Giáo sư Cao Huy Thuần, một cõi đi về…

Giáo sư Cao Huy Thuần – tác giả nhiều sách như “Thấy Phật”, “Nắng và hoa”, “Khi tựa gối khi cúi đầu” – mất ở tuổi 87, tại Paris, Pháp.

Ông Cao Huy Hóa, em trai Giáo sư Cao Huy Thuần, thông báo ông mất lúc 5h ngày 8/7 (giờ Hà Nội). Hòa thượng Thích Hải Ấn – Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế – cho biết chờ thông tin từ gia đình, sau đó sẽ tổ chức buổi tưởng niệm giáo sư. Ông từng thỉnh giảng một số chuyên đề tại học viện.

Hòa thượng nhận xét giáo sư Cao Huy Thuần là một Phật tử nhiệt tình với quê hương, dân tộc và đạo pháp, thể hiện qua các cuốn sách của ông. Qua những bài giảng, ông luôn mong muốn truyền đạt kiến thức của mình cho tất cả tăng ni sinh tại học viện.

Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024). Ảnh tư liệu (theo báo Giác ngộ)
Giáo sư Cao Huy Thuần (1937-2024). Ảnh tư liệu (theo báo Giác ngộ)

Văn chương của ông hòa quyện giữa triết lý nhân sinh và triết lý Phật giáo. Các vấn đề ông đề cập gần gũi, dung dị, thiết thực trong cuộc sống. Chẳng hạn, trong Sợi tơ nhện, ông nói về nguyên tắc đạo đức quan trọng – không nói dối. Theo ông, bên cạnh gia đình, giáo dục ở nhà trường có thể làm gì thiết thực hơn để dạy mỗi đứa trẻ, mỗi công dân biết thành thật cũng là biết “làm người”.

Trong tập tản mạn Khi tựa gối khi cúi đầu, ông truyền tải góc nhìn người, nhìn đời với phong thái sống nhẹ nhàng, bao dung. Giáo sư Cao Huy Thuần từng nói trên báo Giác ngộ: “Sách của tôi thường viết là để cho giới trẻ đọc, đạo đức trong ấy là gửi cho giới trẻ”.

Nhà thơ Nguyễn Duy từng nhận xét: “Đọc anh, tôi thực lòng kính phục một học giả uyên thâm biết tìm kiếm đến ngọn nguồn sự biết. Tôi lại càng cảm phục một tác giả tinh tế biết nép mình sau trang viết, truyền bá trí tuệ và kết nối lương tri bằng cảm xúc, với tất cả năng lượng tâm hồn cùng năng lực văn chương có thể”.

Giáo sư sinh ra trong gia đình truyền thống hiếu học ở Huế, tốt nghiệp Đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), giảng dạy tại Đại học Huế (1962-1964). Là một trí thức yêu nước, ông xuất bản báo Lập Trường, tham gia tranh đấu trong sự kiện đàn áp Phật giáo năm 1963 tại Huế. Ông từng là Phật tử tại chùa Từ Đàm.

Năm 1964, ông du học tại Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris (1969), sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Ông là giáo sư chính trị học tại Đại học Picardie, Pháp.

Giáo sư Cao Huy Thuần là tác giả nhiều công trình nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Với độc giả Việt Nam, ông được yêu thích qua các cuốn sách đậm triết lý nhân sinh như Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta, Tôn giáo và xã hội hiện đại, Nắng và Hoa, Thế giới quanh ta, Thấy Phật, Nhật ký sen trắng, Sợi tơ nhện.

Ngọc Thạnh – Hà Thu/ Vnexpress

Cơ duyên tôi được kết nối với Giáo sư Cao Huy Thuần là qua bạn Trần Thiện Tùng (bạn facebook và cũng là khách ruột của Khai Tâm) nhân một dịp Bác về VN cách đây nhiều năm. Tôi ngỏ ý muốn in sách của Bác, nhất là tác phẩm mới. Bác nói hiện tại thì chưa có bản mới, nhưng các bản cũ thì có thể in lại và cũng chưa có đơn vị nào xin phép tái bản khi thời hạn bản quyền cũ đã hết. Và tôi xúc tiến ngay…

Cuốn đầu tiên của Bác mà tôi tái bản là cuốn KHI TỰA GỐI, KHI CÚI ĐẦU (một tản văn). Khi tôi ghé nhà Bác bên đường Hồng Lĩnh (Cứ xá Bắc Hải, Sài Gòn) để ký hợp đồng bản quyền thì Bác nói rằng, “Nhuận bút mà anh gửi cho tôi là thấp hơn các đơn vị cũ khác, nhưng không sao. Tôi thích sự thẳng thắn của anh”. Hơn nữa, nhuận bút không phải là chuyện chính với Bác, mà là những đứa con tinh thần của Bác được trở lại. Hợp đồng được ký kết, và tác phẩm cũng được trở lại không lâu sau đó. Vì nó đã “ngủ yên” sau vài năm nên khi nó trở lại thì được bạn đọc đón nhận rất nồng nhiệt. Bác và tôi cùng vui…

Những tác phẩm tiếp theo của Bác mà Khai Tâm tái bản cũng như in mới là các cuốn sau:

– Tôn giáo và xã hội hiện đại (2017)

– Thượng đế, Thiên nhiên, Người, Tôi và Ta (Triết lý Luật và Tư tưởng Phật giáo, 2017)

Sen thơm nắng hạ quê mình (2020)

Và còn một cuốn nữa…

Năm 2022, như một dự cảm về sự biểu hiện của mình sắp hết, Bác gửi thư cho tôi: “Anh Nhơn ơi, tình hình sách vở sao rồi. Anh có muốn in tiếp sách của tôi không?”. Tôi hồi âm: “Dạ, sách của Bác thì con in hết ạ! Bác gửi con bản thảo nhé”. Bác thư lại: “Được rồi anh Nhơn, đây có thể coi là tập sách cuối cùng của tôi. Mắt của tôi giờ yếu lắm rồi. Tôi sẽ gửi anh sớm”.

Đó là cuốn “Im lặng, như lời chia tay”, được in và phát hành vào tháng 12 năm 2022. Và đúng thật, nó là cuốn cuối cùng trong nghiệp viết văn của Bác. (Trước đó tôi có hỏi Bác, “Bác có tính viết Hồi ký không ạ? Con tin là nhiều mong đợi. Nếu có thì cho con xin phép in”. Bác nói, “Tôi không nói trước được điều gì anh à”).

Đêm qua, 7/7/2024, Bác đã hóa một cách an nhiên…

Bìa sách IM LẶNG, NHƯ LỜI CHIA TAY

Những kết nối…

Cách đây khoảng 7 năm (cũng là thời điểm mà Khai Tâm mới in sách của Bác), ngoài công việc thường ngày để mưu sinh, thì tôi hay có suy tư về xã hội, thời cuộc – cái tuổi muộn màng mới chú ý đến việc này, vì thấy nó có can hệ trực tiếp hay gian tiếp đến cá nhân mình, doanh nghiệp mình và cái xã hội mà mình đang hít thở trong nó. Nó day dứt trong tôi.

Một lần nọ, tôi làm việc khuya đến 3 giờ sáng, trong đó có liên quan đến sách mới của Bác. Tôi gửi thư để cập nhật tiến độ. Bác hồi âm liền sau đó:

“Đúng rồi. Tôi nói cái ấy.

Nhưng thức khuya dữ vậy sao?

CHT”.

(Thư ngày 22/5/2017, lúc 2:44am, tôi còn giữ)

Tôi thư lại:

“Dạ, ngoài công việc, dạo này con hay suy tư về khuya. Nhân tiện cho con hỏi riêng bác một chút. Là người có quan tâm đến thời cuộc, lâu nay trong con thường có những ưu tư, trăn trở về thực trạng xã hội VN mình, rất nặng lòng và chưa biết phải làm gì ngoài việc bán sách, làm sách. Nhưng con vẫn cảm thấy chưa nguôi ngoai, thấy mình thiếu làm cái gì đó khác nữa để góp phần thúc đẩy xã hội tích cực nhanh hơn. Đối với con kinh doanh không chỉ là kinh doanh, mà thông qua đó có thể góp phần vào đại cuộc. Do vậy, mong bác chỉ điểm giúp con vài điều:

1/ Con nên làm gì và không nên làm gì trước bức tranh xã hội xám xịt như hiện nay? Con biết câu hỏi này hơi ngô nghê.

2/ Con rất thích câu “Chính trị là một cuộc bỏ phiếu hồ hởi hằng ngày” trong bài Diễn từ của bác vừa rồi. Con nghĩ đến một xã hội dân chủ đích thực, vậy theo bác xã hội VN mình khi nào đến được chỗ đó trước thực trạng độc tôn cai trị quốc gia như hiện nay, một sự vây bủa ngột ngạt trên mọi ngã đường cuộc sống?

Cảm ơn bác nhiều lắm.

HN”

Bác hồi âm:

“Anh Hoàng Nhơn,

Trước hết, tôi phải nói rằng tôi rất vui và cảm động khi đọc thư anh vì nhận ra ở anh một người bạn trẻ có tâm hồn và đầu óc mà tôi muốn tìm đến. Đây là ước vọng mà tôi đã từng nuôi dưỡng từ lâu, từ trước khi qua Pháp. Qua Pháp, tôi cứ tưởng rằng tôi chỉ ở lại một hai năm rồi về. Thời cuộc đã buột chân tôi lại. Ngây thơ, tôi cứ tưởng mình có thể làm một cái gì đó ở VN. Rồi ngây thơ, ở xa, tôi nghĩ mình có thể gieo ý tưởng. Giai đoạn Võ Văn Kiệt giúp tôi dệt mộng. Rồi mộng càng ngày càng phai. Mộng tan, nhưng ngây thơ vẫn như cuống sen, ngắt đi vẫn vương tơ, không đứt.

Đành như cuống sen vậy, anh à. Bệnh này, hết thuốc chữa. Nhưng chúng ta vẫn cứ là chúng ta; lý tưởng, không ai ngắt đứt được. Trong bùn lầy của nước non này, hãy tìm cái vui riêng mà giữ lấy mình, mà vươn lên như sen. Tôi có sách vở và ngòi bút. Ở bên nhà, tôi có đoàn thể. Đoàn thể đó chắc cũng là đoàn thể của anh. Nghĩa là tương chao thanh đạm. Giữ lấy cái trong sạch thanh đạm, xa lánh ồn ào, hoành tráng. Nếu được, chọn nơi nào thanh đạm cùng làm từ thiện, vui cái vui của người cùng khổ.

Biết nói gì thêm với anh. Tâm sự của anh cũng là tâm sự của mọi, mọi, mọi người.

Thân mến, CHT”.

Từ lần trao đổi riêng ngoài chuyện sách vở này, thì giữa Bác và tôi có sự gắn kết gần hơn. Bác quý mến, tin cậy tôi hơn, rồi kết nối cho tôi những duyên lành khác về sách vở.

Tác phẩm đầu tiên mà Bác kết nối giúp tôi là cuốn “Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay” của tác giả Phạm Thảo Nguyên (làm việc và sinh sống ở Mỹ), được in và phát hành vào cuối năm 2018. Tại thời điểm đó, đây được xem là cuốn sách nói về Áo dài của họa sĩ Nguyễn Cát Tường đầy đủ nhất với những tư liệu mà tác giả sưu tầm được trong nhiều năm; cùng với hai tuần báo Phong Hóa & Ngày Nay lừng danh một thời ở Hà Nội. Cái tựa sách cũng do chính Bác đề xuất cho tác giả.

Sách in lần đầu được bán hết nhanh chóng với sự có mặt của tác giả từ Mỹ trở về để làm buổi ra mắt. Rồi in lần thứ hai nhờ sự đặt riêng 350 cuốn từ họa sĩ/nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Tới nay thì sách đã hết hẳn, chưa in lại.

***

Tác phẩm thứ hai mà Bác kết nối giúp tôi là bộ sử đồ sộ “Nguyễn Văn Tường và cuộc chiến chống đô hộ Pháp của Nhà Nguyễn – 2 quyển” của Giáo sư Nguyễn Quốc Trị (cũng làm việc và sinh sống ở Mỹ, và là hậu duệ đời thứ 3 của Cụ Nguyễn Văn Tường). Tôi “ngâm” tập bản thảo dày cộm này trong gần hai năm mà chưa làm xong với nhiều lý do.

Một hôm, vì sốt ruột quá nên Bác thư cho tôi, “Anh Nhơn ơi, tình hình bộ sách sao rồi. Cũng lâu không thấy anh cập nhật gì. Nhiều người đang ngóng trông…”. Tôi hồi âm với lý do về nhân sự (người nhận biên tập bị bệnh đột ngột giữa chừng, bạn Nguyễn Quang Diệu) nên chưa làm được. Đây là bộ sử quan trọng, cần có người “cao tay” về sử thì mới làm nổi. Tôi phải chọn mời đúng người. Và lý do quan trọng nhất là tôi vẫn chưa xoay được nguồn vốn để làm. Tôi đành thú thật như vậy. Và hứa “Con đang làm hết sức để xong sớm nhất có thể. Bác an tâm!” Và rồi cuối cùng đến tháng 7, 2020 tôi cũng hoàn tất được nó. Phù… Tôi tự gọi nó là bộ “quốc sử” với độ dày-nặng-sâu.

– Dày, là vì tổng số trang khổ lớn (18x27cm) lên tới 1928 trang.

– Nặng, theo nghĩa đen là gần 3kg, còn theo nghĩa bóng là nặng vốn đầu tư, với số tiền lên tới 430 triệu đồng. Vì sự sốt ruột của Bác và tác giả đang đợi chờ, mà tôi thấy cũng nặng lòng ngày qua ngày vì đã dây dưa hai năm nay chưa xong, nên tôi bấm bụng đánh liều đi vay nóng 70 triệu cuối còn thiếu để in, với lãi suất 7%/tháng. Khi tôi kể chi tiết với người bạn trong ngành thì bạn nói, “Ông dám làm sách kiểu đó thì không nghèo mới lạ!”. Tôi chỉ biết cười trừ. Một đồng nghiệp khác cũng nói, “Bộ này, nếu Khai Tâm không làm thì không ai dám làm!”. Không những vì phải đầu tư lớn, mà còn vì nhân vật Nguyễn Văn Tường vẫn đang là “nhạy cảm” với nhiều tranh cãi, mà Giáo sư Trần Viết Ngạc trước đó cũng có vài công trình nghiên cứu để chiêu tuyết cho ông.

– Sâu, là vì tác phẩm chứa đựng quá nhiều tư liệu quý hiếm, được tác giả cất công truy tầm qua nhiều năm ở nhiều thư viện lớn trên thế giới. Góp phần lớn làm sáng tỏ chân dung về Quan đại thần Nguyễn Văn Tường.

Và rồi, quả ngọt cũng đến: cũng trong năm 2020, bộ sử này nhận được giải SÁCH HAY ở hạng mục “Phát hiện mới”. Tôi khoe liền “hoa trái tinh thần” đó với Bác và tác giả. Còn riêng về đường kinh tế trong việc phát hành thì đương nhiên tôi biết, sách về khảo cứu chuyên sâu thế này không thể bán “ào ào” được. Nó bán âm ỉ, và âm ỉ cho tới nay còn khoảng 200 bộ. Tôi dám làm thì tôi dám chịu. Chỉ vậy thôi!

Trong quá trình làm ra mắt bộ sử này, dù ở Sài Gòn, Huế hay Hà Nội, thì tôi luôn cập nhật tình hình cho Bác và tác giả. Nhất là khi tôi chạy xe máy từ Huế ra Quảng Trị, tìm đến làng An Cư, huyện Triệu Phong (nơi Cụ Tường chào đời), rồi chạy qua Cam Lộ (nơi vua Hàm Nghi từng đi lánh nạn) chỉ dể dâng lên bàn thờ Cụ Tường bộ sách mới được in. Tôi “khoe” hết với Bác. Bác khen tôi, “Anh là anh hùng độc mã”.

***

Thi thoảng tôi hỏi Bác có sách gì hay không thì giới thiệu giúp tôi. Bác nói “Có!”. Với dân làm sách, nghe có bản thảo hay thì dễ “nhảy dựng” lên vì ham, vả lại được giới thiệu bởi một người uy tín nữa. Nhưng Bác nói, “Tôi đang giữ trong tay một tập bản thảo của một vị đại sư trong mấy mươi năm qua, nhưng anh phải kiên nhẫn chờ đến thời điểm. Nhất định tôi sẽ gửi anh làm”. Vậy là tôi chờ, có phải đến hai năm. Vì Bác cần trao đổi với một người ở Huế về việc cho in tập sách quan trọng này.

Rồi ngày đó cũng đến. Khỏi phải nói là tôi vui đến dường nào. Đó là tác phẩm “Phật giáo Việt Nam qua phong dao, tục ngữ”, đề tác giả là Nguyên Mai. Và là tác phẩm thứ ba Bác kết nối giúp tôi.

Đến giờ này tôi cũng không chắc tác giả Nguyên Mai là ai? Có thật không, hay chỉ là bút danh của một người muốn ẩn dật mà Bác không tiện nói thẳng với tôi dù tôi có hỏi. Tôi hồ nghi trên vài cơ sở có được, người mà Bác nói là “một vị đại sư” chính là Hòa thượng Thích Trí Quang, thầy của Bác!

Nói chung, cứ sách bác giới thiệu cho tôi làm thì tôi rất yên tâm, vì đã qua “màn lọc” của Bác. Chỉ riêng một bản mà tôi không dám nhận làm vì xét thấy các bài viết trong đó về từng chủ đề quan trọng như Giáo dục, Văn hóa, Kinh tế, Nghệ thuật… mà chỉ một bài thôi thì nó không đủ khái quát được chủ đề đó; hơn nữa, xét về khía cạnh kinh doanh thì tôi sợ bán không tốt nên tôi đành xin lỗi Bác, dù lúc đầu Bác có hỏi, “Anh có muốn làm không?”. Đó là cuốn sách, như Bác nói qua email, là tập hợp các bài viết của một số trí thức ở VN và hải ngoại muốn tặng Bác nhân dịp sinh nhật của Bác – cuốn “Việt Nam hôm nay và ngày mai”, do Giáo sư Trần Văn Thọ và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh chủ biên.

Nhìn lại, 7 năm qua đi thật nhanh, Khai Tâm và cá nhân tôi cảm thấy rất may mắn khi có duyên lành được làm sách của một thiện trí thức. Hơn nữa còn kết nối giúp các duyên lành khác. Tôi biết ơn vô cùng…

Ai cũng biết rồi thì cái vô thường cũng đến, chắc đến. Và chết/mất/hóa… là một sự đại trong một kiếp người. Bác đã “gặp” nó, đêm khuya hôm qua. Và tôi tin, với cái tâm lớn và nội lực mạnh của mình về nẻo đời, đường đạo thì Bác sẽ vân du được đến nơi Bác muốn.

Kính tiễn Bác!

Hoàng Nhơn (Theo FB của tác giả)
CEO Khai Tâm

Tb: Riêng về quan điểm Phật giáo và người thầy của Bác là Hòa thượng Thích Trí Quang, có liên quan đến thời cuộc chính trị, thì có những nhận định trái chiều. Tôi xin phép không đề cập ở đây. Ở đây chỉ là vài dòng tiễn đưa Bác qua vài kỷ niệm sách vở. Vì vậy bạn đọc xin đừng bình luận về nó ở đây. Cảm tạ!

NXB TRẺ: Trân trọng tiễn biệt Giáo sư – Tác giả Cao Huy Thuần về miền sen trắng.

Trong hàng chục năm viết sách, ông đã để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc với những bài viết sâu sắc, đậm tính văn hóa và tư tưởng Phật giáo: Nhật ký sen trắng, Chuyện trò, Sợi tơ nhện, Người khuân đá… Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá ông là “một trong những người viết tiếng Việt điềm đạm mà đẹp đẽ, vừa thâm trầm vừa tinh khôi”.

Ông qua đời ngày 7.7.2024, tại Paris, Pháp.

Đôi dòng giới thiệu về sách của thầy Tuệ Sỹ / Tư liệu: Phật Việt

  • “Văn của Giáo sư Cao Huy Thuần giản dị mà sâu sắc, điềm đạm mà đẹp đẽ, thể hiện một tâm hồn thanh cao và một trí tuệ uyên thâm.” – (Nguồn: Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, Đại học Sư phạm Hà Nội)
  • “Ông có khả năng biến những vấn đề triết học trừu tượng thành những câu chuyện dễ hiểu, gần gũi với đời sống, giúp cho người đọc dễ dàng tiếp cận và suy ngẫm.” – (Nguồn: Độc giả)
  • “Giáo sư Cao Huy Thuần là một người luôn trăn trở về bản sắc văn hóa dân tộc. Ông đã dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu và viết về văn hóa Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.” – (Nguồn: Báo Giác Ngộ)
  • “Ông luôn mong muốn thế hệ trẻ tiếp nối và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc.” – (Nguồn: Người thân, bạn bè)
  • “Giáo sư Cao Huy Thuần là một Phật tử nhiệt thành, đã dành cả cuộc đời để tu tập và hoằng dương Phật pháp.” – (Nguồn: Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế)
  • “Ông đã viết nhiều tác phẩm về Phật giáo, góp phần giúp cho người đọc hiểu rõ hơn về giáo lý Phật pháp và ứng dụng giáo lý vào cuộc sống.” – (Nguồn: Độc giả)
0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận