DỊCH GIẢ NGUYỄN TIẾN VĂN QUA ĐỜI Ở TUỔI 87
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã qua đời lúc 21h38 ngày 20/4/2025 tại TP. HCM, hưởng thọ 87 tuổi.
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã dành trọn cuộc đời cho sách vở và chia sẻ tri thức, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả qua nhiều bản dịch văn chương đặc sắc.
Trong sự nghiệp của mình, ông đã dịch hàng trăm đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực: triết học, tôn giáo, văn học, văn hóa, xã hội học,…; nhưng do ông thường không ghi tên thật trên các bản dịch, nên việc xác định đầy đủ danh sách các tác phẩm ông đã dịch là điều không dễ dàng.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu có thể kể đến là “Lũ người quỷ ám” của Fyodor Dostoyevsky, được dịch dưới bút danh Nguyễn Ngọc Minh – một lựa chọn mang tính riêng tư trong hoàn cảnh đặc biệt của ông lúc bấy giờ.
Bản dịch này đến nay vẫn được xem là một trong những bản dịch kinh điển của tác phẩm đồ sộ và phức tạp bậc nhất của văn học Nga.
Xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình, bạn bè và những ai từng yêu mến, trân trọng đóng góp của ông cho nền dịch thuật Việt Nam.
Theo Nhã Nam
Một số hình ảnh
Từ trái qua (tính từ người thứ nhì): Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Tiến Văn, Tuệ Sỹ, Nguyễn Tiên Yên (con trai trưởng của Nguyễn Tôn Nhan). Cht. bởi Trần Đăng Thành.
Bài viết tưởng niệm
HẠC VỀ TRỜI
“Chân nhân nào ở đâu xa
Thần tiên ta đó chính là Tiến Văn.”
(Hải Sa Cư sĩ)
***
NGUYỄN TIẾN VĂN (1939-2025) vừa ra đi. Xin cúi đầu tiễn biệt một người trí tuệ phi thường.
Ông vốn dân phố Hàng Da. Di cư. Di tản. Canada. Làm báo. Rồi hồi hương sống như "bụi đời" với văn hóa phố thị, với người và "thơ trẻ Sài Gòn".
Ông ra đi, mang theo một kho tàng hiểu biết cả một đời gom góp – không phải để cất giữ, mà để trao tặng cho đồng bào bằng tình yêu chân thành và tấm lòng quảng đại. Người đã đọc hàng container sách, và mỗi trang là một nhịp cầu mở ra ánh sáng. Người kiến giải mọi điều đều sâu sắc, thấu đáo, khiến ai từng nghe qua đều không thể quên. Chính ông là người kiến giải cao sâu nhất cái bút danh "Đặng Thân".
Ông nói về cái nghiệp của mình: "Tôi đi học đi dịch là đi phá cái ngu của mình. Tôi tự đặt ra câu hỏi và tự tìm cách trả lời, đó là cái học của tôi. Tôi học như vậy, dịch như vậy 60 năm không biết chán."
Và ông nói với tôi: "Mình là loại 'thư dâm'." (Mê luyến sách hơn tất cả.)
Giờ đây, sách vẫn còn, lời vẫn vang, nhưng người đã thanh thản đi vào cõi tĩnh lặng. Vĩnh biệt một bậc minh triết. Người đi, nhưng tinh hoa còn mãi.
.
Dưới đây là một số tác phẩm do dịch giả Nguyễn Tiến Văn chuyển ngữ sang tiếng Việt (danh sách chưa đầy đủ):
1. Điều gì khiến chúng ta hiện hữu trên đời? – Kentetsu Takamori
2. Hợp nhất với thần linh – Swami Muktananda
3. Giải thoát tâm đức – Thubten Chodron
4. Tâm vô lượng – Andrew Olendzki
5. Dẫn nhập vào Tính Không
6. Đạo Phật và Đạo Bằng Hữu – Subhamati & Subhuti
7. Đời Tổng Giám Mục Puginier – Louis-Eugène Louvet
8. Nơi Thiền Tông và Mật Tông hội ngộ – Chogyam Trungpa
9. Những quy luật tâm lý về sự tiến hóa của các dân tộc – Gustave Le Bon
10. Minh triết của sự bền vững – Sulak Sivalaksa
11. Lũ người quỷ ám – Fyodor Dostoyevsky (Cái tên Lũ người quỷ ám nếu không phải ông chắc cũng khó ai dịch ra nổi. Bằng chứng là kể từ bản dịch ấy đến nay hơn nửa thế kỷ rồi vẫn chưa có bản dịch thứ hai.)
12. Về lịch sử nghệ thuật – Dana Arnold
13. Dẫn luận về Kitô giáo – Linda Woodhead
14. Nguồn gốc của ngoại tộc – Toni Morrison
15. Quyền năng linh thánh – Swami Kripananda
16. Tâm lý người An Nam – Paul Giran
17. Thiền chỉ, Thiền quán và Tính Không – Lama Dudjom Dorjee
18. Trở về từ cửa tử – Betty J. Eadie
19. Từ bi và Tính Không – Analayo
20. Dẫn luận về tư duy – Tim Bayne
21. Dẫn luận về tôn giáo – Norman Solomon
22. Dẫn luận về tâm thức – Oxford Uni Press
Dịch giả Nguyễn Tiến Văn còn nổi tiếng với việc hiến tặng hàng chục nghìn cuốn sách quý cho các thư viện và viện nghiên cứu tại Việt Nam, góp phần lan tỏa tri thức đến cộng đồng. Ông từng có bốn lần "khánh kiệt" về sách:
Lần thứ nhất là trước năm 1975. Vì trốn lính, chống chiến tranh, ông bị chánh quyền VNCH bắt giam. Hơn 10.000 cuốn sách ông đem tặng cho bạn bè.
Lần thứ hai là khi ông chuẩn bị ra nước ngoài năm 1985, gần 15.000 cuốn sách cũng được ông lần lượt tặng lại bạn bè trong nước.
Lần thứ 3 khi ông từ Canada, quyết định về lại Việt Nam sống vào năm 2006, ông đã tự bỏ tiền túi vận chuyển hơn 18.000 cuốn sách quý hiếm, nặng 7,5 tấn về tặng cho Viện NCXH TPHCM.
Lần thứ tư ông gửi tặng thư viện Huệ Quang hàng ngàn cuốn sách.
Khi cho đi ông rất vui vẻ, dù phải chia tay với những cuốn sách ông xem như là cuộc sống của mình. Dịch giả Nguyễn Tiến Văn đã hàng chục lần tặng sách cho các thư viện hay các cá nhân, bạn hữu.
Nguồn: Nguyễn Đức Thành
DỊCH GIẢ NGUYỄN TIẾN VĂN ĐÃ DỜI CHÂN CÕI TẠM…
Vào sáng ngày 21/4/2025, Thư viện Huệ Quang nhận được một tin buồn khi hay tin Nhà nghiên cứu, Dịch giả Nguyễn Tiến Văn (Người mà Thư viện chúng tôi gọi một cách thân thương là Cụ Văn) qua đời vào tối ngày 20/4 tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, hưởng thọ 86 tuổi (1939 – 2025).
Sinh thời Cụ được nhận xét là một Dịch giả uyên bác. Với số lượng tác phẩm dịch thuật lên đến hơn 50 tác phẩm thuộc nhiều thể loại và ngôn ngữ. Bằng vốn ngoại ngữ do chính mình tự trao dồi, tác phẩm Lũ Người Quỷ Ám do Cụ dịch vào những tháng năm ngồi tù vì trốn lính phản đối chiến tranh, đã để lại một dấu ấn khó phai trong lòng người yêu văn chương.
Cụ còn là một bậc Thức giả chân chính của thời đại. Cụ yêu sách vở, yêu để đọc, để tìm hiểu tri thức và thưởng thức văn chương chứ không xem sách như một thú chơi tao nhã. Vì thế Cụ sẵn sàng hiến tặng cả chục ngàn đầu sách do chính bản thân mình sưu tầm từ lúc còn thanh niên đến lúc lão niên cho các thư viện. Trong một lần phỏng vấn vào năm 2021 khi một nhà báo đã hỏi Cụ có ý kiến gì về việc thư viện sẽ sử dụng sách của mình ra sao, Cụ đã trả lời một cách vô cùng thản nhiên và tự tại rằng: “Thấy họ cần có sách mà mình thì cần cho đi thì mình cho, còn việc khi nhận họ làm gì thì đấy là việc của họ, mình không bận tâm”.
Thư viện Huệ Quang vào tháng 3 năm 2021 đã có được một vinh hạnh lớn lao, khi thông qua sự giới thiệu của Học giả Trần Văn Chánh, Cụ đã gặp thầy Không Hạnh người đại diện của Thư viện và được Cụ tin tưởng trao tặng lại 5000 quyển sách gồm 1000 tựa sách in, 4000 quyển sách do Cụ tự in ấn đóng tập, chủ yếu bằng Anh ngữ thuộc các lĩnh vực Phật học, Khoa học, Văn học v.v.. Đây cũng chính là gia tài tri thức cuối cùng của Cụ, cũng là món quà cuối cùng của Cụ dành tặng lại cho hậu thế thông qua việc lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang.
Nhận được tin Cụ đã chán cảnh ngao du cõi tạm này mà dời chân về miền vô tung bất định. Thư viện Huệ Quang vô cùng kính tiếc và xót thương. Xin nguyện cầu Tam bảo gia hộ cho Cụ được tiêu dao nơi cảnh giới an nhiên tự tại, vô ưu vô bi.
Xin được lấy hai câu thơ đầu trong bài Kệ Thị Tịch 偈示寂 của Thiền sư Từ Đạo Hạnh 徐道行禪師 để thay lời tiễn biệt:
Nguyên văn:
秋來不報雁來歸,
冷笑人間暫發悲。
Phiên âm:
Thu lai bất báo Nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian tạm phát bi…
Tử Minh tạm dịch:
Thu về chẳng báo Nhạn cùng về
Lặng cười trần thế sầu ủ ê…
Xin thành kính tiễn biệt Cụ, và cũng xin được chia buồn cùng gia quyến!
Huệ Quang, Một ngày buồn gần cuối tháng Quý Xuân, Ất Tỵ (2025).
ĐIẾU ANH NGUYỄN TIẾN VĂN
Nghe tin Đại ca Nguyễn Tiến Văn viên tịch (lúc 21h38’ ngày 20 tháng 4 năm 2025 tại Sài Gòn). Năm ngoái ghé thăm thì thấy Anh đã xả gần hết, chỉ còn đọc lai rai Mỹ học Truyện Kiều vân vân, giờ thì xả hết rồi.
Nghĩ mấy chữ tiễn Anh
智者舍然
四海寄居,盡讀,盡修,盡舍
两方觀哲,歸徠,歸客,歸空
践英阮進文
乙巳年范篁君𣄒處丐佊敬題
TRÍ GIẢ XẢ NHIÊN
Tứ hải ký cư, tận độc, tận tu, tận xả
Lưỡng phương quán triết, quy lai, quy khách, quy không
Tiễn Anh Nguyễn Tiến Văn
Ất tỵ niên Phạm Hoàng Quân ở xứ Cái Bè kính đề
Nội dung trên, thể theo sự đọc của Anh, tôi lạm dùng từ ngữ lộn xộn nho phật lão, có nhiều cách dịch lời điếu này, ai kính quý Anh thì có thể hiểu theo nghĩa trang trọng với ngôn từ trao chuốt hơn. [chữ Quy lai (歸徠), lấy ý trong Sở từ – Đại chiêu]
Tôi dịch nôm na theo kiểu giang hồ cà kê tình nghĩa với anh, tin rằng anh mỉm cười đại xả:
BỰC TRÍ BUÔNG XUÔI
Ở nhờ bốn biển, đọc đủ thứ sách, tu các thứ đạo, xả bỏ hết thảy.
Nghiệm triết hai luồng, hỏng biết về đâu, quay về chốn cũ, đi vào cõi không.
Cái Bè, ngày 21 tháng 4 năm 2025
Viết chữ lên tấm vải, lâu rồi không viết lên vải, mực loang tự nhiên, có lẽ ý của mực với vải muốn vậy.