Hương khói trần gian cứ bay đi một phút thiên thu còn mãi

Một người vừa mới đi, cây cổ thụ còn đó, bóng mát mãi rợp sân chùa. Chuyện đời có những điều chúng ta không viết nó sẽ mãi mãi theo người ra đi. Người tài hoa thường giấu kín, tự khổ mình trong cõi mộng cô liêu, sự nghiệp của họ để lại chỉ biết khi họ đã khuất.

Chiều nay, ngày mùng 6 tháng 6 (15 tháng 7 năm 2021), nghe tin thầy Thích Bảo Quang an nhiên thị tịch tại chùa Linh Ứng, Bãi Bụt – Đà Nẵng (Việt Nam), sau một thời gian chống chọi với cơn bạo bệnh ung thư; lòng tôi thật bàng hoàng tiếc thương, một người nằm xuống để lại cho đời dư âm.

Có lẽ nhắc đến thầy Bảo Quang ít người biết đến thầy, ngoại trừ một số Tăng ni tại Nha Trang trước 75 và sau 75, hàng kỳ cựu quen thầy nhiều. Riêng Tăng ni sinh trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa khóa học của chúng tôi, năm 1994-1997 là biết nhiều. Sau năm 1997, trường Cơ bản (nay đổi tên Trung cấp) mở lớp học gọi là hậu Cơ bản, mục đích tài bồi thêm kiến thức Phật học và sinh ngữ, cổ ngữ cho Tăng ni sinh không đủ điều kiện thi vào trường Cao cấp Sài Gòn (tiền thân của Học viện Phật giáo Việt Nam bây giờ), khi ấy thầy dạy chúng tôi môn Hán văn dịch thuật. Tôi biết thầy lúc còn là học trò của thầy, sau tập tễnh bước theo con đường phiên dịch mới thân cận gần gũi với thầy nhiều hơn. Nghe đâu thầy là cựu học Tăng Phật học viện Trung phần Hải Đức Nha Trang, đến viện học vào năm 1964. Thầy Tuệ Sỹ hay khen ngợi thầy là Tăng sinh giỏi nhất khóa học năm đó.

Sau khi Học viện Hải Đức tan rã, cuộc đời của thầy cũng có nhiều biến cố thăng trầm, hạt giống bồ-đề qua bao lần lửa thiêu nước cuốn, hình hài có thay đổi nhưng mầm sống không hư hao. Trong lòng thầy luôn coi Ôn Đỗng Minh là ân nhân cứu mạng mình. Chính Ôn Đỗng đã sắp xếp cho thầy dạy học tại trường Cơ bản, bắt đầu lớp dịch thuật của chúng tôi. Thầy dạy tiếp một khóa nữa rồi xin Ôn Đỗng vào Sài Gòn, cư trú tại chùa Pháp Bảo, Thủ Đức, tham gia công tác phiên dịch và chứng nghĩa Kinh tạng, do Hòa thượng Tịnh Hạnh tổ chức. Công trình bộ Linh sơn pháp bảo đại tạng kinh do Hội văn hóa giáo dục Linh sơn Đài Bắc xuất bản, có sự đóng góp của thầy Bảo Quang rất lớn. Thêm một chuyện kỳ tích nữa trong cuộc đời của thầy là hiệu chính lại bộ Đại bát-nhã do Hòa thượng Thích Trí Nghiêm Việt dịch, được Ban bảo trợ phiên dịch Pháp tạng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ ấn hành năm 2003.

Ngoài niềm đam mê dịch thuật, thầy còn thỉnh thoảng nhảy ra ngoài ngôn ngữ tịch mịch của kinh Phật, làm thơ, mượn văn tự trút nỗi niềm. Thơ thầy làm chưa hẳn là xuất thần nhưng nội dung trạm trổ nhiều ưu sầu, dùng câu chữ để “truy niệm” một biến cố của quá khứ, bị đời bức bách đến chỗ kỳ cùng đớn đau. Tôi xin chép ra đây một bài với tựa “Tôi là ai”:

Tôi là kẻ ăn xin truyền thống,
Không ngửa tay và chẳng mở lời,
Tôi âm thầm nhận của khắp nơi,
Từ thành thị đến chốn bùn lấy nước đọng.
Tôi sống nhờ vào mồ hôi lao động,
Tôi sống nhờ vào trí óc nhọc nhằn,
Tôi sống nhờ vào cả những sự khó khăn,
Của những kẻ buôn bưng bán gánh.
Vậy có gì đâu mà tôi sanh kiêu hãnh,
Có gì đâu mà tôi phô vẻ giàu sang,
Tôi quên mình một kiếp sống lang thang,
Không nhà cửa không bạc tiền dính túi,
Đáng lẽ phải ẩn mình nơi đầu non gác núi,
Lại phây phây sống giữa thị thành,
Còn đặt bày lắm chuyện chấp tranh,
Ôm bản ngã phô trương thân thế.
Tội của tôi chất chồng không xiết kể,
Mà dửng dưng tưởng là chuyện tự nhiên.
Tôi ba hoa giảng dạy đạo Thánh hiền,
Mà thực chất chưa từng thực tập,
Chuyện của tôi hằng ngày tràn ngập,
Hết đàm thiên đến luận địa oang oang,
Tôi là ai đang sống giữa trần gian,
Là kẻ ăn xin quên đi cội gốc!

Năm Ôn Đỗng Minh viên tịch, thầy thay mặt Tăng ni Phật học viện Trung phần Hải Đức và Viện cao đẳng Phật học Hải Đức – Nha Trang, viết điếu văn tưởng niệm Ôn, lời văn: “Thầy là thầy dạy dỗ; thầy là cha dưỡng nuôi; thầy là anh dẫn dắt; thầy là tướng chỉ huy…” Thật sự đó là lời lẽ từ đáy lòng riêng tư của thầy hằng tôn kính Ôn dâng trào. Tôi tâm đắc thêm một đoạn nữa:

“…Một bậc chân Tăng mẫu mực, đạo lực cao dày,
Thế mà khi vận nước đổi thay, trở thành người có tội,
Tội bất thành văn ‘Tội nuôi Tăng, dạy chúng’!
Thầy bị sa vào vòng lao lý, chịu bao nỗi oan khiên.
Âu cũng là do nhân tâm thấp kém, thế sự đảo điên,
Ma đạo hoành hành, bày ra lắm trò trái thường nghịch lý.
Cốt là làm cho thầy nhụt đi ý chí, làm cho thầy thối thất đại tâm.
Nhưng tâm Bồ-đề thầy vẫn sáng trong,
Hạnh Bồ-tát vẫn không hề suy suyển…”

Năm 1978, Ôn vào Sài Gòn dự lễ tang của Cố hòa thượng Thiện Hòa, trên đường về bị bắt, giam giữ hai năm, với tội danh “nuôi Tăng, dạy chúng”. Ôn đã đi, trò ở lại nói lên uất ức của mình. Thầy thì im lặng, trò lại ngạo nghễ, giận giùm thầy cho chuyện thế nhân.

Tôi viết về thầy Bảo Quang từ một góc nhìn riêng tư, dễ dàng bàng quan đối với độc giả không hề quen biết thầy, cho tôi xin lỗi. Có những thứ biến mất nhưng không bao giờ chết. Những gì thầy làm tôi không viết không ai biết, không nói không ai hay, nếu không nó sẽ chìm vào hư vô quên lãng. Và chuyện của thầy cũng gợi lên trong tôi nhiều chuyện quá khứ, nó mang tính lịch sử trong nhà chùa, chuyện người này liên quan đến chuyện người kia. Đó là giáo lý Hoa nghiêm trùng trùng duyên khởi, vạn hữu dung nhiếp lẫn nhau, ba thời hợp thành hiện tại, “khoảnh khắc là thiên thu”. Do thầy Bảo Quang hiệu chính bộ kinh Bát-nhã của Ôn Trí Nghiêm dịch, sẵn tôi nhắc luôn chuyện câu đối. Ôn Trí Nghiêm tịch ngày 11 tháng 12 năm Nhâm Ngọ (2003); sau khi tháp của Ôn xây xong, Ôn Đỗng Minh dạy tôi thưa với thầy Tuệ Sỹ viết cho câu đối để khắc lên tháp Ôn Trí Nghiêm. Thầy Tuệ Sỹ làm câu đối chữ Nôm:

“Dòng đời in dấu chân chim sinh diệt đầy vơi trong mắt Tuệ.
Đỉnh tháp ửng hồng nắng quái sắc không lấp lánh động sương Từ.”

(𣳔𠁀印𧿫蹎𫚳生滅𧀟潙𡧲𥉴慧;
頂塔怏紅𣌝怪色空拉𪸝洞霜慈)

Thầy Tuệ Sỹ yêu nét chữ Nôm thuần Việt, dặn tôi viết Nôm rồi gửi vô cho thầy xem lại có dùng chữ đúng không, gửi ra gửi vô, sửa tới sửa lui mấy bận mới hoàn chỉnh; vậy mà thời điểm đó thiên hạ chuộng Hán học quên cội nguồn, cố tình im lặng, nấn ná cho đến khi Ôn Đỗng viên tịch và mãi đến bây giờ câu đối ấy chỉ nằm trong ký ức của người viết. Cũng như câu đối Ôn Trí Nghiêm làm trước cổng tam quan chùa Long Sơn ngày xưa:

“佛門真廣大南北東西晨昏出入要道心;
寶殿正尊嚴農工商學精進往來求福慧.”

(Phật môn chân quảng đại, nam bắc đông tây thần hôn xuất nhập yếu đạo tâm;
Bảo điện chánh tôn nghiêm, nông công thương học tinh tấn vãng lai cầu phước tuệ).

Tạm dịch:

Cửa Phật thật rộng mở, đông tây nam bắc sáng chiều ra vào cần tâm đạo.
Bảo điện chính tôn nghiêm, sĩ nông công thương tinh tấn vãng lai cầu phước tuệ.

Ngày nay, cổng chùa hùng vĩ choáng ngợp, khách vãng lai rất thích chụp hình trước khi xuống xe bước vào chùa. Nhưng lịch sử và công trạng của tiền nhân, của thầy tổ đã xóa sạch, không vết tích. Buồn thay câu đối viết cho Ôn và của Ôn làm giờ ở đâu?! Cứ cho là do khuyết duyên, như một biến thiên tất hữu của tảng mây tan tụ tụ tan trên biển trời bao la, song hậu thế đừng quên những gì của người đi trước đã để lại và cống hiến cho Phật giáo này. Ngẫm mà chạnh lòng.

“Chuyện đời ngắn ngủi mộng xuân,
Tình người mỏng mảnh như làn thu mây.”

Sau này, tổ đình Linh Sơn ở Vạn Lương, Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa xin thầy Tuệ Sỹ câu đối chữ Nôm kia, cho khắc lại tại vườn tháp sau chùa.

Khi việc biên tập Linh sơn pháp bảo đại tạng kinh hoàn tất, công viên quả mãn, thầy Bảo Quang về ở ẩn tại chùa Linh Ứng đỉnh Bà Nà, Đà Nẵng. Lâu lâu vào thăm Ôn Đỗng Minh, Ôn hỏi việc tu thế nào. Thầy thưa, việc tu của con mỗi ngày mỗi tiến bộ. Từ khi Ôn Đỗng tịch, cứ ngày húy kỵ của Ôn thầy luôn vào dự. Ngày húy kỵ vừa rồi (mùng 10 tháng 5, Tân sửu), dù thầy đang bệnh cũng hứa sẽ vào dự. Đại dịch tái bùng phát thầy không vào được. Giờ thì mãi mãi thầy không vào nữa.

“Nhạn kia bay vút lên trời,
Bóng chim nước lạnh biết nơi nào tìm.
Vô tình không để dấu chim,
Vô tâm nước giữ bóng chìm mà chi.”

Mùa an cư, Phật lịch 2565, tiết Tiểu thử, Tân sửu.
Bhikkhu Cittacakkhu

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận