Từ việc dịch Đại Tạng Kinh tiếng Việt tới phục hưng Văn Hóa Dân Tộc

Tối Thứ Sáu, ngày 26 tháng 11 năm 2021, theo giờ California, Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp lần thứ nhất đã diễn ra trên Zoom Meeting với sự tham dự có lúc lên tới hơn 400 người, gồm chư tôn đức Tăng, Ni, các vị giáo sư Tiến Sĩ, các nhà nghiên cứu Phật Học, các nhà văn hóa dân tộc và Phật Giáo, và Cư Sĩ Phật tử từ khắp nơi trên thế giới.

Đây là sự kiện hiếm có đối với sinh hoạt của Phật Giáo Việt Nam trên toàn cầu từ trước tới nay. Điều đặc biệt hơn nữa là chủ đề của Đại Hội xoay quanh việc phiên dịch và ấn hành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam có tính cách hàn lâm nghiên cứu mang tầm vóc quốc tế giống như bộ Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu của Nhật Bản, mà từ trước tới nay đã được các học giả, các nhà nghiên cứu văn học, sử học, tôn giáo và Phật Học từ Đông tới Tây Phương tham khảo. Việt Nam nếu có một Đại Tạng Kinh tiếng Việt có phẩm chất và tầm vóc như vậy sẽ giúp góp phần vào việc phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hai vị diễn giả chính trong Đại Hội này là Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát. Nhưng trước hết xin giới thiệu khái quát về Đại Tạng Kinh.

Đại Tạng Kinh

Đại Tạng Kinh nói cho đủ là kho tàng chứa đựng Tam Tạng Giáo Điển Phật Giáo gồm Kinh, Luật và Luận, mà tiếng Bắc Phạn (Sanskrit) gọi là Tripiṭaka và tiếng Nam Phạn (Pali) gọi là Tipiṭaka. Kinh là những lời dạy của Đức Phật hay của các vị đệ tử của Đức Phật đã trùng tuyên lại lời Phật dạy và được Đức Phật xác chứng. Luật là những giới luật được Đức Phật đặt ra để giúp chúng đệ tử xuất gia và tại gia của Ngài nhiếp thọ thân khẩu ý trong đời sống hàng ngày để làm tăng trưởng đạo lực giải thoát và giác ngộ. Luận là những giải thích để làm rõ hơn lời Phật dạy trong Kinh và các giới luật do Phật chế ra.

Thời Đức Phật còn tại thế tất cả những lời Ngài dạy về Kinh và Luật (thời kỳ này chưa có Luận) đều được chúng đệ tử của Ngài ghi nhớ thuộc lòng mà chưa được viết thành văn. Vào mùa an cư kiết hạ đầu tiên sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (544 năm trước tây lịch), Đệ tử lớn của Đức Phật là Tôn Giả Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa) đã chủ trì một cuộc kết tập Kinh điển lần đầu tiên tại Thành Vương Xá (Rajgir), Ấn Độ, quy tụ khoảng 500 vị A La Hán. Trong kỳ kết tập này vị trùng tuyên Kinh là Tôn Giả A Nan (Ananda) và vị trùng tuyên Giới Luật là Tôn Giả Ưu Ba Li (Upali). Đến lần kết tập Kinh Điển thứ 3 vào khoảng 200 năm sau Đức Phật nhập Niết Bàn, tức thành văn bản để lưu truyền về sau. Lần kết tập thứ ba này còn có thêm Luận Tạng. Sau đó còn nhiều cuộc kết tập Kinh Điển được tổ chức tại nhiều nơi gồm Ấn Độ, Tích Lan. Giai đoạn đầu Tam Tạng được khắc vào lá bối, cho nên có danh từ “bối diệp kinh” tức là kinh chép trên lá bối.

Tập hợp ba tạng Kinh, Luật và Luận được viết thành văn gọi là Tam Tạng Kinh hay Đại Tạng Kinh.

Theo Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Lê Mạnh Thát, trong bài thuyết trình tại Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp, nói rằng hiện nay nói đến Đại Tạng là bao gồm trong ba ngôn ngữ chính: Pali Tạng, Hán Tạng và Mật Tạng. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết rằng:

“Phật Giáo có ba hệ gồm Thượng Toạ Bộ với Tạng Pali, hệ Bắc phương Đại Thừa Phật Giáo với Hán Tạng và hệ Kim Cang Thừa Mật Bộ với Tây Tạng.”

Pali Tạng sử dụng tiếng Pali được lưu truyền qua các nước Phật Giáo phía Nam của Ấn Độ như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Cam Bốt, v.v… Hán Tạng sử dụng tiếng Hán được lưu truyền qua các nước phía Đông Bắc của Ấn Độ như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam, v.v… Mật Tạng sử dụng tiếng Tây Tạng được lưu truyền tại Tây Tạng.

Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán là nói chung tất cả Đại Tạng được dịch từ tiếng Phạn, Pali sang chữ Hán. Nhưng nếu kể riêng thì trong đó có nhiều bộ Đại Tạng Kinh của các nước Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, như bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản cũng bằng chữ Hán, dù hoàn toàn do người Nhật biên tập lại.

Theo Hòa Thượng Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát thì bộ Hán Tạng của người Trung Hoa cũng không phải hoàn toàn do người Trung Hoa biên dịch mà trong đó có nhiều nhà Phật Học từ các nước khác đóng góp.

Chẳng hạn, ngài An Thế Cao vào đầu thế kỷ thứ nhất là người nước An Tức đã đến Trung Hoa vào năm 148 sau tây lịch đã dịch nhiều bộ kinh trong đó có Kinh An Ban Thủ Ý; hoặc Cư Sĩ Ngô Chi Khiêm người nước Đại Nguyệt Chi đã đến sống ở TQ vào thời Tam Quốc thế kỷ thứ 3 sau tây lịch đã dịch nhiều bộ Kinh trong đó có bộ Kinh Duy Ma; hay ngài Cưu Ma La Thập (Kumārajīva) người nước Kế Tân (Kashmir) đến TQ vào thế kỷ thứ 5 sau tây lịch và dịch rất nhiều bộ Kinh nổi tiếng từ Phạn sang Hán như bộ Kinh A Di Đà, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh, và các bộ Luận như Bách Luận, Trung  Luận, Đại Trí Độ Luận, Thập Nhị Môn Luận, v.v…

Trong số những vị ngoại quốc đóng góp vào Hán Tạng còn có người Việt Nam như ngài Khương Tăng Hội với bản Lục Độ Tập Kinh, và ngài Đại Thừa Đăng (hay Đại Thừa Quang hay Phổ Quang) là vị Tăng Việt Nam thuộc hàng môn đệ và giúp ngài Huyền Trang nhuận bút các bản dịch từ Phạn sang Hán (theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát), v.v…

Hán Tạng đã được hình thành qua thời gian dài cả ngàn năm từ đầu kỷ nguyên tây lịch tới đời nhà Tống thế kỷ thứ 10 tây lịch. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu trong bài “Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh Hán Văn” đã cho chúng ta biết qua quá trình hình thành Đại Tạng Kinh chữ Hán như sau:

“Từ Hậu Hán (58 – 219) đến đời nhà Lương (502 – 556) trong khoảng 500 năm đã dịch được 419 bộ (theo Xuất Tam Tạng Ký của Lương Tăng Hựu). Ðến đời Tống Thái Tổ (917 Tây lịch) mới khởi sự gom tất cả bản kinh đã dịch rải rác đó đây lại khắc in thành Ðại Tạng kinh. Lần khắc kinh này xảy ra ở Thành đô đất Thục (Tứ Xuyên) nên gọi là Thục Bản Ðại Tạng kinh, trải qua 12 năm mới khắc xong, cộng được 5.000 quyển. Ðây là Ðại tạng kinh đầu tiên ở Tàu. Tiếp sau đó có các Ðại tạng kinh được khắc in như Ðông Thiền Tự Bản năm 1080, do trú trì chùa Ðông Thiền khắc in trong 24 năm, được 6.000 quyển, rồi đến Khai Nguyên Tự Bản khắc in năm 1112, Tư Khê Tự Bản (Triết Giang) khắc in năm 1132, Tích Sa Bản (Giang Tô) năm 1231 do Ni sư Hoằng Ðạo khắc in trong vòng 79 năm, Phả Ninh Tự Bản khắc in năm 1269, Hoằng Pháp Tự Bản (Bắc Kinh) khắc in năm 1277. Bản Cao Ly khắc in theo Thuộc Bản năm 1011 – 1047 và thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868 – 1912) tại Nhật có súc loát Ðại Tạng kinh và Tục Tạng kinh gồm 8.534 quyển.”

Nói về bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh của Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cho biết như sau:

“Trở lại vấn đề, chúng ta biết bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh do người Nhật biên tập dưới thời Đại Chánh xuyên suốt đến thời Chiêu Hoàng trải qua mười mấy năm. Họ tập hợp 100 Tiến Sĩ về văn học để tập hợp lại, soạn lại dựa trên bản Cao Ly, bản Tống. Các nhà biên tập này tiến hành dựa trên phương diện văn bản học, sửa những lỗi sai lầm bắt gặp chẳng hạn như với nội dung này thì bản Tống in như thế, chữ như thế nhưng bản Cao Ly in như thế và chữ như thế và người dịch sẽ chọn chữ đúng. Người ta tập hợp lại thành bản như ngày nay chúng ta có đó là bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tuy Đại Chánh (Taisho) là vị vua người Nhật, bộ này của người Nhật nhưng trong đó phân nữa là các bản Kinh của người Hán, dịch Phạn-Hán do các Phạn Tăng từ Ấn Độ qua và một số người Hán như Ngài Huyền Trang phiên dịch. Phần Nhật Bản là phần sớ giải được để dưới tên Tục Kinh Sớ Bộ tức là giảng các Kinh tiếp tục theo người Trung Hoa, cọng thêm Tục Luật Sớ Bộ và Tục Luận Sớ Bộ. Đây là bộ Đại Tạng chuẩn mực của thế giới mà chính người Trung Hoa không làm nổi.

“Vào khoảng 1950-1960, người Hoa in dưới tên Trung Hoa Đại Tạng Kinh và tách rời phần Trung Hoa và bỏ phần Nhật Bản (do vấn đề tác quyền chưa có).  Tuy nhiên, sau này, Nhật Bản yêu cầu giữ nguyên bản quyền với tên Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh và cả thế giới phải tuân theo. Đây được xem là nguồn tài liệu cơ bản và được xem là kho tàng chính yếu của Đại Thừa Phật Giáo.”

Đại Tạng Kinh tiếng Việt

Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát nhấn mạnh về nhu cầu dịch Đại Tạng Kinh sang tiếng Việt:

“Vì rằng cái cần thiết phải dịch ra tiếng Việt, để dân tộc mình có đọc, và biết. Kinh quá nhiều, phải học qua chữ Hán rồi đọc học kinh thì quá lâu. Nên từ xưa tổ tiên mình đã từng dịch mà mình mất.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng đã nói đến sự quan trọng của việc dịch Đại Tạng Kinh chữ Hán ra chữ Việt:

“Vấn đề phiên dịch Kinh điển ra tiếng Việt để phổ biến là điều bắt buộc. Chúng ta không thể sửa đổi lịch sử được, bắt buộc phải dùng tiếng Latinh là điều không thể chối cãi. cho dù đây là công cụ nô dịch cố đánh tan truyền thống dân tộc nhưng là lịch sử, và không ai có thể thay đổi lịch sử được. Vì lẽ đó, chúng ta phải dịch ra Tiếng Việt gọi là chữ quốc ngữ. Gọi là quốc ngữ cho dù không có gì là quốc gia trong đó. Đó là chữ La Mã chứ không phải chữ của dân tộc ta, chỉ có chữ Nôm mới chính là chữ của dân tộc ta. Từ thời kỳ Phật Giáo phục hưng, quý ngài đã cố gắng dịch Kinh Phật nhưng trong thực tế thì chỉ dùng trong việc tụng kinh cầu phước. Xét về phương diện chuẩn mực hàn lâm thì chưa đủ để nghiên cứu. Do bởi, quý ngài lúc xưa tự học chữ quốc ngữ nên lối dịch còn văn Hán rất nhiều, một phần không đủ sách để nghiên cứu đặc biệt là về tiếng Phạn.”

Trong bài viết “Giới Thiệu Công Trình Phiên Dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam,” Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát cho biết tổng quát về sự nghiệp phiên dịch Kinh điển ở Việt Nam như sau:

“Sự nghiệp phiên dịch Kinh điển ở nước ta được bắt đầu rất sớm, có thể trước cả thời Khang Tăng Hội, mà dấu vết có thể tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh. Ngôn ngữ phiên dịch của Khang Tăng Hội là Hán văn. Hiện chưa có phát hiện nào về các bản dịch Kinh Phật bằng tiếng quốc âm. Suốt trong thời kỳ Bắc thuộc, do nhu cầu tinh thông Hán văn như là sách lược cấp thời để đối phó sự đồng hóa của phương Bắc, Hán văn trở thành ngôn ngữ thống trị. Vì vậy công trình phiên dịch Kinh điển thành quốc âm không thể thực hiện. Bởi vì, công trình phiên dịch Tam tạng tại Trung Hoa thành tựu đố sộ được thấy ngày ngay chủ yếu do sự bảo trợ của triều đình. Quốc âm chỉ được dùng như là phương tiện hoằng pháp trong nhân gian.

“Cho đến thời Pháp thuộc, trước tình trạng vong quốc và sự đe dọa bởi văn hóa xâm lược, văn hóa dân tộc có nguy cơ mất gốc, cho nên sơn môn phát động phong trào chấn hưng Phật giáo, phổ biến kinh điển bằng tiếng quốc văn qua ký tự La-tinh. Từ đó, lần lượt các Kinh điển quan trọng từ Hán tạng được phiên dịch theo nhu cầu học và tu của Tăng già và Phật tử tại gia. Phần lớn các Kinh điển này đều thuộc Đại Thừa, chỉ một số rất ít được trích dịch từ các A-hàm. Dù Đại thừa hay A-hàm, các Kinh Luận được phiên dịch đều không theo một hệ thống nào cả. Do đó sự nghiên cứu Phật học Việt nam vẫn chưa có cơ sở chắc chắn.”

Dù trải qua nhiều thời kỳ có nhiều vị Tăng, Ni và cư sĩ đã dịch Kinh, Luật và Luận từ chữ Hán sang chữ Việt, nhưng như Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói ở trên là đa phần những bản dịch đó chưa đủ chuẩn mực hàn lâm để nghiên cứu. Nên việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam kỳ này là nhắm vào mục tiêu này để VN có được một bộ Đại Tạng Kinh có tầm vóc uy tín quốc tế.

Trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam trải qua nhiều triều đại, không phải chỉ chư Tăng, Ni mới thấy được tầm mức quan trọng của Đại Tạng Kinh, mà ngay cả các vị vua cũng nhìn thấy được điều này. Như Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã kể chuyện các vua nhà Tiền Lê và nhà Trần xem Đại Tạng Kinh như bảo vật:

“Bản thời nhà Trần viết bằng máu, Tam Tạng thời Vua Lê Đại Hành, Lê Long Đỉnh xin được Đại Tạng khắc bản của Triệu Khuôn Dẫn mà năm 972 VN đã gửi sứ qua xin đem về. Ngài Vạn Hạnh, Khuông Việt, Pháp Thuận đã đề xuất Vua Lê Đại Hành trong mối quan hệ ngoại giao thì xin TQ cấp cho Đại Tạng Kinh. Thư xin thì bây giờ không còn. Nhưng thư sau khi đánh thắng quân Nguyên 3 lần, bao nhiêu thơ văn do cụ Trần Nhân Tông ghi lại trong 23 lá thư, do chiến tranh đốt phá, đào mồ, giết người của các tướng giặc Nguyên. Sau khi kết thúc chiến tranh, lặp lại hoà bình thì một trong những chuyện đầu tiên phải làm đó là cụ Trần Nhân Tông gởi thư qua xin lại bộ Đại Tạng Kinh.

“Về rồi sau này cho khắc bản, mình cho nhập tạng. Tác phẩm Thượng Sĩ Ngữ Lục được nhập tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam. Thời đó các Vua, Quan, Công Thần, Hoàng tộc đã chích máu để viết kinh. Nhưng bây giờ mình không còn văn bản hay hiện vật do giặc Minh chiếm đóng đã đem phá hết, giờ mình không còn nữa.”

Còn một điều trọng đại khác nữa cho thấy việc có một Đại Tạng Kinh tiếng Việt là điều thật sự cần thiết để duy trì một Đạo Phật đúng nghĩa với chánh tín và chánh trí. Điều này đã được Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nhắc tới:

“Cái gì sai và mơ hồ thì lật Tam Tạng Thánh Điển ra để mà hiểu và làm lại cho đúng. Nên cần thiết đóng góp vào [việc dịch Đại Tạng Kinh] kể cả các cư sĩ cũng vậy. Cư sĩ muốn đóng góp cho quốc gia, xã hội, đất nước bằng sự hiểu biết của một người Phật tử thì cũng phải dựa trên Tam Tạng Thánh Điển. Trong giáo pháp, Đức Phật đã dạy cư sĩ tại gia phải sống đời như thế nào để phục vụ và hưởng thụ ngũ dục của người tại gia mà vẫn phục vụ được xã hội như một người tại gia mà vẫn đi vững vàng trên thánh đạo, thì đó là những lời Phật dạy rất rõ ràng.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ cũng cho biết cột mốc lịch sử quan trọng trong việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là việc Viện Tăng Thống GHPGVNTN đã quyết định thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng vào năm 1973:

“Cột mốc lịch sử là 1973, chư tôn trong Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống GHPGVNTN do Thượng Toạ Trí Quang làm Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, kế đến là Thượng Toạ Đức Nhuận, và Xử lý Viện Tăng thống là Hòa Thượng Đôn Hậu tức Ngài Linh Mụ, quyết định thành lạp Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng. Biên bản này đã đề cập trong tập Tài liệu Đại Hội hôm nay, cho thấy rõ tầm quan trọng trong vấn đề phiên dịch. Các quy định về nguyên tắc phiên dịch, nguyên tắc tổ chức lớn nhỏ ra sao cũng được nói rõ. Sư cụ Thiện Hoà cũng đã phát nguyện xây dựng một cơ sở riêng biệt cho Hội Đồng Phiên Dịch. Nơi đây, các vị dịch sư có thể sinh hoạt, cư trú và cúng dường đầy đủ tứ sự để chuyên tâm vào việc phiên dịch kinh điển. Song, chỉ là năm 1973, các năm sau đó thì công trình không thực hiện được.

“Đầu tiên là 10 vị Trưởng Lão trong Hội Đồng Trung Ương, sau đó bổ sung thêm 08 vị trong Hội Đồng Phiên Dịch, tổng cộng 18 vị. Hiện nay, chư vị đã viên tịch hết chỉ còn lại 1 vị mà thôi.” (Thực tế còn lại 2 vị là Hòa Thượng Thích Thanh Từ và Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Nhưng Hòa Thượng Thích Thanh Từ đang trong tình trạng bất hoạt nên chỉ còn Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ kế thừa sự nghiệp phiên dịch Tam Tạng.)

Ngày nay, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ thừa kế tâm nguyện của chư vị Trưởng Lão trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng năm 1973 để thành lập Ban Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, gồm HT Thích Tuệ Sỹ là Trưởng Ban, HT Thích Như Điển là Chánh Thư Ký, HT Thích Nguyên Siêu và HT Thích Thái Hòa làm Phó Thư Ký. Ban này sẽ hoạt động cho đến khi đủ cơ duyên để thành lập lại Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng chính thức như năm 1973.

Dịch Đại Tạng Kinh tiếng Việt để phục hưng văn hóa dân tộc

Có người sẽ hỏi việc dịch Đại Tạng Kinh có liên quan gì đến việc phục hưng văn hóa dân tộc? Để có thể trả lời câu hỏi này, trước hết nên biết qua ảnh hưởng của việc dịch Kinh Điển Phật Giáo lớn cỡ nào hay sâu rộng cỡ nào đối với nền văn hóa và nền văn học của một quốc gia.

Trong bài viết “Quá Trình Hình Thành Đại Tạng Kinh Hán Văn,” Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã nêu ra các ảnh hưởng của việc dịch Đại Tạng Kinh Trung Hoa ngày xưa. Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã trích thuật nhận xét của ông Lương Khải Siêu viết trong cuốn “Phật Học Nghiên Cứu Thập Bát Thiên” được xuất bản tháng 4 năm 1930 nói đến ảnh hưởng trên từ ngữ, ngữ pháp, văn thể và sự phát triển văn học của Trung Hoa.

“Việc dịch Kinh Phật đã kích thích cuộc cách mạng trong văn học Trung Hoa. Tập thơ dài đầu tiên trong các bài thơ cổ của Trung Hoa, tập “Khổng Tước Ðông Nam Phi” và những áng văn học thuật của Trung Hoa cận đại như tiểu thuyết, ca khúc đều chịu ảnh hưởng mật thiết từ lối văn dịch Kinh Phật, nhất là từ bộ “Phật Bổn Hạnh Tán” của Bồ-tát Mã Minh. Bộ này là một bản trường ca trên 30.000 tiếng, như là một bộ tiểu thuyết, đã lấy nguyên liệu từ bốn bộ A-hàm. Chính văn kinh Phật đã giúp cho giới văn nghệ Trung Hoa giàu khả năng tưởng tượng, cách tân bút pháp, như loại văn bạch thoại, các bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, Sưu Thần Ký, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng là những tác phẩm đã chịu ảnh hưởng không ít từ các bộ Ðại Trang Nghiêm Kinh Luận, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Ðại Bát Niết-bàn, cho đến các bản tập dịch, truyền kỳ, đan từ các trường thiên ca khúc từ đời Tống, Nguyên, Minh về sau, cũng đã gián tiếp chịu ảnh hưởng các bộ Phật Bổn Hạnh Tán, v.v…”

Hòa Thượng Thích Thiện Siêu cũng trích thuật nhận định của học giả Trung Hoa Hồ Thích cũng đồng tình với nhận định trên của Lương Khải Siêu:

“Hồ Thích, một học giả lớn hiện đại của Trung Hoa cũng có nhận định tương tự khi ông viết trong “Hồ Thích Văn Tồn” (và được dẫn bởi sách Phật Giáo Chính Tín của Thánh Nghiêm) như sau: “Trong các kinh do Cưu-ma-la-thập dịch có các bộ Kinh Kim Cang, Pháp Hoa và Duy-ma-cật được lưu hành rất rộng rãi và lâu dài, đã có ảnh hưởng không nhỏ trong giới văn học và mỹ thuật của Trung Hoa. Bộ kinh Pháp Hoa tuy không phải là tiểu thuyết, nhưng là cuốn sách có nhiều ý vị văn học, trong đó có một số truyện ngụ ngôn đẹp nhất trong văn học thế giới.”

Tại Hoa Kỳ, vào giữa thế kỷ thứ 19, Phong Trào Siêu Việt Mỹ (American Transcendentalism) là phong trào triết học, xã hội và văn học khởi đầu vào giữa thập niên 1830s tại New England ở Hoa Kỳ. Năm 1837, nhà văn người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) đã dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Anh Phẩm Dược Thảo Dụ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, là bản Kinh Phật đầu tiên được dịch và phổ biến tại Mỹ. Trong đó Thoreau lấy cảm hứng từ thí dụ lời Phật dạy như nước mưa tưới xuống cây cỏ tùy theo lớn nhỏ mà thọ dụng khác nhau cho quan điểm về môi trường thiên nhiên của ông.

Điều đó cho thấy rằng nếu có một bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt đầy đủ và chuẩn mực hàn lâm thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với mọi thành phần xã hội từ giới trí thức đến giới học thuật, tư tưởng, văn học và văn hóa của Việt Nam. Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã nói rằng:

“Về hiện trạng văn tự Việt Nam hiện tại đối với công tác phiên dịch rất cần thiết. Đối với người Nhật họ phải dịch ra để phổ biến, giới tri thức không rành chữ Hán cũng có điều kiện, có tài liệu để nghiên cứu. Ngay đối với những người học kinh tế hiểu sơ về chữ Hán nhưng khi cần tài liệu nghiên cứu về Kinh tế trong Phật giáo họ có thể đọc tài liệu tiếng Nhật và nếu cần đi sâu sẽ đi thẳng vào chữ Hán.”

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong Đại Hội Hội Đồng Hoằng Pháp cũng đã đề cập đến lý do vì sao Nhật Bản đã thực hiện bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh với sự góp mặt của 100 vị Tiến Sĩ. Theo Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Phật Giáo có một quá trình truyền bá lâu đời tại Nhật Bản, là cơ sở của chủ nghĩa dân tộc và đoàn kết quốc dân. Vì vậy, thực hiện bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh là tạo dựng vững chắc cho cơ sở chủ nghĩa dân tộc và đoàn kết quốc gia để họ vực dậy nội lực dân tộc. Sau đó triều đình phong kiến Nhật Bản tiến hành thực hiện giấc mộng Đại Đông Á để làm bá chủ Đông Nam Á. Nhưng khi tham vọng bá chủ xâm lược lên đến cao trào và bùng nổ ra trong Thế Chiến Thứ Hai, Nhật Bản đã bị khối đồng minh đánh bại.

Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ nhấn mạnh rằng việc dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam là để phục hưng những giá trị văn hóa dân tộc, để đóng góp vào việc phát triển đất nước. Thực tế lịch sử cho thấy rằng khi Phật Giáo hưng thịnh thì cũng là lúc đất nước cường thịnh, như Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã nói: “Phật Giáo gắn bó với dân tộc mình ngay từ đầu. Truyền thuyết về nguồn gốc người Việt Nam cũng có trong kinh Phật Giáo.” Kinh Phật Giáo mà Giáo Sư Trí Siêu nói đó chính là Lục Độ Tập Kinh của Khương Tăng Hội dịch vào thế kỷ thứ 3 tây lịch.

Để kết luận bài viết này, xin mượn lời của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát đã viết trong tác phẩm “Tổng Tập Văn Học Phật Giáo Việt Nam” Tập 1, Phần II về Khương Tăng Hội, Mục II Nghiên Cứu Về Lục Độ Tập Kinh, như sau:

“Lục Độ Tập Kinh còn là văn bản thiết định những chủ đề tư tưởng lớn của Phật Giáo Việt Nam, làm tiền đề cho những phát triển tư duy Phật Giáo Việt Nam, mà thành quả đầu tiên phát hiện cho đến nay là sáu lá thư trao đổi giữa Lý Miễu, Đạo Cao và Pháp Minh vào khoảng những năm 450.”

Đó chính là lý do tại sao, việc thực hiện bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam có vai trò quan trọng và cấp bách trước sự lung lay của nền Phật Giáo truyền thống và sự phá sản của nền văn hóa khai phóng, độc lập, tự chủ và nhân bản của dân tộc Việt Nam.

Ảnh bìa: HT Thích Tuệ Sỹ thuyết trình trong đại hội (Ảnh chụp màn hình Zoom).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận