XƯA CÓ MỘT ĐÀ LẠT HÌNH NHƯ KHÁC VỚI BÂY GIỜ …(*)

Đà Lạt có phải là một thực tại?
Không, Đà Lạt là một giấc mộng.

… …

Khi tôi bước vào quán cà phê Feenjon thì trời đổ mưa, đường bên ngoài ướt hết. Người đàn ông và người đàn bà ôm nhau hôn ngay lối đi còn sót lại trong quán cà phê. Tất cả bàn đều ứ người. Mùi thuốc lá ngầy ngầy bay xà vào mũi, có khác gì mùi giấy cũ pha một chút nước mưa trộn lẫn với mùa nóng có người phát thư ban đêm đi qua nhà với tay cầm đuốc đang khi người ta đốt vải rách liệng ra ngoài sân để đuổi tiếng ó ma lai kêu vọng lại từ bên kia rừng cây, bên kia đồi đá? Đà Lạt đang hiện ra giữa quán cà phê đông người vào một buổi chiều mưa Nữu Ước. Tôi đã làm gì cho tôi? Một chút nước mưa, một chút nước biển, một chút đá, một chút ham muốn, một chút đói bụng, đói, đói, đói, đói đủ thứ. Đói cả sự chết, đói cả sự đói, đói óc, đói tim, đói hai ngón tay cái, đói mười ngón tay (quên cắt móng, dính đất đen thui, dơ một cách dễ chịu đựng vô cùng).

Ảnh: Hv
  • Tại sao không dọn cơm ăn đi, đói quá rồi.
  • Chờ một chút xíu thôi.
  • Chiều nay ăn cơm với su luộc?
  • Có đậu nữa, giàn đậu chim bay về phá quá.
  • Tối chạng vạng heo rừng đã về phá rau cải lung tung.
  • Mày sợ ma không?
  • Ma lai hả?
  • Ma, ma rừng ma núi ma truông, ma bờ, ma bụi.
  • Đèn cầy còn hết, nhớ nhắc mai ra chợ mua thêm cho hộp đèn cầy nữa, mua thứ đèn cầy lớn đó.
  • Ừ mầy nhớ nhắc má mua đèn dầu lửa cho tao, tao cần thức đêm để viết bài đăng báo kiếm tiền tháng tới.
  • Má có mua rồi, để ở đầu tủ sau giường anh đó.
  • Hôm qua tao thấy ma hiện về, nó ngồi ngay cửa lớn, ca hát giọng gì lè nhè như con gà bị bóp cổ. Con ma nó nói nó đói quá, nó đòi ăn đèn cầy trắng…

Tôi chỉ là một con ma đói ở giữa thành phố lớn nhất trên thế giới. Quán cà phê này là nơi tôi lai vãng để tìm lại một chút khí dương giữa cõi chết. Đà Lạt và Nữu Ước, Đà Lạt gần gũi tôi hơn đang lúc bước vào quán cà phê ở Nữu Ước này. Tôi cần một chút Đà Lạt để sống, xin cho tôi một chút Đà Lạt, chỉ một chút, một chút thôi. Trời Nữu Ước trở lạnh, tôi cuộn khăn nỉ quanh cổ, đốt một điếu thuốc, ngồi giữa sự bình an của một mớ hình ảnh trong đầu. Một ngôi nhà to lớn, cũ, đầy rêu, nhện, chim và bồ câu, trước nhà có một hàng cây sưa cao vút và già như mấy cây thông rừng, ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô Đà Lạt, trên đường đi về Dran. Một con bò nhai cỏ trước nhà, trên cao là một đám mây. Tôi không còn nhớ mây màu gì? Mây ở Đà Lạt có màu khác hẳn tất cả màu mây ở nơi khác. Màu trắng? Không, một màu nào đó không có trong đôi mắt của người tình. Có lẽ là một màu nào đó trong mắt của người nhìn nước chảy, nước chảy trên cổ trắng thon thon của một người đàn bà vừa cắt tóc thật ngắn để trá hình trong một sự đổi thay của Định mệnh…

Đà Lạt, mùa này đầy hoa Quỳ rừng, vàng bên kia đồi, vàng bên này đồi, vàng dưới kia đồi, vàng trên kia, trên cao kia, cao và gần trong tầm với của mắt. Tôi bước đi không vững, vì uống cả bình cà phê to, hai bình cà phê to như hai cái lu nước. Tôi thấy chữ A ra chữ B, chữ C ra chữ D, tôi thấy tôi chảy trong cống nước, tôi bay theo khói thuốc.

… …

Những lúc chán đời, những lúc mà hắn nhận thấy sự điên loạn và sự quân bình trí não chỉ còn cách nhau bằng sợi dây bé nhỏ, lúc bấy giờ chỉ còn có cách trốn thoát vào quyển tự điển ấy. Quyển tự điển ấy thoáng hiện dưới mắt hắn như là cả một vũ trụ bao la; hắn đi lạc vào vũ trụ này, trố mắt nhìn những sự vật mà từ lâu hắn không hề để ý tới và cũng không hề biết. Hắn thấy hắn không còn lạc lõng trong sa mạc hoang lạnh nữa, hắn thấy chung quanh hắn còn biết bao nhiêu người và vạn vật màu sắc, hắn thấy cuộc đời phức tạp và đẹp, cả những điều xấu xa nhất cũng trở thành đẹp, hắn miên man đi tìm ý nghĩa của từng sự vật, hắn đi tìm sự giao cảm giữa hắn và sự vật trần gian. Trong khi làm như vậy hắn đã vô tình đi tìm ý nghĩa cuộc đời. Đã bao lần hắn đi tìm ý nghĩa cuộc đời bằng đủ lối, bằng mọi cách, hắn đã im lặng tìm kiếm trong bao nhiêu sách, trong bao nhiêu tư tưởng. Hắn đã lầm. Từ điển là một quyển sách tầm thường nhất. Sách triết học vẫn được người đời coi là giá trị hơn… Thế mà hắn đã tìm được ý nghĩa cuộc sống trong quyển tự điển tầm thường này. Hắn đã say mê đọc hết 1.500 trang của quyển tự điển. Hắn say mê đọc đi đọc lại nhiều lần. Hắn đọc xong quyển tự điển ấy rồi cuộc đời không còn xuất hiện lạnh lùng dưới đôi mắt hắn trước kia. Bây giờ cuộc đời thu hút hắn với bao nhiêu ý nghĩa; hắn bắt đầu để ý đến mọi sự. Trước kia hắn chỉ để ý một hoặc hai. Giờ đây, hắn để ý đến tất cả. Mọi sự trần gian đều mang một tên. Hắn để ý đến từng tên một như một đứa trẻ để ý từng màu sắc của những con bướm. Khi đọc xong quyển tự điển ấy, hắn tự tìm thấy một đường sống cho hắn. Con đường ấy rất đơn giản: cứ để ý đến tất cả. Lúc hắn biết để ý đến tất cả mọi sự là lúc hắn cảm thấy không còn muốn cô độc nữa, hắn sẽ thấy chung quanh còn muôn vạn sắc lung linh, muôn vạn sự vật khác nhau, muôn vạn chân trời mông lung; đôi mắt hắn sẽ mở ra bao quát vũ trụ, hắn sẽ không còn tự nhốt mình trong vũ trụ giới hạn chật hẹp của tư tưởng bệnh hoạn. Lúc hắn biết để ý đến tất cả là lúc hắn không còn khổ nữa và không còn cô đơn nữa, hắn sẽ không còn than thân trách phận nữa. Như vậy, hắn sẽ tìm được ý nghĩa và vô nghĩa cuộc sống.

Nó ôm tự điển trong tay, bước về phố chợ để tìm chỗ ngồi chờ sáng. Thành phố trở nên im lặng lạ thường. Bây giờ khoảng chừng 3 giờ khuya. Lâu lâu tiếng chó sủa. Rồi vài tiếng guốc khua động trên đường vắng.

Nó ngồi dưới cột đèn. Ánh sáng mờ mờ. Nó ngồi dựa vào cột và giở tự điển ra đọc. Nó đọc tự điển như đọc tiểu thuyết kiếm hiệp.

Nó mới đến thành phố này hồi chiều. Nó đã ngủ ở bãi biển. Bây giờ, nó không cần ngủ nữa. Nó đọc tự điển như đọc thư tình. Vài ba chiếc lá khô rơi trên trang tự điển. Tuổi trẻ nó rơi theo mấy chiếc lá đó. Cả thành phố đang ngủ. Chỉ có một người còn thức với một cuốn tự điển.

Hãy vươn mình lên cao, như chim chóc, như núi đồi, vì con người sinh ra là để chỗi dậy, vươn lên mãi.

Hôm nay chiều Ba mươi tết, tôi bước lang thang vào một nghĩa địa ở Đà Lạt – mộ địa ấy nằm trên một ngọn đồi xa vắng, gió vọng hiu hắt, cỏ may tràn lối đi. Hoàng hôn rồi. Nắng quái lưa thưa mơ hồ. Chiều cuối năm, tất cả mọi người đều muốn bỏ quên thế giới hoang vu này. Có kẻ cũng nhớ, nhưng họ muốn quên đi mọi ý nghĩ đen tối vào những ngày đầu xuân. Còn tôi, mùa xuân này, tôi chẳng biết đi về đâu, vì là một kẻ lông bông… không nhà, không cửa, không gia đình, không quê hương. Lòng buồn mênh mông, tôi muốn đi vào nghĩa địa để cho nỗi buồn ấy mênh mông thêm nữa. Chung quanh tôi là những nấm mồ. Vài ba con chim đậu trên ấy. Một cơn gió nhẹ nhàng. Vài ba chiếc lá rơi thêm. Một cánh hoa anh đào rụng dưới chân tôi. Tôi ngồi xuống bên một nấm mộ đầy cỏ. Tôi nghĩ đến cái chết của mình. Tôi hình dung đến nấm mộ của tôi sau này. Tôi cười. Chưa bao giờ tôi thấy yêu đời như vậy. Suốt đêm, tôi ngồi trong nghĩa địa. Tôi bước ra khỏi nghĩa địa vào lúc sáng sớm như một xác người vừa mới được hồi sinh và bước ra khỏi mộ để trở lại thế giới loài người giữa lúc mùa xuân đang trổ hoa trên lá. Gió buốt lạnh. Tôi ôm chặt quyển tự điển vào lòng, cho ấm.

Từ nghĩa địa đi ra, từ con đường trên đồi cao dẫn đến thành phố, tôi thấy một thế giới loài người thoáng hiện dưới một màu sắc kỳ lạ, thế giới huy hoàng vô cùng, thực ra là đẹp triền miên. Nắng sắp lên. Chưa bao giờ tôi yêu trần gian này đến thế. Tôi tự nói với lòng : « Ngày hôm nay, và cả những ngày sắp đến, bắt đầu niềm thanh bình vô hạn của tâm hồn ».

– Em ơi, hãy trông sang đồi thông. Hoa anh đào nở hồng cả sườn đồi. Đẹp xuống trần.

– Hôm nay nhiều mây trắng quá em nhỉ ?

– Trắng như áo người ta yêu phải không anh ?

3-X-1961

“Trắng như áo người ta yêu phải không anh ?” – Ảnh: Hv

—————————————

Trích tác phẩm “Bay đi những cơn mưa phùn” của Phạm Công Thiện, Hương Tích được ủy quyền ấn hành tại Việt Nam lần đầu tiên sau bản in đầu, Sài Gòn 1970. Sách ra mắt nửa sau tháng 7/2022).
* Độc giả quan tâm có thể đặt sách tại: https://sachhuongtich.com/bay-di-nhung-con-mua-phun-pham-cong-thien, Thư quán Huongtich cùng các nhà sách khác.


(*) Tựa của Hương Tích.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận