Bà Mẹ lưu đày

(Vu Lan, đọc thơ về Mẹ của Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)

Hôm đó là ngày 25 tháng 2, 1982, lúc 9 giờ 30 sáng, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) bị trục xuất khỏi Sài Gòn.

Ngay sau khi lịnh trục xuất do ông Lê Quang Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố ký, được đọc xong, bốn công an võ trang áp giải hòa thượng ra xe đi Thái Bình. Khi bị triệu tập đến Sở Công An thành phố hòa thượng nghĩ mình sẽ lại phải trở vào tù. Nhưng không, lần này là lưu đày. Quá bất ngờ, hòa thượng không chuẩn bị gì cho chuyến lưu đày về quê hương.

Nơi hòa thượng đến là chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Mẹ của hòa thượng cũng bị lưu đày về đó nhưng không đi cùng chuyến xe như một vài nguồn tin đã viết. Mẹ  gặp con dưới mái nhà lợp rạ bên vách tường vôi loang lỗ phía sau chùa Long Khánh.

Nhà Hán học Nguyễn Tiến Đoàn đến tìm Thầy để hỏi nghĩa của chữ Satori trong tác phẩm “Thiền học” của Suzuki đã mô tả nơi hòa thượng và mẹ sống năm 1982: “Nhiều loài rêu mọc trên những viên gạch lát, rêu chân tường, rêu mái ngói như những hoa văn tuyệt hảo của họa sĩ bậc thầy trang trí cho ngôi chùa thêm vẻ trầm tư. Con đường dẫn vào sân sau nơi có căn nhà rạ cũ ba gian hai chái và nhà bếp. Tôi dựa xe đứng ngơ ngẩn một lát chẳng thấy bóng người.”

Và từ nơi đó, những năm tháng theo sau, một tăng sĩ 54 tuổi bị tước hết mọi quyền làm người chăm sóc bà mẹ già hơn 80 tuổi không biết tại sao mình phải lưu đày. Mẹ và con  sống trong thiếu thốn,  đói khổ, xa cách mọi người.

Nhưng với tư cách và lòng tự trọng của một bậc lãnh đạo tinh thần nhiều triệu Phật giáo đồ Việt Nam, hòa thượng không thấy cần phải mô tả một cách chi tiết hay than van về đời sống cháo rau khoai sắn của mình.

Đạo tâm kiên cố đã giữ chiếc lưng của hòa thượng không hề cong xuống trước nghịch cảnh. Hòa thượng vẫn bước từng bước thẳng như những ngày Thầy bước xuống xe lam, đi bộ ngang qua chiếc sân rộng để vào dạy các lớp Phật Khoa trên lầu ba của đại học Vạn Hạnh. Thầy dáng cao, vầng trán rộng và miệng mỉm cười.

Thấm nhuần tư tưởng đến là đi, có là không của đạo Phật, hòa thượng vẫn an nhiên trước mọi biến động và thử thách. Biệt giam ở trại tù Phan Đăng Lưu hay sống đói khát ở Vũ Đoài không làm hòa thượng than vãn với ai.

Dù Thầy không viết lại, không kể lại, chúng ta cũng có thể  hình dung được những khó khăn của Thầy ở Thái Bình trong thời kỳ cả nước đều đói khát.  Ngoài các vấn đề tự do tôn giáo được Thầy bàn nghiêm túc,  phần lớn những câu chuyện Thầy kể  là chuyện vui cười. Nước mắt chỉ đọng lại trong thơ khi mẹ hòa thượng qua đời.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ xuất gia năm 14 tuổi. Thầy rời nếp sống gia đình nhưng không có nghĩa là đoạn tuyệt với gia đình. Trên con đường còn rất xa dẫn đến bờ giác,  Thầy vẫn còn là một con người với tất cả gánh nặng trên vai và cần tình thương để sống. Mẹ là biểu tượng của tình thương và dòng suối đó vẫn êm đềm chảy.

Sự gần gũi với mẹ bị gián đoạn khi Thầy rời quê hương du học ở Tích Lan và Ấn Độ năm 1952. Khi trở lại Việt Nam, Thầy đến miền Nam chứ không ra miền Bắc nên cũng không gặp lại mẹ.

Những bài thơ hòa thượng viết về mẹ vào những năm xa mẹ:

DÂNG MẸ

Bao năm rồi con lưu lạc ngàn phương,
Con nhớ mẹ suốt canh trường khắc khoải,
Ơn dưỡng dục mẹ ôi ! Sao xiết kể,
Công sinh thành con nghĩ : quặn lòng đau.

Gốc mai già xơ xác đã từ lâu,
Chơ vơ đứng giữa đường đời gió lộng.
Dòng sông chảy : ấy đời con trong mộng,
Lững lờ trôi…, trôi mãi đến bao giờ?
Có những đêm con thiêm thiếp trong mơ,
Con mơ thấy hồn con về thăm mẹ.
Được ấp ủ trong tình thương của mẹ,
Mảnh hồn con ấm dịu biết bao nhiêu?
Bốn phương trời con tìm kiếm đã nhiều,
Nhưng không có một tình yêu của mẹ.
Vu lan đến cõi lòng con quạnh quẽ,
Bóng người xưa như phảng phất đâu đây.
Một chiều thu lạnh dâng bát cơm đầy,
Tình nghĩa ấy, mẹ ôi! bao thấm thía.
Phương trời này con ngậm ngùi rơi lệ,
Đức cù lao muôn một trả chưa xong.
(Mùa Vu lan Quý Mão, 1963)

XUÂN NHỚ MẸ

Mỗi lần xuân đến gợi thêm sầu
Con ở phương này Mẹ ở đâu
Nam Bắc đôi bờ dòng nước bạc
Trông vời bóng Mẹ khuất ngàn dâu

Con đi từ độ trăng tròn ấy
Trải mấy xuân rồi xuân viễn phương
Trên vạn nẻo đường con cất bước
Cõi lòng vương nặng mối sầu thương

Mái đầu Mẹ nhuộm mầu sương tuyết
Chồng chất đôi vai lớp tuổi đời
Con muốn thời gian ngừng đọng lại
Cho mùa xuân Mẹ mãi xanh tươi

Thời gian vẫn cứ lạnh lùng trôi
Hoa úa tàn phai trái chín mồi
Chua xót lòng con niềm hiếu đạo
Chân trời xa cách lệ tuôn rơi.
(Giáp Thìn, 1964)

LẠY MẸ

Hơn hai mươi bảy năm trời cách biệt
Mắt Mẹ đã mờ vì nhớ thương con
Mẹ trông chờ bao ngày tháng mỏi mòn
Nhưng chỉ thấy mây bay và gió thoảng

Mẹ có ngờ đâu đời con phiêu lãng
Như cánh chim trời xiêu bạt bốn phương
Để giờ đây trong cảnh ngộ đau thương
Cảnh tù ngục tối tăm và buồn thảm

Con hối hận từ đáy sâu tâm khảm
Đạo thần hôn đã lỗi phận làm con
Tám mươi tuổi Mẹ có còn mạnh khỏe
Hay hạc vàng đã cất cánh bay cao

Cứ đêm đêm theo dõi những vì sao
Nhìn Bắc đẩu con tuôn trào nước mắt
Con quỳ xuống chắp hai tay trước ngực:
“Lạy Đức Từ Bi cứu độ Mẫu thân
Cõi Sa bà khi Mẹ đã mãn phần
Cảnh Cực Lạc là quê hương An Dưỡng”

Lòng chí thành nguyện cầu trong tâm tưởng
Tháng năm dài con chỉ biết thế thôi
Nghĩa thù ân chua xót lắm Mẹ ôi
Con lạy Mẹ trăm nghìn muôn ức lạy!

Sa Môn Thích Quảng Độ.

Người viết chỉ là một giọt nước đọng trên cành đời nên không dám bình dòng sông thơ bát ngát của Thầy. Chỉ xin chép ra đây để độc giả đọc và cảm thông với hành trạng mà hòa thượng đã trải qua.  Mà cho dù có bình, có phân tích cũng không nói hết được tâm tư sâu lắng của Thầy. Hãy âm thầm suy niệm từ trái tim mình như hòa thượng, vì không được phép đọc sách, đã đọc “Vô Ngôn Thư” (Sách trong Thiên nhiên, trong Tự nhiên, trong Cảnh ngộ, trong Suy tưởng) suốt nhiều năm ở Thái Bình.

Như chiếc lá cuối mùa, một cơn gió thổi qua cũng làm cho chiếc lá chao nghiêng nói chi là cái rét của mùa đông miền Bắc. Mẹ của hòa thượng không chịu đựng nỗi đói khát và giá rét nên một ngày mùa đông chiếc lá khô kia đã rơi xuống trong sân chùa Long Khánh, xã Vũ Đoài. Hòa thượng viết bài thơ Nguyện Cầu trong đêm mẹ “chết trong lưu đày”:

NGUYỆN CẦU

Hỡi trời cao đất dày
Có thấu cho cảnh này
Mẹ tôi tội tình gì
Phải chết trong lưu đày

Trong cô đơn hiu quạnh
Trong buồn tủi đắng cay
Thôi cõi đời ác độc
Mẹ vĩnh biệt từ đây

Con nguyện cầu hồn Mẹ
Vãng sinh về phương Tây
Phật Di Đà tiếp dẫn
Chư Bồ Tát dìu tay

Trong hoa sen tinh khiết
Hồn Mẹ hóa sinh ngay
Vòng luân hồi chấm dứt
Vĩnh viễn được yên vui.
(Đêm 14 tháng 12 Ất Sửu23 tháng 1 năm 1985)

Tết Bính Dần 1985 là Tết mồ côi của hòa thượng Thích Quảng Độ. Hòa thượng viết bài thơ mang ý nghĩa vô thường nhưng vô cùng đau xót dưới đây vào ngày Mùng Một Tết:

MẤT CẢ CUỘC ĐỜI

Xuân này tôi mất Mẹ rồi
Cũng là mất cả cuộc đời còn chi
Từ nay đoạn đường tôi đi
Qua hàng thông lạnh gió vi vu sầu

Một mình lặng lẽ cúi đầu
Quanh tôi tất cả nhuộm màu tóc tang
Bước đi nghĩa địa lan man
Chết rồi hay sống điêu tàn như nhau.
(Sáng mồng một Tết Bính Dần, 1985, ra thắp hương ngoài mộ)

Trong tình thương của mẹ, mọi người con đều là trẻ thơ. Hòa thượng cũng thế. Một mình một bóng trong nghĩa trang buồn ngày mùng một Tết. Từ nay, chỉ còn Thầy và hàng thông reo vi vu.

Trong thư gởi Đỗ Mười ngày 19 tháng 8 năm 1994, hòa thượng chỉ tóm tắt một dòng: “mẹ tôi đã chết một cách thê thảm vào ngày 14 tháng 12 năm Ất-Sửu (tháng 1 năm 1985) vì quá thiếu thốn và rét mướt.”

Một câu ngắn ngủi thôi nhưng chứa đựng cả một trời nước mắt và  cơn mưa nước mắt đó sẽ không ngừng rơi cho đến ngày dân tộc Việt Nam được đoàn viên thật sự. Bởi vì, mẹ không chỉ là mẹ của Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ mà còn là biểu tượng cho sự chịu đựng vô bờ bến của mẹ Việt Nam, bà mẹ lưu đày.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Mùa Vu Lan 2022

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận