RE-EXAMININING NGUYEN DU’S DIPLOMATIC TRIPS THROUGH THE HAN POEMS IN “BAC HANH TAP LUC 北行雑録”
(Bài tham luận đã trình bày trong Hội thảo khoa học quốc tế “Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay”, ngày 26/07 năm 2019 tại trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh)
Nohira Munehiro[1]
Sau khi đăng bài Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ của Mai An Nguyễn Anh Tuấn, Văn Việt đăng bài của GS Nguyễn Huệ Chi Nhận xét bài viết “Nguyễn Du và chuyến Bắc hành lần đầu – qua khảo sát một bài thơ cụ thể: Nhạc Vũ Mục mộ”(*) của ông Mai An Nguyễn Anh Tuấn. Liền sau đó, Mai An Nguyễn Anh Tuấn phản hồi bằng bài Thư ngỏ trả lời Giáo sư Nguyễn Huệ Chi. Đáng chú ý là trong ba bài trên, cả hai tác giả đều nhắc đến công trình Một giả thiết khác về hành trình đi sứ của Nguyễn Du năm 1813-1814 của Nohira Munehiro công bố trong Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du tại Hà Nội năm 2015.
Để làm sáng tỏ thêm vấn đề, Văn Việt xin đăng bài Khảo sát lại lộ trình đi sứ của Nguyễn Du và thứ tự các thơ bài chữ Hán trong Bắc hành tạp lục 北行雑録 do chính Nohira Munehiro gửi đến, phát triển từ công trình 2015 với những tư liệu mới và lập luận mới. Văn Việt xin có lời cảm ơn GS Nohira Munehiro.
Văn Việt
1. Mở đầu
Năm 2015, tôi đã trình bày một giả thuyết về lộ trình đi sứ của Nguyễn Du tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du được tổ chức ở Hà Nội. Mặc dù từ năm 1964 khi ông Nguyễn Văn Hoàn viết báo cáo trên Tạp chí Văn học về lộ trình đi sứ của Nguyễn Du cho đến bấy giờ, nhiều người hoặc ít quan tâm đến hoặc chỉ nghĩ rằng Nguyễn Du đã đến Lâm An (tức Hàng Châu hôm nay) thôi, nhưng tôi đưa ra một giả thuyết khác rằng Nguyễn Du chỉ đến miếu Nhạc Phi ở tỉnh Hà Nam trên đường đi Bắc Kinh, chứ không bao giờ đến thăm mộ Nhạc Phi ở Lâm An trên đường về nước.
Ngay sau khi trình bày tham luận xong đã có nhiều ý kiến đồng tình, một số ý kiến phản bác, nhất là năm ngoái sau khi bài tham luận tôi được đăng trên mạng, ông Phạm Trọng Chánh, một nhà nghiên cứu Nguyễn Du, phản bác tôi rất gay gắt. Vì vậy lần này, tôi xin đưa thêm một số thông tin mới để giải thích lại giả thuyết của mình cho vững chắc hơn.
2. Các quan điểm của Nguyễn Văn Hoàn và Lê Thước – Trương Chính
Trước hết tôi xin nhắc lại lý do tại sao đưa đến giả thuyết của mình rằng Nguyễn Du không đến Lâm An.
Hồi xưa khi người Việt Nam đi sứ Trung Quốc, có hai lộ trình: 1) đi qua Quảng Tây, Hồ Nam, đến tỉnh Hồ Bắc thì đi phía đông theo đường sông Trường Giang, đi qua Giang Tây, An Huy, Nam Kinh, đến Dương Châu thì đi phía Bắc đến Bắc Kinh như sứ trình của Nguyễn Huy Oánh, 2) đi qua Quảng Tây, Hồ Nam, đến tỉnh Hồ Bắc giống như lộ trình 1, sau đó cứ đi phía Bắc, qua Hà Nam, Trực Lệ đến Bắc Kinh.
Trong bài “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc” của Nguyễn Văn Hoàn trên Tạp chí Văn học, số 11 năm 1964, ông báo cáo rằng ở Trung Quốc sưu tầm được 21 văn bản về chuyến đi sứ của Nguyễn Du. Căn cứ vào 21 văn bản, ông giới thiệu lộ trình, nhật trình của Nguyễn Du một cách rất cụ thể. Theo báo cáo đó, chúng ta biết được Nguyễn Du đi lộ trình 2 (Nguyễn Văn Hoàn, 1964, tr.46-47).
Nhưng có điều cần lưu ý: trong những tư liệu ông Hoàn sưu tầm được đó có “hai tờ bẩm của sứ bộ Nguyễn Du gửi về cho vua nhà Nguyễn tâu trình về công việc của sứ bộ” và trong bài báo cáo, ông dịch sang tiếng Việt, giới thiệu nội dung tờ bẩm thứ hai. Trong tờ ấy, có đoạn Nguyễn Du viết về tình hình lúc khởi hành khỏi Bắc Kinh về nước như sau:
“Ngày 22 [tháng 10] lại nhận được công văn thay đổi đường đi, theo một dãy các tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc mà về Quảng Tây. Ngày 24 khởi hành, ngày 11 tháng 12 mới đến tỉnh thành Võ Xương” (Nguyễn Văn Hoàn, 1964, tr.46).
Theo đoạn tờ bẩm ấy, chúng ta biết được rằng khi về nước, Nguyễn Du không theo đường cũ như khi đi mà phải thay đổi đường, phải đi qua các tỉnh tỉnh Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc. Điều này làm cho khó suy đoán lộ trình đi về của Nguyễn Du vì khó đối chiếu với đường đi đến Bắc Kinh hoặc lộ trình của sứ bộ khác.
Nhưng dù thế nào đi nữa, trong tờ bẩm ấy Nguyễn Du không bao giờ nói rằng tạt xuống Lâm An. Tôi không thể nào tin được rằng khi đi sứ, Nguyễn Du đã dám không theo công văn nhà Thanh, dám không tâu trình với vua nhà Nguyễn mà kín đáo đến thăm Lâm An.
Thế mà vẫn có ý kiến Nguyễn Du đã đến Lâm An là vì “trong Bắc hành tạp lục có một số bài thơ chứng tỏ rằng Nguyễn Du có đến Hàng Châu” (Nguyễn Văn Hoàn, 1964, tr.47) như ông Hoàn nói. “Một số bài thơ” đó cụ thể là các bài Nhạc Vũ Mục huỳnh, Tần Cối tượng và Vương Thị tượng bởi vì trong các bài ấy có một số sự thực trông như đến thăm mộ Lâm An mới viết được. Nhưng vấn đền này thì bàn luận sau.
