Cảm tưởng của nữ văn sĩ Nhã Ca tại Lễ giới thiệu Đại Tạng Kinh Việt Nam

Trân Trọng Đảnh Lễ,
Kính mừng “Đại Tạng Kinh Việt Nam,”

Kính bạch chư tôn Trưởng Lão, chư Hòa Thượng, chư Thượng Tọa, chư Đại Đức Tăng Ni
Kính thưa chư vị Quan Khách, cùng chư Phật Tử thân kính

Kính chào Quí Vị,
Để có được ngày này, tôi xin tán thán công đức các vị trong Hội Đồng Hoằng Pháp.

Và thưa hai vị thầy Trí Siêu – Tuệ Sỹ,
Với lòng biết ơn, xin được cùng hướng về vị thầy chung của chúng ta: Hòa thượng Thích Trí Thủ, người một đời tận hiến cho sự nghiệp đào tạo tăng tài và ước mơ thực hiện Đại Tạng Kinh cho Phật giáo Việt Nam.

Từ buổi đầu của thế kỷ trước, năm 1922, có chàng thiếu niên được vào chùa Hải Đức tại Huế tu học. Khi thọ giới tì kheo, trong số 300 giới tử, chàng trúng tuyển Thủ Sa Di -thủ khoa. Nhờ vậy có pháp hiệu Trí Thủ.

Năm 1939, với việc thành lập Ni trường chùa Từ Đàm, cơ sở khởi duyên Ni bộ đầu tiên trong cả nước, Hòa thượng Trí Thủ đã là vị thầy đặc trách việc đào tạo Ni chúng. Năm 1942, khi là trú trì chùa Báo Quốc, Ngài thành lập Phật học đường Trung Việt tại đây.

Từ 1951, khi đã là hội trưởng hội Việt Nam Phật Học, Hòa thượng Trí Thủ trở thành người đầu tiên vận động thành công việc thống nhất Phật giáo cả nước. Ngày 6 tháng 5, năm 1951, một đại hội Phật giáo ba miền Nam, Trung, Bắc họp tại chùa Từ Đàm đã quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Năm 1951 cũng là năm sinh hoạt thanh thiếu niên Phật giáo có danh xưng chính thức là “Gia Đình Phật Tử.” Nhân dịp này, dù chỉ là một đồng nữ, tôi đã có dịp cùng một số huynh trưởng làm công việc tiếp tân tại đại hội thống nhất và xúc động biết bao khi thấy Ôn Tường Vân tức Hòa Thượng Tịnh Khiết được tôn xưng là Hội Chủ Tổng Hội.

Sang năm 1952, cùng với buổi lễ thật vui khi Hòa Thượng Trí Thủ đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi trường Bồ Đề trong Thành Nội, chúng tôi còn có thêm buổi sụt sùi tiễn đưa hai chú Minh Châu – Trí Không lên đường đi du học Ấn Độ và Anh Quốc. Từ đó, hầu như suốt thời là con bé đồng nữ, tôi thấy mình luôn loanh quanh trong chùa Từ Đàm, nhiều phen nghịch phá mà không bị trừng phạt.

Sau khi đất nước bị chia đôi năm 1954, thời thế đổi thay. Phật học đường Trung Việt có thêm trụ sở Hải Đức ở Nha Trang, Phật học viện Phổ Đà ở Đà Nẵng. Rồi thêm chùa Già Lam ở SàiGòn – Gia Định. Sau một thời pháp nạn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, Hòa thượng Trí Thủ trở thành Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp, kiêm Tổng vụ Tài chánh.

Năm 1964, khi những tăng tài du học trở về, giáo hội đã có thể chính thức vận động thành lập Viện Đại Học Phật giáo. Trong khi chờ giấy phép, bắt đầu bằng viện Cao Đẳng Phật học đặt tại chùa Pháp Hội. Viện trưởng: Thích Trí Thủ. Phó viện trưởng: Thích Minh Châu. Các vị Giáo Thọ: Thiên Ân, Mãn Giác, Nhất Hạnh. Sang năm 1965, viện cao đẳng Phật học chính thức thành Đại học Vạn Hạnh. Nơi tôi được gặp lại chú Minh Châu năm xưa là văn phòng viện trưởng Đại Học tại đường Trương Minh Giảng. Sang năm thứ 10, (1964- 1974) Vạn Hạnh có tới mười ngàn (10,000) sinh viên. Đây là lúc Viện Tăng Thống chính thức thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng năm 1973.

Nhưng rồi sau biến cố năm 1975, thêm một lần thời thế đổi thay. Viện Đại Học Vạn Hạnh cũng như mọi cơ sở của giáo hội đều bị trưng thu hay quản chế nghiêm ngặt.

Trong những ngày tháng cuối cùng của Bổn Sư chúng tôi, Ôn Trí Thủ, luôn ưu tư về sự nghiệp đào tạo tăng tài để kế thừa hoàn tất sự nghiệp phiên dịch Tam Tạng.

Vào một đêm khuya, lúc 3 giờ sáng, tại chùa Già lam, Ôn đã cho gọi thầy Tuệ Sỹ qua uống trà vào thảo luận về hiện tình giáo hội. Thầy Tuệ Sỹ thưa: Ôn nhìn xuống còn có con, con nhìn xuống không còn ai. Câu chuyện lúc 3 giờ sáng đề cập tới tình thế khó khăn trong việc đào tạo và kế thừa. Đây là lúc vị hòa thượng phát biểu câu nói lịch sử: Tôi sẽ chịu mọi thứ cực nhục để các thầy có thể làm việc được.

Và hôm nay, hội đồng phiên dịch tam tạng đang được kế thừa, thành tựu sơ bộ được công bố. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ không quên vì sự tồn vong của đạo pháp và dân tộc mà một vị cao tăng suốt đời không màng danh lợi đã chịu nhục trươc dư luận người đời cho rằng đã khuất thân trước bạo lưc, nhưng ngài đã dùng cái danh hư ảo của thế tục lót đường cho thế hệ kế thừa vượt qua mọi áp bức để đứng thẳng mình lên kế thừa sự nghiệp của các bậc sư trưởng.

Sách “Tiểu Sử Danh Tăng Việt Nam Thế Kỷ XX” phần viết về Hòa Thượng Trí Thủ có câu “Ngài là thuyền Bát Nhã đưa Phật giáo Việt Nam bước qua lịch sử và làm nên lịch sử.”

Vâng, con thuyền ấy vẫn tiếp tục cuộc hành trình lịch sử và chờ được mang theo công trình tương lai: Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Nhà văn Nhã Ca.

Thưa quí vị
Thưa thầy Tuệ Sỹ,

Từ năm 1975 tới nay đã gần 50 năm. Đã lâu, chúng ta chưa có dịp gặp lại. Vườn chùa cũ đã xa. Một mình với quê hương tù ngục rồi lưu lạc, tôi nhớ mình nhiều lần kêu “Ôn ơi, Ôn ơi!” Kêu Ôn ơi Ôn ơi sau khi người từ trần đột ngột tháng Năm năm 1984. Kêu Ôn ơi ôn ơi bên khu mộ trong vườn chùa Già Lam khi từ giã quê hương. Kêu Ôn ơi ôn ơi một ngày tháng Chín năm 1988 khi nhận tin hai thầy Trí Siêu Tuệ Sỹ lãnh án tử hình ở quê nhà.

Và hôm nay, ngay ít phút mới đây từ quê hương Thụy Điển, thêm một lần “Ôn ơi, Ôn ơi” trước khi được cho nói lời mừng kế thừa Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Mong sớm được cùng nhau tưởng nhớ.

Xin tạ ơn Quí thầy và kính chào quí vị.

Nguyên Hạnh – Nhã Ca

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận