàng sôi nổi của tuổi trẻ một thời xung thiên chí hay sự trầm mặc bao dung của tuổi già lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, hay chuẩn mực nghiêm trang nơi giảng đường Phật học. Những vết tích trong từng dấu chân như vậy vẫn miệt mài để lại bên đường.
Nhớ chuyện xưa. Khi còn trẻ, trong một lần chán chường thất vọng, tác giả đã liều bỏ chùa đi hoang. Buổi tối nằm trong phòng trọ một bến xe tỉnh lẻ để chờ chuyến xe sáng hôm sau, ông tình cờ nghe được mẩu chuyện của hai cô gái phòng bên cạnh:
– Cả ngày chưa có thằng khách nào, xui thiệt! Kiểu này chắc tối nay húp cháo.
Im lặng một lúc, có tiếng trả lời:
– Hay mày làm bộ qua gõ cửa phòng kế bên thử. Tao thấy hồi chiều có thằng cha mới tới. Mặt mày coi cũng ngon lắm.
– Tao thấy rồi, thầy chùa đó bà. Ai lại…
– Thầy chùa thì cũng là đàn ông chớ mậy…
Ông nằm im không dám cử động, vờ như đã ngủ để cô nàng kia đừng có bạo gan tìm đến.
Ấy là thời chiến tranh, thời buổi nhiễu nhương, những số phận không may phải ngụp lặn trong một thực tế trần trụi và một lý tưởng xa xôi, mơ hồ.
Gần nửa thế kỷ sau, thời bình, với tuổi 70 ông còn phải giả ngủ lần nữa, tuy trên một cung bậc khác.
Bấy giờ chiều đã xế bóng, trời vần vũ mây mà ông còn lỡ độ đường trên con đèo nối hai tỉnh lỵ, chưa biết đêm nay ngủ ở đâu, thì từ xa có một thanh niên chạy xe trờ đến, trên yên sau chở cả bao tải nặng.
– Giờ này còn đi đâu đây ông già? Sắp tối rồi sao xuống đèo kịp.
– Thì tìm nhà ai xin nghỉ tạm…
– Ông có biết quanh đây tầm 20 cây số không có nhà dân? Mưa một trận là ông chết rét giữa đường.
Rồi như ái ngại cho tình cảnh của ông, gã thanh niên nói tiếp: – Ông muốn về láng ngủ đỡ không, leo lên xe tui chở. Ngồi trên đống bao này được không?
– Được chớ!
Tối đó, ông mắc võng nằm ngủ ngoài sân trại. Đến rạng sáng tầm 3, 4 giờ, theo thói quen ở chùa, ông định trở dậy, chợt nghe có tiếng rì rầm bàn việc của đám thanh niên bên đống lửa rừng. Thì ra, những người này thuộc loại ‘đâm hà bá phá sơn lâm’, mà chữ ngày nay gọi là lâm tặc. Bọn này nhiễm máu anh hùng lang bạc, giúp người rất tự nhiên mà giết người cũng tự nhiên như phủi bàn tay. Ông thức dậy giờ này, lỡ họ nghi ông dòm ngó, trà trộn vào để do thám cho đám kiểm lâm, họ có thể giết người bịt miệng. Ở giữa núi rừng sương lạnh này họ chỉ cần xô ai xuống vực là xong, sau có tìm thấy xác thì cũng tưởng là bước sảy chân của người xấu số. Ông đành nằm im vờ như còn ngủ, chờ trời sáng. Thôi thì một chút lòng tốt còn sót lại của họ, ráng giữ cho tròn.
Những chuyện đại khái như vậy tiếp nối nhau trên bước đường thiên lý, khi buồn, khi vui, khi không buồn không vui, mà như một định mệnh. Định mệnh dẫu khốc liệt, cũng có lúc tàn phai, chỉ gió bụi tháng năm là trường lưu mãi. Bên những cung đường không biết trước là những bất an, xao xuyến, vui buồn, hiểm nguy, hư và thực… thực và hư đan quyện, những dưỡng chất cho ánh mắt luôn sáng ngời trong giọt máu phiêu lưu.
Gần 11 giờ đêm, ngồi chờ mãi trên chuyến xe chật chội loại 16 chỗ, áng chừng sắp khởi hành, ông dợm chân bước xuống tìm chỗ đi vệ sinh trước khi xe chạy. Ngó quanh bốn bề chỉ là một bến xe trống vắng, ông hỏi thằng nhỏ lơ xe:
– Đi vệ sinh ở đâu em?
Nó cũng đảo mắt ngó quanh, rồi chỉ vào chiếc xe đậu kế bên: – ‘Đi’ đại sau chiếc xe kia kìa!
– Đâu được! Chỗ vậy sao đi được?!
– Có gì mà không được ông già. Trời ơi… đi xe giờ này mà còn đòi toa-lét!
Cũng có lúc bực mình. Nhưng cũng có khi thú vị. Kể ra, muốn ‘bụi đời’ sao cho đời không dính bụi, đâu phải dễ. Nên người đi sau xin làm việc góp nhặt, ghi chép lại như những vết tích của một đời, của một thời, dẫu biết đó là vết tích của cánh nhạn bay qua cuối trời vạn dặm.
Hương tích 2015, mùa Đông Giáp ngọ
Hạnh Viên