Vấn đề dị thục và Thuyết di truyền

(Chân dị thục và dị thục sinh)

I

Trong các bộ phái và trong Nguyên thủy, nói chung là các bộ phái trước Duy thức không phân biệt “chân dị thục” và “dị thục sinh”,[1] chỉ nói có một dị thục. Cho đến Duy thức mới có sự phân biệt, tức chứng minh có thức thứ tám. Về sự phân biệt này, trước hết nhắc lại trong Nguyên thủy, trong các bộ phái, trong Câu-xá, “dị thục sinh” là tất cả những gì trong mười tám giới, bao gồm luôn cả vũ trụ, năm căn, năm cảnh, năm thức, toàn thể thân tâm thế giới. Trong tất cả những cái đó, cái nào là dị thục sinh? Tất cả mười tám giới đều là dị thục sinh. Nhưng trong Câu-xá thì có điểm tranh luận đặc biệt giữa các bộ phái, có bộ phái cho rằng “thanh phi dị thục sinh”, “thanh vô dị thục sinh”.[2] Thanh là tiếng, không phải là dị thục sinh.

Câu mà theo giáo lý Tiểu thừa và Đại thừa đều công nhận là “Thế biệt do nghiệp sinh世別由業生”[3], tức tất cả sai biệt thế gian đều là kết quả của nghiệp, sinh ra từ nghiệp. Kết quả của nghiệp là gì? Đó là dị thục. Sơn hà đại địa ngoài kia cũng là kết quả của nghiệp. Nghiệp là dị thục. Thành ra tất cả mười tám giới là dị thục sinh, đơn giản là vậy đó. Đối với Duy thức, dị thục này có một số vấn đề giữa dị thục sinh và chân dị thục. Chúng ta học Phật trong thời đại này, đối với dị thục phải nói ra ngoài phạm vi một chút mới hiểu. Đây chỉ là gợi ý chứ không phải đưa ra một là lý thuyết thật sự.

Trước hết chúng ta nói dị thục sinh phạm vi ngoài kinh Phật, tuy nhiên cũng phải nói đến có luân hồi, có quá khứ, vì nếu gạt chuyện luân hồi, quá khứ qua một bên thì trong hiện tại, những cái mà chúng ta nói đến thân thể, Duy thức gọi là “dị thục sinh”, vậy “dị thục sinh” là cái gì? Là kết quả của nghiệp quá khứ. Nếu chúng ta cắt quá khứ kiếp trước, kiếp sau, thì thân hiện tại này là gì? Thân này vẫn gọi là dị thục, vậy dị thục này theo nghĩa nào? Đây là vấn đề quan trọng, phải nói rộng ra một chút, nếu chúng ta ghép vấn đề này với vấn đề nọ mà không suy nghĩ thì đi đến chỗ buồn cười. Và người ta nói chúng ta “bắt quàng bắt xiên”. Vấn đề này là vấn đề giải quyết với thời đại, là vấn đề di truyền. Trong dị thục cũng có nghĩa di truyền, nói tới “dị thục” phải nói cái di truyền học. Trong di truyền có hai thứ, một là di truyền về sinh học, đó là các gene của cha mẹ di truyền cho con cái; hai là di truyền mang tính cách xã hội, tức là truyền thống. Mỗi dân tộc có một truyền thống riêng, coi đó như di truyền. Cái khái niệm về di truyền gần như là một cảm giác mà không chứng minh. Nó thành một tín lý không chứng minh của nhiều dân tộc và tôn giáo quá khứ. Ví dụ trong đạo Chúa có tội tổ tông, chỉ cần ông Edam và bà Eva ăn trái cấm mà không bị tội, rồi truyền cho con cháu. Nếu tội lỗi là một cái gì tinh thần thì nó truyền bằng cách nào mà khi con cháu sinh ra không truyền. Ngày xưa người ta không đặt vấn đề tâm và vật, nhân và quả, chắc chắn chỉ tin một cách mơ hồ về vấn đề Thượng đế. Nhưng mà với Duy thức, nhân và quả phải cùng một loại hữu vi với nhau, và cùng tính chất mới có thể truyền cho nhau được. Không hẳn đồng loại, nhưng có một tính chất giống nhau mới truyền được, giữa nhân với quả. Ví dụ nhân là thường thì không thể truyền cái quả vô thường được. Nếu nhân là tinh thần thì không thể sinh ra cái quả là vật chất được. Nếu nhân mà sinh ra quả phải có một cái quan hệ rõ rệt. Vậy thì tội cha sinh ra tội con thì cái di truyền như thế nào? Đây là vấn đề đặt ra trong Duy thức. Vấn đề Duy thức đặt ra là nói đến dị thục. Dị thục liên quan với di truyền xã hội mà chúng ta đang nói. Di truyền trong Duy thức gọi là dị thục hay gọi chân dị thục, có ba tính chất:

Thứ nhất, là kết quả của nghiệp, mười tám giới (6 căn, 6 trần, 6 thức) là kết quả của nghiệp. Trong kết quả của nghiệp, chúng ta sẽ nghĩ thế nào là di truyền? Ở đây chúng ta chưa nói tới.

Thứ hai, là nó có tính cách liên tục, tức không gián đoạn. Vấn đề này rộng lớn quá, không đúc kết lại được.

Trong vấn đề di truyền còn có vấn đề “tiến hóa luận”, giải quyết rất nhiều vấn đề. Thành ra chúng ta đối chiếu với những khoa học hiện đại thì xác chứng được một số vấn đề. Duy thức đưa ra dị thục, nhân quả, tất cả Phật đều giảng dạy, có điều khi Phật nói nó hàm ý nhiều nghĩa. Về sau, các Luận sư, chư Tổ tùy theo kinh nghiệm, hoặc có người do kinh nghiệm thiền định Yoga, có người kinh nghiệm học thuật, tư duy, hay là kiến thức khoa học thời đại mà họ phát sinh ra một số vấn đề trong những khái niệm này, rồi quay lại giải thích, phát triển lý luận. Trong những vấn đề như vậy, khi chúng ta học phải kiểm điểm lại. Thật ra trong Duy thức có những cái đụng chạm tới vấn đề thực tế. Nếu chúng ta không suy xét, thì những cái chúng ta học, những cái chúng ta tin tưởng mâu thuẫn với cái kinh nghiệm trực giác, kinh nghiệm hiện tại, mà kinh nghiệm hiện tại hơi khó chấp nhận một chút. Tất nhiên, chúng ta cứ nói thế giới này là giả không thật, làm gì có chân lý, nhưng ít nhất chúng ta biết rằng thò tay vào điện thì điện giựt, chứ không thể từ chối cái điện giựt được. Cho nên kết quả di truyền, da đen sinh ra da đen, da trắng sinh ra da trắng, có một di truyền cố định, không thể nói khác được. Chúng ta phải chấp nhận cái định luật này trong phạm vi của nó, không thể nói bừa ra được. Trong Duy thức học, chúng ta phải chỉ cho rõ những cái gì mâu thuẫn với hiện tại. Nếu chúng ta muốn nghiên cứu triết học Duy thức cổ và thừa kế sự nghiệp Duy thức thì nhiệm vụ của chúng ta phải làm cho rõ mọi thứ. Thành ra những cái gì chưa rõ làm cho rõ, những cái gì phản với mắt thấy tai nghe, chúng ta không nói là phản với khoa học nhưng phản với kiến thức hiện tại, và biết đó là sai lầm thì gạt bỏ. Ví dụ, ai cũng biết trái đất quay tròn, nếu trong kinh điển chỗ nào phủ nhận trái đất quay tròn thì chúng ta biết chắc chắn chỗ đó sai. Biết rằng Phật là Nhất thiết trí, có thể do chư Tổ, Luận sư sau này bày đặt ra thêm. Còn những chỗ nói mơ hồ, không mơ hồ phải chứng minh. Trong phạm vi Duy thức cũng vậy, người học Duy thức, tin Phật chắc chắn phải đặt giả thuyết. Mình gọi là giả thuyết, nhưng đúng là niềm tin, tin về kiếp này và kiếp sau. Nếu tin về kiếp này, kiếp sau là chúng ta nói di truyền theo nghĩa khác. Ở ngoài, cái di truyền theo sinh học người ta có thể tin, chứng minh được, nhưng di truyền về xã hội nó vẫn có những cái mơ hồ.

Thật ra, chúng ta phải biết, cái di truyền của xã hội là sự di truyền của nghiệp cảm. Xã hội và tinh thần của xã hội là do hành vi của con người, mà hành vi đó từ ý thức truyền vào. Ví dụ, như người ta cầy cấy, hay là thương mại, những cái này phát sinh từ ý thức, từ một ý muốn, tức là từ cái tư tâm sở muốn làm cái gì đó rồi bắt đầu hoạt động, biến đổi vật chất. Những hoạt động như vậy nó kết thành cái nghiệp truyền tới đời này. Nghiệp như vậy gọi là cộng nghiệp, ở ngoài gọi là di truyền xã hội, gần như người ta không biết cơ sở di truyền này như thế nào, nó nằm ở đâu?! Ví dụ người sinh ở Việt Nam thì có một truyền thống đặc biệt của người Việt Nam, có cá tính của người Việt Nam, cá tính đó rất rõ. Ngay cả người Việt Nam, người miền Trung, Nam, Bắc, khi ba miền cách biệt, không giao lưu được do môi trường sinh sống, do ảnh hưởng thiên nhiên, thì tạo nên những cá tính đặc biệt và có cái di truyền của nó. Tất cả những vấn đề này đều nằm trong dị thục, cái này đối với chúng ta rất lạ và rất mới, khó kết hợp giữa hai cái. Một bên là di truyền học trong cái thuyết mới mẻ và ý niệm di truyền cổ. Một bên là di truyền với ý niệm “dị thục”, ghép hai cái lại rất khó. Thật ra, chúng ta nói di truyền là một khái niệm mới, mới là khi thành một hệ thống học thuyết. Còn cái ý niệm di truyền, chúng ta biết có từ Thánh kinh, trong Thánh kinh đã có ý niệm di truyền về tội tổ tông, và di truyền nhiều thứ. Những di truyền như vậy chúng ta phải tìm cơ sở cho nó. Bây giờ chúng ta mới hiểu vì sao Duy thức gọi cái này là dị thục.

Về tính chất dị thục sinh và những cái như mắt, tai, mũi, lưỡi, kể cả ý thức, có khi có, có khi không, có khi hoạt động, có khi không; ví dụ, chúng ta vào “vô tâm định”, hay lúc bất tỉnh, ngủ say thì ý thức không hoạt động, vấn đề này người ngoài không công nhận, chỉ có Phật giáo mới tin và chấp nhận có. Như lúc ngủ say, ý thức không sinh hoạt, bị gián đoạn, nhưng khi thức dậy, thức nối trở lại. Sự gián đoạn đó chỉ là sự gián đoạn bên ngoài. Vậy còn một cái tự thể nó không gián đoạn, nó vẫn liên tục ở bên trong. Đó là “dị thục sinh”. Tính chất của dị thục sinh là liên tục, tức là nghiệp quá khứ liên tục tồn tại như tự thể của nó. Cái tự thể liên tục này nó liên quan đến sắc pháp. Nếu nói đến sắc pháp phải nói đến kiếp sau. Như nhãn căn, tức con mắt của chúng ta, khi chúng ta chết đi, mắt gián đoạn, mắt con người mất hẳn, dị thục cũng mất theo. Nhưng nó là vật chất, tới lúc tái sanh về sau, chúng ta lấy lại được con mắt, giả thiết lấy lại con mắt, tuy nói rằng khi tái sanh lại là do khí huyết cha mẹ, như sinh ra con người, thì mắt đó do tế bào trong cái nhiễm sắc thể con người, trong chuỗi ADN,[4] nó có đủ yếu tố để tạo thành con mắt. Nhưng mà phát sinh trên chuỗi vật chất đó, đối với Duy thức nó còn thêm cái di truyền nữa, đó là cái nghiệp. Đây là một định đề, mình chấp nhận có nghiệp báo quá khứ. Vậy cái nghiệp này có thật hay không giờ chúng ta bắt đầu chứng minh.

Như cái sắc bị gián đoạn, bị cắt đứt, song tại sao nó được nối lại, thì phải có một cái tự thể không bị cắt đứt. Giống như chúng ta nối cánh tay bị chặt đứt, nếu nối lại không thể nguyên vẹn được, dù chúng ta cấy tế bào trở lại thì vẫn là cánh tay khác. Có nối lại phải làm cho tế bào sống thì đó là cánh tay khác. Thành ra sắc nó đoạn, không liên tục, không nối lại được, là định luật. Song Duy thức lại nói khác, đúng hay sai phải suy gẫm thêm. Bây giờ sắc trong đời sau, con mắt tái sinh, sắc tái sinh thì sắc ở đâu tái sinh ra? Phải có một cái sắc dị thục, cái thể dị thục tồn tại liên tục, từ đời này qua đời khác. Đó là mình nói hai đời, giờ nói gọn trong hiện tại, khi chúng ta mới sinh ra, đứa nhỏ trong thai chưa có mắt, tai, mũi, lưỡi; tới khi sinh ra, ban đầu thân thể còn nhỏ, nhờ ăn uống lớn dần, căn nhờ ăn uống khuếch trương, gọi là do trưởng dưỡng. Nó có lớn có nhỏ, tức dị thục có thay đổi và có gián đoạn. Thế nhưng vẫn là một con người đó, không thể khác đi được, vậy có một cái không gián đoạn trong đó, gọi là dị thục.

