TƯỞNG NHỚ THẦY TUỆ SỸ
Nguyễn Đại Hoàng
Ảnh- Nguyễn Đại Hoàng trao đổi với nhạc sỹ Vũ Ngọc Giao về thầy Tuệ Sỹ và thầy Trúc Thiên- nhân lễ ra mắt Quán Văn số 109 sáng 1 tháng 12 năm 2024 – tại Sài Gòn.
***
1. Vâng. Đó là bài thơ TỰ THUẬT trong tập thơ Ngục Trung Mị Ngữ gồm 18 bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sỹ (1945-2023).
Nguyên tác chữ Hán xem tại đây:
Source: [ https://tuesy.net/tu-thuat/ ]
自述
三十年前學苦空
經函堆絫暗西窗
春花不顧春光老
翠竹斜飛翠夢魂
荏苒長眉垂壞案
蹉跎素髮絆殘風
一朝撒手懸崖下
始把真空對墜紅
Tập thơ này thầy viết trong giai đoạn từ 1978 đến 1981, nghĩa là đã hơn 40 năm. Về sau nhiều nhà xuất bản trong nước và ngoài nước dịch ra tiếng Việt, in thành ấn phẩm và phát hành.
Có một điều cần lưu ý là, cho dù những bản dịch bài thơ Tự Thuật có thể ít nhiều khác nhau, nhưng hầu như tất cả dịch giả đều bắt đầu từ MỘT BẢN PHIÊN ÂM DUY NHẤT tính cho đến nay, bản phiên âm đó xem tại đây:
Source: [ https://tuesy.net/tu-thuat/ ]
TỰ THUẬT
Tam thập niên tiền học khổ không
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân hoa bất cố xuân quang lão
TÚY trúc tà phi TÚY mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
TA ĐÀ tố phát bạn tàn phong
Nhất triêu CƯỚC LẠC huyền nhai hạ
Thủy bá chân không đối TỊCH HỒNG
Với một bản dịch tiếng Việt là một trong những bản dịch phổ biến hiện nay- bản dịch đó xem tại đây:
Source: [ https://tangthuphathoc.net/tu-thuat/ ]
TỰ THUẬT
Ba mươi năm trước học Khổ Không
Kinh điển đôi chồng che cửa song
Xuân xanh không đoái xuân già cỗi
Trúc biếc tà bay ngát mộng lòng
Thấm thoát mi dài buông án cũ
La đà tóc bạc nửa tàn phong
Một sớm HỤT CHÂN rơi vách núi
Mới thấy Chơn Không đối Tịch Hồng
Nguồn này không ghi rõ tên dịch giả, dường như là của một dịch giả tên Nhất Uyên.
2.
Vấn đề trước hết nằm ở câu thơ thứ 7 của bản dịch:
Một sớm HỤT CHÂN rơi vách núi
Câu thơ này khiến tôi cứ suy nghĩ mãi! Hai chữ HỤT CHÂN có lẽ dịch giả căn cứ vào hai chữ CƯỚC LẠC trong bản phiên âm.
Thế nhưng câu thơ thứ 7 trong nguyên tác làm gì có hai chữ CƯỚC LẠC ?
一朝撒手懸崖下
Cụ thể hơn: hai chữ 撒手 không thể phiên âm là CƯỚC LẠC, mà chính xác phải là TÁT THỦ- có nghĩa là BUÔNG TAY!
Từ những nghi vấn này tôi mới so sánh lại trọn vẹn bản nguyên tác và bản phiên âm nói trên, và tất cả đã thể hiện rõ một điều:
-Bản phiên âm có một ĐỘ LỆCH LỚN so với nguyên tác!
Bởi vậy bản dịch sinh ra từ bản phiên âm này tất yếu cũng có những BIẾN DẠNG nhất định.
Nói tóm lại là: nhiều dịch giả đang sử dụng một BẢN PHIÊN ÂM LỖI!
Bởi thế công việc của chúng ta bây giờ là xác định một BẢN PHIÊN ÂM CHUẨN, trước khi nghĩ đến việc dịch ra tiếng Việt.
3.
+Chúng ta hãy bắt đầu bằng câu thơ thứ 4:
翠竹斜飛翠夢魂
Bản phiên âm hiện thời:
TÚY trúc tà phi TÚY mộng hồn
Thế nhưng chữ 翠 không thể đọc là TÚY, mà chính xác là THÚY có nghĩa là XANH BIẾC.
Như năm xưa trong bài thơ Xuân Cảnh 春景 , Phật Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) từng viết :
共倚欄杆看翠微
Cộng ỷ lan can khán THÚY vi
Có nghĩa là:
Cùng tựa lan can ngắm khoảng xanh
+Kế đến là câu thơ thứ 6:
蹉跎素髮絆殘風
Bản phiên âm hiện thời:
TA ĐÀ tố phát bạn tàn phong
Thế nhưng hai chữ 蹉跎 không thể phiên âm là TA ĐÀ, mà chính xác là THA ĐÀ hay SA ĐÀ có nghĩa là LẦN LỮA, TRÌ HOÃN, DẦN DÀ.
Như Nguyễn Du (1766 -1820) từng viết trong bài thơ 桂林公館- Quế Lâm Công Quán:
蹉跎老自驚
Tha đà lão tự kinh
Có nghĩa là:
Lần lữa thấy cảnh già mà tự mình kinh sợ.
+Tiếp đến là câu thơ thứ 7:
一朝撒手懸崖下
Bản phiên âm hiện thời:
Nhất triêu CƯỚC LẠC huyền nhai hạ
Thế nhưng như trên đã nói, hai chữ 撒手 không thể phiên âm là CƯỚC LẠC, mà chính xác là TÁT THỦ hay TẢN THỦ có nghĩa là BUÔNG TAY!
+Cuối cùng là câu thơ thứ 8:
始把真空對墜紅
Bản phiên âm hiện thời:
Thủy bá chân không đối TỊCH HỒNG
Thế nhưng hai chữ 墜紅 không thể phiên âm là TỊCH HỒNG, mà chính xác là TRỤY HỒNG. Trong đó TRỤY có nghĩa là RƠI RỤNG.
Như năm xưa trong bài 春晚 Xuân Vãn- Chiều Xuân, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã viết:
春晚
年少何曾了色空,
一春心在百花中。
如今勘破東皇面,
禪板蒲團看墜紅。
Phiên âm:
XUÂN VÃN
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán TRỤY HỒNG
Tạm dịch nghĩa:
Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ SẮC KHÔNG
Mỗi lần xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa.
Hôm nay mới khám phá diện mạo chúa xuân,
Ngồi trên bồ đoàn ngắm CÁNH HOA RƠI
Như vậy cũng có thể hiểu chữ HỒNG 紅, trong TRỤY HỒNG, là CÁNH HOA, chứ không phải MÀU ĐỎ như nhiều dịch giả đã hiểu. [Dẫu chữ HỒNG này cũng còn có một nghĩa là màu ĐỎ]
Vâng. Hai chữ TRỤY HỒNG có nghĩa là HOA RƠI.
4.
Tới đây chúng ta đã có bản phiên âm chuẩn:
TỰ THUẬT
Tam thập niên tiền học KHỔ KHÔNG
Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân hoa bất cố xuân quang lão
THÚY trúc tà phi THÚY mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
THA ĐÀ tố phát bạn tàn phong
Nhất triêu TÁT THỦ huyền nhai hạ
Thủy bá chân không đối TRỤY HỒNG
Trước khi đi đến một bản dịch mới theo bản phiên âm mới, mời quý thân hữu và các bạn cùng tôi hiểu thêm một số từ ngữ trong bài thơ nguyên tác:
+KHỔ KHÔNG 苦空. Chữ KHỔ 苦 có nghĩa là khổ, cay đắng. Chữ Không 空 là trống rỗng. Đây là hai khái niệm trong Phật Giáo.
+KINH HÀM 經函 kinh sách.
+ĐÔI LŨY 堆絫 chất thành đống
+TÂY SONG 西窗 cửa sổ mở về phía Tây. Cũng có thể hàm ý mở về cõi Tây phương nhà Phật.
+ NHẪM NHIỄM 荏苒 có nghĩa thấm thoát. Như: Tháng năm thấm thoát trôi qua.
+ TRƯỜNG MI 長眉 có nghĩa là MÀY DÀI, BẠC chứ không phải là MI DÀI như hầu hết các bản dịch hiện có. Bởi chữ TIỆP 睫 hay TIỆP MAO 睫毛 mới có nghĩa là MI!
+ÁN 案 có nghĩa là cái bàn dài
+BẠN 絆 ngăn trở, vướng bận, vương vấn
+TÀN 殘 thiếu, tàn, còn sót lại
+PHONG 風 gió
+TỐ PHÁT 素髮 – tóc trắng.
+HUYỀN 懸 cách xa, treo, chơi vơi. Huyền nhai – là vách đá cheo leo.
+NHAI 崖 vách núi
+HẠ 下 dưới, bên dưới, đi xuống
+THỦY 始 bắt đầu, mới, trước
+BẢ 把 – cầm, nắm, giữ
…….
5.
Thầy Tuệ Sỹ đã đặt tựa cho bài thơ là 自述 TỰ THUẬT. Vậy tự thuật là gì?
Tự thuật có thể được định nghĩa là sự ghi chép lại những kỷ niệm, cảm xúc và suy nghĩ của cá nhân.
Đây là cách thể hiện bản thân qua ngôn từ, phản ánh những trải nghiệm sống độc đáo của từng người.
Tự thuật không chỉ đơn thuần là ghi chép mà còn là nghệ thuật.
Tác giả sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh và cảm xúc để tạo ra một tác phẩm sống động, giúp người đọc không chỉ hiểu mà còn cảm nhận được những gì tác giả đã trải qua.
Đặc điểm quan trọng nhất của tự thuật là SỰ CHÂN THẬT Tác giả thường viết từ trải nghiệm của chính mình, điều này tạo ra một cảm giác gần gũi và thực tế cho người đọc.
Bởi vậy sử dụng một BẢN PHIÊN ÂM LỖI
để cho ra một BẢN DỊCH SAI, một ví dụ cụ thể hai chữ 撒手 là TÁT THỦ – có nghĩa là BUÔNG TAY- rành rành ra đấy, vậy mà dám phiên âm thành CƯỚC LẠC, rồi dịch ra tiếng Việt là HỤT CHÂN – thì quả không tưởng tượng nổi! Và cũng thật là có lỗi với thầy Tuệ Sỹ.
Một bạn trẻ băn khoăn:
-Em không hiểu tại sao BẢN PHIÊN ÂM LỖI này lại được sử dụng một cách trang trọng trên những trang Phật Học và cả trong những cuốn sách đã xuất bản và mới xuất bản gần đây nữa mà không ai phát hiện?
Câu hỏi rơi vào khoảng không. Tất cả đều im lặng.
5.
Dù tôi nói rằng tôi phải cần thời gian dài để dịch bài thơ chữ Hán của thầy Tuệ Sỹ, nhưng trước sự khẩn khoản của các bạn trẻ, tôi có một bản tạm dịch- không phải theo thể thất ngôn bát cú Đường Luật- như sau:
Bản tạm dịch – NĐH tháng 11. 2024
TỰ THUẬT
Ba mươi năm học KHỔ KHÔNG này
Sách bày che cả cửa song tây
Nắng xuân tàn hoa xuân chẳng đoái
Trúc biếc nghiêng bay ngát mộng đầy
Mày bạc tháng năm sầu án cũ
Lâu rồi tóc trắng gió thôi bay
Buông bỏ sớm mai bên vách núi
Lòng không tựa mấy cánh hoa rơi
Tâm người đã đạt cảnh giới hư không. Như cánh hoa rơi cuối trời.
5.
Dẫu biết bài phân tích còn xa mới đi đến chỗ tận cùng, và bản dịch cũng chưa thấu đáo, chỉ mới dừng lại ở mức tạm dịch, nhưng bài viết muốn nói đến một thông điệp quan trọng: Hãy cẩn trọng khi phiên âm và dịch thuật những văn bản, nhất là khi văn bản đó lại là những bài thơ của một bậc đại trí như thầy Tuệ Sỹ, mà bài thơ Tự Thuật nói trên là một ví dụ.
Mong lắm thay!
Kính chúc quý thân hữu và các bạn trên mọi miền đất nước và những trái tim Việt Nam ngoài viễn xứ một tháng 12 mới hạnh phúc bình an, nhiều sức khỏe và niềm vui sáng tạo.
Trân trọng.
NGUYỄN ĐẠI HOÀNG