Tin đến thật đột ngột và bất ngờ. Tôi về nhà muộn, tối ngày 8 Tháng Mười Hai, 2003, thì được vợ chồng Bác-sĩ Vũ Đình Minh báo cho biết là Ni cô Trí Hải ở Việt Nam vừa bị một tai nạn lưu thông làm chết ngay trên đường ở Long Khánh, khi từ Phan-thiết trở về.
Tôi không muốn tin, vì cô Trí Hải mà tôi biết từ hơn 30 năm trước đây và vẫn thường chỉ gọi là Cô tại trong Đạo không có thời gian, không có chức tước – cô Trí Hải bị gẫy xương sống mới mấy tháng trước còn chưa hồi phục, ngồi lâu còn chưa được lẽ đâu lại đã dám đi Phan Thiết để bị tai nạn xe. Không muốn tin nhưng cũng phải tin, vì ngay sáng hôm sau, phối kiểm lại với Mai Hương, cháu Cô ở Gardena không xa lắm, mà Cô giao cho việc quảng hóa đã từ chín năm nay tập nguyệt-san Tuệ Uyển mà Cô ẩn danh để chủ trương, thì được biết rõ trong chi-tiết cái tai-nạn thảm-khốc và phi lý đã lấy đi, không những một vị chân-tu và tài-nữ đã làm vẻ vang cho dân-tộc và đạo-pháp Việt Nam trong thế kỷ đau thương này, mà còn một vị sư-nữ và ba Phật tử nữa, trên con đường vô-tận để cứu khổ cứu nạn của Đức Bồ-tát Quan-Thế-Âm.
Rồi suốt mấy ngày sau, những tin tức qua các làn sóng vô-sắc từ Washington, từ Pháp, từ Đức, từ Nhật đổ vào tim vào đời của kẻ sống tha hương này, cũng vẫn chỉ tin ấy như thể là tất cả thế-giới của người Việt ngoài nước Việt cùng đau bàng hoàng và rung động trong cùng một niềm thương cảm và nhớ tiếc.
Trong khuôn-viên của Trường Đại Học Vạn Hạnh mà tôi đến thường xuyên trong những năm đầu của thập-niên Bảy Mươi nhưng chỉ thoảng qua như những cơn gió quái mỗi tuần một giờ để giảng về những về những môn học không y-khoa cũng không Phật-giáo như xã-hội-học tôn-giáo, lịch-sử văn-minh, lịch-sử văn-hóa Việt Nam, lịch-sử tư-tưởng Việt Nam, có lẽ tôi cũng có thấy bóng hình của người ni-cô ấy, mình thanh mảnh mà vững vàng, khoan-thai mà vẫn nhanh-nhẹn, đi lại trong sân hay những hành-lang của Trường giữa khu Hành-chánh và các lớp học, như một sinh-viên chưa có tên chưa có tuổi. Đó là hình-ảnh của một người lý-tưởng trong nhãn-giới của Phật-giáo, một mặt hồ thu trong suốt không gợn sóng, một bầu trời xanh mát không một vẩn mây, một người mà trái tim đã thoát ra hẳn ở cõi Chân không trong khi chúng sinh khắp nước còn đang ngụp lặn trong vũng lầy xương-máu của những ý-hệ bánh vẽ.
Bẵng đi cả năm tôi không thấy Cô trên cái sân vuông nhỏ của Trường hay những hành-lang hẹp giữa các lớp học, nhưng cũng chẳng để ý gì đến một sự vắng lặng không-liên-quan trong một tổ ong đang cuồng nhiệt làm mật. Cho tới một bữa, Thượng Tọa Viện-trưởng, Thầy Minh Châu, yêu cầu tôi lên Diễn-đàn lớn của Viện để thuyết giảng trong ngày Phật-đản về một vấn-đề cực khó mà tôi chưa hề nghĩ rằng có thể có ai dám tưởng lầm mình hiểu biết được một mảy-may. Thượng Tọa muốn tôi nói về cốt-tủy của Giáo-Pháp trong thời Đức Phật. Tôi thoái thác, Thầy nài nỉ, tôi khước từ, Thầy nhất quyết, và cuối cùng không trốn được, tôi đành nhận. Và vì không biết gì, tôi phải vàoThư-viện Vạn Hạnh để tìm tài-liệu.
Và tôi lại được gặp lại Ni-cô Trí Hải. Cô vẫn nhỏ nhắn, Cô ngồi trên một cái ghế gỗ bên một cái bàn ở gần cửa ra vào, như trong Đại Tạng Kinh Đức Thế Tôn dạy các môn-đồ trong Tăng-già, “ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an-tịnh của mình.” Nhưng Cô không đang thiền định. Cô đọc sách hay đọc Kinh và chính định khi đọc. Cô đọc mà tọa thiền, Cô đọc mà hành thiền, Cô đọc mà tham thiền và nhập thiền.
Tôi lại gần và xin lỗi rồi hỏi Cô về phòng của thủ-thư. Cô trả lời: “Thưa Bác-sĩ, là tôi”. Tôi giật mình, không phải vì Cô biết tôi, mà vì trong cái kinh-nghiệm cũng đã già-giặn về các Thư-viện trên thế-giới, ở Pháp, Đức, Anh, Nhật, người thủ-thư bao giờ cũng là một vị học-giả tuổi cao, đức trọng, với một sự hiểu biết thông cổ quán kim, mà học-giới trong nước phải tôn kính và khó có ai có thể đến gần được nếu không có lời giới-thiệu của một tôn-giáo có uy-danh về một vấn-đề nghiên-cứu khó-khăn còn bế tắc. Tôi nhớ lại một truyền-thuyết đã gần hai ngàn năm tuổi rằng Chùa Thiếu Lâm ở Thất-Sơn có một Tàng-Thư-các để trên một đỉnh núi cao, nhà sư được cử lên để quét dọn và trông nom Kinh Sách bao giờ cũng là người chỉ đứng sau có Phương-trượng về chức-vụ, và về trí-tuệ thì thâm sâu không ai lường được.
Tôi trình bày với Cô về vấn-đề nan-giải mà Thượng Tọa Minh Châu đòi hỏi ở tôi và sự rỗng-không trong trí-óc của tôi về giáo-lí. Tôi cần tìm đọc để có một chút hiểu-biết. Cô dẫn tôi vào những hàng sách dựng đứng song-song trong một từng của Viện như những hàng kẻ của một cuốn vở chép nhạc hay những luống của một cái máy cày khổng-lồ trên một nông-trường bát-ngát, ở trên xếp đầy-đặn ngay-ngắn những sách gáy da trang-nghiêm, với những giòng chữ hoa-mĩ thiếp vàng, đây là chữ Pali và Sanskrit như những rặng cây trồng rễ nổi rắn cuộn khúc, nọ là chữ Hán vuông vắn, kính cẩn và khắc khổ, rồi chữ Nhật vung-vảy, tài hoa nhưng vẫn khuôn-phép, chữ Tây-tạng thanh-thản, tĩnh tịch và ảo huyền. Có những ô sách chữ gì tôi phải đọc bảng chú mới biết là chữ Miến-điện, Tích-lan hay của một dân-tộc đã không còn trong cõi vô-thường thuộc Trung-Á xa-xưa. Trong cõi ta-bà của loài người, Đạo Phật đã đến những vực đất đông người và những sa-mạc không có một ngọn cỏ, những làng mạc chỉ có cỏ bồng và những ngọn gió phũ-phàng để trải bông cỏ ra xa ngoài ngàn dặm. Rồi đến những sách của thế-giới hiện đang nắm vận-mệnh của loài người, mà Đạo Phật đang thẩm-nhập nhưng mới ở tầng trí-thức cao nhất, Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Nga, đem Trung-Đạo vào đứng giữa những chủ-nghĩa vô-thần và những tôn-giáo độc-thần. Rồi đến Việt Nam. Sao mà nghèo nàn, èo ọt! Sao mà khổ-ải, điêu-linh! Với cái công khai quốc và khai sáng, sau hai ngàn năm hoằng đạo với Sư Khuông Việt và Sư Vạn Hạnh, mà sao lèo tèo chỉ có ngần này cuốn sách tiếng Việt trong một Thư-viện Phật-giáo và của cả quốc-gia.
Đang trầm-ngâm khóc thầm cho sự suy-vi của tôn-giáo có thể gọi là quốc-giáo trong thời độc-lập Lê, Lý, Trần, trong khi trên khắp thế-giới những con hạc trắng đội Kinh Phật đang bay đi reo rắc những lời lành của Thế-tôn đến những đất tuyệt-đỉnh văn-minh của nhân-loại đương-thời, tôi bỗng bừng tỉnh khi Ni-cô thủ-thư của Thư-viện hỏi tôi: “Bác-sĩ đã có ý nghĩ gì chưa?”
Tôi trả lời: “Cốt-tủy của giáo-lý? Tôi nghĩ rằng không có ai có thể biết được, ngoại trừ chính Đức Phật. Những ngày cuối-cùng của Đức Phật, chắc Ngài có nói lại cho các môn-đồ trước khi Ngài nhập Đại Bát-Niết-bàn. Nhưng kinh-sách như rừng, biết tìm đâu cho thấy trọng-tâm của rừng rậm vô-biên; trí tuệ của Đấng Vô-thượng như biển cả, làm sao mà đúc lại được thành một giọt tinh-túy?”
Ni-cô nói “Bác-sĩ tìm trong Kinh Tạng xem Thượng-Tọa Viện-Trưởng đã dịch được hết Trường Bộ. Thư-viện có bản Anh-văn của cả Tam Tạng, bản Pháp-văn và Đức-văn cũng có. Bác-sĩ cần phần nào xin lấy về mà xem.”
Tôi vào sổ rồi bưng sách ra cỗ xe tám ngựa của tôi mà về, nghĩ đến cuộc thỉnh-kinh ở Tây Trúc xưa của Nghĩa Tịnh và Huyền Trang qua ngàn nguy vạn khó mà rùng mình. Rồi trong những đêm thanh vắng sau đó, dưới ánh sáng của một trăm hai mươi ngọn nến trong cái bong bóng đèn thuỷ tinh, tôi nhận từ nguồn những lời trong và mát như nước suối, cứng và sắc như kim-cương, hiền và dịu như lòng mẹ, của Đức Như Lai vô cùng thánh thiện. Và được nghe thấy Ngài tha thiết nói với các môn-đồ, có Ananda rầu-rĩ, khắc-khoải, nghi-hoặc quì bên. Ngài nhắc lại Bát Chánh Đạo, từ Chính Kiến đến Chánh Định, là cốt-tuỷ của Đường Thanh-Văn, và bảo rằng “Mỗi người là một Vị Phật đang thành,” là tinh-túy của Bồ-tát-Đạo. Rồi Ngài nhắm mắt, nhập sơ-thiền lên thiền vô-sắc mà vào Cõi Đại Bát-Niết-bàn ở ngay đây và khắp nơi trong ba ngàn vũ-trụ.
Mỗi năm trong ba năm liền, tôi gặp lại Ni-cô trong Thư-viện, với mỗi năm một vấn-đề mà tôi phải giải đáp cho tôi, để rồi nói lại cho các đồng-đạo hữu-học nhưng vẫn cầu học, tu tập như chư thiên và bồ-tát trong Đại-Giảng-đường của Viện Đại-Học Vạn Hạnh. Năm đầu tôi đã thưa, tôi phải nói về cốt-tủy của Giáo-lý. Năm sau, tôi bị yêu cầu nói về Tư-tưởng Cổ-Ấn trong thời Đức Phật và nhờ thế, tôi đọc kỹ Kinh Phạm Võng (Brahmajala) và hiểu được những im-lặng của Thế Tôn. Năm cuối cùng, tôi phải nói về Đức Phật và sự cải-tạo xã-hội; tôi hiểu ra trong ánh sáng chan-hòa, rằng lời dạy của Phật Tổ là cho chúng ta trong thế-giới của ngày hôm nay, và tôi viết cuốn “Đức Phật giữa chúng ta” để trình bày tư-tưởng cứu khổ cứu nạn của Đấng Từ-Phụ.
Trong những năm tháng cực-kỳ chứa-đựng ấy, tôi được biết rằng Ni-cô có pháp-danh là Trí Hải, ‘cái bể trí-tuệ,’ trước đây đã du học ở Hoa-kỳ, và là giáo sư Anh-văn bậc Trung-học. Sinh-trưởng trong một gia-đình quí-tộc nổi tiếng trên thi-đàn cổ-văn, Cô đã dùng tên thực là Phùng Khánh cùng với em là Phùng Thăng dịch một tiểu-thuyết triết-lý có tính-cách một thi-phẩm trữ-tình (roman lyrique-philosophique) của Hermann Hesse có tựa đề là Siddhartha, từ nguyên-tác tiếng Đức sang Việt-ngữ (Câu Chuyện Dòng Sông). Sau đó là tiểu-thuyết nổi danh The Catcher in the Rye của Hoa-kì. (J.D. Salinger)
Nhưng rồi Cô từ bỏ hết và xuất-gia đi tu, thụ giáo Sư Bà Diệu Không. Khi thành lập Đại-Học có tên là Vạn Hạnh để vinh danh vị thiền-sư đã nuôi dưỡng và giáo huấn Lý Công Uẩn, vị vua mồ-côi sáng-suốt và nhân-từ bậc nhất của Lịch-sử Việt Nam, cô Trí-Hải, vì thành-tích văn-hóa của Cô, được gọi về để làm Giảng-sư Ngoại-ngữ của Trường, đồng-thời làm Tổng-Thư-kí cho Viện. Nhân dịp này, Cô lại được truyền thụ cái học uyên-bác của Thượng Tọa Viện-Trưởng và học thêm hai Phạn-ngữ Pali và Sanskrit, trước khi nhận lãnh công-việc thủ-thư Thư-viện Đại Học. Những công-quả của Cô trong Phật-sự và Giáo-dục đã được các Chư-Tôn-Đức, biết rõ cả đến những việc không-tên đầy nghĩa Thiền, như việc Tổ Huệ Năng giã gạo, của Cô, chứng và nói ra. Tôi chỉ kể qua cuốn “Câu Chuyện Dòng Sông”, một tuyệt-phẩm rất thâm-sâu và khó của nhà văn thi-sĩ Hermann Hesse mà Cô đã dịch từ nguyên-văn tiếng Đức khi mới rời ghế nhà trường. Bản dịch của Cô đẹp và chân đến nỗi người đọc có thể đọc đi đọc lại mà vẫn thấy như là một nguyên-bản tiếng Việt, với lời văn chải chuốt tự-nhiên, khi thơ mộng, khi trầm tích, phản ánh tư-tưởng nhất-như của tác-giả. Những người nhận được cái thông-điệp cao-cả của sách đã từ bỏ được sự vô-nghĩa của đời sống hưởng-thụ không phải là ít.
Sau cuốn Bắt Trẻ Đồng Xanh, Cô Trí Hải để hết tâm trí vào việc dịch các tác-phẩm Anh-văn của những bậc chân-tu ngoại-quốc. Trong cái nhìn hời-hợt của số đông, người ta thấy Cô đi từ Tiểu Thừa chính-thống của Phái Trưởng Lão (Đạo Phật, Con Đường Thoát Khổ) đến sự thanh-thoát của Thiền-Môn (Tâm Bất Sinh) và những giáo-pháp Tâm-Ấn của Mật-Tông. Và Cô không quên hoàn thành bản dịch quyển luận-án rất thông-bác của Thầy Minh Châu, so sánh Trung Bộ Kinh Pali với Trung A-hàm Hán-văn. Tủ sách Phật-giáo của Việt Nam đời nay được giàu thêm những công-trình cao-quý của Cô. Tôi hiểu rằng trong đời, Cô đã được dẫn từ con đường lớn của Bồ-tát-đạo sang Đạo Thanh-Văn, rồi lại từ Thanh-Văn-đạo sang Bồ-tát-đạo của Đức Quán-Âm và Cô đã thực hiện Pháp-Hoa Chân-Kinh không phân biệt.
[…]
Cô Trí Hải trở về Chùa và trở lại với những hoạt-động xã-hội và giáo-dục của Cô (…). Trong năm qua, Cô bị gãy xương sống và phải nằm mấy tháng; trong thời-gian ấy, mỗi ngày Cô làm một bài thơ để cảm ơn những người đến thăm Cô. Cô chưa khỏi nhưng đã nhịn đau, từ Hóc-môn đi Phan-Thiết để giúp đồng-bào nghèo đói và trẻ em mồ-côi ở vùng đất bị bỏ rơi ấy. Lòng từ vô-úy của Cô đã được đáp lại bởi hành-vi vô-trách của một ông tài-xế vội-vã.
Cùng với các Phật-tử trên toàn thế-giới, cùng với các bậc trí-thức thiện-tâm trong nước, tôi khóc Ni-cô Trí Hải.
Trần Ngọc Ninh
California, USA
In trong nguyệt-san Khởi Hành 193, tháng 11.2012
Huongtich thực hiện đánh máy lại tư liệu.
Khóc cho một ni sư phước trí đầy đủ!
Nam Mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏
Phật tử các con rất cảm ơn bài viết rất cảm động 🙏🙏🙏
Phật tử các con hôm nay làm lễ tưởng niệm Cố Giác Linh Sư Trưởng Trí Hải.
Cách đây 20 năm, Sư Bà, một vị Bồ Tát làm Hạnh Từ Thiện 🙏🙏🙏 gặp nạn 🙏🙏🙏 trên đường đi làm Từ Thiện 🙏🙏🙏🙏.
Phật tử các con thành kính đảnh lễ Cố Giác Linh Sư Bà 3 lạy 🙏🙏🙏
Giác Linh Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải Sanh 03/09/1938 Năm Mậu Dần, Mất 12/07/2003 tức 14 thg 11 Năm Quý Mùi
Phật tử các con nghe lại lời giảng của Sư Bà cho Phật tử các con qua Internet