Phát khởi từ phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, vào năm 1935 một đại lễ Phật đản (đầu tiên?) được trang trọng tổ chức tại cố đô Huế. Trong buổi lễ này đánh dấu sự góp mặt của Đoàn Đồng ấu Phật tử (tiền thân của tổ chức Gia đình Phật tử) trong các khóa lễ tán, tụng, niệm, hát kính mừng khánh đản. Buổi lễ này được tường thuật lại trong tạp chí Viên Âm, năm thứ I, số 12.
Nay đánh máy tư liệu này để tặng quý vị, cùng nhìn lại một trang giáo sử của PGVN và cũng để kỷ niệm 90 năm sinh hoạt của Đoàn Đồng ấu Phật tử. Bản đánh máy được hiệu chỉnh một số từ ngữ nhằm phù hợp theo văn phong hiện nay (bỏ các gạch nối giữa các từ; dùng từ “này” thay cho “nầy”; viết hoa các danh từ chỉ người/ chùa;…) đồng thời ghi thêm nghĩa tiếng Việt sau các chữ Hán.
TƯỜNG THUẬT VỀ LỄ KHÁNH ĐẢN ĐỨC PHẬT THÍCH CA
(Ngày mồng 8 tháng Tư: 10 Mai 1935)
Tất cả tín đồ Phật giáo, ai ai cũng đều ghi nhớ ngày mồng 8 tháng tư là ngày đức THÍCH CA hóa sinh ở nước Ca-tỳ-la-vệ bên Ấn Độ.
Các sơn môn và chư thiện tín ở nước ta đều có làm lễ Khánh đản Ngài, nhưng chỉ chùa nào làm lễ ở chùa nấy thành ra không được vẻ vang long trọng.
Hội Phật Học Huế muốn hiệp tác với chư sơn và làm lễ Khánh đản này cho trang nghiêm, nên kỳ nhóm Hội đồng thường niên ngày 17 Février 1935 đã yêu cầu chư sơn hiệp tác.
Hội lại trích ở quỹ ra 200$ giao cho ban Trị sự lo liệu; ngoài ra, nếu có thiếu thì Hội viên và chư thiện tín kẻ nhiều người ít giúp thêm vào.
Ngày 24 Mars 1935, Hội mời các chư sơn nhóm tại chùa Diệu Đế để tỏ bày ý kiến, chư sơn cũng đều hoan nghinh và xin thiết lễ này tại chùa Diệu Đế.
Muốn tiến hành công việc được mau chóng, Hội đặt ra 10 tiểu ban để lo liệu.
Thành tâm lo tổ chức về lễ này, trong sơn môn thời có:
Ngài Tăng cang chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu và chùa Báo Quốc. Ngài Trụ trì chùa Trúc Lâm, chùa Túy Ba, chùa Tây Thiên, chùa Linh Quang, chùa Tường Vân, chùa Vạn Phúc, chùa Từ Quang, chùa Quốc Ân, ông Tri sự chư sơn, thầy Mật Khế, ông Giám tự Diệu Đế, ông Tự trưởng chùa Quan Công, thầy Mật Nguyện, thầy Đôn Hậu, thầy Chánh Thống, bà Diệu Hương, bà Diệu Viên.
Bên chư thiện tín thì có:
Bà Hường Quí, ông Trần Văn Tiết, ông Tôn Thất Bằng…
Trong Hội thời có:
Cụ Nguyễn Khoa Tân, Cụ Nguyễn Đình Hoè, Cụ Ưng Bàng. Các ông: Phan Ngọc Anh, Hoàng Xuân Ba, Nguyễn Văn Bá, Bửu Bác, Lê Thanh Cảnh, Trần Thanh Đạt, Hoàng Hữu Khác, Lê Văn Lộc, Nguyễn Văn Lữ, Hoàng Mộng Lương, Phan Quang Quyền, Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Lê Quang Thiết, Nguyễn Duy Thu, Nguyễn Công Tích, Nguyễn Xuân Tiêu, Nguyễn Khoa Toàn, Lê Đức Trạm, Tôn Thất Tùng, Lâm Duy Tuyên, Nguyễn Nhơn Tử, Nguyễn Nhơn Ứng, Trịnh Xuân Vạn, Trương Xướng, Lê Bá Ý.
Cụ bà Nguyễn Đình Hoè, Cụ bà Ưng Bàng. Cụ bà Ưng Dinh. Các bà: Bửu Bác, Lê Thanh Cảnh, Trần Thanh Đạt, Lê Văn Lữ, Phúc Long, Lê Đình Thám, Lê Quang Thiết, Lê Đức Trạm, Nguyễn Nhơn Từ, Cao Xuân Xang, Trương Xướng.
Hội chúng lấy làm vẻ vang được Lưỡng Tôn cung; Hoàng thượng và quý Khâm sử đại thần quang lâm đến dự lễ. Các cụ lớn, các quan và chư thiện tín đều tỏ lòng hoan hỉ tới dự lễ Khánh đản này rất đông, thật là vinh hạnh lắm!
Đối với cuộc lễ này, chúng tôi chỉ trông mong đó là một bước đầu mà thôi.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
PHẬT HỌC HỘI
_________
CỬ HÀNH LỄ KHÁNH ĐẢN
Chiều mồng bảy
Chùa Báo Quốc, nơi Hội Phật Học lên rước Phật, là một ngôi chùa cổ cất trên đồi cao. Cũng như chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc đốt đèn rực rỡ, trần thiết trang hoàng; trước chánh điện để tượng đức Thích Ca sơ sanh, tay chỉ lên trời, tay chỉ xuống đất, biểu hiệu câu: 天上天下,唯我独尊 (Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn).
Tượng này cao cỡ năm tấc, để trên một cái bàn vuông, sau tượng có thiết một cây Bồ-đề, trước tượng có 5 cái bảo trì (hồ) có rắc vàng bạc vụn, chung quanh bảo trì có hoa sen, ẩn trong hoa có bóng đèn điện nhỏ. Khi bật điện chói sáng bên mặt hồ lóng lánh, xem rất ngoạn mục.
Trước sân chùa, chư sơn và hội viên đều chỉnh tề đứng ra hai hàng chờ đến giờ nghinh Phật ra thời khỉ hành.
Khi 7 giờ, cụ Quận công Nguyên Nhiếp Chánh Thần Thần, tuy tuổi già mặc dầu mà đạo tâm vẫn hăng hái, đứng trước bàn Phật làm lễ rất kính cẩn.
Kế đó Ngài Trụ trì Túy Ba đứng trước Phật bạch xin khỉ hành lễ cung nghinh. Rồi đến các hội viên và chư thiện tín đều tới lễ Phật.
Lễ xong, nổi chuông trống Bát nhã, lúc nghinh tượng có đánh nhạc bát âm.
Chư sơn y hậu chỉnh tề, mỗi chùa đều có đến, hội viên và tín đồ cũng sắp hai hàng đều cầm đèn búp sen dài gần một cây số, từ từ xuống đồi trông rất oai nghi.
Đi đầu có một cái đèn to, trên đề năm chữ: 釋迦佛慶誕 (Thích Ca Phật Khánh Đản).
Rồi đến mấy thầy cầm pháp hiệu, bê, tích, trượng, có hai người gánh trống và chuông, có hai vị Tăng-già đi theo đánh. Tiếp đó có ban múa bài bông (củа ông Phó Si cúng) rước Phật, đều cầm đèn vuông nhỏ. Một vị Tăng-già cầm một cái phan lớn đi giữa, trên đề: 南無本師釋迦牟尼佛 (Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật); hai bên có hai người cầm hai cái đèn làm theo kiểu phan có bốn thầy mặc áo bá nạp, đánh trống và đánh bạt. Kế đó hai toán cầm đèn búp sen đi hai hàng. Ban Đồng ấu của chùa Phước Điền mặc áo mã tiên, đầu đội mũ, hai bên vai có cặm lồng đèn, vừa đi ra hát.
Rồi đến hai dãy chư sơn mỗi vị sau lưng đều có một điệu cầm đèn trên có đề hiệu của mỗi chùa. Tiếp đến hai người gánh khánh và chuông, đều có hai vị Tăng-già đi theo.
Chỗ này ban Đồng ấu của Hội Phật Học đi hầu Phật, Ban này gồm có 52 nam nữ Đồng ấu và hai điệu của chùa Sư nữ do ông Bửu Bác chỉ huy.
Đồng ấu trai mặc y vàng, còn Đồng ấu gái thời mặc áo màu, đều cầm phan vàng nhỏ, vừa đi vừa ca…
Trải qua các con đường Nam Giao, Jules Ferry, cầu Trường Tiền, đường Paul Bert, cầu Gia Hội và đường Đồng Khánh, hai bên phố và nhà nhà đều đốt đèn đốt pháo vang lừng, tỏ vẻ cực lực hoan nghinh.
Qua cầu Trường Tiền, dưới sông, trên một chiếc đò trần thiết bàn hương án trang hoàng, có các Thầy niệm Phật và hai chiếc bằng thật đẹp (của cụ Hiệp Nguyễn Đình và bà Hường Quí), vừa đánh trống, vừa chèo theo đám rước…
Lúc bấy giờ tiếng niệm “Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật”, trên dưới đều ăn rập, bao nhiêu đèn chói lọi xuống mặt nước sông Hương lóng lánh…
Theo chương trình thì định 8 giờ lễ rước Phật về đến chùa Diệu Đế, song vì muốn cho được vẻ trang nghiêm nên đoàn đèn phải từ từ bước một mà đi cho đều đặn; vả lại thiên hạ hai bên đường đứng xem chật ních, cần phải dẹp trước rồi mới đi thong thả được, thành thử đến 9 giờ rưỡi mới về tới chùa Diệu Đế.
Đến nơi, thiên hạ đi xem lại càng đông thêm vô số.
Sau ba hồi trống Bát nhã trong chùa Diệu Đế chỉ đám rước, chư sơn và Hội Phật Học nghinh tượng Phật vào chánh điện; ba ngài Tăng cang, chư sơn các cụ, hội viên và tín đồ làm lễ rất long trọng trang nghiêm.
Quang cảnh lúc bấy giờ trở lại im lặng. Những tiếng chuông, tiếng mõ và mùi trầm ngào ngạt, khiến cho người đi xem dường như say sưa mùi đạo…
Lễ Phật xong, ngài Thích Giác Nhiên đăng đàn thuyết “Bát nhã tâm kinh” trước máy truyền thanh (microphone) (của nhà thuốc Võ Văn Vân ở Thủ Dầu Một (Nam Kỳ) cho Hội mượn).
Kinh này nghĩa lý rất sâu xa, nhưng tùy theo căn cơ của thiện tín kẻ cao người thấp mà thuyết pháp.
Trong khi thuyết pháp có cử đủ lễ nhạc theo nghi tiết nhà chùa.
Đến 12 giờ rưỡi khuya, cuộc thuyết pháp vừa xong, chư thiện tín vào hành hương.
________
Ngày mồng 8
8 giờ mai.
Giờ này là giờ của đức Thích Ca hóa sanh nên nghi tiết lễ Phật rất trang nghiêm và long trọng. Các chùa ở Huế đều nổi chuông trống Bát nhã.
Lễ Phật xong, chư thiện tín vào hành hương.
Một bó bông sen, một vài thẻ hương, hoặc 5, 3 giác bạc bỏ vào thùng “phước sương”, tấm lòng mộ Phật của chư thiện tín trông thật cảm động!
Hội Phật Học rất hoan nghinh ở chỗ chân tình của chư thiện tín nhớ công đức hóa sinh đến dự ngày lễ kỷ niệm này là một kỷ nguyên mới của Phật giáo nước nhà.
Đúng 12 giờ trưa làm lễ cúng ngọ. Các chùa ở Huế cũng đều nổi chuông trống Bát nhã.
Buổi chiều:
3 giờ – Tỉ-kheo ni Thích Diệu Hương (chùa Tường Vân) giảng A-di-đà kinh. Bà Thích Diệu Hương giải nghĩa xác đáng, các bà, các cô đến nghe thật đông.
Bà Thích Diệu Hương giảng xong, đúng 4 giờ kế, Sa-di ni Thích Diệu Viên (chùa Trúc Lâm) giảng về vấn đề “Lợi ích của Phật học đối với phái phụ nữ”.
Đứng trước máy truyền thanh, bà Thích Diệu Viên nói rất rõ ràng, lời lẽ tự nhiên, dễ hiểu; thính giả rất hoan nghinh và lãnh hội được nhiều. (Xin xem bài giảng ở mục Diễn đàn).
Xong hai cuộc diễn thuyết, đến 7 giờ tối phóng sanh phóng đăng. Trên hai chiếc bằng (của cụ Thượng Nguyễn Đình và bà Hường Quí), đèn đốt rực rỡ, bài bố rất trang nghiêm, cùng bao nhiêu đèn đương linh đính trên mặt nước sông Đông Ba.
Đêm nay, ngoài các đèn của hội viên và chư thiện tín cúng, nhờ Tam Tôn cung có ban cho 1.000 đèn thắp thêm nên quang cảnh chùa Diệu Đế càng tăng thêm vẻ nguy nga.
Người đi xem càng ngày càng đông, ngoài 3 cái rạp (của ông Tôn Thất Bằng cúng) thiên hạ đều đứng giữa trời, chật ních như nêm.
7 giờ rưỡi. Đồng ấu niệm Phật.
Các em đều cầm phan, trai thì mặc y hậu, gái lại mặc áo màu, sắp hai hàng từ từ trong chùa bước ra vừa đi vừa ca bài Đăng đàn cung (xin xem các bài ca nơi mục Thi Lâm).
Đứng ngoài cái rạp lầu (của bà Hường Quí cúng), các em xây mặt vào Chánh điện ca các bài tán tụng công đức hóa sanh của đức Phật Thích Ca là Giáo chủ cõi Ta-bà này.
Theo điệu đơn, hơn 50 Đồng ấu, tán, tụng, niệm, hát những lời có đạo vị cao thâm, khi lên bổng, lúc xuống trầm, thính giả rất khen ngợi và tỏ vẻ cảm khái.
Sau ba tiếng chuông, các em đồng xướng “Hòa nam thánh chúng” rồi vừa ca vừa trở vào chùa.
8 giờ – Ông Cư sĩ Lê Đình Thám giảng về vấn đề “Phật Pháp đối với sự tấn hóa của tâm trí người” (La Doctrine Bouddhique et le perfectionnement spírituel de l’homme).
Trong các bài giảng, lý thuyết phải có bài cao, bài thấp; cho nên ông Lê Đình Thám giảng rất cao, vả lại gần đến giờ cung nghinh ngự giá nên nội trong 15 phút đồng hồ ông Lê Đình Thám chỉ tóm tắt theo đầu đề mà thôi.
9 giờ – Các quan Tây, Nam lần lượt đến. Một chặp sau Lưỡng Tôn cung và Hoàng thượng ngự giá đến nơi.
Cùng đi với quan Khâm sử đại thần, có Hoàng tử Lào và 4 quan tùy tùng nhơn khi ghé Huế đến dự lễ.
Lưỡng Tôn cung và Hoàng thượng vừa bước vào sân chùa thì Đồng ấu tiếp ca mừng. Cụ Chánh Hội trưởng đã ra tận cửa chùa cung nghinh ngự giá.
Lưỡng Tôn cung và Hoàng thượng cùng các quan an tọa rồi, hội viên và chư sơn lễ Phật. Lễ Phật xong, cụ Chánh Hội trưởng đứng trước máy truyền thanh đọc chúc từ (xin xem nơi mục Diễn đàn). Cụ đọc xong, kế ông Nguyễn Khoa Toàn đọc bản dịch bằng Pháp văn (xin xem nơi mục “Phụ trương Pháp văn”.
Tiếng vỗ tay như pháo nổ.
Rồi lại im lặng, quang cảnh rất trang nghiêm.
Từ trong Chánh điện, Đồng ấu sắp hai hàng, chậm rãi bước ra vừa đi vừa hát. Một tiếng chuông, Đồng ấu sắp hàng ngang, đối trước bàn Phật, ca các bài tán tụng công đức Phật Thích Ca.
Tỏ lòng hoan hỉ, Tôn cung có ban cho Đồng ấu 50$. Đồng ấu hát dứt, vừa đi vừa ca trở vào chùa.
Trót một tiếng đồng hồ, lại gặp lúc trời nóng bức, các em rất mệt nhọc. Biết trước như thế nên quan Viên ngoại Nguyễn Nhơn Từ có cho 220 ve nước chanh để giải khát.
Trong chùa vừa dứt tiếng hát của Đồng ấu thì trước sân chùa lại múa lục cúng. Tiếp theo đó, đốt hai cây pháo của Tôn cung ban.
Cây pháo của Đức Từ Cung ban, thuở nay hiếm có cháy rất lâu và nhiều kiểu thật đẹp, có cả cảnh một ngôi chùa và tượng đức Thích Ca sơ sinh, hai bên bức tượng lại có hai câu đối bằng chữ Hán 天上天, 万惟獨尊 (Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.)
Đốt pháo xong Hoàng thượng và các quan Tây, Nam ra về. Trước khi ngự giá hồi loan, Lưỡng Tôn cung làm lễ trước bàn Phật.
Lễ xong. Chư sơn và hội viên đưa ba ngài Tăng cang về chùa.
Bước đầu tiên, kẻ hằng tâm người hằng sản, hiệp lại làm cuộc lễ rất long trọng này, có thể tạm cho là châu đáo được.
Các ngài phát tâm cúng về lễ này đều là bậc có đạo tâm cả, bất tất chúng tôi phải tỏ lời cảm tạ mà thêm sự ái ngại cho tấm lòng khiêm tốn của nhà Phật tử.
Chư sơn và Hội Phật Học một lòng từ bi bình đẳng, hằng niệm tấm lòng tín ngưỡng của thiện tín, dù rằng một thẻ hương, một bao đèn, mà chỗ chánh tín về đạo Phật vẫn không có hạn lượng.
Đối với cuộc lễ này, các báo đều có bài tường thuật và là lời khen ngợi. Nhưng với sự khen ngợi ấy, chúng tôi không khỏi phải nhận những điều khuyết điểm không thể châu tất được trong buổi đầu là buổi khó khăn nhất.
Riêng báo Tràng An ở Huế lại ra một số đặc biệt nói về lễ này, chúng tôi bao giờ cũng niệm tình hộ pháp.
Sau ngày lễ vía Phật lại có phát chẩn tại chùa Quan Công (kề chùa Diệu Đế).
Tại chùa Diệu Hỷ (gần dinh cụ Thượng Tôn Nhơn) có phát 50$ của Tôn cung ban và các món đồ chơi của chư thiện tín biếu cho Đồng ấu.
Nguồn: Thư viện Phật Việt sưu lục từ: Nguyệt san Viên Âm, 11&12-1934, số 12, tr.41
Tag: Nguyệt san Viên Âm