Các diễn từ trong Lễ giới thiệu Thanh Văn Tạng (Đại Tạng Kinh Việt Nam) Giai đoạn I, Phần I

DIỄN VĂN KHAI MẠC
RA MẮT THANH VĂN TẠNG, GIAI ĐOẠN I, PHẦN I

Ngày Chủ Nhật lúc 4 giờ chiều 19/03/2023
Tại Nhà Hàng Brodard- California- Mỹ Quốc

Kính bạch chư tôn trưởng lão Hoà Thượng Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni
Kính thưa quý cư sĩ Thức giả, quý cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, quý đồng hương Phật tử cùng toàn thể quý vị nhân viên nhà hàng Brodard. 

Vì bi nguyện độ sinh, vì từ tâm thị hiện, đức Thế Tôn đã có mặt ở đời 80 năm, 45 năm thuyết pháp. Sự thuyết Pháp của đức Phật đã để lại cho đời một kho tàng kinh Luật đồ sộ. Kinh luật này là kim chỉ nam, là con đường hướng dẫn chư thiên và nhân loại, hướng thân lập mệnh trên tiến trình tu chứng. Đức Phật đã có lời di huấn tối hậu, trước khi nhập Niết Bàn: “Pháp và luật mà Như Lai đã tuyên thuyết và quy định là Đạo sư của các người sau khi Như Lai diệt độ.” Và cũng kể từ đây, các hàng Thánh đệ tử thấy được tầm quan trọng của Giáo Pháp mà quý ngài đã lần lược tổ chức các Đại hội kiết tập kinh điển, trùng tuyên lại kinh luật mà đức Thế Tôn suốt 45 năm thuyết giáo.

Trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2000 năm qua, có những bậc kỳ túc, lịch đại Tổ sư vì tiền đồ hưng suy của Đạo Pháp mà một thời gia tâm, hạ thủ công phu phiên dịch được một số kinh luật, nhưng vẫn chưa được hoàn tất và môi trường phiên dịch vẫn chưa dàn dựng được một dịch trường có tầm cỡ Kinh viện Quốc Tế để được thành tựu như ước nguyện. Cứ thế, thời gian lần lượt trôi qua cho đến năm 2021, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, cùng quy tụ một số Chư Tôn Đức Tăng Già, và cư sĩ Phật tử Thức giả, học giả, quây quần lại với nhau để chung lưng đấu cật hoàn thành Đại Tạng theo tâm nguyện phụng hành. Thừa sự cố vấn chỉ đạo của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và Giáo Sư Lê Mạnh Thát, nhờ vậy mà đến năm nay-2023, công trình văn hóa ngàn đời của Phật Giáo Việt Nam- Phiên dịch Đại Tạng Kinh đã thành tựu sơ bộ của bước đầu là ra mắt Thanh Văn Tạng hôm nay.

Ban tổ chức chúng con/chúng tôi thật vui mừng, vui mừng ở chỗ là được cung đón chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni, cùng toàn thể liệt quý vị, đáp lời mời của Ban Tổ Chức đã vân tập về nhà hàng Brodard của Đạo Hữu Quảng Nguyện, để cùng chia sẻ công đức phiên dịch Đại Tạng Kinh. Công đức mà chúng ta có được ngày hôm nay, phải nói rằng nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, nhờ chư vị lịch đại Tổ Sư độ trì và nhờ sự tiếp tay của quý Phật tử thập phương, bá tánh phát tâm hộ pháp để có được phương tiện hoàn thành công trình phiên dịch ngàn đời trên dòng lịch sử Phật Giáo Việt Nam. 

HT Thích Nguyên Siêu, Phó Thư ký Hội đồng Hoằng Pháp, Hội trưởng Hội ấn hành ĐTK Việt Nam

Kính bạch quý ngài
Kính thưa quý liệt vị 

Công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh được khởi đi, kể từ ngày thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Lâm Thời và cho đến hôm nay đã hoàn tất mà thành quả đó là Bộ Thanh Văn Tạng, Giai đoạn I, Phần I, để ra mắt cùng toàn thể liệt quý vị.

Trong không khí đạo tràng trang nghiêm, vui tươi đầy tình đạo vị, đã nói lên tính nhuần nhuyễn, thuần thành của bốn chúng đệ tử Phật, trên con đường hoằng Pháp thượng cầu hạ hóa. Nói đến đây, tất cả chúng ta ai cũng biết Ôn chủ tịch, Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ; Ôn cố vấn Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát, mà tất cả chúng ta- toàn ban phiên dịch nương tựa, y cứ cũng như thừa hành ý chỉ để thi hành nhiệm vụ, nhờ vậy mà công trình phiên dịch được trôi chảy tốt đẹp như hình ảnh ra mắt Đại Tạng Thanh Văn hôm nay. Tinh thần làm việc toàn ban: Phiên dịch, chuyết văn, sửa lỗi chính tả, layout. thiết kế một cách nhuần nhuyễn, tương kính, tương thuận… mỗi người một tay mà vỗ nên kêu trong ý vị thâm trầm phụng hiến. Sự phụng hiến này là một chất tố làm xúc tác qua hình ảnh của 18 vị Kỳ túc trong Hội đồng Phiên dịch năm 1973 mà Giáo Hội đã thỉnh cử để làm công việc dịch Đại Tạng Kinh cho Phật Giáo Việt Nam.

Trên dòng tiến hóa văn minh của nhân loại nói chung và các Quốc Gia Phật Giáo trên hoàn vũ nói riêng đã đồng hành với nhau để thừa hành sứ mạng: “tác như lai sứ, hành như lai sự.” Mở rộng con đường hoằng pháp mang lời Phật dạy đến cho mọi miền đất nước trên thế giới. Không nằm ngoài sự đồng hành Hoằng Pháp ấy, Hội Đồng Phiên Dịch Lâm Thời đã chăm chỉ làm việc ngày đêm, dù tuổi đã già, sức đã yếu nhưng Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vẫn miệt mài, cặm cụi làm việc không mỏi mệt để hoàn thành tiêu chí là bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam phải mang tính Hàn Lâm Quốc Tế. Do vậy, mà ban phiên dịch rất hy vọng và kỳ vọng vào sự quan tâm, tiếp tay làm việc của cộng đồng chư Tôn Đức Tăng, Ni và sự hộ Pháp của toàn thể chư vị thiện nam tín nữ bốn chúng đệ tử Phật nhiệt thành, nhất tâm thừa tự như lời Phật dạy trong Trung bộ ba, kinh Thừa Tự Pháp, Dhammadayada sutta: “là đệ tử Phật ngày đêm luôn ghi nhớ, hãy thừa tự Phật Pháp mà không thừa tự tài vật.” Chính vì vâng lời Phật dạy mà các tự viện, chư Tôn Đức Tăng Ni đã chân thành đóng góp theo khả năng của mình, cũng như quý Phật tử không nệ hà kẻ nhiều người ít đã hoan hỷ phát tâm. Trong sự phát tâm đáng kể và thành tâm này có gia đình đạo hữu Quảng Nguyện phát tâm trong sự vui mừng là mình có được nhân duyên tốt để mình phát tâm. Phát tâm trong tinh thần hộ Pháp không phân biệt, không tính toán, phát tâm cúng dường bình đẳng mà gia đình Đạo Hữu Quảng Nguyện đã hiểu được rằng: “cúng dường Pháp là cúng dường tối thắng.” Tất cả tấm lòng vàng này xin được tán thán công đức đồng hồi hướng Phật Pháp được trường tồn, thế giới được thanh bình và chúng sinh được an lạc.

Kính bạch chư Tôn Đức
Kinh thưa liệt quý vị 

Trong một không gian ấm cúng, đầy tình Đạo vị đông đảo quý ngài cùng quý liệt vị hiện diện đã tham dự và cầm trên tay Kinh Tạng Thinh Văn, là một niềm tự hào qua bao thời gian tích lũy công đức phụng sự để có được thành quả như ngày hôm nay, “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao.” Một dòng sông không làm nên biển cả mà trăm sông, ngàn sông đồng đổ về đại hải để trở thành một đại dương nước mênh mông.

Nam Mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát, đồng quy hướng về tự tánh Phật Pháp vắng lặng tịch nhiên. Chúng con, ban tổ chức nhất tâm đảnh lễ đến các bậc Thầy cao cả, suốt đời phụng sự cho Phật Pháp được cửu trụ thế gian, lợi lạc hữu tình, để cho Tổ Ấn được trùng quang, đèn Thiền luôn tỏ rạng.

Kính chúc chư Tôn Đức Tăng Già Phước Trí Nhị Nghiêm Đạo Quả Viên Thành. Nhất là Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, năm nay đã 96 tuổi, nhưng ngài vẫn luôn hoan hỷ, ủng hộ và giữ ngôi vị chứng minh tối cao trong Giáo Hội. Hình ảnh này, chính là niềm tự hào cao quý để tất cả chúng ta luôn có mặt bên nhau, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng này.

Đồng kính chúc quý cư sĩ thức giả, quý vị truyền thông báo chí, quý thiện nam tín nữ Phật tử luôn được an lành hạnh phúc.

Nhất tâm cầu nguyện gia đình đạo hữu Quảng Nguyên tăng long phước thọ, tùy tâm như ý trong cuộc sống nhiều thiện duyên an lành.

Nguyện đem công đức này hồi hướng cho tất cả chúng sanh, hết thảy đều trọn thành Phật đạo.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát Tát Đại Chứng Minh

Trân Trọng

Cư sĩ Tâm Quang – Vĩnh Hảo đọc bài phát biểu của đại diện Nhà hàng Brodard

PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI DIỆN BRODARD RESTAURANT
TRONG LỄ RA MẮT THANH VĂN TẠNG, GIAI ĐOẠN I, PHẦN I

Ngày Chủ Nhật lúc 4 giờ chiều 19/03/2023
Tại Nhà Hàng Brodard- California- Mỹ Quốc

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Trưởng lão Hòa thượng Thích Thắng Hoan, thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Viện Tăng Thống, GHPGVNTN; Chánh Văn Phòng Hội đồng Giáo phẩm GHPGVNTN Hoa Kỳ; Chứng minh Hội đồng Hoằng Pháp;

Kính bạch Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ tịch Hội đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Chứng minh và Cố Vấn Hội đồng Hoằng Pháp;

Kính bạch chư tôn trưởng lão Hòa Thượng, chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni thân lâm hoặc trực tuyến chứng minh, tham dự buổi Lễ Ra Mắt Thanh Văn Tạng Giai đoạn I, Phần I hôm nay,

Kính thưa quý thiện hữu tri thức cư sĩ, quý cơ quan truyền thông, truyền hình, báo chí, có mặt tại hội trường, cũng như toàn thể quý vị đang tham dự trực tuyến trên các hệ thống online,

Thay mặt nhà hàng Brodard, chúng con thành kính đảnh lễ, cung nghinh chư tôn thiền đức và chào mừng sự hiện diện của toàn thể chư liệt vị. Sự quang lâm của quý ngài nơi hội trường nhỏ bé khiêm cung này là phước duyên hy hữu mà chúng con có được trong đời. Phước duyên ấy, đối với người Phật tử tại gia, thường được tâm niệm là “Tăng đáo Phật lai,” tức là hàng Tăng bảo hiện diện nơi đâu, nơi đó có Phật đến. Như vậy, ngay nơi hội trường này, chúng con có được duyên lành cung nghinh Phật bảo, cung nghinh Pháp bảo – qua Đại Tạng Kinh VN, và cung nghinh Tăng bảo, ba ngôi quý báu của thế gian này.

Nhưng riêng với cá nhân một cư sĩ tại gia như con, có lẽ chư liệt vị sẽ thắc mắc rằng con có liên hệ gì với nhà hàng Brodard mà làm người đại diện để phát biểu. Xin thưa, con không phải bà con thân tộc của chủ nhân nhà hàng, cũng không phải nhân viên của nhà hàng, nhưng giữa con và Brodard có 3 mối liên hệ mật thiết:

Thứ nhất, từ 15 năm qua, các Phật sự và công tác từ thiện nào do con thực hiện như xây chùa, đúc chuông, xây Tăng Ni xá, đào giếng cho thôn ấp nghèo, tài trợ học bổng cho Tăng Ni du học và học sinh nghèo tại VN… đều có sự ủng hộ tận tình của nhà hàng Brodard.

Thứ hai, nhà hàng Brodard đã phát tâm yểm trợ toàn bộ ấn phí cho nguyệt san Chánh Pháp suốt 12 năm ròng kể từ năm 2011. Nguyệt san này do GHPGVNTN-HK chủ trương, mà con được giao trách nhiệm Chủ bút.

Thứ ba, trong hiện tại, trước mắt chư liệt vị là 29 tập đầu của Thanh Văn Tạng, cũng do nhà hàng Brodard phát tâm tài trợ ấn phí, tức là bao lâu Tam Tạng được phiên dịch và cần in ấn, nhà hàng Brodard sẽ còn hoan hỷ cúng dường.

Với 3 liên hệ nói trên, thực ra cá nhân con cũng không thể đại diện nhà hàng để phát biểu, nhưng đây mới là chỗ then yếu mà con xin được vài phút để trình bày:

Đó là, sau cơn đại dịch, khi lệnh giãn cách xã hội vừa được dỡ bỏ, chủ nhân nhà hàng đã gợi ý với con: “Vĩnh Hảo có chương trình Phật sự nào to lớn, thiết thực hơn là báo Chánh Pháp không?” Lúc đó, vào cuối năm 2021, Hội đồng Hoằng Pháp và Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đã được thành lập và đang tiến hành rất nhiều Phật sự quan trọng theo đường hướng của GHPGVNTN. Con liền giới thiệu công trình phiên dịch và ấn hành ĐTKVN do Hòa thượng Tuệ Sỹ chủ xướng với sự toàn tâm ủng hộ của 2 hội đồng nói trên.

Kính thưa liệt quý vị, liền ngay lúc ấy, con nhìn rõ đôi mắt vị chủ nhân nhà hàng sáng rỡ lên như người cùng tử tìm thấy kho châu báu, reo lên: “Công trình này hay quá, lợi ích quá, chị muốn ủng hộ việc in ấn bộ Đại Tạng Kinh này! Em hãy trình lên quý Ôn, quý Thầy tâm nguyện của chị!” Vậy là, việc in kinh được nhà hàng Brodard tham gia, khởi sự xúc tiến.

Sau đó, con có thưa là sẽ ghi tên và pháp danh của chị vào các văn bản cũng như danh sách những vị ủng hộ công trình thì chị liền từ chối: “Không, đừng ghi tên chị, đừng ghi gì hết. Nhưng nếu ghi thì xin ghi là nhà hàng Brodard. Bởi vì chị quan niệm, những gì chị có được ngày hôm nay, cũng như tịnh tài mà chị phát tâm cúng dường in Đại Tạng Kinh, đều do tâm trí, công lao của chị và gia đình, của toàn thể nhân viên và đặc biệt là tất cả những thực khách ủng hộ nhà hàng Brodard. Chị muốn chia sẻ công đức này đến với tất cả những ai đã đóng góp để duy trì và phát triển hệ thống nhà hàng này.” Lòng thí chủ đã mở ra đến như thế; suy ra, tất cả những nhân viên và thực khách nào, trong quá khứ, hiện tại và tương lai, phục vụ và ủng hộ 3 nhà hàng Brodard Chateau, Bamboo Bistro và Brodard Restaurant, đều gián tiếp góp phần cúng dường cho việc in ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam, và đều được thừa hưởng công đức!

Nghe được những lời giãi bày của chị, con thật vô cùng xúc động.

Xúc động vì thí chủ này từng chia sẻ là không hiểu nhiều về Phật Pháp, nhưng chính tâm nguyện và hành xử của chị đã nói lên được tinh thần tri ân của người con Phật là: nhớ ân chúng sinh, tức là nhớ ơn tất cả những nhân duyên tạo nên sự thành tựu cuộc sống của mình; và đồng thời không quên hồi hướng công đức đến tha nhân qua việc bố thí cúng dường, đặc biệt là cúng dường Pháp Bảo tối thượng. Đây có thể nói là bước chân đầu tiên của người con Phật trên lộ trình của bồ-đề nguyện, bồ-đề hành.

Thưa, pháp danh của vị thí chủ, chủ nhân hệ thống nhà hàng này đúng như ý nghĩa tên gọi: QUẢNG NGUYỆN, tức thệ nguyện rộng lớn, con xin trân trọng giới thiệu đến quý ngài và chư liệt vị.

Kính thưa quý ngài,
Kính thưa liệt quý vị,

Chỉ trong tâm thế và hành xử cao rộng ấy, con tự nhận mình như là bà con quyến thuộc trong Chánh Pháp đối với nhà hàng Brodard; và cũng chính từ nơi vị thế này, chúng con, nhà hàng Brodard, một lần nữa xin thành kính cung nghinh, đón mừng toàn thể chư tôn đức Tăng Ni, chư thiện hữu tri thức Phật tử gần xa đã quang lâm tham dự Lễ Ra Mắt Thanh Văn Tạng của ĐTKVN hôm nay.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ tát Ma ha tát.

Trưởng lão HT Thích Thắng Hoan đọc lời Đạo từ

Đạo Từ

Của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan
Trong Lễ Giới Thiệu Thanh Văn Tạng Trong Đại Tạng Kinh Việt Nam

Ngày 19 Tháng 3 Năm 2023

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý cư sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và truyền thông báo chí,

Tôi từng nghe trong Kinh Du Hành của Trường A-hàm Đức Thế Tôn dạy chư Tỳ-kheo rằng, “Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi Pháp, chớ nương tựa nơi khác.” Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Giáo Pháp của Ngài đã được kết tập thành Tam Tạng Kinh Điển và lưu truyền cho đến ngày nay. Nếu không có Tam Tạng Kinh Điển thì những người con Phật như chúng ta sống cách Phật hơn hai ngàn năm trăm năm sẽ không biết nương tựa vào đâu để tu tập.

Trong hai ngàn năm có mặt tại Việt Nam, Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam chủ yếu sử dụng Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán. Cho đến một trăm năm trở lại đây, tiếng Việt được phiên âm theo ký tự La Tinh đã được phổ biến thành văn tự chính cho mọi sinh hoạt, trong đó có sinh hoạt truyền bá Phật Pháp. Vì vậy, nhu cầu phiên dịch Kinh Điển từ chữ Hán sang chữ Việt ngày càng khẩn thiết.

Trong bối cảnh đó, Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng vào năm 1973 với mục đích phiên dịch Tam Tạng Kinh Điển từ chữ Hán sang chữ Việt. Thừa tiếp sứ mệnh trọng đại ấy, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, một trong 18 vị thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng năm 1973, đã cùng với chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp thành lập Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời vào tháng 12 năm 2021. Từ đó đến nay, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời đã nỗ lực hoàn thành phần một của giai đoạn một trong công trình phiên dịch bộ Thanh Văn Tạng. Và hôm nay là buổi lễ giới thiệu sự thành tựu rất đáng khích lệ và trân quý này.

Bản thân tôi, rất tiếc vì tuổi cao sức yếu nên không thể đóng góp được gì trong công trình phiên dịch Tam Tạng Thánh Điển vô giá này, ngoài một tấm lòng tùy hỷ công đức và hỗ trợ tinh thần cho Phật sự trong đại này.

Tôi thiết nghĩ, với sự lãnh đạo tài đức của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và sự góp sức tận tụy của chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Hoằng Pháp, Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời thì việc hoàn thành bộ Đại Tạng Kinh Việt Nam là điều tất yếu sẽ đạt được.

Điểm đặc biệt mà tôi biết là công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh của Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời được thực hiện trong chuẩn mực hàn lâm nghiêm túc, với sự đối chiếu các bản tiếng Nam Phạn, Bắc Phạn và Tây Tạng, cũng như phần chú thích công phu rất giá trị sánh ngang hàng với các bộ Đại Tạng Kinh có chuẩn mực quốc tế khác.

Theo tôi nghĩ, một quốc gia như Việt Nam nếu có được nhiều công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh là một đại phước cho dân tộc. Không những thế, đó còn là một đại hạnh cho giới học Phật, giới nghiên cứu và các thế hệ tương lai để có nhiều tài liệu, nhiều văn bản, nhiều bản dịch ngõ hầu tra cứu, tham khảo và truy tìm thật nghĩa của Thánh Điển.

Với lòng cảm kích và hoan hỷ vô bờ khi chứng kiến một phần thành tựu sơ bộ Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam, tôi xin thành tâm tán thán công đức vô lượng của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ và chư Tăng, Ni và Cư sĩ trong Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Hội Đồng Hoằng Pháp và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận