Sách mới: HƯƠNG TÍCH – Phật Học Luận Tập, tập 10/2023

Sách tập hợp các khảo luận chuyên sâu về Phật học, Lịch sử, Văn hóa Nghệ thuật Phật giáo

Tập 10, phát hành tháng 8:

– TUỆ SỸ: “Giới thiệu Thức thân túc luận”

Thức thân túc luận (Vijñānakāyapada-śāstra), một trong Sáu luận chân (Lục túc luận) của tạng A-tì-đàm (Abhidharma) của Hữu bộ (Sarvāstivāds). Mặc dù cụm từ “Lục phần A-tì-đàm” như được Cưu-ma-la-thập (Kumārạīva) nhắc đến trong Đại trí độ luận, và được các nhà nghiên cứu đồng nhất với Lục túc (saṭpādābhidharma), Sakurabe và Yoichi, trong phần giới thiệu cho bản dịch Nhật ngữ của Phát trí luận cho rằng ngay cả đề sách như Tập dị môn túc luận và Pháp uẩn túc luận, từ “túc luận” do dịch giả thêm vào. …

(Sách đã dịch và chú giải hoàn chỉnh, sẽ sớm ra mắt đọc giả)

– BÙI CHÍ TRUNG [Gs Đại học Aichi Shukutoku, Khoa trưởng Phân khoa Cao học Giao lưu văn hóa Quốc tế, Japan]: “Lịch sử chế tác tượng Phật ở Nhật Bản”

… Đạo Phật và tượng Phật chính thức truyền vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VI, được triều đình bảo hộ và phổ cập nên nhanh chóng lan truyền thấm sâu vào đời sống dân gian. Những đại tự hay quan tự là chùa do triều đình dựng và quản lý được kiến lập, nhiều tượng Phật cũng được tạo ra để đáp ứng tín ngưỡng chung cho mọi tầng lớp trong xã hội. Người Nhật có tính ngăn nắp thứ tự, kỹ thuật và óc sáng tạo cao nên có được những công trình tạc, đúc tượng Phật đẹp, lớn, tinh mật…

Với ý nguyện cung cấp thêm chút kiến thức cơ bản về nền mỹ thuật điêu khắc tượng Phật ở Nhật, người viết phát biểu tiểu luận này là một phần (có bổ sung) trong loạt bài giới thiệu về “Tín ngưỡng và các tượng Quan Âm ở Nhật Bản” dự định xuất bản một ngày gần đây. Tiểu luận này chỉ giới thiệu khái quát những kiến thức phổ thông về lịch sử chế tác tượng Phật ở Nhật Bản qua các thời đại, các phương pháp tạo tượng cơ bản cũng như danh tính một vài nghệ nhân tạo tượng gọi là Phật sư (仏師 Busshi), với mong mỏi rằng qua đó độc giả sẽ cảm nhận nét đẹp, thấy gần gũi với giáo lý của Đức Thế Tôn hơn, và đó cũng là duyên lành vậy…

– HUỲNH KIM QUANG: “Kinh Pháp Hoa được dịch & phổ biến ở Tây phương như thế nào”

Tây phương biết đến Kinh Pháp Hoa lần đầu tiên qua tác phẩm của nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo La Mã Matteo Ricci (1552-1610). Ricci đã đến Macau năm 1582 là nơi ông bắt đầu công tác truyền giáo tại Trung Hoa. Trong tác phẩm “The True Doctrine of the Lord of Heaven” (天主實義 – Tianzhu shiyi – Thiên Chúa Thật Nghĩa), được xuất bản vào năm 1603, Ricci đề cập đến Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra) và bài bác lời dạy trong Kinh này, theo Giáo Sư chuyên về Phật Giáo và Tây Tạng tại Phân Khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Á Châu của Đại Học Michigan Donald Lopez. Nhưng phải đợi đến gần 250 năm sau, Tây phương mới thực sự đón nhận Kinh Pháp Hoa với tinh thần học thuật hàn lâm nghiêm túc và khách quan.

Theo Donald Lopez (2016), tác phẩm “Introduction à l’histoire du Buddhisme Indien” [Giới thiệu Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ] được xuất bản năm 1844 của học giả người Pháp Eugen Burnouf (1801-1852) đánh dấu sự khởi đầu của học thuật hàn lâm hiện đại về Phật Giáo vào Tây phương. Cũng theo Lopez, cuốn sách này “dường như lúc đầu có ý giúp các độc giả hiểu Kinh Pháp Hoa,” bản dịch mà Burnouf đã hoàn thành vào năm 1839. Nhưng lúc đó, Burnouf chưa công bố bản dịch Kinh Pháp Hoa vì ông muốn viết lời giới thiệu để in chung. Bản dịch tiếng Pháp Kinh Pháp Hoa từ tiếng Phạn tại Nepal của Burnouf được xuất bản chung trong tài liệu có tiêu đề “Le Lotus de la bonne loi traduit du Sanscrit accompagné d’un commentaire et de vingt et un mémoires relatifs au Buddhisme”(3) [Kinh Pháp Hoa được dịch từ tiếng Phạn cùng với một bản giải thích và 21 luận văn liên quan đến Phật Giáo], được xuất bản sau khi ông qua đời vào năm 1852…

– TRẦN KỲ PHƯƠNG – NGUYỄN T. TÚ ANH: “Nghệ thuật Phật giáo Campa thời Hậu Đồng Dương”

– Chuyên đề ĐẠI TẠNG KINH:

* Tuệ Sỹ: Lược sử các khắc bản Đại tạng kinh

* Mochizuki: Giới thiệu Đại chánh tân tu Đại tạng kinh [Thanh Trì dịch] v.v…

Theo Huongtich

Độc giả quan tâm đến bộ Luận tập của Hương Tích, có thể xem chi tiết tại sachhuongtich.com hoặc trọn bộ có thể đặt tại đây.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận