Có bạn trẻ nghĩ rằng, ở trên thế gian này chỉ có người lớn mới thường xuyên đối mặt với những nan đề của cuộc sống, còn tuổi trẻ thì sống hồn nhiên, vui tươi! Sự thật có phải vậy chăng? Cần thưa ngay rằng đây không phải là một vấn nạn mang tính tiêu cực. Khi nêu lên câu hỏi này, người viết chỉ muốn có được một khoảng không gian và thời gian để tỉnh táo nhìn rõ vấn đề hơn.
Thật ra, thế hệ nào cũng có những nan đề của họ. Người lớn có nỗi khổ của người lớn. Tuổi trẻ có khó khăn của tuổi trẻ. Có điều là tuổi trẻ vì chưa có những mối tương quan liên hệ trong các trách nhiệm và giao tế nặng nề đối với bản thân, gia đình và xã hội, nên ít có cơ hội đối mặt với những vấn đề khó khăn phức tạp. Tuy nhiên, tình hình xã hội đang ngày càng biến đổi, trên bình diện tuổi trẻ của thế giới hiện nay, nhân loại đã và đang gặp phải những nan đề gây nhiều đau lòng và nhức nhói: Nạn xúc phạm và buôn bán tình dục tuổi trẻ vị thành niên, sự lan tràn đáng quan ngại của chứng bệnh AIDS do thiếu hiểu biết về vấn đề tình dục trong giới trẻ, nạn cưỡng bức lao động đối với tuổi trẻ, nạn bạo hành và băng đảng ngày càng gia tăng trong tuổi trẻ, nạn thiếu dinh dưỡng và giáo dục cho trẻ em tại những miền nghèo đói trên thế giới, tình trạng xao lãng dẫn đến đánh mất niềm tin vào cuộc sống tâm linh cũng là một hiểm họa khác cho thế hệ trẻ hiện nay, v.v.. Hằng ngày, ắt hẳn các bạn cũng đã nghe hoặc chứng kiến nhiều thảm cảnh đau lòng: Trên đường phố, ngoài góc chợ, trong các quán ăn luôn luôn xuất hiện hình ảnh của những em bé xin ăn mặt mày lem luốc, quần áo tả tơi; ban đêm ở các bãi rác công cộng không thiếu bóng dáng của các em bé tuổi còn măng non khom mình lục lọi để kiếm từng cái ve chai, từng bao nylon, v.v…
Thật khó mà có thể nói đúng và hết được các căn nguyên và trách nhiệm của những thảm họa kia đối với tuổi trẻ. Bởi vì nó không hẳn là lỗi của cá nhân, gia đình hoặc xã hội, đôi khi nó không phải là do sự cố tình tạo ra. Chẳng hạn, đối với tình trạng thiếu dinh dưỡng cho trẻ em tại các miền nghèo đói trên thế giới, người ta không thể nói rằng đó là trách nhiệm của cá nhân, gia đình hay xã hội, vì không một thành phần nào trong số đó muốn tình trạng như vậy xảy ra, ngay cả cộng đồng thế giới cũng vẫn chưa giải quyết được tận gốc thảm nạn này dù phải đau lòng chứng kiến mỗi ngày và nỗ lực giải cứu. Nhưng, trong số những thảm nạn ấy, chúng ta có thể khẳng quyết mà không sợ nhầm lẫn rằng, nếu cá nhân, gia đình và xã hội biết kiên nhẫn và nỗ lực cùng nhau hỗ tương làm việc cải thiện thì sẽ ít nhất là có thể khống chế được tình trạng lan tràn nguy hại. Đặc biệt, nếu xây dựng được một nền giáo dục có phẩm chất và kiến hiệu thì chúng ta có thể khắc phục được phần nào các thảm nạn như bệnh AiDS, bạo hành và băng đảng, cưỡng bức lao động, mất niềm tin và lý tưởng, v.v…
Nói như vậy không có nghĩa là những căn nguyên và trách nhiệm của các thảm nạn đó không có tương quan gì đến tuổi trẻ. Khi những thảm nạn xảy ra trên chính thân phận của mình thì trước hết tuổi trẻ phải là người tự đứng lên gánh lấy trách nhiệm. Thứ đến, chúng ta không thể phủ nhận rằng những căn nguyên gây ra thảm nạn có một phần bắt nguồn từ tuổi trẻ. Chính tâm lý tiêu cực, thái độ yếu hèn, lý trí mù quáng, hành động buông lung của tuổi trẻ đã dẫn đến những thảm nạn cho đời mình.
Tại sao nên cớ sự ấy? Đó là bởi vì tuổi trẻ đã đánh mất niềm tin và ước vọng. Các bạn trẻ xin đừng vội chê trách tôi lên giọng dạy đời. Xin đừng nghĩ như vậy, bởi vì nếu các bạn nghĩ như vậy thì ngay bây giờ và ở đây, chúng ta sẽ đánh mất cơ hội quý giá trong cuộc đời để cùng nhau ngồi lại, trao đổi, lắng nghe, suy nghiệm và tìm ra hướng đi. Nếu cơ hội để kiên nhẫn và lắng nghe mà chúng ta cũng đánh mất thì xem như chúng ta không còn có cơ hội nào khác để làm thay đổi, để chuyển hóa cuộc đời mình. Các bạn có thật sự cam tâm chăng? Tôi tin là không một ai trong chúng ta có thể nhẫn tâm đối với chính cuộc đời mình như thế.
Khi nghe tôi nhắc đến “niềm tin”, có lẽ các bạn nghĩ rằng tôi muốn ám chỉ đến niềm tin theo thể điệu tín ngưỡng hay tôn giáo nhân gian. Các bạn cũng sẽ tiếp tục suy nghĩ rằng loại niềm tin ấy chỉ dành cho những người sùng đạo, cho những kẻ cuồng tín theo giáo điều, tín điều. Các bạn thấy nó quê mùa và cổ lỗ sĩ lắm! Các bạn đã suy nghĩ quá mông lung rồi, bởi vì thật ra tôi không có ý giới thiệu đến các bạn loại niềm tin ấy. Chính vì quan niệm như vậy, cho nên, các bạn thường thấy mình không thích hợp, thấy mình xa lạ, lạc lõng trong những lúc theo cha mẹ hoặc bạn bè, người thân đến chùa. Dường như đối với các bạn, những người đi chùa đều là những người có niềm tin theo thể điệu tín ngưỡng và tôn giáo nhân gian. Họ xem đức Phật và chư Bồ tát như thần linh. Sự thật không hoàn toàn đúng như vậy đâu. Không phải ai đến chùa cũng đều có cùng một niềm tin như thế. Đức Phật dạy người Phật tử phải có chánh tín, có nghĩa là niềm tin đúng, niềm tin có trí tuệ nhận thức được sự thật, niềm tin vào chính khả năng chuyển hóa cuộc đời mình từ thảm trạng khổ đau vươn lên cảnh giới giác ngộ và giải thoát.
Niềm tin của chúng ta đến từ nhiều cơ duyên. Có niềm tin đến do trực nhận của ngũ quan, như khi mắt nhìn thấy con voi thì biết và tin rằng đấy là con voi, có con voi ở đó; lưỡi nếm vị cay thì cảm nhận và tin rằng có vị cay, đó là vị cay. Có niềm tin đến do nhận thức của lý trí suy luận, như khi thấy khói thì suy luận ra và tin rằng ở đó chắc có lửa; khi nghe người ta tường thuật về những sự kiện đã xảy ra trong một vụ án mạng nào đó, chúng ta có thể suy luận và tin rằng đây là một vụ án cướp của giết người hay là vụ án băng đảng thanh toán nhau. Có niềm tin đến do bối cảnh của truyền thống văn hóa, giáo dục và đạo đức, như chúng ta đều tin rằng hệ thống giáo dục là hữu ích cho con em của mình; có người sinh ra trong gia đình đời đời theo Phật thì tự nhiên tin và theo Phật; như đối với lời dạy của quý Thầy thì người Phật tử đều tin tưởng vì biết rằng đó là mẫu người có giới hạnh và đạo đức; khác biệt về văn hóa cũng dẫn đến niềm tin khác nhau, như người Tây phương tin rằng nụ hôn cho nhau khi gặp mặt là biểu thị của sự thương mến và quý trọng, người Á Đông thì không tin như vậy. Có niềm tin đến là do thực nghiệm, do cảm nghiệm được trong cuộc sống, như lúc trẻ nghe những người lớn nói về già thì sự hoạt động sẽ không được linh hoạt nữa, lúc ấy chúng ta không thật sự hiểu và tin, nhưng khi chúng ta lớn tuổi, từng trải qua quá trình lão hóa cơ thể, chúng ta sẽ hiểu và tin; như đức Phật dạy hãy xả bỏ tham sân si thì được sống an lạc, điều này cần phải được thực nghiệm trong đời sống, nghĩa là chúng ta phải thực tập xả bỏ tham sân si, thì chúng ta mới hiểu và tin là đức Phật nói đúng.
Thật ra làm người ai mà không có niềm tin và ước vọng, tin nơi chính mình, tin nơi người khác, ước vọng cuộc đời sẽ như thế này hoặc như thế nọ. Con người mà đánh mất niềm tin và ước vọng thì sẽ không còn thấy được ý nghĩa của cuộc đời nữa. Đánh mất niềm tin và ước vọng thì người ta gọi là tuyệt vọng, không còn một chút hy vọng gì cả đối với cuộc đời này. Cho nên, khi chúng ta làm điều gì đó mà thất bại thì chúng ta thường hay có thái độ tuyệt vọng, mất niềm tin vào chính mình. Trước và đang khi chúng ta làm điều gì đó, chúng ta tự tin và ước vọng rằng điều mình đang làm sẽ thành tựu, do vậy, khi công việc thất bại thì chúng ta thất vọng, bi quan, chán nản. Bởi vậy, trong đời sống thường nhật, khi làm bất cứ điều gì chúng ta cũng có niềm tin và ước vọng. Trong số những niềm tin và ước vọng ấy, có một niềm tin và ước vọng rất lớn, rất mãnh liệt, đó là niềm tin và ước vọng vào cuộc sống, vào sự hiện hữu giá trị của mình trên thế gian. Chính niềm tin và ước vọng vào cuộc sống này đã dẫn dắt chúng ta đi suốt quãng đường đời dài bảy tám mươi năm. Vì thế, nếu chúng ta thiết đặt niềm tin và ước vọng không chính đáng thì cuộc đời của chúng ta sẽ bị hướng theo ngả rẽ sai lầm, hư hỏng.
Tuy nhiên, xác định được niềm tin đúng theo nhận thức thường nghiệm của thế gian là một vấn đề không đơn giản. Một điển hình cụ thể là hầu như tất cả chúng ta đều có niềm tin vào sự xác đáng của kiến thức khoa học hiện đại. Nhưng, chính khoa học hiện đại thì tự nó không như là những gì chúng ta tin tưởng. Các nguyên lý, các lý thuyết khoa học mà một thời được cho là chân lý đều không đủ tự đảm bảo giá trị xác đáng vĩnh viễn. Trong số những nguyên lý, lý thuyết khoa học ấy đã có nhiều điều được cho là không xác đáng, không thích hợp, không toàn vẹn từ thời này sang đến thời nọ. Chẳng hạn lý thuyết cơ bản về nguyên tử (Atom) cũng được giải thích khác nhau theo mỗi thời đại mà khoa học tiến bộ. Quan niệm về quark (hạt điện tử) hiện nay đã gần như xóa mờ biên giới của cơ cấu vật chất cố định. Ngược lại, niềm tin mà chúng ta gọi là tín ngưỡng và tôn giáo nhân gian thì rất gần và thật đối với những người bình phàm đã tồn tại qua bao thế hệ. Có những người trở thành cuồng tín đối với chủ thuyết nào đó mà một thời thao tác trên thế giới này, rồi cuối cùng lại phát hiện ra rằng đó chỉ là một thứ lý thuyết không tưởng, huyễn hoặc gấp ngàn lần hơn niềm tin tín ngưỡng tôn giáo nhân gian kia. Nói như thế không có nghĩa là tôi chủ tâm bài xích nền văn minh khoa học hiện đại. Tất nhiên là không, bởi vì nền văn minh khoa học ấy được xây dựng trên những nguyên tắc nghiêm túc, khách quan, thực nghiệm và lý trí, hơn nữa các thành quả hữu ích mà nền văn minh ấy mang lại cho loài người thì thật là không kể xiết. Nói thế chỉ để cho chúng ta thấy rằng bản chất của cuộc đời, của tâm và trí thường nghiệm là tương đối, không phải hoàn toàn chân thật bất hư, có thể biến đổi, vô thường và sai lạc.
Có người sẽ không đồng ý cách nói trên, vì cho rằng nếu như vậy thì niềm tin phải đặt ở đâu? Chẳng lẽ chúng ta phủ nhận, đạp đổ hết mọi niềm tin? Xin bình tĩnh! Thật ra, nếu bình tâm suy nghiệm thì vấn đề không những không bi quan mà còn lạc quan và sáng sủa hơn trước. Khi nhận thức được bản chất vô thường, tương đối của cuộc đời, của tâm và trí thường nghiệm thì chúng ta không phải đạp đổ hết mọi niềm tin đâu, mà đã tự trang bị cho mình một nội lực vượt thoát lên trên những trói buộc và cố chấp của tâm thức cuồng tín vào niềm tin. Từ đây, tất cả mọi niềm tin mà chúng ta kiến tạo đều được soi sáng bởi trí tuệ quán sát và tâm lượng rộng mở không bó buộc. Niềm tin vẫn còn đó, còn với một sắc thái mới, sắc thái không triền phược, không nhiễm ô, giống như một xạ tiễn sư khi đã đạt đến trạng thái vượt thoát lên trên mọi giới hạn của ngã và ngã sở, đứng trước bờ vực thẳm của sanh tử mà vẫn an nhiên tự tại để giương cung nhắm đích mà bắn ra. Hơn thế nữa, khi nhận thức ra được bản chất mỏng manh và biến dịch không ngừng của các pháp thế gian, con người mới bắt đầu mở tâm và trí ra để hướng về chân trời giác ngộ và giải thoát, đặt niềm tin nơi mục đích tối thượng của đời người: Thành tựu tuệ giác viên mãn.
Có lẽ các bạn đang nghĩ rằng chuyện thành Phật đâu có liên quan gì đến tuổi trẻ? Nếu tôi hiểu không lầm thì dường như các bạn đang nghĩ đến hình ảnh của một đức Phật với thân tướng trang nghiêm, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, hào quang rực rỡ, có cả tám bộ chúng trời người vây quanh. Nếu chúng ta mà được như vậy thì còn phước báo nào hơn? Nhưng, trong đời thường cũng có những hình ảnh của các vị Bồ-tát rất bình dân giản dị như Thường Bất Khinh Bồ-tát, Trì Địa Bồ-tát, Quán Thế Âm Bồ-tát, v.v.. những vị Bồ-tát này thân tướng rất bình phàm, như ngài Trì Địa thì lúc nào cũng chân lấm tay bùn đi sửa sang đường sá, cầu cống để cho tiện lợi việc lưu thông, đó không phải là hình ảnh của những kỹ sư hay sao, khác chăng là ở chỗ cao rộng của tâm và trí. Trong lịch sử Việt Nam từ ngàn xưa đến nay, có biết bao hình ảnh cao đẹp của những hiện thân Bồ-tát như vua Lý Thái Tổ, tức Lý Công Uẩn, được huấn dục trong chốn Thiền môn từ tấm bé, đã đem tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật để lãnh đạo đất nước; như vua Trần Nhân Tông là vị sơ tổ của Thiền phái Trúc Lâm, trong lúc tại vị cũng đã đem giáo pháp của đức Phật để phổ nhiếp nhân dân; như Tuệ Trung Thượng Sĩ là một tướng tài của triều nhà Trần mà tâm và trí thì siêu việt lên trên thế giới tương đãi của danh ngôn huyễn tướng; như danh thần Nguyễn Trãi của triều nhà Lê ứng xử và trị nước trong đức khoan dung của từ bi, trong sự sáng suốt tinh mật của trí tuệ; còn nhiều và nhiều lắm không làm sao kể hết những con người hình tướng thì bình phàm nhưng tâm và trí thì được thấm nhuận trong giáo pháp nhiệm mầu của đức Phật để hành xử trong đời thường như những vị Bồ tát vô danh chuyên làm lợi ích cho nhân quần xã hội, sống cuộc đời với niềm tin và ước vọng mênh mông cao cả.
