VẤN ĐỀ TỰ SÁT TRONG TĂNG ĐOÀN THỜI PHẬT

TÂM NHÃN: “Phạm trọng tội Ba-la-di và ý nghĩa sám hối”

CHƯƠNG III. TỘI BA-LA-DI KHÔNG THỂ SÁM HỐI THỜI PHẬT VÀ BỐI CẢNH XÃ HỘI ĐƯƠNG THỜI
(tiếp theo)

3. Đoạn nhân mạng:

Về giới ba-la-di này có hai vấn đề chúng ta cần thảo luận là tỳ-kheo tự sát và tỳ-kheo giết người với nhiều hình thức. Cho đến nay vẫn có nhiều nhà hành trì luật Phật giáo tại Việt Nam hiểu nhầm là tỳ-kheo tự sát và giết người đều phạm ba-la-di như nhau, kể cả các nhà Phật học ở Trung Quốc hay một số nước khác cũng cho rằng việc tự tử đồng phạm tội giết người, là hành động tàn ác (heinous act), tạo nghiệp cực trọng.[1] Có lẽ quan điểm số đông nhìn từ câu chuyện, do các tỳ-kheo tu quán bất tịnh, nhờm tởm thân xác hôi thối rồi tự sát, hoặc nhờ ngoại đạo Migalaṇḍa kết liễu mình. Trong luật Tứ phần, Thập tụng, Căn bản chỉ nêu câu chuyện như vậy rồi Phật chế giới.

Nhưng trong luật Ngũ phần (2) ngoài câu chuyện trên còn kể thêm, có tỳ-kheo bệnh nặng không muốn sống nữa, nhờ các tỳ-kheo đưa dao, thuốc độc… cho mình tự sát, hoặc nhờ các tỳ-kheo tìm thợ săn đến giết mình. Lại có tỳ-kheo khuyên tỳ-kheo bệnh tự sát để sanh thiên, hay khuyên cư sĩ tại gia bỏ đời sống khổ cực, tự sát để thanh thản sinh thiên. Và luật Tăng-kỳ (4) cũng thuật: tỳ-kheo bệnh nặng không muốn sống, bảo tỳ-kheo nuôi bệnh giết mình. Hoặc tỳ-kheo nuôi bệnh không dám giết, xúi tỳ-kheo bệnh tự sát bằng dao, thuốc độc…, hay nhờ Migalaṇḍa kết liễu tỳ-kheo bệnh.

Với nhiều tình tiết như vậy khiến đức Phật kết đi kết lại nhiều lần mới thành giới văn cuối cùng. Luật Ngũ phần ghi đức Phật kết giới 5 lần; luật Tăng-kỳ nói kết 4 lần. Giới văn tổng kết được Phật chế trong các văn bản luật Hán dịch thống nhất như sau:

Tỳ-kheo nào cố ý tự tay đoạt lấy mạng sống con người, hoặc tìm cách đem dao cho người ấy, hoặc ca ngợi lợi ích của sự chết, hoặc xúi giục đưa đến sự chết: “Này nam tử, còn gì cho ông với mạng sống tội lỗi xấu xa này, sự chết đối với ông còn tốt hơn sự sống!”người kia do vậy mà chết, thì tỳ-kheo ấy là kẻ ba-la-di, không được sống chung.[2]

Riêng giới văn luật Ngũ phần 2 (p. 8b2) dịch: Tỳ-kheo nào, hoặc người, hoặc tương tợ người, hoặc tự sát, hoặc đưa dao hay thuốc độc để giết; hoặc dạy người giết, hoặc dạy tự vẫn, hay khen ngợi sự chết, khích lệ cho chết[3]

Từ “tự sát 自殺” trong luật Ngũ phần giải thích: “Tự mình dùng tay chân, cầm dao, gậy, thuốc độc cùng các vật để giết[4], tức chính mình giết người khác, không phải tự mình giết mình, nên đồng nghĩa với cụm từ “tự tay đoạt lấy mạng sống con người” trong luật Tứ phần, Tăng-kỳ (tự thủ đoạn nhân mạng 自手斷T22n1428_p0576b27║人命), Thập tụng (tự đoạt mạng 自奪命), Căn bản, Giải thoát giới kinh (tự thủ đoạn kỳ mạng 自手斷其命).[5] Tương đương văn Phạn: svahastaṃ manuṣyavigrahaṃ jīvitād vyāparopeya.[6] Chỉ có luật Pāli Nam truyền không có chữ ‘tự’: Yo pana bhikkhu sañcicca manussavuggahaṃ jīvitā voropeyya[7] (Tỳ-kheo nào cố ý đoạt lấy mạng sống con người)…

Vậy rõ ràng giới văn Phật chế, nhắm đến tỳ-kheo tự tay giết người, hoặc đưa dao, thuốc độc, dạy bảo, khen ngợi người khác chết… mới phạm ba-la-di, chứ không đề cập chuyện tỳ-kheo tự sát phạm ba-la-di.

Trước tiên chúng ta tìm hiểu vì sao tỳ-kheo tự sát bất thành lại phạm tội nặng nhẹ khác nhau giữa các bộ luật?

a. Tỳ-kheo tự sát:

Vấn đề tỳ-kheo tự sát, trong luật bộ phái đều có phán tội nhưng mức cực trọng ba-la-di là hoàn toàn không nói đến. Luật Ngũ phần (2, p. 7c5, p. 8a9), Tứ phần (56, p. 983a11-15), Luật nhiếp (3, p. 538b18), Tỳ-nại-da tụng (1, p. 622b9) đều chế định nếu tỳ-kheo phương tiện (chuẩn bị) tự sát, phạm thâu-lan-giá.[8]

Luật Tăng-kỳ (29, p. 466c26), chế tỳ-kheo tự sát phạm việt tỳ-ni (đột-kiết-la)[9]. Đặc biệt Thiện kiến luật (11, p. 752c19) phán định, nếu tỳ-kheo leo lên núi cao nhảy xuống tự vẫn, muốn kết thúc mạng sống nhanh chóng thì phạm đột-kiết-la, nhưng bệnh nặng biết sẽ chết, quyết định nhịn đói, không dùng thuốc chữa trị để chết. Chết một cách từ từ thì vô tội.

Khảo sát lại luật bộ phái, về định tội tự sát chia thành 3 nhóm:

Tự sát phạm đột-kiết-la: luật Tăng-kỳ, luật Pāli, Thiện kiến.

Tự sát phạm thâu-lan-giá, gồm luật Ngũ phần, Tứ phần, Luật nhiếp, Tỳ-nại-da tụng.

Tự sát vô tội: Thập tụng,[10] Thiện kiến.[11]

Trong ba nhóm tội trên, nhóm nào là của Phật chế và nhóm nào của bộ phái quy định? Chúng tôi không tập trung đưa ra một kết luận chuẩn mực, chỉ suy đoán kết quả có thể:

– Tự sát phạm đột-kiết-la:

Theo đại sư Ấn Thuận nói, sự biên tập Giới kinh (Skt. Prātimokṣa, P. Pātimokkha) từ khi Phật còn tại thế cho đến các bộ phái, phân hóa biên tập trải qua nhiều giai đoạn, sớm nhất là 5 bộ, hay gọi là 5 nhóm tội, Pāli (Vin. v. 91): pañca-apattikkhandhā, Hán dịch ngũ chúng tội 五眾罪, ngũ thiên 五篇[12]…, gồm ba-la-di (pārājikā), tăng-già-bà-thi-sa (saṃghāvaśeṣa), ba-dật-đề (pātayantikā), ba-la-đề đề-xá-ni (pratideśanīyā), đột-kiết-la (duṣkṛta, việt tỳ-ni 越毘尼罪). Về sau một số bộ phái thấy 5 nhóm tội không đủ bao quát tất cả, mới y trên cơ sở 5 nhóm tội mà mở rộng thành 7 nhóm tội (tụ phạm 聚犯, Sattapi āpattikkhandhāti), gọi là thất tụ 七聚: Tứ phần nêu bảy nhóm tội, ba-la-di, tăng-già-bà-thi-sa, ba-dật-đề, ba-la-đề đề-xá-ni, thâu-lan-giá, đột-kiết-la, ác thuyết (dubbhāsita).[13] Luật Pāli và Ngũ phần[14] xếp thâu-la-giá thứ 3, có lẽ xem tội phạm nếu không ở mức ba-la-di, hay tăng-già-bà-thi-sa thì sẽ thâu-lan-giá.

Do vậy mà chúng ta có thể đoán định, việc tỳ-kheo tự sát không chết chỉ phạm ở đột-kiết-la là thời kỳ đầu Phật quy chế. Còn phạm thâu-lan-giá là của bộ phái chỉnh sửa lại sau này. Và hầu hết các bộ luật và Kinh tạng đều nói, khi tỳ-kheo có ý nghĩ tự sát là lâm vào tình trạng bệnh tình không thể điều trị, tâm lý muốn chết, với bối cảnh thời Phật như xã hội ngày nay đều cảm thông thương tưởng với người bệnh nặng muốn tự sát, do vậy chỉ xử phạt nhẹ là đúng với tinh thần khoan dung của Phật giáo.

– Tự sát phạm thâu-lan-giá:

Có lẽ đến thời kỳ Phật giáo bộ phái, tùy mỗi trường phái họ đã xem xét lại vấn đề tự sát, coi đó là hành vi thiếu khôn ngoan, một khi chưa giác ngộ cần giữ gìn thân mạng để tu tập là quan trọng, cho nên tăng mức độ vi phạm lên là thâu-lan-giá. Ví dụ trong luật Ngũ phần kể, có tỳ-kheo bệnh nặng, các tỳ-kheo đến thăm hỏi và khuyên nên chết để sanh thiên. Tỳ-kheo bệnh nói rằng đức Phật cấm tự sát và hy vọng hết bệnh tiếp tục tu Phạm hạnh.[15] Hoặc trong Luật nhiếp ghi: “Kính pháp xuất gia phải bảo hộ thân mạng cầu giải thoát; nếu tự sát phạm tội thổ-la (thūlaccaya, thâu-lan-giá)”.[16] Vân vân.

– Tự sát vô tội:

Như ở trước chúng tôi dẫn, Thiện kiến luật nói nếu lên núi cao nhảy xuống tự sát, không chết phạm đột-kiết-la. Nhưng bệnh nặng, biết không thể sống, nhịn đói và không uống thuốc, chết từ từ thì vô tội.

Truyền thống khổ hạnh cổ đại của Ấn-độ nói chung, tự sát được coi là một phương tiện thích hợp trong những hoàn cảnh nhất định, đặc biệt nổi tiếng về mặt này là Kỳ-na giáo (Jainism) thường thực hành “Sallekhanā”, gốc từ Phạn: Sallikhita, có nghĩa là “gầy đi”, “đào thải”, hoặc “cắt bỏ” những đam mê và cơ thể bằng cách kiêng ăn uống dần dần. Hay nói cách khác như là lời thề phát nguyện đối mặt với cái chết, khi một người sắp chết, hoặc một người không thể tuân theo các quy tắc tôn giáo do tuổi già, bệnh nan y hoặc tình trạng đói kém phổ biến. Người ta tìm thấy trong văn bản kinh cổ Acharanga của phái Svetambara (thuộc Kỳ-na giáo) có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ I trước Tây lịch, đề cập đến phương pháp Sallekhana: người muốn thực hiện lời thề này sẽ chọn một nơi vắng vẻ, nằm trên giường làm bằng rơm, không cử động chân tay và tránh đồ ăn thức uống cho đến khi chết; hoặc người đó ngủ trên mặt đất; hay có thể ngồi, đứng, đi bộ hoặc di chuyển, nhưng tránh thức ăn cho đến khi chết. Cũng có thể đứng “như một cái cây”, không ăn uống cho đến chết. [17]

Bản Thiện kiến luật là bản chú giải Luật tạng Pāli, tương đồng với luật Samantapāsādikā (Nhất thiết thiện kiến) của Buddhaghosa biên soạn vào thế kỉ thứ V (cũng là sách chú thích Tạng luật Pāli). Bản Hán dịch do Tăng-già-bạt-đà-la (Saṃghabhadra) cùng sa-môn Tăng Y dịch tại Quảng châu, năm thứ 7 niên hiệu Vĩnh minh (488) thời Tiêu Tề. Các nhà Phật học Nhật Bản Takakusu Junjiro, Nagai Makoto, …[18] cho rằng là bản sao của Samantapāsādikā. Và Mizuno Kōgen cũng nói lúc dịch Thiện kiến luật, Tăng Y dựa vào luật Tứ phần bổ sung chỉnh lí lại bản dịch. Do vậy nội dung có lẽ được tác giả biên soạn bổ túc tư tưởng truyền thống tuyệt thực cổ đại Ấn-độ vào sau này, không đáng tin cậy.

Tuy nhiên, loại truyền thống tư tưởng cổ đại này đã tác động vào Tăng đoàn thời Phật nhưng đức Phật không chấp nhận loại tự nguyện chọn cái chết như thế, phải chăng những nhà tu khổ hạnh thời kỳ Phật giáo bộ phái vẫn muốn áp dụng khai mở cho vấn đề này. Bởi ngay trong luật bộ phái ghi chép còn lưu lại dấu vết lời Phật quy chế và khi bộ phái thêm vào tạo ra sự mâu thuẫn ngay trong chính quy chế đó.

Luật Tăng-kỳ tường thuật 3 câu chuyện tỳ-kheo bệnh nặng lâu ngày làm tỳ-kheo nuôi bệnh mệt mỏi. Tỳ-kheo nuôi bệnh than vãn, khiến tỳ-kheo bệnh khởi niệm muốn chết, dẫn đến tình huống: (1) Tỳ-kheo bệnh nhờ tỳ-kheo nuôi bệnh giết giùm; (2) tỳ-kheo bệnh nhờ tỳ-kheo nuôi bệnh tìm người khác đến giết mình; (3) tỳ-kheo nuôi bệnh khuyên tỳ-kheo bệnh tự sát. Cả ba trường hợp này đều bị Phật quở trách, Phật còn dạy người bệnh cần được chăm sóc và cung cấp mọi thứ cần thiết cho họ.[19] Hoặc luật Ngũ phần ghi rõ Phật cấm tự sát và tỳ-kheo bệnh lúc được khuyên chết không muốn chết, mà hy vọng hết bệnh tiếp tục tu Phạm hạnh.[20]

Trong Ma-đắc-lặc-già (mātṛkā, luận của luật) chép, tỳ-kheo nuôi bệnh phải chăm sóc tỳ-kheo bệnh cẩn thận, tùy bệnh mà cho ăn uống và dùng thuốc, nếu để tỳ-kheo bệnh chết, thì tỳ-kheo nuôi bệnh phạm thâu-lan-giá.[21]

Luật Thập tụng: có tỳ-kheo bệnh nặng, suy nghĩ không thể sống được bèn lao xuống hố sâu tự sát; bản thân không chết mà đè lên con cáo chết. Phật dạy vô tội nhưng không vì chuyện nhỏ nhặt như vậy mà tự sát.[22]

Chính trong Thiện kiến luật cũng ký tải, “Phật bảo các tỳ-kheo chớ có tự sát, tự sát là tự giết mình… cho đến tuyệt thực không ăn”.[23] Đây là điểm mâu thuẫn chính trong nội dung tác phẩm Thiện kiến luật.

Qua các tư liệu dẫn chứng trên cho thấy, đức Phật không chủ trương bệnh nặng nên tuyệt thực để chết. Tóm lại, thời đức Phật, Ngài không cho phép tự sát dưới bất cứ hình thức nào, chẳng qua Tăng đoàn ảnh hưởng tín ngưỡng tôn giáo, coi thân xác là ngục tù đày đọa, tự sát hay nhờ người khác giết hộ là con đường giải thoát. Sau cái chết là một đời sống vinh quang được hứa hẹn. Để ngăn chặn loại tư tưởng truyền thống cổ đại này bắt buộc đức Phật chế giới để ngăn chặn.

Ngoại trừ, chuyện tỳ-kheo Vakkali (Bà-ca-lê 婆迦梨) bệnh nặng, tự kết liễu mình bằng dao, trước khi chết tư duy: “Đây là sắc tập, đây là sắc diệt tận…” Rồi chứng đắc Bát-niết-bàn. Trong kinh Tăng nhất A-hàm và Tương ưng đều tường thuật câu chuyện này, không thấy Phật quở trách Vakkali phạm vào học xứ nào. Tương ưng: Phật bảo, cái chết của Vakkali không phải là ác hạnh… Vakkali đã nhập Niết-bàn một cách hoàn toàn; Tăng nhất: Phật dạy, tỳ-kheo Bà-ca-lê đã đắc bốn đế trong ngày hôm đó.[24] Trong kinh tường thuật việc Vakkali kết liễu bằng dao và chuyện duyên khởi trong luật kể số đông tỳ-kheo quán thân bất tịnh rồi tự sát hàng loạt, tại sao có việc tự sát bạo hành, đức Phật đều biết mà không ngăn cản, chúng tôi sẽ “giải mã” điều này trong phần tiếp theo.

(Còn tiếp)

Ngày 17 tháng 9, Nhâm dần
Tâm Nhãn


[1] 唐秀連, 具足戒律中自殺獲罪問題之省思 (On the Problem of Treating Suicide as a crime in the Upasampadā), Taiwan Journal of Religious Studies 19(2), p. 118.

[2] Tứ phần 2, p. 576b26, Tăng-kỳ 4, p. 255a8, Thập tụng 2, p. 8b12 v.v…

[3] 五分律 2, T22, no. 1421, p. 8b2-6: 若比丘,若人、若似人,若自殺、若與刀藥殺、若教人殺、若教自殺,譽死、讚死…

[4] 五分律 2, p. 8b08.

[5] 根本說一切有部毘奈耶 7, T23n1442, p. 660a27-b3; 解脫戒經, T24n1460, p. 660a1-5.

[6] Mahāsāṃghikānāṃ prātimokṣasūtram (http://dhammatalks.net/suttacentral/sc2016/sc/skt/skt-mg-bu-pm.html); Cf. Ma-ha-tăng-kỳ luật đại tỳ-kheo giới bổn (摩訶僧祇律大比丘戒本,T22n1426, p. 549c12), tự thủ đoạt nhân mạng 自手奪人命.

[7] Nam truyền Pāli: Vin. iii. 68 (經分別, N01, no. 1, p. 98a11-13).

[8] Thâu-lan[la]-giá 偷蘭[羅]遮, Skt. sthūlātyaya, P. thullaccaya (thūlaccaya); từ này là phức hợp ngữ của thulla + accaya, thūlattā dịch thô trọng, accayattā dịch là tội. Tức là tội trọng, tội nặng. Nếu một người dự định thực hiện một hành vi phạm tội pārājika (ba-la-di) hoặc saṃghāvaśeṣa (Tăng tàn), nhưng dừng ở giai đoạn đầu tiên thì phạm vinayâtikrama (việt tỳ-ni); nếu tiếp tục, là sthūlātyaya. Tóm lại, tội thâu-la-giá là tội được lên kế hoạch (designed crime, phương tiện tội 方便罪), hay tội chưa hoàn thành (uncompleted crime, 未遂罪) để phạm đến pārājika, hay saṃghāvaśeṣa.

[9] Việt tỳ-ni 越毘尼, là trái vượt giới luật, tương đương tội đột-kiết-la 突吉羅 (Skt. duṣkṛta, P. dukkaṭa). Đây là tội nhỏ, đối diện một tỳ-kheo thanh tịnh sám hối.

[10] 十誦律 58, p. 436c12-17.

[11] 善見律毘婆沙 11, p. 752c20.

[12] 摩訶僧祇律》卷二〇(大正二二.三八六中印順, 原始佛教聖典之集成 (35, no. 33), p. 133a6. 《摩訶僧祇律》卷20, p. 386b12, 27, p. 448a17, 32, p. 492b22. 四分律 59, p. 1004, c8-10. 《十誦律》卷56, p. 412b11, 57, p. 423b20-21…摩訶僧祇律》卷二〇(大正二二.三八六中摩訶僧祇律》卷二〇(大正二二.三八六中摩訶僧祇律》卷二〇(大正二二.三八六中

[13]  四分律 5, p. 599, c25-27. Luật Pāli Thượng tọa bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, Tứ phần của Pháp tạng bộ khi chia 7 tụ lược ni-tát-kỳ ba-dật-đề mà phân đột-kiết-la thành ác tác (惡作) vi phạm về thân nghiệp và ác thuyết (惡說) vi phạm về khẩu nghiệp.

[14] 五分律 19, p. 132, c19.

[15] 五分律 2, p. 8a6-18.

[16] 根本薩婆多部律攝 3, T24, no. 1458, p. 538b18-19.

[17] Cf. Sundara, A. “Nishidhi Stones and the ritual of Sallekhana” (PDF). International School for Jain Studies. Archived from the original (PDF) on 28 February 2018. Retrieved 21 April 2017; Kakar, Sudhir (2014), “A Jain Tradition of Liberating the Soul by Fasting Oneself”, Death and Dying, Penguin UK, p. 174; Williams, Robert (1991), Jaina Yoga: A Survey of the Mediaeval Śrāvakācāras, Motilal Banarsidass, ISBN 978-81-208-0775-4; Anālayo, The Mass Suicide of Monks in Discourse and Vinaya Literature, p. 21 (PDF).

[18] Cf. 水野弘元/ Mizuno Kōgen – 佛教文獻硏究, 許洋主譯, Printed in Taiwan, p. 103.

[19] 摩訶僧祇律 4, p. 253c10 – p. 254ba16.

[20] Ibid., 2, p. 8a6-18.

[21] 薩婆多部毘尼摩得勒伽 4, T23, no. 1441, p. 590a11-13.

[22] 十誦律 58, p. 436c12-17.

[23] 善見律毘婆沙 11, p. 752c19.

[24] Cf. 增壹阿含經 19, T02, no. 125, p. 642b29; S. 22. 87. Vakkalisuttaṃ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận