PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ VÙNG ĐẤT VÀNG
Năm 2012, tôi đến Thái Lan thăm một người bạn đồng tu, chuyến bay đáp xuống sân bay Quốc tế Suvarnabhumi, sân bay này nằm ở tỉnh Samut Prakan, cách trung tâm Bangkok 25 km về phía đông. Khi ấy, bạn tôi giải thích sơ, Suvarnabhumi, có nghĩa là vùng Đất vàng, do vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej đặt cho, cái tên này liên quan đến lịch sử Phật giáo truyền đến Thái Lan v.v. Câu chuyện và danh từ Suvarnabhumi không lôi cuốn tôi lắm, có lẽ lúc này do trình độ học thuật của tôi, hay bản thân nghĩ rằng nó không liên quan đến mình… rồi mọi thứ bẵng đi. Đến năm 2017, thầy Tuệ Sỹ an cư ở Nha Trang, thầy dạy tôi nghiên cứu về dòng truyền thừa Luật tông từ Ấn-độ đến Việt Nam, thật sự đó là một tăng thượng duyên tốt để tôi tìm lại cội nguồn “vùng Đất vàng” này.
1. Giáo đoàn truyền giáo và vùng đất suvaṇṇabhūmi:
Theo thầy Lê Mạnh Thát chứng minh, Phật giáo du nhập Việt Nam vào thế kỷ thứ 2-3 trước Tây lịch, thông qua hình ảnh nhà sư Phật Quang người Ấn-độ, truyền tam quy cho Chữ Đồng Tử và Tiên Dung tại núi Quỳnh Viên, cửa Nam Giới (cửa Sót giáp giới với Chiêm Thành), thời Hùng Nghị vương thứ nhất hoặc thứ hai. Thời gian này trùng hợp với sự kiện vua A-dục (Aśoka) sai phái 9 giáo đoàn đến các nước xung quanh và những vùng đất xa xôi truyền đạo vào năm 247-232 trước Tây lịch. Trong đó giáo đoàn thứ 8, Soṇa (Sonaka) và Uttara truyền đến Suvaṇṇabhūmi; nơi đây hầu như các nhà Phật học, sử học và khảo cổ nghi ngờ thuộc vùng Đông Nam Á hay Đông Dương nhưng chưa biết rõ ở đâu. Do đó mà các nước Phật giáo nằm trong khu vực như Thái-lan, Miến-điện, Việt Nam v.v… đều tin tưởng rằng Phật giáo du nhập vào quê hương mình sớm nhất là do giáo đoàn Soṇa truyền đến, hoặc ảnh hưởng gián tiếp. Tuy nhiên, vị trí địa lý của vùng đất lẫn câu chuyện truyền đạo vẫn là đề tài tranh cãi giữa các nhà nghiên cứu Đông-Tây, chưa có hồi kết luận. Để xác minh lai lịch nhà sư Phật Quang bắt buộc chúng ta nghiên cứu lại lịch sử công cuộc truyền đạo của giáo đoàn Soṇa và vùng đất Suvaṇṇabhūmi.
2. Sự tồn tại của vùng đất Suvaṇṇabhūmi:
Suvaṇṇabhūmi là viết theo ngôn ngữ Pāli, Phạn ngữ (Sanskrit) viết “Suvarṇabhūmi”; Suvaṇṇa dịch là vàng, màu vàng, bhūmi dịch là đất, nghĩa là vùng Đất vàng. Theo Majumdar giải thích, vùng Đất vàng hay “Suvarṇadvīpa” dịch là Đảo vàng, cả hai từ này chỉ cho các quốc gia trên biển, đã quen thuộc với người Ấn từ xa xưa. Chúng xuất hiện trong các câu chuyện cổ xưa, được lưu giữ trong Jātakas, Kathākośa, Bṛhatkathā và chủ yếu là các tác phẩm văn học Phật giáo. Trong Jātaka kể câu chuyện, hoàng tử Mahājanaka mong giàu có nên cùng một số thương nhân đi thuyền đến Suvarṇabhūmi, hoặc đề cập đến một chuyến đi biển từ Bharukaccha đến Suvarṇabhūmi vân vân. Đồng thời tên tuổi và sự nổi tiếng của vùng Đất vàng (Suvarṇabhūmi) và Đảo vàng (Suvarṇadvīpa) đã vượt xa ranh giới của Ấn-độ, chúng liên quan đến cả tác phẩm tiếng Hy-lạp, Latin, Ả-rập (Arabic), Trung Quốc. Majumdar nói thuật ngữ “bhūmi” ghép trong “Suvarṇabhūmi” là chỉ chung cho đất liền hoặc lãnh thổ; còn “dvīpa” chỉ một hòn đảo hay một bán đảo. Cũng từ ý nghĩa liên hệ hòn Đảo vàng mà nhiều học giả hay người Indonesia chứng minh đảo Sumatra một trong những quần đảo Sunda thuộc miền Tây Indonesia ngày nay là Đảo vàng, hay vùng Đất vàng (Suvaṇṇabhūmi), với lý do nơi này có các mỏ vàng nằm ở vùng cao nguyên trên đảo. Đến thế kỷ thứ 7, Nghĩa Tịnh người Trung Quốc, sang Tây trúc cầu học, có ghé hòn đảo này truy tìm Luật tạng, ông gọi hòn đảo này là Kim châu (金洲) tức Đảo vàng. Trong tập hồi ký, Nghĩa Tịnh có ghi lại rằng: “Ngày mùng 1 tháng 11 năm đó (689), theo thuyền buôn rời khỏi Phiên Ngung (phía Nam tỉnh Quảng Đông Trung Quốc), nhìn hướng Chiêm-ba (Champa, Chiêm thành) giương buồm thẳng tiến Phật-thệ…. Đến Kim châu.”
Nước Phật-thệ (佛逝) mà sư Nghĩa Tịnh nhắc đến chính địa danh Śrī-Vijaya (Srivijaya), thuộc vùng đảo Sumatra. Đó là trung tâm Phật giáo thịnh hành một thời từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 12. Nhưng người Miến-điện (Myanmar) lại nói vùng Suddhammapura hoặc Thaton cổ đại là vị trí của vùng Đất vàng. Thái Lan cũng tuyên bố điều tương tự khi trích dẫn các di tích khảo cổ học được tìm thấy ở Nakhon Pathom và xung quanh. Tháng 12 năm 2017, Tiến sĩ Vong Sotheara (Đại học Hoàng gia Phnom Penh) phát hiện ra một bản khắc trên đá Tiền Angkor ở tỉnh Kampong Speu, Quận Baset, ông xác định niên đại vào năm 633 sau Tl., theo ông, dòng chữ làm sáng tỏ vị trí của vương quốc huyền thoại và chứng minh rằng vùng Đất vàng (Suvarṇabhūmi) là Đế chế của Khmer (Campuchia).
Tuy nhiên, các học giả khác nghĩ rằng vùng Đất vàng là tên gọi chung, hay tên gọi mơ hồ cho một khu vực rộng lớn, nằm ở phía Đông của tiểu lục địa Ấn-độ. Ví dụ, Sylvain Lévi cho rằng thuật ngữ “Suvarṇabhūmi” được coi là một định hướng — trong trường hợp này là “phía Đông”, chứ không phải là một khu vực. Hoặc trong Đại nghĩa thích (Mahāniddesa 大義釋, I. 155) có đoạn dẫn: “Họ ra khơi… đi đến Suvaṇṇabhūmi.” (nāvāya mahāsamuddaṃ pakkhandati […] suvaṇṇabhūmiṃ gacchati); nghĩa là địa điểm đó phải đạt được bằng đường biển.
Tóm lại, phần lớn các học giả đều khẳng định vùng Đất vàng là chỉ cho vùng Viễn Đông như Majumdar nói, ông cho rằng sự kết nối lãnh thổ Ấn-độ với vùng Viễn Đông thông qua hoạt động buôn bán thương mại, hay các hoàng tử Kṣatriya mạo hiểm vượt biển tìm kiếm tài sản, hoặc các nhà sư riêng lẻ theo thương thuyền đi truyền giáo… Rhys Davids cũng khoanh vùng địa lý tương tự, ông nói nhà nước do người Mon (Miến-điện) kiến lập kéo dài từ miền Đông Miến-điện chạy dài đến tận Việt Nam, và từ miền Nam Miến-điện chạy xuống tận Malaysia, đều gọi là vùng Đất vàng (Kim địa 金地), tức là bán đảo Trung-Ấn sau này, bao quát cả Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái, Malaysia v.v… ngày nay.
Như vậy nếu vùng Đất vàng chỉ cho vùng Viễn Đông hay Đông Nam Á thì giáo đoàn truyền giáo của Soṇa và Uttara đã dừng chân tại đâu? Chúng ta thảo luận sơ lược lại câu chuyện này.
3. Các nhà sư đến vùng Đất vàng qua sử liệu:
Nguồn sử liệu sớm nhất viết về câu chuyện giáo đoàn Soṇa đến vùng Đất vàng truyền giáo là Đảo sử (Dīpavaṃsa, ch. VIII) và Đại sử (Mahāvaṃsa, ch. XII) của biên niên sử Tích-lan. Bộ Đảo sử, theo các học giả cho rằng do Tăng ni tu viện Mahavihara của Tích-lan biên soạn vào thế kỷ thứ 3, thứ 4 Tl. Bộ Đại sử, tương truyền do nhà sư Mahānāma viết vào thế kỷ thứ 5, thứ 6 Tl. Theo Đại sử chúng tôi tóm tắt ý chính lại như sau: Trưởng lão Soṇa dùng thần thông, cùng trưởng lão Uttara đi đến Suvaṇṇabhūmi. Đến đây, sau khi trưởng lão điều phục được nữ Dạ-xoa (yakkha) dưới biển, ngài giảng kinh Phạm võng (Brahmajāla Sutta) cho đại chúng nghe. Có nhiều người quy y Tam bảo, giữ năm giới; 60.000 người cải chánh theo pháp, độ 3.500 người con trai và 1.500 người con gái thuộc gia đình quý tộc xuất gia v.v. Đảo sử thì chỉ viết ngắn gọn: Sau khi đi đến Suvaṇṇabhūmi, Soṇa và Uttara dùng đại thần lực nhiếp phục lũ ác thần và đã giải cứu nhiều người khỏi sự giam cầm.
Cả hai bộ lịch sử kể trên không nói gì về vị trí vùng Đất vàng. Sau đó, từ thế kỷ thứ 15 trở đi, người Mon Miến-điện và miền bắc Thái-lan mới phỏng theo truyền thuyết trong biên niên sử Tích-lan, biên soạn lại, thêm thắt chi tiết có 3 nhà sư đi cùng giáo đoàn của Soṇa. Theo sử Miến-điện ghi tên ba người: Aniruddha, Tissakutta và Somarasa; nói rằng họ đến vùng Đất vàng chính là địa phương Thaton, ở Hạ Miến-điện ngày nay, nằm cách bờ biển khoảng mười bảy dặm trong đất liền, và lan truyền niềm tin Soṇa và Uttara đã viên tịch ở đó. Lịch sử Thái Lan viết ba vị sư đi cùng là Phra Chaniya, Phra Phuriya và Phra Muniya, khẳng định vùng Đất vàng thuộc tỉnh Nakhon Pathom, khu vực miền Trung Thái Lan ngày nay, là vương quốc Dvāravatı̄ của người Mon cai trị cổ đại; và cho rằng xá-lợi của trưởng lão Soṇa được lưu giữ trong một chùa Wat Si Mahathat nào đó ở Lavo (Lopburi).
Từ lâu nay đối với vấn đề này, đại diện cho nền học thuật hiện đại phân thành hai nhóm, nhóm không đồng thuận và nhóm đồng thuận.
Nhóm thứ nhất phản bác câu chuyện trên, như Étienne Lamotte; ông nói rằng, truyền thuyết trên chỉ là thần thoại của biên niên sử Tích-lan (Sinhalese), vì sứ mệnh đó không có trong bia ký hay sắc lệnh của vua A-dục. Prapod thì giải trình câu chuyện bài kinh Phạm võng được giảng ở Suvaṇṇabhūmi. Ông cho đó là một văn bản mang tính lý thuyết cao và khó, hoàn toàn không phù hợp cho người mới bắt đầu. Và lý luận, nơi vùng đất xa lạ, tức chỉ cho vùng biên địa mà truyền giới cụ túc (upasampadā) chỉ có hai thành viên là không đúng luật, tối thiểu là phải năm tỳ-kheo v.v. Ý của Prapod không bàn đến tên ba nhà sư mà Miến-điện và Thái-lan thêm vào sau này. Hoặc học giả Nicolas Revire chỉ trích Thái Lan và Miến-điện, nói hai quốc gia này vay mượn lịch sử Suvaṇṇabhūmi với mục đích chính trị và chủ nghĩa dân tộc. Ông biện chứng trong bài viết của mình là giáo đoàn Soṇa và Uttara được gửi đến nơi nào đó ở Đông Nam Á vào thế kỷ thứ 3 trước Tl. hoàn toàn không có thật. … Những học giả khác cũng nói, ngoài câu chuyện Soṇa và Uttara thì không có bằng chứng nào khác về sự phát triển của Phật giáo tại Miến-điện trước thế kỷ thứ 5; hay dựa vào khảo cổ phát hiện tại Pong Tuk và Phra Pathom, gồm những đồ cấu trúc tôn giáo, tượng Phật, đồ đất nung có chữ khắc v.v… thuộc thế kỷ thứ 1 hoặc thứ 2, họ kết luận Phật giáo phát triển tại Xiêm (Thái-lan) có sớm nhất cũng khoảng thời gian đó.
Nhóm thứ hai, tức nhóm học giả chứng minh vùng Đất vàng có thật như chúng tôi đã dẫn ở trên, thì chính họ cũng là những người gợi ý cho việc khả nghi về dấu chân truyền giáo của các nhà sư đi đến vùng Đông Nam Á dưới thời A-dục (Aśoka) có thật. Như Erich Frauwallner, ông lập luận: dù sắc lệnh của vua A-dục và sử liệu Tích-lan có chỗ mâu thuẫn nhưng nhất quán một điểm là vua A-dục cử các nhà sư đến các nước truyền giáo là có thật, coi như trong văn khắc của vua A-dục chứng thực cho sự kiện truyền giáo trong biên niên sử Tích-lan. Ông đoán định khu vực truyền giáo về phương Đông không thấy nhắc đến trong sắc lệnh của A-dục nhưng có thể xảy ra, và khẳng định lãnh thổ mà Soṇa giáo hóa là vùng đất “Ấn-độ mở rộng” (Farther [Further] India), có lẽ phương tiện hành trình đi về vùng đất ấy bằng đường hàng hải, thông qua bến cảng Bharukaccha (Bharuch). Hoặc như Majumdar nói ở trên, các nhà sư riêng lẻ đi theo thương thuyền. Ông nói việc phái đoàn Phật giáo đến Suvaṇṇabhūmi vào thời A-dục liệu có thật hay không vẫn là vấn đề còn tranh cãi. Nhưng trong mọi trường hợp, nếu đúng, chúng sẽ tạo thành ngoại lệ duy nhất, và con đường được mở ra bởi những người buôn bán.
4. Nhà sư Phật Quang:
Đến đây chúng ta kết luận, nhà sư Phật Quang đến Việt Nam có lẽ thông qua con đường hàng hải. Sử gia Lê Mạnh Thát đã chứng minh, vào những thế kỷ trước và sau Dương lịch, Trung Quốc cùng các nước khác bang giao với nhau về chính trị lẫn buôn bán bằng con đường biển mà phải thông qua Việt Nam. Lúc ấy, Trung Quốc gọi một trong những nước Ấn-độ là Hoàng Chi. Paul Pelliot cũng nói, thời Tần Thủy Hoàng thế kỷ thứ 3 trước Tl., Bắc Kỳ-Việt Nam phần phía Bắc đã hình thành nên nhà Tiền Hán (206 trước Tl.) và Hậu Hán (25-220 sau Tl.), từ ba đạo Giao chỉ (Kiao-tche 交阯, vùng Hà Nội), Cửu Chân (九眞, vùng Thanh Hóa) và Nhật Nam (日南, vùng Quảng Bỉnh?). Vào đầu công nguyên các mối quan hệ thương mại hoặc chính trị đã được thiết lập đều đặn giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng biển phương Nam, trong đó Giao Chỉ, Bắc Kỳ là điểm đến cuối cùng của các thương thuyền. Và đoán định, nhà sư Phật Quang thuộc Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ, Tăng lữ bộ phái này luôn tham gia di cư với đoàn buôn trên biển. Frauwallner nói rằng, giáo đoàn này ở Mathurā, họ không thuộc giáo đoàn truyền giáo của vua A-dục (Aśoka), họ xuất hiện khá sớm, sớm hơn triều đại hoàng đế Aśoka.
Tâm Nhãn
Tài liệu tham chiếu:
– E. Frauwallner, The Earliest Vinaya and the Beginnings of Buddhist Literature, Roma Is. M. E. O. 1956.
– Lê Mạnh Thát, Lịch sử Phật giáo Việt Nam (LSPGVN) 1, Huế – 1999, p. 19-25.
– Cf. R. C. Majumdar, Ancient Indian Colonies in the Far East, Vol. II, Suvarnadvipa, Calcutta, Modern Publishing Syndicate, 1937, Chapter IV, Suvarnadvipa, pp. 37-64.
– 大唐西域求法高僧傳 2, T51n2066, p. 11b20-c5.
根本說一切有部毘奈耶出家事 – T23n1444, p. 1020b11-1041a21. Bản Hán thiếu đoạn truyện kể trên. Phạn: MSV. Mūlasarvātivādavinayavastu, vol. II, edited by Dr. S. Bagchi, Darbhanga, 1970. Bản Tây Tạng: Tibetan Buddhist Resource Center, TBRC Volume number: 886, TBRC Work number (W): 22084 – current volume 1. |rab tu byung ba’i gzhi- |(a) gZhi.21-2614|- (b) sDe-dge |’dul ba ka 2a1-131a4|.
– 东南亚佛教史 (泰文), 佛轮 – 月刊 第20 卷.
– M. Paul Pelliot, Deux itinéraires de Chine en Inde à la fin du VIIIe siècle, 1904, p. 132.
– Cf. Nicolas Revire (manuscript), Facts and Fiction: The Myth of Suvaṇṇabhūmi through the Thai and Burmese looking glass (researchgate.net – pdf), p. 168.
– 根本說一切有部毘奈耶藥事 2-3, T24n1448, p. 7c7-10a09, p. 10a17-11b29.
– v.v…