Cuối năm đóng cửa lạy Phật, nghỉ ngơi. Lúc trống sửa hộ bản dịch cuốn sách “Lời khai thị của Hư Vân Lão Hòa Thượng” của một học trò, lòng cảm thấy an vui và tâm đắc lắm. Nhân thò tay vào tủ rút một bản kinh ra tra cứu, Trường A-hàm rồi Trung A-hàm, Tiểu Tạng Thanh Văn. Lật trang đầu, thấy dòng đề tặng của Thầy: “Bản của Nguyên Hiền”, bên dưới ghi “Thị Ngạn Am 2552”. Bản Trung A-hàm cũng vậy: “Bản đề tặng Nguyên Hiền – Tháng Ca-đề 2553”, tự dưng cảm động, rồi ngồi khóc ngon lành.
Khóc vì cảm thấy mình có lỗi. Khóc vì hổ thẹn. Khóc vì tiếc mình ít học. Khóc vì lười. Và khóc vì mình ảo tưởng mình giỏi. Thầy tặng sách từ sáu, bảy năm trước, quý trọng, đem về đặt ở chỗ trang trọng nhất trên tủ. Nhưng rồi…quên! Còn nhiều thứ khác cần đọc hơn, còn nhiều sách khác để nghiên cứu mà đi giảng, đi dạy, cái này để đó, khi nào … rảnh thì đọc. Chao ôi! Biết cái gì mà giảng? Biết cái gì mà dạy? Biết cái gì mà viết?. Cái căn bản nhất, cái quan trọng nhất thì lại không đọc, không tụng!!! Cứ suốt ngày chạy theo những hý luận thị phi, pháp môn cao thấp, người này người kia đúng sai. Rồi lại thêm “tôi chủ trương thế này”, “tôi nghĩ thế nọ”. Trong khi chủ trương của mình, suy nghĩ của mình không dựa trên bất kỳ một sự thực chứng nào cả. Thân khẩu ý thì buông lung, kiến văn thì như “ếch ngồi đáy giếng”, mà sở học thì như “ong dùi giấy cũ”. Trong khi Thầy đã đem cái “Vô sư trí” vốn đã tu học nhiều đời, với bao nhiêu chướng duyên khi chịu đày đọa với thân phận thiên tài giữa dân tộc này, ngồi khảo cứu, biên dịch, in ấn và đích thân đề tặng cho mình, vì thương mình, vậy mà mình lại xếp lên tủ cất ngần ấy năm. Có đáng bị ăn đòn không chứ!
Ngồi lật từng trang kinh mà khóc ròng. Ôi! Chữ nghĩa ở đâu mà khủng khiếp thế! Trí tuệ ở đâu mà trác vời đến thế! Trước đây, có chữ nào của Thầy viết ra mà tôi bỏ sót đâu. Từ “Thiền Luận” đến “Huyền Thoại Duy-ma”, từ “Triết Học Tánh Không” đến “Tô Đông Pha – Những phương trời viễn mộng”, rất nhiều, rất nhiều… Nhưng xét lại, mình thích cái tài hoa trác tuyệt, mình thích cái lịch lãm phiêu bồng hơn cái uyên thâm chân xác. Vì vậy, với văn kinh, với khảo cứu, mình lười. Trong khi với Thầy, với tấm thân đọa đày máu lệ, ở cái tuổi “cổ lai hy”, Thầy sợ không còn kịp nữa, nên đã gác hết chuyện thế sự, mặc kệ ai nói gì, lên chốn hoang vu ngồi chép lại những trang kinh, vì sợ không còn kịp nữa… Thầy đối chiếu, tra khảo, toát yếu và biên tập, chân xác đến từng dấu phẩy để lại cho hậu thế. Một trăm năm nay, một ngàn năm nay, hai ngàn năm Phật Giáo đã đi qua dân tộc đầy khổ lụy này, đã có ai làm được như thế chưa? Hình như chưa! Hớp cạn bể giáo pháp Như Lai, kẻ độc nhất vô nhị suốt hai thiên niên kỷ của Phật Giáo Việt Nam: Thầy, Thích Tuệ Sỹ.
Hồi Thầy mới ra tù, thỉnh thoảng đọc bài tôi viết, Thầy khen. Khen để khích lệ: “Anh em trẻ bây giờ viết được như thế, Thầy mừng”. Một lần ở Huệ Quang dịch bộ “Luận Lập Thế A-tỳ-đàm”, nhiều chỗ dịch không ra, đem xuống Già Lam nhờ Thầy chỉ dạy. Thầy la: “Dịch cái gì mà dịch, dẹp đi!”. Thầy dạy: Dịch kinh là một công trình khoa học. Chư Tổ nhiều đời, có vị người Thiên Trúc rành Phạn nhưng không rành Hán, có vị người Hoa rành Hán nhưng không rành Phạn, sự chuyển ngữ của các Ngài là để đáp ứng nhu cầu tu học và truyền giáo thời đó, gần 2.000 năm rồi. Người Trung Quốc gom hết vào Đại Tạng. Trong đó có nhiều bộ là “đồng bản dị dịch”, chỉ mang tên khác thôi. Bây giờ muốn dịch thì phải đem hết các bản ấy ra đối chiếu tra cứu Sanskrit, Pali, Hán, Tây Tạng, cả các bản Anh và Đức của các học giả Tây phương nữa, thì mới có thể dịch ra một bản kinh. Anh em trẻ bây giờ nếu biết được ngôn ngữ nào thì cố gắng đọc, đọc rồi viết lại. Mình viết thì đó là cái của mình, có thể đúc kết từ nhiều tác giả mà viết thành tác phẩm của mình. Còn dịch thì chỉ được của một nhà mà thôi, họ sai thì mình sai luôn. “Ông mà viết được tôi bỏ tiền tôi in cho, còn dịch thì thôi!” Tôi nghe mà thấy sướng. Nhưng tới khi viết bộ “Duy Tâm Luận trong kinh điển Đại Thừa” thì giấu nhẹm, không dám dâng lên cho Thầy đọc, sợ Thầy la mà mất hết nhuệ khí!
Mỗi lần được thăm Thầy, khi ở Già Lam hay đâu đó sau này, tôi đều đảnh lễ. Chẳng cần y áo gì, cứ gặp là lạy. Ít có ai để cho tôi lạy dễ thương như Thầy. […] Được Thầy cho lạy cũng giống như được Thầy xé một trang sách cho mình đọc vậy! “Trụ trì và xây dựng nhiều người làm được, còn viết lách thì hiếm lắm. Ông giao hết đi, cố gắng nghiên cứu, viết lách để có cái cho người ta đọc, chứ xây dựng chùa to Phật bự làm gì?” Ôi! Những lời dạy thâm thiết như thế, chân tình và đầy thương yêu như thế, bao năm rồi tôi vẫn chưa thực hiện được. Hôm bữa muốn thăm Thầy, thầy Hạnh Viên nói Sư Phụ đang đóng cửa làm bộ Câu Xá nên thôi. Tôi rất ít dám đến thăm Thầy. Thứ nhất là sợ làm mất thời giờ quý báu của Thầy (câu này không hề khách khí, câu này là chân thật nhất, quý báu, ngàn vạn quý báu); thứ hai là sợ Thầy la, la những ma sự mà tôi vẫn thường huênh hoang là Phật sự.
Bởi vậy, lật đọc từng trang kinh của Thầy mà khóc ròng. Khóc vì dốt, không có chút kiến thức chữ nghĩa gì để phụ Thầy một tay kẻo không còn kịp. Khóc vì hổ thẹn, và khóc vì cảm thấy có lỗi với Thầy. Bạch Thầy! Thôi con không làm được gì thì con đọc. Con đọc những trang kinh của Thầy. Con nguyện không bỏ một dấu phẩy nào của Thầy, để kiếp sau có nhân duyên học hành đàng hoàng, con làm tiếp những gì còn dang dở. Con khóc xong rồi. Giờ con đọc tiếp đây…
Thùy Ngữ Thất, 27 tháng Chạp năm Bính Thân – 2016.
NHẤT THANH
Tôi rất thích bài viết