Như con chim với thân hình nhỏ bé và đôi cánh ngắn mỏng manh thì không thể nào bay cao và xa từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia. Con người cũng vậy, với tâm và trí nhỏ hẹp, với niềm tin và ước vọng bé bỏng thì chỉ biết sống quanh quẩn cho bản ngã vị kỷ. Tuổi trẻ là thời điểm thích hợp nhất để kiến tạo niềm tin và ước vọng hướng cuộc đời đến mục tiêu chí thượng. Xin các bạn đừng quên rằng chung quanh chúng ta còn biết bao tuổi trẻ bất hạnh không có lấy một cơ hội mỏng manh để thăng hoa cuộc đời. Hãy chiêm nghiệm điều này như mặc niệm cho nỗi đau thương thống khổ của thế hệ để quyết tâm xây dựng niềm tin và ước vọng cao cả hầu góp phần vào việc giải cứu khổ nạn cho đồng loại.
Ở đâu có thể giúp tuổi trẻ học cách xây dựng niềm tin và ước vọng chân chánh? Hãy đến với đạo Phật qua sinh hoạt tại các ngôi chùa các bạn sẽ tìm thấy nhiều điều hữu ích. Có thể các bạn trẻ sẽ không tán đồng đề nghị này. Các bạn cho rằng đến chùa không có gì vui, hấp dẫn, lợi ích, chỉ thấy toàn là những người già nua tuổi tác với những sinh hoạt quá thuần túy lễ nghi tôn giáo. Tôi rất tôn trọng và cảm thông cảm nghĩ của các bạn. Nhưng vì chùa là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh cho nhiều thành phần của xã hội, cho nên không thể không có những hình thức lễ nghi tôn giáo. Thật ra, trên đất nước ta, chùa vốn là những trung tâm văn hóa và giáo dục.
Ngày xưa khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục công lập thì chùa chính là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Chính vì vậy, trong dòng lịch sử văn học Việt Nam dấu tích của các Thiền sư đóng góp trong lãnh vực văn hóa vẫn còn hiển hiện. Nhưng ngoài điều đó ra, chùa cũng là nơi quy tụ của giới trẻ như các em tham gia sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử chẳng hạn, hiện nay trên toàn quốc có lẽ đã có đến nửa triệu đoàn sinh GĐPT. Có thể trong số các bạn đây có người không thấy thích hợp với hình thái sinh hoạt như vậy. Tại sao các bạn lại không thử đề nghị với vị Thầy Trú trì về một mô thức sinh hoạt khác mà các bạn cảm nhận là thích hợp hơn với mình? Xin nêu ra một vài gợi ý như sau: Các bạn có thể xin thầy Trú trì tổ chức một nhóm trẻ với các sinh hoạt thích hợp cho mình hơn tùy theo nhu cầu của các bạn, như học Phật pháp, nghiên cứu và hội thảo những chủ đề về Phật học, về mối tương quan tương duyên giữa các lãnh vực chuyên môn với giáo lý đạo Phật, nhóm sinh hoạt về hội họa, về âm nhạc, về thi văn; hoặc là tổ chức nhóm trẻ đi xây dựng niềm tin và ước vọng bằng những hành động cụ thể như lạc quyên tài chánh, đồ đạc vật dụng, mở các lớp tình nguyện trợ huấn để giúp các em nghèo về mặt vật chất lẫn cơ hội học tập, v.v…
Tôi có cảm nhận rằng chừng như các bạn vẫn còn ngần ngại về điều gì đó. Có thể các bạn nghĩ rằng nếu đến chùa học Phật pháp rồi trở thành một Phật tử thuần thành thì chỉ xây dựng được niềm tin tôn giáo như bao nhiêu người Phật tử khác làm sao có được niềm tin và ước vọng lớn lao?
Suy nghĩ như vậy không hẳn là hoàn toàn sai đâu. Bởi vì nếu nhìn vào hình thức bề ngoài, đặc biệt là hình ảnh sinh hoạt của đa phần giới Phật tử lâu nay, người ta không thể loại bỏ sắc thái tín điều trong đạo Phật. Tuy nhiên, điều này chúng ta không thể đổ lỗi cho bất cứ ai, bởi vì đây chính là sản phẩm xã hội khi đạo Phật trở thành phổ cập trong nhân gian. Một tôn giáo phổ cập trong nhân gian thì ắt phải bị tha hóa đi phần nào bởi tâm thức của quần chúng, và tùy thuộc vào bối cảnh văn hóa truyền thống tại mỗi khu vực mà sắc thái tín điều có khác nhau. Nhưng nếu các bạn trẻ chịu khó kiên nhẫn và nỗ lực học hỏi, nghiên cứu và thực nghiệm giáo pháp của đức Phật, chắc chắn các bạn sẽ có cái nhìn khác. Một bằng chứng rõ ràng dễ thấy là khi đạo Phật được biết đến tại các nước Tây phương phần lớn đều đi qua ngã thành phần đại trí thức. Ở đó các giáo sư đại học, triết gia, bác sĩ, nhà văn, nhà thơ là những người hiểu được đạo Phật trước rồi truyền bá cho người khác sau. Đức Phật đã từng dạy rằng Ngài đến thế giới này là để dựng lại những đổ vỡ, không phải đến để phá hoại. Ngài cũng đã từng dạy rằng không nên tin vội bất cứ điều gì mà điều ấy dù được phát xuất từ bất cứ người nào, kể cả Ngài, bất cứ truyền thống nào, kể cả đạo Phật. Hãy vận dụng trí tuệ của chính mình để suy nghiệm và thực hành, khi thấy đúng và hữu ích thì mới tin và tiếp tục làm theo.
Các bạn quan niệm như thế nào về một niềm tin và ước vọng lớn lao? Phải chăng trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo sư tiến sĩ, triệu phú, tỷ phú, tổng giám đốc, bộ trưởng, tổng thống là hoàn thành được niềm tin và ước vọng lớn lao? Có phải tất cả những người ở các địa vị vừa kể trên đều có niềm tin và ước vọng lớn? Cho dù chúng ta ngồi ở địa vị cao như thế nào trong xã hội đi chăng nữa mà sống với tâm và trí nhỏ hẹp, vị kỷ, cố chấp, khép kín thì chúng ta cũng thật sự không có niềm tin và ước vọng lớn. Bởi vì niềm tin và ước vọng lớn lao chính là tin và ước vọng thăng hoa cuộc sống từ thảm trạng khổ đau vươn lên thực trạng an lạc và giải thoát, thoát ra từ cảnh giới hạn cục của bản ngã vị kỷ đến thế giới rộng mở thênh thang của vô chấp vô ngã, trải tâm từ bi và soi trí tuệ đến hang cùng ngõ hẻm của chốn khổ đau để ban vui và cứu khổ cho đồng loại, cho chúng sinh. Nói như vậy không phải tôi có thái độ chống đối các địa vị như bác sĩ, kỹ sư, v.v… trong xã hội. Nói như vậy chỉ để cho chúng ta có cơ hội đặt lại vấn đề niềm tin và ước vọng một cách nghiêm túc để từ đó nhìn thấy một cách minh bạch hơn ý nghĩa và giá trị của niềm tin và ước vọng lớn lao. Bác sĩ, kỹ sư nếu có niềm tin và ước vọng lớn lao thì sẽ mang lại biết bao lợi lạc cho bản thân và xã hội. Một bác sĩ có niềm tin và ước vọng chân chính và lớn lao sẽ vận dụng tài nghệ của mình để làm tròn phận sự một lương y, để nỗ lực cứu tế cho những người khổ nạn.
Trong đời thường, địa vị càng cao thì bản ngã, lợi danh càng lớn. Một khi bản ngã, lợi danh lớn thì sẽ làm cho tâm và trí nhỏ hẹp lại. Tâm và trí mà nhỏ hẹp thì niềm tin và ước vọng làm sao chân chính, quảng đại? Cho nên tuổi trẻ trước hết phải học cách mở tâm và trí. Khi tâm và trí đã được khai mở thì niềm tin và ước vọng chân chính, lớn lao sẽ nẩy mầm vươn lên. Chùa là lãnh địa cơ sở và giáo pháp của đức Phật là phương tiện thiện xảo nhất để tôi luyện, để hun đúc, để khai mở tâm và trí.
Xin các bạn đừng hoang phí tuổi trẻ, hãy thường trực suy nghiệm rằng ở ngoài đời kia có biết bao nhiêu trẻ em vị thành niên đang đốt cháy tuổi trẻ quý giá của mình trên lò đời đau thương và tủi nhục!
H.K.Q
Ảnh minh họa: Gia đình Phật tử thi vượt bậc.
Xin chào Qúy tác giả, bản thân mình, sau khi đọc bài viết của bạn, hoàn toàn mở lòng để hoan hỷ đón nhận quan điểm mà bạn đưa ra.
Bài viết chứng tỏ bạn là một con người lương thiện, luôn đau đáu nghĩ về tương lai của giới trẻ – đàn em đi sau.
Tuy vậy,
-Đứng dưới góc độ đón nhận của bản thân, mình xin phép dẫn chứng một vài câu của bạn:
“Có thể các bạn nghĩ rằng nếu đến chùa học Phật pháp rồi trở thành một Phật tử thuần thành thì chỉ xây dựng được niềm tin tôn giáo như bao nhiêu người Phật tử khác làm sao có được niềm tin và ước vọng lớn lao?”
—-Mình sẽ không nói về những quan điểm và dẫn chứng ở trên câu văn đó, mình chỉ đang tự hỏi, bạn đặt ra câu này, cho những bạn trẻ chưa, đã và đang sinh hoạt GĐPT nhằm mục đích gì? (góp ý một chút, bạn nên đặt thêm dấu phẩy để các bạn có quãng nghỉ)
—-Các bạn trẻ ấy cần những điều này chăng? Hay các bạn ấy đến chùa, đến sinh hoạt GĐPT nhằm tạo thêm những niềm vui sau giờ học, giờ làm việc, nhằm tạo cầu nối với bạn bè, nhằm tìm kiếm hạnh phúc, nhằm gặp người mình muốn, nhằm biết cơ bản về con đường Phật giáo mà mình đang đi, nhằm trau dồi thêm tri thức hay nhằm dung hòa những mục đích riêng tư khác – để các bạn có thể tận hưởng trọn vẹn giờ phút đến chùa của mình?
“Chùa là lãnh địa cơ sở và giáo pháp của đức Phật là phương tiện thiện xảo nhất để tôi luyện, để hun đúc, để khai mở tâm và trí.”
—-Chúng ta ở chùa nhiều hay ở nhà nhiều vậy ạ? Điều đó mỗi người sẽ có câu trả lời. Chùa có Phật, có Bồ Tát cùng những điều tuyệt vời khác… vậy nhưng, đối với chúng ta, Chùa trong GĐPT là nơi đến để sinh hoạt, gặp mặt, học hỏi.. và là nơi để chúng ta trong 6 ngày còn lại của tuần, “lâu lâu” lại hướng về.
—-Chùa chỉ có ý nghĩa khi ngôi chùa đó nằm bên trong mỗi con người chúng ta, chứ không nằm ở một vị trí nào trên bản đồ địa giới.
—-Giáo của đức Phật có thể nằm ở muôn nơi, vậy nên hướng thiện cho các em cũng có thể bắt nguồn từ những câu nói mộc mạc và tràn đầy tính góp ý tích cực của mỗi con người xung quanh các em.
—-Từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, các em cần những lời động viên, xây dựng để giúp bản thân hoàn thiện từ lời ăn, tiếng nói, hành động.. Các em cần nhất là những thứ hiện thực, những thứ giúp ích đầu tiên được cho các em, cho niềm vui của các em, cho sự an lạc trong gia đình.. Chứ “khai mở tâm và trí” thì các em sẽ mơ hồ và lạc lõng mất.
“Trên đường phố, ngoài góc chợ, trong các quán ăn luôn luôn xuất hiện hình ảnh của những em bé xin ăn mặt mày lem luốc, quần áo tả tơi; ban đêm ở các bãi rác công cộng không thiếu bóng dáng của các em bé tuổi còn măng non khom mình lục lọi để kiếm từng cái ve chai, từng bao nylon”
“Xin các bạn đừng hoang phí tuổi trẻ, hãy thường trực suy nghiệm rằng ở ngoài đời kia có biết bao nhiêu trẻ em vị thành niên đang đốt cháy tuổi trẻ quý giá của mình trên lò đời đau thương và tủi nhục!”
—-Mình xin góp ý một chút xíu thôi, bạn ơi, khi bạn đã liệt kê ra những ví dụ như vậy (mình chỉ copy một đoạn nhỏ của bạn) thì bạn hãy nói lên sự đồng cảm và LAN TỎA lòng trắc ẩn đến với các bạn trẻ kia.
—-Thường thì con người chỉ bắt đầu tiến lên mạnh mẽ khi gặp phải nghịch cảnh, đó là tâm lý chung của phần đông, vậy nên nhìn ra được một vài bạn có niềm tin và nghị lực sống tốt ngay từ khi còn trẻ, thì hãy tập trung đầu tư vào những bạn đó. Vì thuận duyên đúng không, cái mình muốn chia sẻ nhưng chưa phải thời điểm người khác THỰC SỰ CẦN đón nhận, thì phần trăm tiếp thu nó nhỏ lắm.
—-Mỗi người một số phận, như cả cánh đồng lúa cùng được chăm bón, thì đâu phải toàn bộ chúng sẽ đều có cơ hội phát triển như nhau, đôi khi một vài hạt giống bị bỏ lại, một vài cây con không thể nhận được đầy đủ dinh dưỡng, vậy nên những cây ấy đón nhận cái bạn gọi là “lò đời đau thương và tủi nhục” á? Ôi trời..
—-Lời sau cùng, mình rất ngưỡng mộ vốn kiến thức sâu rộng của bạn (vật lý, lịch sử, triết học, tôn giáo..)
Nhưng mình mong bạn hãy đọc về một ví dụ gần gũi thôi, đó là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, triết lý sâu sắc nhất là triết lý dễ đi vào lòng người nhất, và bác Ánh viết được cho trẻ em đọc và trở thành một phần tuổi thơ của rất nhiều thế hệ, kể cả người lớn đương thời, thì rõ ràng là không tầm thường.
Bởi vì sao ạ, vì bác Ánh hiểu rất rõ, bác viết cho ai, viết để làm gì, nội dung có thực sự gần gũi, sâu sắc, và người đọc sẽ thực sự nhận được gì từ tác phẩm của mình
—-Xin chào và cám ơn Qúy Admin cùng tác giả đã đọc—-