Lời đơn giản là lời mà ai nghe qua, đọc qua cũng hiểu được.
“Không làm các điều ác
Thực hành các điều thiện
Giữ tâm ý trong sạch
Chư Phật dạy như vậy.”[1]
Nhưng hiểu là một chuyện; thực hành là một chuyện khác. Thực hành sơ sài, qua loa là một chuyện; tận tâm nỗ lực thực hành ngày đêm, suốt cả một đời là một chuyện khác.
Lời đơn giản, nhưng phân tích mổ xẻ ra thì có nhiều điểm cần giải thích. Chẳng hạn, thế nào là ác, thế nào là thiện; và giữ tâm ý trong sạch là giữ như thế nào.
Theo quan điểm Phật giáo, thiện là những hành vi, lời nói, ý nghĩ có lợi (cho mình và) cho người, cho đa số người; ác thì ngược lại, hại người hại vật, hại đa số người[2]. Để phân biệt thiện-ác, cần có chánh kiến (hiểu biết đúng đắn). Nếu không có chánh kiến, có khi làm ác, ủng hộ người ác, tận tình thực hành việc ác mà không biết. Thế nên cần nhìn sự việc qua tác động của nhân-quả: lợi ích là thiện, tổn hại là ác. Không làm, nói và nghĩ điều ác vì cái nhân xấu-ác chắc chắn dẫn đến kết quả làm tổn hại mình và người, trong hiện tại và tương lai. Không làm ác chưa đủ, cần phải tích cực làm, nói và nghĩ điều lành, vì nhân lành chắc chắn mang lại lợi ích cho mình và cho người, trong hiện tại và tương lai.
Ý nghĩ thường dẫn đạo cho hành động và lời nói. Người ta không đơn giản làm ác, nói ác nếu trong tâm ý không có niệm ác. Do vậy cần quán sát, giữ gìn, kiểm soát từng ý nghĩ: ý niệm ác thì biết là ác, ý niệm thiện thì biết là thiện. Giữ tâm ý trong sạch là thanh lọc thiện-ác. Ác thì bỏ, thiện thì giữ. Đây là bước căn bản của chánh tư duy, chánh niệm để tiến sâu vào chánh định.
Như vậy, chỉ vài lời đơn giản trong bài kệ trên, đức Phật đã hướng dẫn cả cách sống, phương thức tu tập và hành đạo cho đệ tử, bất luận tại gia hay xuất gia; qua đó, có thể triển khai đầy đủ con đường Thánh tám ngành[3], áp dụng Giới, Định, Tuệ[4] trên vận hành của ba nghiệp[5]: chánh kiến, chánh tư duy (Tuệ), chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng (Giới), chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định (Định). Từ đây, thực hiện cuộc sống lý tưởng chánh thiện thường nhật của người con Phật; và cũng từ đây, đặt chân lên lộ trình của Bồ-tát hạnh đối với sinh loại và thế gian, trong đời này và nhiều đời sau.
Lời đơn giản, mở ra con đường vô hạn.
Pháp của Phật là như thế.
Đức Phật đã đến với cuộc đời như thế.
[1] Kinh Pháp Cú, Câu 183: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” Bài kệ ngắn này được cho là nội dung cốt lõi của Ba-la-đề mộc-xoa (tịnh giới), được tụng đọc trong ngày thuyết giới của Tăng đoàn (trong thời gian đầu khi Phật mới chế định về ngày Bố-tát hàng tháng); về sau, “Ba-la-đề-mộc-xoa được lưu truyền giữa các bộ phái khác nhau không phải chỉ đơn giản có như thế. Nó là một hệ thống những điều cấm kỵ, qui định những trường hợp vi phạm và không vi phạm, cùng các hình thức xử trị và sám hối cho những tỳ-kheo vi phạm. Nói cách khác, đây là bộ luật của Tăng. Khi bộ luật này được hoàn chỉnh thành hệ thống gồm năm thiên và bảy tụ, thì việc thuyết giới không còn đơn giản là đọc bài kệ bốn câu như đã nói. Thuyết giới kể từ bây giờ là đọc lại toàn bộ Ba-la-đề-mộc-xoa ấy.” (trích Yết-ma Yếu Chỉ, HT Thích Trí Thủ giảng thuật, Tỳ-kheo Thích Đỗng Minh và Thích Nguyên Chứng biên soạn, Hội Đồng Hoằng Pháp xuất bản 2021, Chương 5: Bố-tát và Thuyết giới, trang 206)
[2] Tham khảo thêm bài Thiện và Ác trong sách Phật Học Thường Thức của Cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám.
[3] Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo (The Noble Eightfold Path; Pāli: Ariya Aṭṭhaṅgika Magga).
[4] Tam học hay tam vô lậu học, là con đường tu tập do đức Phật khai thị, dẫn đến giải thoát an vui, niết-bàn tịch tịnh.
[5] Thân, khẩu và ý nghiệp – nghiệp tạo tác từ thân, miệng và ý.