Bốn anh em chúng tôi (Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy, Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Tâm Nhuận Phúc Doãn Hưng và Tâm Huy Huỳnh Kim Quang) đều là những người thọ ơn Thầy Tuệ Sỹ bằng nhiều cách khác nhau. Có người là học trò thọ ơn dạy dỗ trực tiếp của Thầy. Có người học Thầy qua việc đọc kinh sách mà Thầy dịch hay viết. Có người yêu thích văn thơ của Thầy hết mực. Có người quý trọng nhân cách xuất trần thượng sĩ của Thầy.
Bởi thế, nhân Lễ Tiểu Tường của Thầy được tổ chức tại Chùa Kim Quang, Sacramento, California vào ngày 17 tháng 11 năm 2024, chúng tôi đã làm một chuyến đi từ Nam lên Bắc. Chuyến đi mà anh Tâm Nhuận Phúc đặt cho cái tên là “thiên lý tứ hành,” lấy ý từ chuyến đi “thiên lý độc hành” mà Thầy đã thực hiện cách nay hơn 30 năm trước ở quê nhà. Dù không hoàn toàn đúng với nghĩa đen “đi một mình ngàn dặm,” chuyến đi trên đoạn đường dài 674 kilometers mất hơn 7 tiếng đồng hồ lái xe lại mang trọn vẹn ý nghĩa để tưởng niệm Người đã thực hiện chuyến “thiên lý độc hành” năm xưa.
“Từ thuở hồng hoang ta ở đâu
Quanh ta cây lá đã thay màu
Chợt nghe xao xuyến từng hơi thở
Thấp thoáng hồn ai trong khóm lau”
(Tuệ Sỹ, Thiên Lý Độc Hành)
Đem tứ thơ ở trên đặt vào ngữ cảnh của chuyến đi từ Nam ngược lên Bắc của bốn anh em chúng tôi thì quả thật phù hợp. Từ mùa thu năm ngoái đến mùa thu năm nay cỏ cây đã thay màu mấy bận, nhưng cái “tinh anh” của Thầy trong mỗi người của chúng tôi vẫn còn đó nguyên vẹn để rồi mỗi khi nhớ đến như chuyến đi này thì thấy “xao xuyến từng hơi thở,” vì nhớ Thầy, nhớ đến một bậc Thầy kỳ vĩ của Phật Giáo Việt Nam trong thế kỷ 20 và 21.
Cũng nhờ có bốn anh em đi chung một chiếc xe với bao nhiêu là câu chuyện vui buồn được kể ra không dứt đã rút ngắn đoạn đường dài một cách không ngờ đến nỗi anh tài xế Tâm Nhuận Phúc không còn cảm thấy mệt để phải thay tài xế giữa đường như đã dự định lúc đầu. Cảnh sắc mùa thu đã hiện rõ qua những ngọn đồi ngã màu vàng úa. Dọc theo Xa Lộ Liên Bang số 5 là những cánh đồng cây trái hoa màu ngút ngàn xa tận chân trời dài hàng trăm cây số. Dường như chỉ có ở vùng miền Trung California này mới có cánh đồng mênh mông như thế!
Xe chúng tôi đến Chùa Kim Quang lúc những tia nắng chiều yếu ớt còn sót lại và hơi lạnh mùa thu đang thấm dần vào người. Các em đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Chùa Kim Quang đang tập múa lân ở ngoài sân. Trong Chánh điện quý Thầy và các đạo hữu đang trang trí cho buổi Lễ Tiểu Tường sáng mai. Hòa Thượng Thích Từ Lực, Thượng Tọa Thích Nguyên Thịnh và Đại Đức Thích Đức Hạnh đang bận lo việc thiết trí lễ.
Sau bữa cơm chiều, chúng tôi được Hòa Thượng Thích Từ Lực, sáng lập và điều hành Trung Tâm PG Hayward, Chùa Phổ Từ ở Hayward, và Trung Tâm Tu Học Phổ Trí, rủ lên phòng khách uống trà và đàm đạo vì không mấy khi được gặp nhau như thế này. Hòa Thượng đã ký tặng mỗi người một cuốn sách của Thầy viết. Thầy kể chuyện lúc còn ở Việt Nam, rồi di tản vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, đến Mỹ định cư và bắt đầu đi học, xuất gia với Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Viện Chủ Tu Viện Kim Sơn, tu học Phật Pháp, Thiền, sáng lập chùa, hướng dẫn các khóa tu, v.v… Thầy cũng đã bày tỏ mối quan tâm đối với việc làm sao để duy trì và phát huy di sản trí tuệ của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ. Thầy đã khuyến khích mỗi người trong bốn anh em chúng tôi nỗ lực nhiều hơn nữa để làm những gì mình có thể hầu góp phần vào việc xiển dương Đạo Pháp nơi xứ người. Thầy đã lắng nghe suy nghĩ của từng người đối với hiện trạng và tương lai của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ.
Tôi biết Thầy Từ Lực từ lâu nhưng đây là lần đầu tôi có duyên lành được hầu chuyện với Thầy lâu như thế. Cảm nhận của bốn anh em chúng tôi đều giống nhau về Thầy: Chân thành, thiết tha và hy hiến cho Phật Pháp. Đặc biệt, qua buổi hầu chuyện với Thầy, anh Tâm Nhuận Phúc đã phát tâm thực hiện loạt YouTube ngắn gọn dưới 10 phút bằng tiếng Anh và Việt về việc ứng dụng Phật Pháp trong đời sống để giúp giới trẻ hiểu và thực hành Phật Pháp hiệu quả hơn.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra thất chư Tăng để thăm và uống trà với quý Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, HT Thích Từ Lực, v.v… Buổi sáng bên ngoài trời lạnh căm căm mà được vào phòng khách của quý Thầy để uốn trà thì thật là ấm áp vô cùng.
Lễ chính thức bắt đầu lúc 10 giờ sáng Chủ Nhật, ngày 17 tháng 11 năm 2024 tại Chánh Điện Chùa Kim Quang. Thượng Tọa Thích Thiện Nhơn, Trú Trì Chùa Kim Quang vì có Phật sự đã sắp đặt từ lâu nên vắng mặt. Chư Tăng, Ni và Phật tử ngồi kín Chánh Điện. Trong lời Chào Mừng chư tôn đức Tăng, Ni và Phật tử tham dự lễ, Hòa Thượng Thích Từ Lực, Phó Trưởng Ban Tổ Chức, bày tỏ sự tri ân và luyến tiếc đối với sự ra đi của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Hòa Thượng nói:
“Một năm trôi qua, có những lúc, với hàng hậu học chúng con thời gian như ngừng lại… khi nghĩ về vị Tôn sư, bậc Thức giả, nhà Văn hóa đã vắng bóng ở trần gian và để lại cho Đời, cho Đạo những công trình dịch thuật, sáng tác; bên cạnh đó là những lời dạy ân cần, thân mật cho giới trẻ Tăng Ni, cũng như tập thể Huynh trưởng GĐPT. Từ đó, mối cảm hoài dâng trào, lòng quý mến tăng thêm, rồi, trong ngậm ngùi và lòng biết ơn, chúng con âm thầm phát lời nguyện ước: nguyện tiếp tục con đường mà Thầy đã khai sáng, chỉ bày, và tinh tấn cùng nhau tiến bước trong tấm lòng ‘báo Phật ân đức, đền ơn Thầy Tổ, lợi lạc quần sanh’.
“Trong lòng còn trống vắng, đường trước mặt vẫn ngại ngùng, nhưng với sự hiện diện, thương tưởng đàn hậu học của quý Ngài, và với sự đồng tình, hộ niệm của liệt Quý vị hôm nay trong buổi lễ này, quả thật là một sự an ủi, vỗ về quý báu cho tất cả chúng con.”
Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu, người học trò thân cận lâu năm của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ từ thời trước năm 1975 ở Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang đến Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn từ năm 1980 tới 1984, đã thay mặt Bản Tổ Chức nêu ra 6 hạnh nguyện tiêu biểu của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ: (1) Hạnh nguyện của mẫu người dung dị, đơn giản mà không thấy có trong số người đơn giản dung dị; (2) Hạnh nguyện đọc Kinh, nghiên tầm Bối Diệp; (3) Hạnh nguyện dịch Kinh như là báo ân Phật; (4) Hạnh nguyện tu cho mình, cho tha nhân, cho quê hương dân tộc; (5) Hạnh nguyện làm thơ như đóng góp với đời đôi ba ngôn ngữ, chữ nghĩa; và (6) Hạnh nguyện thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Ủy Ban Phiên Dịch Trung Ương Viện Tăng Thống. Có đoạn HT Thích Nguyên Siêu đã nói về bậc Ân Sư khả kính rằng:
“Thầy luôn miệt mài bên chồng Kinh, Luật, Luận… và xem đó như là cơm ăn, nước uống hằng ngày, nếu không đọc, không dịch, không trước tác là chết, như người không ăn, không uống là chết. Ấy là cái mà chúng con không thể nghĩ bàn về Thầy.”
Trong lời Đạo Từ, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Viện Chủ Tu Viện Kim Sơn, đã nhắc lại một số kỷ niệm với Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ lúc HT Thích Tịnh Từ còn học tại Trường Cao Đẳng Phật Học Chuyên Khoa Liễu Quán ở Huế vào những năm đầu thập niên 1970s. Theo Hòa Thượng kể, lúc đó Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ dù còn rất trẻ nhưng đã được quý Ôn Thiện Siêu, Ôn Trí Quang quý kính vì sở học cao thâm.
Hòa Thượng Thích Nhật Huệ, học trò của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ trong khóa học đặc biệt tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam từ năm 1980 tới 1984, đại diện Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN tỏ bày niềm tri ân đối với bậc Ân Sư và nêu bật những di sản trí tuệ vô giá của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ sẽ còn mãi với dân tộc và đạo pháp.
Buổi lễ cũng có sự phát biểu cảm tưởng của Đạo Hữu Trí Nguyên Cao Hồng đại diện cho Hội Ái Hữu Vạn Hạnh và lời cảm niệm của Huynh Trưởng Quang Ngộ Đào Duy Hữu, Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN tại Hoa Kỳ đại diện cho tập thể áo lam.
Thượng Tọa Thích Nguyên Thịnh đã giới thiệu sơ lược 8 cuốn Kinh, Luật, Luận của Thanh Văn Tạng vừa được in đợt 2 và Cư Sĩ Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đã giới thiệu một số sách báo được xuất bản đặc biệt cho Lễ Tiểu Tường của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, chẳng hạn, Phật Việt, Chánh Pháp, Viên Giác, và Lotus Media/Hoa Đàm…
Phần nghi lễ tưởng niệm do Thượng Tọa Thích Pháp Trí, cũng là người điều hợp tổng quát chương trình, là duy na và đại chúng cùng hộ niệm trong không khí trang nghiêm.
Lễ chính thức tưởng niệm một năm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch đã hoàn mãn sau lời Cảm Tạ của Ni Thích Nữ Diệu Tánh đại diện Hội Đồng Hoằng Pháp và Ban Tổ Chức tri ân chư tôn đức Tăng, Ni và cảm ơn chư Phật tử đã đến tham dự Lễ Tiểu Tường Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.
Vào lúc 1 giờ đến 3 giờ chiều là chương trình sinh hoạt đặc biệt về văn hóa, văn học Phật Giáo và tuổi trẻ có chủ đề “Có mặt cho nhau – tiếp nối di sản Thầy.” Tôi cứ nghĩ rằng chắc sau khi ăn trưa xong thì còn rất ít người ở lại để tham gia chương trình này. Nhưng sự thật ngược lại với suy nghĩ của tôi, có nghĩa là chư tôn đức Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử vẫn tham dự đông đảo trong chương trình đặc biệt mà hiếm khi diễn ra như vầy. Mọi người ngồi vòng tròn trong Chánh Điện Chùa Kim Quang. Ngoài chư tôn đức Tăng Ni như HT Thích Nguyên Siêu, HT Thích Nhật Huệ, HT Thích Từ Lực, TT Thích Nguyên Thịnh, TT Thích Pháp Trí, Ni Trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh, Ni Sư Thích Nữ Diệu Như, v.v… tôi nhìn thấy khá đông những khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt văn hóa, văn học và tuổi trẻ của Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Cư Sĩ Trần Việt Long, GS Trần Kiêm Đoàn, Ký giả Nguyễn Hòa, Ký giả Nguyễn Thanh Huy, Cư Sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Cư Sĩ Tâm Quang Vĩnh Hảo, Ký giả Doãn Hưng, GS Nguyễn Hồng Dũng, Huynh Trưởng Quang Ngộ Đào Duy Hữu, HTr. Nguyên Vinh Nguyễn Ngọc Mùi, HTr. Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, HTr. Quảng Pháp Trần Minh Triết, v.v…
TT Thích Nguyên Thịnh bắt đầu buổi sinh hoạt với phần giới thiệu thêm về 8 cuốn Thanh Văn Tạng được in trong đợt 2, gồm Kinh Biệt Dịch Tạp A-hàm, Luật Ngũ Phần, Luật Dược Sự, Luận Thức Thân, Luận Thi Thiết, Luận Phẩm Loại. Thượng Tọa đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu quan trọng của việc đọc Đại Tạng Kinh để hiểu biết con đường tu tập đúng theo lời dạy của Đức Phật.
Phần thảo luận về di sản trí tuệ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã diễn ra một cách rất sinh động và hữu ích. HT Thích Nguyên Siêu, HT Thích Nhật Huệ, TT Thích Pháp Trí, Ni Sư Thích Nữ Diệu Như, quý Cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải, Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn, Tâm Quang Vĩnh Hảo, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang đã lần lượt trình bày những câu chuyện, những tri nhận về giá trị đặc thù của di sản trí tuệ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và đưa ra những đề nghị cụ thể để làm sao giữ gìn và phát huy hiệu quả di sản trí tuệ này, đặc biệt đối với giới trẻ vì đây cũng chính là mối quan tâm của Trưởng Lão HT Thích Tuệ Sỹ lúc còn sinh tiền. Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu với kinh nghiệm lãnh đạo Giáo Hội đã không bỏ lỡ cơ hội để đúc kết các đề nghị thành những Phật sự cụ thể chứ không phải chỉ là lý thuyết khi Hòa Thượng đề nghị thực hiện ngay việc làm các video clips ngắn dưới 10 phút bằng tiếng Việt và tiếng Anh với hình ảnh sinh động về những gì Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ đã giảng dạy và phiên dịch trước tác. Hòa Thượng còn đề nghị HT Thích Từ Lực và Cư Sĩ Tâm Thường Định tiếp tục liên lạc và nối kết mọi người để có thể thực hiện những buổi sinh hoạt văn hóa, văn học Phật Giáo ý nghĩa như thế này trong tương lai.
Từ lễ chính thức cho đến buổi sinh hoạt văn hóa, văn học và tuổi trẻ tất nhiên không thể thiếu phần văn nghệ do nhạc sĩ Nguyên Quang hát những bản nhạc do anh phổ từ thơ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ như bài “Tôi Vẫn Đợi,” “Ngồi Giữa Bãi Tha Ma,” v.v…
Sau bữa cơm chiều thân mật tại Chùa Kim Quang với chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, bốn người chúng tôi về nghỉ đêm tại tư gia của Pháp hữu Tâm Thường Định cũng ở Sacramento. Khi bước vào nhà chúng tôi đã thấy HT Thích Nguyên Siêu, TT Thích Nguyên Thịnh, vợ chồng Trần Minh Triết-Phổ Ái cũng đến thăm gia đình Tâm Thường Định. Cụ thân sinh của Pháp hữu Tâm Thường Định năm nay đã 92 tuổi nhưng vẫn còn chẳm hẳm và minh mẫn. Cụ là người rất hiếu khách nên đã đích thân pha trà mời quý Thầy và quý anh em uống cho ấm lòng trong lúc bên ngoài trời lạnh. Thăm một lát thì HT Thích Nguyên Siêu phải ra phi trường để về lại San Diego. Một lúc sau thì có anh Nguyên Quang đến và chúng tôi được thưởng thức một đêm văn nghệ bỏ túi rất hào hứng. Anh Tâm Nhuận Phúc, Nguyên Quang, Quảng Pháp và Tâm Thường Định mỗi người một cây guitar cùng nhau đàn và hát những bài nhạc đạo và đời. Có lẽ bị lôi cuốn bởi một ban nhạc hiếm khi tụ hội, Phổ Ái cũng phụ họa mấy bài ca trữ tình. Điều lý thú là bác Quảng Trà Nguyễn Thanh Huy dù đã 83 tuổi vẫn cảm thấy yêu đời nên tình nguyện ngâm luôn mấy bài thơ mà anh đã sáng tác từ lâu. Tôi vốn rất thích nghe đàn guitar vì âm thanh của nó như một thứ ma lực xô đẩy tôi vào thế giới giai điệu huyền hoặc khó cưỡng.
Một đêm rồi cũng qua sau giấc ngủ êm đềm dù không dài lắm. Chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng để chuẩn bị lên đường xui Nam sau mấy ngày lưu lạc phương Bắc. Năm giờ rưỡi sáng, bác tài xế Doãn Hưng nổ máy xe. Pháp hữu Tâm Thường Định ra tận trước đường tiễn đưa chúng tôi. Xe chạy lúc đường sá còn tối đen cho đến khi ra tới Xa Lộ 5 thì trời mới bắt đầu sáng. Ánh sáng tỏ dần sau những dãy núi đồi khô trọc. Quả nhiên như người xưa đã nói, ánh sáng đến từ phương đông.
Con đường xui Nam của bốn anh em chúng tôi giờ đây ở một góc độ nào đó cũng giống như cuộc hành trình về phương Nam của Thiện Tài Đồng Tử sau khi được Thầy là ngài Văn Thù dạy bảo. Tôi nhớ trong Bách Thành Yên Thủy, Phật Quốc Thiền Sư đã mô tả tâm cảnh của sự kiện này như sau:
“Trân trọng ngô sư hướng nam khứ
Bách thành yên thủy diễu vô cùng”
Tạm dịch:
Biệt ly thầy bạn lên đường
Nước non thành quách dặm trường xa xăm
Di sản trí tuệ của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là những gì còn lại trong Kinh sách và lời dạy của Thầy mà giờ đây bốn anh em chúng tôi đang mang theo trong cuộc hành trình của đời mình.