Đây chỉ là bài viết trong khuôn khổ một đặc san. Đây không phải là một khảo cứu, đòi hỏi đi sâu và toàn diện. Một bài viết, chỉ nêu lên vài cảm nhận của kẻ tìm đường lên núi, và choáng ngợp bởi những kỳ hoa dị thảo man mác bìa rừng, không tránh khỏi sơ sài và phiến diện. Kính mong các bậc cao minh nhã lãm và lượng thứ.
Khi mới bước chân vào chùa, ngoài kinh Nhật Tụng với Lăng Nghiêm, Di Đà, quyển sách đầu tiên mà tôi được tiếp xúc chính là Luật Sa-di và Sa-di-ni do Thích Trí Quang dịch giải. Cho đến bây giờ, sau ngót 40 năm tu học, tôi vẫn thường nói với người sau rằng, chỉ cần đọc và học thật kỹ, thật chín bốn bộ luật Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách của Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải, cũng đủ nền tảng để tu học và hoằng pháp trong cuộc đời này. Chỉ là một quyển sách đầu tay của một vị Sa-di, nhưng đầy đủ tánh tướng, Hiển Mật, những hướng dẫn cụ thể về chỗ dụng tâm, những hành nghi, phép tắc và cách nhìn nhận về Phật, Pháp, Tăng, làm hành trang để bước vào đời một tu sĩ Phật giáo vững vàng và thơ mộng nhất.
“Như Lai không mất đi đâu cả, mỗi nửa tháng về lại một lần”. Trong vô lượng Phật ngôn, Hòa thượng Trí Quang đã chọn một câu trong kinh Ngũ Bách Vấn đặt ở đầu bộ sách “Tổng tập giới pháp xuất gia”, đủ thấy chỗ dụng tâm tuyệt vời của Trưởng lão đối với đàn hậu học, lấy giới luật làm đầu và quy hướng Tam tôn. Qúa nhiều những bài học và chiều sâu kinh điển qua hơn 40 bộ sách dịch đồ sộ của Hòa thượng Trí Quang, người viết chỉ xin trình bày vài ghi nhận của mình đối với bậc Cao tăng của Phật giáo Việt Nam.
I. VIỆT NAM TỨ ĐẠI DỊCH GIA
Người Trung Hoa thường chọn cho mỗi phạm trù, mỗi lãnh vực văn hóa của mỗi thời đại, một địa phương những nhân vật kiệt xuất để đúc kết nên những thành ngữ lưu lại ở đời, chẳng hạn “Tứ đại mỹ nhân”, “Tứ đại danh tướng”, “Tứ đại cao tăng”… “Trung Hoa Tứ đại dịch gia” là Chân Đế, Nghĩa Tịnh, Huyền Trang và Cưu-ma-la-thập. Vậy Tứ đại dịch gia ở Việt Nam là ai?
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam hai ngàn năm Bắc thuộc, tất cả kinh điển đều sử dụng chữ Hán. Cả một nền văn hóa, học thuật hoàng kim Lý, Trần đều sử dụng chữ Hán. Một vài tư liệu văn Nôm chuyển tải tinh thần Phật giáo sau đó không đủ tạo nên một trào lưu đưa Phật giáo đi vào quần chúng. Chỉ đợi đến công cuộc chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ 20, kinh điển mới bắt đầu dịch ra chữ Quốc ngữ cho rộng rãi quần chúng tụng đọc. Ban đầu chỉ phiên âm những bản kinh Nhật tụng như A-di-đà, Kim Cang, phẩm Phổ Môn kinh Pháp Hoa. Những bậc tiên phong trong phiên dịch kinh sách như Tổ Vạn An, Huệ Quang, Khánh Hòa, đến các ngài Khánh Anh, Hành Trụ, Tuệ Đăng, số lượng dịch phẩm còn khá khiêm tôn. Hơn nữa, sự nghiệp phiên dịch thời kỳ đầu chỉ là chữ đâu nghĩa đó, có chút chú thích hay đổi mới trong cách dùng từ, bỏ bớt những ảnh hưởng cổ văn như chi, chưng, kỳ, thửa, tá, ru…, đảo trang và thoát ra khỏi ảnh hưởng cú pháp Tàu, làm gãy gọn câu văn…, là những bước tiên phong đáng được ghi nhận của các bậc tiên hiền. Song những tác phẩm ấy chỉ đáp ứng được nhu cầu của một giai đoạn lịch sử nhất định, tiền bán thế kỷ 20. Nhưng để tạo ra một nền tảng kinh điển cho mai sau, phải đợi đến chòm sao sa xuống Phật học đường Báo Quốc, gồm các bậc Trí, theo đúng nguyên nghĩa của danh từ và cả nghĩa danh xưng, từ Thượng Nhân Trí Độ, xuống đến Trí Thủ, Trí Tịnh, Trí Quang, Trí Đức, Trí Nghiễm, Trí Nghiêm, Trí Dung… Kế thừa thịnh khí từ Phật đường Báo Quốc, một loạt những vì sao khác cũng xuất hiện, từ Nhất Hạnh, Thanh Từ, Thiền Tâm đến Quảng Độ, Đỗng Minh, Tuệ Sỹ… Trong tất cả những bậc Thầy vĩ đại đó, có vị chuyên về Thiền, có vị chuyên về Tịnh độ, có vị chú trọng các bộ Luận Đại thừa, có vị chú tâm vào Sử truyện. Không thể vin vào số lượng dịch phẩm, số trang hay danh tiếng để đúc kết, chọn lựa, mà chính yếu là phong cách phiên dịch, giá trị dịch phẩm cũng như ảnh hưởng của dịch phẩm đối với sự nghiệp phát triển của Phật giáo Việt Nam. Ở đây, người viết xin mạo muội chọn theo thiển kiến của mình để tạm gọi là “Việt Nam Tứ đại dịch gia”.
- Thích Minh Châu: Hẳn không có gì phải bàn cãi khi một mình Hòa thượng Thích Minh Châu đã “gánh hết nửa bồ chữ trong thiên hạ”. Sau khi tốt nghiệp Đại học Na-lan-đà, Ấn Độ, Hòa thượng Minh Châu đã dịch toàn bộ Kinh điển thuộc văn hệ Pa-li sang Việt ngữ, trở thành kho tàng vô giá cho hàng hậu học Phật giáo Việt Nam tụng đọc và nghiên cứu về Nam Tạng.
- Thích Trí Tịnh: Người có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với đại đa số tín đồ Phật tử Việt Nam là Hòa thượng Thích Trí Tịnh. Những bản kinh Pháp Hoa, Địa Tạng của Hòa thượng vẫn đang được tụng đọc hàng đêm khắp các chùa viện Việt Nam và hải ngoại. Hòa thượng đã dành suốt một đời để phiên dịch kinh điển Đại thừa. Mặc dầu là bậc tiên phong, kinh sách tra cứu thời kỳ đầu còn hạn chế, một số bản kinh chưa có sự đối chiếu tỷ mỷ từ những văn bản khác, chỉ là tùy văn dịch nghĩa, song văn phong của Hòa thượng bình dân, gần gũi, dễ đọc tụng. Mặc dầu sau đó có rất nhiều bản dịch có giá trị nghiên cứu sâu sắc, những bản kinh của Hòa thượng Trí Tịnh vẫn được sử dụng để tụng đọc nhiều nhất Việt Nam. Về công trình dịch thuật và biên soạn thì khỏi phải nói, vô cùng đồ sộ và phong phú, có thể tóm tắt như sau:
− Kinh Diệu Pháp Liên Hoa (7 quyển)
− Kinh Hoa Nghiêm (80 quyển)
− Kinh Đại Bát Niết-bàn (40 quyển)
− Kinh Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật (1 quyển)
− Kinh Đại Bảo Tích + Đại Tập (120 quyển)
− Kinh Phổ Hiền Hạnh Nguyện (1 quyển)
− Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện (3 quyển)
− Kinh Tam Bảo (1 quyển)
− Tỳ-kheo Giới Bổn (1 quyển)
− Bồ-tát Giới Bổn (1 quyển)
− Kinh Pháp Hoa Cương Yếu (tóm tắt)
− Kinh Pháp Hoa Thông Nghĩa (tóm tắt)
− Cực Lạc Liên Hữu Tập (1 quyển)
− Đường Về Cực Lạc (trọn bộ)
− Ngộ Tánh Luận (1 quyển) …
Nhìn khối lượng kinh điển của Hòa thượng Trí Tịnh phiên dịch và soạn tập, khó ai có thể phủ nhận khi tôn xưng Ngài là 1 trong Việt Nam Tứ đại dịch gia.
- Thích Trí Quang: Nếu Hòa thượng Minh Châu chuyên phiên dịch Kinh điển Nam tạng, Hòa thượng Trí Tịnh chuyên dịch kinh điển Bắc tạng, thì Hòa thượng Trí Quang còn bao gồm cả ba mảng Kinh, Luật, Luận. Điều đặc biệt ở Hòa thượng Trí Quang là không chỉ “tùy văn dịch nghĩa” như những vị đi trước, các dịch phẩm của Ngài đã bắt đầu có sự nghiên cứu sâu rộng, đối chiếu các bản Hán dịch qua các đời, đặt nền tảng khoa học cho sự nghiệp dịch thuật kinh điển hiện đại. Tuy không đi sâu vào nguyên nghĩa Pa-li hay Sancrit; chúng ta vẫn không hiểu nổi làm sao ở thời đại chưa có internet; chưa có khả năng trình hiện cùng một lúc nhiều văn bản lên màn hình vi tính để đối chiếu, so sánh, Hòa thượng vẫn có thể làm điều đó một cách bao quát như vậy, đòi hỏi một trí tuệ siêu phàm, chiều sâu thăm thẳm và trí nhớ kinh thiên động địa mới có thể tạo nên những dịch phẩm sáng bừng trên giấy trắng như vậy. Về giá trị học thuật, đẳng cấp dịch thuật khoa học, chúng tôi sẽ bàn trong những mục sau. Ở đây có thể liệt kê những công trình đồ sộ của Ngài để người đọc tường lãm. Theo bản in Phật lịch 2562 (2017), toàn bộ dịch phẩm và tác phẩm của Hòa thượng Trí Quang có đến 16.285 trang, gồm 37 cuốn.
Loại khổ lớn gồm có:
– Pháp Hoa Chánh Văn (tập 1)
– Pháp Hoa Chánh Văn (tập 2)
– Pháp Hoa Lược Giải (tập 1)
– Pháp Hoa Lược Giải (tập 2)
– Kinh Kim Cang
– Tôn Kính Đức Di Đà
– Kinh Địa Tạng
– Kinh Dược Sư
– Văn Thủy Sám
– Ba Ngàn Hiệu Phật
– Lương Hoàng Sám (tập 1)
– Lương Hoàng Sám (tập 2)
– Kinh Vạn Phật (tập 1)
– Kinh Vạn Phật (tập 2)
– Kinh Vạn Phật (tập 3)
– Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim
– Để Hiểu Đàn Chẩn Tế
– Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (tập 1)
– Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (tập 2)
– Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (tập 3)
– Tổng Tập Giới Pháp Xuất Gia (tập 4)
– Tổng Tập Pháp Cú (Trọn bộ)
– Tổng Tập Pháp Cú (Trích Diễm)
– Tổng Tập Pháp Cú (Bắc tông, lược truyện)
– Tổng Tập Pháp Cú (Bắc tông, hợp tuyển truyện tích)
– Tổng Tập Pháp Cú (Bắc tông, Kinh Xuất Diệu)
– Nhiếp Luận
– Khởi Tín Luận
Loại khổ nhỏ gồm có:
– Kinh Di Giáo
– Kinh Mười Thiện Nghiệp
– Phẩm Phổ Hiền
– Tôn Kính Đức Quan Âm
– Hành Pháp Di Đà
– Vu Lan Báo Ân
– Nghi Thức Sám Hối
– Tập Định Lăng Nghiêm
– Cao Tăng Pháp Hiển
Theo Cáo bạch của Hòa thượng, Ngài có đến 2 loại sách. Tất cả những tác phẩm nêu trên được xếp vào loại “Pháp Ảnh Lục”, loại còn lại là “Tâm Ảnh Lục”, là những bài viết từ năm 1948. Loại này đã ngưng và hủy bỏ từ lâu. Ngoài ra còn một số không ít những tác phẩm khác không in vào Pháp Ảnh Lục như Hai Thời Công Phu, Kinh Thắng Man, Kinh Duy-ma, Kinh Giải Thâm Mật, Kinh Tứ Thập Nhị Chương và Dị Tông Luận.
Có thể nói gì hơn đối với một nhà phiên dịch, nghe tên tác phẩm thôi cũng đã toát mồ hôi hột, chỉ biết thành kính đảnh lễ tri ân mà thôi.
- Thích Tuệ Sỹ:
So với ba vị trước, tính theo tuổi đời, tuổi đạo, Tuệ Sỹ chỉ là học trò. Nhưng xét theo sự nghiệp trước tác phiên dịch, Tuệ Sỹ có thể đứng trong danh sách Việt Nam Tứ Đại Dịch Gia. Dịch phẩm của Tuệ Sỹ không nhiều, chủ yếu là trước tác, giảng luận khoảng gần 50 đầu sách như vậy. Nhưng những trước tác, giảng luận đó đều có phần phiên dịch Chánh văn kinh điển rồi luận giải, như Huyền Thoại Duy Ma Cật, Thắng Man Giảng Luận, Du-già Bồ-tát giới… Riêng về phần dịch thuật, khối lượng công trình, tác phẩm thuộc hàng vĩ đại. Có thể tạm liệt kê những dịch phẩm đã xuất bản:
− A-tỳ-đạt-ma Câu-xá-luận 1,2,3,4 và 5
− Các Tông Phái Phật Giáo
− Kinh Duy-ma-cật Sở Thuyết
− Luận Thành Duy Thức
− Tạp A-hàm
− Trung A-hàm
− Trường A-hàm
− Tăng Nhất A-hàm
− Thiền luận 2 và 3
Về giá trị khoa học trong dịch thuật, những dịch phẩm của Tuệ Sỹ xứng đáng là những dịch phẩm đẳng cấp thế giới, là ngôi sao sáng nhất từ xưa đến nay.
II. SỰ NGHIỆP PHIÊN DỊCH CỦA ĐẠI SƯ TRÍ QUANG
Như trên đã nói, toàn bộ công trình dịch thuật của Đại sư Trí Quang bao hàm cả ba tạng Kinh, Luật, Luận. Ở đây không dám phân tích từng tác phẩm, chỉ nêu chung giá trị của mỗi loại Kinh sách mà thôi.
- KINH TẠNG:
Thực ra, số lượng kinh điển Đại thừa của Hòa thượng Trí Quang dịch không nhiều, so với Hòa thượng Trí Tịnh, chủ yếu là hai bộ Kinh Pháp Hoa và Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim, cùng những bộ kinh dùng để tụng đọc như Kinh Địa Tạng, Kinh Kim Cang… Nhưng giá trị dịch thuật là rất lớn. Hàng hậu học có thể tiếp cận bản kinh của Hòa thượng dịch từ hai phương diện, phương diện tín ngưỡng và phương diện học thuật.
Về phương diện tín ngưỡng, Hòa thượng rất chú trọng đến việc phát khởi Bồ đề tâm của người tụng đọc. Nhiều bản kinh, Hòa thượng dịch thành câu bốn chữ, cốt để dễ tụng, như Kinh Thủy Sám hay phần trùng tụng của Kinh Pháp Hoa. Ở đầu thập niên 80, băng Kinh Thủy Sám do thầy Chơn Thức tụng làm phát khởi rất nhiều tâm Bồ đề của người nghe, nhờ cách dịch 4 chữ gần gũi và dễ hiểu này. Trong phần lược dẫn của Chánh Kinh Pháp Hoa, chính Hòa thượng đã viết: “Không có dịch phẩm nào của tôi dịch chữ Hoa và chữ Hoa Việt ra chữ Việt nhiều bằng Pháp Hoa. Không những cốt làm cho bớt nặng nề mà cốt vì một số chữ quen dùng nên hóa ra không hiểu hay hay hiểu sai…” Có những chữ có thể dịch được nhưng Hòa thượng không dịch, để nguyên âm Hán, vì sợ dịch ra người ta hiểu sai ý của Kinh. Nói chung không thể liệt kê hết ra những sáng tạo trong cách dùng từ của Hòa thượng khi dịch kinh Phật, làm thế nào để hàng Phật tử có thể hiểu đúng, thâm nhập được với kinh Phật thì Hòa thượng sẽ làm.
Kinh điển dịch ra không phải để chất đầy trên tủ kính, mà quan trọng là giúp người tu học hành trì, vì thế Hòa thượng rất chú trọng mảng Sám pháp. Qua đó ta có thể thấy ý Hòa thượng dạy chúng ta muốn tu hành trước phải sám hối nghiệp chướng, lễ Phật trì kinh. Trong toàn bộ dịch phẩm của Hòa thượng, phần Sám Pháp chiếm một số lượng rất lớn. Ngoài văn Thủy Sám, Lương Hoàng Sám (2 quyển), còn có Ba Ngàn Danh Hiệu Phật, Kinh Vạn Phật (3 quyển). Phần Vạn Phật, Hòa thượng đã dịch thật rõ ràng danh hiệu Phật ra Việt văn. Bởi Hòa thượng đã ghi rõ ở đầu sách: “Khi thân tâm lạy Phật thì thân tâm ấy là Phật, thân tâm ấy làm Phật”. Nam mô Bất Động Phật thì dịch là “Kính lạy đức Phật danh hiệu Không Xao Động”. Nam mô Hỏa Diệm Phật thì dịch là “Kính lạy đức Phật danh hiệu ánh sáng của lửa”… Nhiều người cho rằng dịch trắng ra như thế sẽ làm giảm sự huyền bí của danh hiệu. Đó là cảm nhận của kẻ không hành trì, còn Hòa thượng với cả một đời hành đạo, Hòa thượng biết mình nên phải làm gì!
Các bản kinh để Phật tử tụng đọc hằng ngày hoặc trong các dịp lễ rất được Hòa thượng chú trọng, từ Kinh Địa Tạng, Kinh Dược Sư, Kinh Kim Cang, Kinh Vu-lan Báo Ân, Kinh Mười Thiện Nghiệp, Phẩm Phổ Hiền, Tôn Kính Đức Quan Âm, Tôn Kính Đức Di Đà. Rất nhiều bản Kinh như vậy đã được các dịch giả dịch ra trước đó, Hòa thượng vẫn dịch lại, và thậm chí dịch lại nhiều lần, sửa tới sửa lui, cẩn trọng từng chữ, từng cách dùng chữ, cho đến cuối đời mới xem là Định bản, kể cả những bộ Kinh lớn như Pháp Hoa, đủ thấy chỗ dụng tâm của Ngài lớn lao đến dường nào.
Về phương diện học thuật, sự nghiệp dịch Kinh của Hòa thượng Trí Quang vô cùng ấn tượng. Mỗi bản kinh, Hòa thượng tra cứu trong Đại Tạng để tìm ra tất cả các bản của nhiều đời, của nhiều dịch giả Ấn, Hoa, đối chiếu, so sánh để dịch ra một chữ. Có những hữ ngày xưa dùng như vậy, nhưng nếu để nguyên như vậy sẽ khiến người đọc tụng hiểu lầm. Chẳng hạn trong kinh Địa Tạng, bản La Thập có câu “Thử thế giới hoại thời hoàn ký tha phương” (Khi thế giới này hoại, chúng sanh sanh nhờ qua một thế giới khác). Chữ thể giới để nguyên như vậy có gì không ổn? Nhưng không! Sợ người đọc hiểu nhầm thế giới là địa cầu này, hành tinh này, Hòa thượng lại dịch “Khi thế giới hệ này hoại…” Thế giới hệ là một tiểu thế giới, một thái dương hệ, hoàn toàn không phải là thế giới theo nghĩa ta hiểu bây giờ.
Mỗi bản kinh, sau khi dịch Chánh văn, Hòa thượng đều phân đoạn, lược dẫn, lược giải, chú thích vô cùng kỹ lưỡng. Khi cần đối chiếu Phạn văn, nói rõ ý vì sao mình dịch như vậy, kỹ lưỡng đến từng dấu phẩy, từng cách viết hoa. Một dịch phẩm không đơn thuần là chuyển ngữ, từ một ngôn ngữ này chuyển qua ngôn ngữ khác, mà là trách nhiệm của người chuyển tải nội dung kinh điển đến cho người học muôn đời sau. Về thái độ này, Hòa thượng đủ xứng đáng là Nhà dịch kinh vĩ đại nhất của Phật giáo Việt Nam.
- LUẬT TẠNG:
Kinh và luật là hai phạm trù quan trọng nhất trong kinh điển Phật giáo. Trong dịch thuật, có vị chỉ chú trọng đến Kinh, như Hòa thượng Trí Tịnh, có vị chỉ chuyên về Luật, như Hòa thượng Đỗng Minh. Riêng Hòa thượng Trí Quang thì cả hai phạm trù này đều chú trọng. Tổng tập Giới Pháp Xuất Gia của Hòa thượng Trí Quang gồm 4 tập, bao hàm hết Tứ Phần Luật cùng những kinh sách dành riêng cho từng giới pháp, từ Sa-di, Sa-di ni, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni và Bồ-tát giới. Xưa nay nói về Luật thì y Giới bổn hoặc Quảng bản, không thêm không bớt. Hòa thượng Trí Quang thì ngoài phần chánh văn còn hướng dẫn cụ thể cách hành trì. Chỗ nào tồn nghi thì làm đi làm lại. Có chỗ Hòa thượng còn phê phán những thiếu sót trong Luật cần nên có để tránh. Muốn làm được như thế, Hòa thượng đã phải so sánh, đối chiếu với Luật của các bộ khác. Ngoài Tứ Phần Luật của Pháp Tạng Bộ mà Phật Giáo Việt Nam từ xưa đã y cứ, Hòa thượng còn đối chiếu với Tăng Kỳ Luật của Đại Chúng Bộ, Ngũ Phần Luật của Hóa Địa Bộ, Thập Tụng Luật của Hữu bộ Ma-du-la. Công trình nghiên cứu Luật Tạng của Hòa thượng Trí Quang có thể nói là có một không hai. Tổng tập Giới Pháp Xuất Gia của Thích Trí Quang xứng đáng là bửu bối của bất kỳ ai nghiên cứu về Luật để hoằng dương và hành trì.
- LUẬN TẠNG:
Phần phiên dịch Luận tạng, Hòa thượng Trí Quang chỉ có 2 bộ: Nhiếp Luận và Khởi Tín Luận, được đánh dấu bằng cuốn 27 và 28 trong bản in 2561. Xét theo số lượng thì không nhiều, nhưng Nhiếp Luận đã bao hàm một tông phái, còn Khởi Tín, há chẳng phải là nền tảng của tất cả các pháp môn?
Trong lời ghi in lại Nhiếp Luận, Hòa thượng viết: “Với cái tôi hiện giờ mà xét Nhiếp Luận, thì thấy sở trường của Luận này ở chỗ nói về đạo lý Duyên khởi: A-lại-da duyên khởi ra tự tánh (Vạn hữu) và duyên khởi ra tự thể” (sinh mạng). Thứ nhất là chất liệu, thứ hai là tổ hợp. Rán đọc và học kỹ đạo lý này rồi nói gì thì nói về “duy tâm của Phật giáo”. (Nhiếp luận, tramg 15).
Điều thú vị nhất khi đọc Kinh sách của Hòa thượng Trí Quang là sau khi dịch, lúc nào cũng có phần Dẫn nhập, giới thiệu tất cả từ tác giả, dịch bản, nhất là phần “Ghi sau khi duyệt”. Vì thương hàng hậu học “văn phồn tắc yếm” nên Hòa thượng luôn ghi lại vắn tắc nghĩa lý trong Kinh Luận bằng vài dòng ngắn gọn, nhưng bao quát hết chỉ thú của Kinh Luận. Hòa thượng đã mở ra những cái nhìn chân xác về Kinh điển Đại thừa, dám chỉ trích những nghiên cứu khoa học của các học giả cận đại. Hòa thượng đã tiếp thêm niềm tin vào Kinh điển Đại thừa, không giống như một số vị sau này thường cho Kinh điển Đại thừa là của Tàu hay do người sau ngụy tạo. Thậm chí, những tư tưởng Đại thừa còn xuất hiện trước cả sự hình thành Kinh điển của Nam tạng. Tôi đã sững người khi đọc những dòng nhận xét cực kỳ sắc bén của Đại sư: Về Tiểu thừa, Nhiếp Luận cho thấy khá nhiều tư tưởng được luận ấy đưa ra mà bài bác hoặc điều chỉnh. Lại nữa, trọng mục 1, nói A-hàm của Đại Chúng Bộ nói đến Căn bản thức, Hóa Địa Bộ nói đến Cùng sanh tử uẩn, chỉ vài câu ấy, và khá nhiều chỗ nói đến quan điểm của Tiểu thừa, Nhiếp Luận cho ta thấy ngay sau 2 đại hội (Do ngài Ca-diếp và ngài Ba-sư-ba chủ trì) của kết tập 1, ba tạng mà 2 Bộ phái căn bản là Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ đã không phải duy nhất. Ngày nay, không thể nói 3 tạng Ba-li của Thượng Tọa Bộ (được chép thành văn bản vào thời A-dục Vương hơn hai bách kỷ sau Phật nhập diệt) là Nguyên thỉ và “nguyên thỉ chỉ có bấy nhiêu”. (Nhiếp Luận, ghi sau khi duyệt, trang 19, bản in 2561).
Nhìn trên sách, cứ ngỡ chỉ là dịch nguyên văn Chánh luận. Khi đọc vào mới thấy công phu của công trình: Phân khoa, luận giải, chú thích và biện nghi vô cùng kỹ lưỡng.
Trong Khởi Tín Luận cũng vậy! Sau khi dịch và luận giải, trong phần giới thiệu Khởi Tín Luận, Hòa thượng viết: “Lời giới thiệu này để (1) làm cho Khởi Tín Luận dễ hiểu hơn, (2) làm cho “Định Chân Như” được chú trọng”. (Khởi Tín Luận, trang 15, bản in 2561).
Tóm lại, chỉ 2 bộ luận, dịch phẩm của Hòa thượng Trí Quang đủ làm hành trang cho đàn hậu học bước vào kho tàng Luận điển của Đại thừa Phật giáo. Có thể đời người ngắn ngủi, với biết bao trọng trách với dân tộc, không đủ thời gian để Hòa thượng nghiên cứu thêm những bộ Luận khác cho đời sau vin vào tu học. Trong hai trường phái Trung Quán và Du Già, Hòa thượng đã không dịch giải những bộ luận Trung Quán. Đó là điều đáng tiếc, nhưng biết làm sao! Ngay cả những gì Hòa thượng đã làm, chúng ta còn chưa đọc và nghiên cứu hết, thì đòi hỏi thêm gì những điều mà khả năng mình chưa đủ sức lội qua.
- TỔNG TẬP PHÁP CÚ
Tôi được tụng đọc khá nhiều Kinh sách của Hòa thượng Trí Quang dịch, nhưng không hề biết là Hòa thượng có để tâm đến Pháp Cú, đến khi có bản in 2562 ra đời, quả là kém phước. Tổng tập Pháp Cú của Đại sư Trí Quang chiếm một khối lượng lớn trong toàn bộ Kinh sách của Ngài, có đến 5 tập từ tập 22 đến tập 26. Tập 22 là Pháp Cú Nam tông trọn bộ. Tập 23 là Pháp Cú Nam tông trích diễm, tập 24 là Pháp Cú Bắc tông (lược truyện), tập 25 là Pháp Cú Bắc tông (Hợp tuyển truyện tích), tập 26 là Pháp Cú Bắc tông (kinh Xuất Diệu).
Kinh Luận thì quá nhiều, luận giải mênh mang, muốn hiểu lời dạy của Phật một cách chân xác thì chỉ dựa vào Pháp Cú. Mà đã là Pháp Cú thì phải tìm đọc đến Nam tạng. Có lẽ không thể đọc được nguyên bản Pa-li, Hòa thượng đã sử dụng tài liệu của những người đi trước, trong đó có Kinh Pháp Cú của Na-ra-đa, bản dịch của Phạm Kim Khánh, kinh Pháp Cú của Hòa thượng Minh Châu, kinh Pháp Cú của Liễu Tham, bản dịch của Hòa thượng Thiện Siêu, kinh Pháp Cú/ Cố Sự Tập của Dhamma – Nanda, bản dịch tiếng Hoa của Chân Kim Ngôn và nhiều tài liệu khác. Một tổng tập như vậy quả là công trình quý báu có một không hai của Kinh sách Việt Nam. Thiển nghĩ người học Phật đọc trọn bộ Pháp Cú này của Hòa thượng là đủ có sự Chánh tín và hành trang để đi vào Phật giáo.
Câu văn mà tôi để ý nhất trong toàn bộ tổng tập này của Hòa thượng là: “Từ Pháp Cú Pa-li mà tôi nhìn ra rất rõ Phật, và Phật giáo, đã không thể không có Đại thừa” (Pháp Cú Nam tông, trang 19) và “thấy nội dung và ưu điểm đã đành, thấy từ đó mà Phật, và Phật giáo phải có Đại thừa” (Sđd, trang 21).
Nghiên cứu tường tận Nam tông để chỉ ra nguyên lý phải có Đại thừa, như Trưởng lão Trí Quang, là một khẳng định quan trọng, có khả năng bảo chứng cho toàn bộ Kinh điển Đại thừa mà những kẻ sơ cơ chỉ vin vào một vài nghiên cứu chủ quan đã cố tình chê bai, phỉ báng. Riêng ở mảng này, Trưởng lão Trí Quang đã xứng đáng được tôn xưng là nhà phiên dịch vĩ đại của Phật giáo Việt Nam.
- NHỮNG GHI NHẬN THÔ THIỂN
Toàn bộ Kinh điển của Trưởng lão Trí Quang phiên dịch và luận giải, tóm tắt trong một bài viết như thế này quả là quá thô thiển. Ở đây người viết chỉ xin nêu một vài ghi nhận cạn cợt của mình mà thôi:
– Hòa thượng Trí Quang là người rất chú trọng đến Phật lịch. Toàn bộ Kinh sách của Ngài không hề để năm Dương lịch (lịch Tây) và cả năm Âm lịch (lịch Tàu). Ngay cả trong những văn bản phổ thông nhất, Hòa thượng chỉ sử dụng Phật lịch, đó hẳn là cách dùng có chủ ý. Các nước Phật giáo Nam truyền hiện nay người ta vẫn dùng Phật lịch, còn ở Việt Nam dường như đã xem nhẹ điều này. Hơn ai hết, Hòa thượng Trí Quang đã muốn xem Việt Nam là một đất nước Phật giáo. Điều này rất đáng được lưu ý.
– Dù nghiên cứu Nam tạng hay Bắc tạng, thì chỗ quy hướng của Phật giáo Việt Nam chính là Kinh điển Đại thừa. Đây cũng là lý do chúng ta không thấy Hòa thượng Trí Quang phiên dịch Tứ A-hàm thánh điển. A-hàm, tương đương với Nikaya của Nam tạng, đã không chú trọng đến Pháp thân và Bồ-tát đạo.
– Ngôn ngữ, dù chính xác đến đâu, cũng chỉ là phương tiện để tu hành, phát khởi tâm Bồ đề, đoạn hoặc chứng chân. Có khi dịch một từ ngữ khác xa nghĩa của văn bản, vẫn cố gắng làm cho người đọc hiểu được điều mà Kinh điển muốn nói, chứ không phải ở chữ nghĩa đúng sai.
– Thiền định, các loại thiền định, dù Như Lai thiền hay Tổ sư thiền, cũng chỉ là một pháp môn. Không thể “Ly kinh nhất tự” mà có thể đi đứng đường. Không rõ lý do gì mà bản Kinh Viên Giác do Hòa thượng dịch, nói về Vipasana, Samapati, Samahita… lại không được in trong tổng tập lần này. Những Kinh điển thuộc hệ thống Thiền rất hay, rất nổi tiếng, như Pháp Bảo Đàn, và cả rừng Kinh sách Thiền học, lại không được Hòa thượng để tâm dịch giải.
– Quy hướng Tịnh độ là kim chỉ nam cho sự tu học của Phật giáo Việt Nam.
– Sám hối nghiệp chướng là pháp môn quan trọng mà tất cả người tu hành đều phải thực hành.
– Là một nhà phiên dịch, một cao Tăng, nhà lãnh đạo Phật giáo Việt Nam từng làm rung chuyển Ngũ giác đài Mỹ quốc, nhưng thông qua những lời dạy trong Kinh sách của mình, Đại sư Trí Quang cũng rất cận nhân tình. Khi cần thiết, Ngài cũng chỉ dạy những điều căn bản nhất, gần gũi nhất, những phương pháp hành trì, cách chuyển hóa tâm thức, dành cho mọi căn cơ, mọi thành phần xã hội.
– Im lặng là câu trả lời thích đáng nhất dành cho mọi thị phi thế gian. Chỉ có những trang Kinh là tối thượng.
Xin vận hết ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh, thành kính đảnh lễ Trí Quang thượng nhân.
Thùy ngữ thất, đầu hạ năm Tân Sửu (PL.2565).
Hậu học Thích Nguyên Hiền
[Đặc san Phật Ân, số tưởng niệm nhân lễ Đại tường Trưởng lão HT Thích Trí Quang]