Tiếp theo, chúng ta hãy xem bản đồ chỉ đường trong quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Du do hai ông Lê Thước và Trương Chính soạn, xuất bản năm 1965 (Lê Thước và Trương Chính soạn, 1965, tr.443). Bản đồ chỉ đường đi sứ của Nguyễn Du này được vẽ căn cứ trên bài báo cáo của ông Hoàn và những tư liệu được giới thiệu trong bài ấy. Chúng ta xác nhận được là trong bản đồ cũng chấm vào địa điểm Lâm An. Nhưng địa điểm ấy quá trệch đường đi của sứ bộ làm cho chúng ta thấy không tự nhiên, phi lý.
Vì thế, hai ông Lê Thước, Trương Chính đưa ra quan điểm như sau:
“Chỉ có một vài bài còn vấn đề, như (…), các bài vịnh tượng Tần Cối, Vương Thị (vợ Tần Cối), không ở chỗ thích đáng của nó, làm ta ngờ rằng nhà thơ nhân nhớ đến những nhân vật đó mà làm thơ, chứ không phải tức cảnh sinh tình như tuyệt đại đa số các bài trong tập này” (Lê Thước và Trương Chính soạn, 1965, tr.14).
Ông Phạm Trọng Chánh viết rằng “Nguyễn Du có đến Lâm An (Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang ) không? Các nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, Trương Chính, Lê Thước, Nguyễn Văn Hoàn, Mai Quốc Liên,… đều cho là có” (Phạm Trọng Chánh, 2019), nhưng tôi nghi ngờ ông Chánh có đọc đoạn trên của hai ông Lê Thước, Trương Chính hay không? Ngoài ra, thậm chí ông Hoàn cũng vẫn e ngại, chưa dứt khoát khẳng đinh, chỉ viết rằng “chúng ta chưa có thêm tư liệu để có thể khẳng định rằng trên đường về khi đi qua An Huy, Nguyễn Du có tạt xuống Hàng Châu, thuộc Chiết Giang” (Nguyễn Văn Hoàn, 1964, tr.47). Như vậy, ông Hoàn chưa hoàn toàn khẳng định rằng Nguyễn Du đến Lâm An.
Còn tôi thì nghĩ rằng Nguyễn Du đã trực tiếp nhìn thấy tượng Tần Cối, Vương Thị ở Thang Âm tỉnh Hà Nam, chứ không ở Lâm An, chứ không phải chỉ nhớ đến hai bức tượng này ở Hàng Châu như hai ông Lê Thước, Trương Chính đã nghĩ. Vấn đề này tôi sẽ bàn luận lại sau đây.
Ở đây chúng ta chỉ cần lưu ý là hai ông Lê Thước, Trương Chính đã cho rằng tuyệt đại đa số các bài thơ Bắc hành tạp lục thì tức cảnh sinh tình mà viết. Trong lời giới thiệu của sách hai ông cũng có đoạn rằng “chúng tôi có theo dõi cuộc sứ trình này trên bản đồ theo những tài liệu mà các phái đoàn của ta gần đây đi tham quan Trung Quốc tìm được và đã đối chiếu với các bài thơ, thì thấy cách sắp xếp các bài đã ổn” (Lê Thước và Trương Chính soạn, 1965, tr.13). Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa: hai ông Lê Thước, Trương Chính đã nghĩ rằng thứ tự sắp xếp các bài thơ Bắc hành tạp lục tương ứng với đường đi của Nguyễn Du.
3. Xem lại cách sắp xếp các bài thơ Bắc hành tạp lục
Bây giờ dựa vào quan điểm “cách sắp xếp các bài đã ổn” trên mà chúng ta hãy xem kỹ lại thứ tự sắp xếp các bài Bắc hành tạp lục một lần nữa. Căn cứ vào bản chép tay A.1494[2], tôi đã làm bảng liệt kê các bài và địa điểm Nguyễn Du làm bài thơ như dưới đây:
題番号 số đề | 北行雑録 A.1494 BẮC HÀNH TẠP LỤC | 執筆地点 nơi viết |
1 | 龍城琴者 LONG THÀNH CẦM GIA | 越南 昇龍 Việt Nam Thăng Long |
2 | 昇隆二首 (二首) THĂNG LONG NHỊ THỦ | 越南 昇龍 Việt Nam Thăng Long |
3 | 遇家弟舊歌姫 NGỘ GIA ĐỆ CỰU CA CƠ | 越南 昇龍 Việt Nam Thăng Long |
4 | 鬼門関 QUỈ MÔN QUAN | 越南 諒山 Việt Nam Lạng Sơn |
5 | 諒城道中 LẠNG THÀNH ĐẠO TRUNG | 越南 諒山 Việt Nam Lạng Sơn |
6 | 夾城馬伏波廟 GIÁP THÀNH MÃ PHỤC BA MIẾU | 越南 北江 夾城 Việt Nam Bắc Giang Giáp Thành |
7 | 留別舊契黄 LƯU BIỆT CỰU KHẾ HOANG | 鎮南関 Trấn Nam Quan |
8 | 鎮南関 TRẤN NAM QUAN | 鎮南関 Trấn Nam Quan |
9 | 南関道中 NAM QUAN ĐẠO TRUNG | 鎮南関 Trấn Nam Quan |
10 | 幕府即事 MẠC PHỦ TỨC SỰ | |
11 | 明江舟發 MINH GIANG CHU PHÁT | 広西 明江 Quảng Tây Ming Giang |
12 | 黄巣兵馬 HOÀNG SÀO BINH MÃ | 広西 寧明 Quảng Tây Ninh Ming |
13 | 寧明江舟行 NINH MINH GIANG CHU HÀNH | 広西 寧明江 Quảng Tây Ninh Ming Giang |
14 | 望觀音廟 VỌNG QUAN ÂM MIẾU | |
15 | 三江口塘夜泊 TAM GIANG KHẨU ĐƯỜNG DẠ BẠC | 広西 三江口 Quảng Tây Tam Giang Khẩu |
16 | 太平城下聞笛 THÁI BÌNH THÀNH HẠ VĂN XUY ĐỊCH | 広西 太平 明江 Quảng Tây Thái Bình Minh Giang |
17 | 舟行即事 CHU HÀNH TỨC SỰ | 広西 Quảng Tây |
18 | 太平賣歌者 THÁI BÌNH MẠI CA GIẢ | 広西 太平 Quảng Tây Thái Bình |
19 | 山塘夜泊 SƠN ĐƯỜNG DẠ BẠC | |
20 | 題大灘馬伏波廟 ĐỀ ĐẠI THAN MÃ PHỤC BA MIẾU | 広西 横州貴縣間 Quảng Tây giữa Hoàng Châu và Quý Huyện |
21 | 暁下大灘新潦暴漲諸險俱失 HIỂU HẠ ĐẠI THAN TÂN LẠO BẠO TRƯỚNG CHƯ HIỂM CÂU THẤT | 広西 横州貴縣間 Quảng Tây giữa Hoàng Châu và Quý Huyện |
22 | 下灘喜賦 HẠ THAN HỈ PHÚ | |
23 | 蒼梧即事 THƯƠNG NGÔ TỨC SỰ | 広西 蒼梧 Quảng Tây Thương Ngô |
24 | 蒼梧暮雨 THƯƠNG NGÔ MỘ VŨ | 広西 蒼梧 Quảng Tây Thương Ngô |
25 | 五日觀競渡 NGŨ NHẬT QUAN CẠNH ĐỘ | 広西 蒼梧 Quảng Tây Thương Ngô |
26 | 蒼梧竹枝歌十五章 (十五首) THƯƠNG NGÔ TRÚC CHI CA THẠP NGŨ CHƯƠNG | 広西 蒼梧 Quảng Tây Thương Ngô |
27 | 楊妃故里 DƯƠNG PHI CỐ LÝ | 広西 容縣? Quảng Tây Dung Huyện ? |
28 | 趙武帝故境 TRIỆU VŨ ĐẾ CỐ CẢNH | 広西、広東 Quảng Tây, Quảng Đông |
29 | 不進行 BẤT TIẾN HÀNH | 広西 五指山 Quảng Tây Ngũ Chỉ Sơn |
30 | 三烈廟 TAM LIỆT MIẾU | 広西 昭平縣 Quảng Tây Chiêu Bình Huyện |
31 | 桂林瞿閣部 QUẾ LÂM CÙ CÁC BỘ | 広西 桂林 Quảng Tây Quế Lâm |
32 | 桂林公館 QUẾ LÂM CÔNG QUÁN | 広西 桂林 Quảng Tây Quế Lâm |
33 | 題韋盧集後 ĐỀ VI LƯ TẬP HẬU | |
34 | 過天平 QUÁ THIÊN BÌNH | |
35 | 望湘山寺 VỌNG TƯƠNG SƠN TỰ | 広西 全州 Quảng Tây Toàn Châu |
36 | 永州柳子厚故宅 VĨNH CHÂU LIỄU TỬ HẬU CỐ TRẠCH | 湖南 永州 Hồ Nam Vĩnh Châu |
37 | 湘江夜泊 TƯƠNG GIANG DẠ BẠC | 湖南 湘江 Hồ Nam Tương Giang |
38 | 湘潭吊三閭大夫 (二首) TƯƠNG ĐÀM ĐIẾU TAM LƯ ĐẠI PHU | 湖南 湘潭 Hồ Nam Tương Đàm |
39 | 反招魂 PHẢN CHIẾU HỒN | 湖南 Hồ Nam |
40 | 辯賈 BIỆN GIẢ | 湖南 湘江 Hồ Nam Tương Giang |
41 | 長沙賈太傅 TRƯỜNG SA GIẢ THÁI PHÓ | 湖南 長沙 Hồ Nam Trường Sa |
42 | 初秋感興(二首) SƠ THU CẢM HỨNG | 湖南 湘江 (玉門関) Hồ Nam Tương Giang(Ngọc Môn Quan) |
43 | 楚望 SỞ VỌNG | |
44 | 耒陽杜少陵墓 (二首) LỖI DƯƠNG ĐỖ THIẾU LĂNG MỘ | 湖南 耒陽 Hồ Nam Lỗi Dương |
45 | 湘陰夜 TƯƠNG ÂM DẠ | 湖南 湘陰 Hồ Nam Tương Âm |
46 | 登岳陽樓 ĐĂNG NHẠC DƯƠNG LÂU | 湖南 岳陽 Hồ Nam Nhạc Dương |
47 | 黄隺樓 HOÀNG HẠC LÂU | 湖北 武昌 Hồ Bắc Vũ Xương |
48 | 漢陽晩眺 HÀN DƯƠNG VÃN THIẾU | 湖北 漢陽 Hồ Bắc Hán Dương |
49 | 灄口道中 NHIẾP KHẨU ĐẠO TRUNG | 湖北 灄口 Hồ Bắc Nhiếp Khẩu |
50 | 李家寨早發 LÝ GIA TRẠI TẢO PHÁT | |
51 | 武勝關 VŨ THẮNG QUAN | 河南 武勝関 Hà Nam Vũ Thắng Quan |
52 | 信陽即事 TÍN DƯƠNG TỨC SỰC | 河南 信陽 Hà Nam Tín Dương |
53 | 偶興 NGẪU HỨNG | 河南 信陽 Hà Nam Tín Dương |
54 | 渡淮有感淮陰侯 ĐỘ HOÀI HỮU CẢM HOÀI ÂM HẦU | 河南 淮河 Hà Nam Hoài Hà |
55 | 渡淮有感文丞相 ĐỘ HOÀI HỮU CẢM VĂN THỪA TƯỚNG | 河南 淮河 Hà Nam Hoài Hà |
56 | 河南道中酷暑 HÀ NAM ĐẠO TRUNG KHỐC THỬ | 河南 Hà Nam |
57 | 舊許都 CỰU HỨA ĐÔ | 河南 許都 Hà Nam Hứa Độ, |
58 | 歐陽文忠墓 ÂU DƯƠNG VĂN TRUNG CÔNG MỘ | 河南 鄭州 新鄭市 Hà Nam Trịnh Châu Tân Trịnh, |
59 | 裴晋公墓 BÙI TẤN CÔNG MỘ | 河南 鄭州 Hà Nam Trịnh Châu, |
60 | 黄河 HOÀNG HÀ | 河南 龍門 Hà Nam Long Môn |
61 | 黄河阻潦 HOÀNG HÀ TRỞ LẠO | 河南 Hà Nam |
62 | 比干墓 TỈ CAN MỘ | 河南 衛輝府 Hà Nam Vệ Huy Phủ |
63 | 阻兵行 TRỞ BINH HÀNH | 河南 衛州 (滑縣 濬縣) Hà Nam Vệ Châu |
64 | 嵇侍中祠 KÊ THỊ TRUNG TỪ | 河南 湯隂縣 Hà Nam Thang Âm |
65 | 岳武穆塋 NHẠC VŨ MỤC HUỲNH | 【河南 湯隂縣】 【Hà Nam Thang Âm】 |
66 | 秦檜像 (二首) TẦN CỐI TƯỢNG (2 bài) | 【河南 湯隂縣】 【Hà Nam Thang Âm】 |
67 | 王氏像 (二首) VƯƠNG THỊ TƯỢNG (2 bài) | 【河南 湯隂縣】 【Hà Nam Thang Âm】 |
68 | 銅雀臺 ĐỒNG TƯỚC ĐÀI | 直隷 鄴 Trực Lệ Nghiệp |
69 | 七十二疑冢 THẤT THẬP NHỊ NGHI TRỦNG | 直隷 鄴 Trực Lệ Nghiệp |
70 | 藺相如故里 LẠN TƯƠNG NHƯ CỐ LÝ | 直隷 邯鄲 Trực Lệ Hàm Đan |
71 | 邯鄲即事 HÀM ĐAN TỨC SỰ | 直隷 邯鄲 Trực Lệ Hàm Đan |
72 | 韓信講兵處 HÀN TÍN GIẢNG BINH SỨ | 直隷 燕郊 Trực Lệ Yến Giao |
73 | 廉頗碑 LIÊM PHA BI | 直隷 Trực Lệ |
74 | 蘇秦亭 (二首) TÔ TẦN ĐÌNH (2 bài) | 直隷 順徳府 Trực Lệ Thuận Đức Phủ |
75 | 豫讓橋橋〔匕〕首行 DỰ NHƯỢNG KIỀU CHUỶ THỦ HÀNH | 直隷 順徳府? Trực Lệ Thuận Đức Phủ ? |
76 | 豫讓橋 DỰ NHƯỢNG KIỀU | 直隷 順徳府? Trực Lệ Thuận Đức Phủ ? |
77 | 荊軻故里 KINH KHA CỐ LÝ | 直隷 燕郊 Trực Lệ Yến Giao |
78 | 帝堯廟 ĐẾ NGHIÊU MIẾU | |
79 | 劉伶墓 LƯU LINH MỘ | |
80 | 麒麟墓 KỲ LÂN MỘ | 直隷 Trực Lệ |
81 | 偃城岳武穆班師處 YỂN THÀNH NHẠC VŨ MỤC BAN SƯ XỨ | 河南 偃城 Hà Nam Yển Thành |
82 | 東路十七首 ĐÔNG LỘ THẬP THẤT THỦ | 山東 泰山 Sơn Đông Thái Sơn |
83 | 管仲三歸臺 QUẢN TRỌNG TAM QUI ĐÀI | 山東 東阿 Sơn Đông Đông A |
84 | 嵆康琴台 KÊ KHANG CẦM ĐÀI | |
85 | 東阿山路行 ĐÔNG A SƠN LỘ HÀNH | 山東 東阿 Sơn Đông Đông A |
86 | 楚霸王墓 (二首) SỞ BÁ VƯƠNG MỘ (2 bài) | 山東 Sơn Đông |
87 | 柳下惠墓 LIỄU HẠ HUỆ MỘ | 山東 泗水 Sơn Đông Tứ Thuỷ |
88 | 徐州道中 TỪ CHÂU ĐẠO TRUNG | 山東? Sơn Đông (chưa tới Từ Châu ?) |
89 | 二疏故里 NHỊ SƠ CỐ LÝ | 山東 嶧縣 Sơn Đông Dịch Huyện |
90 | 徐州堤上望 TỪ CHÂU ĐÊ THƯỢNG VỌNG | 徐州 Tư Châu |
91 | 安徽道中 AN HUY ĐẠO TRUNG | 徐州? Tư Châu (chưa tới An Huy ?) |
92 | 亜父墓 Á PHỦ MỘ | 徐州 Tư Châu |
93 | 周郎墓 CHU LANG MỘ | 安徽 宿松縣 Anh Huy Túc Tòng Huyện |
94 | 五祖山道中 NGŨ TỔ SƠN ĐẠO TRUNG | 湖北 黄梅縣 Hồ Bắc Hoàng Mai Huyện |
95 | 廣濟記勝 QUẢNG TẾ KÝ THẮNG | 湖北 廣濟 Hồ Bắc Quảng Tế |
96 | 途中偶興 ĐỒ TRUNG NGẪU HỨNG | |
97 | 黄州竹樓 HOÀNG CHÂU TRÚC LÂU | 湖北 黄州 Hồ Bắc Hoàng Châu |
98 | 榮啓期拾穗處 VINH KHẢI KỲ THẬP TUỆ XỨ | 山東 東山(蒙山) Sơn Đông Đông Sơn (Mộng Sơn) |
99 | 孟子祠古柳行 MẠNH TỬ TỪ CỔ LIỄU HÀNH | 山東 Sơn Đông |
100 | 徐州夜 TỪ CHÂU DẠ | 徐州 Tư Châu |
101 | 潛山道中 TIỀM SƠN ĐẠO TRUNG | 安徽 潜山 An Huy Tiềm Sơn |
102 | 桃花潭李青蓮跡 ĐÀO HOA ĐÀM LÝ THANH LIÊN CỰU TÍCH | 安徽 桃花潭 An Huy Đào Hoa Đàm |
103 | 桃花驛道中(二首) ĐÀO HOA DỊCH ĐẠO TRUNG (2 bài) | 安徽 桃花潭 潜山 An Huy Đào Hoa Đàm Tiềm Sơn |
104 | 梁昭明太子分經石臺 LƯƠNG CHIÊU MINH THÁI TỬ PHÂN KINH THẠCH ĐÀI | 安徽 宿松縣 Anh Huy Túc Tòng Huyện |
105 | 西河驛 TÂY HÀ DỊCH | 湖北 蘄州 Hồ Bắc Kỳ Châu |
106 | 所見行 SỞ KIẾN HÀNH | 湖北 蘄州 Hồ Bắc Kỳ Châu |
107 | 黄梅山上村 HOÀNG MAI SƠN THƯỢNG THÔN | 湖北 黄梅山 Hồ Bắc Hoàng Mai Sơn |
108 | 黄梅道中 HOÀNG MAI ĐẠO TRUNG | 湖北 黄梅 Hồ Bắc Hoàng Mai |
109 | 舟發 CHU PHÁT | 湖北 漢江 同庭湖 黄閣楼 Hồ Bắc |
Ngoài một số bài chưa được suy đoán địa điểm Nguyễn Du làm thơ ra, hầu như tất cả các bài trên đường đi Bắc Kinh (bài thơ số 1-81) thì được sắp xếp thuận theo đường đi của sứ bộ từ Thăng Long, Lạng Sơn, Trấn Nam Quan sang Trung Quốc, vào Trung Quốc thì từ Quảng Tây đi lên phía Bắc qua Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ (tỉnh Hà Bắc hiện nay) như lộ trình ông Nguyễn Văn Hoàn đã giới thiệu.
Vị trí bài Yển Thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ
Nhưng cần lưu ý: có một bài ngoại lệ rõ ràng là bài số 81, Yển Thành Nhạc Vũ Mục ban sư xứ. Bài ấy là bài đã viết ở Yển Thành, tỉnh Hà Nam cho nên đáng lẽ phải nằm giữa số 58 hoặc 59 và số 60.
Nhưng xem bản chép tay kỹ thì ở dưới bài số 80 chúng ta thấy được chữ “bổ di”. Cho nên có thể giải thích được lý do tại sao ở sau những bài thơ viết ở Trực Lệ có bài viết ở Hà Nam, tức là bài 81 là bài bổ di, viết thêm sau. Tất cả các bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du in vào thế kỷ 20 cho đến quyển Nguyễn Du toàn tập mới nhất xuất bản vào năm 2015 thì không hề có ghi chú về chữ “bổ di” này. Tôi xin đưa ra sự thực này ở đây.
Vấn đề về cách sắp xếp các bài trên đường về
Còn các bài từ số 82 đến số 109 thì có thể coi là Nguyễn Du viết trên đường về nước. Liếc qua các địa điểm các bài thơ thì trông như không ổn định, mất trật tự. Ví dụ, số 97 thì viết ở Hồ Bắc mà số 98, 99 thì lại viết ở Sơn Đông.
Nhưng thực ra thì xem kỹ mới biết được cách sắp xếp có trật tự. Tôi mới phát hiện ra sự thực này.
Chúng ta hãy chú ý đến bài số 82. Dù tất cả các bản dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du in cho đến quyển Nguyễn Du toàn tập năm 2015 thì chỉ ghi nhan đề bài ấy là “Đông Lộ” thôi, không có ghi chú nào cả, nhưng xem bản chép tay thì nhan đề bài ấy ghi là “Đông Lộ thập thất thủ”, nghĩa là 17 bài thơ viết trên đường phía Đông.
Đếm 17 bài từ bài số 82
Tiếp theo, nếu đếm 17 bài từ số 82, thì bài thứ 17 là bài số 97. Ở đây chúng ta cần lưu ý rằng bài số 86 thì dưới 1 nhan đề có 2 bài nên cần đếm là 2 bài. Xem bản chép tay thì thấy được có người đã từng đếm thử 17 bài như tôi và đã ghi số bằng bút chì. Nhưng người ấy đếm nhầm là số 86 chỉ có 1 bài thôi. Đếm như vậy thì kết quả không có ý nghĩa gì, không thấy được sự thực.
Thế, chúng ta xem lại các địa điểm các bài từ số 82 đến 97 thì có thể coi cách sắp xếp các bài ấy hầu như theo đường về của Nguyễn Du từ Sơn Đông, Tư Châu (Giang Tô), An Huy, đến Hồ Bắc, như tờ bẩm của Nguyễn Du.
Xác nhận lại địa điểm của một số bài trên đường về
Ở đây tôi cần phải nói thêm về địa điểm các bài trên đường về nước. Ông Đào Duy Anh đã cho rằng bản chép tay bị mất trật tự sắp xếp các bài thơ cho nên ông đoán lại địa điểm một số bài theo đường đi “đúng” (Đào Duy Anh, 1988, tr.31-32). Ví dụ ông coi Chu Lang mộ (bài 93) nằm ở Nam Kinh nhưng theo sách địa lý Trung Quốc thì ở An Huy cũng có mộ Chu Du (Đào Duy Anh, 1988, tr.435). Ông coi Tổ Sơn (bài 94) nằm ở Hàng huyện, ở phía bắc Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, nhưng xem bản chép tay thì nhan đề bài ấy là “Ngũ Tổ Sơn”, chứ không phải là Tổ Sơn. “Ngũ Tổ Sơn” thì theo sách địa lý Trung Quốc thì nằm ở Hồ Bắc (Đào Duy Anh, 1988, tr.109, tr.437). Tôi nghĩ rằng ông Đào Duy Anh nghĩ Nguyễn Du nhất định đã đến Lâm An cho nên đã đoán nhầm như vậy.
Về bài từ số 98 đến số 109
Còn chúng ta xem các địa điểm của các bài từ số 98 đến số 109 thì biết được rằng cách sắp xếp các bài ấy cũng theo đường sứ bộ từ Sơn Đông, Tư Châu (Giang Tô), An Huy, Hồ Bắc giống như các bài số 82 đến 97.
Trong đó cũng có một số bài mà ông Đào Duy Anh đã đoán là Nguyễn Du viết ở Hàng Châu như bài Lương Chiêu Minh Thái Tử phân kinh thạch đài, nhưng giống như đã nói trên, theo sách địa chỉ Trung Quốc thì Thạch Đài của Lương Chiêu Minh Thái Tử cũng ở An Huy[3].
Đến đây chúng ta biết được rằng các bài từ 82 đến 109 có thể chia ra hai nhóm là các bài từ 82 đến 97 và các bài từ 98 đến 109, và cách sắp xếp của mỗi nhóm đều hầu như theo đường về nước của Nguyễn Du, có thể coi là có trật tự.
Cho đến đây, tôi đã xem lại quan điểm của hai ông Lê Thước, Trương Chính một cách cụ thể hơn và tỉ mỉ hơn để làm cho quan điểm ấy vững chắc hơn rồi. Đến đây chúng ta tạm kết luận được rằng cách sắp xếp các bài trong bản chép tay Bắc hành tạp lục A.1494 đã ổn định như hai ông khẳng định.
4. Vị trí bài Nhạc Vũ Mục huỳnh trong bản chép tay Bắc hành tạp lục
Tiếp theo, chúng ta hãy nghĩ lại Nguyễn Du viết bài Nhạc Vũ Mục huỳnh ở đâu?
Căn cứ vào sự thực cách sắp xếp các bài đã ổn định mà xem các bài Nhạc Vũ Mục huỳnh, Tần Cối tượng và Vương Thị tượng nằm ở đâu trong Bắc hành tạp lục thì chúng ta biết được các bài ấy nằm giữa những bài viết ở Hà Nam và viết ở Trực Lệ. Theo sách địa lý thì huyện Thang Âm tỉnh Hà Nam, tức là quê của Nhạc Phi có miếu Nhạc Phi[4]. Vì vậy, có thể suy đoán được rằng Nguyễn Du đến thăm miếu Nhạc Phi ở Hà Nam trên đường đi đến Bắc Kinh mà viết các bài ấy, chứ không viết ở mộ Nhạc Phi ở Lâm An.
Về chữ Lâm An và Thê Hà Sơn
Về mặt nội dung, có người nghĩ rằng Nguyễn Du đã đến Lâm An vì ở trong hai câu cuối bài Nhạc Vũ Mục huỳnh, Nguyễn Du viết đến “Lâm An” và “Thê Hà Sơn (núi Thê Hà nằm ở Lâm An)”. Nhưng quyển Thơ chữ Hán Nguyễn Du của hai ông Lê Thước, Trương Chính ghi chú dưới bài ấy: “Có người dựa vào câu bảy: Trướng vọng Lâm An cựu lăng miếu, mà nói Nguyễn Du không đi đến Lâm An. Đứng xa nhìn nên mới nói vọng” (Lê Thước, Trương Chính, 1965, tr.345).
Tôi cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Nhìn từ xa mới viết được chữ “trướng vọng”. Trong Nguyễn Du toàn tập, tập 2 xuất bản năm 2015, hai ông Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán cũng ghi chú thêm (trong Nguyễn Du toàn tập do ông Mai Quốc Liên soạn, xuất bản năm 1996 thì không thấy – Mai Quốc Liên, 1996, tr.545) dưới bài ấy rằng: Theo ý câu này mà suy, Nguyễn Du không đi đến Lâm An, chỉ đứng xa nhìn: “trướng vọng” (Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán, 2015, tr.676).
Ngoài ra, bài Từ Châu Đê thượng vọng (bài số 90; Đứng trên đê Từ Châu nhìn ra) cũng có chữ “trướng vọng” như: Trướng vọng hồng trần diểu vô tế/ Bất tri nhật nhật thử trung hành (Buồn trông áng bụi hồng mù mịt không bờ bến/ Đâu biết rằng ngày ngày mình vẫn đi lại trong ấy) (Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán, 2015, tr.676). Hình ảnh này miêu tả Nguyễn Du đang nhìn xa. Trong bài Thu dạ (bài II) trong tập thơ Thanh Hiên thi tập cũng có chữ “trướng vọng” như: Thiên lý giang sơn tần trướng vọng (Sông núi nghìn dặm bao lần chạnh lòng trông ngắm) (Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán, 2015, tr.73-73). Cách sử dụng chữ “trướng vọng” trong hai bài ấy của Nguyễn Du cũng sẽ làm cho quan điểm của tôi vững chắc hơn[5].
Về câu cuối cùng “Thê Hà Sơn tại mộ yên trung (Núi Thê Hà chìm trong khói chiều)” thì đó là hình ảnh núi Thê Hà thấy không rõ, mờ mịt, cho nên có thể giải thích được đó là miêu tả nhớ đến cảnh vật ở cách xa chăng? Tôi nghĩ rằng thậm chí không đến Lâm An, Nguyễn Du cũng có thể viết được bài ấy.
Về tượng Tần Cối và Vương Thị
Có ý kiến cho rằng Nguyễn Du trực tiếp nhìn tượng của Tần Cối, Vương Thị làm bằng sắt mới viết được các bài thơ về hai nhân vật này. Tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng tôi đoán rằng Nguyễn Du chỉ nhìn thấy tượng ấy tại miếu Nhạc Phi ở Hà Nam thôi, chứ không phải ở Lâm An. Tôi chưa bao giờ đến thăm miếu Nhạc Phi ở Hà Nam nhưng xem những tài liệu yên hành của sứ bộ khác thì có thể xác nhận được rằng sứ bộ Việt Nam khác cũng đã đi qua tỉnh Hà Nam và đến thăm miếu Nhạc Phi, cũng có tài liệu ghi chú là ở miếu ấy có tượng Tần Cối, Vương Thị làm bằng sắt[6].
Cho nên tôi nghĩ rằng nhân dịp đi qua miếu Nhạc Phi ở Hà Nam, Nguyễn Du chỉ nhớ đến mộ Nhạc Phi ở Lâm An thôi mà làm các bài thơ ấy. Vì thế, mặc dù ông Nguyễn Văn Hoàn viết trong báo cáo rằng “trong tập hồ sơ này [mà phái đoàn Việt Nam đã sưu tầm được] lại thiếu mất tờ tâu của tuần phủ tỉnh An Huy, do đó chúng ta chưa có thêm tư liệu để có thể khẳng định rằng trên đường về, khi đi qua An Huy, Nguyễn Du có tạt xuống Hàng Châu, thuộc Chiết Giang” (Nguyễn Văn Hoàn, 1964, tr.47), nhưng tôi ngờ rằng trong tập hồ sơ ấy vốn không có tờ tâu của tuần phủ tỉnh An Huy vì Nguyễn Du không đến Lâm An nên ông không cần phải báo cáo với viên quan An Huy và quan An Huy cũng không cần báo cáo với triều định chăng?
Ngoài ra, tôi đang điều tra những bài viết về Nhạc Phi của người đi sứ khác và lộ trình đi sứ của sứ bộ khác, tạm đã biết được rằng người đi sứ khác viết bài về Nhạc Phi là chỉ ở miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam (nhiều nhất), hoặc ở miếu ở Yển Thành, tỉnh Hà Nam, hoặc ở miếu ở Trì Châu, tỉnh An Huy thôi, chứ chưa tìm thấy được trường hợp người đi sứ đã đến Lâm An, thăm mộ Nhạc Phi để làm thơ[7].
5. Tạm kết
Căn cứ vào bài báo cáo ông Nguyễn Văn Hoàn, quan điểm Lê Thước, Trương Chính, và cách sắp xếp bản chép tay với những thông tin mới, tôi đã trình bày lý do tại sao khi đi sứ, Nguyễn Du không đến Lâm An, chỉ đi đến thăm miếu Nhạc Phi ở Hà Nam, làm thơ về Nhạc Phi.
Tất nhiên điều này không có nghĩa là ngoài chuyến đi sứ ra, ví dụ trước khi làm quan nhà Nguyễn, Nguyễn Du kín đáo ra khỏi nước, đến Lâm An như thuyết của ông Phạm Trọng Chánh. Dù tôi chưa chắc chắn bản chép tay A.1494 hoàn toàn giống với bản gốc do bản thân Nguyễn Du viết hay là người soạn bản chép tay đã sắp xếp lại các bài thơ theo đường đi sứ, nhưng ít nhất có thể nói được rằng cách sắp xếp, thứ tự các bài của bản chép tay đã ổn định, theo đường đi sứ. Giả sử nếu ngoài chuyến đi sứ ra, Nguyễn Du đến thăm mộ Nhạc Phi thì tại sao các bài về Nhạc Phi, Tần Cối, Vương Thị lại nằm trong tập Bắc hành tạp lục? Còn giả sử nếu trên đường đi sứ Nguyễn Du đến thăm mộ Nhạc Phi ở Lâm An thì các bài ấy phải nằm giữa những bài viết trên đường về nước. Nếu có ai muốn phản bác lại giả thuyết tôi thì cần phải đưa ra những lý do khác để giải thích lại một cách hợp lý tại sao trong tập “Bắc hành tạp lục” có các bài về Nhạc Phi, Tần Cối, Vương Thị nằm ở giữa các bài khác viết ở Hà Nam và Trực Lệ trên đường đi Bắc Kinh.
Trong tình hình hạn chế tư liệu bây giờ, chúng ta cần phải theo bản chép tay A.1494 để mà suy đoán lộ trình đi sứ của Nguyễn Du cho khoa học đã. Ông Phạm Trọng Chánh nói rằng “Việc nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du đã có ít nhất năm bản dịch chữ Quốc ngữ, các em nghiên cứu sinh, học viên cao học không cần giỏi chữ Hán cũng dò các bản dịch, nghiên cứu các sự kiện, tình tiết Nguyễn Du viết trong thơ”, nhưng chủ trương này nguy hiểm, dễ bị rơi vào tình hình phi khoa học, bởi vì thậm chí năm bản dịch Quốc ngữ ấy cũng bị thiếu sót lại những thông tin quan trọng trong bản chép tay mà tôi mới phát hiện ra, giới thiệu ở trên.
Cuối cùng, tôi xin đề nghị:
(1) Sau này khi xuất bản bản dịch tiếng Việt của Bắc hành tạp lục, người soạn không nên sắp xếp lại nữa, nên giữ nguyên thứ tự sắp xếp của bản chép tay A.1494 nếu không đưa ra được bằng chứng phủ nhận tính vững chắc của bản chép tay ấy.
(2) Nghe nói tư liệu về chuyến đi sứ của Nguyễn Du mà phái đoàn Việt Nam đã sưu tầm ở Trung Quốc đã mất lâu rồi. Tôi mong giới nghiên cứu văn học Việt Nam sẽ sưu tầm lại các tư liệu ấy trong thời gian sớm nhất để thúc đẩy những nghiên cứu sâu hơn về Nguyễn Du, Đại thi hào của dân tộc Việt Nam và thế giới.
Tư liệu tham khảo
Nguyễn Văn Hoàn (1964), “Giới thiệu một số tư liệu về Nguyễn Du mới sưu tầm được ở Trung Quốc”, Tạp chí Văn học, số 11, 1964.
Lê Thước, Trương Chính soạn (1965), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội.
Phạm Trọng Chánh (2019), “Nguyễn Du có đến Lâm An không”, Nghiên cứu lịch sử, https://nghiencuulichsu.com/2019/01/03/nguyen-du-co-den-lam-an-khong/.
Đào Duy Anh soạn (1988), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1988.
Mai Quốc Liên soạn (1996), Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Nhà xuất bản Văn học.
Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán dịch nghĩa, chú thích (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Văn học, TP Hồ Chí Minh.
[1] PGS.TS, Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo/Tokyo University of Foreign Studies.
[2] Bản chép tay Bắc hành tạp lục thì hiện còn hai bản là bản A.1494 và bản VHv.1984. Bản VHv.1984 nhan đề là 黎亡後雜詩 Lê vong hậu tạp thi, trong đó có phần tên là 使程諸作 Sứ trình chư tác. Phần đó tương ướng với nội dung Bắc hành tạp lục, nhưng chỉ có 34 đề, 37 bài. Tôi nghĩ người chép bản VHv.1984 đã soạn lại bản gốc Bắc hành tạp lục bởi vì phần đầu bài Sở kiến hành có dấu <……>, chỉ lược bỏ một phần đầu của bài ấy; bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ chỉ có 1 bài thôi nhưng bản A.1494 có 2 bài; có một số bài đáng lẽ ở trong tập thơ khác như bài Vọng phu thạch, bài Nhị Thanh động, bài Độc Tiểu Thanh ký. Còn bản A.1494 chính có tên là Bắc hành tạp lục, có 109 đề, 132 bài. Bản này đầy đủ hơn và có vẻ như người chép đã không soạn lại. Sau này khi tham khảo bản chép tay thì tôi sử dụng bản A.1494 đăng trong中国・復旦大学文史研究院、越南・漢喃研究院合編『越南漢文燕行文献集成』(越南所蔵編)、第十冊、復旦大学出版社、上海、二〇一〇年, tr. 5-79.
[3] Đào Duy Anh không nói rõ Thạch Đài ở đâu, nhưng xem cách sắp xếp lại của ông thì có thể nghĩ được ông nghĩ đài ấy nằm ở giữa Nam Kinh và Hàng Châu.
『明一統志』巻二十八có câu: 岳飛廟 在湯隂縣治西南飛宋將本朝建賜額精忠.
[4] Minh nhất thống chí 明一統志, quyển 28 viết: “岳飛廟在湯隂縣治西南飛宋將本朝建賜額精忠.
[5] Trong bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ (II) cũng có chữ “trướng vọng” như: Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân (Buồn trông đám mây chiều trên đất Lỗi Dương; trích từ Mai Quốc Liên, Vũ Tuân Sán, Sđd, tr.503-504). có ý kiến rằng trường hợp này thì không nhìn từ xa mà tại chỗ vẫn nói “trướng vọng” cho nên chữ “trướng vọng” cũng có ý nghĩa “tưởng niệm” và có thể áp dụng ý nghĩa này với bài Nhạc Vũ Mục huỳnh (Mai An Nguyễn Anh Tuấn, “Những tượng mộ ô nhục bất hủ (về chùm thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết bên mộ Nhạc Phi)”, Hợp lưu, 15/5/2019, https://hopluu.net/a3268/nhung-tuong-mo-o-nhuc-bat-hu-ve-chum-tho-chu-han-cua-nguyen-du-viet-ben-mo-nhac-phi-.
Nhưng tôi nghĩ rằng hai câu cuối cùng của bài ấy: “Biên chu giang thượng đa thu tứ/ Trướng vọng Lỗi Dương nhật mộ vân” hình dung hình ảnh Nguyễn Du đã rời khỏi Lỗi Dương, vừa đi thuyền vừa nhìn về phương trời Lỗi Dương, chứ không tại chỗ Lỗi Dương.
[6] Các hình ảnh trích từ: 黄碧山『北遊集』(1825) (『黃碧山詩集』、『越南漢文燕行文献集成』第十一冊、tr.323); 范芝香『郿川使程詩集』(1845) (同第十五冊、tr.171); 裴樻、佚名『燕臺嬰語』(1848)(同第二十五冊、tr.111)。
[7] Theo nhà nghiên cứu Đài Loan Trần Ích Nguyên, thì ngoài Nguyễn Du ra, có những bài viết về Nhạc Phi của người đi sứ Việt Nam như sau:
阮宗窐「題岳武穆廟」:在安徽省貴池縣(『乾隆甲子使華叢詠』(1742-44)、『越南漢文燕行文献集成』第二冊、tr.91)。
阮輝「留題〔岳王廟〕」:在安徽省池州?(『奉使燕京總歌並日記』(1765)、同第五冊、tr.101-102)。
武輝珽「題嶽王廟」:在?(『華程詩』(1771-72)、同第五冊、tr.346-347)。
潘輝益「題郾城岳王廟」:在河南省郾城(『星槎紀行』(1790)、同第六冊、tr.225-226)。
武輝瑨「題岳武穆王廟」:在?(『華程後集』(1789)、『越南漢文燕行文献集成』第六冊、tr.364-365)。
段浚「郾城岳王廟」:在河南省郾城(『海煙詩集』(1790)、『海翁詩集』、同第七冊、tr.42, 99)。
吳時任「過郾城憶岳武穆」:在河南省郾城(『皇華圖譜』(1793)、同第七冊、tr.200-201)。
阮偍「題武穆公祠」:在河南省郾城(『華程消遺州』(1789)、同第八冊、tr.142-143)。
丁翔甫「吊岳王廟」:在河南省郾城(『北行偶筆』(1819)、同第十冊、tr.148-149)。
潘輝注「岳武穆王祠」:在河南省湯隂縣(『華軺吟錄』(1825)、同第十冊、tr.260-261)。
黃碧山「過湯隂(縣)岳武穆故里」:在河南省湯隂縣(『黃碧山詩集』(1825)、同第十一冊、tr. 323) 。
潘輝注「謁岳王祠」:在河南省湯隂縣(『華軺續吟』(1831)、同第十二冊、tr. 69)。
黎光院「過武岳穆王廟」:在河南省湯隂縣(『華程偶筆錄』(1833)、同第十二冊、tr.361)。
李文馥「謁湯陰岳武穆王祠」:在河南省湯隂縣(『周原雜詠草』、『使程遺錄』(1841)、同第十四冊、tr.205-206, tr.307-308)。
范芝香「題岳武穆王廟二律」、「再題岳武穆王廟」:在河南省湯隂縣(『郿川使程詩集』(1845)、同第十五冊、tr.171-172, tr.184)。
裴櫃 「湯陰岳廟松楸古,正氣昂昂彌宇宙;誤宋權奸階下囚,天理人心公好惡」:在河南省湯隂縣(『燕行總載』(1848)、同第十五冊、tr.342、『燕行曲』(1848) 、同第十六冊、tr.48)。
阮亻収「經岳飛祠」:在?(『星軺隨筆』(1848) 、同第十六冊、tr.140)。
阮文超「岳武穆王故里瞻謁靈祠感成」:在河南省湯隂縣(『方亭萬里集』(1849)、同第十六冊、tr.271)。
潘輝泳「謁岳王祠」:在河南省湯隂縣?(『駰程隨筆』(1854)、同第十七冊、tr.297-298)。
黎峻、阮思僩、黃竝『如清日記』 (1868)、 阮思僩『燕軺筆錄』(1868) nói đến miếu Nhạc Phi :在河南省湯隂縣(同第十八冊、tr.161. 同第十九冊、tr.157-158)。
阮思僩 「謁湯陰岳武穆王祠敬題」:在河南省湯隂縣(『燕軺詩文集』(1868)、同第二十冊、tr.106)。
Theo bài ông Trần Ích Nguyên, trông như ông nghĩ Nguyễn Du chỉ đến miếu ở Yển Thành thôi. Ông cho rằng từ chuyến đi của Phan Huy Chú năm 1825 trở sau bắt đầu đi đến miếu Nhạc Phi ở Thang Âm, tỉnh Hà Nam. Nhưng theo giả thuyết tôi thì trước Phan Huy Chú, vào năm 1813 Nguyễn Du cũng đến miếu ấy rồi. Cf. 陳益源「清代越南使節於中國刻詩立碑之文獻記載」、『中正漢學研究』中正大學、嘉義縣、2017年第1期(總第29期)、tr.173-201.
Nguồn: Vanviet.info