Mỗi khi đọc Lại-Tra-Hòa-La trong kinh Trung A Hàm 1 thì lúc nào tôi cũng liên tưởng đến nhân vật Siddharta trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông (do Phùng Khánh và Phùng Thăng dịch) của Hermann Hesse. Và tôi vẫn nghĩ rằng thế nào thì Hermann Hesse cũng có đọc Trung A Hàm, vì đọc tiểu sử của văn hào Đức từng đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1946 này thì ta được biết rằng cha của Hermann Hesse đã từng sống ở Ấn Độ trong ba năm với tư cách một nhà truyền giáo và quan trọng hơn nữa là cha của mẹ ông là tiến sĩ Hermann Gundert, một người rất thông thái về tư tưởng Ấn Độ lại có cả một thư viện lớn về Ấn Độ học. Tiểu sử cũng cho biết rằng Hermann Hesse đã từng chôn vùi tuổi trẻ của mình trong thư viện này.
Dù chi tiết có nhiều điểm khác nhau nhưng Lại-Tra-Hòa-La và Siddharta có điểm giống nhau là cả hai đều sanh ra trong gia đình quí tộc của xã hội Ấn Độ đương thời.
Nếu Hermann Hesse đã để cho nhân vật chính của mình là Siddharta mỗi lần dạo bước qua phố phường với vầng trán vương giả đã khiến cho các cô gái quí tộc Bà La Môn thấy lòng mình rộn lên niềm yêu thương thì Lại-Tra-Hòa-La cũng thế, khi các bạn biết Lại-Tra-Hòa-La có ý định từ bỏ gia đình để theo chân Đức Phật thì các bạn đã khuyên Lại-Tra-Hòa-La như thế này:
“Lại-Tra-Hòa-La con trai cư sĩ, người bạn mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường nằm ngồi trên giường tốt, nay bạn không biết khổ sao? Lại-Tra-Hòa-La, bạn hãy mau đứng dậy sống với đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì sao ? Lại-Tra-Hòa-La, cảnh giới của Đức Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng khó hơn.” Và cũng như Siddharta của Hermann Hesse đã phải cầu xin cha nhiều lần để được rời gia đình theo các Sa Môn nhưng lần nào cũng bị cha từ chối, Siddharta phải áp lực cha mình bằng cách quì suốt đêm cho đến khi nào cha chấp thuận thì mới đứng dậy. Cuối cùng cha của Siddharta đã miễn cưỡng chấp nhận để Siddharta ra đi. Cũng vậy, Lại-Tra-Hòa-La cũng phải khẩn khoản cầu xin cha mẹ đến những ba lần với lời thưa thống thiết như thế này :
“Thưa cha mẹ, như con biết đối với giáo pháp mà Đức Phật đã dạy, nếu con sống tại gia đình, bị tù hãm trong những sự phiền toái, không thể trọn đời thanh tịnh tu hành phạm hạnh được. Cúi xin cha mẹ cho con ở trong chánh pháp luật này mà chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo.” Và cả ba lần Lại-Tra-Hòa-La đều bị từ chối với lí lẽ “Lại-Tra-Hòa-La, cha mẹ chỉ có một mình con hết sức yêu thương chiều chuộng, lòng những quyến luyến không kể xiết. Giả sử con có chết đi, cha mẹ còn không muốn rời bỏ, huống gì con sống mà lỡ xa lìa, không nhìn thấy được mặt sao?”.
Và cuối cùng cũng như Siddharta của Hermann Hesse, Lại-Tra-Hòa-La đã phải áp lực cha mẹ bằng cách “ liền vật mình xuống đất rồi nói: Từ nay con không đứng dậy, không uống, không ăn, cho đến khi nào cha mẹ cho con ở trong chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo”. Cứ như vậy Lại-Tra-Hòa-La “ trải qua một ngày không ăn, cho đến hai ngày, ba ngày, bốn ngày, nhiều ngày không ăn”. Dù đã hết lời năn nỉ, nhưng Lại-Tra-Hòa-La lại lặng im không đáp. Sau đó, cha mẹ Lại-Tra-Hòa-La phải nhờ bà con và cả các quan lại địa phương đến khuyên bảo nhưng Lại-Tra-Hòa-La vẫn nằm im bất động. Cuối cùng, phải nhờ đến các bậc thiện tri thức và bạn bè nhưng vẫn không lay chuyển được ý chí sắt đá của Lại-Tra-Hòa-La. Sau cùng các vị thiện tri thức đưa ra đề nghị với cha mẹ Lại-Tra-Hòa-La : “ Hai bác nên cho Lại-Tra-Hòa-La ở trong chánh pháp luật này chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Nếu anh thích sống như vậy, thì ngay trong đời này còn có thể gặp nhau. Nếu anh ấy chán cảnh sống nơi ấy thì tự nhiên sẽ trở về lại với cha mẹ. Bây giờ nếu không cho anh ấy đi, nhất định anh ấy sẽ chết, không nghi ngờ gì nữa, như thế có ích gì? ” Và cha mẹ Lại-Tra-Hòa-La không còn cách nào hơn là phải đồng ý với đề nghị này và “ Lại-Tra-Hòa-La nghe vậy, vui mừng khôn tả, hân hoan, sinh ái, sinh lạc, bèn đứng dậy, dần dần bồi dưỡng thân thể. Khi thân thể đã bình phục, liền rời khỏi thôn Thâu-Lô-Tra, đi đến chỗ Phật cúi sát chân Phật và bạch rằng :
“Bạch Đức Thế Tôn, cha mẹ đã cho con ở trong pháp luật này, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo. Ngưỡng mong Thế Tôn cho con theo Thế Tôn xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, được làm Tỳ Kheo.”
Và cuối cùng thì có sự khác nhau giữa Siddharta của Hermann Hesse và Lại-Tra-Hòa-La của Trung A Hàm là, Siddharta sau khi đã gặp Đức Phật thì Siddharta biết chắc rằng đây là con người vĩ đại đầu tiên và cũng là cuối cùng mà mình đã gặp. Thế nhưng Siddharta vẫn phải từ giã Đức Phật để ra đi tìm kiếm trong cô độc, còn Lại-Tra-Hòa-La thì chấp nhận ở lại dưới cái bóng vĩ đại ấy.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La sau khi xuất gia học đạo, thọ giới cụ túc, sống cô độc ở nơi xa vắng, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn. Ngài đạt đến mục đích mà một thiện nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo, là chỉ cầu hoàn thành vô thượng phạm hạnh, ở ngay đời hiện tại này tự tri, tự giác, tự chứng ngộ, thành tựu an trụ, biết như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.”
Khoảng mười năm sau khi đắc quả giải thoát, một hôm Lại-Tra-Hòa-La chợt nhớ đến cha mẹ và lời hứa năm xưa nên Lại-Tra-Hòa-La xin Đức Phật trở về lại quê quán để thực hiện trọn vẹn lời hứa đó. Được Đức Phật cho phép, Lại-Tra-Hòa-La liền lên đường trở về quê. Khi Lại-Tra-Hòa-La về đến làng thì trời đã tối nên Lại-Tra-Hòa-La quyết định nghỉ qua đêm tại khu vườn Thi Nhiếp Hòa nằm phía Bắc thôn Thâu-Lô-Tra.
Sáng hôm sau, như thường lệ, Lại-Tra-Hòa-La đắp y mang bình bát vào làng để khất thực. Lại-Tra-Hòa-La nhớ lại lời căn dặn của Đức Phật là khi đi khất thực thì không được phân biệt giàu nghèo, mà phải thứ tự từ nhà này sang nhà khác. Khi Tôn Giả Lại-Tra-Hòa-La đến trước của nhà mà Tôn giả đã sanh ra và lớn lên thì “lúc ấy cha của Tôn giả đứng trong cửa, đang chải tóc cạo râu thì chợt thấy một Sa môn mang y bát bước vào thì ông lập tức quát mắng một cách thậm tệ: “Sa môn trọc đầu này bị quỷ đen trói chặt, tuyệt chủng không con cái, phá hoại gia đình ta. Ta có một đứa con hết sức thương yêu, chiều chuộng, lòng những quyến luyến không thể nào kể xiết, thế mà nó dẫn đi mất-đừng cho nó ăn”.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La nghe cha mình chửi mắng như vậy thì vội vàng bỏ đi nhưng “lúc đó người nô tì trong nhà xách một giỏ đồ ăn thiu thối, định vất vào đống rác” thì Lại-Tra-Hòa-La liền lên tiếng: “Này cô em, nếu đồ ăn thiu thối này đáng bỏ đi thì nên bỏ vào bình bát của tôi, tôi sẽ ăn”. Trong khi đổ đồ ăn vào bình bát người nô tì chợt nhận ra rằng, đây không phải là một Sa môn nào xa lạ, mà chính là Lại-Tra-Hòa-La con của ông chủ nhờ cô nhận ra bàn tay và đôi chân nhất là giọng nói.
Lập tức người nô tì vào nhà báo cho ông chủ mình biết, ông chủ mừng quá nhưng khi ra đến nơi thì “thấy Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La đang ngồi quay mặt vào vách ăn đồ thiu thối” mà người nô tì vừa đổ vào bình bát cho Tôn giả.
Khi nhìn thấy cảnh xót xa này thì người cha liền lên tiếng: “Lại-Tra-Hòa-La con, người con rất mềm mại, thân hình đẹp đẽ, thường ăn thức ngon. Tại sao nay con lại ăn đồ thiu thối như thế này ? Và vì lẽ gì con đã về đến thôn Thâu-Lô-Tra này mà không về nhà cha mẹ”.
Tôn giả trả lời bằng cách nhắc lại lời chửi bới của người cha khi Tôn giả đứng trước cửa nhà mình: “Thưa cư sĩ, con đã vào nhà cha, nhưng không được bố thí mà lại còn bị rủa xả rằng “Sa môn trọc đầu này bị quỷ đen trói chặt, tuyệt chủng không có con cái, phá hoại gia đình ta, ta có một đứa con hết sức thương yêu chiều chuộng lòng những quyến luyến không kể xiết thế mà nó dẫn đi mất, đừng cho nó ăn”. Con nghe như vậy nên vội vàng bỏ đi.
Khi nghe con mình nhắc lại những lời đau đớn này thì người cha liền xin lỗi và mời Lại-Tra-Hòa-La vào nhà rồi bảo vợ lo cơm nước để đãi Lại-Tra-Hòa-La. Nhưng khi cơm nước xong, mẹ của Lại-Tra-Hòa-La không mời con mình ăn mà “bà liền mang tiền bạc ra để giữa nhà một đống lớn. Đống tiền lớn đến nỗi một người đứng bên này, một người đứng bên kia không trông thấy nhau. Dồn một đống lớn xong bà đi đến trước mặt Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La nói:
“Đây là phần tiền của mẹ, còn phần tiền của cha con thì nhiều vô lượng trăm ngàn, không thể tính được. Nay giao hết cho Lại-Tra-Hòa-La con, con nên xả giới bỏ đạo, sống đời dục lạc mà bố thí, sung sướng tu phước nghiệp. Vì sao như vậy? Vì cảnh giới của Thế Tôn rất khó, rất khó! Xuất gia học đạo lại càng khó hơn”.
Nhìn đống vàng bạc Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La muốn thưa với mẹ mình một lời nhưng không biết mẹ mình có đủ bình tĩnh để đón nhận một sự thật mà đối với những người đang tham đắm như cha mẹ mình có chịu nhận ra sự thật hay không ? Nhưng rồi cuối cùng Lại-Tra-Hòa-La vẫn quyết định nói lên sự thật dù sự thật đó có làm đau lòng cha mẹ mình đến đâu đi nữa. Lại-Tra-Hòa-La cẩn thận thưa trước với mẹ:
“Con nay có một điều muốn nói, mẹ có chịu nghe không?”
Bà mẹ đáp:
“Này con, có điều gì con cứ nói, mẹ sẵn sàng lắng nghe.”
Tôn giả lễ phép thưa với mẹ:
“Mẹ nên may bao vải mới, đựng đầy tiền, dùng xe chở đến sông Hằng, đổ xuống chỗ sâu. Vì sao vậy? Vì do tiền này làm cho con người lo khổ, sầu thương, khóc lóc, không được an vui.”
Thấy tiền bạc không dụ dỗ được thì bà bèn dùng nữ sắc bằng cách xúi giục những người vợ cũ của Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La đến quyến rũ Tôn giả. Bà bày mưu tính kế cho các cô dâu cũ của mình: “Các con ơi, các con nên dùng ngọc anh lạc. Trước khi trang điểm thân thể, thứ ngọc ngà mà Lại-Tra-Hào-La lúc ở nhà rất ưa thích, dùng thứ anh lạc này trang điểm rồi các con cùng nhau đến Lại-Tra-Hòa-La, mỗi đứa ôm chân mà nói rằng: “Không biết Hiền lang có thiên nữ nào đẹp hơn tôi mà khiến cho Hiền lang bỏ tôi để tu hành phạm hạnh vì nàng?”
Các cô dâu cũ sau khi làm theo lời dặn của mẹ chồng nghĩa là trang điểm sửa soạn rồi thì đồng loạt đến trước Tôn giả Lại-Tra-Hào-La ôm chân Tôn giả mà nhắc lại lời mẹ chồng đã bày.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La nghiêm chỉnh đáp lại lời các cô vợ cũ của mình rằng:
“Này các cô em, các cô nên biết, tôi không vì thiên nữ mà tu phạm hạnh. Sở dĩ tôi tu phạm hạnh là để đạt được quả vị giải thoát. Nay tôi đã đạt được mục đích ấy. Những điều Phật dạy, nay tôi đã làm xong.”
Mặc cho các cô vợ cũ trách móc, Lại-Tra-Hòa-La quay sang phía cha mẹ mà thưa rằng:
“Thưa cư sĩ, nếu có thí cơm đúng giờ thì nên thí, tại sao phải làm phiền với nhau?”
Cha mẹ Lại-Tra-Hòa-La liền đứng dậy đích thân mời Lại-Tra-Hòa-La thọ thực. Sau khi thọ thực xong, Lại-Tra-Hòa-La bèn dùng Vô Lượng Phương Tiện để thuyết pháp cho cha mẹ. Rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, Lại-Tra-Hòa-La nói lên bài kệ như thế này:
Hãy nhìn hình bóng trang sức này
Trân bảo ngọc ngà và các thứ
Tóc uốn lượn buông xuôi phía hữu
Nốt ruồi xanh, mắt kẻ, mi dài
Trò dối trá gạt người si dại
Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!
Với bao nhiêu gấm vóc lụa là
Mong làm đẹp thân hình xú uế
Trò dối trá gạt người si dại
Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!
Và bao nhiêu hương liệu bôi xoa
Châm chấm điểm phấn vàng son đỏ
Trò dối trá gạt người si dại
Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!
Áo tịnh diệu trang hoàng thân thể
Những nguyên hình huyễn hoặc còn trơ
Trò dối trá gạt người si dại
Nhưng lừa sao được kẻ sang bờ!
Khi nai đã đạp tan lưới bẫy
Và phá tung cổng nhốt một đời
Ta bỏ lại miếng mồi, đi mất
Ai yêu gì trói buộc thân nai.
Vậy là chỉ trong một bài tụng ngắn gọn Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La đã nói lên tất cả cái lố bịch mà cha mẹ của Tôn giả đã bày trò từ khi Tôn giả bước vào nhà cho đến khi Tôn giả ra đi.
“Kinh nói rằng sau khi nói xong bài tụng Lại-Tra-Hòa-La đã “ dùng như ý túc nương hư không mà đi”. Tôn giả về lại rừng Thâu-Lô-Tra, đi vào rừng, trải ni sư đàn ngồi kiết già dưới gốc cây Tì Hê Lặc.
Việc Lại-Tra-Hòa-La một người trẻ tuổi giàu có đi theo Đức Phật chẳng những đã gây xúc động lớn trong dân chúng ở thôn Thâu-Lô-Tra mà còn cả đến vị vua đang cai trị ở vùng đất này có tên là Câu-Lao-Bà nữa. Khi nghe tin Lại-Tra-Hòa-La đã về lại nguyên quán Câu-Lao-Bà rất đỗi vui mừng liền ra lệnh các thợ săn hãy đi tìm Lại-Tra-Hòa-La đang dừng chân ở đâu, để Câu-Lao-Bà đến thăm viếng. Những người thợ săn sau khi dò biết Tôn giả đang ở trong rừng Thâu-Lô-Tra, trải tọa cụ ngồi kiết già dưới cây Tì-Hê-Lặc thì nhà vua lập tức truyền lệnh sửa xa giá để tự mình đích thân đến rừng Thâu-Lô-Tra yết kiến Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La.
Khi thấy vua Câu-Lao-Bà đến nơi, Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La nói:
“Đại vương, nay đến đây, muốn ngồi đâu tự nhiên ngồi thì ngồi, có được chăng?
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Hôm nay, tuy tôi đến bờ cõi của mình, nhưng ý tôi muốn thiện nam tử Lại-Tra-Hòa-La mời tôi ngồi”.
Tôn giả liền mời vua Câu-Lao-Bà:
“Đây có chỗ ngồi riêng, xin mời đại vương ngồi”.
Sau khi đã ngồi xuống, nhà vua liền nói lên sự thắc mắc của mình về việc xuất gia học đạo của Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La.
Nhà vua hỏi:
“Có phải Ngài vì gia đình suy sụp mà xuất gia học đạo chăng? Nếu vì không có tài vật nên sống đời học đạo thì này Lại-Tra-Hòa-La trong nhà của Câu-Lao-Bà vương giả này có nhiều tài vật, tôi sẽ xuất tài vật cho Lại-Tra-Hòa-La, khuyên Lại-Tra-Hòa-La xả giới bỏ đạo, sống đời dục lạc mà bố thì, tùy ý tu phước nghiệp. Vì sao như vậy? Lại-Tra-Hòa-La, giáo pháp của Thế Tôn rất khó, xuất gia học đạo lại càng khó hơn”.
Tôn giả Lại-tra-Hòa-La sau khi nghe xong, nói rằng:
“Đại vương, nay bằng sự bất tịnh mà mời tôi, không phải bằng sự thanh tịnh mà mời.”
Vua Câu-Lao-Bà hỏi lại:
“Tôi phải làm sao để thỉnh mời Lại-Tra-Hòa-La bằng sự thanh tịnh không phải bằng sự bất tịnh?”
Tôn giả đáp:
“Đại vương, nên nói như thế này: “nhân dân trong nước tôi an ổn, sung sướng, không có việc kinh sợ, không có đấu tranh, không có hà khắc, không có nô dịch, lúa gạo đầy đủ, khất thực dễ dàng, Lại-Tra-Hòa-La sống trong nước tôi, tôi sẽ ủng hộ như pháp. Đại vương, nói như vậy gọi là bằng sự thanh tịnh mà mời tôi, không phải bằng sự bất tịnh mà mời.”
Như vậy, qua câu nói của Lại-Tra-Hòa-La ta thấy rằng A La Hán (của Tiểu thừa) hay Bồ Tát (của Đại thừa) đều không có gì khác nhau nghĩa là cả Tiểu thừa và Đại thừa đều đặt sự an lạc của chúng sanh trên sự an lạc của riêng mình. Nói cách khác, ngày nào còn có một chúng sanh đau khổ, bị ngược đãi hay bị đối xử một cách hà khắc thì ngày đó các bậc A La Hán hay Bồ Tát đều không thể an nhiên hưởng bất cứ sự an lạc riêng tư nào cho chính bản thân mình.
Việc một thanh niên trẻ tuổi từ bỏ giàu sang phú quí để theo Đức Phật đã khiến vua Câu-Lao-Bà phải đi đến quyết định là nhà vua thấy có bổn phận phải lên tiếng bác bỏ tất cả những luận điệu xuyên tạc mà xã hội Ấn Độ đương thời đã nêu ra đối với những người trẻ tuổi như Lại-Tra-Hòa-La:
“Lại nữa, Lại-Tra-Hòa-La có bốn trường hợp suy vi, do suy vi nên cạo bỏ râu tóc, mặc áo cà sa, sống không gia đình học đạo. Những gì là bốn? Đó là bệnh suy, lão suy, tài sản suy, và thân tộc suy.”
Sau đó vua Câu-Lao-Bà đã giải thích rõ ràng từng trường hợp và đi đến kết luận người thanh niên trẻ tuổi Lại-Tra-Hoa-La không có bất cứ một trường hợp suy vi nào trong bốn trường hợp trên:
“Lại-Tra-Hòa-La, thế nào là bệnh suy ? Hoặc có người thường xuyên bị bệnh, bệnh tật rất nặng, quá đau đớn, người ấy nghĩ rằng: “Ta trường kỳ bị bệnh, bệnh tật rất nặng, quá đau đớn. Ta thật có dục vọng nhưng không sống đời dục lạc được. Nay ta cạo bỏ râu tóc (…). Đó gọi là bệnh suy.
“Lại-Tra-Hòa-La, thế nào là lão suy ? Hoặc có người tuổi già, các căn đều suy yếu, tuổi thọ gần hết, ta thật có dục vọng, nhưng không thể sống đời dục lạc được, ta nay nên cạo bỏ râu tóc (…). Đó gọi là lão suy”.
“Lại-Tra-Hòa-La, thế nào tài sản suy ? Hoặc có người bần cùng cô thế,người ấy nghĩ rằng: “ Ta bần cùng cô thế, nên phải cạo bỏ râu tóc(…). Đó gọi là tài sản suy.”
“Lại-Tra-Hòa-La, thế nào gọi là thân tộc suy? Hoặc có người bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai, người ấy nghĩ rằng: “ Ta nay bà con tuyệt tự, chết tuyệt, không còn một ai. Ta nay nên cạo bỏ râu tóc (…). Đó gọi là thân tộc suy.”
Và vua Câu-Lao-bà xác nhận một nữa rằng, Lại-Tra-Hòa-La không có bất cứ một sự suy vi nào trong bốn trường hợp suy vi trên:
“Lại-Tra-Hòa-La, khi xưa không bệnh hoạn, an ổn trọn vẹn, đường tiêu hóa điều hòa, không lạnh không nóng, bình chánh an lạc, thuận hòa không tranh chấp. Do đó, các thứ đồ ăn dù mềm hay cứng đều được dễ dàng tiêu hóa, an ổn. Như vậy Lại-Tra-Hòa-La chẳng phải vì bệnh suy mà cạo bỏ râu tóc…”
“Lại-Tra-Hòa-La, khi xưa vào tuổi niên thiếu, tóc đen óng mượt, thân thể khỏe mạnh, rồi xướng ca tấu nhạc, mặc tình thỏa thích. Lại chưng diện thân thể, thường thích dạo chơi. Lúc ấy bà con không ai muốn để Ngài xuất gia học đạo, cha mẹ khóc lóc, lo sầu cũng không muốn Ngài lìa bỏ gia đình. Nhưng Ngài đã cạo bỏ râu tóc…”
“Lại-Tra-Hòa-La ở trong thôn Thâu-Lô-Tra này, về phần tài vật, gia đình Ngài là đệ nhất, là tối đại, là tối thắng, là tối thượng, như vậy Lại-Tra-Hòa-La không vì tài sản suy mà xuất gia học đạo.”
“Lại-Tra-Hòa-La ở trong thôn Thâu-Lô-Tra này, các bà con giàu có đều còn sống. Như vậy Lại-Tra-Hòa-La không phải vì thân tộc suy mà đi học đạo.”
Như vậy, vì nguyên nhân nào khiến Lại-Tra-Hòa-La quyết định từ bỏ tất cả để xuất gia học đạo? Đây là lời giải thích của chính Lại-Tra-Hòa-La cho vua Câu-Lao-Bà :
“Này đại vương, Thế Tôn là đấng đã biết, đã thấy, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, đã thuyết giảng bốn sự. Tôi chấp nhận điều ấy, tôi thấy, nghe, hiểu biết điều ấy, nên tôi tự nguyện sống không gia đình học đạo.”
Những gì là bốn ?
“Đại vương, thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa. Thế gian này nhất thiết phải đi đến sự già nua. Thế gian này không thường, cần phải bỏ đi. Thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của ái.”
Vua Câu-Lao-Bà hỏi:
“Lại-Tra-Hòa-La, như ngài vừa nói “thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa”. Nhưng Lại-Tra-Hòa-La tôi có con, cháu, anh, em, bè đảng, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân, thảy đều giỏi bắn, giỏi chống cự, nghiêm nghị, dũng mãnh như vương tử, lực sĩ, lại có người xem tướng, có kẻ bày mưu, có người tính toán, có kẻ thông hiểu điển sách, có người giỏi đàm luận, có quân thần, có quyến thuộc, người trì chú, kẻ biết chú, bất cứ phương nào có sự khủng bố thì có kẻ chế phục, ngăn cản. Nếu như Lại-Tra-Hòa-La nói “thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa” thì này Lại-Tra-Hòa-La nói như thế có nghĩa là gì ?”
Lại-Tra-Hòa-La đáp:
“Đại vương, bây giờ tôi hỏi Ngài xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời, Đại vương thân này có bệnh không?”
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Lại-Tra-Hòa-La, nay thân này của tôi thường có phong bệnh.”
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La hỏi:
“Đại vương, khi phong bệnh bộc phát rất trầm trọng, rất đau đớn, thì này đại vương, lúc ấy có thể bảo bọn con cháu, anh em, họ hàng thân thích, tượng quân, xa quân, mã quân, bộ quân, thảy đều giỏi bắn, giỏi chống cự, nghiêm nghị, dũng mãnh như vương tử, lực sĩ, Bát La Khiên Đề, Ma Ha Năng Già, kẻ xem tướng, kẻ bày mưu,người tính toán, kẻ thông hiểu hiển sách, người giỏi luận đàm, quân thần, quyến thuộc, kẻ trì chú, người biết chú rằng: “ Các người hãy đến, tạm thời thay thế ta chịu sự khổ sở đau đớn để ta khỏi bệnh, an lạc, được chăng?”.
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Không thể được. Vì sao vậy? Tôi tự gây nghiệp, nhân bởi nghiệp, duyên bởi nghiệp, riêng một mình tôi chịu khổ đau đớn”.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La lại nói:
“Đại vương, thế cho nên đức Thế Tôn dạy rằng: “ Thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó, tôi thấy, tôi nghe, hiểu biết điều đó nên quyết chí xuất gia học đạo.”
Vua Câu-Lao-Bà lại nói rằng:
“Đại vương. thế gian này không được bảo vệ, không đáng nương tựa”-Này Lại-Tra-Hòa-La, tôi cũng muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao vậy? Thế gian này quả thực không được bảo vệ, không đáng nương tựa.”
Vua Câu-Lao-Bà lại hỏi:
“Như Lại-Tra-Hòa-La đã nói “Đại vương, thế gian này tất cả đều đi đến chỗ già nua”. Lại-Tra-Hòa-La nói như thế có nghĩa là gì?”
Tôn giả đáp:
“Đại vương, bây giờ tôi hỏi Ngài xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Lúc đại vương còn hai mươi bốn tuổi hay hai mươi lăm tuổi thì như thế nào? Khi ấy sự nhanh nhẹn như thế nào đối với ngày nay? Khi ấy, gân sức, hình thể, nhan sắc như thế nào đối với ngày nay?”
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Khi tôi hai mươi bốn hay hai mươi lăm tuổi, tự nhớ lại thời ấy, sự nhanh nhen, gân sức, hình thể, nhan sắc không ai hơn tôi. Lại-Tra-Hòa-La nay tôi đã già nua, các căn lụn bại, mạng sống sắp chấm dứt, tuổi đã tám mươi, đâu có mạnh khỏe như xưa”.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La lại nói tiếp:
“Đại vương, thế cho nên đức Thế Tôn dạy rằng “ thế gian này tất cả đều đi đến chỗ già nua” tôi muốn tiếp nhận điều đó, tôi thấy, nghe, hiểu biết điều đó nên quyết chí xuất gia học đạo.”
Vua Câu-La-Bà nói :
“Như Lại-Tra-Hòa-la đã nói: “ Đại vương, thế gian này tất cả đều đi đến chỗ già nua” tôi cũng tiếp nhận điều đó. Vì sao vậy? Vì thế gian này quả thật tất cả đều đi đến chỗ già nua.”
Nhà vua lại hỏi tiếp:
“Như Lại-Tra-Hòa-La đã nói: “ Đại vương, thế gian này vô thường, cần phải bỏ đi”. Lại-Tra-Hòa-La nói như vậy có nghĩa là gì?”.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La đáp:
“Đại vương, bây giờ tôi hỏi Ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Đại vương, có phải nước Câu-Lâu-Sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng cũng dồi dào không?”.
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Đúng vậy!”.
“Đại vương, có nước Câu-Lâu-Sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào, nếu thời gian đã đến, không thể nương tựa, chịu đựng sự tan vỡ, tất cả đời này đều đi đến chỗ diệt vong, lúc đó nước Câu-Lâu-Sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào, có thể từ đời này sang đời sau không?”
Nhà vua đáp:
“Không được. Vì sao vậy? Tôi phải đơn độc, cô thân, không bạn bè, từ đời này cho đến đời sau”.
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La lại nói :
“Thế cho nên đức Thế Tôn dạy rằng: “ Thế gian này vô thường, cần phải bỏ đi”. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó, tôi thấy, nghe,hiểu biết điều đó nên cạo bỏ râu tóc, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình học đạo”.
Vua Câu-Lao-Bà lại nói:
“Như Lại-Tra-Hòa-La đã nói: “ Đại vương, thế gia này vô thường, cần phải bỏ đi”. Tôi cũng muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao? Vì thế gia này quả thật vô thường, cần phải bỏ đi”.
Vua Câu-Lao-Bà lại hỏi:
“Như Lại-Tra-Hòa-La đã nói: “ Đại vương, thế gian không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của tham ái”. Lại-Tra-Hòa-La, nói như thế có nghĩa là gì ?”
Tôn giả đáp:
“ Đại vương, bây giờ tôi hỏi Ngài, xin tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Có nước Câu-Lâu-Sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào phải không?”
Nhà vua đáp:
“Đúng vậy!”
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La lại hỏi:
“Có nước Câu-Lâu-Sấu dồi dào, hậu cung dồi dào, kho tàng dồi dào. Nếu có một người từ Phương Đông đến, đáng tín nhiệm, không lừa dối, nói với vua rằng: “ Tôi từ Phương Đông đến, thấy nước ấy vô cùng giàu có, an vui, nhân dân đông đúc. Đại vương, có thể đánh chiếm đoạt của cải, nhân dân, lực dịch nước ấy. Vua có thể đi đánh chiếm nước ấy không?”
Nhà vua đáp:
“Lại-Tra-Hòa-La, nếu tôi biết có nước nào giàu có của cải, nhân dân đông đúc, lực dịch như vậy, nhất định tôi sẽ đi đánh chiếm nước đó.”
“Cũng vậy, phương Nam, Phương Tây, phương Bắc cũng như vậy. Từ bờ biển lớn, nếu có một người đến đáng tín nhiệm nói với vua rằng: “ Tôi từ bờ biển lớn đến đây, thấy nước đó vô cùng giàu có, nhân dân đông đúc, an lạc. Đại vương, có thể chiếm đoạt của cải, nhân dân, lực dịch nước ấy. Vua muốn đi đánh chiếm nước ấy không ?”
Vua Câu-Lao-Bà đáp:
“Lại-Tra-Hòa-La, nếu tôi biết có nước nào giàu có của cải, nhân dân, lực dịch như vậy, nhất định tôi sẽ đi đánh chiếm nước đó”
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La lại hỏi:
“Đại vương, thế cho nên đức Thế Tôn dạy rằng: “Thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của tham ái” tôi muốn nhẫn lạc điều đó, tôi thấy, nghe,hiểu biết điều đó nên tôi quyết chí xuất gia học đạo”
Vua Câu-Lao-Bà lặp lại:
“Như Lại-Tra-Hóa-La đã nói: “Đại vương, thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, làm tôi tớ của tham ái”. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó. Vì sao? Vì thế gian này không có sự thỏa mãn, không có sự biết đủ, là tôi tớ của tham ái”
Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La nhắc lại:
“Đức Thế Tôn là đấng đã biết, đã thấy, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, nói cho tôi nghe bốn điều này. Tôi muốn nhẫn lạc điều đó nên quyết chí xuất gia học đạo”
Thì ra, những lời than thở của vua Câu-Lao-Bà với Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La đệ tử của Đức Phật tại một khu rừng Thâu-Lô-Tra ở Ấn Độ cách đây đã 25 thế kỉ: “ Khi tôi còn hai mươi bốn tuổi hay hai mươi lăm tuổi, tự nhớ lại thời ấy, sự nhanh nhẹn, gân sức, hình thể, nhan sắc, không ai hơn tôi. Lại-Tra-Hòa-La, tôi nay đã già nua, các căn đã lụn bại, mạng sống sắp chấm dứt, tuổi đầy tám mươi, đâu còn mạnh khỏe như xưa.” Vẫn không có gì thay đổi, đối với số phận bi thảm của con người, dù con người đã lên được Mặt Trăng, và đang chuẩn bị đổ bộ lên sao Hỏa và các hành tinh khác nữa. Nhưng chắc chắn con người sẽ vẫn tiếp tục than thở như Câu-Lao-Bà đã từng than thở nếu mỗi người trong chúng ta không tự làm một cuộc cách mạng trong chính tự bản thân của mình. Cuộc cách mạng tự thân ấy phải bắt đầu từ đâu?
Trong kinh Khổ Ấm (II) Đức Phật đã nói với một cư sĩ có tên là Ma-Ha-Nam:
“Này Ma-Ha-Nam, có năm công đức của dục, đáng yêu, đáng mơ tưởng, đáng vui thích, có liên hệ đến dục, khiến cho người khoái lạc. Những gì là năm? Đó là sắc được biết bởi mắt, âm thanh được biết bởi tai, hương được biết bởi mũi, vị được biết bởi lưỡi, xúc được biết bởi thân. Do đó mà vua và quyến thuộc của vua được khoái lạc hoan hỉ. Này Ma-Ha-Nam, vị ngọt của dục chỉ cùng cực đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai họa của nó thì rất nhiều”.
Như vậy, sở dĩ chúng ta chạy theo lợi danh, địa vị, tiền bạc, hay sắc dục cũng chỉ mục đích duy nhất là phục vụ cho năm cái mà Đức Phật đã gọi là “ năm công đức của dục” ấy. Nhưng Đức Phật đã không quên cảnh cáo chúng ta rằng: “ nhưng tai họa của nó thì lại rất nhiều”.
Và Đức Phật đã chỉ ra cái họa ấy cho bản thân, cho gia đình, và cuối cùng là cho cả quốc gia, xã hội nữa.
Trước hết, Đức Phật đã chỉ cái họa cho bản thân một cách cụ thể rõ ràng rằng: “ Người ấy gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát mệt nhọc, bị muỗi mòng châm chích, nó phải lắm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của”. Nhưng khi đã có tiền của rồi lại phải chịu cái khổ khác nữa, đó là cái khổ vẫn theo Đức Phật: “ sanh yêu quí, gìn giữ, chôn giấu. Vì sao vậy? Vì nó nghĩ: “ Tài vật này của ta, đừng để cho ai cướp đoạt, hay lửa thiêu hư hoại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi hoặc làm việc mà không thành tựu”.
Sau cái họa cho bản thân thì đến cái họa cho gia đình và cả dòng họ nữa:
“Lại nữa, này Ma-Ha-Nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi với nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau”.
Và cuối cùng, Đức Phật không quên nêu ra thủ phạm chính là cái dục chứ không ai khác đã đang và sẽ đốt cháy thế giới này:
“Lại nữa, Ma-Ha-Nam, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Bà Là Môn tranh giành với Bà La Môn, cư sĩ tranh giành với cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên nghịch nhau, rồi dùng binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao đâm chặt. Trong khi giao đấu hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ…”
Dường như, tất cả những cuộc chiến tranh trong lịch sử của nhân loại từ xưa đến nay dù được những người chủ trương giải thích có hợp lí như thế nào đi nữa thì thực tế cũng chỉ để che đậy cái dục nghĩa là lòng tham vô đáy của họ mà thôi, như vua Câu-Lao-Bà đã thú nhận với Tôn giả Lại-Tra-Hòa-La, đệ tử của Đức Phật tại khu rừng Thâu-Lô-Tra ở Ấn Độ cách đây 25 thế kỉ: “ Lại-Tra-Hòa-La, nếu tôi biết nước nào giàu có của cải, nhân lực, lực dịch như vậy, nhất định tôi sẽ đánh chiếm nước đó!”
Cái dục mang tai họa đến chẳng những cho bản thân, gia đình mà còn cả xã hội loài người một cách nguy hiểm như vậy, nên Đức Phật đã chỉ bày rất rõ ràng cụ thể phương pháp diệt dục mà chính Ngài đã thực hành, để rồi cuối cùng Ngài đã diệt trừ nó, nghĩa là Ngài đã làm cuộc cách mạng vĩ đại đó trong chính tự thân của mình.
Trong kinh có tên là Kinh Niệm, Đức Phật thuật lại:
“Ta thực hành như vầy: sống viễn ly, cô độc, tâm không phóng dật, tu hành tinh tấn, nếu sanh tâm niệm dục, ta liền biết là đang sanh tâm niệm dục, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc, không chứng đắc Niết Bàn. Biết rằng, hại mình, hại người, hại cả hai, diệt trí tuệ, nhiều phiền nhọc không chứng đắc Niết Bàn nó liền bị tiêu diệt nhanh chóng”.
Và đoạn sau đây ta sẽ thấy Đức Phật đã chiến đấu quyết liệt như thế nào đối với tai họa khủng khiếp của dục:
“Khi sanh tâm niệm dục, Ta không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ, sanh tâm niệm nhuế, tâm niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy rằng, nhân nơi đó mà sanh vô lượng pháp ác bất thiện. Vì như vào tháng cuối xuân, vì đã trồng lúa nên đất thả bò không được rộng. Người chăn bò thả bò nơi đồng ruộng, bỏ vào đất người, nó liền cầm roi đến ngăn lại. Vì sao vậy? Vì người chăn bò biết rằng nhân nơi đó mà có lỗi lầm là sẽ bị chửi, bị đánh, bị trói. Do đó, người chăn bò cầm roi đến ngăn lại. Ta cũng như vậy, sanh tâm niệm dục, không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Sanh tâm niệm nhuế, tâm niệm hại cũng không thọ nhận, mà đoạn trừ, loại trừ, tống khứ. Vì sao vậy? Vì Ta thấy nhân nơi đó mà sanh vô lượng ác bất thiện”
Nhưng khi một người đã tiêu diệt hoàn toàn lòng dục, không còn tham sân si chi phối thì khi bước xuống cuộc đời nghĩa là phải đối mặt với những con người đầy tham ái, ích kỷ, thì họ phải đối phó với những người đó như thế nào? Tôn giả Xá-Lợi-Phất, vị tôn giả mà trong kinh Phân Biệt Thánh Đế đã được Đức Phật ca ngợi là: “ Bậc thông tuệ, tốc tuệ, minh đạt tuệ, biện tài tuệ, quảng tài tuệ, thâm tuệ, xuất yếu tuệ” đã một lần bị một vị Tỳ Kheo vu khống trước Đức Phật là: “ Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã khinh mạn con, rồi đi trú trong nhân gian”.
Rồi câu chuyện được đem ra giữa Đức Phật và đại chúng Tỳ Kheo. Trước Đức Phật và chúng Tỳ Kheo, có cả vị Tỳ Kheo đã vu khống mình, Tôn giả Xá-Lợi-Phất trình bày rằng chỉ Tỳ Kheo nào “ không niệm thân trên thân thì người ấy mới khinh mạn đồng phạm hạnh”. Tôn giả Xá-Lợi-Phất khẳng định với Đức Phật và chúng Tỳ Kheo rằng: “ Con có niệm thân trên thân thì vì sao con lại đi khinh mạn một đồng phạm hạnh rồi đi trú trong nhân gian?”.
Sau đó, tôn giả Xá-Lợi-Phất bằng tất cả “biện tài tuệ” của mình đã đưa ra nhiều ví dụ vì sao tôn giả có thể “ như như bất động” giữa xã hội loài người đầy hận thù này. Và đây là một trong mười ví dụ mà tôn giả đã trình bày trước Đức Phật và đại chúng Tỳ Kheo trong kinh có tên là Sư Tử Hống:
“Bạch Thế Tôn, cũng như mặt đất dung nạp tất cả đồ sạch, đồ bẩn, đại tiện, tiểu tiện, nước mũi, nước miếng. Đất không phải vì thế mà khởi sự thương ghét, không lấy làm sỉ nhục, xấu xa, không hổ, không thẹn. Bạch đức Thế Tôn, con cũng như vậy. Tâm con như mặt đất kia, không ghét, không oán,cũng không sân nhuế, không não hại, rộng lớn, vô biên, khéo tu tập, biến mãn tất cả thế gian thành tựu và an trụ”.
Có lẽ chính vì thế mà ta chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi D.T.Suzuki nhà thiền học được tôn xưng là vĩ đại nhất của thế kỉ 20, vẫn thường trích dẫn câu chuyện về chiếc cầu đá của thiền sư Triệu Châu ở Trung Quốc, như một thông điệp về tình yêu và sự bao dung mà ông muốn gởi đến cho nhân loại ở thế kỉ 20, một thế kỉ đầy dẫy những ý thức hệ cuồng tín luôn luôn kích động lòng hận thù:
“Một hôm có vị sư đến thăm Triệu Châu, nói: “Thưa thầy, chiếc cầu đá của thầy được nói đến khắp nơi, nhưng khi tôi nhìn thấy thì nó chỉ là cây cầu gỗ ọp ẹp”.
Triệu Châu trả lời:
“Ông chỉ thấy cây cầu khập khễnh của mình nên khó lòng nhìn thấy cây cầu đá thực sự”.
Nhà sư hỏi:
“Thế nào là cầu đá?”
Triệu Châu đáp:
“Người đi qua trên đó, lừa cũng đi qua trên đó”.
Và đây là lời bình của D.T.Suzuki:
“Cây cầu của Triệu Châu cũng như cát của sông Hằng, bị đủ loại súc sinh giẫm đạp và vấy bẩn. Nhưng cát vẫn không một lời ta thán. Một dấu chân để lại của các tạo vật đủ loại trong phút chốc đều bị xóa tan, và cũng như bao rác rưởi của chúng, hết thảy đều bị cuốn trôi đi, trả lại cho sự trong sạch ban đầu. Cây cầu đá của Triệu Châu cũng vậy, không những lừa ngựa đi qua mà ngay cả xe tải hay xe lửa cũng đi qua đó mà nó vẫn (tận tậm), thích nghi tất cả. Ngay cả khi họ tận dụng nó, nó cũng không phiền toái chút nào”.2
Có một thanh niên trẻ tuổi nữa tên là Phất-Ca-Sa-Lợi, người thanh niên trẻ tuổi này có lẽ đặc biệt hơn Lại-Tra-Hòa-La. Sở dĩ tôi nói đặc biệt là vì Lại-Tra-Hòa-La sau khi gặp Phật và nghe Phật thuyết pháp rồi mới từ bỏ để xuất gia học đạo nhưng Phất-Ca-Sa-Lợi thì chưa hề gặp Đức Phật mới chỉ nghe giáo pháp gián tiếp của Đức Phật thì nhất quyết từ bỏ gia đình mà xuất gia học đạo.
Câu chuyện về người thanh niên trẻ tuổi Phất-Ca-Sa-Lợi được ghi lại trong Phân Biệt Lục Sứ Kinh như thế này:
“Một thời Đức Phật Trú tại nước Ma-Kiệt-Đà, ở thành Vương Xá. Bây giờ đức Thế Tôn đến nhà người thợ gốm nói rằng:
“ Này thợ gốm, ta nay muốn tạm trú ở phòng làm đồ gốm một đêm, ông có thuận chăng?”
Thợ gốm trả lời:
“Con chẳng trở ngại gì cả. Nhưng vì đã có một Tỳ Kheo đã trú trong đó trước rồi. Nếu vị ấy thuận thì xin tùy ý.”
Bấy giờ đức Thế Tôn ra khỏi nhà thợ gốm, đi vào phòng làm gốm, nói với Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi rằng:
“Này Tỳ Kheo, ta nay muốn tạm trú một đêm ở phòng làm gốm, thầy có thuận chăng?”
Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi đáp:
“Thưa Hiền giả, tôi không trở ngại. Vả lại, ở phòng làm gốm này có chỗ ngồi bằng cỏ đã trải xong nếu hiền giả muốn ở lại thì tùy ý”.
Nghe vậy, đức Thế Tôn từ phòng gốm đi ra ngoài rửa chân rồi mới trở vào, lấy ni sư đàn trải lên chỗ ngồi bằng cỏ mà ngồi kiết già suốt đêm yên lặng tĩnh tọa định ý.
Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi cũng suốt đêm yên lặng, tĩnh tọa, định ý.
Bấy giờ, đức Thế Tôn suy nghĩ như thế này: “Tỳ Kheo này đi đứng tịch tĩnh, thật kì lạ, thật hiếm có. Ta hãy hỏi Tỳ Kheo này: “Thầy của bạn là ai? Y theo ai mà bạn xuất gia, học đạo và thọ pháp?”
Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi đáp:
“Này Hiền giả, có Sa môn Cù-Đàm, dòng họ Thích, đã từ bỏ tông tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác y cà sa, chí tín lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, đã giác ngộ vô thượng chánh Đẳng Chánh Giác. Vị ấy là thầy của tôi. Tôi y theo vị ấy mà xuất gia học đạo, thọ pháp.”
Đức Thế Tôn lại hỏi:
“Tỳ Kheo,đã từng thấy thầy ấy chưa?”
Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi đáp:
“Chưa thấy!”
Thế Tôn lại hỏi:
“Nếu gặp Thầy ấy,bạn có nhận ra không?”
Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi đáp:
“Không biết. Nhưng này hiền giả, tôi nghe rằng Thế Tôn là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài là thầy của tôi. Tôi theo y theo Ngài mà xuất gia học đạo, thọ pháp.”
Khi ấy, Thế Tôn lại suy nghĩ như vầy: “Thiện nam tử này, y theo Ta mà xuất gia, học đạo, thọ pháp. Ta nay có nên thuyết pháp chăng?”
Suy nghĩ như vậy rồi Thế Tôn bèn nói với Tôn giả Phất-Ca-Sa-Lợi:
“Này Tỳ Kheo, nay ta sẽ thuyết pháp cho thầy, phần đầu toàn thiện, phần giữa cũng toàn thiện và phần cuối cũng toàn thiện, có nghĩa, có văn đầy đủ, thanh tịnh, hiền thiện phạm hạnh. Đó gọi là “phân biệt sa giới” thầy hãy lắng nghe, khéo suy tư và ghi nhớ.”
Đức Phật đã giảng cho Phất-Ca-Sa-Lợi về sáu giới tụ, sáu xúc xử, mười tám ý cận hành, bốn thắng xứ. Sau khi nghe xong bài pháp, Phất-Ca-Sa-Lợi đắc pháp, và nhận ra đây chính là Đức Phật bèn xin sám hối vì không biết nên đã gọi là “Hiền Giả”.
Cuối bài pháp Đức Phật đã dạy Phất-Ca-Sa-Lợi những lời vô cùng quan trọng như thế này:
“Này Tỳ Kheo, ai nghĩ rằng “tôi đang là” ấy đang là tự đề cao. Rằng “tôi sẽ hiện hữu” ấy là tự đề cao. Rằng “tôi sẽ không hiện hữu” ấy là tự đề cao. “Tôi sẽ có sắc” ấy là tự đề cao. “Tôi sẽ không có sắc” ấy là tự đề cao. “ Tôi sẽ có tưởng” ấy là tự đề cao. “Tôi sẽ không có tưởng” ấy là tự đề cao. “Tôi sẽ không có tưởng, không phải không có tưởng” ấy là tự đề cao. Đó là cống cao, là kiêu ngạo, là phóng dật.”
Câu trên khiến ta liên tưởng đến câu nói lừng danh của triết gia Pháp Descartes: “Tôi tư duy nên tôi tồn tại”.(I think. There for I am).
Có lẽ Đức Phật không hề bận tâm đến “tồn tại” hay “không tồn tại” như Descartes mà Đức Phật chỉ khuyên dạy Phất-Ca-Sa-Lợi hãy vượt qua chẳng những Ngã (àtman) thôi còn cả Vô Ngã (anàtman) nữa để tiến thẳng đến chân lí tuyệt đối ( Paramàrtha-satya) nghĩa là Tánh Không (Sùnyatà) nơi mà hoàn toàn nằm ngoài sự “tồn tại” hay “không tồn tại”.
Chỉ khi ấy, Đức Phật giảng tiếp cho Phất-Ca-Sa-Lợi rằng:
“ Này Tỳ Kheo, nếu không có tất cả những sự tự đề cao, cống cao, kiêu ngạo, phóng dật ấy thì ý tịch tĩnh.
Này Tỳ Kheo, ý tịch tĩnh thì không chán ghét, không ưu sầu, không lao nhọc, không sợ hãi, vì sao? Vì Tỳ Kheo ấy đã thành tựu Pháp nên không còn chán ghét, không chán ghét thì không ưu tư, không ưu tư thì không sầu não, không sầu não thì không lao nhọc, không lao nhọc thì không sợ hãi. Nhân nơi không sợ hãi nên sẽ đắc Niết Bàn, biết như thật rằng: “ Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”
Nhưng Đức Phật không chỉ đến với những người trẻ tuổi như Lại-Tra-Hòa-La hay Phất-Ca-Sa-Lợi nghĩa là những thanh niên trí thức này luôn luôn bận tâm đến những vấn đề lớn của nhân sinh, mà Ngài còn đến cả những người trẻ tuổi rất bình thường như người thanh niên có tên là Thiện-Sinh (Singalovàda) mà kinh Thiện Sinh đã ghi lại như sau:
“Bấy giờ khi đêm đã qua, vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành Vương Xá để khất thực. Khi đức Thế Tôn vào thành Vương Xá để khất thực, thì từ xa trông thấy Thiện-Sinh, con trai vị cư sĩ, vào lúc sáng sớm, tắm gội, mặc áo Sô-ma mới, tay cầm lá Câu-Xá còn tươi, đi đến bờ sông, chắp tay lạy sáu phương:
“Ở Phương Đông, nếu có chúng sanh nào thì tôi hết lòng cung kính,, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó. Khi tôi đã hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó rồi, thì chúng sanh đó cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng lại tôi.
Cũng như vậy Phương Nam, Phương Tây, Phương Bắc, trên, dưới, nếu có chúng sanh nào thì tôi cũng hết lòng cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng chúng sanh đó.”
Đức Thế Tôn thấy thế, liền đến gần hỏi Thiện-Sinh, con trai cư sĩ:
“Này con trai cư sĩ, ông thọ nhận giáo hóa của Sa môn, Bà La Môn nào? Ai dạy ông cung kính, cúng dường, lễ bái, thờ phụng sáu phương? Mà mỗi buổi sáng tắm rửa, mặc áo Sô-ma mới, tay cầm lá Câu-xá còn tươi, đến bờ sông rồi chắp tay lạy sáu phương?”
Thiện-Sinh, con trai cư sĩ thưa rằng:
“Bạch đức Thế Tôn, không có vị Sa môn hay Bà La Môn nào dạy con cả. Bạch Thế Tôn, khi cha con sắp lâm chung, nhân sáu phương mà trối lại con, khéo dạy, khéo quở con rằng: “Này Thiện Sinh, sau khi cha mất, con phải chắp tay mà lạy sáu phương”
Đức Thế Tôn sau khi nghe như vậy, Ngài mới nói rằng:
“Này con trai cư sĩ, ta nói có sáu phương, chứ không nói là không có. Này con trai cư sĩ, nếu có người phân biệt sáu phương, xa lìa những nghiệp ác bất thiện ở sáu phương. Người đó ngay trong đời này đáng được cung kính, tôn trọng. Sau khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sẽ sanh đến nơi thiện xứ. Này con trai cư sĩ, chúng sanh có bốn loại nghiệp, bốn loại ô uế. Những gì là bốn? Này con trai cư sĩ, sát sanh là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh. Lấy vật không cho, tà dâm, vọng ngôn, là một loại nghiệp, một loại ô uế của chúng sanh.”
Rồi Đức Phật giảng cho Thiện Sinh nghe sáu phi đạo, tức là sáu nguyên nhân, đưa một gia đình đến hao tài và cuối cùng là phá sản:
“Này con trai cư sĩ, kẻ mong cầu của cải nên biết sáu điều phi đạo. Sáu điều đó là gì? Một là chơi bời các thứ cờ bạc mà mong cầu tài vật là phi pháp. Hai là rong chơi không phải lúc mà mong cầu tài vật là phi pháp. Ba là đam mê rượu chè mà mong cầu tài vật là Phi Pháp. Bốn là gần gũi ác tri thức mà mong cầu tài vật là phi pháp. Năm là đam mê kĩ nhạc mà mong cầu tài vật là phi pháp và sáu là lười biếng mà mong cầu tài vật là phi pháp.”
Với tuổi trẻ thì bạn bè đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc thành công hay thất bại cho chính cuộc đời của họ. Đức Phật hiểu rõ điều này nên khuyên Thiện Sinh nên tránh bốn loại bạn sau đây:
“Một là xúi việc bài bạc, hai là xúi rong chơi không phải thời. Ba la xúi uống rượu và bốn là thân cận bạn ác.”
Và Đức Phật cũng thấy những cạm bẫy vô cùng vi tế mà tuổi trẻ vì nông nỗi có thể nhẹ dạ tin theo. Chẳng hạn, Ngài khuyên Thiện Sinh đừng giao tiếp với những loại người như thế này:
Người ấy biết làm việc
Nói năng rất êm dịu
Sợ, vì lợi hùa theo
Biết chẳng thân, tuồng thân
Nên xa lìa kẻ ấy
Như đường có hiểm họa
Và Đức Phật cũng không quên đưa ra bốn tiêu chuẩn mà Ngài gọi là bạn lành:
“Này con trai cư sĩ, nên biết có bốn hạng bạn lành. Những gì là bốn? Một là cùng chịu khổ vui, nên biết đó là bạn lành. Hai là thương tưởng, nên biết đó là bạn lành. Ba là khuyên điều lợi, nên biết đó là bạn lành. Bốn là giúp đỡ, nên biết đó là bạn lành.”
Và cuối bài pháp, Đức Phật nói với Thiện Sinh:
“Này con trai cư sĩ, trong pháp luật của bậc Thánh cũng có sáu phương là: Đông, Nam, Tây, Bắc, Trên, Dưới.
1) Phương Đông có nghĩa là phải có bổn phận với cha mẹ.
2) Phương Nam phải có bổn phận với thầy trao truyền kiến thức
3) Phương Tây phải có bổn phận với vợ con.
4) Phương Bắc phải có bổn phận với người thân.
5) Phương Dưới phải có bổn phận với kẻ giúp việc.
6) Phương Trên phải có bổn phận với bậc Sa môn.
Có nhiều người vẫn ngộ nhận rằng đạo Phật chỉ bận tâm giải quyết những vấn đề lớn của kiếp người như sanh, lão, bệnh, tử nghĩa là ra khỏi thế gian mà quên đi những vấn đề thực tế của cuộc sống. Nhưng đọc kinh Thiện Sinh ta mới nhận ra rằng Đức Phật là người thực tế trên cả những người thực tế nữa. Như Ngài đã từng xác nhận như vậy trong kinh Samyutta Nikaya:
“Trong chính thân xác dài một trượng này, cùng với tri giác và tư tưởng Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt của thế gian.”
Như vậy, đối với đạo Phật chẳng phải mọi sự phải khởi đầu từ tấm thân dài một trượng đang mò mẫm bước đi trên mặt đất đen tối này hay sao?
Nhưng tại sao bao nhiêu những người trẻ tuổi của Ấn Độ đương thời đã dám từ bỏ tất cả để đi theo bước chân của một người hoàn toàn cô độc?
Đọc kinh Nhu Nhuyến, kinh mà Đức Phật đã kể lại về tuổi trẻ mà Ngài đã từng trải qua thì ta có thể biết lí do tại sao:
“Bấy giờ Thế Tôn nói với các Tỳ Kheo:
“Chính ta ngày trước ra đi xuất gia học đạo là ra đi từ chỗ ưu du, từ chỗ thong dong, nhàn nhã, từ đời sống cực kì êm dịu khi ta còn ở nhà, phụ vương Duyệt-Đàn-Đầu (vua Tịnh Phạn) tạo cho ta đủ thứ cung điện, cung điện để ở vào mùa Xuân, cung điện để ở vào mùa Hạ, cung điện để ở vào mùa Đông.
“Bởi ta thích du ngoạn, nên cách hoàng cung không bao xa, Người lại tạo không biết bao nhiêu là ao sen: ao sen xanh, ao sen hồng, ao sen đỏ, ao sen trắng. trong các ao đó trồng đủ các loại hoa dưới nước. Nước thì luôn luôn đầy, hoa thì luôn trổ, mà những người sai dịch chăm sóc không thông suốt được hết.
Bởi ta thích du ngoạn nên trên bờ ao trồng các loại hoa: hoa Tu-ma-ca, hoa Bà-sư, hoa Chiêm-Bặc, hoa Tu-Kiền-Đề, hoa Ma-Đầu –Kiền-Đề, hoa A-Đề-Mu-Đa, hoa Ba-La-Đầu.
“Bởi ta thích du ngoạn nên Người sai bốn người tắm rửa cho ta. Tắm rửa cho ta rồi lại xoa hương Chiên-Đàn đỏ vào khắp thân ta, xoa hương vào thân ta rồi lại khoác vào mình ta chiếc áo thật mới. Trên, dưới, trong, ngoài, đều mới. Suốt ngày đêm luôn luôn cầm lọng che cho ta, không để cho Thái tử phải nhiễm sương hay bị nóng háp.
Như nhà dân thường được ăn đại mạch thô, cơm gạo tẻ, cháo đậu, gừng cho đó là đồ ăn bậc nhất, những người sai dịch thấp nhất của phụ vương ta lại cho là rất dở,chỉ ăn nếp trắng, và hào soạn mới cho là đồ ăn bậc nhất.
Lại nữa, nếu có cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thứ ngon nhất như Đề-Đế,La-hòa-tra, Kiếp-tân-xà-la, Hề-mã-hề,Lê-xê-na,Thi-la-mễ. Các loại cầm thú nơi đồng ruộng, loại cầm thú ngon nhất như vậy ta thường được ăn.
“Ta nhớ khi xưa, lúc còn ở với phụ vương ta, suốt ba tháng Hạ, mỗi khi lên chánh điện đều không có người nam, chỉ toàn là kĩ nữ để ta cùng vui chơi, không hề trở xuống.
“Rồi khi ta muốn đến công viên, tức thì có ba mươi danh kị thượng thặng được tuyển chọn với những hàng đại thuẫn đi dẫn đường hộ tống trước sau, không kể những tiểu tiết khác…”
Tất nhiên, ta đã biết rằng Thái tử Tất-Đạt-Đa đã từ chối những lạc thú phù du này. Nhưng điều quan trọng là, cách từ chối của Ngài thật vô cùng độc đáo. Độc đáo ở chỗ từ sự đau khổ của chính bản thân mình Ngài biết tôn trọng sự đau khổ của người khác. Vì sao? Vì nói cho cùng, thì con người có khác nhau về địa vị, về giai cấp, về giàu nghèo nhưng sự đau khổ thì hoàn toàn chẳng có gì khác nhau:
“Ta còn nhớ khi xưa, lúc ta thăm ruộng, khi người làm ruộng nghỉ ngơi trên đám ruộng, ta đi đến dưới gốc cây Diêm Phù ngồi kiết già, li dục, ly pháp ác bất thiện, có tầm, có tứ, hỉ lạc do viễn ly sanh, chứng đắc được sơ thiền, thành tựu và an trụ. Ta nghĩ rằng: “Phàm phu ngu si không đa văn, tự sẵn có bệnh tật, không thoát khỏi bệnh tật, nhưng thấy người bệnh tật thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, mà không tự quan sát chính mình.
“Rồi ta nghĩ: Ta tự sẵn có tật bệnh, không thoát khỏi tật bệnh. Nếu ta thấy người tật bệnh mà ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích, ta không nên như vậy, vì ta cũng có trường hợp này. Quan sát như vậy rồi, tâm cống cao phát khởi do không có tật bệnh liền bị tiêu diệt.
“Ta lại còn tự nghĩ phàm phu ngu si không đa văn, tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già, nhưng thấy người già cả thì ghê tởm, khinh bỉ, không yêu, không thích mà lại không tự quán sát mình.
“Rồi ta lại nghĩ ta tự có sẵn sự già, không thoát khỏi sự già. Nếu ta thấy sự già mà ghê tởm, không yêu thích. Ta không nên như vậy, vì ta cũng có trường hợp này. Quán sát như vậy rồi, tâm cống cao phát khởi do chưa đến tuổi già liền tự tiêu diệt.”
Rồi cuối bài pháp Đức Phật cảnh cáo những người trẻ tuổi cùng những người chưa hề có bệnh tật không nên tự mãn về sức khỏe của mình mà chìm đắm trong dục vọng, vì cái bệnh và cái chết không phải chỉ dành riêng cho những người già nua tuổi tác mà cho tất cả mọi lứa tuổi:
“Phàm phu ngu si không đa văn, vì chưa bị bệnh tật, nên tâm tự cao, tự phụ, rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh. Phàm phu ngu si không đa văn vì còn trẻ trung nên tự cao tự phụ, không tu tập phạm hạnh, rồi tham dục mà sanh si ám. Phàm phu ngu si không đa văn vì thọ mạng nên tự cao tự phụ, phóng dật rồi do tham dục mà sanh si ám, không tu tập phạm hạnh.”
Nhưng không phải đợi đến thời đại ngày hôm nay mà vào thời đại của Đức Phật tại Ấn Độ cũng đã có một quan điểm cực đoan trái ngược hẳn các triết thuyết đương thời mà trong lịch sử tư tưởng Ấn Độ thường gọi là Tuyệt diệt hay Đoạn kiến, tức là những người chủ trương sống theo vật chất mà người sáng lập là Carvakas. Theo Carvakas thì chết là hết, là chấm dứt tất cả, chỉ có cuộc sống hiện tại là có thực, nên hễ còn sống là tận hưởng tất cả nhưng lạc thú trần gian, còn đạo đức hay phạm hạnh chỉ là ảo tưởng của những kẻ điên khùng mà thôi.
Nhưng nếu những lạc thú của trần gian chẳng những là chóng tàn phai mà còn đem tai họa đến cho bản thân, gia đình và cả xã hội nữa thì những người diệt dục sống đời phạm hạnh có tìm thấy niềm vui vĩnh cửu để thay thế cho niềm vui chóng tàn phai đó không? Nhất là niềm vui phải đạt ngay trong đời hiện tại chứ không phải đợi đến thời gian nào đó trong tương lai xa xôi?
Trong kinh có tên là Khổ Ấm (II) có ghi lại cuộc đối thoại giữa Đức Phật và các Ni-Kiền-Tử mà Đức Phật đã kể lại cho Ma-Ha-Nam nghe có thể giải đáp được cho ta thắc mắc ấy:
“Thưa Sa môn Cù-Đàm, nay chúng tôi muốn hỏi giữa vua Tần-Tì-Sa-La và Sa môn Cù-Đàm, ai sung sướng hơn ai?”
Đức Phật trả lời:
“Này Ni-Kiền-Tử, ta nay hỏi ông, tùy theo sự hiểu biết mà trả lời. Này Ni-Kiền, ý ông nghĩ sao, vua Tần-Tì-Sa-La có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, nhân đó mà được hoan hỉ, khoái lạc trong vòng bảy ngày bảy đêm không?”
Ni-Kiền-Tử đáp:
“Không, thưa Cù-Đàm!”
Ta lại hỏi “thế có được hoan hỉ, khoái lạc trong vòng sáu, năm, bốn, ba, hai hay một ngày một đêm không?”
Ni-Kiền đáp:
“Không, thưa Cù Đàm!”
Ta lại hỏi “Này Ni-Kiền, ta có đạt được sự tịch mặc vô ngôn như ý, nhân đó mà được hoan hỉ, khoái lạc trong một ngày một đêm không?”
“Được, thưa Cù-Đàm.”
Ta lại hỏi: “Thế ta có được hoan hỉ trong vòng hai, ba, bốn, năm, sáu, cho đến bảy ngày bảy đêm không?”
“Được, thưa Cù-Đàm.”
Ta lại hỏi: “ Này Ni-Kiền, ý các ông nghĩ sao? Ai sung sướng hơn, vua Tần-Tì-Sa-La hay là Ta?”
Ni-Kiền đáp: “ Thưa Cù-Đàm, như chúng tôi hiểu theo sự trình bày của Sa môn Cù-Đàm thì Sa môn Cù-Đàm sung sướng hơn, vua Tần-Tì-Sa-La không thể bằng được.”
Và Đức Phật kết luận:
“Ma-Ha-Nam, vì vậy nên biết là nơi dục lạc không có lạc, chỉ toàn khổ hoạn. Nếu đa văn Thánh đệ tử không thấy như thật, như vậy sẽ bị bao phủ bởi dục, bị quấn chặt bởi pháp ác bất thiện, nên không đạt được xả, lạc, vô thượng tịch tĩnh, này Ma-Ha-Nam, như vậy đa văn Thánh đệ tử kia nhân nơi dục mà bị thoái chuyển.”
Không nghi ngờ gì nữa, chính vì muốn đạt được “sự tịch mặc vô ngôn như ý” này mà Thái tử Tất-Đạt-Đa đã làm một cuộc từ bỏ vĩ đại như thái tử đã nói như vậy với vua Bình-Sa-Vương khi nhà vua ngỏ ý mời thái tử ở lại vương quốc của nhà vua để trị vì và cùng hưởng lạc thú trần gian như kinh Khuddaka Nikaya đã ghi lại câu trả lời của thái tử Tất-Đạt-Đa:
Giòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca
Từ bỏ gia tộc ấy
Thưa vua ta xuất gia
Ta không có thiết tha
Đối với các loại dục
Bỏ chúng là an ổn
Ta sẽ đi, tinh tấn
Ý ta được hoan hỉ
(H.T Minh Châu dịch)
Ngoài những sự từ chối có thể nói là quá vĩ đại này thì còn gì nữa? Còn tiếng rống của sư tử chúa tể của sơn lâm chăng?
Trong kinh Thị Giả có thuật lại một hôm Đức Phật bảo thị giả A-Nan:
“Này A-Nan, người nên nằm như cách nằm của sư tử.”
Tôn giả A-Nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, sư tử chúa của các loài thú, nằm theo cách nào?”
Đức Thế Tôn đáp:
“Này A-Nan, sư tử chúa của các loài thú, ban ngày đi tìm ăn, xong rồi vào hang. Khi muốn ngủ, bốn chân xếp chồng lên nhau, ngay đuôi ra sau, quay lại sau nhìn thân thể. Nếu sư tử chúa của các loài thú mà thân thể không ngay thẳng thì khi thấy rồi, nó không vui. Nếu sư tử chúa của các loài thú, mà thân thể được ngay ngắn khắp mọi phía, thì khi thấy rồi nó liền vui mừng. Nó từ chỗ nằm đứng dậy, ở trong hang đi ra, đi ra rồi gầm gừ, gầm gừ rồi lại ngắm thân thể. Tự ngắm thân thể rồi nhìn khắp bốn hướng, xoay nhìn khắp bốn hướng rồi liền rống lên ba lần, rống lên ba lần rồi liền đi tìm ăn. Cách thức nằm của sư tử chúa là như vậy.”
Kể từ khi Đức Phật công bố giáo pháp vĩ đại nơi vườn Lộc Uyển (Ngài thường ví như tiếng rống của sư tử chúa tể của sơn lâm) mà Đức Phật đã tự chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề, kể từ đó đến nay đã có biết bao nhiêu người trẻ tuổi chẳng những chỉ có những người trẻ tuổi thời đó như Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, A-Nan, Lại-Tra-Hòa-La hay Phất-Ca-Sa-Lợi mà cho đến cả thời đại hôm nay cũng đã có biết bao nhiêu người trẻ tuổi nữa trên khắp thế giới đã lắng nghe tiếng rống của sư tử mà thức tỉnh rồi từ bỏ đời sống ngục tù của trần gian để lên đường đi đến chân trời cao rộng với đại nguyện sấm sét:
“Dựng đứng lại những gì đã quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy” giữa thế giới đầy tăm tối này.
Nha Trang, mùa Đông 2010
Thích Phước An
Chú thích:
1 Trung A Hàm, toàn bộ 3 tập, Tuệ Sĩ dịch, NXB Phương Đông và thư quán Hương Tích phát hành 2009.
2 Tưởng niệm D.T.Suzuki, nhiều tác giả, Hạnh Viên dịch NXB TPHCM, tr.112-113.
Trích từ sách:
Đức Phật Trên Cõi Phù Du