Tạp chí Viên Âm Nguyệt San

HÒA THƯỢNG TRÍ QUANG

Viết mấy dòng giới thiệu tạp chí Viên Âm này vào đúng ngày Hòa thượng Trí Quang viên tịch, lòng không sao tránh khỏi những rung động. Hòa thượng Trí Quang nằm trong nhóm trái ngọt đầu tiên của chương trình đào tạo tăng tài của An Nam Phật Học hội. Ngài là cánh chim đầu đàn vận động thành lập và điều hành Tổng Hội Phật giáo Việt Nam (1951) sau đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1964), là linh hồn và đạo diễn chính của công cuộc tranh đấu Phật giáo những năm 1963. Bộ óc sắc sảo và ý chí kiên định của ngài làm cho PGVN suốt một giai đoạn thăng trầm lại trở thành một giai đoạn đau thương nhưng rực rỡ. Cá nhân ngài đã tuyệt thực 100 ngày để tranh đấu, tranh đấu như thế là không tranh đấu gì cả, đó là chân lý của đức Phật hiện hình trong hoàn cảnh cụ thể. […]

Chúng ta đa phần chỉ thấy ngài thông minh sắc sảo trong lãnh đạo, trong phát ngôn mà không thấy điều đó còn lớn hơn trong từng câu chữ dịch kinh của ngài. Ai đã từng đọc kĩ kinh sách ngài viết/dịch, đã chứng kiến ngài sửa bản thảo hẳn phải có một suy nghĩ khác. Ngài đối với kinh điển không chỉ dùng bộ óc mà còn dành hết trái tim, sáng suốt mà lại rất thận trọng. Sau biến cố 1975 người ta vẫn còn lo ngại ngài, nhưng ngài đã đóng cánh cửa đó suốt 45 năm chưa một lần mở ra. Im lặng sấm sét! Ở trong ấy ngài trở lại với chí nguyện bình sinh chuyên dịch kinh điển. Nếu chúng ta có may mắn cảm nhận được lời kinh ngài dịch hẳn chúng ta không rơi vào những định kiến, hoặc ít hơn thì cũng không hạ thấp tầm vóc của ngài, cũng vì thế mà không hạ thấp giá trị pháp lạc mà đức Phật đã mang đến.

Giới thiệu Viên Âm viết dông dài thế để làm gì, để cá nhân bớt phần hổ thẹn và để bạn đọc thấy rằng tạp chí Viên Âm cũng may mắn được ngài điều hành suốt giai đoạn sau 1945. Trong 51 số của giai đoạn sau, ngài tham gia 29 bài (chỉ sau hòa thượng Minh Châu 43 bài), khởi đầu với bài Luận Đại thừa khởi tín số 79-1949 – số đầu tiên tục bản. Viên Âm từ số 111 trở đi ít đề tên tác giả bài viết nên khả năng có bài của ngài cũng nhiều. Các bài viết chủ yếu về nội điển, kinh, luật, luận. Trong số ấy đặc biệt có bài Hãy bước tới Phật giáo toàn quốc ở số 99-1950 đã dự hướng cho con đường tương lai của ngài.

AN NAM PHẬT HỌC HỘI

Tạp chí Viên Âm thuộc An Nam Phật Học hội (sau 1945 là Hội Việt Nam Phật Học)

An Nam Phật Học hội được thành lập năm 1932, cũng như các hội Phật học khác[1] đều có các hoạt động trọng tâm gồm xuất bản báo chí, mở trường dạy học đào tạo tăng tài, dịch kinh điển – ấn loát và hoằng pháp. Tuy vậy, An Nam Phật Học hội trong cái chung cũng có những sắc thái riêng:

  1. Về cơ quan phát ngôn. Khác với Từ Bi Âm của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, Duy Tâm của Lưỡng Xuyên Phật Học, Đuốc Tuệ của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ chỉ tồn tại đến năm 1945, tờ báo của Hội là Viên Âm trải qua hai giai đoạn: 1933-1945 ra đến số 78; đình bản rồi tục bản 1949-1953 ra từ số 79-129 (51 số).
  2. Về đào tạo. Lịch sử đào tạo của Hội có sự kế thừa từ lúc tiền chấn hưng trước những năm 1930 khi hòa thượng Giác Tiên cùng với các ngài Phước Huệ… đã đào tạo ra một thế hệ tài năng để gây dựng phong trào chấn hưng như các ngài Mật Nguyện, Mật Khế, Mật Thể, Trí Độ, Tâm Minh-Lê Đình Thám… Chính thế hệ này đã đào tạo tiếp một thế hệ tăng tài trở thành xương sống của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 như các ngài Trí Quang, Trí Nghiêm, Trí Thủ, Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Minh, Thiện Siêu, Minh Châu, cư sĩ Võ Đình Cường… Do vậy, tuy xét về mặt lan tỏa phong trào chấn hưng đi từ Nam ra Bắc nhưng về mặt đào tạo thì từ Trung đi vào Nam. Các trường Phật Quang, Liên Hải, Ứng Hòa với sự lãnh đạo của hòa thượng Trí Tịnh, Thiện Hoa, Thiện Hòa… được xem là con đẻ của Phật học đường Tây Thiên, Báo Quốc. Về chương trình giáo dục, ANPHH cũng có sự quy hoạch rõ ràng, bài bản hơn các hội khác. Về quy mô thì rộng mở không chỉ có tu sĩ mà còn dành cho các cư sĩ tại gia. Hội còn mở các lớp đồng ấu, đoàn thanh niên Phật học đức dục, gia đình Phật hóa phổ-tiền thân của Gia đình Phật tử Việt Nam được thành lập vào năm 1951.
  3. Về tổ chức. Hội có các khuông hội tịnh độ xuống đến cấp huyện, cấp xã và được xem như một chi nhánh hoằng pháp của Hội. Số hội viên được ghi nhận lên đến hàng triệu. Hội cũng vận động xây dựng một cơ sở quy mô cho các tỉnh hội và tổng hội. Giữa tổng hội và các chi hội, khuông hội có một sự gắn kết mật thiết giúp đỡ lẫn nhau về mọi mặt. Báo Viên Âm được gởi đến từng khuông hội. Các hội viên mua báo được giảm phần trăm so với người ngoài hội. Cuộc vận động gây dựng Phật học viện Kim Sơn quy mô lớn trên Viên Âm để làm nơi quy tụ mọi lớp Phật học vừa đến lúc hình thành thì biến cố 1945 xảy ra làm kế hoạch bị vỡ lở.
  4. Về hoằng pháp. Nếu như các hội Phật học khác đến sau 1950 mới tạo ra một đội ngũ hoằng pháp là các giảng sư thì ANPHH từ những năm 1935 đã cử các học tăng trưởng thành từ hội luân phiên về giảng dạy ở các khuông hội với những nội dung Phật pháp được ban trị sự thẩm định.

Nhìn chung ANPHH hoạt động sôi nổi và bài bản, chặt chẽ hơn các Hội khác trong nước. Chính điều đó đã tạo lập một nền tảng và sự ảnh hưởng dài lâu đối với Phật giáo Việt Nam hơn các hội Phật học khác. Để có được điều đó phải hội nhiều yếu tố.

VAI TRÒ CỦA CƯ SĨ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM

Bộ não của bộ máy ấy phải kể đến cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang: “Đệ tử tại gia xuất sắc nhất của Giác Tiên hẳn là Tâm Minh Lê Đình Thám. Bác sĩ Lê Đình Thám là một người có tư chất cực kỳ thông minh và trái tim đầy nhiệt tình. Ông sinh năm 1897 tại Quảng Nam, con của thượng thư bộ binh Lê Đỉnh triều Tự Đức. Từ hồi nhỏ ông đã được học Nho và đã làm được bài văn cùng thi phú cổ điển. Lớn lên ông theo tân học, đậu thủ khoa trong tất cả các kỳ thi từ cấp tiểu học đến đại học. Ông tốt nghiệp thủ khoa Đông Dương Y Sĩ khóa 1916, và Y Khoa Bác Sĩ khóa 1930”. Khi ANPHH được thành lập ông giữ chức vụ hội trưởng, thời gian sau đó đến các vị Nguyễn Khoa Tân, Ưng Bàng, Nguyễn Đình Hòe, Lê Văn Định… Ông giữ vị trí chủ nhiệm kiêm chủ bút Viên Âm từ lúc thành lập đến năm 1945 (78 số). “Lê Đình Thám không những làm cái trục trung ương của hội mà còn là linh hồn của tạp chí Viên Âm nữa”. Ông có bộ óc tổ chức và một sức làm việc bền bỉ phi thường. Ổng viết bài với nhiều bút hiệu, có khi trong một số báo có tới mấy bài là của ông: Tâm Minh, Tâm Trực, Tâm Lực, T.M (truyện ngắn), Châu Hải (truyện dài), Ba Rảm (truyện hài hước).

Dựa vào Tổng mục lục, chúng tôi thống kê được:

TÁC GIẢ TÂM MINH – LÊ ĐÌNH THÁMTỔNG
Bút hiệuTâm MinhLê Đình ThámCửu GiớiChâu HảiT.MTâm BìnhTâm LựcTâm TrựcTâm Liên?Tâm Văn?T.V?11
Số bài viết2981110331511171

Trong 11 bút hiệu của Tâm Minh thì 3 bút hiệu sau còn hồ nghi, nhưng chỉ có 3 bài viết.

Vậy ít nhất ông có 68 bài chính thức trên 78 số Viên Âm (có những số đôi). Như vậy đều đặn mỗi số đều có bài viết. Tuy nhiên, tạp chí Viên Âm có 1099 bài viết thì có đến 487 bài không đề tên tác giả (chiếm 1 nửa). Nhiều khả năng số lượng bài viết khuyết danh ấy giai đoạn đầu phần nhiều là của Tâm Minh, giai đoạn sau là của Trí Quang. Xét về mặt văn phong cũng hợp lý mà xét về mặt vai trò chủ bút, khuynh hướng lèo lái, định hướng trong những bài viết khuyết danh ấy thì khả năng đó lại càng cao. Chính vì vậy bài viết của Tâm Minh trên Viên Âm có thể lên một hai trăm bài. Một con số cho thấy sự làm việc phi thường và bền bỉ của tác giả gần 15 năm giai đoạn đầu của Viên Âm. Các bài viết của Tâm Minh đa dạng: dịch kinh, diễn thuyết, xã luận, thông cáo, chuyện hài hước…

Sáng tạo ra các lớp đồng ấu, đoàn thanh niên Phật học đức dục – tiền thân của Gia đình Phật tử còn phát triển đến ngày nay. Những người trưởng thành từ đoàn Phật học đức dục đến những năm 1943 trở đi bắt đầu thay ông điều hành Viên Âm, sinh động trẻ hóa tờ báo. Đưa đạo Phật đến với lớp trẻ đó là công lao to lớn và đầu tiên của ông.

Dù là ở vị trí cư sĩ, với sự khiêm nhường và mẫn tuệ, ông đã khéo tổ chức để ANPHH có được một thế hệ tăng tài sau này trở thành xương sống của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 20 như các vị Trí Quang, Trí Thủ, Trí Tịnh, Trí Nghiêm, Thiện Siêu, Thiện Minh, Thiện Hòa, Minh Châu… Ông không những nhờ vả được thế hệ bậc thầy của mình như các vị Giác Tiên, Giác Nhiên, Phước Huệ… mà còn huy động được các huynh đệ và bạn đồng niên như các vị Mật Khế, Mật Nguyện, Mật Thể, Trí Độ, Nguyễn Khoa Tân… tham gia vào các hoạt động của hội, nhất là công tác giảng dạy. Sự thành tựu của ANPHH chứng tỏ vai trò to lớn của tổ chức và bộ não sắp đặt tổ chức ấy chính là Tâm Minh.

TẠP CHÍ VIÊN ÂM

Đội ngũ tác giả của Viên Âm không chỉ quy tụ các cây bút thời danh như cách làm của Đuốc Tuệ, hay tập trung vào một số cây bút chủ lực như của Từ Bi Âm, đội ngũ tác giả của Viên Âm còn do chính hội Phật học của mình đào tạo nên. Đó là thế hệ tăng tài và các đoàn sinh trong đoàn Phật học đức dục, như Trí Quang, Thiện Siêu, Minh Châu, Võ Đình Cường…

Viên Âm có đến 262 bút danh xuất hiện, trừ những bút danh trùng, con số còn lại cũng phải trên 200. Các bút danh có nhiều bài viết nhất là: Tâm Minh 29, Thích Minh Châu 29, Thích Trí Quang 28, Thích Thiện Siêu 19, Thích Kim Sơn 14, Thích Thuyền Minh 14, Tống Anh Nghị 11, Diệu Không 9, Nguyễn Xuân Thanh 9, Thích Mật Nguyện 8, Thích Mật Thể 7…

Viên Âm theo bài Luận đàn Viên Âm in ở số đầu tiên: “Viên Âm là cái huy hiệu quý báu xưa nay trong kinh điển nhiều chỗ ghi chép, để tán dương lời Phật thuyết pháp. Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn, tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh. Tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cùng ba giới, khắp mười phương, lớn nhỏ xa gần, đâu đâu cũng đều tròn cả”.

Viên Âm mời các vị hòa thượng Giác Tiên, Giác Nhiên chứng minh. Năm 1936 hòa thượng Giác Tiên viên tịch chỉ còn hòa thượng Giác Nhiên. Từ năm 1939 trở đi không thấy đề người chứng minh nữa. Chủ bút giai đoạn trước 1945 là Tâm Minh, giai đoạn sau có thể là Trí Quang (báo không đề chức danh), các vị chủ nhiệm và quản lý thay đổi theo một hay một vài năm. Báo quán đặt tại Huế với địa chỉ được thay đổi 3 lần. Báo được in tại Huế, những năm 1943-1945 tình hình giấy khó khăn phải nhờ in ở nhà in Đuốc Tuệ ngoài Bắc.

Viên Âm tồn tại qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1933-1945, ra được 78 số, giai đoạn tục bản 1949 – 1953, ra được 51 số (79-129). Giai đoạn đầu Viên Âm thuộc ANPHH, giai đoạn sau thuộc Hội Phật Học Việt Nam, tuy tên gọi hai nhưng cùng chỉ một tổ chức Phật học của Trung kỳ. Viên Âm mỗi tháng ra một kỳ, thỉnh thoảng các số đặc biệt, các số bị ảnh hưởng bởi điều kiện khách quan như tiệm cận các biến cố thường ra số đôi 2 tháng xuất bản một kỳ. Tuy mỗi giai đoạn mỗi thời kỳ có sự chuyển biến thay đổi nhưng về khung sườn nội dung chung thường gồm phần kinh, luật, luận (như thị pháp) xã luận, giảng giải giáo lý, văn chương, lịch sử, tin tức… (biệt khai phương tiện). Ngoài hai nội dung chính kể trên, Viên Âm thường cho đăng tải các chương trình học, tôn chỉ của hội, cách tổ chức hội… rải rác trong các số báo là một nguồn sử liệu quan trọng để nghiên cứu về chính Viên Âm và những vấn đề liên quan như lịch sử, giáo dục Phật giáo… giai đoạn này.

Về hình thức, Viên Âm có gần 10 mẫu bìa thay đổi theo từng năm. Năm của báo không khớp với năm dương lịch hay âm lịch, có khi tính giáp 12 tháng là 1 năm, có khi lại gần 2 năm tính vô 1 năm. Viên Âm có 2 khổ báo. Từ số 1-110 khổ 14.5×22.5cm, từ số 111-119 đổi sang khổ A4 (21×29.7cm), báo chia làm 2 cột. Sự thay đổi này ra đời ngay sau khi Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời. Có lẽ do ảnh hưởng của Tổng hội. Từ số 120-129, Viên Âm trở về báo khổ nhỏ như cũ. Tuy vẫn cố duy trì ra hằng tháng (trừ các số đôi, các số đặc biệt hay các số gặp biến cố) nhưng số trang của Viên Âm cũng dao động: 1-34 (64 trang), 35-78 (32 trang), 79-110 (40 trang), 111-119 (18 trang), 120-129 (40 trang). Viên Âm tồn tại tổng cộng 18 năm (không tính chặng giữa ngưng 3 năm) ra được 129 số.

Theo Thích Không Hạnh, thuvienhuequang.vn

CÁC SỐ ĐẶC BIỆT TRÊN VIÊN ÂM

1.  Số 60&61

Số đặc biệt cho nhi đồng nhân dịp ngày lễ Khánh Đản đức Phật Tổ (Phật giáo ấu học)

 2. Số 75&76

Số đặc biệt về gia đình Phật hóa

 3. Số 89&90

Số đặc san về lễ kỷ niệm Vía xuất gia và đệ thập bát chu niên của Hội Việt Nam Phật Học

 4. Số 109&110

Số đặc san Gia đình phật tử

 5. Số 113

Số đặc san kỉ niệm lễ đệ nhất chu niên của Tổng hội Phật giáo toàn quốc

6.  Số 119

Số đặc san về Hội nghị Phật giáo thế giới tại Nhật và các cuộc cung nghinh xá lợi ở Sài Gòn và Cao Miên

__________
[1] Năm 1930, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập. Ngày 1.1.1932, Từ Bi Âm ra số đầu tiên.

Năm 1932, An Nam Phật Học hội được thành lập. Ngày 1.12.1933, Viên Âm ra số đầu tiên.

Ngày 18.11.1934, Hội Phật giáo Bắc kỳ được thành lập. Ngày 1.5.1935, Hội ra Tập Kỷ Yếu số 1 (tới số 4 thì ngưng). Ngày 10.12.1935, Đuốc Tuệ ra số đầu tiên.