Thứ ba, là tính cách phổ biến. Phổ biến là thế nào? Như một người sinh trên cõi Vô sắc, trong đó sắc không khởi lên; ngay cả sơ thiền trong Sắc giới, tai, mũi không có. Người ta nói Thiên thần ở Sơ thiền có tai, mũi cho đẹp chứ thức không còn, vì nó không hoạt động. Lên đến Tứ thiền, cả năm căn và năm thức đều không còn. Nhưng khi tái sanh trở lại, cái nào nối lại? Phải có dòng chảy dị thục liên tục. Dòng liên tục này từ vô thỉ cho tới khi thành Phật mới hết. Đối với thực tế, nghe hơi kỳ dị và khó hiểu.

Trong dị thục có thêm một cái nữa là “sở trưởng dưỡng”. Sở trưởng dưỡng là gì? Là ăn uống, phát triển thêm. Nếu chúng ta sinh ra với một dị thục của con người, đúng với di truyền gene thì cao chừng đó, mập chừng đó, nhưng ăn thiếu sẽ gầy, không đủ dinh dưỡng sẽ thấp…, tức dị thục có liên hệ đến “sở trưởng dưỡng”, là có sự thay đổi. Nhưng cái chất dị thục không thay đổi, dù tay dài hơn vẫn là tay con người; tay có ngắn hơn vẫn là tay con người, không thể là tay mèo hay tay vượn được. Lấy chuỗi ADN ra thử, tế bào vật chất vẫn là tế bào con người, không thể là con vật nào được. Tay chân vẫn là tay chân con người, trong chất liệu vẫn là chất con người. Tuy chất đó vô hình nhưng nó có sự liên tục để con người vẫn là con người.

II

Lại nữa, chúng ta nói thêm về nghiệp báo của con người trong hiện tại. Như mắt chúng ta trong đời hiện tại, mắt có thể nhìn thấy xa lắm là một mét, hay bốn mét rưỡi, nhưng trong hiện tại với cái dị thục mắt người không như mắt con cá. Mắt cá nhìn thế nào thì nhìn dưới nước, chứ nhìn trên cạn không thể thấy xa được. Mắt người có phát triển cách nào cũng không thể nhìn dưới biển như mắt cá được. Trong vấn đề này, khi hoạt động có hai phần, một phần là “dị thục”, còn phần mà chúng ta thay đổi lớn nhỏ, là phần “dị thục sinh”. Cái chất cơ sở vẫn là dị thục trong đó. Trên cơ sở dị thục này, chúng ta hoạt động, muốn cánh tay dài thêm một chút, hay thân cao hơn một chút, nhưng con người cao tới cỡ nào, dài tới cỡ nào, thông minh tới cỡ nào đều có giới hạn rồi.

Khi chúng ta muốn tay dài hơn một chút, lanh lẹ hơn một chút, nhưng tập cách nào thì cũng đến chừng mực nào đó là cùng. Trong khi làm vậy chúng ta đã tạo nghiệp, đó là nghiệp gì? Nghiệp thiện nghiệp ác gì chúng ta không biết, nhưng nhớ là tạo nghiệp, tạo nghiệp bằng ý chí; tức muốn dài ra chúng ta phải hoạt động. Song, hoạt động vô ký thì không thay đổi được nghiệp. Lúc hoạt động như vậy tạo ra một cái tâm thiện, hay ác. Cái tâm đó là một cái nghiệp, nghiệp này nó tích lũy. Và nên nhớ rằng, khi tư tâm sở khởi lên, nó hoạt động với ý niệm, thiện ác như thế nào đó muốn cánh tay dài ra thì lúc đó tạo ra một năng lực. Nhưng vì cái dị thục trong con người đời này chỉ chừng đó thôi, không thể xa hơn được nữa. Nếu muốn thì phải thay đổi dị thục, tức thân này phải rã đi, qua một đời sống khác thì nghiệp mới phát sinh được. Như chúng ta nói rằng, chúng ta làm điều phước thiện để tạo những cảm giác tuyệt vời, tâm thể nhẹ nhàng. Nhưng nhẹ cách nào chúng ta cũng không thể bay như chim được. Và cảm giác mát lạnh thế nào đến mấy độ là mát, chứ thân thể mà mát xuống 0o là chết cóng. Còn ấm cũng ấm đến độ nào thôi, chứ ấm đến 380, 390 thì thành sốt. Hoặc chúng ta có khả năng chịu lạnh giỏi cách mấy cũng không thể chịu lạnh hơn loài gấu ở Bắc cực được; da mình chịu lạnh đến mức độ nào đó rồi cũng phải mặc áo lạnh thôi. Dị thục của loài thú là như vậy, muốn chịu đựng như gấu thì phải bỏ dị thục thân này. Tuy nhiên, giữa con người và gấu phải có cái sắc liên tục, như chúng ta lấy bột làm bánh, bột ấy biến nhiều hình dạnh bánh khác nhau nhưng cái “thể” bột không thay đổi, tức “dị thục sinh” thay đổi nhưng “chân dị thục” không thay đổi, có một sự liên tục. Liên tục như thế nào? Đây là một câu hỏi, chúng ta chưa trả lời được.

Chúng ta muốn hiểu cái “dị thục” cho rõ thì phải chứng minh “thú 趣” và “sinh 生”. Thú là ngũ thú, có loài người, bàng sanh, ngạ quỷ. Ở đây chỉ nói hai loại là dị thục con người và dị thục con vật, cái này mang rõ tính cách di truyền. Đó là hai “thú”[5] riêng biệt. Trong năm “thú” còn có địa ngục…. Có những cái chúng ta phải giải quyết cho rõ ràng. Ví dụ, như thân chúng ta có chịu đựng được lửa cũng chừng mực nào đó, chứ lên 500, 600 là chết, tan rã liền. Nhưng mà “thú” ở dưới địa ngục thì khác, dị thục ở địa ngục có thể chịu ngọn lửa đến cả 1.0000 mà không cháy, không chết. Địa ngục mà chết thì khỏe quá, như địa ngục vô gián, đốt hoài không chết, thành ra mới khổ. Rõ ràng cái “thú” nào thì thì nó chịu đựng theo của nó. Muốn thay đổi phải có sự biến thái của nó. Biến thái đó thế nào thì phải quay lại nói cái “thú”.

Trong kinh Khởi thế nhân bổn[6] nói, lúc loài sinh vật ở cõi Cực quang thiên sống bằng hỷ lạc, tức không ăn uống gì cả, phi hành trong ánh sáng, cho nên gọi cõi này là Cực quang (極光). Kiến thức của chúng ta hiện tại có thể biết đó là loài vi sinh vật, nó sống và bay theo tốc độ ánh sáng. Sau đó, nó khởi lên ý niệm ái mới gá vào trái đất, tức muốn hưởng thụ vật chất. Trong kinh chỉ nói đơn giản, nhưng đằng sau câu chuyện cổ đó lại uẩn áo cả một nền triết lý.

Câu chuyện cổ kể như sau: khi chúng sanh bay qua thế giới này, thấy mặt đất thơm, nếm thử. Khi nếm thử, thân thể kết hợp với mặt đất, nó thô phù, bay không được nữa. Tức là chúng ta nên biết, trước hết có một ý muốn hưởng thụ, hưởng thụ một cái vật dục, thì chúng sanh ở cõi Cực quang thiên tới mức nào đó cái cảm giác và lạc thọ bị suy giảm. Khi bị suy giảm nó muốn kéo dài, thì nghĩ đến cái khác thay thế vào; tức nghĩ đến lạc thọ của Dục giới. Đó gọi là suy thoái.

(còn tiếp).


[1] Dị thục sinh 異熟生: Skt. vipākaja, sản phẩm của dị thục, cái được sinh ra như là sự chín muồi của nghiệp quá khứ.

[2] Câu-xá 2, T29, no. 1558, p. 9, a19.

[3] Ibid., 13, p. 67, b9.

[4] ADN, DNA: deoxyribonucleic acid.

[5] Thú趣: Skt. gati, nơi mà các hữu tình phải đi đến, phải tái sanh…

[6] Khởi thế nhân bổn kinh 起世因本經, 10 quyển, Tùy – Đạt-ma-cấp-đa dịch, T01n25, p.365.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận