Cần Hiểu Lại Nghi Lễ Tự Tứ

Ngày nay, cả hai hệ Phật giáo phương Nam và phương Bắc đều tự tứ theo truyền thống sau mùa an cư giải hạ. Chỉ có thời gian tổ chức không đồng bộ do sự dị biệt tính phái và ảnh hưởng bản sắc dân tộc vùng miền khi Phật giáo du nhập. Suốt mùa an cư chín mươi ngày tĩnh lặng tu tập, lễ tự tứ tiếp nối cử hành với ý nghĩa tượng trưng cho sự hòa hợp Tăng-già và cùng nhắc nhở nhau, sách tấn nhau hướng đến mục đích thánh đạo. Ý nghĩa ban đầu của buổi lễ tự tứ là như thế. Về sau Phật giáo bộ phái cải biên luật học, nghi lễ này bị thay đổi “phiên bản” gốc; lâu dần chúng ta chấp nhận theo sự thay đổi và không ai nghi vấn gì. Định lý mọi thứ bị thay đổi theo thời gian chính là bóng tối của lịch sử. Soi lại vùng tối này cần từng bước giải trình.

1. Thời gian tổ chức nghi lễ tự tứ:

Thời xưa, nghi lễ tự tứ của Phật giáo được tổ chức theo lịch Ấn-độ vào ngày trăng tròn của tháng āśvayuja hoặc kārttika.[1] “Kārttika” tương ứng với tháng 8, “āśvayuja” tương ứng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10.[2] Phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ (Mūlasarvāstivādin) tổ chức theo thời gian này, luật Tùy ý sự của họ ghi chép như sau:

Vào ngày mười bốn tháng tám, Tăng chúng trong chùa đốt hương, treo tràng phan, trang hoàng nơi điện Phật và tháp Phật. Tối mười bốn bảo người trì kinh, tụng kinh suốt đêm; khi bình minh vừa xuất hiện (sáng rằm), cử một bí-sô đủ năm đức làm người thọ tùy ý (tùy ý giả 隨意者). Trước khi lễ tự tứ được cử hành, bí-sô thọ tùy ý (người nhận tự tứ) lấy cỏ tranh tươi (生茅, sinh mao)[3] phát cho các tỳ-kheo làm tòa ngồi[4]

Thủ tục phát cỏ do phỏng theo sự kiện đức Thích Tôn ngồi trên đệm cỏ cát tường, tọa thiền trong 49 ngày thành Chánh giác[5]… Nghi thức này chỉ có Phật giáo Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ hành trì. Các bộ phái khác không có thủ tục này. Đến thời nhà Nguyên (1279 -1368 Tl.), nghi thức phát cỏ trong ngày tự tứ vẫn được Phật giáo người Uyghur duy trì thực hiện. Bằng chứng kinh Tự tứ tiếng Uyghur cổ có yếu tố văn tự Brāhmī do các nhà khảo cổ phát hiện, nói đến lễ tự tứ và đề cập loại “cây kế” (yuldurga,thistle[s], 薊[6]) phát trong buổi lễ. Cây kế tiếng Tây tạng dịch là rơm hay lá (’dab-ma-dag).[7] Khi người Mông Cổ thống trị Trung Quốc, suốt triều đại nhà Nguyên lấy hệ luật Căn bản thuyết nhất thuyết hữu bộ làm chính truyền. Bởi người Mông Cổ tiếp thu Phật giáo từ truyền thống Tây Tạng. Vì lẽ đó mà lúc Phật giáo Trung Quốc truyền đến người Uyghur vào thời Nguyên, họ tiếp nhận hệ luật Căn bản và hành trì theo đó.

Tiếp đến là thời gian tự tứ trong luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ (Mahāsaṅghika) ghi chép: Tự tứ vào thời gian thứ nhất là ngày 15 tháng bảy (tức đã qua 3 tháng an cư ở giai đoạn đầu [tiền an cư], từ ngày 16 tháng tư đến ngày 15 tháng bảy). Tự tứ vào thời gian thứ hai là ngày 15 tháng tám (tính theo giai đoạn an cư sau [hậu an cư], từ ngày 16 tháng năm đến ngày 15 tháng tám).[8]

Về các nước theo Phật giáo Nam truyền, họ tổ chức vào ngày 15 tháng chín Âm lịch là chính. Nhưng luật Pāli lại nói có thể tự tứ một trong hai ngày, 14 tháng chín (cātuddasikāpavāraṇā), hoặc 15 tháng chín (paṇṇarasikāpavāraṇā) đều được.[9] Nhưng Phật giáo Lào cũng là Phật giáo Nam truyền lại cử hành vào ngày trăng tròn tháng 10, gọi là lễ Boun Ok Phansa (lễ hội mãn chay) cuối mùa chay của Phật giáo (Buddhist Lent),[10] sau lễ Wan Khao Phansa (mùa an cư).[11] Ngày nay, tại Việt Nam, Phật giáo Bắc phương tự tứ vào ngày 15 tháng 7 Âm lịch. Ở Hàn Quốc, nó được thực hiện hai lần một năm vào cuối các khóa tu thiền mùa hè và mùa đông.[12]

Ngoài ra trong luật còn kể thêm một số trường hợp đặc biệt cần triển hạn nhật kỳ tự tứ:

1. Do Tăng hòa hợp an cư có những tiến bộ đáng kể, muốn thêm thời hạn an cư, mục đích tăng thêm thời gian tu tập để có thể chứng đắc đạo quả Niết-bàn thì Tăng tác pháp yết-ma triển hạn tự tứ tối đa là một tháng nữa (an cư đủ 4 tháng sẽ tự tứ).[13]

2. Do số tỳ-kheo sống chung trong trú xứ an cư tranh chấp, muốn đến trú xứ khác tự tứ, Phật dạy các tỳ-kheo nơi không tranh chấp: Nếu số tỳ-kheo tranh chấp kia đến đây thì nên tự tứ trước hai, ba ngày. Nếu tự tứ vào ngày 15 thì nên tự tứ vào ngày 14. Hoặc ngày 14 tự tứ thì làm ngày 13. Hoặc nghe họ đến ngày hôm nay thì tập Tăng tự tứ gấp. Nếu họ đã vào trong chùa, bằng mọi cách để tự tứ mà không được thì một tỳ-kheo nên tác bạch “chồng thêm ngày tự tứ” (tăng thượng tự tứ 增上自恣): “Đại đức Tăng xin lắng nghe! Nếu thời gian thích hợp đối với Tăng, Tăng chấp thuận hôm nay Tăng không tự tứ, đến ngày thứ mười lăm không trăng sẽ tự tứ. Đây là lời tác bạch.” Nếu khách tỳ-kheo kia ở đến ngày mười lăm không trăng, thì tác bạch tăng thượng tự tứ lần hai. Họ vẫn không đi thì phải theo luật cưỡng bức các tỳ-kheo đó hòa hợp tự tứ. Nếu không thể cưỡng bức được thì các tỳ-kheo thanh tịnh ra khỏi cương giới trú xứ, kết tiểu giới tự tứ.[14]

3. Luật Tăng-kỳ nói, nếu trong chúng an cư theo hậu an cư (giai đoạn an cư sau) mà có một người tiền an cư thì đến ngày 15 tháng bảy, tất cả đều phải thọ tự tứ với người này. Nhưng khi tự tứ xong, số người hậu an cư phải ở lại cho đến ngày 15 tháng tám. Nếu tất cả đều hậu an cư thì tự tứ vào ngày 15 tháng tám.[15]

Tóm lại, về thời gian tổ chức nghi thức tự tứ cũng như trường hợp triển hạn nhật kỳ tự tứ đều có sự thay đổi theo lịch pháp mỗi nơi, hoặc thay đổi do ảnh hưởng tập tục địa phương, hay tông phái Phật giáo truyền bá. Như ý nghĩa “chồng thêm ngày tự tứ” là luật Tứ phần của Pháp tạng bộ, Ngũ phần của Hóa địa bộ, luật Pāli Thượng tọa bộ quy chế; luật Tăng-kỳ của Đại chúng bộ hay Tùy ý sự của Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ không thấy đề cập đến.

2. Nghi lễ tự tứ không phải nghi thức sám hối:

Từ lâu có nhiều người hiểu nhầm lễ tự tứ là nghi thức sám hối, giống với nghi thức bố-tát. Lễ bố-tát sám hối có tính cách tự giác và tự nguyện, lễ tự tứ mọi người cũng thấy gần như vậy, trong buổi lễ diễn ra: Tỳ-kheo tự tứ đối trước vị nhận tự tứ (thọ tự tứ nhân 受自恣人) thưa, “Hôm nay Đại đức chúng Tăng tự tứ, tôi tỳ-kheo… cũng tự tứ. Nếu thấy, nghe, nghi tôi có tội, xin Đại đức trưởng lão thương xót chỉ bảo tôi. Nếu tôi thấy có tội sẽ như pháp sám hối (懺悔, Pāli: paṭikarissāmi).[16] Như vậy, nó có thật sự là hình thức tự giác và tự nguyện hay không? Chỉ có khác với lễ bố-tát là tự tứ không có thuyết giới và mỗi người, từ vị Thượng tọa lớn nhất cho đến tỳ-kheo nhỏ nhất, phải tự mình yêu cầu Tăng chỉ điểm.

Nguyên nhân vì sao nghi lễ tự tứ và bố-tát có sự giống nhau, chúng tôi thảo luận ở mục sau. Ở đây chúng tôi chỉ muốn chứng minh rằng, nghi lễ tự tứ không phải nghi lễ sám hối.

(1). Theo luật Tứ phần (p. 839a17): Nếu trước khi tự tứ có tỳ-kheo phạm Tăng tàn (saṃghāvaśeṣa) phải yết-ma trao cho tội phú tàng (覆藏, tội cố ý che giấu) rồi mới cho tự tứ. Hoặc trao cho bổn nhật trị[17]; hoặc trao cho ma-na-đỏa[18] v.v, rồi mới tự tứ. Hoặc trường hợp, trước ngày tự tứ, trú xứ đó có tỳ-kheo phạm ba-dật-đề (pāyattika), hay phạm ba-la-đề đề-xá-ni (pratideśanīya)… đều phải hướng dẫn sám hối rồi mới tự tứ. Trong Tùy ý sự (p. 1047b11) cũng nói, khi tiến hành tùy ý (tự tứ), nếu bí-sô nhớ biết có tội, phải đến gặp bí-sô nơi khác tác pháp sám hối, sau đó mới được tác tùy ý. Nếu không phát lộ thuyết tội mà tác pháp tùy ý thì không thành tùy ý. Hoặc khi chuẩn bị tùy tý, bí-sô phạm tội ba-la-thị-ca (波羅市迦, pārājika, thường dịch ba-la-di) mới biết mình phạm, Tăng phải trục xuất người này, sau đó Tăng mới làm lễ tùy ý (tự tứ) v.v… Như vậy, ngoại trừ phạm ba-la-di, còn lại từ Tăng tàn trở xuống đều phải sám hối trước khi làm lễ tự tứ. Nếu tỳ-kheo có tội chưa sám hối không cho dự lễ tự tứ, trường hợp này gọi là “mất cơ hội tự tứ”, hoặc “có tội [không được] tự tứ” (pavāraṇāṭhapana). Do đó lễ tự tứ không phải nghi thức sám hối.

(2). Nếu suốt 3 tháng an cư phạm tội mà không nói, đợi đến khi mãn hạ mới nói là phi luật, phạm tội che giấu (phú tàng). Che giấu một ngày đã nặng, hà huống gì đến 3 tháng? Cho nên lễ tự tứ là lễ sám hối thì không đúng nghĩa luật định. Lại nữa, có thể cho rằng trong thời gian 3 tháng, tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni phạm tội mà chính mình không hề hay biết, sau 3 tháng nhờ người khác biết chỉ lỗi cho mình để sám hối, càng không đúng. Vì sao? Vì tỳ-kheo khi biết người khác phạm tội phải nói ngay, không được che giấu, chỉ cần che giấu qua một đêm là người che giấu phạm ba-dật-đề (pāyattika).[19] Tỳ-kheo-ni che giấu tội của người khác cũng phạm ba-dật-đề như tỳ-kheo,[20] hoặc tỳ-kheo-ni biết tỳ-kheo-ni phạm ba-la-di mà che giấu, người che giấu cũng phạm ba-la-di; che giấu các tội khác mà không nói, tùy theo mức độ phạm tội mà xử lý.[21] Vậy tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni nào biết người khác phạm tội phải nói liền, không có chuyện để đến sau 3 tháng (ví dụ mình được bầu làm “thọ tự tứ nhân” chỉ lỗi giùm) mới nói lỗi người đó là phi luật. Đây là bằng chứng thứ hai cho chúng ta thấy rằng, lễ tự tứ không phải lễ sám hối.

Vì sao nghi lễ tự tứ không phải nghi lễ sám hối lại trở thành như nghi lễ sám hối và giống với nghi thức bố-tát. Hãy xem câu chuyện duyên khởi và văn bản luật điển bộ phái nói gì.

3. Câu chuyện duyên khởi và sự cải biên của luật bộ phái:

Trong các bản luật đều có câu chuyện: Một số tỳ-kheo cùng thảo bàn lập ra quy định, không nói chuyện với nhau trong suốt mùa an cư để tránh sự tranh chấp.[22] Từ động cơ này đức Phật thiết lập lễ tự tứ. Có lẽ đó là tính thống nhất ban đầu của Luật tạng bộ phái chép từ một bản gốc Skandhaka (Kiền-độ). Sau đó, mỗi bộ phải tự ý cải biên dần, như luật Tứ phầnNgũ phần ghi chép ra hai câu chuyện, hai lý do. Lý do đầu tiên đức Phật chỉ mới quở trách: nếu tiếp tục sống im lặng như vậy sẽ phạm đột-kiết-la (duṣkṛta).[23] Lý do thứ hai, theo Tứ phần (37, p. 836a17): Nhóm sáu tỳ-kheo nghe Phật dạy sống với nhau phải cùng dạy bảo nhau, không được im lặng, họ liền cử tội tỳ-kheo thanh tịnh. Phật dạy: “Không được vô cớ cử tội người vô tội. Nếu muốn cử tội tỳ-kheo hữu sự thì trước hết phải nói cho cơ hội để thưa chuyện. Sau đó mới cử tội.” Nhóm sáu tỳ-kheo lợi dụng sự cho phép đó lại gây nhiều chuyện sai quấy, đức Phật mới dạy, từ nay cho phép an cư rồi tự tứ. Nếu tự tứ khỏi phải “xin phép cho cơ hội.[24] Về nguyên nhân thứ hai trong luật Ngũ phần (19, p. 131a16) gần giống với luật Tứ phần.

Trong luật Tăng-kỳ cũng có hai câu chuyện: câu chuyện thứ nhất nói 60 tỳ-kheo an cư lập quy định giữ im lặng 3 tháng. Câu chuyện thứ hai kể 3 tỳ-kheo A-nan-luật (Aniruddha), Kim-tỳ-lô (Kimbila), Bạt-đề (Bhadrika) cũng giữ im lặng suốt 3 tháng an cư. Từ đây đức Phật quy định tự tứ.

Chính từ câu chuyện thứ hai trong luật Ngũ phầnTứ phần đã làm nặng nề thêm tính sám hối, khiến cho chúng ta dễ hiểu nhầm buổi lễ tự tứ trở thành nghi thức sám hối tội. Về thuật ngữ “tự tứ 自恣” (Nghĩa Tịnh dịch “tùy ý 隨意”. Sanskrit: pravāraṇā, Pāli: pavāraṇā) giống với nghĩa “xin phép cho cơ hội” – luật Tứ phần dịch: cầu thính求聽, Ngũ phần dịch “vấn thính 問聽”. Cầu thính 求聽 và “vấn thính 問聽” tương đương nghĩa Pāli: okāsakata, là dành cho cơ hội, hay cho phép. Tất cả đồng một nghĩa, trước hết hỏi vị ấy có chịu nghe không, nếu chịu nghe thì mới được chỉ điểm. Tuy nhiên “cầu thính”, “vấn thính” chỉ có ý nghĩa cá nhân chỉ lỗi cá nhân. Còn “tự tứ” là nhờ tập thể Tăng chỉ lỗi.

Thêm nữa, chính luật Tứ phần, Ngũ phần và Pāli gần như vay mượn lại nguyên tắc quy định trong nghi thức bố-tát (poṣadha) để diễn giải nghi thức tự tứ. Dó đó mà chúng ta thấy cả hai nghi thức này giống nhau. Ví dụ luật Ngũ phần 28(p. 182b2) ghi: “Những cách ngăn bố-tát như vậy đều như trong ngăn tự tứ đã nói [如是等諸住布薩, 皆如住自恣中說])”. Hoặc (19, p. 131c22): “Có tỳ-kheo bệnh không đến tự tứ được, Phật dạy, sai một tỳ-kheo dìu đến… như trong chương Thuyết giới (Bố-tát) đã nói.” Trường hợp tỳ-kheo bệnh, hay vì lý do quan trọng gì đó không đến tự tứ được, có thể nhắn gửi lời “thỉnh lỗi” cho một tỳ-kheo thưa lại với chư Tăng, hình thức này cũng vay mượn trong nghi thức bố-tát. Luật Tứ phần và cả Pāli cũng thế. Trường hợp này gọi là gián tiếp tự tứ (Pāli: pavāraṇādāna, hoặc chandaṃ datvā). Tứ phần (38, p. 838a7) dịch “chúc thọ tự tứ 囑授自恣”, Thập tụng (23, p. 166b1): Dữ tự tứ 與自恣. Tùy ý sự (p. 1045c16): Tùy ý dục 隨意欲, Ngũ phần (p. 126a11, p. 131c19-22): Thanh tịnh dục 清淨欲. Tức là gửi sự thuận tình, hoặc như gửi “phiếu” thuận, chấp nhận Tăng tác pháp. Nhưng luật Tăng-kỳ cấm việc gửi sự thông cáo như vậy trong lễ tự tứ. Vì theo nguyên tắc, tỳ-kheo phải có mặt để xin người khác chỉ lỗi cho mình; nếu vắng mặt thì góp ý chỉ lỗi thế nào? Giống luật thế gian, bị can bị truy tố mà vắng mặt thì toà án tố tụng ai?

Như vậy, dù buổi lễ tự tứ thiết lập theo nguyên tắc thỉnh tập thể Tăng chỉ lỗi cho mình cũng là làm cho hình thức. Giả như họ có lỗi mà để qua 3 tháng mới chỉ điểm vẫn sai luật, như ở mục trước chúng tôi phân tích.

4. Các bản kinh cổ và nghi lễ của Kỳ-na giáo:

Những câu chuyện kể trong luật hoàn toàn xa lạ và mâu thuẫn với nội dung trong các bản kinh cổ hiện còn. Các bản kinh đó gồm:

1. Kinh Tự tứ (7. Pavāraṇāsuttaṃ) trong Tương ưng Tôn giả Vaṅgīsa, Tương ưng bộ (Saṃyuttanikāya I, 8. Vaṅgīsasaṃyuttaṃ, pp. 190 seq.);

2. Trung A-hàm (Madhyamāgama) 29, 121 (T1n26, p. 610a8 – c21): Kinh Thỉnh thỉnh.

3. Tạp A-hàm (Saṃyuktāgama) 45, 1212 (T2n99, p. 330a4 – c19): Kinh Hoài thọ.

4. Tạp A-hàm (biệt dịch, Saṃyuktāgama) 12, kinh số 228 (T2n100, p. 457a29 – c28).

5. Tăng nhất A-hàm (Ekottarikāgama) 24, phẩm 32, kinh thứ 5 (T2n125, pp. 676b28 – 677b27).

6. Kinh Thọ tân tuế kinh, T1n61 (p. 858a14).

7. Kinh Tân tuế, T1n62 (p. 859a28).

8. Kinh Giải hạ, T1n63 (p. 861b14).

9. A. F. R. Hoernle, “Pravāraṇā sūtra” Manuscript Remains of Buddhist Literature found in Eastern Turkestan, vol. I, pp. 36-40.

Từ “thỉnh thỉnh” trong kinh Thỉnh thỉnh tương đương nghĩa tự tứ; thỉnh thỉnh 請請, nghĩa là hỏi lẫn nhau. Trong lễ tự tứ, các tỳ-kheo chỉ điểm lẫn nhau về những điều luật. Kinh Hòa thọ, từ Hán dịch “hoài thọ 懷受” không rõ nghĩa, có thể là chỉ cho tự tứ (pavāraṇā).[25] Kinh Thọ tân tuế (受新歲經) và Tân tuế (新歲經) đều có nghĩa sau ba tháng an cư, tỳ-kheo được tính một tuổi hạ. Kinh Giải hạ (解夏經) là kết thúc an cư. Và kinh cuối cùng là kinh Tự tứ, nằm trong các bản thảo cổ tìm thấy ở Đông Turkestan, Hoernle sao chép, dịch, chú. Ông so sánh phiến đoạn văn Phạn và Pāli. Tất cả các bản kinh này có nội dung gần giống nhau. Trong bản Pāli và các bản Hán đều ghi vào ngày 15 trong tháng, vào giờ tự tứ, kinh Thọ tân tuế nói rằm tháng bảy v.v… Đức Phật ngồi giữa chúng tỳ-kheo, Ngài nói: “Này các tỳ-kheo, bây giờ Ta tự tứ (tức yêu cầu chỉ điểm, hoặc nói là “thọ tuế”), các thầy có khiển trách gì Ta đối với thân, khẩu chăng?”[26] (văn Pāli trong Tương ưng: handa dāni, bhikkhave, pavāremi vo. Na ca me kiñci garahatha kāyikaṃ vā vācasikaṃ vā).

Xá-lợi-phất đứng dậy, chắp tay bạch: “Chúng con không có gì chỉ trích Thế Tôn về thân hay về khẩu.” Rồi Xá-lợi-phất cũng thưa: “… Thế Tôn có điều gì chỉ trích con hay không, về thân hay về khẩu chăng?” Đức Phật bảo: “Ta không có gì chỉ trích ông về thân hay về khẩu.” Cuối cùng, tôn giả Vaṅgīsa (Bàng-kỳ-xá 傍耆舍) nói kệ:

“Nay ngày rằm thanh tịnh,
Năm trăm tỳ-kheo họp,
Bậc Thánh cắt kết phược,
Vô phiền, đoạn tái sanh.
……”

Nội dung đơn giản như thế khiến chúng ta không thể không nghi ngờ có sự tương quan với nghi lễ Paryushana của Kỳ-na giáo.

Kỳ-na giáo (Jainism) do Mahavira sáng lập vào khoảng năm 600 trước Tl. (hoặc năm 599 – năm 527 trước Tl.), phái này phân thành hai truyền thống cổ là Digambaras và Śvētāmbaras. Digambaras chủ trương lõa thể, Śvētāmbaras chủ trương vận y phục (mặc y trắng). Hai hệ phái này đều có lễ hội quan trọng nhất hàng năm, phái Śvētāmbaras gọi là lễ Paryushana (Paryuṣan), nghĩa là an trú, hoặc đến cùng nhau. Digambaras gọi là lễ Dasa lakshana (Daśalakṣaṇa), nghĩa “mười phẩm chất tôn giáo”. Nó được tổ chức từ ngày 12 của trăng khuyết trong tháng âm dương, theo truyền thống của Bhādrapada lịch Ấn-độ; tương ứng với tháng 8 hoặc tháng 9 Tây lịch. Lễ hội kéo dài tám ngày đối với Śvētāmbaras, và mười ngày đối với Digambaras. Trong thời gian này là Tăng, ni, tín đồ Kỳ-na giáo học tập, suy ngẫm và thanh lọc chuyên sâu… Ngày cuối cùng liên quan đến việc thú tội và cầu xin sự tha thứ. Sự tha thứ được yêu cầu bằng cách nói “Michchhāmi Dukkaḍaṃ”, hoặc “Khamat khamna”, hay “Khamau Sa” với người khác. Điều này có nghĩa là, “Nếu tôi đã xúc phạm bạn theo bất kỳ cách nào, cố ý hay vô tình, trong suy nghĩ, lời nói hoặc hành động, thì tôi mong bạn tha thứ.” Nếu theo lịch Ấn-độ, lễ hội này diễn ra vào thời gian cuối mùa mưa, Tăng, ni Kỳ-na giáo đã trải qua an cư một chỗ.[27]

Rõ ràng lễ tự tứ của Phật giáo trong các bản kinh cổ là nói đến nghi lễ sơ khai nguyên chất, chưa cải biên, và sự trùng hợp một cách kỳ lạ với nghi lễ của Kỳ-na giáo nói trên không phải ngẫu nghiên tình cờ. Trong luật Tứ phần có ghi chép, chính lễ bố-tát (p. 816c6), hay an cư (p. 830b7) của Phật giáo ảnh hưởng từ ngoại đạo, ban đầu Phật giáo chưa có áp dụng. Do đó, chúng ta có thể hiểu rằng, vào thời kỳ đầu theo như câu chuyện trong các bản kinh cổ, Phật giáo cũng ảnh hưởng nghi lễ chung trên đất Ấn. Sau đó, Phật giáo dần dần có những cuộc cách mạng sinh hoạt tôn giáo riêng, dựng lại một câu chuyện khác để lễ tự tứ tổ chức có lý do chính đáng và tránh hướng tương đồng với các phái ngoại đạo. Trên câu chuyện cải biên trong luật là muốn công kích, phê phán cách sống “im lặng” của biệt lập cá thể, tách rời đời sống tinh thần Tăng-già hòa hợp thanh tịnh.

Kết luận lại, dù một tu sĩ sống rút lui khỏi cấu trúc tổ chức xã hội thế tục, đeo đuổi một đời sống tâm linh cũng cần có một tổ chức theo nguyên tắc. Lễ tự tứ mang mục đích Tăng-già hòa hợp, sách tấn dạy bảo nhau bởi tập thể có thẩm quyền cố vấn tinh thần. Hoặc nó biểu hiện một xã hội Phật giáo phi cá thể, được điều hành bởi một hiến pháp dân chủ và cộng hòa. Cho nên dù tỳ-kheo an cư một mình, đến ngày tự tứ cũng phải tâm niệm: “Hôm nay ngày mười lăm làm lễ tự tứ (tùy ý), tôi bí-sô… ngày mười lăm cũng tâm niệm tự tứ (Ajja me pavāraṇā). Sau này có chúng Tăng như pháp sẽ cùng tác tự tứ.”[28]

Mùa an cư Phật lịch 2565, tiết Lập thu.
Bhikkhu Cittacakkhu

Ảnh: fineartamerica.com


[1] Jens Wilkens, Buddhist Monastic Life in Central AsiaA Bilingual Text in Sanskrit and Old Uyghur Relating to the Pravāraṇā Ceremony, p. 139.

[2] wisdomlib.org.

[3] 行生茅, hành sinh mao, bản dịch Tây Tạng: ’jag ma dag nye bar gzhag pa, thủ tục hành thảo.

[4] 根本說一切有部毘奈耶隨意事 1, T23n1446, p. 1045a10-17, 1045b8.

[5] HT. Đỗng Minh, Nguyên Chứng, Yết-ma yếu chỉ, 2011, p. 284.

[6] Cây kế có gai trên lá và nhiều hoa màu tím.

[7] Jens Wilkens, ibid., p. 141-142.

[8] Cf. Tăng-kỳ 27, T22n1425, p. 451b10.

[9] Pāli 4. Pavāraakkhandhaka, Mahāvagga, IV.

[10] officeholidays.com/holidays/lao/boun-ok-phansa.

[11] learnthaiwithmod.com/2013/07/wan-khao-phansa-buddhist-lent-day.

[12] koreanbuddhism.net.

[13] Tứ phần 38, T22n1428, p. 840b4; Ngũ phần 20, T22n1421, p. 133b18 & Yết-ma yếu chỉ, p. 294. Trong lễ tự tứ triển hạn như vậy, tất cả tỳ-kheo tùng hạ đều phải có mặt, không được phép nhắn gửi trung gian. Lễ tự tứ này được kết hợp chung với Tăng sự bố-tát, tức phải có mục tụng Giới bổn. Do đó luật gọi trường hợp tự tứ này là Pavāraṇāsaṅgaha (Tăng không tranh chấp tự tứ), nghĩa là lễ tự tứ hai trong một, vừa tự tứ vừa bố-tát.

[14] Cf. Tứ phần 38, p. 840b16-c08 & Yết-ma yếu chỉ, p. 294-295.

[15] Cf. Tăng-kỳ 27, T22n1425, p. 451b10.

[16] Tứ phần 37, p. 837a4: 大德眾僧今日自恣,我某甲比丘亦自恣。若見聞疑罪,大德長老哀愍故語我。我若見罪,當如法懺悔. Cf. Luật Pāli (Pāli, Vin. i. 159), Ngũ phần (19, p. 131b05), Thập tụng (23, p. 165c6), Tăng-kỳ (27, p. 451c01), Tùy ý sự (p. 1045b19) cũng nói tương tự.

[17] 本日治, Pāli. mūlāyapaṭikassanā, kéo trở lại gốc; Thập tụng: Tái phạm tội cũ, một ngày không phú tàng, cho bổn nhật trị.

[18] 摩那埵; theo từ nguyên Skt. mānāpya [P. mānatta], dịch “làm cho hài lòng,” Hán dịch thông dụng là ý hỷ; hoặc dịch: thi hành biện pháp. Người phạm tội Tăng tàn, phải sống biệt trú, phát lộ sám hối trong 6 ngày 6 đêm.

[19] Ngũ phần 9, p. 67a26: ba-dật-đề 74; Thập tụng 14, T23n1435, p. 102c16: ba-dật-đề 50; Cf. Tứ phần, Pāli: pācittiya 64; Căn bản: 50.

[20] Tứ phần 25, p. 735c25.

[21] Tứ phần 22, p. 716b24 – p. 717a14.

[22] Thập tụng 23, p. 165a12; Tứ phần 37, p. 835c13; Ngũ phần 19, p. 130c20; Pāli 4. Pavāraakkhandhaka, Mahāvagga, IV; Tùy ý sự 1, p. 1044c15; Tăng-kỳ 27, p. 451a6.

[23] Thập tụng 23, p. 165b11: phạm thâu-lan-giá 得偷蘭遮 (thullaccaya).

[24] Tham chiếu trong Đại phẩm (Mahāvagga ii, Vin. i. 114): okāsaṃ kārāpetvā āpattiṃ codetuṃ, sau khi xin phép (yêu cầu cho cơ hội) rồi cử tội. Pāli, ibid., karotu āyasmā okāsaṃ, ahaṃ taṃ vattukāmo, (trước khi cử tội, phải nói) “Mong trưởng lão cho tôi cơ hội nói chuyện với ngài.

[25] Cf. Tạp A-hàm 3, Việt dịch Tuệ Sỹ, 2010, p. 378.

[26] Trung A-hàm 2, Việt dịch Tuệ Sỹ, 2009, p. 373.

[27] en.wikipedia.org/wiki/Jainism; pluralism.org/paryushana-and-the-festival-of-forgiveness & wisdomlib.org.

[28] Tùy ý sự, p. 1046a28.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận