Một hôm, tôn giả Ô-ba-ly bạch Phật: “Thưa Thế Tôn, như lời Phật dạy về tịnh và bất tịnh địa, con không hiểu như thế nào gọi là tịnh hay bất tịnh?”
Đức Phật dạy: “Khi nào chánh pháp còn tồn tại ở thế gian thì có tịnh địa. Nếu chánh pháp không còn thì gọi là bất tịnh địa”.
Ô-ba-ly bạch Phật: “Thế nào gọi là chánh pháp còn tồn tại ở thế gian và thế nào là chánh pháp không còn?”
Phật dạy: “Này Ô-ba-ly, khi nào các pháp yết-ma còn được duy trì và có người tiến hành như pháp thì gọi là chánh pháp còn ở thế gian. Nếu pháp yết-ma không còn duy trì và không được tiến hành như pháp thì gọi là chánh pháp bị hoại diệt”.[1]
Tại sao sự diệt tận của chánh pháp được biểu hiện bằng dấu hiệu các pháp yết-ma không được thực hiện?
Không có pháp yết-ma sẽ không có các tỳ-kheo đắc giới như pháp, bản thể của Tăng không thành tựu. Không có sự tồn tại của Tăng thì chánh pháp mà Phật giảng dạy không có người tu và chứng. Như vậy có nghĩa là chánh pháp không tồn tại. Cho nên việc học hỏi các học xứ trong Giới kinh và thông suốt các pháp yết-ma là phận sự hàng đầu của vị tỳ-kheo trong suốt 5 năm đầu từ khi đắc giới cụ túc. Đây là điều kiện căn bản tác thành tư cách bậc thầy hàng Thượng tọa trong Tăng chúng. Nếu tỳ-kheo không hoàn tất phận sự học hỏi này thì không bao giờ được phép rời y chỉ sư, dù cho tuổi đời 80 và tuổi hạ đã 60, nghĩa là luôn luôn phải sống nương tựa vào bậc Thượng tọa, không được phép thế độ người xuất gia. Đây là điều quy định trong tất cả Luật tạng, cần phải nghiêm cẩn chấp trì vì sự tồn tại bền vững của Phật pháp…
Yết-ma là phiên âm từ Karman của tiếng Phạn. Hán dịch là “tác pháp biện sự”, và thường được các luật sư Trung Quốc giải thích rằng: “Vạn sự do tư thành biện cố”. Nghĩa là tất cả các công việc của Tăng đều do nó mà được thành tựu mỹ mãn. Trong nghĩa đen của tiếng Phạn, Karman hay yết-ma có nghĩa là hành động hay hành vi. Có hành động thuộc cá nhân và cũng có hành động thuộc tập thể.
Để phân biệt rõ hai phạm vi trách nhiệm như thế, trong thuật ngữ Hán dịch chữ “nghiệp” luôn luôn được dùng để chỉ cho hành động thuộc cá nhân, và cá nhân ấy hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hậu quả mà họ đã làm. Trái lại, phiên âm yết-ma là dùng cho các hành vi tập thể và cá nhân.
Nói tóm lại, yết-ma hay nói đủ là Tăng-già yết-ma (Saṅghakarman) là hành sự của Tăng, căn cứ trên sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng, gồm những nguyên tắc đòi hỏi phải tuyệt đối tuân theo được áp dụng tùy theo đối tượng của hành sự. (Theo Yết-ma yếu chỉ của H.T Thích Trí Thủ)…
(trích Lời Nói Đầu CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ – BÁCH NHẤT YẾT-MA | Hán dịch: Luật sư Nghĩa Tịnh | Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh; Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh | Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên An, Tỳ-kheo Thích Tâm Nhãn; Tỳ-kheo Thích Đạo Luận.
_________
[1] Bách nhất yết-ma 3, T24n1453, p468a15; Ni-đà-na mục-đắc-ca 1, T24n1452, p417b7.
Thứ đến thuyết minh về bốn pháp phải làm của Sa-môn:
Này tân bí-sô… lắng nghe! Đây là tri kiến của đức Như Lai chánh đẳng giác, vì các bí-sô thọ cận viên mà nói về bốn pháp phải làm của Sa-môn. Bốn pháp đó là?
Này tân bí-sô…, từ hôm nay, nếu ngươi bị người khác chửi mắng, không được chửi mắng lại; bị người khác gây sân hận, không được sân hận lại; bị người khác nhạo báng, không được nhạo báng lại; bị người khác đánh, không được đánh lại. Khi có việc não loạn như vậy phát sinh, thầy có thể nhiếp tâm không trả thù không?
Đáp: – Không trả thù.
– Này tân bí-sô… lắng nghe! Thầy trước đây đã phát khởi hy vọng, nghĩ như thế này: Đến bao giờ ta mới được xuất gia thọ cận viên trong pháp luật khéo nói của đức Thế Tôn, thành tựu tánh bí-sô. Nay thầy đã xuất gia được thọ cận viên, được Thân giáo sư, Quỹ phạm sư v.v…, Tăng-già hoà hợp, tác pháp bạch tứ yết-ma với ngữ văn như pháp, an trú chỗ cực thiện. Như bí-sô khác, họ trăm tuổi hạ và những điều mà các vị ấy học thì thầy cũng tu học. Pháp mà thầy học, các vị ấy cũng học như vậy, đồng một học xứ, đồng thuyết giới kinh. Kể từ ngày hôm nay, thầy phải phát tâm cung kính phụng hành việc ấy, không được biếng nhác. Đối với Thân giáo sư phải xem như cha, vị ấy đối với thầy cũng xem như con. Trọn đời phải hầu hạ, chăm sóc khi bệnh, thăm hỏi nhau, sinh tâm từ mẫn cho đến lúc già, lúc chết. Đối với các vị thượng trung hạ tọa đồng phạm hạnh, phải thường sinh tâm kính trọng tùy thuận, giúp đỡ, để cùng sống chung đọc tụng, thiền tư, tu các thiện nghiệp. Đối với các pháp uẩn, xứ, giới, mười hai duyên sinh, mười lực v.v… phải tìm hiểu cho thấu triệt. Đừng bỏ đi những quy tắc tốt đẹp, phải xa lìa các việc lười biếng. Với pháp chưa đắc cầu cho đắc, chưa hiểu cầu cho hiểu, chưa chứng cầu cho chứng, cho đến phải chứng cho được quả A-la-hán cứu cánh niết-bàn.
Nay ta nói cho thầy những nét đại cương của vài việc thiết yếu cần phải làm. Ngoài ra còn có những việc chưa biết khác, thầy phải khéo thưa hỏi nơi hai vị thầy và các vị thiện hữu đồng học. Lại nữa, mỗi nửa tháng khi thuyết giới kinh, tự mình phải lắng nghe thọ trì, căn cứ giáo pháp để siêng năng tu hành.
Nay ta nói cho thầy nghe bài kệ:
Thầy trong pháp tối thắng,
Thọ giới luật đầy đủ.
[459c01] Nên chí tâm phụng trì,
Không chướng, thân khó được.
Đoan chính là xuất gia,
Thanh tịnh là viên cụ.
Những lời chân thật này,
Là tri kiến của Phật.
Này tân bí-sô…, thầy đã thọ cận viên xong, chớ nên phóng dật, phải cẩn thận phụng hành.
Sau đó bảo họ đi ra trước.
(trích CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ – BÁCH NHẤT YẾT-MA | Hán dịch: Luật sư Nghĩa Tịnh | Việt dịch: Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh; Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh | Hiệu chính và chú thích: Tỳ-kheo Thích Nguyên An, Tỳ-kheo Thích Tâm Nhãn; Tỳ-kheo Thích Đạo Luận)