NGỤC TRUNG MỊ NGỮ
(Thơ Tuệ Sỹ)
In lần đầu tại Việt Nam, T3/2024. Huongtich ấn hành, với 2 phiên bản bìa cứng và mềm.
Tập thơ gồm 18 bài thơ của Tuệ Sỹ bằng bốn ngôn ngữ Hán, Việt, Anh, Nhật; bút pháp thơ bằng Hán tự của Thiền sư Takaoka Shucho, và các hình ảnh.
In màu toàn bộ trên giấy Couché math 115. Trình bày mỹ thuật bởi Culture Art Education Exchange Resource.
Tập thơ này có nhan đề “Ngục Trung Mị Ngữ”. Ngục trung thì ai cũng hiểu nhưng “Mị ngữ” là thế nào? Mị là mộng mị nằm mơ, Ngữ là lời nói. Lời nói trong cơn mơ tức là nói mớ. Nói mớ thì người khác nghe chứ mình đâu có nhớ được mà viết ra thơ. Mượn cụm từ “nói mớ tầm phào” để ký thác lòng mình có lúc nhẹ nhàng thanh thản, có lúc đau đớn dằn co, có khi là niềm hy vọng cũng như những lời trối trăng trước khi tuyệt mệnh.
– Trích “Tâm tình xoay quanh khi đọc Ngục Trung Mị Ngữ” (Bùi Chí Trung), in trong sách.
Thủ bút bìa: Tuệ Sỹ
Thủ bút thơ: Takaoka Shucho
Dịch thơ tiếng Việt: Nguyên Hiền
Dịch thơ tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên
Dịch thơ tiếng Nhật & biên soan: Bùi Chí Trung
Trình bày mỹ thuật, bìa & ảnh chụp: Đào Nguyên Dạ Thảo
Phát hành: Hương Tích, Nxb Đà Nẵng
Mỗi cuốn sách đều có một số phận riêng. Sự ra đời của mỗi cuốn sách là cả một câu chuyện về nhân sinh thế sự kèm theo. Sự ra đời của 2 cuốn sách dưới đây là một câu chuyện ly kỳ và lý thú, một cặp đôi song sinh mang đầy tính tâm linh.
Hai cuốn sách ẩn chứa những dấu mốc lịch sử trong “cuộc đời” của những con người vĩ đại của thời cuộc hôm nay và mai sau. Sự tương linh đã gắn kết sự ra đời của hai cuốn sách với nhau một cách lạ kỳ. Hai cuốn sách rất đáng để đọc, thấu cảm.
Cuốn 1: “Ngục trung mị ngữ” của Tuệ Sỹ do HƯƠNG TÍCH thư quán & Nxb. Đà Nẵng xuất bản 3/2024. Tập sách bao gồm 18 bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của HT. Tuệ Sỹ làm trong thời gian bị lao tù. Số thơ Thầy làm trong thời gian cầm tù nhiều hơn nhưng hiện mới sưu tập được 18 bài. Nội dung sách gồm thơ in bằng các chữ Hán, Việt, Nhật, Anh kèm hình ảnh và bài thoại ngữ của HT. Tuệ Sỹ.
Tập thơ là một dấu mốc lịch sử trong cuộc đời vị Phật Pháp của bậc long tượng Phật giáo Việt Nam đương đại; cũng là dấu mốc lịch sử của dòng chảy lịch sử Phật giáo dân tộc Việt. 18 bài thơ diễn tả tâm sự của một người tu đi tù dù trong cảnh lao lý nhưng vẫn tự tại, an nhiên; luôn nghĩ đến nỗi khổ đau của chúng sinh:
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường tối thắng tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn.
(Dâng chén cơm tù đày
Cúng dường đấng tối thắng
Thế gian máu hận thù chảy mãi
Bưng bát cơm mà lệ chảy không lời.)
– Bài cảm nhận của Trần Ban.
Độc giả quan tâm có thể tìm hiểu & đặt sách tại đường link của Thư quán Hương Tích.