Thử nhìn lại phương pháp giảng dạy cho Oanh Vũ trong giai đoạn hiện nay (2007)

TVGĐPT – Nhằm giúp anh chị em Đoàn Viên GĐPT có thêm nguồn tài liệu tham khảo trong công việc điều khiển và giảng huấn, soạn bài; cũng có thể có anh chị em cần trong lúc thực hiện luận văn, tiểu luận, gặp đề tài liên quan, Thư Viện GĐPT lâu nay đã chọn đăng những tài liệu hữu ích thuộc các thể loại này sau khi đã xin phép tác giả; và tất nhiên, do các bài viết, tham luận, luận văn, luận khóa v.v… của cá nhân nên nội dung chuyển tải trong tài liệu là tri kiến và quan điểm của cá nhân tác giả.

Xin chân thành cảm ơn anh chị em đã hoan hỷ cho phép đăng tải và đặc biệt là những anh chị em đã gởi bài về đóng góp vào kho tài liệu dùng chung cho những đồng sự Áo Lam.

{*} Trong bài này Thư Viện GĐPT xin phép Huynh Trưởng Lưu Ly (tác giả bài viết) được thay thế chữ “cầm Đoàn” cho những chữ “nắm đoàn” với chủ ý muốn thấy lại nó quen thuộc và có vẻ truyền thống cũ xưa hơn. Mong anh hoan hỷ cho.

———oOo———

THỬ NHÌN LẠI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY
CHO OANH VŨ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Không có dòng sông nào không xuôi ra biển. Mọi phương tiện không nằm ngoài mục đích tối hậu là đưa đến cứu cánh. Song, hãy thử nhìn lại những gì chúng ta đã trao gửi cho các em – đặc biệt là lứa tuổi Oanh Vũ – thì không khỏi giật mình! Những ai biết giật mình, có chăng còn lưu tâm đến đàn em, còn ý thức được công việc mình đang làm.

Nhiều suy nghĩ, trăn trở rồi sẽ gặp nhau. Thiết nghĩ, ngay lúc này, cần có một cái nhìn khái quát về phương pháp giảng dạy cho Oanh Vũ trong những năm qua nhằm thẩm định lại đường hướng giáo dục của Gia Đình Phật Tử (GĐPT).

Tổ chức GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh-thiếu-đồng niên Phật tử. Ít có tổ chức nào lại quy tụ nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi như GĐPT. Cho nên, việc giáo dục trong tổ chức GĐPT mang nhiều sắc thái phong phú. Trong bài viết này xin đề cập đến lứa tuổi Oanh Vũ, tức là lứa tuổi từ 6 đến 12 (Ngành Đồng). Đây là lứa tuổi đầu đời cho một thế hệ của xã hội.

Khi nhìn vào độ tuổi để giáo dục thì điều kiện tiên quyết là nhìn vào tâm sinh lý của lứa tuổi đó. Người ta phải hiểu trẻ thì mới có thể dạy được trẻ. Trong lịch sử GĐPT không thiếu các bậc đàn anh, đàn chị tiên phong trong việc giáo dục các em. Tuy vậy, cần nhìn sâu vào thực tiễn trên diện rộng thì nhận thấy vấn đề này đang còn nhiều khiếm khuyết.

Lịch sử hình thành và phát triển của Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên 60 năm đã minh chứng cho một sức sống mãnh liệt trong nhiều thế hệ thanh-thiếu-đồng niên Phật tử. Trải qua bao chướng ngại do thời cuộc và do lòng người, GĐPT vẫn vững vàng đứng trên đôi chân mình, tiếp bước đi tới một chân trời tương lai rực rỡ. Hành trang của tổ chức mang theo chính là ở vấn đề con người. Con người là trung tâm của mọi việc, là nhân tố quyết định cho sự sống còn của tổ chức.

Lứa tuổi đồng niên có thể gọi là lứa tuổi ‘mầm măng’ của đời người. Đào luyện lứa tuổi ấy thực không khó nhưng cần nhiều thời gian và sự nhẫn nại. Từ phía người giáo dục cần có một kiến thức nhất định, đủ khả năng để điều khiển các em. Từ phía các em cần có một lòng tin ban đầu, một niềm hăng say với môi trường GĐPT. Cả hai phía nếu thiếu những điều kiện cần có như đã nêu thì chưa thể đủ duyên để hợp thành một đoàn thể giáo dục.

Thực trạng Đoàn Oanh Vũ bao năm qua (nên hiểu là từ sau 1975, và rõ nét là từ những năm 90 của thế kỷ XX đến nay), còn nhiều điều cần nhìn thấy và nhìn nhận cho thấu đáo. Bản thân tổ chức GĐPT, mà Đoàn Oanh Vũ là một tổ hợp con trực thuộc, đang đi lên theo nhịp sống thời đại. Đoàn Sinh Oanh Vũ ngày nay hầu hết là các em trong độ tuổi đến trường, dù nông thôn hay thành thị. Các em đã hình thành một nhân cách tối thiểu, một kiến thức căn bản để học lên ở các lớp học trên. Các em đã được huân tập những chủng tử từ cách giáo dục của nhà trường nên ít nhiều đã hình thành thói quen, hành vi ứng xử qua cách giáo dục ấy.

Đội ngũ Huynh Trưởng “cầm Đoàn” Oanh Vũ thường xuất thân từ nhiều tầng lớp, thành phần xã hội khác nhau. Từ đó nảy sinh vấn đề giáo dục các em theo một đường hướng khác nhau, tuỳ theo tầm nhìn của Huynh Trưởng đó. Nếu kiến thức và khả năng nhận thức của Huynh Trưởng cầm đoàn cao thì làm lợi cho các em không ít. Nhưng ngược lại thì các em sẽ khó có thể tìm thấy một môi trường thoáng đãng cho mình bay nhảy.

Không khỏi đau xót khi Huynh Trưởng cầm đoàn mà không hề “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với Đoàn Sinh. Cũng điều khiển đấy, cũng dạy dỗ đấy; nhưng chất lượng qua một bài học, qua một buổi sinh hoạt vẫn không thể gọi là đạt yêu cầu đặt ra. Yêu cầu cần đặt ra là: các em ở lứa tuổi đồng niên, cần “chất động” nhiều hơn “chất tĩnh”. Thế thì một buổi sinh hoạt, một bài dạy cần bảo đảm yếu tố sinh động, hào hứng nhưng cũng trọn vẹn mục tiêu giáo dục ẩn chứa trong đó. Mà điều này, người Huynh Trưởng cầm đoàn hiện nay chưa thể thực hiện thành công được.

Buổi sinh hoạt của Đoàn Oanh Vũ chỉ trên dưới một giờ đồng hồ, các em cần hấp thu những gì mới mẻ, trẻ trung, vui say hơn cả tuần lễ ngồi trên ghế trường lớp. Thực tế là buổi sinh hoạt nào cũng giống buổi sinh hoạt nào! Giờ tự trị là mang sổ ra điểm danh, đóng quỹ, một câu chuyện hay vài lời nhắc nhở về giờ giấc, đồng phục, v.v… hay ca hát vài bài ngắn, sau đó là đến giờ học Phật Pháp, học Chuyên môn.

Không thể phủ nhận một buổi sinh hoạt với thời khoá biểu được lập trình như thế, nhưng cần phải làm mới và làm tươi lại bầu không khí cũ. Ở đây trách nhiệm đặt lên vai của người cầm đoàn. Huynh Trưởng cầm đoàn Oanh Vũ không thể đến với Đoàn chỉ làm công việc trả bài mình đã học từ các khoá huấn luyện. Đó là những bài học định hướng cho anh chị, nhưng khi anh chị thực hiện thì công việc anh chị làm sẽ minh hoạ trở ngược lại cho bài học ấy. Tính sáng tạo cần đưa lên hàng đầu trong công việc. Nó không tách rời khả năng điều khiển và ý thức bổn phận.

Nói đến khả năng điều khiển, hiểu nôm na là trình độ của một Huynh Trưởng cầm đoàn. Tức là anh chị được đào tạo từ các khoá huấn luyện, từ những bậc học dành cho người vào “nghề Trưởng”. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là ý thức bổn phận. Nó là kim chỉ nam cho hành động của anh chị. Để đào tạo một người với đầy đủ khả năng cần thiết không khó, nhưng để huấn luyện một người ý thức được bổn phận và trách nhiệm thật chẳng dễ. Suy cho cùng, khi đã ý thức bổn phận và trách nhiệm, người Huynh Trưởng sẽ tự động bổ khuyết cho khả năng điều khiển của mình.

Trở lại vấn đề thực trạng giảng dạy trong Đoàn Oanh Vũ hiện nay, có nhiều điều cần đưa ra để xem xét mà giải quyết. Người Huynh Trưởng cầm đoàn Oanh Vũ phải nói thật là khó hơn nhiều so với một người thầy trên bục giảng với những học trò cùng lứa tuổi ấy. Người thầy thì chỉ “dạy dỗ”, còn người Huynh Trưởng thì phải biết “điều khiển”. Một ông thầy sẽ có đủ thẩm quyền để dạy dỗ hay trách phạt, khen thưởng học trò. Đã là “dạy” thì bắt buộc người học phải nghe. Thế nhưng “điều khiển” thì tuỳ vào người “nắm bắt”, có thể người đó có “cùng tần số” thì dễ nắm bắt, còn “khác tần số” thì coi như hoài công. Song, người Huynh Trưởng chỉ dừng ở mức độ đưa ra thông tin cho Đoàn Sinh xử lý và làm theo. Đưa ra thông tin thì có người nhận được, người không nhận được. Mà Huynh Trưởng thì đâu có toàn quyền trách phạt, khen thưởng như trong cương vị của một ông thầy.

Nhiều đơn vị GĐPT, Huynh Trưởng cầm đoàn Oanh Vũ còn làm việc theo cảm tính chứ chưa ý thức vai trò và bổn phận của một người làm công tác giáo dục. Cảm tính tức là chủ quan. Mà chủ quan thì đậm nét bản ngã. Đây không phải do hoàn toàn lỗi ở Huynh Trưởng cầm đoàn Oanh Vũ, mà chính Ban Huynh Trưởng Gia Đình phải liên đới trách nhiệm. Chọn lựa người cầm đoàn Oanh Vũ phải cẩn thận vì đặc thù Ngành Đồng không giống các lứa tuổi khác.

Khi người Huynh Trưởng thể hiện vai trò cầm đoàn của mình, như đã nói ở trên, còn nặng cảm tính. Thích gì làm nấy. Hoặc có nhiều anh chị điều khiển các em như một ông thầy trên bục giảng. Thể hiện uy quyền ấy để doạ nạt, la rầy, lớn tiếng, v.v… Thành thử, Đoàn không ra Đoàn mà lớp học cũng chẳng phải lớp học. Lựa chọn phương pháp thích hợp trong công việc cầm đoàn, tuỳ hoàn cảnh, thời tiết, bài học là thể hiện được bản lĩnh cầm đoàn của một Huynh Trưởng.

Nói theo sách vở thì rất dễ nhưng để ứng dụng cụ thể vào việc làm thì lắm công phu. Thực trạng các Đoàn Oanh Vũ vẫn theo lối mòn sinh hoạt và tu học một cách máy móc, tẻ nhạt, thiếu sinh khí vẫn là mặt bằng chung cho nhiều đơn vị hiện nay. Chúng ta cần nhìn thấy và nhìn nhận thực tế đó. Biết nhìn bằng con mắt quán sát thực trạng rõ nét thì bước đầu đã mở ra một cánh cổng lớn.

Công việc tiếp theo là hoàn bị những phương cách giải quyết thực trạng thì viễn cảnh sẽ xán lạn hơn, như các cánh cổng đều hé mở, tự nhiên ngôi nhà sẽ rực sáng ánh nắng và hơi ấm tràn trề.

Trước khi đi tìm biện pháp khắc phục, cần tìm hiểu đến yếu tố con người trong công việc giáo dục của GĐPT. Yếu tố con người trong GĐPT là những thành viên trong đó, được gọi chung là Đoàn Viên GĐPT. Đoàn viên áo lam của chúng ta chia làm hai thành phần: Huynh Trưởng là những người lãnh đạo, điều khiển; và Đoàn Sinh là các em thuộc 3 lứa tuổi: đồng niên, thiếu niên và thanh niên. Các em là những “học trò” theo cái nghĩa thông thường ngoài xã hội, và Huynh Trưởng là những “thầy cô” theo thường tình như phần đông chúng ta nghĩ. Định hình cách nghĩ như vậy để đến với vấn đề dễ dàng hơn.

Một Đoàn Oanh Vũ với số lượng Đoàn Sinh dao động trong khoảng hơn hai chục em, nhưng đó là hai chục cái đầu và cánh tay hoàn toàn khác nhau. Những chủng tử được gieo từ quá khứ sẽ theo các em đến hôm nay, sẽ bộc lộ ít hay nhiều là tuỳ thuộc vào duyên nghiệp. Nhìn chung, có hai thái cực sẽ diễn ra trong một Đoàn: một là các em rất hiền, hai là các em rất nghịch. Yếu tố có thể gọi là “vô ký” thì chưa phải là thái cực thứ ba cho người Huynh Trưởng đối diện.

Các em nếu có tính cách hiền từ thì “đỡ khổ” cho Huynh Trưởng, nhưng không phải là không có cái khổ khác. Điều này chúng ta bàn sau. Nói đến các em ngỗ nghịch thì trong giai đoạn này không hiếm. Các em là tấm gương phản ảnh lại những gì được giáo dục ở nhà trường, ở tại gia đình và đặc biệt là các em học tập lẫn nhau trong môi trường bè bạn.

Tính cách thể hiện ra càng nhiều bao nhiêu, chúng ta sẽ dễ giáo dục bấy nhiêu. Các em ngỗ nghịch này sẽ là những em dễ dàng nhất cho các anh chị uốn nắn. Ngược lại, các em hiền lành, ít thổ lộ tâm tư hay ít “ra trò” hơn các em hay nghịch thì đấy lại là chỗ cho các anh chị khám phá các em, tuy có cực hơn nhưng cũng không phải dễ.

Đến với bài học được chúng ta hướng dẫn trong giờ dạy, các em sẽ cụ thể hoá tính cách gần như rõ nét nhất. Những em học tốt, học giỏi thật sự sẽ là những em ngoan ngoãn chăm chú lắng nghe, và thích tìm tòi bài học qua nhiều câu hỏi sau đó. Điều này chúng ta đã biết qua các khoá huấn luyện Huynh Trưởng và qua thực tiễn cầm đoàn. Ở đây, chúng ta nhìn sâu vào hai thái độ học tập của các em: thái độ năng động tiếp thu và thái độ thụ động tiếp thu.

Dẫu với thái độ năng động tiếp thu bài học, nhưng chúng ta cần hiểu rõ hai mặt của yếu tố này. Tiếp thu bài học để làm hành trang ứng dụng vào cuộc sống sẽ khác hơn tiếp thu bài học như đang thu lượm các giá trị từ bài học làm món đồ triển lãm. Tuy ở lứa tuổi Oanh Vũ, các em chưa thể biết ngay đến vấn đề ứng dụng ngay bài học vào thực tiễn, mà công việc này do người Huynh Trưởng khéo gợi ý hay bản thân Huynh Trưởng sẽ làm mẫu cho các em trong một số trường hợp. Lứa tuổi đồng niên chưa rạch ròi hai mặt ở vấn đề này. Vả lại, chúng ta cần nhớ đến phương pháp ‘Huân tập’. Mưa lâu thấm đất sẽ thật hiệu quả cho các anh chị thể hiện mình trong việc hướng dẫn Đoàn Sinh.

Một bộ phận người học khác, chính các em Oanh Vũ, vẫn còn thái độ thụ động tiếp thu. Vấn đề nan giải ở đây sẽ dần khuất khi các anh chị tìm cho ra nguyên nhân. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” chúng ta hãy soi rọi từ cách ăn nói, phương pháp hướng dẫn Đoàn Sinh. Đặc biệt, các anh chị cần nêu cao việc “Thân giáo”. Không thể bắt buộc các em ngồi nghe chúng ta hướng dẫn mà chính chúng ta trong giờ học hay giờ họp Ban Huynh Trưởng mà vẫn “tâm viên ý mã”.

Nhận định thấu đáo vai trò người học và với thái độ người học như thế, thiết nghĩ chúng ta sẽ bớt khó khăn hơn trong vai trò người hướng dẫn Đoàn Sinh. Huynh Trưởng không nên cảm thấy khó chịu với các em thể hiện qua hành động và tuyệt nhiên là không nên cấm đoán. Bước đầu hình thành cho các em vào tư thế người học sẽ không phải là cái chỗ ngồi trên chiếc ghế chiếc bàn. Bước đầu để làm công việc giảng dạy cho Đoàn Sinh sẽ không phải là lời to tiếng lớn. Đúng lúc đúng chỗ, một lời tỉ tê cũng khiến các em cảm động, hay đôi khi một tiếng hét “sư tử hống” sẽ chinh phục trái tim các em.

Nhìn lại phương pháp giảng dạy với cái nhìn khoan dung, chúng ta sẽ thấy các em đáng yêu biết bao, bài học hướng dẫn không bao giờ quá khó nếu chúng ta thật sự thể nhập vào chúng. Cần rời bỏ dần phương thức đọc cho Đoàn Sinh chép trong các giờ học, các em sẽ trút đi nhiều gánh nặng mà người ta thường dùng từ ngữ “quá tải” khi các em đến học đường.

Nền giáo dục nước nhà đang trên đà chao đảo. Thật chua chát khi có nhà báo đã mạnh dạn phê phán nền giáo dục hiện nay của Việt Nam là cỗ máy hơi nước thế kỷ XXI. Gia Đình Phật Tử Việt Nam với sứ mệnh giáo dục sẽ không bao giờ đi vào lối mòn đó. Chúng ta sẽ làm ngay những công việc còn dang dở của tiền nhân để lại, và quyết không vướng mắc vào hậu quả mà nền giáo dục nhà trường kẹt phải. Vậy nên từ bây giờ, các anh chị hãy nhìn cho kỹ, thấy cho thật tường tận những gì đang diễn ra mà tự thân phát khởi một ý niệm tinh tấn, điều đó đòi hỏi ở năng lượng tu tập ở mỗi bản thân chúng ta./.

LƯU LY [2007]

oOo

LỜI THƯA CUỐI:  Đây là bài viết chỉ dành để tham khảo, không dám chỉ trích bất cứ một ai. Bài được viết từ năm 2007, lúc ấy người viết 28 tuổi, đương nhiên cái nhìn lúc bấy giờ đã “lạc hậu” hơn so với hiện nay (2024).

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận