[Đọc sách] Nhà khổ hạnh và gã lang thang, Hermann Hesse – Những bài học từ cuộc đời của hai số phận đối lập

Nhà khổ hạnh và gã lang thang là câu truyện về sự tương phản giữa Huyền Minh và Đan Thanh. Huyền Minh đại diện cho khuôn khổ, phép tắc, luôn giữ mình vì Chúa, giỏi tính toán và tinh thông triết lý. Đan Thanh đại diện cho sự hoan lạc, tự do, buông thả, chơi bời mang đậm chất nghệ sĩ. Tuy trái ngược nhưng họ chính là đôi bạn thân. Bao nhiêu năm sống trong vô minh, lạc lối, Đan Thanh nhận ra mình, Huyền Minh cũng học hỏi được nhiều điều mới mẻ. Từ đó chúng ta rút ra được nhiều bài học từ cuộc đời của hai số phận đối lập nhau.

Ban đầu tôi luôn khăng khăng với mọi người rằng cuộc sống tôi chọn tốt đẹp hơn mọi người nhiều. Tôi tự thấy bản thân mình thích tự do và mạo muội nhận mình giống với Đan Thanh – gã lang thang. Và tôi nghĩ tất cả chúng ta nên sống như thế. Đi lang thang, vất vưởng để trải nghiệm, để hiểu biết bởi cuộc đời ta hữu hạn và cũng mau chóng hết, là có và không có. Ta sống trên cuộc đời này và cũng có thể là không phải sự sống thực sự. Vậy thì chẳng cần phải mất cả cuộc đời để làm lụng, tu tập, khổ luyện. Hãy cứ làm những gì mình thích, sống cuộc đời mình muốn. Biết đâu nó lại tốt hơn cho thế giới này.

Sau đó, tôi lại sợ mình trở thành chính là Đan Thanh, không phải giống nữa mà là chính cậu ta – Kẻ hoan lạc, kẻ mọi rợ, kẻ xé nát mọi trái tim đàn bà để mãn nguyện với bản thân. Tôi đau xót cho trái tim của những người đàn bà mà y lướt qua. Nếu tôi mà là ông Trời thì y nên chết từ lâu rồi. Một kẻ tráo trở, mặc dù hắn đã dứt bỏ người đàn bà cũ để tiếp tục hưởng lạc thú từ người đàn bà kế tiếp nhưng tôi vẫn thấy hắn là một kẻ khốn khiếp. Hãy nói tôi là kẻ bộ tịch, đạo đức kép, hãy khinh bỉ sự giả dối này. Nhưng dưới phương diện một người phụ nữ, tôi đau đớn thực sự cho họ.

Nhà khổ hạnh và gã lang thang với bố cục truyện tương tự như Siddhartha. Khi đọc Siddhartha tôi muốn mình giống như nhân vật chính đi muôn nơi, nhưng khi đọc Nhà khổ hạnh và gã lang thang tôi lại nghiêng về cách sống của Huyền Minh hơn. Từ đó tôi cũng nhận ra không phải cách sống của mình là tốt nhất mà chúng ta có quyền lựa chọn bất cứ cách sống nào phù hợp và làm ta thoải mái nhất là được.

Cuộc sống hằng ngày cũng chia ra những người sống tự do và sống theo khuôn khổ giống Huyền Minh và Đan Thanh. Nhưng chúng ta có thể là cả hai không? Có thể làm việc theo khuôn mẫu trách nhiệm mà không cần gạt bỏ cảm xúc qua một bên? Cũng như câu trả lời của Huyền Minh:

“Chúng ta không thể, ta chỉ có thể chọn thế này hoặc thế kia. Bởi căn đế của đời sống mang thể tính nhị nguyên, và đều có sự tương phản, không và có, phải và trái. Kể cả chọn con đường sống như thế nào, khi đã ở cực bên kia thì không thể ở cực bên này. Dù là đàn ông hay đàn bà, sống lang thang hoặc cố định, là nhà tư duy hoặc người mê cảm, không ai có thể thở ra hít vào cùng một lúc có cả nam lẫn nữ tính, có thể sống phóng khoáng tự do trong một kỉ luật bó buộc, hoặc vừa sống buông thả theo bản năng vừa lắng lòng hướng về nội tâm.”

Gia đình muốn tôi trở thành bác sĩ và một ngày tôi cũng nhận ra mình như Đan Thanh nhận ra anh ấy. Tôi nhận ra tiếng nói của thiên nhiên thật mềm mại và khác xa với những chất hoá học trong phòng thí nghiệm. Thời gian và cuộc đời rồi sẽ trả ta về nơi ta thuộc về.

Nhờ cuốn sách này tôi đã ngồi suy nghĩ đến những việc mà tôi chưa bao giờ từng thắc mắc. Đó là về suy tư và tưởng tượng, về sự khác biệt giữa những khái niệm, công thức, con số và những âm thanh, hình ảnh. Khi ta viết văn, ta thường dùng hình ảnh, miêu tả và tưởng tượng nhưng khi làm toán sẽ chỉ là những công thức.

“Những con số chứa đựng hình ảnh gì? Một phương trình có hình ảnh gì? Không có hình ảnh gì cả. Khi anh giải một bài số học hay đại số, không hình ảnh nào có thể giúp anh giải được, anh phải làm một công việc thuần bằng những kí hiệu tư duy mà anh học được.”

Có một câu của Huyền Minh rằng:

“Ngay ở điểm hình ảnh chấm dứt thì triết lý bắt đầu.”

Là một triết gia có tinh thông và giá trị hơn một người nghệ sĩ không? Đương nhiên là không. Bởi dù anh là bác sĩ hay hoạ sĩ thì tất cả chúng ta đều giúp cuộc đời này tốt đẹp hơn. Dù ta chọn con đường nào, bác bỏ những thú vui của cuộc đời, như tôn giáo có nói, “càng ít thích càng ít phiền.” Hãy chấp nhận và yêu thích chúng thì cũng chỉ đi đến một kết luận rằng ta có mãn nguyện với cách sống mình chọn hay không.

Hermann Hesse là một nhà văn Đức nổi tiếng và quen thuộc với người dân Châu Âu. Những tác phẩm của ông được viết bằng tiếng Đức cổ, thường được coi là văn nặng. May mắn được dịch giả Phùng Khánh dịch từ bản tiếng Anh nên việc đọc cũng trở nên dễ dàng hơn. Một cuốn sách khá nhiều điều để chiêm nghiệm và suy tư.

Tác giả: Bà Năm
Nguồn: triethocduongpho.net

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận