VĂN BẢN BÀI THƠ VIẾNG PHÁP LOA CỦA TRẦN MINH TÔNG

Năm 1330, Pháp Loa viên tịch, thọ 47 tuổi. Sự nghiệp của ông gắn liền với lịch sử Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử – Việt Nam. Nếu Nhân Tông là người khơi dậy sự phát triển và định lập tông phong Trúc Lâm, thì Pháp Loa chính là người chấp pháp và hoằng dương quang đại. Trong ba vị tổ Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, thì Nhân Tông như người kiến lập, định hình từ chính trị đến tôn giáo, mở rộng ảnh hưởng đạo pháp; còn người chấp sự, triển khai sự việc có thể nói hoàn toàn dưới bàn tay Pháp Loa và các đệ tử của ông. Pháp Loa viên tịch, đệ tử tăng tục phúng viếng rất nhiều, trong đấy có bài thơ vãn tôn giả Pháp Loa của Trần Minh Tông. Tuy nhiên, đến nay, vấn đề văn bản của tác phẩm đã trải qua nhiều dị biệt. Chúng tôi đã xem xét qua các văn bản như Thanh Mai Viên Thông tháp bi (gọi tắt Thanh Mai)[1], Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí (gọi tắt Tổ bi)[2], Tam tổ thực lục (viết tắt TTTL) phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục (gọi tắt Thực lục)[3], Việt âm thi tập (viết tắt VATT)[4], Toàn Việt thi lục (viết tắt TVTL)[5], Hoàng Việt thi tuyển (viết tắt HVTT)[6] là các bản Hán văn thời Trung đại có chép bài thơ này, cùng với phần dịch của Tạp chí Nam Phong[7], Thơ văn Lý Trần[8], Tổng tập Văn học Việt Nam tập 2[9] cũng như nhiều tác phẩm liên quan văn học trung đại ngày nay để tìm ra sự dị biệt giữa các bản sưu tập cũng như nguyên do dẫn đến sự dị biệt đó. Đồng thời, chúng tôi khẳng định văn bản gốc của bài thơ là bản Thanh Mai có niên đại 1362 trên văn bia chùa Thanh Mai còn rõ ràng đầy đủ. Tuy nhiên, để làm rõ các vấn đề đó, chúng tôi tiến hành từng bước nghiên cứu so sánh và luận thuật như bên dưới.

[1] Thanh Mai Viên Thông tháp bi, viết tắt Thanh Mai, là văn bia tại chùa Thanh Mai trên núi Thanh Mai xã Hoàng Hoa Thám, huyện chí Linh, tỉnh Hải Dương. Văn bia có nội dung về cuộc đời của Pháp Loa, cơ bản tương tự với phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục trong Tam tổ thực lục cũng như Đệ nhị đại tổ bi.

[2] Đệ nhị đại tổ bi, viết tắt Tổ bi, là văn bia có nội dung tương tự với bia Thanh Mai cũng như Thực lục. Tổ bi, chúng tôi dùng thác bản kí hiệu 13507 – 13510, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bia Tổ bi chùa Hương Hải trước thuộc thôn Tiền Trung tổng An Điền phủ Nam Sách, nay là chùa Hương Hải, thôn Tiền Hải, xã Ái Quốc – TP. Hải Dương.

[3] Tam tổ thực lục phần Đệ nhị tổ niên phả thực lục: chúng tôi viết tắt Tam tổ thực lục TTTL, và Đệ nhị tổ niên phả thực lụcThực lục. TTTL, chúng tôi dùng bản A.568 lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Văn bản cổ nhất tìm thấy hiện nay, theo bài tựa thì do Tính Quảng Thích Điều Điều và Tính Lượng san khắc vào niên hiệu Cảnh Hưng (1764). Lời tựa văn bản cho biết đã dựa vào nội dung Tam tổ ngữ lục cũng như văn bản văn bia chùa Hương Hải. Chúng tôi cho rằng văn bia chùa Hương Hải chính là Tổ bi. Ngoài ra, chúng tôi tham khảo bản in của Việt Nam Phật điển tùng san cũng như các bản in khác.

[4] Việt âm thi tập, viết tắt VATT, kí hiệu A.1925 Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Tác phẩm do Phan Phu Tiên và Chu Xa biên tập, được coi là tác phẩm khai sinh cho loại hình sưu tập thơ văn của các tác gia Việt Nam thời Trung đại. Nó mở đầu cho nhiều tác phẩm về sau như: Trích Diễm thi tập, Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển

[5] Toàn Việt thi lục, viết tắt TVTL, kí hiệu A.132, do Lê Quý Đôn (1726 – 1784) biên soạn thời Lê.

[6] Hoàng Việt thi tuyển, viết tắt HVTT, kí hiệu: A.3162/1-12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hoặc tham khảo thêm kí hiệu R968, Thư viện Quốc gia Việt Nam. Sách do Bùi Huy Bích biên soạn, một tác gia lớn biên tập và soạn tiểu dẫn năm 1788 thời Lê.

[7] Tạp chí Nam Phong, số 114, 1927, tr. 50, bản điện tử.

[8] Thơ văn Lý Trần tập 2, Nxb. KHXH, HN, 1988.

[9] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 2, Nxb. KHXH, HN, 2000.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận