Thích Huyền Quang: Thông điệp Phật đản PL. 2551

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG

PL: 2551         số: 008/VTT/TT

Thông Điệp Phật Đản PL 2551
của Đức Đệ Tứ Tăng Thống

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư tôn Trưởng  Lão
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni.
Cùng toàn thể Phật tử trong và ngoài nước.

Hôm nay, lại một lần nữa hoa Vô Ưu rộ nở, hàng triệu tấm lòng người con Phật khắp năm châu bốn biển đang hân hoan đón mừng ngày kỷ niệm Đản Sanh của đấng Cha lành muôn loại. Hòa mình cùng niềm vui chung, hàng triệu người Việt nam con Phật từ thành thị đến nông thôn, từ biển cả đến núi cao rừng thẳm, cũng đang nô nức đón nhận ngày vui “Khánh Đản”. Từ Tu Viện Nguyên Thiều, nơi tôi đang bị bức bách bởi nhiều chướng duyên ngoại tại, khó khăn đi lại, cách ly tứ chúng đệ tử, xuất gia tại gia, tôi kính gửi đến Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni và toàn thể Phật tử trong ngoài nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất, trong niềm hân hoan đón mừng Phật Đản lần thứ 2551.

Kính thưa quý vị,

Đặc biệt năm nay, để đại lễ Phật Đản của Đức Thích Ca Mâu Ni thêm nhiều ý nghĩa, chúng ta hãy cùng nhau mở rộng lòng đón nhận trọn vẹn ân đức của Phật tổ, chư đại Bồ Tát, liệt vị Tổ Sư Tiền Bối, chư vị Hộ Pháp thiện thần, đã dày công hoằng pháp làm nền tảng cho Phật giáo Việt Nam, viết nên trang sử oai hùng, bất khuất ngày nay.

Tôi trân quý ghi nhận và tán dương công hạnh Chư Tôn Trưởng Lão, Hòa Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni, Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành và tất cả nam nữ Phật tử trong ngoài nước, thời gian qua đã can đảm tham gia, đóng góp tích cực vào sự nghiệp vận động phục hoạt GHPGVNTN, mà phải chịu nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày.

Tôi xin vận hết tâm thành, đốt nén hương lòng kính dâng lên đức Thế Tôn, nhân ngày Đản Sanh của Ngài, qua đó, bằng một tâm hồn thanh thản, trong sáng và tỉnh giác, chúng ta khắc sâu và dặn lòng về những lời giáo huấn và di chúc của Ngài, để hoàn thành sứ mệnh sứ giả Như Lai.

Kính thưa quý vị,

Chúng ta, lớp người sống vào những giai đoạn cuối của thời kỳ mạt pháp, cách Phật quá xa, các bậc Hiền Thánh chứng đắc đạo quả Niết Bàn càng hiếm thấy, đây cũng là thời đại mà nguy cơ huỷ diệt loài người càng lúc càng bị đe doạ; chiến tranh vì hận thù sắc tộc, tôn giáo, vũ khí hạt nhân và thiên tai dịch bệnh càng lúc càng có nguy cơ bùng nổ; chính từ trong đêm tối kinh hoàng của bạo lực nầy mà những lời dạy khoan dung và hỷ xả của đức Thích Tôn trở thành ngôi sao Bắc Đẩu, đang định hướng cho ý nghĩa tồn tại của nhân sinh. Năm ngoái Liên Hợp Quốc cử hành lễ Phật Đản chung toàn cầu, đã bày tỏ niềm tin sâu sắc đối với Đức Phật và Giáo Pháp của Ngài.

Nhưng một điều mà chúng ta thấy nghịch lý rằng, trong khi ánh sáng chánh pháp ngày càng tỏa rạng ở bên trời Tây, thì ở đây, nơi mà đạo pháp và dân tộc đã từng hoà hợp như nước với sữa để tạo thành giá trị tinh thần cao đẹp và sức sống kiên cường của dân tộc, thì ngày nay giá trị đạo đức ấy đang bị băng hoại dần.

Những Tự Viện đồ sộ mới được dựng lên, những nghi lễ khá tốn kém được thường xuyên tổ chức, tất cả không che khuất được sự thật rằng, niềm tin tôn giáo của tín đồ không mấy được tôn trọng ở Việt Nam.

Nhiều nơi tại nông thôn hẻo lánh, nơi mà đại bộ phận trong nhiều thế hệ đã sống trọn vẹn với nhiều niềm tin, với giá trị truyền thống an bần lạc đạo. Nay những nơi ấy, vì không chống nỗi những tai hoạ và áp bức của sự nghèo đói, đã không còn giữ vững niềm tin đối với chánh pháp, phải tìm chỗ nương tựa khác với niềm tin mới, ít nhất niềm tin ấy cũng đem lại cơm áo trong hiện tại.

Thuở xưa, đức Thích Tôn thị hiện vào chốn cung đình, nhưng Ngài đã từ bỏ đời sống vương giả cao sang, để sống cuộc đời bần hàn giữa những người nô lệ cùng khổ. Theo gót Ngài, các Vương Tôn Công Tử, các Đại Thần Tướng Soái cũng đã từ bỏ địa vị cao sang của mình để đi đến tận những nơi bùn lầy nước đọng, đem lại niềm tin trong sáng đối với các giá trị cao đẹp của sự sống cho mọi người.

Rồi, hơn một ngàn năm sau, theo chân Phật tổ, đức Vua Trần Nhân Tông, khi mà sự nghiệp chăn dân trị nước đã hoàn thành, đã từ bỏ Ngai Vàng như đôi dép rách, rồi bôn ba từ rừng núi đến đồng quê, cùng với hai người thị giả tuỳ tùng, đem ánh sáng từ bi cứu khổ đến cho dân lành.

Ngày nay, những nơi ấy hầu hết vắng bóng Tăng sĩ, thiếu sứ giả trung kiên bưng ngọn đèn chánh pháp. Phải chăng, đó là do nội ma ngoại chướng cộng sinh, khiến cho hàng Phật tử không hội đủ nhân duyên thời tiết, để hưởng hương vị giáo pháp vô ngã vị tha.

Đức Phật dạy, nơi thôn xóm hay núi cao, nơi nào A La Hán hiện diện, nơi đó nhân dân sống an lạc. Chúng ta hiểu lời dạy ấy như thế nầy, nơi nào còn những người khốn khổ, nơi ấy Phật pháp chưa được thể hiện. Nơi mà Phật pháp chưa được thể hiện, hay chưa hiện hữu, nơi đó chúng ta chỉ học và tu Phật như người nhắm mắt mà đi, không biết đường đi nầy sẽ dẫn về đâu. Vì thế chúng ta không thể không nỗ lực tinh tấn, mở rộng tầm mắt, nhìn rõ môi trường chung quanh, quán chiếu bản chất chân thật của thế giới mà chúng ta đang sống trong đó, để tự mình thấy đâu là chánh đạo đâu là tà đạo.

Cho nên chúng ta phải dũng mãnh và yêu thương, nương vào ánh sáng soi đường của tuệ giác Phật Đà, để tự cứu lấy mình, duy trì giá trị đạo đức dân tộc, bảo trì tinh hoa văn hóa, kế thừa truyền thống tâm linh của tổ tiên.Kính thưa quý vị,

Năm nay mùa Phật Đản lại về trong hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước và Phật sự. GHPGVNTN bị đàn áp nghiệt ngã hơn hai mươi năm lại đây. Tôi không được đi tái khám chữa bệnh, Hòa Thượng Quảng Độ cũng không được về Bình Định thăm viếng tôi. Ban đại diện GHPGVNTN các tỉnh thành đang bị trấn áp và truy bức dữ dội. Nhưng với tấm lòng trung kiên, như như bất động; Phật Đản vẫn là mùa hoa Vô Ưu rộ nở muôn đời ngát hương và bất diệt, giữa dòng đời sinh diệt.

Phật Đản đến, Phật Đản đi rồi Phật Đản lại trở về theo lẽ tuần hoàn của vũ trụ vạn vật, nhắc nhở người con Phật về lẽ vô thường, vô ngã để cùng nhau hướng tới sự giác ngộ Niết Bàn. Nghĩa là có khổ thì có phương pháp diệt khổ; có ly biệt chia phân thì có cách để trở về đoàn tụ sum vầy; có ngược đãi bất công thì có con đường giải thoát cuộc đời nô lệ để tự do sống người.

Chừng nào dân tộc Việt Nam chưa có tự do tôn giáo, chưa có dân chủ và nhân quyền thực sự, chừng đó GHPGVNTN còn bị bách hại gian truân và sẽ chấp nhận gian truân không bì quyện. Đức Phật dạy: “Nầy các con! Các con hãy lên đường vì hạnh phúc của nhân loại và chư thiên.”

Thưa quý vị,

Dẫu rằng, đó là con đường vạn dặm, con đường đầy dẫy nội ma ngoại chướng; nhưng chúng ta là con Phật, là hậu duệ của Trì Địa Bồ Tát, của Phú Lâu Na, chúng ta đã chẳng sờn lòng nản chí, không mỏi mệt ươn hèn; chúng ta đã không sợ khó, sợ mọi gian nguy khổ cực, thậm chí có thể phải hy sinh tánh mạng; chúng ta đã vượt qua không biết bao nhiêu chướng ngại từ bên trong đến bên ngoài, trong đó có những chướng ngại cơ hồ như không thể vượt qua được. Nhưng chúng ta đã vượt qua tất cả, bằng ý chí kim cương bất hoại.

 Kính thưa quý vị,

Một trong những nguồn thiền nước ta là nguồn thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy “cư trần lạc đạo” làm tiêu chí. Từ nơi giam hãm, cô lập hiu quạnh, ở Tu Viện Nguyên Thiều, ở Thanh Minh Thiền Viện, tôi và Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vẫn đang “cư trần lạc đạo”, và xin kính gửi đến quý vị mong cùng đồng hành. Cư trần lạc đạo, có nghĩa là hiện diện nơi trần thế mà hành đạo, vui đạo, sống đạo, dựng đạo, hưng đạo chứ không xa lánh trần thế đầy khổ nhục, tìm thú riêng của bản thân.

Hiện diện nơi trần thế, nói lên con đường hành đạo cứu nhân độ thế của Phật Giáo Việt Nam. Việc ấy đã thực hiện, đã chứng tỏ, suốt dòng lịch sử 2000 năm Phật giáo. Đặc biệt dưới các triều đại tự chủ và độc lập, từ thuở Hai Bà Trưng cho đến thời hiện đại. Sự thành bại không đáng quan tâm cho bằng ý chí kim cương bất hoại của người Phật Tử. Ý chí đó còn, đạo Phật còn. Đạo Phật còn, dân tộc sẽ trường tồn trong cường thịnh, vinh quang và thái hòa, nhân loại sẽ bước vào kỷ nguyên huynh đệ đại đồng.

Theo tinh thần “cư trần lạc đạo” như thế, người Phật Tử mới bảo toàn được Phật tính con người trên mặt đất, đồng lúc bảo vệ phẩm giá đồng bào và nhân loại, cùng lúc bảo vệ sự toàn vẹn tâm linh nơi mỗi cá nhân. Sự toàn vẹn tâm linh con người chẳng khác gì sự toàn vẹn lãnh thổ một quốc gia. Nếu tiền nhân đem máu xương dựng nước và giữ nước, nay con cháu lại đem lãnh thổ quốc gia hiến dâng cho ngoại bang, thì còn gì là quê hương của tổ tiên và dân tộc” Cũng như thế, tâm linh con người không thể khiếp nhược và quy hàng hay van xin các thế lực nhất thời và lạc hậu. Có như vậy, công cuộc hoằng dương chánh pháp ở thiên niên kỷ thứ ba nầy, mới mở ra sinh lộ cứu nhân độ thế của Đạo Phật, trước những phương thức bạo lực và khủng bố mới, đang có nguy cơ đẩy nhân loại vào sự huỷ diệt, tương tàn và bài xích Phật Tính nơi mỗi cá nhân.

Trong chí nguyện “cư trần lạc đạo” như thế, tôi kêu gọi toàn thể các cấp Giáo Hội, và nam nữ cư sĩ Phật Tử trong và ngoài nước, gạt bỏ ra ngoài những ý kiến bất đồng dị biệt, phát bồ đề tâm, thương yêu và đoàn kết, dũng mãnh tiếp tục vận động phục hoạt GHPGVNTN đến thành công, hoàn thành sự nghiệp độ sanh mà đức Thế Tôn đã khai thị từ 2551 năm trước, và Lịch Đại Tổ Sư, đã đem lại an lạc và chủ quyền cho dân tộc suốt 2000 năm qua trên dải đất Việt Nam.

Tôi xin gửi đến chư tôn đức cùng toàn thể quý vị niềm tin tưởng vô biên vào chí nguyện nầy.

Nam Mô Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tác đại chứng minh.

Tu Viện Nguyên Thiều, ngày 15 tháng 04 năm 2007
Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
(ấn ký)
Tỳ kheo Thích Huyền Quang

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận