Tịnh Thủy
Hermann Hesse sinh tại Cawl (Wurttemberg – Đức). Ông lớn lên trong một gia đình mà cha mẹ đều là những vị giảng sư đã giảng đạo nhiều năm tại Ấn Độ. Ông được lãnh hội cả hai nền tư tưởng lớn của Phương Tây – Đức và Phương Đông – Ấn Độ. Điều này có vẻ như đã giúp cho hành trình tìm kiếm bản ngã của ông mở ra rất nhiều lối đi để đến. Nhưng thực ra đó lại là một cuộc chiến nội tâm đầy bão tố và xáo động suốt thời tuổi trẻ cho đến khi ông viết tác phẩm Siddhartha (ở Việt Nam đã xuất bản với tựa Câu chuyện dòng sông do Phùng Khánh và Phùng Thăng chuyển ngữ). Ông cũng đã tự gọi tác phẩm này là “Thi ca xứ Ấn”.
Đọc Hermann Hesse ở tuổi hai mươi tôi thao thức và khao khát kiếm tìm mình mãnh liệt hơn, những giấc mơ của tôi trở nên bay bổng và quyết liệt hơn để biến nó thành sự thật, rằng tôi phải từ bỏ mọi kiến thức có được từ tủ sách mà ba tôi ươm mầm thuở nhỏ. Nhưng chẳng dễ dàng gì vì hàng loạt những vấp ngã ở đời rút cục lại khiến tôi chui vào lại với đống kiến thức ấy, tìm kiếm vô vọng những lời chỉ dẫn, những câu châm ngôn, những tháng ngày tự an ủi mình trong một ngôi chùa vắng hay trong một cơn khóc như mưa kéo dài có khi cả tháng trời. Tôi nhìn vào mình và thấy khoảng trống – rỗng vô biên biết bao giờ mới lấp đầy.
Cũng như Tất Đạt, ở tuổi đã hoa râm, giờ đây tôi chỉ cảm thấy đó là một cơn mưa hoặc buổi trưa nắng gắt thử sức xem mình có chịu đựng được không, để xa rời những tháng ngày trôi qua, tôi tự lừa dối mình đang sống để được chan hòa, chiều chuộng kẻ khác, nhưng thực ra đó là thứ tồi tệ nhất khiến tôi càng rời xa chính mình.
Cho đến khi người Thầy dạy tôi Tình Yêu đích thực của cuộc đời này qua đời, cái cách mà Thầy chấp nhận định mệnh để được an lạc với cái chết cận kề, không còn đối kháng, để mình như một hòn đá được ném xuống dòng sông thì bản thân hòn đá không tự cưỡng những dòng xoáy, thay vào đó, nó cứ rơi đến điểm cuối cùng một cách an nhiên, tự tại. Và người Thầy của tôi ra đi như vậy. Những ngày cuối cùng, Thầy vẫn ngồi dậy, đi lại khi còn đi được, ăn cháo khi còn ăn được, và trên đôi môi khô tróc từng miếng da ấy vẫn mỉm cười mỗi khi ai đó chào Thầy bằng nụ cười, thậm chí còn nghe cả được một tiếng hát rất nhỏ của Thầy cất lên mỗi khi cơn đau của khối u trỗi dậy.
Tôi học được ở Thầy niềm an nhiên đón nhận tất cả sau một cuộc đời tuổi trẻ đầy thống khổ gánh trong lòng mình những đau đớn của thăng trầm lịch sử thân phận người lưu vong trên xứ sở của mình.
Tôi học được Thầy bài ca về quê hương nơi cõi lòng sâu thẳm, chứ không phải là một quê hương mà người ta nhân danh cùng đủ những từ ngữ được đánh bóng sáng loáng kêu gọi lòng tham, bạo lực, rồi tiến tới cái ác tận cùng để đạt đến mục đích sở hữu vô tận những ảo ảnh của trí tưởng tượng đem lại về một “cõi mộng” cuộc đời “hạnh phúc” trong những cơn thống khoái với quyền lực, tiền bạc, danh vọng, sân hận, trả thù.
Hôm nay, tôi bắt đầu từ bỏ những năm tháng đã qua vì tôi đã tìm thấy tôi. Việc mà tôi từ bỏ một người nào đó, một đoạn đời nào đó cũng đơn giản như một cơn lốc ào ạt kiềm tiền, hay sau một cơn say bí tỉ, hay sau một cuộc ái ân tưởng rằng đã có thể chạy trốn bản năng tầm thường của con người. Rất nhiều người nói “Quên đi mọi đau thương và hãy quay trở lại”. Họ không biết rằng tôi sẽ không bao giờ quay trở lại con đường mà tôi đã từng đi qua. Tôi đi con đường mới, nhiều con đường mới, nhiều con đường mà tôi không cần biết đích đến nữa, vì mọi con đường nào rồi tôi cũng ung dung dẫn mình trở về với mình, một mình với vũ trụ của mình như là một Nhất Thể.
Ở tuổi 45, Hermann Hesse viết những dòng này sau một hành trình dài tìm kiếm bản ngã, sau khi đã có một tuổi trẻ nổi loạn từng tự vẫn vì không được chọn trường mình thích, sau khi đã đi về Phương Đông, sau khi đã ly dị người vợ cùng sinh với ông 3 đứa con, sau khi tiếp tục trải qua một đời sống buồn bã, khổ đau và thực hiện rất nhiều những hành trình của tư tưởng với các phương pháp tu tập khác nhau. Cuối cùng ông dừng lại ở một dòng sông và thả mình như hòn đá rồi sẽ đến tận vô cùng.
***
Một lần Tất Đạt hỏi Thiện Hữu:
– Này, Thiện Hữu, anh nghĩ sao, anh có nghĩa rằng chúng ta tiến thêm bước nào chưa? Đã đạt được mục đích của chúng ta chưa?
– Chúng ta đã và đang học tập. Rồi anh sẽ trở thành một Sa Môn cao cả, Tất Đạt, anh đã học thật là nhanh các bài tập, vị Sa Môn trưởng thưởng khen anh. Một ngày kia Anh sẽ là một bậc thánh.
– Không có việc đấy đâu bạn ơi, những điều tôi đã học với các vị Sa Môn cho đến nay, đáng lẽ tôi cũng có thể học mau hơn và dễ dàng hơn trong bất cứ tửu quán nào, trong xóm điếm, với những phu khuân vác và những người chơi cờ bạc.
– Nói đùa chứ. Làm sao anh có thể tập thiền quán, nín thở và thản nhiên trước đói khát, đớn đau với những người vô phúc đó?
Tất Đạt trả lời nhỏ, như là nói với chính mình:
Thiền quán là gì? Bỏ quên tự thân là gì? Nhịn đói là gì? Điều hòa hơi thở là gì? Đó là sự vượt ra ngoài tự ngã, đó là sự vượt ra ngoài dày vò của tự ngã trong nhất thời, những viên thuốc tạm bợ chống lại đau khổ và điên đảo của cuộc đời: người đánh xe bò cũng dùng lối thoát đó, phương thuốc nhất thời đó khi ông ta uống chén rượu nếp trong quán; ông ta không còn cảm thấy có mình nữa, không còn cảm thấy khổ đau của cuộc đời, và như thế, ông chứng nghiệm sự thoát ly trong chốc lát. Gục trên chén rượu nếp, ông ta biết được cái mà Tất Đạt và Thiện Hữu tìm thấy khi chúng thoát khỏi tự thân bằng những tập luyện dài và sống trong vô ngã.
Thiện Hữu nói:
– Anh nói vậy nhưng anh cũng biết là Tất Đạt không phải là người đánh xe bò và một Sa Môn thì không uống rượu – người uống rượu tất nhiên cũng tìm được thoát ly và an nghỉ, nhưng nó sẽ thức tỉnh trước ảo tưởng và thấy mọi vật như cũ. Nó không thể khôn ngoan hơn, nó không tăng thêm tri thức, nó không trèo cao hơn chút nào.
Tất Đạt trả lời với một nụ cười trên nét mặt:
– Tôi không biết – Tôi chưa bao giờ uống rượu. Nhưng tôi chỉ tìm thất một an nghỉ ngắn ngủi trong những thực tập và thiền quán của tôi, và tôi thật còn xa với trí tuệ, giải thoát, như một đứa trẻ trong lòng mẹ; và điều này thì Thiện Hữu ơi, tôi biết rõ lắm.
…
Trích Câu chuyện dòng sông, Hermann Hesse