Thích Trung Thành, tường thuật từ Đài Loan.
Phước lạc thay chư Phật chánh đẳng giác xuất hiện.
Phước lạc thay Giáo pháp trung đạo dẫn đến lạc của chư Phật được tuyên dương.
Phước lạc thay chúng đệ tử hiểu và hành như Chánh pháp.
Phước lạc thay chúng đệ tử hòa hiệp đồng tu.
(Dhammapada, kệ 194)
Chỉ vì mục đích “đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người” mà trong suốt 45 năm tại thế, đức Phật đã tùy theo căn cơ và nhân duyên mà thuyết Pháp cho những chúng sanh được gặp Ngài. Trước khi vào Niết Bàn, Ngài còn dặn dò thầy Anan rằng “Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.” Vì lời dạy ấy của Thế Tôn, cũng như lòng thương đối với chúng sanh đời sau mà các bậc thánh tăng và thầy tổ đã góp nhặt những lời dạy của Phật và chư vị thánh đệ tử thành Tam Tạng Thánh Điển (kinh, luật, luận) trong những kỳ kết tập kinh điển được thực hiện trong suốt hơn 2500 năm qua.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chủ tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, từng nhấn mạnh rằng “Tam Tạng Thánh Điển là nguồn suối cho tất cả nhận thức về Phật pháp, để học tập và hành trì, cũng như để nghiên cứu.” Ấy thế mà cho đến nay, Phật giáo Việt Nam vẫn chưa có được một bộ Tam Tạng Thánh Điển bằng tiếng Việt (ĐTKVN) một cách đầy đủ và trọn vẹn. Nhu cầu thực hiện ĐTKVN lại càng trở nên cấp thiết khi đặt vào bối cảnh phần lớn Phật tử ở các quốc gia Châu Á láng giềng đều đã được đi sâu vào học hỏi và tu tập từ Tam Tạng Thánh Điển bằng chính ngôn ngữ mẹ đẻ của họ.
Giữa lúc hàng đệ tử Phật ở Việt Nam ngóng trông Tạng Thánh Điển bằng tiếng Việt tựa trời hạn trông mưa, tin vui từ chư trưởng lão Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất về việc thành lập Hội Đồng Phiên dịch Tam Tạng Lâm Thời (HĐPDTTLT) vào tháng 12 năm 2021 như trận mưa đầu mùa làm dịu mát cơn khát của những tâm hồn ham tu, ham học. Hội đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm thời này là sự kế thừa của Hội đồng Phiên dịch Tam tạng được thành lập bởi quyết định của Hội đồng Giáo phẩm Trung ương, Viện Tăng Thống GHPGVNTN vào tháng 10 năm 1973. HĐPDTTLT và gồm có quý Ngài:
Chủ tịch: Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
Cố vấn: Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát
Chánh Thư ký: Hòa Thượng Thích Như Điển
Phó Thư ký quốc nội: Hòa Thượng Thích Thái Hòa
Phó Thư ký hải ngoại: Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu
Cùng chư vị tôn đức khác.
Mục tiêu được hội đồng đặt ra trước tiên là dành 5 năm đầu để cơ bản hoàn thành toàn bộ Thanh Văn Tạng và sẽ cho xuất bản từng phần. Các bộ Kinh này cũng được phát hành trên hệ thống toàn cầu Amazon để hàng Phật tử hay giới nghiên cứu có thể đặt từng cuốn cho nhu cầu học tập, nghiên cứu. Thế nhưng chỉ hơn 6 tháng sau, con tim những người con Phật Việt Nam đã tràn đầy hạnh phúc khi nghe Ngài Chánh Thư ký tuyên bố trong diễn văn khai mạc lễ Giới thiệu Thành tựu Sơ bộ Công trình Phiên dịch Đại Tạng Kinh Việt Nam vào tháng 7 năm 2022 rằng: “tất cả các Ban bộ, đặc biệt là Ủy ban Chuyết văn và Ban Ấn Hành đã làm việc không ngừng nghỉ trong suốt hơn 6 tháng qua. Từ Ôn Chủ Tịch, Quý Ngài Cố Vấn và các Ban bộ đều đã dùng hết tâm lực và thời gian của mình để hôm nay đây chúng ta có thể nhìn thấy được thành tựu sơ bộ này là các Kinh bộ, Luật bộ, Luận bộ và Tạp bộ thuộc Tạng Thanh Văn này đã được ấn hành.” Nhưng đây chỉ là giai đoạn 1 và công trình vẫn còn đang tiếp tục.
Sau Tâm Thư kêu gọi sự yểm trợ tài lực của Ngài hội trưởng Hội Ấn Hành ĐTKVN – hoà thượng Thích Nguyên Siêu, nhờ sự nhiệt thành ủng hộ của bà con Phật tử từ khắp nơi mà đến đầu năm 2023 thì việc in ấn Thanh Văn Tạng đợt đầu tại Thái Lan đã hoàn tất với ấn phí cho lần in đầu 29 cuốn thuộc Thanh Văn Tạng đã lên tới 253,000 USD, chưa tính cước phí chuyên chở đi các nơi lên tới khoảng 60,000 USD.
29 quyển thuộc Thanh Văn Tạng trong lần ấn hành này gồm có Kinh Trường A-hàm (2 cuốn), Kinh Trung A-hàm (4 cuốn), Kinh Tạp A-hàm (3 cuốn), và Kinh Tăng Nhất A-hàm (3 cuốn); Luật Tứ Phần (4 cuốn), Luật Tứ Phần Tăng Giới Bổn (1 cuốn); Luận A-tỳ-đạt-ma Câu-xá (3 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Tập Dị Môn Túc Luận (1 cuốn), A-tỳ-đạt-ma Pháp Uẩn Túc Luận (1 cuốn); và Tạp Bộ gồm Lục Độ Tập Kinh (1 cuốn) và Kinh Hiền Ngu (1 cuốn); và 5 cuốn Tổng Lục. Theo lời ngài Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan thì “công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được thực hiện trong chuẩn mực hàn lâm nghiêm túc, với sự đối chiếu các bản tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn và Tây Tạng, cũng như phần chú thích công phu rất giá trị sánh ngang hàng với các bộ Đại Tạng Kinh có chuẩn mực quốc tế khác.”
Sau khi việc in ấn tại một công ty chuyên nghiệp tại Thái Lan hoàn tất, Kinh được tiếp tục gửi đi đến khoảng 15 đơn vị thành viên trong 12 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới như Việt Nam, Mỹ, Canada, Úc, Châu Âu, Nhật Bản,… Vì cũng là nước có đông đảo bà con Việt Nam sinh sống (hơn 200.000 người) cùng nhiều tăng ni sinh Việt Nam du học, thế cho nên Đài Loan cũng nhận được sự quan tâm của chư trưởng lão trong hội đồng thực hiện ĐTKVN. Với sự chỉ dạy của hoà thượng Thích Như Điển cùng sự khích lệ và giúp đỡ của chú Nguyên Đạo – Văn Công Tuấn, chúng con đã mạnh dạn nhận lãnh công việc tiếp nhận và cúng dường Thanh Văn Tạng đến các trường đại học và tự viện có đông đảo người Việt sinh hoạt tại Đại Loan.
Đài Loan tuy đang hứng chịu những bất ổn và sức ép chính trị , nhưng nhờ vào vị trí địa lý cùng một vài yếu tố khác mà Đài Loan là một trong những nơi được đón nhận đợt Kinh này sớm nhất. Tuy đã được nhìn thấy hình ảnh bộ kinh từ xa qua buổi ra mắt Thanh Văn Tạng của ĐTKVN tại Mỹ ngày 19/03/2023, nhưng đến khi được trực tiếp giữ bộ kinh ấy trên tay thì lòng chúng con tràn đầy niềm hạnh phúc, nghẹn ngào không thể nói thành lời. Quả thật như lời Ngài Trưởng Lão Thích Thắng Hoan cảm thán rằng “Theo tôi nghĩ, một quốc gia như Việt Nam nếu có được nhiều công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh là một đại phước cho dân tộc. Không những thế, đó còn là một đại hạnh cho giới học Phật, giới nghiên cứu và các thế hệ tương lai để có nhiều tài liệu, nhiều văn bản, nhiều bản dịch ngõ hầu tra cứu, tham khảo và truy tìm thật nghĩa của Thánh Điển.”
Sau khi tiếp nhận các bản in từ công ty vận chuyển ngày 21/04/2023, với sự hỗ trợ của quý thầy cô cùng Phật tử như thầy Thích Thiện Tài, Thích Quãng Việt, Thích Vạn Trí, sư cô Thích Nữ Tịnh Như, gia đình Phật tử Trung Nghiêm – A Huy,… chúng con đã lần lượt cung thỉnh các bộ Kinh điển này đem đến tận nơi dâng cúng Thanh Văn Tạng đến các cơ sở ở Đài Loan. Vì cộng đồng Người Việt ở Đài Loan khá đông và nhu cầu cho đời sống tâm linh của họ cũng rất lớn nên hiện nay có khá nhiều những chùa viện và đạo tràng do quý thầy cô người Việt thành lập nằm rãi rác khắp Đài Loan. Nhiều đạo tràng trong số ấy là được thành lập bởi quý thầy cô hiện đang du học tại Đài Loan và họ thường thuê tạm một địa điểm để sinh hoạt. Chính vì còn phải bận việc học nên thường đạo tràng của những vị này chỉ sinh hoạt vào những dịp lễ lớn. Đến khi quý thầy cô ấy hoàn thành chương trình học và phải rời khỏi Đài Loan, nếu không thể tìm cách khác để gia hạn giấy tờ và không tìm được người thay thế họ chăm sóc cho đạo tràng thì các đạo tràng ấy sẽ bị giải tán.
Giữa lúc nhu cầu thì cao mà đợt này Đài Loan chỉ nhận được 10 bộ nên theo sự hướng dẫn của hòa thượng Thích Như Điển cùng sự tư vấn của quý thầy cô đã sinh hoạt lâu năm tại Đài Loan, chúng con đã đề cử danh sách gồm 6 trường Đại Học và Học Viện của Đài Loan hiện có nhiều tăng ni Việt Nam theo học (danh sách đánh số 1 đến 6), cùng 4 chùa viện có cơ sở ổn định (danh sách số 7 đến 10), do những thầy cô Việt Nam đã có giấy tờ dài hạn chăm sóc. Từ bây giờ (5/2023), tuy số lượng các bộ Kinh còn khiêm tốn nhưng giới học thuật, các nghiên cứu sinh hay những người có quan tâm nghiên cứu Thánh điển tiếng Việt tại Đài Loan có thể tìm đến các cơ sở này để đọc, tham cứu các bộ Kinh phiên dịch Việt ngữ có trình độ hàn lâm – từ nội dung đến hình thức – có thể sánh vai cùng các bản dịch Kinh qua các ngôn ngữ khác trên thế giới.
Như lời của Ngài trưởng lão chủ tịch Hội đồng Phiên dịch Tam Tạng Lâm Thời làm lời chúc phúc cho việc cúng dường Thanh Văn Tạng, thành tựu tính đến thời điểm này chỉ là bước 1 trong công trình lâu dài do quý Ngài lập ra, bao gồm cả việc phiên dịch và đào tạo dịch giả tiếp nối. Đến khi nào hoàn thành xong Thanh Văn Tạng thì sẽ tiếp tục phiên dịch các phần khác như Bồ Tát Tạng, Mật Tạng v.v… Ngài dạy: “Từ đây trở đi, Đại Tạng Kinh Việt Nam được chính thức thành lập (nhập tạng), số quyển và số tác phẩm được đánh số thứ tự theo tiêu chuẩn của Hội Đồng Phiên Dịch và được công bố trong ấn bản của Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam. Sự nghiệp phiên dịch sẽ được kế thừa liên tục cho đến khi hoàn thành. Những khuyết điểm và sai lạc nếu có trong các bản dịch, sẽ được các thế hệ kế thừa hiệu chính và bổ sung, để cho Thánh ngôn càng lúc càng trở nên trong sáng, khế hợp với mọi căn cơ; để cho pháp vị như cơn mưa lớn mà khả năng hấp thụ tùy theo các loại thảo mộc lớn nhỏ, thảy đều lợi lạc trong đời này và nhiều đời sau.”
DANH SÁCH VÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH DÂNG CÚNG 10 BỘ KINH THUỘC THANH VĂN TẠNG CHO 6 CƠ SỞ HỌC THUẬT VÀ 4 NGÔI CHÙA Ở ĐÀI LOAN (5/2023)
1. Phật Quang Sơn- Đại Tạng Kinh Cát – Cao Hùng
Đây là một quần thể kiến trúc Phật giáo đồ sộ toạ lạc ở Cao Hùng, Đài Loan do đại sư Tinh Vân thành lập từ năm 1967. Đại sư là một trong những vị danh tăng của thế kỷ 20, có tầm ảnh hưởng lớnđến việc phát triển Phật giáo ở Đông Á nói riêng và thế giới nói chung, đặc biệt là với tư tưởng “Phật Giáo Nhân Gian” của ngài. Hiện nay Phật Quang Sơn có hơn 200 chi nhánh trên khắp thế giới. Nơi đây thường xuyên có chư Tăng Ni, Phật tử, cùng các học giả Việt Nam đến tu tập và giao lưu.
2. Đại học Phật Quang- Nghi Lan
Đại học Phật Quang là trường tư thục thuộc bộ giáo dục Đài Loan, tọa lạc tại huyện Nghi Lan, miền Bắc Đài Loan. Đây là một trong năm trường đại học do Phật Quang Sơn sáng lập, trong đó có 2 trường ở Đài Loan và lần lượt các trường ở Mỹ, Úc, Philippines. Trường được đại sư Tinh Vân khởi công xây dựng năm 1993 và đến năm 2000 thì bắt đầu tuyển sinh khoá đầu tiên.Toàn trường hiện nay gồm có 14 khoa, trong đó có khoa Phật học hiện đang có khoảng 40 tăng ni sinh Việt Nam theo học.
3. Đại học Pháp Cổ – Tân Bắc
Đây là học viện Phật giáo đầu tiên ở Đài Loan được chính phủ chính thức công nhận văn bằng đào tạo. Trường toạ lạc trong khuôn viên của Trung Tâm Giáo Dục Phật Giáo Thế Giới Pháp Cổ do Hoà thượng Thánh Nghiêm sáng lập năm 1989 và khánh thành năm 2005. Hoà thượng Thánh Nghiêm là một trong bốn vị cao tăng của Phật Giáo Đài Loan trong thời hiện đại và là một trong 50 người có ảnh hưởng nhất của Đài Loan trong 400 năm trở lại. Với kiến thức uyên thâm về thiền, phương pháp tu tập hiện đại và kinh nghiệm tu thiền phong phú,ngài đã sáng lập dòng thiền “Pháp Cổ thiền” bằng cách kết hợp phương pháp thiền Mặc chiếu của phái Tào Động và phương pháp thiền Thoại Đầu của phái Lâm Tế nhằm phát triển và mở rộng một pháp môn thiền có thể thích nghi với tất cả mọi tầng lớp, mọi tôn giáo. Khoa Phật học của trường hiện đang có khoảng 32 tăng ni sinh Việt Nam theo học.
4. Đại Học Hoa Phạm – Tân Bắc
Đây là trường đại học đầu tiên được thành lập bởi cộng đồng Phật giáo ở các nước nói tiếng Hoa. Trường do một vị ni họa sĩ nổi tiếng đến từ Quảng Đông: Sư bà Hiểu Vân cùng hơn 1000 vị thiện nam tín nữ sáng lập vào năm 1990 với tư cách là Học viện Công nghệ Hoa Phạm. Đến năm 1997 thì được công nhận là trường đại học chính thức. Tọa lạc trên ngọn núi Đại Luân huyện Thạch Định, Đài Bắc, Đài Loan, Đại học Hoa Phạm có 4 Khoa: Kỹ thuật và Quản lý, Nghệ thuật Tự do, Nghệ thuật và Thiết kế và khoa Phật học.
5. Phật học viện Viên Quang – Đào Viên
Viên Quang là một trong những ngôi chùa lâu đời nhất ở Đào Viên. Chùa được thành lập vào năm 1918 trong thời kỳ Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản bởi một nhà sư tên là Diệu Quả- người có ảnh hưởng lớn đến mức được mời giảng dạy cho hoàng gia Nhật Bản.Khi trở lại Đài Loan, ngài đã xây dựng chùa Viên Quang ở Trung Lịch – Đào Viên và thu hút những người trẻ tuổi trải nghiệm cuộc sống tu viện đồng thời cung cấp các khóa học giáo dục trung học và đại học cho họ. Từ năm 1987, họ bắt đầu trùng tu ngôi chùa và mở rộng trường học, cung cấp thêm chương trình sau đại học. Hiện đang có khoảng 25 tăng ni sinh Việt Nam theo học tại đây.
6. Học Viện Quang Đức- Cao Hùng
Chùa Quang Đức được thành lập năm 1927 do Hoà thượng Huyền Tông làm vị trụ trì đầu tiên. Năm 1953 thì ngài Tịnh Niệm tiếp nối cho đến năm 1963 thì Hoà thượng Tịnh Tâm thay thế làm trụ trì đời thứ 3 của chùa. Năm 1967 ngài thành lập học viện Phật giáo Tịnh Giác. Đây là cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho tu sĩ và mỗi khóa kéo dài ba năm. Đến năm 1992, ngài thành lập Đại học Tăng già Tịnh Giác (Chi nhánh Đài Loan của Đại học Phật giáo Maha Chulalongkorn, Thái Lan) với tên gọi Quang Đức. Hiện đang có khoảng 23 tăng ni sinh Việt Nam theo học tại đây.
7. Đạo Tràng chùa Lạc Việt – Tân Bắc- Ni sư Tâm Châu trụ trì
Ni sư Tâm Châu đã đặt chân sang Đài Loan du học từ cách đây khoảng 30 năm và đạo tràng chùa Lạc Việt mà Ni sư thành lập được hơn 10 năm có thể xem là đạo tràng đầu tiên của người Việt tại Đài Loan. Ni sư cho biết dụng tâm khi lấy từ Lạc Việt đặt tên cho chùa ngoài việc đây là tên của tộc người thì nó còn mang ý nghĩa là niềm an lạc của/cho người Việt. Ni sư mong có thể dùng những lời dạy của Đức Phật để mang lại niềm an lạc cho bà con Việt Nam nơi xứ người này.
8. Chùa Kim Cang – Đài Bắc – Thầy Thiện Tài trụ trì
Khoảng năm 2013,quý thầy cô du học Đài Loan vào lúc ấy như Thầy Nguyên Tú và Thầy Hạnh Quang đã cùng nhau thành lập nên Đạo tràng Phổ Bi ở Tân Bắc. Nơi này lần lượt được các thầy cô thay nhau chăm sóc qua các nhiệm kỳ hội trưởng, cho đến ít năm trước thì đạo tràng cung thỉnh thầy Thiện Tài làm trụ trì. Đầu năm nay, thầy Thiện Tài đã tiếp nhận chùa Kim Cang từ người Đài Loan nằm trên một ngọn đồi ở khu Trung Sơn – Đài Bắcvà dời đạo tràng Phổ Bi về đây nhằm giúp tứ chúng có nơi sinh hoạt được rộng rãi và khang trang hơn.
9. Đạo Tràng Chùa Việt Nam – (Tân Bắc + Nghi Lan + Đào Viên)- sư cô Thuận Tịnh, sư cô Tâm Thanh trụ trì
Sư cô Thuận Tịnh sang Đài Loan du học từ khoảng năm 2012, 3 năm sau thì cùng với Sư cô Tâm Thanh lần lượt thành lập chùa Việt Nam ở Tân Bắc cùng 2 chi nhánh ở Nghi Lan và Đào Viên. Hiện tại, quý Sư cô cùng 3 cô đệ tử xuất gia thường xuyên tổ chức các ngày lễ, tu học và ngoại khoá lạy Phật cho đông đảo bà con người Việt cũng như người Đài ở 3 ngôi chùa ấy.
10. Đạo Tràng Chùa Việt Đài – (Đài Trung+ Cao Hùng + Gia Nghĩa) – Sư cô Tịnh Như trụ trì
Sang du học từ năm 2013, với sự động viên và ủng hộ của chư tôn đức ở quê nhà, Sư cô Tịnh Như đã thành lập hội từ thiện Trí Đức vào năm 2015. Đến năm 2017 thì Sư cô tạo dựng đạo tràng Đài Trung, đặt tên là chùa Việt Đài. Sang năm 2019 thì thêm 1 chi nhánh cùng tên ở Cao Hùng và sau đó 1 năm thì Vườn Quan Âm ở Gia Nghĩa được lần lượt có mặt. Hiện sư cô cùng với 2 đệ tử xuất gia cùng nhau chăm sóc 3 nơi này để làm nơi nuôi lớn những nhân duyên tốt đẹp của hai nước Việt và Đài.
Nhật Bản
Hôm qua 12/5/2023, 10 bộ Thanh Văn Tạng đã được thỉnh về Chùa Việt Nam- Kanagawa, Nhật Bản. Và sẽ lần lượt cúng dường đến các Chùa Việt và các trường Đại Học có chuyên khoa Phật học tại Nhật Bản.
Tin, ảnh: theo FB Chùa Việt Nam
Xem chi tiết về Đại Tạng Kinh Việt Nam tại đây.